Menu Đóng

Chính Biên 21

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ XXI

Từ tháng 10 mùa đông năm Đinh Hợi, Quang Thuận thứ 8 (1467) đến năm Canh Dần, Hồng Đức nguyên niên (1470) đời Lê Thánh Tông, gồm 3 năm lẻ.

Tháng 10, mùa đông. Người nước Ai Lao xin phụ thuộc vào nước ta. Nhà vua không nhận.

Ai Lao từ khi thua trận ở Khâu Lao2067 , bộ lạc tan vỡ, đến nay, tên Hô Lung, một đảng trong bộ lạc, mới xin phụ thuộc vào nước ta. Nhà vua cho rằng bọn ấy là người mê muội, bụng dạ không nhất định, nên từ chối không nhận.

Lời chua – Ai Lao: Xem Triệu Việt Vương năm thứ 3 (Tiền biên VI, 9-10).

Thi khảo các quân sĩ về võ nghệ, định lệnh thưởng phạt khác nhau.

Nhà vua chuẩn định ba năm một kỳ thi khảo các quân sĩ về võ nghệ. Cứ đến mùa đông từng kỳ, hạ lệnh cho quan khảo xét sự giảng tập của quân thủy, quân bộ, quân thị hậu và quân ngoài các đạo, nhân đấy định cách thức thưởng phạt: binh sĩ nào thắng luôn 4 tao được thưởng một chiếc áo và một quan năm tiền sử tiền; 3 tao thắng 1 tao bình, được thưởng một chiếc áo; 2 tao thắng 2 tao bình, được thưởng 6 tiền sử tiền; 1 tao thắng, 3 tao bình, được thưởng 3 tiền sử tiền; 4 tao đều bình được cấp cho tiền cơm là 20 đồng sử tiền. Ngược lại, binh sĩ nào thua cũng phải phạt như thế.

Nhà vua hạ sắc lệnh cho các vệ các ti Thần võ, Du nỗ, Thần tí, Vũ Lâm và Ngũ Oai; mỗi khi binh sĩ đến phen túc trực, đều thay đổi từng ban chuyên tập võ nghệ; binh sĩ ở vệ Ngũ Oai và các sở Súng Nỗ thuộc các vệ ở các đạo ngoài kinh thành đều được nghỉ việc sai phái về tạp dịch, liệu lượng định số người canh giữ, còn bao nhiêu người đều phải chuyên tập võ nghệ, ban nào tập xong, quan sẽ xét duyệt lại và thưởng phạt theo như lệ định.

Lời chua – Sử tiền, cổ tiền: Sách Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn chép: “Người Trung quốc tính một trăm đồng là một tiền, nước ta tính mỗi tiền 36 đồng, gọi là sử tiền, mỗi tiền 60 đồng, gọi là cổ tiền. Như vậy, 10 tiền của sử tiền, hay là cũng gọi một quan sử tiền, tức là 6 tiền của cổ tiền; còn 10 tiền của cổ tiền tức là 1 quan 6 tiền 40 đồng2068 của sử tiền. Sử tiền còn có tên riêng là tiền gián; cổ tiền tên riêng là tiền quý.

Vệ Ngũ Oai: Các vệ Phấn Oai, Chấn Oai, Hùng Oai, Lôi Oai và Tuyên Oai gọi là vệ Ngũ Oai, đều thuộc ngũ phủ quân. Xem năm Quang Thuận thứ 7 (Chính biên XX, 3- 5).

Dời quân doanh trấn thủ An Bang đến Bài Lẫm.

Lời chua – Bài Lẫm: Nay không khảo cứu được.

Thừa chính sứ Thanh Hóa dâng một sọt tơ ươm bằng cái kén của thứ sâu ở đồng nội, nhà vua không nhận.

Lời chua – Thừa chính sứ Thanh Hóa: Không rõ tên.

Bột Lân, thổ tù nhà Minh, xâm phạm châu Hạ Lang.

Bột Lân, thổ quan châu An Bình nhà Minh, đem tám ngàn quân, ba trăm ngựa xâm phạm châu Hạ Lang, bị quân ta đánh bại, bọn Bột Lân phải chạy về, chia nhau giữ cửa biên giới, Trấn thủ Thái Nguyên là bọn Đào Viện và Lê Bá Đạt xin đưa thư cho Lân hỏi về duyên cớ khởi binh. Nhà vua y cho.

Lê Luyện, tổng binh Lạng Sơn, cho người chạy ngựa về kinh báo cáo về việc tổng binh tỉnh Quảng Tây nhà Minh điều động tập họp mười ba vạn binh mã đóng châu Ngô, châu Tầm nói phao lên là sửa sang khe cừ cầu đường ở các nơi ven biển để đem quân đánh giặc Mán ở Liêm Châu. Nhà vua hạ lệnh cho các quan trong triều hội bàn, Thái bảo là bọn Nguyễn Lỗi đều nói: “Nước ta chỉ nên giữ cửa ải cho kiên cố, việc bọn kia làm, không có gì đáng lo ngại”.

Lời chua – Châu Hạ Lang: Xem Lý Thái Tông, năm Kiền phù hữu đạo thứ 3 (Chính biên III, 3).

Châu An Bình: Theo Đại Thanh nhất thống chí : Châu An Bình thuộc phủ Thái Bình tỉnh Quảng Tây.

Châu Ngô, châu Tầm: Xem Lý Thái Tông, năm Sùng Hưng đại bảo thứ 5 (Chính biên III, 18-19).

Liêm Châu: Tức Thái Bình quân, xem Lê Đại Hành, năm Hưng Thống thứ 2 (Chính biên I, 25-26).

Lạng Sơn: Xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 19, 31).

Trăm quan dâng tờ biểu xin nhà vua xưng đúng tôn hiệu; nhà vua không nhận lời.

Trước kia, khi Thái Tổ lên ngôi vua, bầy tôi làm tờ biểu dâng đế2069 hiệu, Thái Tổ nhún nhường không chịu nhận, phàm cho ban hành tờ chiếu tờ cáo đều xưng là vương2070 ; đến đời Thái Tông, Nhân Tông vẫn theo vương hiệu. Kịp khi nhà vua vào triều đường nối ngôi vua, Lễ bộ thị lang Lương Như Hộc và Nguyễn Đình Mỹ thường lấy cớ là thời tiết hòa thuận, hòa cốc phong đăng, muôn dân yên lành, mọi vật sinh nở, xin dâng tôn hiệu; nhà vua không nhận lời. Đến nay, đại thần và trăm quan dâng biểu cố xin. Nhà vua nói: “Tôn hiệu hoàng đế, trẫm chưa dám nói đến. Nay trẫm xưng với quần thần là hoàng thượng, xưng ở nhà thái miếu là tự hoàng, như thế cũng đã đủ phân biệt với hiệu “vương”2071 của các vương khác rồi, các ngươi nên thể tất ý của trẫm.

Đợi mấy năm sau nữa, nếu thấy trên được trời giúp, dưới được dân yên, mưa thuận, gió hòa, nước nhỏ mến đức, nước lớn sợ oai, lúc bấy giờ bàn đến tôn hiệu”. Trăm quan lại dâng biểu xin rằng: “Bệ hạ đã xứng ở ngôi chí tôn, cần phải xưng tôn hiệu một cách chính xác”. Nhà vua không theo.

Lời cẩn án – Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, Lê Thái Tổ năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) bầy tôi làm tờ biểu dâng đế hiệu, vua Thái Tổ nhún nhường không nhận, phàm tờ chiếu, tờ cáo đều xưng “đại vương”. Như thế, đủ tỏ ra rằng đời Lê Thái Tổ chưa xưng đế hiệu; đến như việc xưng hiệu của Thái Tông và Nhân Tông tuy không có văn kiện rõ rệt, nhưng cứ xem như Thánh Tông lên ngôi vua đến nay đã 8 năm, bầy tôi mới xin dâng đế hiệu, thì có thể biết rằng nhà Lê từ Thái Tông, Nhân Tông trở về trước đều xưng vương hiệu. Tuy thế, Thánh Tông đối với bầy tôi xưng là hoàng

thượng, đấy là nghĩa thông thường, còn đối với nhà thái miếu mà xưng là tự hoàng, thì thấy nghĩa ở kinh điển nào? Sau này đối với nhà thái miếu lại còn xưng là quốc hoàng2072 nữa. Đến như tờ chế, tờ cáo ban cho bầy tôi cũng xưng là hoàng thượng2073 thì thật không có kinh điển nào cả. Vì thế nên người làm vua lúc bắt đầu xây dựng công việc, cần nhất là phải kê cứu vào điển lễ đời cổ. Tháng 11. Xét tội những tù phạm hiện giam trong ngục.

Nhà vua hạ sắc lệnh cho tể thần2074 lúc xét tội những tù phạm hiện giam, phải có quan chức của Đại lý tự, nếu người có tội kêu là xét oan, thì cho quan chức của Đại lý tự cùng người có tội biện bạch bẻ bác với nhau.

Nguyễn Phục, đô chỉ huy, giữ việc vâng tờ chiếu của vua xét hỏi hình ngục mà không khám xét được mau chóng, để việc hình ngục phần nhiều đình trệ. Nhà vua hạ lệnh cho gián quan2075 là bọn Trần Thốc xét hỏi về tội chậm trễ của Nguyễn Phục.

Thi nho thần2076 ở Phượng Nghi đường.

Nhà vua cho triệu những người trước đã đỗ tiến sĩ hện làm việc ở các nha môn là bọn Lê Đình Tuấn cùng với bí thư giám là bọn Lương Thế Vinh, cộng 30 người, đến Phượng Nghi đường. Nhà vua ra đầu bài để khảo thí bọn này. Trong số ấy có thị chế Dương Như Châu vì học nghiệp không tiến, phải xuất ra làm Hồng lô tự thừa.

Lời chua – Phượng Nghi đường: Nay không khảo cứu được.

Khôi phục quan chức cho Nguyễn Như Đổ.

Nguyễn Như Đổ trước kia làm thượng thư bộ Lại, vì lựa chọn ghi chú việc bổ dụng người không được minh bạch, nên bị cất chức, đến đây nhà vua lại triệu vào triều cho khôi phục lại chức cũ.

Nguyễn Như Đổ thường xin cho giáo thụ2077 được cất nhắc lên chức tri huyện2078 . Nhà vua nói: “Giáo thụ cần phải để giữ chức vụ lâu dài, mới có thể mong họ giáo dục học trò thành người tài giỏi được. Nhà ngươi giữ chức vụ lựa chọn cân nhắc để bổ sung các chức, nếu dám có điều gì thay đổi, tội ấy không phải nhỏ đâu!”.

Nguyễn Như Đổ thường xin cho Quản lãnh2079 Lê Bốc được giữ chức Tổng tri2080 , nhà vua nói: “Lê Bốc có bệnh tê, yếu đuối không thể làm gì được; thế mà nhà ngươi hai ba lần xin cất nhắc hắn lên, nhà ngươi thật là một viên quan gian giảo”.

Lời phê – Đã biết là người gian giảo, sao lại còn dùng? Xét duyệt số hộ người Chiêm Thành.

Khoảng niên hiệu Thái Hòa (1443-1453), người Chiêm Thành sang quy phụ nước ta, tất cả trai gái hơn 200 người, lúc ấy đã phân phối họ đến ở các đạo. Nay nhà vua hạ lệnh xét duyệt số hộ khẩu của

họ có bao nhiêu người, định cách kiềm chế để họ được theo một phạm vi nhất định; cấm nhà quan, nhà tư không được dùng họ làm nô tì.

Hoàng trùng phát sinh ở Bắc Đạo.

Ở Bắc Đạo nhiều nơi phát sinh hoàng trùng. Thừa chính sứ là bọn Lê Văn Khác không biết đem việc ấy tâu bày, chỉ ngồi nhìn sự tai hại của dân, nên mỗi người đều bị giáng chức một cấp.

Nhà vua nhận thấy cái thành ở hoàng cung vừa thấp vừa nhỏ, hạ lệnh cho bọn Trịnh Công Lộ, hữu đô đốc phủ Đông quân, đốc thúc quân ngũ phủ đắp thành ấy; sau đó vì năm ấy dân bị đói, giá gạo cao, bèn thôi không đắp nữa.

