Thương hại cho Ngao Quảng bị Na Tra đạp lên lưng không ngóc đầu dậy nổi, liếc mắt nhìn thấy Na Tra, Ngao Quảng nổi giận mắng lớn:
– Thằng súc sanh vô lễ, mày là đứa nào mà dám giết Dọa Xoa, tướng trời phong, rút gân Ngao Bính là thần làm mưa, lại dám đè đầu ta là một vị chúa Ðông Hải, quần áo lem nhem, không kể gì đến luật trời. Tao kiện đến Ngọc Hoàng, giết cả dòng họ mày cũng chưa hả giận.
Na Tra nghe Ngao Quảng rủa mắng mình, muốn đập một Càn Khôn Quyện cho chết phứt, ngặt không dám trái lời thầy dặn, nên cứ đạp lên cổ, mắng lại:
– Mày xưng là Ðông Hải Long Vương, nhưng đối với tao không kể mày vào đâu cả. Mày biết tao là ai không? Tao là Linh Châu Tử, học trò của ông Thái Ất chơn nhơn, vâng lệnh ông Nguyên Thỉ xuống đầu thai giúp nhà Châu diệt vua Trụ. Tao đi tắm, đâu có chọc ghẹo gì đến mầy mà mày sai bọn bộ hạ vác búa đến bửa. Tao giết chết hai đứa ấy cũng chẳng có tội bao nhiêu, việc gì mày đi kiện Ngọc Hoàng. Nếu mày không bỏ ý định ấy thì tao đánh mày đến chết.
Ngao Quảng ỷ mình là kẽ đang nắm giữ trọng trách, quyền hành do trời ban, nên thách:
– Mầy giỏi cứ đánh tao thử?
Na Tra nói:
– Mày bảo tao đánh thì tao đánh cho mày biết tay.
Nói rồi cầm cú thoi lia lịa.
Ngao Quảng thấy Na Tra làm hỗn, nhưng mắc kẹt không sao dậy được, đành nằm la hoảng.
Na Tra nói:
– Da mày dày lắm, tao đánh mầy bất quá như đấm lưng thôi, ăn nhằm gì. Lời xưa nói: Cọp sợ rút gân, rồng sợ gỡ vẩy. Ðể tao lấy phép đó trị mầy.
Nói rồi xé vạt áo Ngao Quảng lên, vén hông bên tả lên, gỡ lối bốn năm chục cái vảy làm cho Ngao Quảng đau đớn đến thấu xương. Ngao Quảng thất kinh, lớn tiếng van xin tha mạng.
Na Tra nói:
– Mầy muốn chết thì đừng thưa kiện nữa, hãy theo ta về ải Trần Ðường, bằng cãi lại ta đập một Càn Khôn Quyện chết tức thì.
Ngao Quảng đang lúc thất thế, và biết Na Tra là Linh Châu Tử đầu thai, được ông Nguyên Thỉ là chúa tể các vì tiên bảo vệ, nếu lôi thôi nó đánh chết, rồi kiếm chuyện nói dối với Ngọc Hoàng, ta ắt thiệt mạng.
Nghĩ như vậy, Ngao Quảng thuận lời, theo Na Tra về ải.
Na Tra bước xuống, Ngao Quảng liền ngồi dậy. Na Tra nói:
– Rồng thì hay biến hóa. Muốn lớn thì nằm chật cả bầu trời, muốn nhỏ thì trốn trong hột cải cũng vừa. Tao e mầy biến mất không biết đâu mà kiếm, vậy thì hóa ra con rắn nhỏ đặng ta bỏ vào túi mang về dinh cho tiện.
Ngao Quảng khó chối từ, phải hóa ra con rắn nhỏ.
Na Tra bỏ vào túi áo rồi đằng vân về ải Trần Ðường.
Quân sĩ trên ải thấy Na Tra trở về, cho báo với Lý Tịnh:
– Ðệ tam công tử đã trở về trước ải.
Lý Tịnh nghe tin chẳng vui, truyền quân dẫn vào.
Na Tra thấy cha mình mặt châu mày nhăn nhíu, tỏ sắc thái buồn bã vội bước đến tạ lổi.
