Menu Đóng

Chương 9: Để Người Khác Yêu Thích Bạn Ngay Lập Tức

Một lần, khi đang xếp hàng chờ gửi thư bảo đảm ở bưu điện, tôi nhận thấy một nhân viên đứng sau quầy phục vụ khách hàng trông rất chán nản. Tôi thử nghĩ về các công việc thường ngày của anh: cân các phong bì, dán những con tem, thối lại tiền lẻ và trao biên lai cho khách. Mọi thứ cứ lặp đi lặp lại đơn điệu hết năm này sang năm khác thì làm sao anh ta không chán ngán cho được.

Thế là tôi tự nhủ: “Mình sẽ thử làm cho anh chàng này vui lên xem sao”. Để làm điều đó, tôi cần nói một điều gì đó thật thú vị, dĩ nhiên không phải về tôi mà về anh ta. Tôi quan sát và một ý tưởng hiện ra. Khi anh đang cân phong thư tôi gửi, tôi nói:  “Ước gì tôi có mái tóc đẹp như tóc của anh”. Anh ta ngẫng lên, hơi ngạc nhiên, gương mặt bỗng dãn ra với nụ cười rộng mở và trả lời khiêm tốn: “Cảm ơn ông, hôm nay nó không được đẹp như mọi ngày!”. Tôi cam đoan rằng mái tóc của anh ta rất đẹp, nó tạo cho anh ta một nét nam tính thật đặc biệt và anh ta đã rất vui. Chúng tôi tiếp tục cuộc trò chuyện, cuối cùng anh ta tiết lộ một cách vui vẻ: “Có nhiều người khen tóc tôi rồi đấy!”. Tôi chắc rằng hôm đó chàng thanh niên này đi ăn trưa với đầu ngẫng cao đầy tự hào và hẳn là khi về nhà anh ta sẽ kể với vợ mình điều đó trong bữa cơm tối. Chắc rằng anh chàng sẽ nhìn vào gương và tự hào nói với chính mình: “Quả là mình có mái tóc thật phong độ!”.

Tôi đã kể câu chuyện này một lần trước công chúng, và sau đó một người hỏi tôi: “Ông muốn được gì ở người ấy?”. Tôi muốn được gì ở người ấy khi làm điều đó ư? Nếu như chúng ta ích kỷ một cách đáng khinh bỉ đến nỗi không thể chia sẻ được một ít hạnh phúc và tặng một lời khen ngợi thành thực mà không mưu cầu lợi ích cho riêng mình, nếu như tâm hồn chúng ta không lớn hơn những mục đích, vụ lợi, thì chắc chắn chúng ta sẽ thất bại và rất đáng bị thất bại. Thật lòng, tôi cũng muốn đạt được một điều từ việc này. Tôi muốn một điều vô giá. Và, tôi đã có được nó. Đó là cảm giác cao quý rằng mình đã làm được một điều có ích cho người khác mà không cần phải được đền đáp. Khi cho đi bằng tất cả tấm lòng, tôi cảm thấy mình đã nhận lại nhiều hơn thế.

Có một quy tắc hết sức quan trọng trong việc đối nhân xử thế. Nếu chịu tuân thủ quy tắc này thì hầu như chúng ta sẽ không bao giờ gặp rắc rối trong giao tiếp, sẽ có vô số bạn bè và sẽ luôn hạnh phúc. Còn ngược lại, vi phạm quy tắc này, bạn sẽ gặp khó khăn triền miên. Quy tắc ấy là: “Luôn luôn làm cho người khác cảm thấy họ quan trọng“. William James nói: “Nguyên tắc sâu xa nhất trong bản chất con người là sự thèm khát được khen ngợi.” Đây chính là điều khiến con người trở nên khác biệt với muôn loài và thúc đẩy nền văn minh nhân loại phát triển. Những cuộc nghiên cứu của các triết gia trong nhiều thập kỷ qua về quan hệ giữa người với người đều dẫn đến một nguyên tắc ứng xử quan trọng. Zoroaster đã dạy nguyên tắc này cho các môn đệ của mình ở Iran cách đây hai mươi lăm thế kỷ. Khoảng một thế kỷ sau đó, cũng nguyên tắc ấy, Lão Tử rồi Khổng Tử đã truyền giảng ở Trung Quốc. Đức Phật đã thuyết giảng chân lý đó bên bờ sông Hằng năm trăm năm trước Công nguyên. Kinh sách Ấn Độ giáo đề cập tư tưởng này một ngàn năm trước đó. Và cách đây hai mươi thế kỷ, trên những ngọn đồi ở Do Thái, Chúa Jesus cũng truyền giảng chính điều ấy.