Lời chua – Bắc Đạo: Xem Lê Thái Tổ năm Thuận Thiên thứ 6 (Chính biên XV, 5).

Tháng 12. Làm lễ tế hưởng về mùa đông, bắt đầu từ lễ này trong chúc từ xưng là “Hiếu tôn quốc hoàng”.

Trước đây, tế ở thái miếu, trong chúc từ xưng là tự hoàng2081 , đến nay tế về tiết mùa đông, xưng là hiếu tôn quốc hoàng2082 . Danh hiệu “quốc hoàng” bắt đầu từ đây. Còn những tờ chế, tờ cáo ban cấp bầy tôi đều xưng là “hoàng thượng chế cáo”. Tờ chế, tờ cáo xưng là hoàng thượng cũng bắt đầu từ đấy.

Lời phê – Hai chữ “quốc hoàng” rất trái nghĩa và quê mùa. Như thế, sao lại gọi là người sùng thượng văn học được? Khôi phục quan chức cho Lê Thiệt.

Trước đây, Thiệt giữ chức Tây quân tả đô đốc, can tội tham tang, bị bãi2083 . Đến nay, nhà vua xét thấy tài của Thiệt có thể dùng được, hạ lệnh cho trả lại chế mệnh phong cho Thiệt mà bị thu hồi từ trước.

Hạ chiếu cho các quan đề cử những viên huyện lệnh cương trực.

Nhà vua hạ lệnh cho các quan trong triều xét những viên huyện lệnh nào là người cương trực dám đấu chọi với kẻ gian tà, thì mỗi viên quan trong triều đều được đề cử một người. Lúc ấy, Nguyễn Như Đổ, thượng thư bộ Lại, đề cử bọn Nguyễn Thế Mỹ tám người để ứng tuyển. Nhà vua xét thấy những người ấy đều mới ra làm quan, tài cán tầm thường, nên lại hạ lệnh cho cử lấy mười người hiện làm quan trong kinh từ hàng ngũ phẩm trở xuống. Lúc ấy Thái bảo Lê Niệm cử Công khoa cấp sự trung Lương Thế Vinh; Đô đốc Trịnh Văn Sái cử Hội khoa cấp sự trung Đặng Thục Giáo; Thượng thư Trần Phong cử Thượng bảo tự khanh Dương [Tông] Hải2084 . Nhà vua xem tờ tâu của bọn Lê Niệm, thấy những người được đề cử nhiều người làm quan không xứng với chức vụ, bèn lựa bỏ họ tên bọn Lương Thế Vinh, chỉ để lại tên hai người ở trong hàng tuyển cử, là: giáo thụ Nguyễn Nhân Tùy và Tri huyện Đinh Bô Cương. Nhân đấy, nhà vua phê rằng: “Lục bộ, lục khoa và Ngự sử đài nếu ai đề cử không phải người tốt, sẽ luận vào tội giáng chức hoặc bãi chức, nếu cử được người xứng đáng, quyết nhiên sẽ được trọng thưởng”. Rồi sai trung quan đem lời phê ấy bảo cho quần thần biết, thì không ai là không phục tài xét đoán sáng suốt của nhà vua.

Lời phê – Tình trạng lúc bấy giờ thế nào khó biết rõ được, mà chỉ thấy làm như thế, thì việc ấy ta cũng chưa thể tin được2085 Lời chua – Đinh Bô Cương: Người làng Cao Môn, huyện Thanh Chương2081 .

Mở khoa thi hoành từ.

Quan viên từ tứ phẩm trở xuống đều được dự thi, số ứng thi gồm 30 người họp ở Phượng Nghi đường, nhà vua tự mình thân ra đầu bài thi. Khoa thi này, bọn Lang trung Nguyễn Tường và Lê Đình Tuấn, Tri huyện Nguyễn Nhân Thiếp và Đào Thuấn Cử, Viên ngoại lang Phạm Như Lam và Trần Quý Huyền đều dự trúng tuyển. Tất cả những người này đều được vào học tại Bí thư giám.

Lời chua – Phép thi khoa hoành từ: Theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, thì thí sinh dự khoa hoành từ phải làm các bài thơ, phú, tán, tụng, ca, châm, không có thể thức nhất định.

Nguyễn Tường: Người làng Cao Cương, huyện Tân Phong, đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) năm Quang Thuận.

Đào Thuấn Cử: Người làng Thuần Khang, huyện Siêu Loại, đỗ đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1466) năm Quang Thuận.

Hạ chiếu chọn các quan trong kinh thành ngoài các đạo lấy người nào có đức nhân từ, khoan hậu, sáng suốt, thành thực để bổ vào làm việc ở ty hình ngục.

Lúc ấy, Lang trung và Viên ngoại lang ở Bộ Hình là bọn Phạm Cấm và Đàm Văn Thông xét việc hình ngục phần nhiều oan uổng và quá đáng. Những người bị xử oan, thường thường kêu nài, cáo tố ở nơi triều đường. Nhà vua lấy làm chán ghét, nên hạ lệnh cho Nguyễn Như Đổ chọn các viên chức trong kinh thành, ngoài các đạo người nào có đức nhân từ, khoan hậu, sáng suốt, thành thực thì cất nhắc lên để thay thế bọn kia.

Lời chua – Phạm Cấm: Người làng Vân Nội, huyện Chương Đức, đỗ đồng tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) năm Quang Thuận.

Bảo Tỉ2087 truyền quốc đã khắc xong.

Trước đây, bàn về việc khắc bảo tỉ truyền quốc, nhà vua bảo bọn tể thần nên dùng những chữ “Thiên nam hoàng đế chi bảo”. Nguyễn Cư Đạo, quyền Thượng thư bộ hộ, cho rằng hai chữ “Thiên nam” hầu như chữ mới sáng tác, không bằng chữ “Thuận thiên thừa vận chi bảo” đối với nghĩa được xác đáng hơn. Nhà vua sai bầy tôi hội bàn. Bí thư giám học sĩ là bọn Lương Như Học tâu nói: “Tham khảo trong sách Văn hiến thông khảo (Trung Quốc) thì nên dùng những chữ “Hoàng đế thụ mệnh chi bảo”. Việc khắc chữ vào bảo tỉ lúc ấy mới quyết định. Nhà vua mới làm lễ cáo nhà thái miếu để khắc chữ. Đến nay bảo tỉ đã khắc xong, lại ra lệnh cho thái sư Đinh Liệt đem lòng kính cẩn của nhà vua làm lễ cáo nhà thái miếu.

Lê Bá Tu, giám sát ngự sử Nam Đạo, phải giáng chức làm tri châu.

Lê Bá tu làm ngự sử dâng sớ cực lực nói về việc sai lầm về chính sự lúc bấy giờ, lời sớ trái ngược với ý nhà vua, nên Bá Tu bị xuất ra làm tri châu Lộng Nguyên, phủ Bắc Bình.

Lời chua – Châu Lộng Nguyên: Từ đời nhà Lý trở về trước gọi là châu Quảng Nguyên; nhà Lê, năm Quang Thuận đổi là châu Lộng Nguyên, năm Hồng Đức đổi làm châu Quảng Uyên; nay đổi làm huyện, thuộc tỉnh Cao Bằng2088 .

Khơi vét Liên Cảng ở Thuận Hóa cùng các cảng ở Thanh Hóa và Nghệ An.

Lời chua – Liên cảng: Xem Hồ Hán Thương, năm Khai Đại thứ 2 (Chính biên XII, 5).

Các cảng ở Thanh Hóa: Ngọc Giáp cảng ở huyện Quảng Xương; Lẫm Cảng và Chiếu Bạch cảng đều ở huyện Tống Sơn; Vi cảng ở huyện Hoằng Hóa; Linh Trường cảng ở huyện Hậu Lộc; Thần Phù cảng ở huyện Nga Sơn; Hải Yến cảng ở huyện Đông Sơn; Đồng Hòa cảng và Trầm Mông cảng đều ở huyện Ngọc Sơn.

Các cảng ở Nghệ An: Xước cảng và Tang cảng đều ở huyện Quỳnh Lưu; My cảng ở huyện An Thành; Thiết cảng, Hương Cái cảng và Đích cảng đều ở huyện Hưng Nguyên; Na cảng ở huyện Cẩm Xuyên; Lạc cảng ở huyện Kỳ Anh.

Mậu Tí, năm thứ 9 (1468). (Minh, năm Thành Hóa thứ 4). Tháng giêng, mùa xuân. Định thể lệ thuyên chuyển cất nhắc những viên quan giữ chức nơi biên viễn.

Trước đây, có sắc lệnh cho viên quan nào giữ chức ở nơi biên viễn đủ 9 năm thì được điều động giữ chức ở nơi kinh huyện2089 . Đến nay nhà vua ra sắc lệnh: phàm quan viên giữ việc ở nơi biên viễn lam chướng, người nào biết hết lòng vỗ về thương yêu nhân dân, không nhũng nhiễu về việc thúc giục tô thuế mà thuế khóa vẫn được đủ số, thì khi mãn hạn 6 năm chuẩn cho được đổi về chỗ thủy thổ lành; nếu người nào thác thốn, thì lại đổi đi nơi biên viễn, đợi đủ 6 năm sẽ lượng xét để cho thuyên chuyển.

Tháng 4, mùa hạ. Đại hạn. Định thể thức về thư khế.

Hồi đầu triều Lê, thư khế ở dân gian chưa có thể thức nhất định. Đến nay nhà vua hạ lệnh cho bộ Lễ bàn định thể thức văn khế2090 để ban hành ở dân gian.

Tháng 8, mùa thu. Nhà vua đi tuần du đến Lam Kinh.

Nhà vua cùng Hoàng thái tử, Kỳ quận công Lê Niệm và bầy tôi tùy tùng là bọn Lê Hoằng Dục, Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo, vua tôi thay đổi nhau liên tục làm bài ca, sáng tác tập thơ Anh khoa hiếu trị .

Lời chua – Lê Hoằng Dục: Người làng Hải Lịch, huyện Lôi Dương, con một công thần khai quốc là Lê Văn Linh.

Đỗ Nhuận: Người Kim Hoa, đỗ đồng tiến sĩ khoa Bính Tuất (1466) năm Quang Thuận.

Tháng 10, mùa đông. Trần Phong phạm tội, giao xuống cho Hình quan xét nghĩ.

Lúc ấy, Lê Bô phạm tội tham tang, phải luận vào tội kình2091 . Trần Phong xin cho Lê Bô được nộp tiền chuộc tội. Nhà vua bảo bầy tôi trong triều rằng: “Trần Phong xin cho người can tội tham tang được nộp tiền chuộc, như thế thì người giàu có nhiều của đút lót mà khỏi tai vạ, người nghèo vì không có tiền mà chịu tội lỗi, thế là Trần Phong dám làm trái cả phép tắc của tổ tông, thiện tiện tác uy tác phúc, để làm hại cả nước. Vậy hạ lệnh cho pháp ti xét xử trị tội theo những luật định”.

Trần Phong là người hay ton hót. Lúc ấy bố người vợ cả của vua là Nguyễn Đức Trung và cậu vua là Nguyễn Yên vừa có quyền thế vừa được vua yêu không ai sánh bằng. Phong dùng mánh khoé siểm nịnh để phụng sự hai người này. Một hôm, vì dư luận áp bức, Phong phải đàn hặc sự trái phép của Đức Trung; chiều hôm ấy, Phong đến nhà Đức Trung để xin lỗi. Phong lại thường xin dâu gia với Nguyễn Yên, suốt ngày đứng lạy ở sân nhà Nguyễn Yên, Yên mới nhận lời. Nhà vua bảo với Nguyễn Như Đổ rằng: “Trần Phong là người ngoài mặt làm ra nghiêm nghị, mà trong bụng thì nhu ác, phát ngôn một

cách sơ suất. Đến như hắn ton hót phụng sự bọn quyền quý: liếm mụn cho Đức Trung, mút ung thư cho Nguyễn Yên2092 đấy là mánh khoé sở trường của hắn dùng để tiến lên chức quan cao cả”.

Bổ dụng Phạm Phổ, thái tử thị giảng2093 , làm quan chỉ huy.