Lý Tịnh hỏi:
– Mày đi đâu về đây?
Na Tra thưa:.
– Con đến cửa trời đón bác, xin bác nên bãi việc kiện thưa. Bác đã bằng lòng, và con đã rước bác về đây.
Lý Tịnh cười cay đắng:
– Mày đâu phải thần thánh mà đến được cửa trời. Con nói dối cha mẹ như vậy thật là đứa con ngỗ nghịch.
Na Tra thưa:
– Xin cha đừng nóng giận. Việc này có bác làm chứng ạ!
Lý Tịnh càng giận hơn:
– Mày còn nói dối nữa? Bác mầy ở đâu?
Na Tra thưa:
– Bác ở trong túi con đây nè. Liền trút con rắn lục trong túi áo ra.
Ngao Quảng tức thì hiện nguyên hình lại.
Lý Tịnh thất sắc, lật đật cúi mình xin lỗi Ngao Quảng và hỏi:
– Vì sao hiền huynh lại ra nông nỗi?
Ngao Quảng giận quá thuật lại câu chuyện Na Tra đến trước cửa đền làm hỗn, và đưa bụng cho Lý Tịnh xem, rồi nói:
– Anh sanh nhằm loài quái thai, Ðể tôi hội đủ tứ hải Long Vương đến cửa trời đầu tố xem anh có trốn khỏi tội không?
Nói rồi nổi cơn gió lớn, bay vụt ra khỏi ải Trần Ðường biến mất.
Lý Tịnh giậm đất kêu trời nói:
– Chuyện nầy rất quan hệ, biết tính làm sao? Ðã giết con người ta còn đánh người ta trọng thương. Ngao Quảng là vị Long Vương, vâng lệnh Ngọc Hoàng trấn Ðông Hải, đâu phải nhỏ.
Na Tra quì lạy thưa:
– Xin cha mẹ yên tâm. Thầy con nói rằng con vâng lệnh Ngọc Hư đầu thai giúp chúa, dẫu đánh chết Long Vương bốn biển cũng chẳng có tội gì. Nếu có điều chi thầy con chịu hết.
Lý Tịnh là người đã tu tiên, thông hiểu thiên cơ, thấy Na Tra đến được cửa trời biết quyền lực Na Tra không phải nhỏ. Tuy nhiên, ỷ vào quyền lực tác hại mọi người là điều cấm kỵ, dù cho thầy các vị tiên cũng không thoát khỏi tội lỗi.
Ân phu nhân vốn thương con thấy Na Tra đứng nói vòng vo sợ Lý Tịnh nổi xung đánh cho một trận, nên nháy Na Tra và nói:
– Mầy là con bất hiếu, theo báo hại mẹ cha, đi cho khuất mắt còn đứng đó làm gì?
Na Tra vâng lời mẹ bước ra phía sau hoa viên không dám nói lời nào nữa.
Thấy mình làm phiền đến cha mẹ, Na Tra có ý buồn, một mình thẩn thơ mãi. Bỗng ngó thấy một cái lầu cao trong khu vườn coi bộ mát mẻ lắm, Na Tra nghĩ thầm:
– Thuở nay ta chưa dạo lên lầu ấy, nay sẵn địp buồn lòng trèo lên đó giải khuây.
Nghĩ rồi liền mở cửa vườn, trèo lên vọng đài. Bốn bề mát mẻ, gió thổi hây hây, xa xa trông phong cảnh rất đẹp.
Na Tra thầm nhủ:
– Nếu mình biết chỗ này mát mẻ, lâu nay lên đây hóng gió cũng vui.
Ngó quanh quất một hồi, Na Tra nhát thấy trên tường vọng đài có treo một cây cung lớn chạm ba chữ Càn Khôn Cung, lại có ba mũi tên khắc ba chữ Chấn Thiên Tiễn.
Na Tra thầm nghĩ:
– Thày mình có nói ngày sau mình sẽ làm chức tiên phuông, thu giang sơn Vua Trụ. Vậy thì nay có sẵn Cung tên, tập luyện cho nhuần nhã để ngày sau dùng đến.