Nguyên tắc có lẽ quan trọng nhất ấy của nhân gian có thể được tóm gọn như sau: “Hãy đối xử với người khác theo cách mình muốn được đối xử”.

Ai cũng muốn được tán thành, được thừa nhận giá trị của bản thân. Ai cũng muốn có cảm giác mình thật quan trọng trong thế giới chật hẹp này. Ai cũng muốn được người thân, bạn bè hay các đối tác “khen ngợi chân thành và thật lòng” chứ không muốn nghe những lời nịnh hót, giả dối. Tất cả mọi người chúng ta đều muốn thế.  Vậy chúng ta hãy tuân theo nguyên tắc vàng nêu trên, và cho đi điều chúng ta muốn nhận từ người khác.

 

Vậy nên làm điều đó ở đâu? Vào lúc nào?  Câu trả lời là: Bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

 

David G. Smith ở Eau Claire,  Wisconsin, nói chuyện trước lớp chúng tôi cách ông xử lý một tình huống tế nhị khi người ta yêu cầu ông đảm nhiệm việc phục vụ ăn uống tại một buổi hoà nhạc từ thiện. “Vào đêm hòa nhạc, khi tới nơi, tôi thấy hai bà đứng tuổi với vẻ mặt rất khó chịu đang đứng cạnh quầy giải khát. Trong khi tôi đang suy nghĩ xem nên làm gì, một người thuộc ban tài trợ xuất hiện, trao cho tôi một hộp tiền và cảm ơn tôi đã nhận nhiệm vụ này. Bà giới thiệu tôi với Rose và Jane – chính là hai người phụ nữ cau có mà tôi đã nhìn thấy – sẽ hỗ trợ tôi. Nói xong bà vội bước đi để lại ba con người với một bầu không khí im lặng nặng nề. Biết rằng giữ tiền là một công việc thể hiện hình thức quyền lực nên tôi trao cái hộp cho Rose và giải thích rằng tôi  không thể giữ tiền lúc này, tôi nghĩ nếu bà giữ thì sẽ tốt hơn. Rồi tôi đề nghị Jane rằng, bà nên hướng dẫn cho hai cô gái đã từng làm việc ở quầy giải khát kia cách sử dụng chiếc máy làm soda và tôi nhờ bà chịu trách nhiệm giúp phần này luôn. Tối hôm ấy Rose thích thú tính tiền, Jane tự hào chỉ huy các cô phục vụ, còn tôi an nhàn thưởng thức hòa nhạc.”  Bạn không phải đợi cho đến khi mình là đại sứ Pháp hay chủ tịch hội đồng quản trị mới sử dụng cách xử thế đơn giản này. Bạn có thể làm nên những chuyện phi thường mỗi ngày với triết lý ấy.  Nếu như cô phục vụ mang đến món ớt trái trong khi bạn đã yêu cầu ớt xay thì nên nói: “Tôi rất tiếc đã làm phiền cô, nhưng tôi thích ớt xay hơn”. Chắc hẳn cô ấy sẽ trả lời: “Không sao đâu ạ” và vui vẻ đổi ngay cho bạn bởi vì cô cảm thấy được tôn trọng. “Tôi rất ngại làm phiền ông. Ông chịu khó làm giúp…?”, “Ông có thể vui lòng…?”, “Ông có phiền không nếu…?”, “Cảm ơn.”, những lời nói lịch sự sẽ đánh tan sự đơn điệu của cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, đó còn là biểu hiện của người lịch sự và có văn hóa.