Phổ, trước đây đỗ tiến sĩ, từng giữ chức quan thái tử thị giảng. Đến nay 3 lần dâng tờ tâu xin bổ sung chức quan võ, nhà vua khen là người có chí, cho nên được đặt cách bạt bổ. Tiến sĩ được cất nhắc sang chức quan võ bắt đầu từ đây.

Phổ muốn cho quyền vị của mình được vững vàng, mới nịnh hót nương nhờ mụ Đồng Đào là huy nhân trong bọn nữ quan, cầu xin với mụ ấy đem con gái mình tiến nạp vào trong cung. Nhà vua dụ bảo bầy tôi trong triều rằng: “Phổ chỉ là một người bầy tôi hại nước mà thôi”. Sau nhà vua bãi chức quan chỉ huy của Phổ.

Lời chua – Phạm Phổ: Người làng An Bài, huyện Bình Lục.

Huy nhân: Theo quan chế đời Hồng Đức, Huy nhân là quan hàm của nội mạng phụ2094 , phẩm trật vào hàng tùng tam phẩm.

Tháng 11. Người hoạn giả là Phan [Tông] Trinh2095 phạm tội, giao xuống quan giữ hình ngục xét, luận vào tội chết.

Lúc ấy, hoạn giả là bọn Nguyễn Thư, Chu Đức Đại, Dương Minh Phong, Ngô Át và Phan Trinh can tội ăn của đút. Pháp ti luận Phan Trinh vào tội tử hình, còn bọn Nguyễn Thư đều được theo sự khoan hồng giảm nhẹ tội. Ngự sử là bọn Trần Thốc và Nguyễn Văn Chất nói: “Bọn Nguyễn Thư, Phan Trinh đều là thân phận là người gần vua mà ăn của đút, quan giữ việc pháp luật cầm cán cân công bằng, đáng phải luận bọn này vào tử hình, nay nghị bọn Nguyễn Thư được theo sự khoan hồng giảm nhẹ tội, mà một mình Phan Trinh bị tử hình, như thế thì pháp luật không làm cho thiên hạ tin là công bằng được”. Nhà vua nói: “Bọn Nguyễn Thư ăn của đút, tội của chúng đáng phải chết, nay ta không giết, là còn mong một ngày kia chúng đổi lỗi, để phòng có khi sai khiến đến. Còn như Phan (Tông) trinh làm con nuôi của hoạn quan tên là Hiền, sau khi tên Hiền chết, Trinh lấy cướp vợ của Hiền; năm trước Trinh lại giao hợp đùa bỡn với một cung nữ, hai tội ấy đều nặng cả, nay luận vào tội chết là đáng lắm”.

Kỷ Sửu, năm thứ 10 (1469). (Minh, năm Thành Hóa thứ 5). Tháng 2 nhuận, mùa xuân. Cấm tiềm tàng đồ binh khí.

Nhà vua dụ bảo các quan văn, võ: “Trẫm nối ngôi vua, giữ cơ nghiệp lớn đến nay đã được lâu năm, trong nước bình yên, không phải dùng đến binh cách. Vậy hạ lệnh cho trong nước không ai được cất giấu đồ binh khí ở trong nhà”.

Nhà vua ra sắc lệnh dụ bảo quân dân trong nước: “Những thứ áo giáp, mũ trụ, để làm cho dung nghi quân sĩ được hùng mạnh: như nón thủy ma, nón sơn đỏ, là thứ nón của thân quân được đội để túc trực bảo vệ kinh thành. Thế mà nay ở hàng chợ, ở dân gian phần nhiều mua bán thứ nón ấy, thì không lấy gì mà phân biệt được hình sắc quân sĩ, cần phải cấm chỉ việc mua bán ấy”.

Nhà vua ra sắc lệnh cho các vệ, các ti, các sở: “Nếu khí giới có hao mòn, khuyết mẻ, đều đem đến kho khố để tu tạo lại theo như quy thức, không ai được thiện tiện đem đến các nơi nhà công, nhà lính ở ngoài thành để sửa chữa hoặc làm mới. Người nào trái lệnh sẽ bị luận vào tội lưu”.

Định thể lệ về việc ban cấp chế, cáo và sắc.

Theo thể lệ cũ, những sắc chỉ, ân mệnh do triều đình ban cấp cho các quan: ban cấp cho quan văn hàng nhất phẩm, dùng chế; ban cấp cho quan võ hàng nhất, nhị phẩm, quan văn hàng nhị tam pẩm, dùng cáo; ban cấp cho quan võ hàng tam phẩm, quan văn hàng tứ, ngũ phẩm, dùng sắc. Ngoài ra đều ban cấp khám hợp. Đến nay, nhà vua ra sắc lệnh nghị định: Phàm tước công, tước hầu, tước bá cấp bằng chế mệnh; văn, võ trăm quan từ nhị phẩm trở lên cấp bằng cáo mệnh; tam, tứ và ngũ phẩm cấp bằng sắc mệnh giấy rồng (long tiên); lục và thất phẩm cấp bằng sắc mệnh hắc lạn; bát và cửu phẩm cấp khám hợp.

Lời chua – Long tiên: Giấy vàng, điểm vết bạc lưa thưa và vẽ hình con rồng.

Hắc lạn: Giấy vàng, chung quanh bôi đen.

Khám hợp: Giấy trắng viết chữ đen. Cũng như bằng cấp sau này.

Tháng 3. Nhà vua tuần du Bình Than, bèn đi đánh Bồn Man.

Lời chua – Bình Than: Xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 4 (Chính biên VII, 28).

Bồn Man: Xem Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 6 (Chính biên XVIII, 8).

Người Chiêm Thành sang lấn cướp Hóa Châu.

Định bản đồ trong nước.

Nhà vua định bản đồ 12 thừa tuyên như sau này:

I2096 – Thanh Hóa quản lĩnh 4 phủ, 16 huyện, 4 châu;

II- Nghệ An quản lĩnh 8 phủ, 18 huyện, 2 châu;

III- Thuận Hóa quản lĩnh 2 phủ, 7 huyện, 4 châu;

IV- Nam Sách nay đổi làm Hải Dương, quản lĩnh 4 phủ, 18 huyện;

V- Thiên Trường nay đổi làm Sơn Nam, quản lĩnh 11 phủ, 42 huyện;

VI- Quốc Oai nay đổi làm Sơn Tây, quản lĩnh 6 phủ, 24 huyện;

VII- Bắc Giang nay đổi làm Kinh Bắc, quản lĩnh 4 phủ, 19 huyện;

VIII- An Bang quản lĩnh 1 phủ, 3 huyện, 4 châu;

IX- Tuyên Quang quản lĩnh 1 phủ, 2 huyện, 5 châu;

X- Hưng Hóa quản lĩnh 3 phủ, 4 huyện, 17 châu;

XI- Lạng Sơn quản lĩnh 1 phủ, 7 châu;

XII- Thái Nguyên nay đổi làm Ninh Sóc, quản lĩnh 3 phủ, 8 huyện, 7 châu;

Lại đổi Trung đô phủ làm Phụng Thiên, quản lĩnh 2 huyện.

Lời chua –

I- Thanh Hóa bốn phủ:

– Phủ Thiệu Thiên quản lĩnh 8 huyện: Thụy Nguyên, Vĩnh Phúc, Đông Sơn, Lôi Dương, An Định, Cẩm Thủy, Thạch Thành và Quảng Bình;

– Phủ Hà Trung quản lĩnh 4 huyện: Hoằng Hóa, Thuần Khang, Nga Sơn và Tống Sơn;

– Phủ Tĩnh Gia quản lĩnh 3 huyện: Nông Cống, Ngọc Sơn và Quảng Xương;

– Phủ Thanh Đô quản lĩnh 1 huyện: Thọ Xuân, và 4 châu: Quan Da, Lang Chánh, Tàm Châu và Sầm Châu.

II- Nghệ An tám phủ:

– Phủ Đức Quang quản lĩnh 6 huyện: Thiên Lộc, La Sơn, Chân Phúc, Thanh Chương, Hương Sơn và Nghi Xuân;

– Phủ Diễn Châu quản lĩnh 2 huyện: Đông Thành và Quỳnh Lưu;

– Phủ Anh Đô quản lĩnh 2 huyện: Hưng Nguyên và Nam Đường;

– Phủ Hà Hoa quản lĩnh 2 huyện: Thạch Hà và Kỳ Hoa;

– Phủ Trà Lân quản lĩnh 4 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Vĩnh Khang và Hội Ninh;

– Phủ Quỳ Châu quản lĩnh 2 huyện: Trung Sơn và Thúy Vân;

– Phủ Ngọc Ma quản lĩnh 1 châu: Trịnh Cao;

– Phủ Lâm An quản lĩnh 1 châu: Quy Hợp.

III- Thuận Hóa hai phủ:

– Phủ Triệu Phong quản lĩnh 6 huyện: Đan Điền, Kim Trà, Tư Vinh, Hải Lăng, Vũ Xương, Điện Bàn và 2 châu: Thuận Bình, Sa Bôi;

– Phủ Tân Bình quản lĩnh 2 huyện: Khang Lộc, Lệ Thủy và 2 châu: Minh Linh, Bố Chính.

IV- Hải Dương bốn phủ:

– Phủ Thượng Hồng quản lĩnh 3 huyện: Đường Hào, Đường An và Cẩm Giàng;

– Phủ Hạ Hồng quản lĩnh 4 huyện: Gia Phúc, Tứ Kỳ, Thanh Miện và Vĩnh Lại;

– Phủ Nam Sách quản lĩnh 4 huyện: Thanh Hà, Thanh Lâm, Tiên Ninh và Chí Linh;

– Phủ Kinh Môn quản lĩnh 7 huyện: Giáp Sơn, Đông Triều, An Lão, Nghi Dương, Kim Thành, Thủy Đường và An Dương.

V- Sơn Nam mười một phủ:

– Phủ Thường Tín quản lĩnh 3 huyện: Thanh Đàm, Thượng Phúc và Phú Xuyên;

– Phủ Ứng Thiên quản lĩnh 4 huyện: Thanh Oai, Chương Đức, Sơn Minh và Hoài An;

– Phủ Lỵ Nhân quản lĩnh 5 huyện: Nam Xang, Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm và Bình Lục;

– Phủ Khoái Châu quản lĩnh 5 huyện: Đông An, Kim Động, Tiên Lữ, Thiên Thi và Phù Dung;

– Phủ Thiên Trường quản lĩnh 4 huyện: Nam Chân, Giao Thủy, Mỹ Lộc và Thượng Nguyên;

– Phủ Nghĩa Hưng quản lĩnh 4 huyện: Đại An, Vọng Doanh, Thiên Bản và Ý Yên;

– Phủ Thái Bình quản lĩnh 4 huyện: Thụy Anh, Phụ Dực, Quỳnh Côi và Đông Quan;

– Phủ Tân Hưng quản lĩnh 4 huyện: Ngự Thiên, Duyên Hà, Thần Khê và Thanh Lan;

– Phủ Kiến Xương quản lĩnh 3 huyện: Thư Trì, Vũ Tiên và Chân Định;

– Phủ Trường An quản lĩnh 3 huyện: Gia Viễn, Yên Mô và Yên Khang;

– Phủ Thiên Quan quản lĩnh 3 huyện: Phụng Hóa, An Hóa và Lạc Thổ.

VI- Sơn Tây sáu phủ:

– Phủ Quốc Oai quản lĩnh 5 huyện: Từ Liêm, Phúc Lộc, Yên Sơn, Thạch Thất và Đan Phượng;

– Phủ Tam Đái quản lĩnh 6 huyện: An Lãng, An Lạc, Bạch Hạc, Tiên Phong, Lập Thạch và Phù Khang;

– Phủ Lâm Thao quản lĩnh 4 huyện: Sơn Vi, Thanh Ba, Hoa Khê và Hạ Hoa;

– Phủ Đoan Hùng quản lĩnh 5 huyện: Đông Lan, Tây Lan, Sơn Dương, Đương Đạo và Tam Dương;

– Phủ Đà Dương quản lĩnh 2 huyện: Tam Nông và Bất Bạt;

– Phủ Quảng Oai quản lĩnh 2 huyện: Mỹ Lương và Minh Nghĩa.