Liền lấy cung, lấp tên, kéo thẳng cánh nhắm bắn qua hướng Tây Nam. Bỗng nghe một tiếng nổ vang trời, hình như tiếng sấm, hào quang chói mắt, oai khí ghê mình. Na Tra hoảng hồn, không dám bắn nữa.
(Nguyên cung tên ấy là của Hoàng Ðế trước kia dùng đánh với Xí Vưu. Dư ba mũi tên thần lưu truyền lại đến đời sau, lâu lắm rồi, không ai kéo cung thần ấy nổi, nên dùng làm vật báu để tại ải Trần Ðường).
Bây giờ nói về câu chuyện xảy ra tại núi Khô Lâu, động Bạch Cốt có bà chủ là Thạch Cơ nương nương. Hôm ấy học trò của Thạch Cơ là Bích Vân đồng tử, xách giỏ hoa đi hái thuốc, thơ thẩn ở chân đồi, thình lình bị một mũi tên bay vào đến găm trúng cổ họng chết tươi. Người học trò thứ hai là Thê Vân đồng nhi vừa đi đến thấy vậy vội chạy về báo với Thạch Cơ rằng:
– Thưa sư phụ, chẳng biết sao Bích Vân đang đi hái thuốc bỗng bị tên chết.
Thạch Cơ nương nương nổi giận, nói:
– Kẻ nào cả gan dám bắn lén học trò của ta vậy?
Liền theo chân Thể Vân đến nơi, thấy trên mũi tên có khắc hai chữ “chấn thiên”, lòng hậm hực, nói:
– Chấn thiên là báu tiễn để tại ải Trần Ðường, người giữ ải nầy là Lý Tịnh. Nếu Lý Tịnh không bắn thì còn ai vào? Trước đây Lý Tịnh tu hành không được, nhờ ta nói giùm với Ðộ Ách chơn nhơn cho về hưởng công danh nay được làm quan trấn ải, đã chẳng báo ơn ta còn bắn học trò ta đến chết. Ta quyết bắt Lý Tịnh đem về động trị tội.
Liền truyền Thể Vân giữ động, một mình cỡi Thanh Loan đến ải Trần Ðường.
Khi đến nơi, Thạch Cơ nương nương đứng trên không kêu lớn:
– Lý Tịnh, ra đây ta bảo.
Lý Tịnh nghe kêu không rõ tiếng ai, liền chạy ra xem thử, thấy trên cao màu vàng muôn trượng, sắc đỏ một vần, nhìn rõ là Thạch Cơ đang cỡi con Loan xanh, liền cúi đầu làm lễ, và thưa:
– Tôi không hay nương nương đến nên tiếp đón chậm trễ, xin nương nương tha thứ.
Thach Cơ nổi giận hét:
– Ngươi là đứa vong ân, khéo chuốc ngọt lời nói.
Liền lấy cái khăn choàng gọi là Bát Quái Vân quang quăng xuống truyền Huỳnh Kim lực sĩ lấy khăn phép vấn vào mình Lý Tịnh bắt đem về động tức thì.
Huỳnh Kim lực sĩ tuân lệnh.
Thạch Cơ cỡi Loan về động.
Chẳng bao lâu, Huỳnh Cân lực sĩ đã dẫn Lý Tịnh đến nơi giao nạp.
Thạch Cơ ngồi giữa động, truyền đem Lý Tịnh vào, nạt lớn:
– Ngươi tu hành không thành nhờ ai mà được hưởng vinh hoa phú quí. Ngươi đã không trả ơn còn gây thù oán. Ta đến bắt ngươi, ngươi làm bộ như là người vô tội là ý làm sao?
Lý Tịnh nghe Thạch Cơ nói không hiểu gì cả, chẳng khác người đang lạc vào cõi mê, liền cúi đầu thưa:
– Nương nương dạy điều gì, kẻ hèn nầy thực không hiểu!
Thạch Cơ nghiến răng nói:
– Ngươi trả ơn ta bằng cách bắn chết Bích Vân, đứa học trò của ta phải không? Ngươi đừng giả bộ ngây ngô.
