Bất kỳ ai từng có dịp tiếp xúc Tổng thống Theodore Roosevelt cũng đều ngạc nhiên trước vốn kiến thức uyên bác của ông. Dù đó có là một cậu bé chăn bò Texas hay là một chính khách New York, một người huấn luyện ngựa hay là một nhà ngoại giao, Roosevelt đều biết cách làm cho câu chuyện trở nên cực kỳ thú vị và đây là bí quyết của ông.
Mỗi khi hẹn gặp ai, đêm hôm trước, ông thức rất khuya để tìm hiểu thật kỹ những vấn đề mà ông biết rằng người khách này sẽ quan tâm. Roosevelt cũng như tất cả các nhà lãnh đạo kiệt xuất trên thế giới đều biết rằng con đường nhanh nhất vẫn đến trái tim một người là bàn luận về những điều mà người đó quan tâm nhất.
Trong tiểu luận “Bản chất con người” (Human Nature)“, William Lyon Phelps, Giáo sư văn học của trường Đại học Yale đã viết: Khi lên tám, vào những ngày cuối tuần, tôi thường đi thăm Dì Lippie Linsley ở Fresfor. Một buổi tối nọ, có người đàn ông đứng tuổi đến nhà. Sau khi trao đổi công việc với Dì, ông quay sang trò chuyện cùng tôi. Lúc bấy giờ, tôi đang say mê tàu thuỷ và ông ấy đã bàn luận với tôi biết bao điều hấp dẫn về tàu thuỷ. Sau khi ông ra về, tôi ca ngợi ông hết lời : Một con người thật đặc biệt ! Dì tôi cho biết ông là một luật sư ở New York và ông chả quan tâm gì tới tàu thuỷ cả ! Tôi hỏi : Nhưng tại sao suốt buổi, ông ấy chỉ nói về tàu thuỷ thôi ? Dì tôi đáp : Bởi vì ông là một người lịch sự. Ông thấy cháu quan tâm đến tàu thuỷ nên ông cũng nói về tàu thuý để cho cháu vui. Tôi sẽ không bao giờ quên điều đó. Phải chăng đây cũng là một biện pháp rất hữu ích trong kinh doanh. Dưới đây là một minh chứng khác. Ông Duvernoy đang tìm cách bán bánh mì cho một khách sạn ở New York.Trong suốt bốn năm liền, mỗi tuần ông đều đến thăm người chủ khách sạn đó. Ông cũng tham gia các công tác xã hội mà người ấy quan tâm. Thậm chí, ông còn thuê phòng ngay trong khách sạn đó để dễ tiếp cận đối tượng. Nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại.
Ông Duvernoy kể lại câu chuyện như sau: “Sau khi nghiên cứu các mối quan hệ giữa người với người, tôi quyết định thay đổi chiến thuật. Tôi cố tìm hiểu điều mà con người ấy ưa thích, say mê. Tôi phát hiện ông là hội viên của Hiệp hội Các nhà kinh doanh khách sạn hiếu khách Hoa Kỳ (The Hotel Greeters of America). Không chỉ thế, do tính cách sôi nổi, tích cực, ông còn được bầu làm chủ tịch Hiệp hội này. Ở đâu có hoạt động của hội, ở đó có mặt ông. Thế là hôm sau đến thăm ông, tôi bắt đầu nói đến hoạt động của Hiệp hội. Ông hào hứng trò chuyện với tôi suốt nửa giờ đồng hồ về hội. Tôi có thể thấy rõ ràng rằng hội này không những là điều ông ưa thích, mà nó còn là khát vọng của đời ông. Trước khi tôi rời khỏi văn phòng, ông đã cho phép tôi trở thành một thành viên của tổ chức này. Trong suốt cuộc tiếp xúc, tôi không nói một lời nào về bánh mì. Nhưng vài ngày sau, viên quản lý khách sạn đó gọi điện thoại mời tôi mang các mẫu bánh mì và bảng giá đến.“Không biết ông đã làm gì mà ông ấy cứ nhắc ông mãi, ông ấy quý ông lắm”, viên quản lý nói với tôi như thế. Thế đấy! Bốn năm trời chạy đôn chạy đáo quảng cáo sản phẩm không bằng nửa giờ bàn luận về chủ đề yêu thích của đối tác”.
Một lời nói bất cẩn, thiếu suy nghĩ có thể làm mất thiện cảm, gây ra bất hòa. Một lời độc ác có thể làm tổn thương một tâm hồn. Một lời đúng lúc có thể mang lại bình an. Một lời yêu thương có thể đem lại hạnh phúc thật sự. Và có những lời nói có thể cứu được một con người.
Nguyên tắc 8 : Nói về điều người khác quan tâm