VII- Kinh Bắc bốn phủ:

– Phủ Từ Sơn quản lĩnh 5 huyện: Đông Ngàn, Yên Phong, Tiên Du, Võ Giàng và Quế Dương;

– Phủ Thuận An quản lĩnh 5 huyện: Gia Lâm, Siêu Loại, Văn Giang, Gia Định và Lang Tài;

– Phủ Bắc Hà quản lĩnh 3 huyện: Kim Hoa, Hiệp Hòa và Yên Việt;

– Phủ Lạng Giang quản lĩnh 6 huyện: Phượng Nhỡn, Hữu Lũng, Yên Dũng, Bảo Lộc, Yên Thế và Lục Ngạn.

VIII- An Bang một phủ:

– Phủ Hải Đông quản lĩnh 3 huyện: Hoa Phong, Yên Hưng, Hoành Bồ và 4 châu: Tân Yên, Vạn Ninh, Vân Đồn, Vĩnh An.

IX- Tuyên Quang một phủ:

– Phủ Yên Bình quản lĩnh 1 huyện: Yên Phúc và 5 châu: Thu Vật, Lục Yên, Vị Xuyên, Đại Man và Bảo Lạc.

X- Hưng Hóa ba phủ:

– Phủ Quy Hóa quản lĩnh 3 huyện: Trấn Yên, Yên Lập, Văn Chấn và 2 châu: Văn Bàn, Thủy Vĩ;

– Phủ Gia Hưng quản lĩnh 1 huyện: Thanh Xuyên và 5 châu: Phù Hoa, Mộc Châu, Việt Châu, Mai Châu, Thuận Châu;

– Phủ Yên Tây quản lĩnh 10 châu: Lai Châu, Luân Châu, Quỳnh Nhai, Chiêu Tấn, Hợp Phì, Kiêm Châu, Tuy Phụ, Hoàng Nham, Lễ Toàn và Tung Lăng.

XI- Lạng Sơn một phủ:

– Phủ Trường Khánh quản lĩnh 7 châu: Lộc Bình, Văn Uyên, Thoát Lãng, Thất Tuyền, Văn Lan, Yên Bác và Ôn Châu.

XII- Ninh Sóc ba phủ:

– Phủ Phú Bình quản lĩnh 7 huyện: Bình Tuyền, Phổ Yên, Đồng Hỉ, Tư Nông, Đại Từ, Phú Lương, Văn Lãng và 2 châu: Vũ Nhai, Định Hóa;

– Phủ Thông Hóa quản lĩnh 1 huyện: Cảm Hóa và 1 châu: Bạch Thông;

– Phủ Cao Bằng quản lĩnh 4 châu: Thượng Lang, Hạ Lang, Thạch Lâm và Quảng Uyên.

Phụng Thiên một phủ:

– Quản lĩnh 2 huyện: Thọ Xương và Quảng Đức.

Xét2097 :

I. Thanh Hóa: Đời Hùng Vương xưa Thanh Hóa thuộc bộ Cửu Chân; nhà Tần, thuộc Tượng Quận; nhà Hán, là quận Cửu Chân; Ngô, Tấn, và Tống cũng theo tên cũ của Hán; Lương Võ đế đổi Cửu Chân làm Ái Châu; nhà Tùy lại gọi là Cửu Chân quận; nhà Đường chia đặt làm 2 quận: Ái Châu và Cửu Chân.

Nhà Đinh và nhà Lê gọi Thanh Hóa là Ái Châu; nhà Lý đổi làm trại, năm Thiên Thành thứ hai đổi làm Thanh Hoa phủ; Nhà Trần năm Nguyên Phong thứ 6 gọi là Trại; khoảng năm Thiệu Phong lại đổi làm lộ, chia đặt 3 phủ là: Thanh Hoa, Cửu Chân và Ái Châu; năm Quang Thái thứ 10 đặt trấn Thanh Đô, đem 3 phủ này lệ-thuộc vào trấn ấy; nhuận Hồ đổi phủ Thanh Hóa làm phủ Thiên Xương, hợp với Cửu Chân, Ái Châu làm tam phụ, gọi là Tây Đô; thuộc Minh lại hợp lại làm phủ Thanh Hóa; nhà Lê năm Thuận Thiên nguyên niên đổi thuộc đạo Hải Tây; năm Thiệu Bình thứ 2, Thanh Hóa có 6 phủ lệ thuộc là: Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia, Thanh Đô, Trường Yên và Thiên Quan; năm Quang Thuận thứ 7 đặt làm Thanh Hóa thừa tuyên; đến đây trích 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan cho lệ thuộc vào Sơn Nam; năm Hồng Đức thứ 21 đổi làm xứ; khoảng giữa năm Hồng Thuận gọi là trấn; sau khi Lê Trung Hưng đặt làm Thanh Hoa nội trấn, rồi lại trích lấy 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan ở Sơn Nam cho lệ thuộc vào, gọi là Thanh Hoa ngoại trấn; nhà Ngụy Tây đem Thanh Hoa ngoại trấn lệ thuộc vào Bắc Thành; bản triều năm Gia Long

nguyên niên vẫn gọi là trấn và đem Thanh Hoa ngoại trấn lệ thuộc vào; năm thứ 5 đổi ngoại trấn làm Thanh Bình đạo; năm Minh Mệnh thứ 2 đổi làm Ninh Bình đạo; năm thứ 10 đứng riêng làm Ninh Bình trấn; năm thứ 12 chia thành hai quản hạt: nội trấn làm Thanh Hoa tỉnh; ngoại trấn là Ninh Bình tỉnh; năm Thiệu Trị thứ 3 đổi nội trấn làm Thanh Hóa tỉnh.

II. Nghệ An: Đời Hùng Vương xưa, Nghệ An thuộc đất Việt Thường; nhà Tần, thuộc Tượng quận; nhà Hán, là huyện Hàm Hoan thuộc quận Cửu Chân; nhà Ngô chia Cửu Chân đặt làm quận Cửu Đức; nhà Tấn, nhà Tống vẫn theo như nhà Ngô; nhà Lương chia đặt làm Đức Châu, Lỵ Châu và Minh Châu; nhà Tùy năm Khai Hoàng thứ 8 đổi Đức Châu làm Hoan Châu, Lỵ Châu làm Trí Châu; năm Đại Nghiệp thứ 3 hợp cả Minh Châu, Trí Châu và Hoan Châu, đổi lệ thuộc quận Nhật Nam; nhà Đường, niên hiệu Vũ Đức chia quận Nhật Nam đặt làm Nam Đức châu, Lạo châu, Minh Châu và Hoan Châu, năm Trinnh Quán nguyên niên đổi Đức Châu lại làm Hoan Châu, còn Hoan Châu cũ thì đổi làm Diễn Châu; năm thứ 16 bỏ Diễn Châu hợp vào Hoan Châu; hồi đầu năm Thiên Bảo lại đổi là Hoan Châu, lệ thuộc vào quận Nhật Nam; từ năm Kiền Nguyên trở về sau gọi là Hoan Châu, rồi bỏ Tri Châu mà cho lệ thuộc vào Hoan Châu; năm Quảng Đức thứ hai chia Hoan Châu đặt quận Long Trì thuộc Diễn Châu, lại gọi là quận Diễn Thủy.

Nhà Đinh, nhà Lê gọi là Hoan Châu; nhà Lý đổi làm trại; năm Thiên Thành thứ 2 đổi tên là Nghệ An1, mà Diễn Châu thì đứng riêng làm châu; nhà Trần, năm Nguyên Phong thứ 6 lại gọi là trại, năm Long Khánh thứ 3 đổi Diễn Châu làm Diễn Châu lộ, chia Hoan Châu làm 4 lộ: Nhật Nam và Nghệ An nam, Nghệ An bắc, Nghệ An trung, cũng gọi là Nghệ An phủ; năm Quang Thái thứ 10 đổi Nghệ An làm Lâm An trấn, Diễn Châu làm Vọng An trấn; đời nhuận Hồ đổi Diễn Châu làm Linh Nguyên phủ, cùng với Thanh Hóa, Cửu Chân, Ái Châu gọi là tứ phụ; thuộc Minh lại đổi làm 2 phủ Diễn Châu và Nghệ An; nhà Lê, năm Thuận Thiên nguyên niên thuộc đạo Hải Tây; năm Quang Thuận thứ 7 đặt làm Nghệ An thừa tuyên; năm Hồng Đức thứ 21 đổi làm xứ; khoảng giữa năm Hồng Thuận đổi làm trấn; ngụy Tây đổi làm Trung Đô, lại gọi là Nghĩa An trấn; bản triều năm Gia Long nguyên niên lại đặt làm Nghệ An trấn; năm Minh Mệnh thứ 12 chia đặt 2 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh; năm Tự Đức thứ 6 đổi tỉnh Hà Tĩnh làm đạo, hợp vào Nghệ An; năm thứ 29 lại đặt tĩnh Hà Tĩnh như cũ.

III. Thuận Hóa: Đời Hùng Vương xưa, Thuận Hóa là nước Việt Thường; nhà Tần, thuộc Tượng quận; nhà Hán, là quận Nhật Nam; nhà Tấn, là nước Lâm Ấp; nhà Tùy năm Đại Nghiệp nguyên niên đổi đặt là quận Tị Ảnh; cuối đời nhà tùy lại mất về Lâm Ấp; nhà Đường, khoảng niên hiệu Trinh Quán vỗ yên được Lâm Ấp, lại đặt làm Nam Ảnh châu; nhà Tống là Chiêm Thành, những đất Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, Ô Châu và Lý Châu đều thuộc vào địa bàn này.

Lý Thái Tông thân đi đánh Chiêm Thành, chúa Chiêm Thành dâng 3 châu; Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính; Lý Nhân Tông đổi Địa Lý làm châu Lâm Bình, Ma Linh làm châu Minh Linh, Bố Chính làm châu Bố chính; Trần Anh Tông năm Hưng Long thứ 15 đem 2 châu Ô và Lý đặt làm Thuận Châu và Hóa Châu; Duệ Tông năm Long Khánh thứ đổi Lâm Bình làm Tân Bình; thuộc Minh chia đặt làm 2 phủ: Tân Bình và Thuận Hóa; hồi đầu triều Lê đổi làm 2 lộ: Tân Bình và Thuận Hóa, thuộc đạo Hải Tây; năm Quang Thuận thứ 7 đặt làm Thuận Hóa thừa tuyên; năm Hồng Đức thứ 21 đổi làm xứ quản lĩnh 2 phủ: Tân Bình và Thiệu Phong; khoảng giữa niên hiệu Hồng Thuận gọi là trấn; bản triều, Thái tổ Gia dụ hoàng đế trấn trị phương nam, dựng đô thành ở Thuận Châu, Hi Tông hiếu văn hoàng đế đem đất Nam Bố Chính đặt Bố Chính doanh, lấy sông Gianh làm giới mốc, còn Bắc Bố Chính thuộc về Nghệ An; năm Cảnh Hưng thứ 47 quân nhà Trịnh vào xâm lấn, đặt làm xứ Thuận Hóa; năm Gia Long nguyên niên chia đặt 3 doanh “trực lệ”2 là: Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Đức; năm Minh Mệnh thứ 2 đổi doanh Quảng Đức làm phủ Thừa Thiên; năm thứ 8 đổi doanh Quảng Trị làm trấn Quảng Trị, doanh Quảng Bình làm trấn Quảng Bình, đều bớt bỏ 2 chữ “trực lệ”, năm thứ 12 đổi trấn Quảng Trị làm tỉnh Quảng Trị, trấn Quảng Bình làm

tỉnh Quảng Bình; năm Tự Đức thứ 6 đổi tỉnh Quảng Bình làm đạo, hợp vào phủ Thừa Thiên; năm thứ 29 lại đặt tỉnh Quảng Trị như cũ.

IV. Hải Dương: Đời Hùng Vương xưa, Hải Dương là bộ Dương Tuyền; nhà Tần, thuộc quận Nam Hải; nhà Hán, thuộc quận Giao Chỉ; nhà Ngô, thuộc Giao Châu; nhà Đường đặt Hải Môn trấn, lại gọi là Hồng Châu.