Lý Tịnh nói:
– Tôi ở mãi tận ải Trần Ðường không đi đâu hết, suốt ngày đêm lo luyện tập binh mã, làm sao bắn chết Bích Vân đồng tử. Xin nương nương xét lại kẻo oan tình.
Thạch Cơ nói:
– Chính ngươi dùng tên Chấn Thiên bắn từ ải Trần Ðường đến đây, tang chứng đã rõ ràng, tại sao còn chối?
Lý Tịnh nói:
– Xin cho tôi xem mũi tên ấy thử.
Thạch Cơ truyền đem mũi tên ấy đến, và nói:
– Tên nầy là báu vật của ải Trần Ðường, nếu ngươi không bắn thì làm sao tên bay đến đây?
Lý Tinh xem thấy thất kinh, nói lớn:
– Cha chả, cung Càn Khôn, tên Chấn Thiên là báu vật của vua Huỳnh Ðế từ xưa lưu lại, để trấn ải Trần Ðường, từ xưa đến nay không ai kéo nổi cung ấy. Nay chẳng biết vì đâu tai bay vạ gởi đến với tôi như vậy. Xin nương nương cho tôi về ải tra xét kẻ bắn tên, nếu tôi không tra ra xin đến đây chịu chết.
Thạch Cơ nói:
– Thôi được ta cho ngươi về tra xét, nếu việc này không giải quyết cho xong thì sẽ kiện đến thầy ngươi đấy.
Lý Tinh từ giã Thạch Cơ cầm tên, độn thổ về ải.
Ân phu nhân từ khi thấy chồng bị bắt đem lên trời, không hiểu chuyện gì, than khóc suốt buổi, nay thấy Lý Tịnh trở về lòng mừng khấp khởi, hỏi:
– Chẳng hay phu quân vì sao lại bị bắt đem lên trời như vậy? Thiếp không rõ nguyên nhân, run sợ quá.
Lý Tịnh thở dài, nói:
– Phu nhân ơi, ta làm quan đã hai mươi lăm năm nay không xảy ra điều gì đáng tiếc. Ðến nay thời suy, nên xui khiến lắm tai nạn. Vừa rồi chẳng biết kẻ nào đã dùng hai vật báu Càn Khôn Cung và Chấn Thiên Tiễn, bắn chết người học trò của bà Thạch Cơ ở động Bạch Cốt. Bà ấy bắt ta đòi thường mạng.
Ân phu nhân nói:
– Hai báu vật ấy để trên vọng đài, từ xưa nay không một ai bắn nổi, nay trong ải cũng chẳng có tướng nào mạnh, lẽ đâu dùng được?
Lý Tịnh nói:
– Ta nghi thằng Na Tra tinh nghịch, đã dùng tên thần sát hại.
Ân phu nhân nói:
– Thằng Na Tra mới có bảy tuổi lẽ nào có đủ sức mạnh dùng thần tiễn?
Lý Tinh nói:
– Phu nhân không biết chứ Na Tra là một tướng trời đầu thai làm con mình, tuổi nhỏ nhưng tài cao, sức mạnh vô địch. Chính nó đã dùng sức mạnh đánh cả Ðông Hải Long Vương vừa rồi, phu nhân không thấy sao?
Ân phu nhân thở dài:
– Chuyện kia chưa dứt, chuyện nọ đã dây. Chưa chắc thằng Na Tra đã gây nên chuyện này.
Lý Tịnh ngồi nghĩ một lúc, rồi khiến quân đòi Na Tra đến.
Quân vào tìm Na Tra suốt buổi mới gặp.
Na Tra đến trước mặt Lý Tịnh vòng tay thưa:
– Cha có việc gì sai bảo con?
Lý Tịnh nói:
– Thầy con đã dặn con sau nầy giúp nước phò vua đồ binh bố trận, vậy nay sẵn dịp thong thả, Sao con không tập cầm cung cỡi ngựa?
Na Tra nói:
– Việc ấy cha không dạy con cũng phải lo. Vừa rồi con lên chơi viễn vọng đài thấy đó để cung tên, con bắn chơi một mũi mà khói đen mù mịt, hào quang chói sáng ngời nghe tiếng sấm vang tai, mũi tên đâu mất?
