Hôm nay vừa đầy tám ngày, ngày nào trong nhà ông Quyết cũng thấy họ mạc kéo đến tấp nập. Có gì đâu? ông ta phải sửa xôi mới. Với làng Th. của ông Quyết cũng như với nhiều làng khác, xôi mới vẫn là một lễ long trọng. Hễ làng chưa làm lễ ấy, các nhà không ai được ăn, hoặc cúng, hay bán thứ gì bằng nếp. Người nào phạm vào điều đó sẽ bị bắt vạ tức thì. Là vì theo tục thôn quê, nghề gì cũng có tiên sư, tiên sư của nghề làm ruộng là ông Thần nông. Muốn đền cái ơn dạy dân cấy gặt và muốn cầu cho suốt năm mưa thuận, gió hòa, hàng năm, đến mùa lúa chín, người ta phải tế ông ấy bằng ba mâm xôi bằng gạo nếp mới, ý nghĩa của lễ xôi mới là vậy. Cho được tỏ lòng thành kính đối với quỷ thần, làng lại bắt buộc gạo ấy phải do người làng làm ra, không được mua sẵn ở chợ, sợ rằng gạo chợ không được tinh khiết. Bởi vậy, làng đã để riêng một mẫu ruộng tốt, mỗi năm, chiếu theo ngôi thứ giao cho bốn người cầy cấy. Rồi khi gặt lúa, mỗi người phải thổi cho làng một nồi gạo xôi. Ruộng ấy, năm nay đến lượt ông Quyết được cấy một phần. Việc thờ không phải chuyện chơi.
Trước kia, mỗi lần cày ruộng, gieo mạ, cấy lúa, làm cỏ, lần nào ông cũng phải sửa cỗ xôi con gà ra đình lễ thánh để trình công việc của mình, và lần nào ông cũng được có anh em họ hàng giúp hết mọi việc, không phải thuê mướn một buổi nào hết. Cố nhiên, được người làm giúp, nhà chủ vẫn phải tốn hơn thuê người làm mướn, vì phải cung đốn bà con một bữa cơm rượu xứng đáng với hảo tâm của họ. Nhưng ở nhà quê, nếu không được thế, sẽ bị người ta chê cười, cho nên dù có phí tổn ông cũng chẳng quản. Bây giờ việc thờ đã sắp đến ngày hoàn thành, số người làm giúp lại đông gấp mấy, thời kỳ làm giúp cũng dài gấp mấy khi trước. Bắt đầu từ hôm lúa chín, bên nội, bên ngoại đã có hơn hai chục người gồng quang xách liềm ra ruộng, cắt lúa cho ông. Ấy là chưa kể những người ở nhà làm đồ uống rượu. Nhà ông có bao nhiêu ruộng cấy nếp, người ta chỉ gặt một buổi là xong. Hôm sau, họ mạc lại đến đông đủ. Lúa cắt hết rồi, còn có việc gì để người ta làm? May quá, trong giống lúa nếp, bao giờ cũng có nhiều cây lúa nghển. Nghển là một thứ dở nếp dở tẻ, bởi khi hoa cái lúa nếp phơi màu, phấn của hoa đực lúa tẻ ở các ruộng khác bay vào, rồi nó chung đực cho hạt lúa nếp pha lẫn tính chất lúa tẻ. Đến khi gieo mạ, những hạt lúa ấy mọc lên, thành cây lúa nghển. Lúa nghển thổi cơm thì nát, thổi xôi không chín, là một thứ lúa vô dụng. Vì vậy, người ta cứ phải nhặt bỏ nó đi. Cây nghển bao giờ cũng dài hơn cây lúa nếp, nhặt nó cũng không khó lắm. Ở mọi nhà, họ cứ để nguyên đống lúa, sai lũ trẻ con rút đi một lượt là hết. Đằng này ông Quyết thừa người, việc ấy đã hóa ra việc quan trọng. Trước khi đập lúa, họ mạc mỗi người lấy vài lượm lúa đem ra ngồi khắp trong sân, vừa bới những dé lúa nghển, vừa kể chuyện cổ tích cho vui đình đám. Rồi khi nhặt hết lúa nghển, người ta chỉ cắt vài người kê cối mà đập, còn các người khác thì cùng lấy đũa kẹp vào dé lúa mà tuốt cho lúa rụng ra, không cần đập gì cả. Bởi vì, nếu ai cũng đập, việc sẽ chóng xong, họ mạc còn giúp vào đâu? Tuy vậy, bấy nhiêu công việc, cũng chỉ làm trong một ngày là xong. Qua bữa thứ ba, người ta lại cùng nhau kéo đến để giúp ông về việc phơi lúa. Lúc này, ai nấy đều muốn tỏ mình là kẻ đắc lực. Lúa đổ ra nong, người ta tranh nhau trang cào. Hạt thóc ít khi được nằm yên độ vài chục phút. Mọi nhà phơi lúa còn bị gà chim quấy nhiễu, nhà ông nhờ có họ mạc trông nom một cách tận tâm, chẳng những gà vịt không thể bạ men, mà đến con ruồi con nhặng cũng khó lai vãng trên sân lúa. Lúa phơi hai ngày thì già. Sang bữa thứ năm, bà con lại chiếu lệ kéo đến xay, giã. Bây giờ công việc đã có trật tự, người ta cắt những chàng trai khỏe mạnh đội gạo đi giã, còn các ông già, bà già thì phải ở nhà trông coi, hoặc là bổ cau, têm trầu, xào nấu các món ăn uống. Luôn hai ngày nay, các cối giã gạo trong xóm đều phải nhường chỗ cho hạt gạo thờ. Mấy nhà gần đó luôn luôn có tiếng xì xọp. Cái chỗ tôi trọ chỉ cách nhà ông một bức rào thưa. Quang cảnh linh đình của nhà ông vẫn tự do hiện vào mắt tôi. Liền trong tám ngày, tôi thấy ngày nào vợ ông cũng phải hai lần gồng thúng đi chợ để mua đồ ăn. Mỗi bữa thường thường có bảy tám mâm uống rượu. Trong nhà không đủ chỗ ngồi, người ta phải ngồi la liệt ngoài sân. Những lúc họ mạc say sưa, tiếng cười tiếng nói vang như cái chợ.