Nhà Đinh chia làm đạo; nhà [Tiền] Lê và nhà Lý cũng theo như nhà Đinh; nhà Trần đổi làm các lộ: Hồng Châu thượng, Hồng Châu hạ và Nam Sách thượng, Nam Sách hạ; năm Quang Thái thứ 10 đổi làm Hải Đông trấn; thuộc Minh, đổi thuộc 2 phủ Lạng Giang và Tân An; nhà Lê, năm Thuận Thiên thuộc Đông Đạo; khoảng niên hiệu Diên Ninh chia làm 2 lộ: Nam Sách thượng và Nam Sách hạ; năm Quang Thuận thứ 7 đặt Nam Sách thừa tuyên: đến đây đổi làm Hải Dương thừa tuyên; năm Hồng Đức thứ 21 đổi làm xứ; khoảng giữa năm Hồng Thuận đổi làm trấn; ngụy Mạc lấy Nghi Dương1 làm Dương Kinh, trích phủ Thuận An ở kinh Bắc và các phủ Khoái Châu, Tân Hưng2, Kiến Xương, Thái Bình ở Sơn Nam cho lệ thuộc vào Dương Kinh; nhà Lê, khoảng niên hiệu Quang Hưng lại đổi làm trấn theo nguyên như cũ: năm Cảnh Hưng thứ 2 chia làm 4 đạo: Thượng Hồng, Hạ Hồng, Đông Triều và An Lão; ngụy Tây đem phủ Kinh Môn đổi thuộc vào Yên Quảng; bản triều năm Gia Long nguyên niên lại đem Kinh Môn thuộc về trấn cũ và lệ thuộc vào Bắc Thành; năm Minh Mệnh thứ 3 đổi Thượng Hồng làm phủ Bình Giang, Hạ Hồng làm phủ Ninh Giang, còn hai đạo Đông Triều và An Lão thì đặt làm hai huyện; năm thứ 12 chia đứng riêng thành một hạt và đổi làm tỉnh Hải Dương.

V. Sơn Nam: Đời Hùng Vương xưa, Sơn Nam thuộc bộ Giao Chỉ; nhà Tần, thuộc Tượng quận; nhà Hán, lại thuộc quận Giao Chỉ; nhà Ngô, thuộc Giao Châu; nhà Tần đặt huyện Nam Định; nhà Lương và nhà Tùy thuộc quận Ninh Hải; nhà Đường, niên hiệu Vũ Đức đổi đặt làm Long Châu và Tống Châu; niên hiệu Trinh Quán chia đặt hai huyện Tống Bình và Nam Định; niên hiệu Trinh Nguyên hợp vào huyện Nam Định.

Nhà Đinh chia làm đạo; nhà [Tiền] Lê đổi làm lộ; nhà Lý theo như nhà [Tiền] Lê; nhà Trần hồi đầu năm Thiên ứng chính bình gọi là lộ Thiên Trường; sau lại chia thành 2 lộ: Kiến Xương và An Tiêm, rồi lại đổi làm các lộ Hoàng Giang, Sơn Nam, Long Hưng và Khoái Châu; năm Quang Thái thứ 10 đổi các lộ làm trấn; thuộc Minh, là các phủ Trấn Nam, Phụng Hóa, Kiến Xương và Giao Châu; nhà Lê, năm Thuận Thiên, lệ thuộc vào Nam đạo; năm Quang Thuận thứ 7 đặt Thiên Trường thừa tuyên; đến đây, là Sơn Nam thừa tuyên; năm Hồng Đức thứ 21 đổi làm xứ; giữa năm Hồng Thuận gọi là trấn; ngụy Mạc đem các lộ Thái Bình, Kiến Xương, Long Hưng và Khoái Châu lệ thuộc vào Hải Dương; nhà Lê, năm Cảnh Hưng thứ 2 chia làm 2 lộ Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ, trích lấy 2 phủ Tràng An và Thiên Quan đặt làm Thanh Hoa ngoại trấn: ngụy Tây đổi làm 2 trấn Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ: bản triều, năm Gia Long nguyên niên đem 2 trấn thượng và hạ lệ thuộc vào Bắc thành; năm Minh Mệnh thứ 3 đổi thượng trấn làm Sơn Nam trấn, hạ trấn làm Nam Định trấn; năm thứ 12 tách 3 huyện Hưng Nhân, Duyên Hà và Thần Khê thuộc phủ Tiên Hưng, trấn Nam Định và 5 huyện Đông An, Kim Động, Thiên Thi, Tiên Lữ và Phù Dung thuộc phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam, đặt làm tỉnh Hưng Yên; còn 3 phủ Ứng Hòa, Lý Nhân và Thường Tín thuộc trấn Sơn Nam và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai và trấn Sơn Tây đổi thuộc vào phủ Hoài Đức, đặt làm tỉnh Hà Nội; lại đem bốn phủ Thiên Trường, Nghĩa Hưng, Kiến Xương và Thái Bình thuộc trấn Nam Định và huyện Thanh Quan thuộc phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam đổi thuộc vào phủ Kiến Xương, đặt làm tỉnh Nam Định.

VI. Sơn Tây: Đời Hùng Vương xưa, Sơn Tây thuộc bộ Châu Diên; nhà Tần, thuộc Tượng quận; nhà Hán thuộc quận Giao Chỉ; nhà Ngô đặt làm quận Tân Hưng thuộc Giao Châu; nhà Tấn đổi làm quận

Tân Xương; nhà Tống và nhà Tề cũng theo như nhà Tấn; nhà Trần (Trung Quốc) đặt làm Hưng Châu; nhà Tùy đổi làm Phong Châu; nhà Đường lại đặt làm Giao Châu thuộc đạo Lĩnh Nam.

Nhà Đinh, nhà [Tiền] Lê và nhà Lý gọi là đạo Đà Giang; nhà Trần chia đặt làm các lộ Tam Giang, Tam Đái, Quảng Oai và Quốc Oai; năm Quang Thái thứ 10 đổi các lộ làm trấn; hồi đầu triều Lê, là các lộ Quốc Oai thượng, Quốc Oai trung và Quốc Oai hạ, thuộc về Tây Đạo; năm Quang Thuận thứ 7 đổi làm Quốc Oai thừa tuyên đạo; đến đây đặt làm Sơn Tây thừa tuyên đạo; năm Hồng Đức thứ 21 đổi làm xứ; giữa năm Hồng Thuận đổi làm trấn; bản triều Gia Long nguyên niên lệ thuộc vào Bắc Thành; năm Minh Mệnh thứ 12 đổi làm tỉnh Sơn Tây, nhưng trích lấy huyện Từ Liêm cho lệ thuộc vào tỉnh Hà Nội và huyện Tam Nông cho lệ thuộc vào tỉnh Hưng Hóa.

VII. Kinh Bắc: Đời Hùng Vương xưa, Kinh Bắc thuộc bộ Vũ Ninh; nhà Tần, thuộc đất Tượng quận; nhà Hán, thuộc quận Giao Chỉ; nhà Ngô, thuộc Giao Châu; nhà Tấn, nhà Tùy và nhà Đường cũng theo như nhà Ngô.

Nhà Đinh đổi làm Bắc Giang đạo; nhà [Tiền] Lê đổi làm lộ; nhà Lý theo như nhà [Tiền] Lê; nhà Trần gọi là Bắc Giang lộ, lại gọi là Kinh Bắc lộ; năm Quang Thái thứ 10 đổi làm trấn; thuộc Minh đổi làm hai phủ Bắc Giang và Lạng Sơn; năm Thuận Thiên nguyên niên thuộc về Bắc đạo; khoảng năm Thiệu Bình gọi là hai lộ: Bắc Giang thượng và Bắc Giang hạ; năm Quang Thuận thứ 7 đặt Bắc Giang thừa tuyên; đến đây đổi làm Kinh Bắc thừa tuyên; năm Hồng Đức thứ 21 đổi làm xứ; giữa năm Hồng Thuận gọi là trấn; ngụy Mạc đem phủ Thuận An đổi thuộc vào Hải Dương; nhà Lê [trung hưng], năm Quang Hưng thứ 16 lại theo là trấn như cũ; bản triều, năm Gia Long nguyên niên, vẫn là Kinh Bắc trấn, lệ thuộc vào Bắc Thành; năm Minh Mệnh thứ 3 đổi làm Bắc Ninh trấn; năm thứ 12 đổi làm Bắc Ninh tỉnh.

VIII. An Bang: Đời Hùng Vương xưa, An Bang thuộc bộ Ninh Hải; nhà Tần, thuộc quận Nam Hải; nhà Hán, thuộc quận Giao Chỉ; nhà Ngô, thuộc Giao Châu; nhà Lương, là quận Hải Ninh thuộc Hoàng Châu; nhà Tùy gọi là quận Ninh Việt, nhà Đường gọi là quận Ngọc Sơn thuộc Lục Châu. Nhà Đinh và nhà [Tiền] Lê trở về trước gọi là trấn Triều Dương; Lý Thái Tổ năm Thuận Thiên thứ 14 đổi Triều Dương trấn làm Vĩnh An châu; Anh Tông năm Đại Định thứ 10 lập Vân Đồn trang; Trần Thái Tông năm Thiên ứng chính bình thứ 11, là Hải Đông lộ; Dụ Tông năm Thiệu Phong thứ 5 đặt Vân Đồn trấn; thuộc Minh là châu Tĩnh An thuộc phủ Tân An; nhà Lê năm Thuận Thiên nguyên niên gọi là An Bang thuộc về Đông Đạo; năm Quang Thuận thứ 7 đặt An Bang thừa tuyên; năm Hồng Đức thứ 21 đổi làm xứ; giữa năm Hồng Thuận gọi là trấn; ngụy Mạc đem hai châu Thạch Tích, Niêm Lăng và bốn động Cổ Sâm, Ti Lẫm, Kim Lặc, Liễu Cát dâng cho nhà Minh; nhà Lê, sau khi trung hưng, vì tránh tên húy Lê Anh Tông, đổi làm An Quảng; ngụy Tây đem phủ Kinh Môn thuộc trấn Hải Dương cho lệ thuộc vào An Quảng; bản triều, năm Gia Long nguyên niên lại đem Kinh Môn lệ thuộc vào Hải Dương, nhưng lấy một phủ Hải Đông làm An Quảng trấn, lệ thuộc vào Bắc Thành; năm Minh Mệnh thứ 3 đổi làm Quảng Yên trấn; năm thứ 12 chia quản hạt gọi là Quảng Yên tỉnh.

IX. Tuyên Quang: Đời Hùng Vương xưa, Tuyên Quang thuộc bộ Vũ Định; nhà Tần, thuộc quận Nam Hải; nhà Hán, thuộc quận Giao Chỉ; nhà Ngô, thuộc Giao Châu; nhà Đường, là Dương Châu.

Nhà Đinh chia làm đạo; nhà [Tiền] Lê và nhà Lý theo như nhà Đinh; nhà Trần gọi là Tuyên Quang châu thuộc lộ Quốc Oai; năm Quang Thái thứ 10 đổi làm trấn; thuộc Minh, là Tuyên Quang phủ; hồi đầu triều Lê, thuộc Tây đạo; năm Quang Thuận thứ 7 đặt làm Tuyên Quang thừa tuyên; năm Hồng Đức thứ 21 đổi làm xứ; giữa năm Hồng Thuận đổi làm Minh Thuận trấn; bản triều, năm Gia Long nguyên niên lại gọi là Tuyên Quang trấn, lệ thuộc vào Bắc Thành; năm Minh Mệnh thứ 12 đổi làm Tuyên Quang tỉnh.

X. Hưng Hóa: Đời Hùng Vương xưa, Hưng Hóa thuộc bộ Tân Hưng; nhà Tần, thuộc Tượng quận; nhà Hán, thuộc quận Giao Chỉ; nhà Ngô, thuộc Giao Châu; nhà Tùy và nhà Đường, là Chi Châu.