Lý Tịnh nghe nói ngồi chết điếng. Giây lâu mới thốt lên:
– Mầy là thằng nghiệp báo. Việc giết chết Thái Tử Long Vương còn đó chưa gỡ xong, nay lại chọc giận đến Thạch Cơ, việc càng trói thêm nữa!
Ân phu nhân ngồi nhìn sững.
Na Tra không hiểu gì liền hỏi:
– Chẳng hay có chuyện gì mà song thân kinh hãi như vậy?
Lý Tinh nói:
– Mày dùng tên thần bắn chết học trò của Thạch Cơ, bà ấy vừa bắt tao đến động Bạch Cốt buộc phải thường mạng. Mầy tính lẽ nào thì tính.
Na Tra nói:
– Bạch Cốt là động nào? Học trò bà Thạch Cơ đi đâu mà bị tên vậy? Nếu có thì đó là chuyện rủi ro, do số mạng chứ con đâu cố ý hại người!
Lý Tịnh nói:
– Nhưng tên ấy là tên thần, ai cũng biết báu vật của ải Trần Ðường còn chối cãi vào đâu?
Na Tra nói:
– Xin cha dẫn con đến đó con sẽ đối nại trước mặt bà Thạch Cơ cho. Không liên hệ gì đến cha mẹ cả. Con làm con chịu thôi.
Lý Tinh nói:
– Ừ nếu mầy có giỏi thì đến gặp Thạch Cơ nương nương tạ tội.
Na Tra vâng lời. Hai cha con cùng nhau độn thổ đến núi Khô Lâu động Bạch Cốt.
Lý Tịnh bảo Na Tra đứng ngoài chờ còn mình thẳng vô trong yết kiến Thạch Cơ nương nương.
Thạch Cơ nương nương thấy Lý Tinh đến liền hỏi:
– Sao? Ngươi đã tra ra người bắn tên chưa?
Lý Tịnh thưa:
– Kẻ gây chuyện chính là Na Tra, con trai của tôi đó. Nó là đứa con bất hiếu, tuy nhiên, con dại cái mang, tôi không thể tránh khỏi tội.
Thạch Cơ nói:
– Ngươi có dẫn nó đến đây không?
Lý Tịnh thưa:
– Có, tôi dẫn nó theo để xin lỗi nương nương. Hiện nó còn đứng trước động chờ lệnh.
Thạch Cơ nói:
– Ngươi sanh con dữ không dạy được. Thôi để ta trừng trị nó cho.
Nói rồi liền sai Thể Vân đồng tử ra ngoài gọi Na Tra vào.
Na Tra thấy có người ra gọi mình biết Thạch Cơ sai khiến, liền nghĩ thầm:
– Ðây là ổ hang của chúng, nếu ta chẳng ra tay trước để lọt vào sào huyệt của nó thì khó mà đối phó sau nầy.
Nghĩ rồi liền ném Càn Khôn Quyện lên đánh Thể Vân. Thể Vân thờ ơ không đề phòng, bị Càn Khôn Quyện đánh trúng té nhào xuống đất, thở hoi hóp.
Thạch Cơ nương nương ở trong động, nghe tiếng Thể Vân la lên biết ngay Na Tra đã sanh sự với học trò mình, mặt giận hầm hầm, xách gươm chạy ra hét lớn:
– Thằng quỷ dữ, mày dám đánh học trò của ta nữa à?
Na Tra mặt lầm lì thấy Thạch Cơ cầm gươm chạy ra liền thâu Càn Khôn Quyện, rồi ném tới đánh Thạch Cơ nữa.
Thạch Cơ biết đó bửu bối của Thái Ất chơn nhơn, lợi hại lắm vội vã đưa tay ra bắt lấy và nói:
– Thái Ất dạy học trò ăn cướp đây mà.
Na Tra thấy Càn Khôn Quyện bị mất thất kinh, quăng luôn sợi dây lưng bảy thước là Hỗn Thiên Lăng lên định trói Thạch Cơ, chẳng ngờ Thạch Cơ đưa tay áo rộng lên hứng, Hỗn Thiên Lăng riu ríu chun vào tay áo.
