2821. Vội về sửa chốn vườn hoa,
2822. Rước mời viên ngoại ông bà cùng sang.
2823. Thần hôn chăm chút lễ thường,
2824. Dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa.
2825. Đinh ninh mài lệ chép thư,
2826. Cắt người tìm tõi đưa tờ nhắn nhe.
2827. Biết bao công mướn của thuê,
2828. Lâm Thanh mấy độ đi về dặm khơi.
2829. Người một nơi hỏi một nơi,
2830. Mênh mông nào biết bể trời nơi nao?
2831. Sinh càng thảm thiết khát khao,
2832. Như nung gan sắt như bào lòng son.
2822. Rước mời viên ngoại ông bà cùng sang.
2823. Thần hôn chăm chút lễ thường,
2824. Dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa.
2825. Đinh ninh mài lệ chép thư,
2826. Cắt người tìm tõi đưa tờ nhắn nhe.
2827. Biết bao công mướn của thuê,
2828. Lâm Thanh mấy độ đi về dặm khơi.
2829. Người một nơi hỏi một nơi,
2830. Mênh mông nào biết bể trời nơi nao?
2831. Sinh càng thảm thiết khát khao,
2832. Như nung gan sắt như bào lòng son.
Chú giải
- (2822) rước: # chữ nôm khắc sai thành “liền” 連 (liên). Chữ đúng: “rước” 逴 (trác).
- (2823) thần hôn: sớm tối thăm hỏi cha mẹ. Xem chú giải (0918) thần hôn.
- (2823) lễ thường: nghi lễ thông thường. Xem chú giải (1669) lễ thường.
- (2824) dưỡng thân: nuôi nấng cha mẹ. Trang Tử 莊子: Khả dĩ bảo thân, khả dĩ toàn sanh, khả dĩ dưỡng thân, khả dĩ tận niên 可以保身, 可以全生, 可以養親, 可以盡年 (Dưỡng sanh chủ 養生主) Có thể giữ được thân mình, có thể toàn được sống, có thể phụng dưỡng cha mẹ, có thể hưởng hết tuổi trời.
- (2825) đinh ninh: dặn dò, dặn đi dặn lại nhiều lần, nói đủ mọi điều. Xem chú giải (0537) đinh ninh.
- (2825) mài lệ chép thư: nhỏ nước mắt mài mực viết thư từ. Vương Bàn khốc Văn Văn San thi 王磐哭文文山詩 Lão phu hòa lệ tả tân thi 老夫和淚寫新詩 Lão đây hòa nước mắt viết bài thơ mới. Đây là một bài thơ khóc Văn Thiên Tường 文天祥 (1236-1283), đời Tống, tác giả bài Quá Linh Đinh Dương 過零丁洋. # chữ nôm “lệ” khắc là: “giọt” ⿰氵突 (bộ Thủy+đột). Tạm ghi theo bản Duy Minh Thị 1872 là: “lệ” 淚 (lệ).
- (2826) tìm tõi: tìm tòi. # chữ nôm thứ hai khắc là “dõi” 隊 (đội). § “tìm dõi” nghĩa như “tìm tòi”. Tạm ghi âm đọc là “tìm tõi” theo nhiều bản quốc ngữ phổ biến khác.
- (2826) đưa tờ nhắn nhe: (lược ngữ) đưa tờ thư nhắn gửi điều gì đó. # chữ nôm “nhe” khắc sai thành ⿰口加 (bộ Khẩu+gia). Tạm ghi theo bản Duy Minh Thị 1872: “nhe” ⿰口而 (bộ Khẩu+nhi).
- (2828) Lâm Thanh: chỗ Mã Giám sinh khai là quê của mình lúc đến mua Kiều, sau việc Vương viên ngoại bị vu cáo ở đầu truyện. Xem chú giải (0626) Lâm Thanh. Xem lại: Hỏi tên rằng: Mã Giám sinh. Hỏi quê, rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần (câu 0625-0626). # chữ nôm khắc sai là “Lâm Tri” thay vì “Lâm Thanh”.
- (2828) dặm khơi: dặm xa, đường xa. Xem chú giải (0915) mù khơi. 2 câu 2827-2828 ứng với đoạn trước: Bao nhiêu của mấy ngày đàng, Còn tôi tôi một gặp nàng mới thôi (câu 2817-2818).
- (2829) người một nơi hỏi một nơi: (lược ngữ) Kiều ở một nơi (Lâm Tri) mà Kim Trọng cho người đi tìm ở nơi khác (Lâm Thanh). Ghi chú: sau khi phải bán mình chuộc cha, Kiều theo Mã Giám sinh đi đến nhà Tú bà ở Lâm Tri, nhưng có lẽ người cho tin tức về Kiều không biết là Mã Giám sinh đã nói dối rằng quê mình ở Lâm Thanh.
- (2830) mênh mông: to, lớn, rộng, rộng lớn. Xem chú giải (2635) mênh mông.
- (2832) gan sắt: gan cứng như sắt; (nghĩa bóng) gan dạ cứng cỏi.
- (2832) lòng son: lòng trung không bao giờ thay đổi. Xem chú giải (1042) tấm son. Ghi chú: (lược ngữ) Kim Trọng nhớ Kiều tha thiết, ruột gan như nung như nấu, như cào như xé, lòng mong muốn được gặp lại Thúy Kiều không lúc nào nguôi (câu 2831-2832).