 

Ta hãy lấy một minh họa khác từ câu chuyện của nhà văn Hall Caine, tác giả những tiểu thuyết như The Christian, The Deemster, The Manxman, những tác phẩm bán chạy nhất trong nửa đầu thế kỷ 20. Hàng triệu người đã đọc tiểu thuyết của ông. Ông là con của một người thợ rèn, học chưa hết lớp tám, nhưng cho đến khi mất, ông vẫn là nhà văn giàu có nhất trong các nhà văn đương thời. Câu chuyện như sau: Hall Caine thích sonnet(1) và ballad(2) cho nên ông đọc ngấu nghiến toàn bộ thơ của Dante Gabriel Rossetti(3). Thậm chí, ông còn viết một bài ca ngợi Rossetti và gửi một bản cho chính Rossetti. Rossetti rất cảm kích và nghĩ: “Chàng trai nào cảm nhận tài năng mình tinh tế như vậy hẳn phải thông minh lắm đây”. Thế là Rossetti mời chàng trai ấy đến Luân Đôn làm thư ký cho ông. Đó là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Hall Caine. Ở vị trí mới, ông được gặp gỡ rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Họ đã chỉ dẫn và khuyến khích ông bước vào con đường văn chương, đưa tên tuổi ông lên đỉnh cao của vinh quang. Lâu đài Greeba Castle của Hall Caine trên đảo Man sau đó trở thành một nơi được mệnh danh là “Thánh địa Mecca của châu Âu” thu hút du khách từ những đất nước xa xôi trên khắp thế giới đến viếng thăm. Ông để lại một tài sản trị giá vài triệu đô-la. Ai biết được ông có thể đã chết lặng lẽ trong nghèo khó nếu như không biểu lộ sự thán phục một nhân vật nổi tiếng bằng bài viết đó.  Sức mạnh, cái sức mạnh phi thường của việc đánh giá chân thành và thực lòng là như thế. Rossetti tự xem mình là người quan trọng. Điều này không có gì lạ, vì hầu hết mọi người đều như thế.

 

Cuộc đời của nhiều người có thể đã thay đổi nếu như có một ai đó làm cho người ấy cảm thấy mình quan trọng. Ronald J. Rowland, vốn là một giám thị của chúng tôi hồi học ở California, cũng là một giáo viên dạy hội họa và thủ công. Ông kể với tôi về một học sinh tên Chris ở lớp thủ công căn bản của ông: “Chris là một cậu bé rất nhút nhát, lặng lẽ, thiếu tự tin, thuộc nhóm học sinh không gây được sự chú ý của giáo viên đứng lớp. Nhưng tôi cảm thấy trong con người cậu ấy có một ngọn lửa đang nung nấu. Một ngày nọ, Chris đang chăm chú vào công việc của mình tại bàn học, tôi đến gần, hỏi Chris xem cậu có muốn học ở lớp cao cấp không. Tôi muốn nắm được một dấu hiệu nào đó trên gương mặt của Chris, tôi thấy cậu bé mười bốn tuổi ấy đang cố tìm cách ngăn những giọt nước mắt.  “Ai ạ? Em ư? Em ư? Thầy Rowland? Em làm được sao?” “Chris, đúng thế, em đủ sức làm được!” Đến đây, tôi cũng phải ngừng lại vì chực trào nước mắt xúc động. Khi Chris bước ra khỏi lớp ngày hôm ấy, cậu có vẻ cao hơn cả tấc. Cậu ấy nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh và nói giọng rõ ràng: “Em cảm ơn thầy, thầy Rowland”. Chris đã dạy cho tôi một bài học mà tôi không bao giờ quên. Đó là lòng ước muốn sâu xa được cảm thấy mình quan trọng. Tôi đặt một tấm bảng trước cửa lớp ghi hàng chữ “Bạn là người quan trọng” để mọi người có thể thấy và để nhắc nhở chính tôi rằng, mọi học sinh tôi gặp đều quan trọng như nhau”.