Thạch Cơ liền kêu Na Tra nói:
– Hãy đem hết các phép của thày mầy quăng ra hết đi.
Na Tra chỉ còn mình không, hết làm mặt dữ, vội co giò bỏ chạy.
Thạch Cơ gọi Lý Tịnh nói:
– Ngươi là người vô tội, ta cho về nghỉ ngơi. Còn thằng con của ngươi ta sẽ bắt để trị tội.
Nói rồi đuổi theo Na Tra như mẹ rượt con, chẳng khác mây bay gió thổi.
Na Tra chạy đã giỏi mà Thạch Cơ rượt theo cũng không chậm. Hai người cút bắt một hồi đã đến trước động của Thái Ất chơn nhơn.
Na Tra quen thuộc đường ngõ nên chạy tọt vào trong đóng cửa lại.
Thái Ất thấy Na Tra chạy vội về, mặt mày hơ hải, liền hỏi:
– Chuyện gì vậy?
Na Tra thuật lại mọi việc, mình bắn tên thần rủi trúng học trò của Thạch Cơ nương nương, bị bà ta thu hết phép màu và còn đuổi theo bắt nữa.
Thái Ất nói:
– Mầy gây ra lắm chuyện bực mình. Việc Ðông Hải Long Vương dàn xếp chưa xong đã đến chuyện Thạch Cơ nữa
Na Tra năn nỉ:
– Con đâu cố tình bắn chết học trò của Thạch Cơ, tên thần bay lạc, chắc là số mạng của học trò bà ấy…
Thái Ất nói:
– Thôi được, hãy ra sau vườn, để ta đối phó với mụ ấy.
Thái Ất bước ra đứng dựa ngoài hiên, thấy Thạch Cơ mặt giận hàm hầm, cầm gươm xông vào động, cử chỉ rất hung dữ.
Thái Ất cười lớn, hỏi:
– Nương nương đến đây có việc gì mà bộ dạng khó coi như thế?
Thạch Cơ xá Thái Ất một cái, và nói:
– Lão huynh dạy học trò không kỹ càng, phép tắc gì hết.
Thái Ất hỏi:
– Học trò tôi làm điều gì phạm đến nương nương?
Thạch Cơ nói:
– Nó đã dùng tên thần bắn chết học trò tôi là Bích Vân, sau đó lại dùng Càn Khôn Quyện đánh Thể Vân đến ngất ngư, tôi ra can thiệp, nó ỷ có phép của đạo huynh, đánh luôn đến tôi nữa. Nếu đạo huynh muốn tình chúng ta không sứt mẻ thì hãy bảo nó ra đây cho tôi trị tội.
Thái Ất nói:
– Na Tra có mặt trong động, gọi nó ra không khó khăn gì. Song nó là người của cung Ngọc Hư, vâng lệnh Giáo Chủ xuống đầu thai giúp Chúa. Nếu nương nương muốn trừng trị hắn thì hãy đến nói với Giáo Chủ, chừng nào Giáo Chủ dạy ta giao nó cho nương nương thì ta giao liền. Ta không phải tư vị.
Thạch Cơ cười lớn:
– Lão huynh đừng mượn uy của Giáo Chủ dọa dẫm đàn bà. Lão huynh thả học trò ra giết người, phá phách kẻ khác, công lý dù là kẻ quyền uy cũng không thể trốn tránh được. Sát nhân phải đền mạng, đừng đem Giáo Chủ ra dọa tôi.
Thái Ất nói:
– Ðạo nào cũng vậy người dưới phải tôn trọng kẻ trên, nương nương đã là kẻ tu hành lẽ nào không rõ lề luật?
Thạch Cơ nói:
– Tuy cùng là đạo nhưng tôi ở khác ngành, lẽ nào chịu tùng phục Giáo chủ của Ðạo huynh?