– Việc này bác cháu cũng phải tốn đến dăm chục. Mấy anh sang giã gạo nhờ ở nhà tôi trọ nói với tôi như thế khi họ nghỉ việc lên chỗ tôi ở để hút thuốc lào.
Ngạc nhiên tôi hỏi:
– Nghe nói lệ làng chỉ có một nồi gạo xôi thôi mà! Ông ấy tiêu gì mà hết đến bấy nhiêu tiền?
Họ đáp: – Vâng! Theo lệ làng cháu, mỗi người cấy ruộng xôi mới chỉ phải nộp làng một nồi xôi. Nhưng mà việc gì cũng vậy, một “tang” mười “ngoại” là thường, có khi còn hơn thế nữa. Để cháu xin nói cho ông nghe: “Phần ruộng của làng chia cho bác cháu năm nay, tất cả là hai sào rưỡi. Nếu như gặp năm được mùa, số ruộng ấy cũng được mười lăm nồi thóc, thừa đủ để thổi xôi làng. Nhưng lỡ phải năm mất mùa, nó chỉ được một hai nồi thì làm thế nào? Vì thế, bác cháu đã phải thuê thêm hơn hai sào nữa, dự phòng chỗ hao hụt đó. Rủi cho bác cháu, năm nay tiếng rằng được mùa, nhưng mà các ruộng lúa nếp, ruộng nào cũng bị chuột ăn. Từ khi lúa mới có đòng, bác cháu đã phải đốc xuất người nhà ra ruộng đuổi chuột. Có khi bố con cắt canh mà thức suốt đêm ở các bờ ruộng. Vậy mà nó vẫn ăn hủy ăn hoài, mười phần mất đến chín phần, hơn bốn sào gặt về phơi giã, quạt sạch, chỉ được mười ba nồi thóc, ông tính thế có hại không! Nếu là xôi thường, một nồi gạo chỉ xay độ một nồi thóc là đủ. Nhưng là xôi thờ, bác cháu phải cho xay tám nồi thóc tất cả. Bởi vì, xay rồi còn giã, giã rồi còn phải lựa những hạt đớn, hạt gãy bỏ đi. Tám nồi thóc lấy một nồi gạo, cũng không còn thừa mấy nỗi. Vả lại, từ hạt thóc làm ra hạt gạo, có phải dễ đâu? Luôn tám hôm nay, hôm nào họ mạc giúp đáp cũng phải chè chén. Chúng cháu tính ra mỗi ngày hà tiện cũng hết độ bốn đồng. Thế mà gạo đã được đâu? Còn phải giã thêm hai, ba ngày nữa. Giã đến khi nào hạt gạo bóng nhoáng, cám ở trong gạo trắng như vôi mới thôi!
Tôi lấy làm lạ, lại hỏi nữa:
– Lệ làng bắt phải như thế hay sao?
Họ lắc đầu nói tiếp:
– Không! Chẳng có lệ ngạch nào bắt. Chỉ vì một lớp bốn người cùng phải thổi xôi, người nào cũng sợ xôi của mình thua kém xôi của người ta, thì sẽ mang tiếng với làng, cho nên ai cũng phải cố. Trước kia làng cháu đã có lắm người chỉ sửa một “vấn” xôi mới mà mất cơ nghiệp ông ạ.
Rồi họ kết luận:
– Bác cháu lo xong việc này cũng không còn gì. Hôm qua đã phải bán một cái chum đựng nước lấy tiền mua rượu. Thì ra hạt gạo xôi mới có khi là cả gia tài của người ta.