Nhà Đinh chia làm đạo; nhà [Tiền] Lê và nhà Lý chia làm hai châu: Lâm Tây và Đăng Châu; nhà Trần thuộc đạo Đà Giang; năm Quang Thái thứ 10 đổi làm trấn Thiên Hưng; thuộc Minh đặt làm hai châu: Gia Hưng và Quy Hóa; nhà Lê, năm Thuận Thiên đặt hai lộ: Gia Hưng và Quy Hóa, thuộc Tây đạo; năm Quang Thuận thứ 7 đổi làm Hưng Hóa thừa tuyên; năm Hồng Đức thứ 21 đổi làm xứ; giữa năm Hồng Thuận đổi làm trấn; giữa năm Cảnh Hưng, các châu Tung Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Hợp Phì,

Tuy Phụ và Khiêm Châu bị nhà Thanh chiếm đem sáp nhập vào tỉnh Vân Nam; bản triều, năm Gia Long nguyên niên vẫn là trấn, lệ thuộc về Bắc Thành; năm Minh Mệnh thứ 12 đem huyện Tam Nông thuộc Sơn Tây lệ thuộc về Hưng Hóa và đổi làm Hưng Hóa tỉnh.

XI. Lạng Sơn: Đời Hùng Vương xưa, Lạng Sơn thuộc bộ Lục Hải; nhà Tần, là quận Nam Hải; nhà Hán, thuộc quận Giao Chỉ; nhà Ngô, thuộc Giao Châu; nhà Tùy và nhà Đường vẫn theo như nhà Ngô.

Nhà Đinh chia làm đạo; nhà [Tiền] Lê và nhà Lý, là lộ; hồi đầu triều nhà Trần, là Lạng Giang lộ; năm Quang Thái thứ 10 đổi làm trấn; nhà nhuận Hồ cắt 59 thôn của châu Lộc Bình cho lệ thuộc vào châu Tư Minh nhà Minh; thuộc Minh, là Lạng Sơn phủ; hồi đầu triều Lê, thuộc Bắc đạo; năm Quang Thuận thứ 7 đặt làm Lạng Sơn thừa tuyên; năm Hồng Đức thứ 21 đổi làm xứ; giữa năm Hồng Thuận đổi làm trấn; bản triều, năm Gia Long nguyên niên vẫn là trấn, thuộc về Bắc Thành; năm Minh Mệnh thứ 12 đổi làm Lạng Sơn tỉnh.

XII. Ninh Sóc: Đời Hùng Vương xưa, Ninh Sóc thuộc bộ Vũ Định; nhà Tần, thuộc Tượng quận; nhà Hán, thuộc quận Giao Chỉ; nhà Đường, là châu Vũ Nga.

Nhà Đinh chia làm đạo; nhà [Tiền] Lê và nhà Lý, là Thái Nguyên châu; nhà Trần, năm Quang Thái thứ 10 đổi làm Thái Nguyên trấn; thuộc Minh, là phủ; hồi đầu triều Lê, thuộc về Bắc đạo; năm Quang Thuận thứ 7 đặt Thái Nguyên thừa tuyên; đến đây đổi làm Ninh Sóc thừa tuyên, đem phủ Bắc Bình lệ thuộc vào; giữa niên hiệu Hồng Đức đổi Bắc Bình phủ làm Cao Bằng phủ, vẫn lệ thuộc vào Ninh Sóc; năm Vĩnh Trị thứ 2 dẹp được nhà Mạc, bình định được cả bốn châu1 thuộc Cao Bằng, mới đặt riêng làm Cao Bằng trấn, chỉ để hai phủ Phú Bình và Thông Hóa lệ thuộc vào trấn Thái Nguyên; bản triều, năm Gia Long nguyên niên vẫn là trấn, lệ thuộc vào Bắc Thành; năm Minh Mệnh thứ 12 đổi Thái Nguyên trấn làm Thái Nguyên tỉnh, Cao Bằng trấn làm Cao Bằng tỉnh.

Phụng Thiên: Đời Hùng Vương xưa, Phụng Thiên thuộc bộ Giao Chỉ; nhà Tần, thuộc Tượng quận; nhà Hán đổi thuộc Long Biên; nhà Ngô, là lỵ sở Giao Châu; nhà Đường đặt làm An Nam Đô hộ phủ.

Nhà Đinh và nhà [Tiền] Lê, thuộc đạo Giao Châu; nhà Lý, năm Thuận Thiên (1010) đóng kinh đô ở đây, gọi là thành Thăng Long, lại gọi là Nam Kinh; nhà Trần, năm Thiệu Bảo, là Trung Kinh, sau đổi làm Đông Đô; thuộc Minh, là phủ trị Giao Châu, gọi là thành Đông Quan; nhà Lê lại đóng kinh đô gọi là Thăng Long; năm Quang Thuận thứ 7 đặt Trung Đô phủ, quản lĩnh hai huyện: Quảng Đức và Vĩnh Xương; đến đây đổi làm phủ Phụng Thiên; ngụy Tây gọi là Bắc Thành; bản triều, năm Gia Long nguyên niên đặt Bắt Thành tổng trấn, đem Phụng Thiên lệ thuộc vào Bắc Thành; năm thứ 4 đổi Thăng Long ____ làm Thăng Long ____, phủ Phụng Thiên làm phủ Hoài Đức; năm Minh Mệnh thứ 12 trích lấy huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây cho thuộc vào phủ Hoài Đức, lệ thuộc tỉnh Hà Nội.

Phủ Thiệu Thiên2099 nay là phủ Thiệu Hóa; huyện Vĩnh Phúc nay là huyện Vĩnh Lộc; huyện Quảng Bình nay là huyện Quảng Địa, lại đổi là Quảng Tế; huyện Thuần Lộc nay là huyện Hậu Lộc; phủ Thanh Đô nay chia làm hai phủ: Quảng Hóa và Thọ Xuân; còn các châu Quan Da, Tàm Châu và Sầm Châu nay đều lệ thuộc vào châu Quan Hóa. Những phủ, huyện và châu trên này đều thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Huyện Kỳ Hoa nay là huyện Kỳ Anh; phủ Hà Hoa nay là phủ Hà Thanh, thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Phủ Trà Lân nay là phủ Tương Dương; Ngọc Ma nay là hai phủ: Trấn Biên và Trấn Định; Lâm An nay là phủ Trấn Tĩnh; huyện Chân Phúc nay là huyện Chân Lộc;

huyện Hội Ninh nay là huyện Hội Nguyên; phủ Anh Đô nay là phủ Anh Sơn; huyện Vĩnh Khang nay là huyện Vĩnh Hòa. Đều thuộc tỉnh Nghệ An.

Thuận Hóa nay là đất Thừa Thiên, Quảng Trị và Quảng Bình; huyện Đan Điền nay là hai huyện: Quảng Điền và Phong Điền; huyện Kim Trà nay là hai huyện Hương Trà và Hương Thủy; huyện Tư Vinh nay là hai huyện: Phú Vinh và Phú Lộc. Đều thuộc phủ Thừa Thiên.

Huyện Vũ Xương nay là huyện Đăng Xương; châu Minh Linh nay là hai huyện: Minh Linh và Do Linh. Đều thuộc tỉnh Quảng Trị.

Huyện Khanh Lộc nay là hai huyện: Phong Lộc và Phong Đăng; châu Bắc Bố chính nay là hai huyện: Bình Chính và Minh Chính; châu Nam Bố chính nay là huyện Bố Trạch. Đều thuộc tỉnh Quảng Bình.

Phủ Thượng Hồng nay là phủ Bình Giang; phủ Hạ Hồng nay là phủ Ninh Giang; huyện Gia Phúc nay là huyện Gia Lộc. Đều thuộc tỉnh Hải Dương.

Phủ Ứng Thiên nay là phủ Ứng Hòa; phủ Lỵ Nhân nay là phủ Lý Nhân. Đều thuộc tỉnh Hà Nội2100 .

Huyện Phù Dung nay là huyện Phù Cừ; phủ Tân Hưng nay là phủ Tiên Hưng; huyện Ngự Thiên nay là huyện Hưng Nhân. Đều thuộc tỉnh Hưng Yên2101 .

Huyện Vọng Doanh nay là huyện Phong Doanh; huyện Thanh Lan nay là huyện Thanh Quan. Đều thuộc tỉnh Nam Định2102 .

Phủ Trường Yên nay là phủ Yên Khánh; huyện Yên Khang nay là huyện Yên Khánh; huyện Lạc Thổ nay là huyện Lạc An. Đều thuộc tỉnh Ninh Bình.

Phủ Tam Đái nay là phủ Vĩnh Tường; huyện Phù Khang nay là huyện Phù Ninh; huyện Hoa Khê nay là huyện Cẩm Khê; huyện Hạ Hoa nay là huyện Hạ Hòa; huyện Đông Lan nay là huyện Hùng Quan; huyện Tây Lan nay là huyện Tây Quan; huyện Minh Nghĩa nay là huyện Tùng Thiện. Đều thuộc tỉnh Sơn Tây2103 .

Kinh Bắc nay là tỉnh Bắc Ninh; Bắc Hà nay là phủ Đa Phúc; huyện Gia Định nay là huyện Gia Bình; huyện Kim Hoa nay là huyện Kim Anh. Đều thuộc tỉnh Bắc Ninh2104 .

An Bang nay là tỉnh Quảng Yên; huyện Hoa Phong nay là huyện Nghiêu Phong, thuộc tỉnh Quảng Yên.

Châu Bảo Lạc nay là hai huyện: Để Định và Vĩnh Điện, thuộc tỉnh Tuyên Quang.

Huyện Thanh Xuyên nay là huyện Thanh Sơn; châu Phù Hoa nay là châu Phù Yên. Đều thuộc tỉnh Hưng Hóa2105 .

Chân Thất Tuyền nay là huyện Thất Khê; châu Văn Lan nay là huyện Văn Quan; châu An Bác nay là huyện An Bác. Đều thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Ninh Sóc nay là tỉnh Thái Nguyên; huyện Bình Tuyền nay là huyện Bình Xuyên, thuộc tỉnh Thái Nguyên2100 .

Phủ Cao Bằng nay là tỉnh Cao Bằng; ba châu Thượng Lang, Hạ Lang và Quảng Uyên nay đều đổi làm huyện, thuộc tỉnh Cao Bằng.

Phủ Phụng Thiên nay đổi là phủ Hoài Đức; huyện Quảng Đức nay là huyện Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Xương nay là huyện Thọ Xương. Đều thuộc tỉnh Hà Nội2107 .

Tháng 11, mùa đông. Đại xá.

Nhà vua hạ chiếu đại xá và đổi niên hiệu, lấy sang năm làm năm Hồng Đức nguyên niên.

Tháng 12. Hạ chiếu cho các phủ và huyện khuyên nhủ dân làm ruộng và trồng dâu.

Nhà vua chú ý về việc làm ruộng: trước đây đã hạ lệnh cho bộ Hộ tùy theo địa thế hoặc khơi hoặc lấp những đường nước ở ruộng nương, không để cho chỗ nào ngập lụt hoặc khô cạn; lại đưa công văn về thừa ti các xứ bắt phải khám xét kỹ đê điều ở các sông, nếu có chỗ nào lúa má bị ngập lụt hoặc ruộng đất bị bỏ hoang, thì tâu bày để nhà vua biết. Đến đây hạ chiếu cho phủ huyện phải xét ruộng nương đất cát, khuyên bảo đôn đốc dân làm ruộng trồng dâu.

Canh Dần, năm Hồng Đức nguyên niên (1470). (Minh, năm Thái Hòa thứ 6).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhắc rõ lại lệnh cấm những người có việc tang và việc hôn nhân mà làm trái lễ phép.

Trước đây nhà vua ra sắc lệnh cho các hạng quan lại, nếu có người nào được cất nhắc thì trước hết bộ Lại phải xét hỏi xem người ấy quả có hạnh kiểm thực sự, việc hôn nhân giá thú theo đúng như nghi lễ đã định, mới chuẩn cho thực thụ thăng trật, nếu là người trái với nghi lễ, sẽ luận vào tội mặc2108 và tội đồ2109 .

Đến đây lại ra sắc lệnh:

Tang ba năm, là lễ tang suốt mọi người phải theo, không ai được theo tình riêng làm trái lễ. Người con luôn để tang cha mẹ, mà vợ cả vợ lẽ có mang buông tuồng đi xem nơi chèo hát vua đùa, không kiêng kỹ, đều phải luận vào tội lưu.