Thái Ất chơn nhơn cười lớn:
– Nương nương ý muốn nói người Triệt giáo không tuân tệnh Xiển giáo chứ gì? Theo tôi nghĩ, Xiển Giáo hay Triệt Giáo cũng chịu dưới sự điều khiển của Ngọc Hoàng, không nên có ý ấy. Nương nương cũng biết lúc nầy số trời đã định, tam giáo phải đồng ghi bảng phong thần cho đủ số. Giáo chủ ta truyền cho chư tiên các động phải sai đệ tử xuống trần giúp nhà Châu, Na Tra cũng vâng lệnh đầu thai, sau làm tiên phuông cho Khương Thượng. Dầu nó lầm lỗi bắn trúng học trò của nương nương thì cũng tại số trời, không phải cố ý sát nhân mà bắt đền mạng. Xét như nương nương đã là kẻ tu niệm, tránh điều lo lắng thì cũng chẳng nên mua cừu chuốc oán làm chi cho lỗi phép đạo?
Thạch Cơ nổi giận nói:
– Tam giáo, đạo nào cũng trọng sao lại có ý chê Triệt Giáo của tôi?
Thái Ất nói:
– Ðạo tuy là một, song có thấp cao, chánh tà phải phân biệt.
Thạch Cơ không còn nhịn được nữa, chém Thái Ất một gươm.
Thái Ất vội né sang một bên tránh, rồi chạy thẳng vào động, rút gươm báu và đãy phép, quì lạy về hướng Ðông, vái:
– Ngày nay cực chẳng đã phải phạm tội sát sanh, đệ tử không đám giấu thầy, xin chịu tội trước.
Vái lạy rồi, Thái Ất ra trước động, điểm mặt Thạch Cơ nói:
– Ngươi còn non nớt lắm, sao chẳng lo tu niệm lại muốn đua tranh, muốn đến cửa lành làm dữ?
Thạch Cơ không nhịn, vung gươm chém đùa. Thái Ất đỡ ra và nói:
– Ngươi là cục đá nhờ âm dương soi sáng, nhật nguyệt thắm nhuần, tuy hóa hình ngàn năm, nhưng chưa đắc quả. Nay số trời đã đến nên khiến ngươi đem chút tài mọn của tà đạo chống với chánh đạo, ta e uổng công tu luyện ngàn năm, không được thành tiên lại trở thành đá.
Thạch Cơ nương nương nghe Thái Ất đem gốc tích mình châm biếm lại càng giận hơn, đôi mày dựng ngược, hai mắt tròn xoe, múa kiếm chém Thái Ất không ngớt.
Thái Ất đưa gươm đối địch. Ðánh nhau được mười hiệp, sức gái không sánh nổi tài trai, Thạch Cơ ra tay trước, liền ném khăn Bát Quái lên, chiếu hào quang sáng chói.
Thái Ất cười lớn:
– Phép tà cự sao lại chánh?
Liền đưa tay chỉ chiếc khăn Bát quái, miệng niệm lâm râm, tức thì khăn Bát quái sa xuống đất.
Thạch Cơ thấy phép mình không hại nổi Thái Ất tức giận múa kiếm như bay, màu trắng tủa ra phủ một vùng.
Thái Ất nói:
– Ngươi đã cố tình không hối cải, quyết làm dữ với ta, lẽ nào ta dung thứ.
Nói rồi bước tránh sang một bên, lấy Cửu Long Thần hóa trạo vụt lên. Bửu bối nầy có hình một chiếc nơm úp cá.
Thạch Cơ thấy chiếc nơm phép thất kinh bỏ chạy, nhưng không sao tránh khỏi chiếc nơm úp nhằm đầu, Thạch Cơ bị chui vào đấy.
Na Tra thấy thày mình dùng phép úp Thạch Cơ mà đốt, vội chạy ra lớn tiếng nói:
– Phải chi lúc nãy mình được chiếc nơm ấy thì khỏi mất công thầy mình phải ra tay.
Thái Ất ngó ngoái lại thấy Na Tra, nghĩ thầm:
– Thằng quỷ nầy ý muốn chiếm nơm phép của ta. Nhưng nếu cho nó ngay bây giờ thì gây họa không ít, chi bằng để lúc nó theo Khương Tử Nha làm tướng, ta sẽ cho nó cũng chẳng muộn.