 

Một sự thật rõ ràng là hầu hết mọi người bạn gặp đều cảm thấy họ hơn bạn ở một điểm nào đó. Cách chắc chắn để chiếm được cảm tình của họ là khiến họ nhận thấy, bằng một cách tế nhị, rằng bạn thành thật thừa nhận tầm quan trọng của họ.Triết gia Emerson từng nói: “Mọi người tôi gặp trong đời đều hơn tôi ở một điểm nào đấy và tôi học được điểm ấy của anh ta”. Nhưng khổ nỗi, những con người tầm thường lại hay kiêu ngạo, tự mãn và khoa trương ầm ĩ nên chẳng muốn học hỏi ở ai điều gì cả.

 

Như đại văn hào Shakespeare đã viết:  “… Ôi con người, con người kiêu ngạo, Có được chút uy quyền, … Đã vội diễn trò ngông cuồng trước mặt Đấng Hóa công Để các vị thiên sứ phải rơi lệ.” Những doanh nhân trong các lớp của tôi hướng dẫn đã ứng dụng những nguyên tắc này và thu được những kết quả rất mỹ mãn.

 

Đây là trường hợp của một luật sư ở Connecticut. Ngay sau khóa học, ông R. cùng vợ đến Long Island thăm họ hàng bên vợ. Khi bị vợ bỏ đứng một mình với một bà cô của cô ấy, anh ấy đã không bỏ lỡ một dịp tốt để thực hành bài học về khen ngợi. Thế là anh nhìn quanh ngôi nhà tìm ra một điều gì đó để khen ngợi nhằm thể hiện sự quan tâm của mình. Anh hỏi:- Cô ạ, ngôi nhà này được xây vào khoảng năm 1890 phải không? – Phải rồi cháu, đúng là năm đó. – Nó làm cháu nhớ đến ngôi nhà nơi cháu đã sinh ra. Đẹp, rộng rãi và chắc chắn. Thời nay người ta không còn xây những ngôi nhà như vậy nữa.  – Ta nghĩ cháu nói đúng đấy, – người cô tán thành. – Tụi trẻ thời này có thèm biết gì đến thế nào là đẹp đâu! Người ta cần một căn phòng xinh xắn để ngủ, còn chúng thì cứ lang thang suốt ngày sáng đêm trên xe hơi. – Nó là ngôi nhà mơ ước của gia đình ta, bà nói, giọng mơ màng như đang trở về miền ký ức dịu dàng. – Biết bao năm cô và dượng ước mong, tính toán đủ mọi thứ mới có thể xây nên nó. Cháu biết không, cô dượng đâu có tiền thuê kiến trúc sư mà tự thiết kế cả đấy! Rồi bà chỉ cho ông R. xem từng thứ trong nhà.