Vợ để tang chồng mà tư thông với trai, hoặc làm việc hôn giá, và người nào lấy người đàn bà ấy làm vợ, đều phải luận vào tử hình2110 .

Người lấy vợ hoặc con gái của bọn ác nghịch2111 ; người Mán thông dâm với vợ cả vợ lẽ của anh em mình đã chết; nếu trong hạt nào có xảy ra những việc ấy, mà quan lại ăn của đút ẩn dấu đi, thì những người ấy cùng bọn quan lại đều phải tội.

Nhà vua nhận thấy tập tục lúc bấy giờ, việc cưới gả phần nhiều không theo nghi lễ, có khi lễ xin cưới đã xong xuôi rồi mà còn để đến ba, bốn năm mới cho rước dâu. Vì thế mới hạ lệnh cho bộ Lễ bàn định: phàm việc cưới gả, trước hết do người mối liệu định việc thân gia của hai nhà, sau đó thì làm lễ

nạp tệ2112 , lễ xin cưới; lễ nghi đã đầy đủ rồi, thì chọn ngày rước dâu, ngày hôm sau nàng dâu làm lễ yết kiến cha mẹ chồng, ngày thứ ba làm lễ bái yết từ đường. Không ai được làm trái với lễ nghi đã định.

Lúc ấy, nhà vua lại hạ sắc lệnh cho quan viên và bách tính: từ nay trong nhà không có yến tiệc phải mời khách, thì không được bày ra chè chén thù tạc, vợ không phải là người phạm tội, thì không bỏ được. Nếu người nào trái lệnh sẽ có tội.

Tháng 2. Nhà vua đi tuần du đến Lam Kinh, bèn đến bái yết từ đường Thuần Mậu.

Lúc nhà vua mới lên ngôi, dựng nhà Thuần Mậu ở xã Động Bàng để làm từ đường thờ tiên tổ bên ngoại là họ Ngô, bên cạnh từ đường lại dựng nhà Phúc Quang để làm cung điện cho hoàng hậu thay áo. Đến đây, nhà vua tuần du đến Lam Kinh, nhân tiện rước hoàng thái hậu đến bái yết từ đường Thuần Mậu.

Lời chua – Nhà Phúc Quang: Ở xã Động Bàng, huyện An Định, Lê Thánh Tông dựng lên vào quãng năm Quang Thuận, sau người xã ấy lấy ngay nhà ấy làm từ đường thờ Quang Thục hoàng thái hậu.

Tháng 8, mùa thu. Chiêm Thành sang lấn cướp Hóa Châu.

Trước đây, Bàn La Trà Duyệt, người ở Thi Nại thuộc Chiêm Thành, giết chúa Chiêm là Ma Ha Quý Do mà tự lập làm chúa, truyền đến em là Trà Toàn. Trà Toàn hung hãn, hoang dâm, bạo ngược, khinh thường mọi người, tự phụ là giỏi, không sửa lễ cống theo chức phận của mình, lại thường gây sự hoạ hoạn ở nơi biên cảnh; rồi sai sứ thần sang cầu viện với nhà Minh, thân hành đem hơn mười vạn quân thủy, quân bộ cùng voi ngựa đến đánh úp Hóa Châu. Viên tướng giữ Hóa Châu là Phạm Văn Hiển đánh nhau với quân Chiêm, không địch nổi, phải đóng cửa thành chống giữ, cho người phi ngựa đem văn thư cáo cấp về triều đình.

Lời cẩn án – Theo Minh sử, truyện Ngoại quốc về mục Chiêm Thành, thì “năm Cảnh Thái thứ 3 (1452), Minh Cảnh đế sai sứ phong Ma Ha Quý Do làm chúa nước Chiêm Thành”, thế mà Sử cũ lại chép “Trà Duyệt giết chúa nó là Bí Điền”. Như thế là chép lầm chữ “Bí Do” ra chữ “Quý Điền”, nay cải chính lại. Lời chua – Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp, xem thuộc Tấn Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tiền biên III, 20-21).

Thi Nại: Xem Trần Duệ Tông, năm Long Khánh thứ 5 (Chính biên X, 41).

Hóa Châu: Xem Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 15 (Chính biên VIII, 44).

Tháng 10, mùa đông. Sai sứ thần sang nhà Minh.

Lúc ấy, nhà vua sai bọn Nguyễn Đình Mỹ và Quách Đình Bảo đem việc nước Chiêm Thành đánh úp biên giới sang báo cáo với nhà Minh.

Tháng 11. Nhà vua tự làm tướng đi đánh Chiêm Thành.

Nhà vua sắp đi đánh Chiêm Thành, bèn hạ lệnh tuyển hoàng nam từ 15 tuổi trở lên bổ sung vào quân ngũ, triệu tập lính tinh nhuệ 26 vạn người, một mặt ra sắc lệnh cho thừa chính sứ ở Sơn Nam thu thêm gạo của các hạng quân nhân, lại điển và sinh viên mỗi người 15 ống gạo, hạng hoàng đinh và người già mỗi người 12 ống gạo, để làm lương cho quân ăn. Bây giờ nhà vua hạ chiếu thân hành đi đánh, ban 24 điều quân lệnh cho các doanh các vệ, ra lệnh cho thái sư Đinh Liệt và thái bảo Lê Niệm làm Chinh Lỗ tướng quân, thống lĩnh quân thủy trong các vệ thuộc ba phủ Đông, Nam và Bắc xuất phát đi trước; Hữu đô đốc Lê Cảnh Huy ở nhà trấn thủ kinh thành. Ngày Tân Tị, nhà vua làm lễ tấu cáo ở nhà thái miếu, rồi thân hành đem đại quân kế tiếp tiến đi. Ngày hôm ấy, mưa nhỏ, có gió từ phương bắc thổi đến, nhà vua nhân cảnh ấy làm thơ, có câu rằng: “Bạch vạn sư đồ viễn khải hành, khao bồng vũ tác

nhuận quân thanh” (ý nói: trăm vạn binh lính mở đường đi xa, giọt mưa lách tách đập vào buồng thuyền làm tăng thêm thanh thế của binh sĩ). Câu thơ này cũng ghi sự thực lúc bấy giờ.

Trong khi đi đường, nhà vua thường cùng Đỗ Nhuận đàm luận đến hai chữ “đạo, lý”. Nhà vua nói: “Đạo là sự việc đương nhiên2113 , rõ ràng dễ biết; lý là cái lý do sở dĩ nhiên2114 , huyền vi mầu nhiệm khó mà thấy được; trẫm thường làm hai bài thơ ấy2115 phải suy nghĩ nhiều ngày mới xong”. Đỗ Nhuận thưa rằng: “Về phần lý học, hoàng thượng vừa sáng suốt vừa rộng khắp, ở trong lý lẽ phức tạp, có sự phân biệt rõ ràng, nghĩa lý tinh vi sâu sắc thổ lộ ra lời thơ, không phải bọn học giả dòm ngó ngửa trông có thể tới kịp được”.

Nhà vua đến Thiết Sơn, lúc ấy thủy quân của bọn Đinh Liệt và Lê Niệm xuất phát từ trước, trong quân bị hỏa tai, quân sĩ vừa chết vừa bị thương hơn 30 người. Án sát là bọn Đinh Thúc Thông và Nguyễn Tài phơi bày tấu biểu đàn hặc việc này. Nhà vua ban tờ sắc dụ bảo hai người rằng: Sự được thua của sáu quân hệ trọng ở viên tướng, cơ mưu lợi hại trong một doanh trách nhiệm ở viên án sát. Bọn Đinh Liệt cầm quân không có kỷ luật, hầu như trẻ con, các khanh biết hặc tâu, thực đáng khen thưởng. Vậy đặc ân ban cho tiền, người nhiều người ít khác nhau.

Lời phê2116 – Lúc bấy giờ cương vực chưa mở rộng, số binh lính có đâu được nhiều đến như thế? Lời phê 2117 – Không hợp lý tức là không hợp đạo, quá phân tách với lý, e rằng chưa chắc đã là đúng. Lời chua – Thiết Sơn: Ở phía bắc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An có Thiết Cảng, chân núi Thiết Sơn có mỏ sắt, người Thổ trước đào lấy sắt sống ở đấy.

Đinh Thúc Thông: Người xã Quan Vinh, huyện Gia Viễn2118 .

Nguyễn Tài: Người xã Hương Quất, huyện Tứ Kỳ2119 . Thông và Tài đều đỗ tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) năm Quang Thuận thứ 4.

Sơn Nam: Xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 25, 27).

Tháng 12. Định phép xét công trạng các quan.

Phàm quan trong kinh sư và ngoài thừa tuyên, lúc bắt đầu bổ dụng hãy cho thí nghiệm về công việc làm, người nào trong 3 năm làm đầy đủ chức vụ không lầm lỗi mới được thực thụ; nếu người nào không làm đầy đủ chức vụ sẽ bị truất bãi.

Nhà vua hạ dụ rằng: phép xét công trạng là để phân biệt người hay người dở, chấn chỉnh công việc cai trị dân. Ngày trước, nhà Đường, nhà Ngu 3 năm một lần xét công, để thi hành việc truất bãi hay cất nhắc, nhà Thành Chu 3 năm tính công việc cai trị dân, để thi hành việc quở trách hay khen thưởng. Vậy từ nay các nha môn ở trong kinh sư và ngoài thừa tuyên người nào đã giữ chức được đủ 3 năm, đều xem sự trạng trình bày rõ để các viên quan cấp trên cứu xét, rồi tâu bày một cách đầy đủ, không được chậm trễ, nếu viên quan cấp trên mà theo tình riêng ẩn giấu sẽ bị tội.


2067 Xem thêm Chính biên quyển XX tờ 17 việc hiệu úy Hoàng Liễn đánh bộ lạc Ai Lao ở Khâu Lao.

2068 Con số này sử Cương mục chép sai, chính ra phải là một quan 6 tiền 24 đồng mới đúng.

2069 Chữ “đế” chữ “vương” đều nghĩa là vua, nhưng theo đẳng cấp thời phong kiến thì “đế” là hoàng đế (vua một nước lớn) dùng vũ lực bắt nước nhỏ phải phụ thuộc vào nước mình và hằng năm phải cống nạp. “Vương” là quốc vương (vua một nước nhỏ), phải chịu vua nước lớn phong cho. Nhưng đối với nước lớn tuy xưng là “vương” mà đối với thần dân nước mình thì lại xưng là hoàng đế. Có khi cũng dùng vũ lực bắt nước nhỏ khác phải lệ thuộc vào nước mình và phong vương cho nước nhỏ ấy.

2070 Chữ “đế” chữ “vương” đều nghĩa là vua, nhưng theo đẳng cấp thời phong kiến thì “đế” là hoàng đế (vua một nước lớn) dùng vũ lực bắt nước nhỏ phải phụ thuộc vào nước mình và hằng năm phải cống nạp. “Vương” là quốc vương (vua một nước nhỏ), phải chịu vua nước lớn phong cho. Nhưng đối với nước lớn tuy xưng là “vương” mà đối với thần dân nước mình thì lại xưng là hoàng đế. Có khi cũng dùng vũ lực bắt nước nhỏ khác phải lệ thuộc vào nước mình và phong vương cho nước nhỏ ấy.

2071 Chữ “vương” này chỉ có nghĩa là một nước, về phần vinhự thì hơn cả tước công tước hầu, nhưng không phải là vua một nước. Ví dụ: như Hưng đạo vương Quốc Tuấn triều Trần, Cung vương Khắc Xương triều Lê.

2072 Xem thêm Chính biên quyển XXI tờ 7 ở dưới.

2073 Xem thêm Chính biên quyển XXI tờ 7 ở dưới.

2074 Xem chú thích ở Chính biên quyển VIII, tờ 35.

2075 Viên quan giữ việc can ngăn vua.

2076 Bầy tôi có văn học.

2077 Viên quan chuyên giữ việc dạy học trò.

2078 Viên quan cai trị trong một huyện, giữ công việc hành chính.

2079 Theo binh chế đời Lê Thánh Tông, đặt ngũ phủ quân, mỗi phủ 6 vệ. Tổng tri là chức đứng đầu một vệ; mỗi vệ có 5 sở hoặc 6 sở, Quản lãnh là chức đứng đầu một sở.