Nghĩ rồi liền gọi Na Tra bảo;
– Na Tra, nay bốn vị Long Lương vâng lệnh Ngọc Hoàng đang bắt tội thân phụ ngươi dưới ải, ngươi hãy trở về cho mau.
Na Tra nghe nói khóc lớn:
– Xin thầy ra ơn cứu con một phen. Con làm lỗi gây tội cho cha mẹ thật lòng con hối hận vô cùng.
Thái Ất thấy Na Tra khóc than lạy lục, liền kề miệng dặn nhỏ vài câu, bảo làm y kế ấy mới cứu được cha mẹ khỏi tội.
Na Tra tuân lệnh, độn thổ trở về ải Trần Ðường.
Còn Thạch Cơ bị chín con rồng lửa trong chiếc nơm thần vấn vít chặc cứng, hơi nóng phừng phừng, khói tỏa mù mịt.
Thương thay! Uổng công mấy ngàn năm tu luyện! Thạch Cơ bị hiện nguyên hình thành một cục đá xanh. Cũng bởi tại lửa trong tâm không dằn được nên mới bị lửa bên ngoài đốt ra tro.
Cục đá xanh tan. Thái Ất thấy Càn Khôn Quyện và Khổn Thiên Lăng không cháy, liền thâu hai vật báu ấy đem cất.
Na Tra độn thổ trở về đến ải Trần Ðường có quân vào báo cho Lý Tịnh hay. Bấy giờ vợ chồng Lý Tịnh đều bị trói còn bốn vị Long Vương là Ngao Quảng, Ngao Thuận, Ngao Nhuận, Ngao Khâm đều ngồi trước mặt, bàn cách xử án.
Khi nghe quân báo có Na Tra về, bốn vị Long Vương đều nghiến răng giận dữ. Na Tra vào ải, thấy cha mẹ bị trói, hét lớn:
– Sao quí vị làm ngang như vậy? Kẻ nào làm không phải kẻ ấy chịu tội thôi. Tôi đã đánh chết Lý Lương và Ngao Bính thì một mình tôi thế mạng, không việc gì bắt trói song thân tôi?
Bốn vị Long Vương đều nhìn Na Tra. Ngao Quảng nói:
– Ngươi giết người, gây nhiều việc đại ác, lại bỏ trốn, không biết xấu còn nói chuyện hiếu đạo!
Na Tra nói:
– Giết người đền mạng. Nay tôi bằng lòng mổ ruột, lóc thịt, chặt xương của tôi ra để đền tội với song thân, trả ơn sanh thành. Quí vị không được làm phiền đến song thân tôi nữa. Nếu quí vị bằng lòng như vậy thì tôi thi hành, bằng không, tôi cùng quí vị đến cửa trời, yết kiến Ngọc Hoàng, nhờ phân xử phải trái.
– Như vậy mới là con có hiếu. Ngươi làm được vậy ta cũng khen ngươi đấy.
Nói rồi mở trói cho vợ chồng Lý Tịnh.
Na Tra lấy gươm ra, tay mặt chặt tay trái, lóc hết thịt, rồi mổ bụng lòi ruột cả đùm. Chỉ chốc lát hồn lìa xác.
Thương ôi, máu me lai láng, xương thịt tan tành, lòng thảo dạ ngay, hồn bay phách lạc.
Người sau có thơ điếu Na Tra:
Mình làm mình chịu dám nài bao
Ðể họa song thân dạ nỡ nào
Lóc thịt quyết đền ơn nhũ bộ
Liều thân đành trả nghĩa cù lao
Lòng bền như đá lăn không núng
Máu chảy như vòi thác chẳng nao
Riêng thẹn phận hèn coi mạng lớn
Nghĩ càng hổ mặt với anh hào
Bốn vị Long Vương thấy Na Tra chết rồi không còn lý nào làm khó Lý Tịnh nữa, đồng lui về hết.
Vợ chồng Lý Tịnh tẩn liệm hài cốt của Na Tra đem chôn, lòng buồn khôn khuây.
Nguyên Na Tra là trái Châu Linh, không hồn phách, bởi đầu thai nên mới có hồn. Nay hồn Na Tra theo gió phất phơ trở về động.