Ông thực lòng biểu lộ sự thán phục bộ sưu tập quý báu mà bà đã thu thập trong những chuyến du lịch nước ngoài và nâng niu gìn giữ cả đời. Đây là một bộ đồ trà cổ của Anh, bằng sứ Wedgwood, kia là những chiếc giường và ghế kiểu Pháp, những bức tranh của Ý và những tấm màn lụa có xuất xứ từ một lâu đài cổ ở Pháp…Sau đó, bà dẫn ông R. ra nhà để xe. Ở đấy, một chiếc ô tô Packard, hãy còn mới nguyên, được đặt ngay ngắn trên những khối gỗ.- Dượng mua chiếc xe này cho cô không lâu trước khi dượng qua đời. – Bà dịu dàng nói. – Từ khi dượng mất, cô không có dịp dùng nó nữa… Cháu biết thưởng thức cái đẹp, cô tặng cháu chiếc xe đó. – Ồ không, cô ạ! Cô làm cháu sửng sốt quá. Dĩ nhiên cháu rất quý tấm lòng của cô nhưng cháu không thể nào nhận được. Xe của cháu còn mới. Cô còn nhiều họ hàng thân thuộc, họ sẽ thích có được chiếc Packard này. – Thân thuộc à? – Bà thốt lên trong nỗi giận dữ trào dâng – Phải, nhiều người trong bọn họ chỉ mong cô chết đi để chiếm chiếc xe này. Còn lâu cô mới để cho họ. – Vậy cô có thể bán nó đi. – Bán ư? Cháu tưởng cô có thể bán chiếc xe này sao? Làm sao cô có thể đành lòng nhìn những người xa lạ lái chiếc xe mà dượng đã dành dụm mua tặng cô vào những năm tháng kỷ niệm đó? Cô sẽ không bao giờ bán nó. Cô muốn tặng cho cháu bởi vì cháu là người biết quý trọng những kỷ vật…Ông không dám từ chối nữa vì sợ làm tổn thương tình cảm của người cô.Người đàn bà này sống cô độc, hiu quạnh trong một ngôi nhà lớn với những thứ đồ cổ, những kỷ vật gợi nhớ một thời vàng son, tươi trẻ, vinh dự và tràn đầy hạnh phúc. Bà thèm khát được chia sẻ cảm xúc, muốn được quan tâm và trân trọng, được người ta nhắc đến những ký ức, quá khứ ngọt ngào của mình nhưng từ lâu lắm rồi, bà không hề có được chút ấm áp của tình người ấy. Sự trân trọng của người cháu rể đối với bà như một dòng suối mát mơn man chảy giữa một sa mạc rộng lớn, khô cằn.

Lòng biết ơn của bà mạnh đến nỗi bà quyết định tặng người cháu rể chiếc xe Packard yêu quý, kỷ niệm một thời hạnh phúc của mình.George Eastman, nổi tiếng với sản phẩm phim Kodak, người đã phát minh ra phim nhựa dùng cho điện ảnh, tạo nên tài sản hàng tỷ đô-la và trở thành một trong những nhà kinh doanh nổi tiếng nhất trên thế giới. Cho dù thành tích phi thường như vậy, ông vẫn khao khát được khen tặng giống hệt như bạn và tôi.  Khi Eastman đang xây dựng Trường âm nhạc Eastman, cũng như nhà hát Kilbourn ở Rochester, James Adamson lúc đó là chủ tịch công ty sản xuất ghế cao cấp ở New York muốn giành đơn đặt hàng cung cấp ghế ngồi cho hai công trình này. Adamson xin gặp Eastman ở Rochester. Khi vừa đến nơi, Adamson được dặn dò: “Nếu chiếm hơn năm phút nói chuyện với George Eastman thì ông chẳng còn cơ hội nào đâu. Ông ấy là một người rất kỷ luật và cực kỳ bận rộn. Xin ông hãy trình bày thật nhanh rồi ra nhé”. Và Adamson đã chuẩn bị để trình bày chỉ trong đúng năm phút. Khi được đưa vào văn phòng, ông  thấy Eastman đang cúi mình trên một chồng giấy tờ ở bàn viết. Lát sau, Eastman ngước mắt lên, cất kính và bước về phía người kiến trúc sư và Adamson, nói: “Chào hai ông, tôi có thể giúp gì cho hai ông?”. Người kiến trúc sư giới thiệu và sau đó Adamson nói: “Thưa ông, trong lúc chờ đợi, tôi ngắm nhìn văn phòng của ông. Không ngờ lại có một văn phòng như thế này. Tôi là người kinh doanh đồ gỗ nội thất chuyên nghiệp nhưng cả đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy một  văn phòng nào đẹp đến thế”.  George Eastman đáp: “Ông nhắc tôi nhớ tới điều mà suýt nữa tôi đã quên. Quả là nó đẹp thật đúng không? Hồi mới xây, tôi thích lắm. Nhưng giờ hàng đống công việc ngập đầu đến nỗi có khi cả tuần tôi chẳng còn tâm trạng ngó qua nó được một lần”. Adamson bước đến sờ vào một tấm ván: “Đây có phải là gỗ sồi Anh không? Nó hơi khác so với gỗ sồi Ý”. “Đúng thế,” Eastman đáp lại, “gỗ sồi này nhập từ Anh, do chính tay một người bạn chuyên gia về gỗ quý hồi đó đã chọn cho tôi”. Sau đó Eastman giới thiệu toàn bộ văn phòng, bàn luận về các tỷ lệ, màu sắc, cách chạm trổ và các hiệu quả khác mà ông đã sử dụng trong thiết kế và xây dựng.