2080 Theo binh chế đời Lê Thánh Tông, đặt ngũ phủ quân, mỗi phủ 6 vệ. Tổng tri là chức đứng đầu một vệ; mỗi vệ có 5 sở hoặc 6 sở, Quản lãnh là chức đứng đầu một sở.

2081 Ông vua thừa kế cơ nghiệp của tổ tiên.

2082 Người cháu hiếu thảo làm vua một nước.

2083 Việc Lê Thiệt bị bãi, xem thêm Chính biên quyển XX, tờ 26.

2084 Toàn thư chép: Dương Tông Hải, sách Cương mục tránh tên húy của nhà Nguyễn, nên chép là Dương Hải.

2085 Nguyên văn lời phê bằng chữ Hán như thế này: “Đương thời tình trạng như hà, nan tri, nhi độ vân vân, ngô tư chi vị năng tín”. Chúng tôi nhận thấy 10 chữ ở hai câu cuối, nghĩa rất lờ mờ, khó hiểu. Sách Cương mục nêu lời phê nàyở đầu dòng chỗ xóa bỏ tên Lương Thế Vinh, chỉ đề tên Nguyễn Nhân Tùy và Đinh Bô Cương. Như thế có thể hiểu hai câu này nghĩa là: “mà chỉ xóa tên người này đề tên người khác vân vân… thì ta chưa dám tin việc làm ấy đã là chính đáng”, hay “chưa dám tin đã là sáng suốt”.

2086 Nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

2087 Cái ấn (con dấu) của vua gọi là bảo tỉ.

2088 Nay huyện Quảng Uyên hợp nhất với huyện Phú Hòa thành huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

2089 Chữ “kinh huyện” triều Hậu Lê, không thấy tài liệu nào giải nghĩa rõ. Chúng tôi tham khảo Hội Điển triều Nguyễn (quyển XI tờ 5, phần Lại bộ quan chế) thì thấy những huyện Hương Trà, Quảng Điền và Hương Thủy thuộc phủ Thừa Thiên gọi là “Kinh huyện” nghĩa là huyện ở liền kinh kỳ. Viên quan Tri huyện ở kinh huyện phẩm trật cao hơn các viên huyện khác một bậc. Như vậy, ta có thể hiểu “kinh huyện” triều Hậu Lê tức là huyện Thọ Xương và Quảng Đức ở liền kinh thành Thăng Long.

2090 Lời giao ước viết thành văn, như sau này người bán ruộng đất hoặc vay nợ phải viết văn khế giao cho chủ mua, chủ nợ giữ.

2091 Một tội trong ngũ hình (kình, tị, phi, cung và đại tích) đời cổ. Người bị luận vào tội này, phải chịu thích chữ vào trán rồi đổ mực lên trên.

2092 Hai câu này do thành ngữ “doãn ung thị trĩ” (mút ung thư, liếm mủ máu), đời xưa dùng để chửi độc địa những hạng tìm mọi cách đê hèn bẩn thỉu, nịnh hót người quyền quý để cầu giàu sang.

2093 Chức quan có nhiệm vụ giảng giải mọi điều cho Thái tử hiểu. Thường lấy những người có văn học. Cũng gọi là Đông cung Thị giảng.

2094 Xem chú thích số 3 Chính biên quyển XI, tờ 44 về chữ nội mạng phụ.

2095 Nguyên văn chép “hoạn giả Phan Trinh”, dưới đoạn văn này lại chép việc: “Phan Trinh lấy cướp vợ hoạn quan tên là Hiền”. Đã là “hoạn giả” hoặc “hoạn quan”, sao lại có vợ? Tham khảo Toàn thư chép thì Phan Tông Trinh là “nội thần”, Hiền là “nội quan”. Chữ “nội thần” hoặc “nội quan” theo nghĩa trong Từ thư : bầy tôi thân cận ở nơi cung cấm của vua chúa, nhưng cũng có triều gọi hoạn quan là nội thần hoặc nội quan. Vậy chữ hoạn giả và hoạn quan chép ở đoạn văn này tưởng nên hiểu nghĩa như chữ nội thần và nội quan mà Toàn thư đã chép.

2096 Những chữ số La Mã chua ở trang này cũng như các trang sau, từ I đến XII nguyên văn không có, ở đây chúng tôi đánh số thêm vào để tiện việc khảo cứu, còn phủ Phụng Thiên, vì không liệt vào 12 thừa tuyên nên để riêng không đánh số.

2097 Đoạn văn dưới đây, sử gia chép sự duyên cách của 12 thừa tuyên và phủ Phụng Thiên từ đời Hùng Vương đến đời Tự Đức, tức là đến thời gian biên soạn bộ Cương mục này. Về các triều nhà Hồ, nhà Mạc và nhà Tây Sơn, họ chép là nhuận Hồ, ngụy Mạc và ngụy Tây vì quan điểm của sử gia thời phong kiến họ cho các triều ấy là tiếm ngụy không phải chính thống. Ở đây chúng tôi cũng phải buộc lòng dịch theo nguyên văn, không hề thay đổi. Những năm có sự thay đổi của từng địa phương từ đời Đinh đến đời Tự Đức, chúng tôi theo thứ tự từng triều đại trước sau mà chua thêm năm dương lịch chung cả ở đây để tiện khảo cứu. Đinh (968-980). Tiền Lê (980-1009). Lý Thái Tổ năm Thuận Thiên 14 (1023); năm Thiên Thành thứ 2 (1029); Lý Thái Tông (1028-1054); Lý Nhân Tông (1072-1127); Lý Anh Tông năm Đại Đinh thứ 10 (1149). Trần Thái Tông năm Thiên Ứng chính bình thứ 11 (1242), năm Nguyên Phong thứ 6 (1256); năm Thiên Bảo (1279-1284); năm Hưng Long thứ 15 (1307); khoảng năm Thiệu Phong (1341-1357); năm Long Khánh thứ 3 (1375); năm Quang Thái thứ 10 (1397). Nhà Hồ (1400-1407); Thuộc Minh (1407-1427). Nhà Lê, năm Thuận Thiên nguyên niên (1428); năm Thiệu Bình thứ 2 (1435); khoảng năm Diên Ninh (1454-1459); năm Quang Thuận thứ 7 (1466), năm Hồng Đức thứ 21 (1490); khoảng năm Hồng Thuận (1509-1516). Nhà Mạc (1527-1593). Lê Trung Hưng, năm Quang Hưng thứ 16 (1593); năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677); năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741), năm Cảnh Hưng thứ 47 (1786). Nhà Tây Sơn (1790-1802). Nhà Nguyễn Thái Tổ Gia Dụ (1558-1613) Hi Tông Hiếu văn (1614-1635); Gia Long nguyên niên (1802); Minh Mệnh năm thứ 2 (1821); Thiệu Trị năm thứ 3 (1843); Tự Đức năm thứ 6 (1853).

2098Đại Nam nhất thống chí chép: Năm Thông Thụy thứ 3 (1036), đổi Hoan Châu làm Nghệ An châu và chua rằng: Tên “Nghệ An” bắt đầu từ đấy, Tham khảo Lý Nhân Tông kỷ trong sách Cương mục này cũng chép việc đổi Hoan Châu làm Nghệ An châu trại nhằm năm Thông Thụy thứ 3 (Xem thêm Chính biên quyển II tờ 40). Cùng một bộ sách Cương mục chép về sự duyên cách của một địa phương, mà mỗi nơi chép một khác, xa cách nhau hàng 6 năm, không rõ thế nào là đúng, sẽ khảo cứu sau.

2099 Trực thuộc thẳng vào với kinh sư.

2098 Tham khảo Chính biên quyển XXVII tờ 15 và Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn đều chép Mạc Đăng Dung lấy Hải Dương làm Dương Kinh; ngay trong quyển này tờ 26 ở dưới cũng chép nhà Mạc đem các lộ Thái Bình, Kiến Xương, Long Hưng và Khoái Châu lệ thuộc vào Hải Dương. Ở đây chép “Nghi Dương” là chép lầm chữ Hải Dương ra Nghi Dương.

2099 Ở đây chép Tân Hưng, đến tờ 26 ở dưới trình bày về vị trí Sơn Nam lại chép là Long Hưng. Tuy chép khác nhau nhưng vẫn là một, vì tên đất này nguyên trước là làng Đa Cương, nhà Trần đổi làm phủ Long Hưng, nhà Hồ đổi làm Tân Hưng, đến nhà Lê đổi làm Tiên Hưng xem thêm Chính biên quyển VI tờ 28. Nay gồm các huyện Hưng Hà, Tiên Hưng cũ (nay thuộc Đông Hưng), Thái Ninh cũ (nay thuộc Thái Thụy).

2098 Tức châu Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang và Hạ Lang.

2099 Từ đây trở xuống, sử gia chua sự thay đổi của từng phủ huyện từ ngày Lê Thánh Tông đặt 12 thừa tuyên (Xem Cương mục XXI, 16-19 ở trên) đến đời Tự Đức, tức là thời kỳ biên soạn bộ Cương mục này. Tên và vị trí các phủ huyện ấy, hiện nay (1998) đã có một số đổi khác, nếu chỗ nào biết được rõ, chúng tôi cũng chú thích ở dưới.

2100 Ứng Hòa, tục gọi phủ Đình, nay thuộc tỉnh Hà Tây; Lý Nhân nay là huyện, thuộc tỉnh Hà Nam.

2101 Tiên Hưng và Hưng Nhân nay thuộc tỉnh Thái Bình.

2102 Phong Doanh nay thuộc tỉnh Nam Định. Thanh Quan thuộc tỉnh Thái Bình.

2103 Vĩnh Tường nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Phù Ninh, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Hùng Quan, Tây Quan nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Tùng Thiện nay thuộc tỉnh Hà Tây.

2104 Đa Phúc và Kim Anh. Nay thuộc Thành phố Hà Nội.

2105 Huyện Thanh Sơn nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Phù Yên nay thuộc tỉnh Sơn La.

2106 Huyện Bình Xuyên nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

2107 Hoài Đức nay là huyện, thuộc tỉnh Hà Tây. Huyện Vĩnh Thuận nay thuộc quận Ba Đình và quận Đống Đa, Hà Nội.

2108 Một tội trong ngũ hình đời cổ, cũng gọi là tội “kình”, xem thêm chú thích số 3, Chính biên quyển XXI, tờ 12.

2109 Một tội trong ngũ hình (xuy, trượng, đồ, lưu, tử), đặt từ đời Tùy Đường, người bị luận vào tội này phải đồ đi một nơi để làm việc lao dịch và phải giam giữ mất tự do.

2110 Đoạn văn này, sử Cương mục chép không được rõ ràng, theo Toàn thư chép như thế này, có phần rõ hơn: “Vợ để tang chồng, mà buông tuồng dâm loạn, hoặc chưa hết tang chồng mà bỏ khăn áo tang đi lấy chồng khác cùng người nào tin đi mối lại để gả chồng cho người đàn bà đương để tang chồng và người lấy người đàn bà ấy làm vợ, đều phải luận vào tử hình”.

2111 Những người lập mưu đánh đổ triều đình, bội bạn với vua chúa hoặc theo giặc… thời đại quân chủ chuyên chế đều liệt vào hạng ác nghịch.

2112 Sau khi người mối mưu tính công việc, đã được nhà gái nhận lời, thì nhà trai đưa lễ vật như vàng, lụa, cau, rượu, gạo, thịt,… đến nhà gái gọi là lễ nộp tệ, từ đây việc hôn nhân của hai bên trai gái mới là bắt đầu định đoạt.

2113 Công việc tiến hành theo trình tự nhất định.

2114 Lý do phát sinh ra sự vật.

2115 Tức hai bài thơ suy diễn lý và đạo.

2116 Chỉ việc triệu tập 26 vạn quân tinh nhuệ.

2117 Chỉ việc Lê Thánh Tông phân tích hai chữ đạo và lý.

2118 Nay thuộc tỉnh Ninh Bình.

2119 Nay thuộc tỉnh Hải Dương.