Menu Đóng

Phụng sự tổ tông

Nhà thờ – Bao nhiêu con cháu dòng dõi trong một họ lập chung một nhà thờ Thủy Tổ, gọi là mỗ tộc (Trần tộc, Nguyễn tộc v.v…..) .từ đường. Nhà thờ ấy chỉ thờ riêng một Thủy Tổ, và khi tế tự thì lấy các tổ tông biệt chi, biệt phái mà phối hưởng. Có họ không có nhà thờ thì xây một cái bàn lộ thiên, dựng bia đá ghi tên thụy hiệu các tổ tiên để khi tế tự thì ra tại đó mà tế. Có họ thì làm nhà thờ để cho chi trưởng nam đời đời giữ hương hỏa, chi trưởng tuyệt thì mới truyền sang chi thứ. Có họ thì con cháu luân lưu thờ tổ ở nhà riêng của mình.

Những họ về chia khác, cũng có nhà thờ tổ tông trong bản chi, gọi là bản chi từ đường.

Nhà phú quý có gia từ, phụng thờ cao, tằng, tổ, khảo tại chính bàn giữa, còn đôi bên bàn cạnh nhà thì thờ Thổ công, Táo quân, Nghệ sư, nhà thì thờ Bà Cô, Ông Mãnh v.v….

Nhà thường dân không có nhà thờ riêng thì thờ tại nhà mình ở. Dẫu nghèo cũng có một bàn thờ.

Đồ thờ – Nhà thờ Thủy Tổ có riêng một thần chủ, để thờ mãi mãi, không bao giờ thay đổi, gọi là bách thế đất diêu chi chủ. Còn về gia từ, nhà phú quý có đủ thần chủ bốn đời, để thờ cao, tằng, tổ, khảo. Thần chủ làm bằng gỗ táo, lấy nghĩa rằng gỗ táo sống lâu được nghìn năm. Dài độ một thước, ở giữa đề tên, họ, chức tước và hai bên thì đề ngày tháng sinh tử của tô tiên, có hộp vuông che kín và để trong lòng khám, khi nào cúng tế mới mở ra. Hễ đến năm đời thì lại đem thần chủ cao tổ đi mà nhắc lần tằng, tổ, khảo lên bực trên, rồi đem ông mới mất mà thế vào thần chủ ông khảo gọi là ngũ đại mai thần chủ. Nhà thường dân cũng có nhà dùng thần chủ, cũng có nhà chỉ dùng một bộ ỷ để thờ. Đồ thờ phụng thì đại khái nhà nào cũng có một bộ đèn nến, lư hương, bình hoa, mâm quỳ, mâm bồng, cỗ đài rượu, hộp giầu, đài nước v.v… Người thì dùng đồ đồng đồ thiếc, người thì dùng đồ sơn son thếp vàng thếp bạc. Nhà nào giàu có treo hoành biển khắc ba, bốn chữ đại tự và treo kèm đối liễn đôi bên bàn thờ, hoặc khảm trai, hoặc sơn thếp. Nhà không có cũng treo hoành biển và đôi liễn dán giấy. Đại ý trong chữ thì chỉ là ghi tụng công đức của tổ tông.

Đồ thờ phụng, càng nhà giàu thì càng trang hoàng nhiều đồ quý, mà nghèo đến đâu cũng có được một vài cây đèn nến sơn son và một cái bình hương.

Ta coi đồ thờ tự là đồ rất kính trọng, không ai dám đem cầm đem bán bao giờ. Nếu nhà nào nghèo quá phải cầm bán thì ai cũng chê cười.

Gia phả – Nhà thờ nào cũng có cuốn sổ ghi chép theo thứ trước sau và họ tên chức tước ngày tháng sinh tử của tổ tông và người trong nhà, gọi là gia phả. Gia phả thường dùng bằng giấy sắc, viết tinh tả, nghĩa là lấy lòng kính trọng mà thờ tổ tiên vậy.

Nhà đại gia thì gia phả ghi chép cả công nghiệp sự trạng của tổ tông, mả táng tại đâu cũng có ghi vào quyển gia phả, tức như một quyển sử ký trong nhà.

Gia phả để tại nhà thờ, cũng có nhà in ra phát cho mỗi chi một bản để cho con cháu được biết sự tích của tổ tông.

Ruộng kỵ – Một họ hoặc một chi, đã có nhà thờ thì có ruộng kỵ. Ruộng kỵ ấy là hương hỏa của tổ tông để lại hay là trong họ chung nhau mà tậu, hay là của người trong họ cúng để lấy hoa lợi mà chi về việc tế tự. Có họ, người con gái đi lấy chồng, không có con, cúng tiền cúng ruộng về họ để mai hậu họ nhận lấy ruộng ấy làm ruộng kỵ, rồi cũng phải thờ phụng người ấy vào trong nhà thờ. Họ nào không có ruộng kỵ thì mỗi kỳ cúng tế, phải đóng tiền góp gạo với nhau.

Tế Thủy Tổ – Mỗi năm về ngày húy nhật ông Thủy Tổ, cả họ họp mặt tại nhà thờ, dúng lễ tam sinh, hoặc tùy họ to họ nhỏ mà dùng bò hoặc lợn để tế tổ. Tế xong làm cỗ bàn ăn uống vui vẻ với nhau. Một tiết thanh minh thì cả họ rủ nhau đi đắp mả tổ, nhiều họ đắp mả to gần bằng núi. Có họ đắp xong thì tế ngay tại mả tổ, có họ thì đem về nhà.

Các tuần các tiết cũng có cúng, nhưng chỉ nhà trưởng nam cúng mà thôi. Đến tháng chạp lại có một tuần hợp tế các tổ tông trong họ, thì họ lại họp đông như khi giỗ Tổ.

Trong ba ngày Tết Nguyên Đán, con cháu trong họ đem trầu cau đến nhà thờ lễ Tổ, chớ không có ăn uống gì cả.

Cúng vái gia tiên – Mỗi tuần tiết, hoặc ngày kỵ, hoặc mùa có của mới, gạo mới, hoặc khi có việc hiếu hỉ, việc to việc nhỏ, nhà kiệm nhà phong, hoặc dùng bọ lợn dê gà hoặc làm một vài mâm cỗ, hoặc dùng đồ hoa quả bánh trái, hoặc thủ lợn mâm xôi, hoặc bát cơm cái trứng, con cá bát canh, tùy thế nào cho tiện thì thôi. Nhưng thế nào cũng phải có cơi trầu, bát nước trong, một hồ rượu mới là thành lễ. Đốt đèn đốt hương tùy việc mà khấn vái gia tiên.

Đồ cúng cấp chưa cúng thì dẫu lưng cơm thừa, bát canh dở cũng không ai dám ăn trước, ấy cũng là một lòng rất thành kính vậy.

*
Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của người. Nhưng cũng nên biết rằng sự cúng cấp là để tỏ cái lòng thành kính, chứ không phải để mà phụng dưỡng tổ tiên, thì dùng cách nào cho ngụ được cái lòng ấy cũng đủ.

Cúng cấp tuy không tốn kém là bao nhiêu, nhưng nhiều nhà vì cớ nay giỗ mai tết mà sinh ra khốn khó; hoặc là vì cúng cấp ăn uống mà anh em thường hay khích bác nhau, nào là trách người này một nén hương chẳng mất, nào là chê trưởng nam kiệt, nào là phàn nàn: bao nhiêu nước xáo đổ đầu trưởng na,. thì ra kính lại chẳng bõ phiền.

Giả thứ dùng cách nào thanh lịch mà đỡ phiền phí thì có lẽ tiện hơn.