Trong khi trò chuyện miên man về căn phòng, khen ngợi những vật dụng bằng gỗ xinh xắn, họ dừng lại bên một cửa sổ. Vẫn lối nói khiêm tốn, nhẹ nhàng thường ngày, George Eastman giới thiệu một vài công trình mà ông đã thực hiện để giúp đỡ cộng đồng: Trường Đại học Rochester, Bệnh viện đa khoa, Ngôi nhà Hữu nghị, Bệnh viện cho trẻ em… Adamson thật lòng bày tỏ sự cảm kích trước việc Eastman dùng tài sản của mình để chia sẻ đau khổ với những người xung quanh. Sau đó, George Eastman mở khóa một tủ kính và lấy ra chiếc máy ảnh đầu tiên mà ông được sở hữu – phát minh của một người Anh. Adamson hỏi ông đôi điều về những khó khăn buổi đầu dựng nghiệp. Eastman xúc động kể về thời tuổi thơ nghèo khó của mình, về người mẹ goá phải nấu cơm cho nhà trọ trong khi ông làm nhân viên trong một công ty bảo hiểm. Cảnh nghèo khổ đã ám ảnh ông. Điều đó thôi thúc ông quyết chí kiếm tiền giúp mẹ khỏi phải làm việc cực nhọc. Adamson còn khơi gợi Eastman nói kinh nghiệm của mình về phim âm bản. Và Eastman kể lại thời gian ông đã làm việc vất vả như thế nào trong một phòng thí nghiệm và đôi khi ở lại suốt đêm. Ông chỉ chợp mắt vài phút ngắn ngủi trong khi chờ đợi các chất hóa học phản ứng với nhau.

 

James Adamson đã được báo trước rằng mình không thể chiếm của Eastman trên năm phút nhưng một giờ, rồi hai giờ trôi qua mà hai người vẫn cứ mải mê trò chuyện. Cuối cùng George Eastman quay về phía Adamson: “Có lần sang Nhật tôi đã mua vài chiếc ghế, để ở ngoài hành lang nhà tôi. Nhưng nắng đã làm tróc sơn, cho nên hôm nọ tôi đi mua một ít sơn rồi tự sơn lại. Ông muốn xem không? Thôi, đến nhà tôi ăn trưa đi, tôi sẽ cho ông xem”.  Sau bữa trưa, Eastman cho Adamson thấy những chiếc ghế mà ông đã mua ở Nhật. Chúng chỉ có giá vài đô-la, nhưng George Eastman, giờ đây là một tỷ phú, lại tự hào về chúng bởi vì chính ông đã sơn lại từng chiếc ghế. Sau cuộc gặp gỡ, Eastman đặt Adamson một đơn hàng lên đến 90.000 đô-la. Ai có thể ngờ James Adamson có được đơn đặt hàng này. Eastman và James Adamson đã trở thành hai người bạn thân từ lúc gặp nhau lần đầu cho đến khi Eastman qua đời.

