2701. Một lòng chẳng quản mấy công,
2702. Khéo trong gặp gỡ cũng trong chuyển vần.
2703. Kiều từ gieo xuống duềnh ngân,
2704. Nước xuôi bỗng đã trôi dần tận nơi.
2705. Ngư ông kéo lưới vớt người,
2706. Ngẫm lời Tam Hợp rõ mười chẳng ngoa.
2707. Trên mui lướt mướt áo là,
2708. Tuy dầm hơi nước chưa lòa bóng gương.
2709. Giác Duyên nhận thật mặt nàng,
2710. Nàng còn thiêm thiếp giấc vàng chưa phai.
2711. Mơ màng phách quế hồn mai,
2712. Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa.
2702. Khéo trong gặp gỡ cũng trong chuyển vần.
2703. Kiều từ gieo xuống duềnh ngân,
2704. Nước xuôi bỗng đã trôi dần tận nơi.
2705. Ngư ông kéo lưới vớt người,
2706. Ngẫm lời Tam Hợp rõ mười chẳng ngoa.
2707. Trên mui lướt mướt áo là,
2708. Tuy dầm hơi nước chưa lòa bóng gương.
2709. Giác Duyên nhận thật mặt nàng,
2710. Nàng còn thiêm thiếp giấc vàng chưa phai.
2711. Mơ màng phách quế hồn mai,
2712. Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa.
tranh Mạnh Quỳnh (1917-1991)
Mơ màng phách quế hồn mai
Chú giải
- (2702) chuyển vần: chuyển vận, dời đi từ chỗ này đến chỗ khác.
- (2703) duềnh ngân: vũng nước, ghềnh nước có màu trắng như bạc. Xem chú giải (1053) duềnh.
- (2704) tận: chữ nôm khắc là 羡 (tiện). Âm cổ là “tạn”. § “tạn” = thấu đến nơi, sát một bên, cùng tột (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị). § Ghi chú câu 2704: tấm thân của Kiều, sau khi nhảy xuống sông tự tử, xuôi theo dòng nước trôi tới sát chỗ (thuyền của ông chài chờ sẵn để cứu vớt Kiều, như sư Giác Duyên đã liệu trước).
- (2705) ngư ông: người chài lưới đánh cá. Xem chú giải (2699) ngư phủ.
- (2706) ngẫm lời: (lược ngữ) Giác Duyên nghĩ ngợi kĩ càng về lời nói (tiên tri của sư Tam Hợp). Xem lại: Nhớ ngày hành cước phương xa, Gặp sư Tam Hợp vốn là tiên tri. Bảo cho hội hợp chi kỳ, Năm nay là một nữa thì năm năm. Mới hay tiền định chẳng lầm, Đã tin điều trước ắt nhằm điều sau (câu 2405-2410).
- (2706) Tam Hợp: xem chú giải (2406) Tam Hợp.
- (2706) rõ mười chẳng ngoa: ngoa = sai lầm, không đúng sự thật; rõ mười = mười phần rõ ràng cả mười. Cả câu: (lược ngữ) Giác Duyên nghiệm thấy lời tiên tri ngày trước của sư Tam Hợp đúng thật hoàn toàn.
- (2707) trên mui lướt mướt áo là: (lược ngữ, đảo ngữ) Kiều được đặt nằm trong thuyền, áo là (dệt bằng tơ mỏng) còn ướt đẫm nước sông. § Khảo dị: 2 chữ “lướt mướt” có nhiều âm đọc khác nhau: “lướt sướt”, “lướt rượt”, “ướt lột”, “rét lụt”…
- (2708) tuy dầm hơi nước chưa lòa bóng gương: (lược ngữ) Kiều tuy còn ướt dầm nước sông nhưng sắc mặt vẫn còn tươi sáng như gương.
- (2710) giấc vàng: giấc mộng kê vàng; (nghĩa bóng) nằm mơ thấy được vinh hoa phú quý. Cũng có thể hiểu giản dị là giấc ngủ say. Xem chú giải (1715) hoàng lương.
- (2711) phách quế: quế phách 桂魄 chỉ mặt trăng. Theo truyền thuyết, trên mặt trăng có cây quế.
- (2711) hồn mai: giấc ngủ say. Xem chú giải (1715) hồn mai. § cả câu 2711: Kiều mơ màng chưa tỉnh như còn ở trên cung trăng. Ghi chú: xem lại mấy câu tương tự trong lần Kiều bị bắt cóc từ Lâm Tri đưa về nhà Hoạn bà ở Vô Tích: Vực nàng tạm xuống môn phòng, Hãy còn thiêm thiếp giấc nồng chưa phai. Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai, Cửa nhà đâu mất lâu đài nào đây? (câu 1713-1716).
- (2712) Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa: (lược ngữ) Kiều còn mê man chưa tỉnh chợt nhìn thấy Đạm Tiên — nàng ca nhi ngày xưa đã đến báo mộng với mình, sau lần đi lễ Thanh Minh ở đầu truyện. Xem lại: Ngay ngày chơi mả Đạm Tiên, Nhắp đi thoắt thấy ứng liền chiêm bao. Đoạn trường là sổ thế nào, Bài ra thế ấy vịnh vào thế kia (câu 0229-0232).