 

Claude Marais, chủ một khách sạn ở thành phố Rouen của Pháp đã theo nguyên tắc này mà giữ được một nhân viên chủ chốt của mình. Người nữ nhân viên ấy đã làm việc cho ông được năm năm, cô là cầu nối giữa Marais và toàn bộ 21 nhân viên của ông. Một buổi sáng nọ ông vô cùng sửng sốt khi nhận được bức thư xin nghỉ việc của cô. Ông nói: “Tôi hết sức ngạc nhiên bởi vì tôi cứ tưởng rằng tôi vẫn chu đáo và hiểu rõ các mong muốn của cô ấy. Có lẽ do cô ấy vừa là bạn đồng thời cũng là nhân viên nên tôi đã quá yên tâm về cô, thậm chí còn yêu cầu ở cô nhiều hơn những nhân viên khác. Dĩ nhiên tôi không thể nào chấp nhận lá đơn này mà không yêu cầu giải thích. Tôi hẹn gặp riêng cô và nói: “Paulette này, cô phải hiểu rằng tôi không thể nào chấp nhận đơn xin nghỉ việc của cô. Cô có ý nghĩa rất lớn đối với tôi cũng như đối với khách sạn này”.  Tôi đã nhắc lại điều đó trước mặt toàn bộ các nhân viên và chính thức mời cô ở lại, đồng thời khẳng định lòng tin tưởng của tôi vào cô trước sự có mặt của cả gia đình tôi. Paulette rút đơn xin nghỉ việc, tôi tin cậy ở cô còn hơn cả trước đây. Bên cạnh đó, tôi thường biểu lộ sự trân trọng của mình về công việc của cô và luôn khẳng định rằng cô quan trọng như thế nào đối với tôi cũng như đối với khách sạn”.

 

Nguyên tắc này có thể dùng trong gia đình không? Bà Dorothy Dix, chuyên gia tâm lý nổi tiếng phát biểu: “Khi bạn chưa học nghệ thuật khen ngợi thì bạn đừng nên lập gia đình”. Đã bao lâu rồi bạn quên khen người vợ đảm đang của mình? Bao lâu rồi bạn quên cảm ơn người chồng tận tụy của mình? Lần cuối cùng bạn khen ngợi, nhìn nhận nỗ lực đóng góp của nhân viên mình là khi nào? Nếu bạn bảo là vợ hoặc chồng không có gì đáng để khen, thế thì ngày xưa các bạn lấy lý do gì để đến với nhau. Nếu bạn bảo nhân  viên mình không cần khen ngợi cũng làm việc tốt thì họ chỉ làm đúng công việc được giao mà thôi.

 

Thực sự, với những lời khen ngợi và biết ơn chân thành, bạn sẽ chẳng mất gì để trở thành một người đáng yêu trong mắt vợ hoặc chồng mình; tương tự, là một cấp trên biết trân trọng và quan tâm đến nhân viên của mình.  

 

“Người có giá trị nhất là người giúp cho đồng loại mình được nhiều nhất. Làm cho người khác cảm thấy họ quan trọng là một trong những cách thức hữu ích nhất để giúp họ sống và làm việc tốt hơn. Lòng ham muốn được tỏ ra mình quan trọng là một sự thôi thúc mạnh mẽ nhất trong bản chất con người”  – John Dewey

 

Nguyên tắc 9 : Thật lòng làm cho người khác thấy rằng họ quan trọng.

 

———————————————————-

 

(1) Sonnet: Loại thơ 14 câu ra đời từ thế kỷ 13, có lối gieo vần theo một cấu trúc rất chặt chẽ

(2) Ballad: Loại thơ được trình bày như nhạc, thường là một câu chuyện được kể lại qua một bài hát.

(3) Dante Gabriel Rossetti (1828 – 1882): Nhà thơ, nhà danh họa, dịch giả người Anh.

 

———————————————————-

 

Tóm Tắt Phần II – 6 Cách Tạo Thiện Cảm

 

Nguyên tắc 4: Thật lòng quan tâm đến người khác. 

Nguyên tắc 5: Hãy mỉm cười! 

Nguyên tắc 6: Luôn nhớ rằng tên của một người là âm thanh êm đềm, thân thương và quan trọng nhất đối với họ. 

Nguyên tắc 7: Biết lắng nghe và khuyến khích người khác nói về vấn đề của họ. 

Nguyên tắc 8: Nói về điều người khác quan tâm. 

Nguyên tắc 9: Thật lòng làm cho người khác thấy rằng họ quan trọng.