Quyển VI
[1a]
K ỷ N h à T r ầ n
Anh Tông Hoàng Đế
Tên là Thuyên, con trưởng Nhân Tông, mẹ là Khâm Từ Bảo Thánh hoàng thái hậu, ở ngôi 21 năm, nhường ngôi 6 năm, thọ 45 tuổi, băng ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường, táng ở Thái Lăng. Vua khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc vua tốt của triều Trần. Song tụ họp nhà sư trên núi Yên Tử, làm nhọc sức dân dựng gác Ánh Vân, thì chẳng phải là tỳ vết nhỏ trong đức lớn đó sao?
Giáp Ngọ, Hưng Long năm thứ 2 [1294], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 31). Mùa xuân tháng 2, ngày mồng 7 ban bố các chữ quốc húy: chữ húy của vua là Thuyên, của Nhân Tông là Khâm, của Thánh Tông là Hoảng; của Thái Tông là Cảnh, của Thái Tổ là Thừa, của Nguyên Tổ là Lý; các chữ nội húy: Thánh Từ hoàng hậu là Phong, Thuận Từ hoàng hậu là Diệu, Hiển Từ hoàng hậu là Oanh, Nguyên Thánh hoàng hậu là [1b] Hâm.
Tháng 3, lấy Nhập nội phán thủ thượng vị Chiêu Hoài hầu Hiện làm Đô áp nha, coi giữ các sắc mục trong ngoài cung Thánh Từ, lấy con Văn Túc Vương920 là Văn Bích làm Thượng vị Uy Túc hầu.
Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 3, Thượng tướng thái sư Chiêu Minh Đại Vương Quang Khải mất, thọ 54 tuổi.
Quang Khải lúc mới sinh, phát chứng kinh suýt chết, Thái Tông lấy áo của Thượng hoàng và thanh gươm báu truyền quốc để bên cạnh rồi bảo ông: “Nếu sống lại, sẽ ban cho những thứ này”.
Đến khi sống lại, Thái Tông nói:
“Gươm báu truyền quốc, không thể trao bừa, chỉ ban cho áo của Thượng hoàng thôi”.
Quang Khải có học thức, hiểu tiếng nói của các phiên921 . Trước kia, Thánh Tông thân đi đánh giặc, Quang Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến. Thái Tông gọi Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn tới bảo:
“Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc”.
Quốc Tuấn trả lời:
“Việc tiếp [2a] sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn”.
Đến khi Thánh Tông trở về, việc ấy lại bỏ đấy, vì hai người vốn không ưa nhau.
Một hôm, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Lại Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải:
“Mình mẩy cáo bẩn, xin tắm giùm”, rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói:
“Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”.
Quang Khải cũng nói: “Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho”.
Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. Bản thân làm tướng văn, tướng võ, giúp rập nhà vua, hai ông đứng hàng đầu.
Quang Khải ham học hay thơ, có Lạc đạo [2b] tập lưu hành ở đời. Con ông là Văn Túc Vương Đạo Tái cũng nổi tiếng về văn học thời đó, được Thượng hoàng ưu ái hơn các em thúc bá khác.
Bấy giờ, Thượng hoàng đến Vũ Lâm922 vào chơi hang đá, cửa núi đá hẹp, thượng hoàng ngự chiếc thuyền nhỏ, Tuyên Từ thái hậu ngồi đằng đuôi thuyền, gọi Văn Túc Vương lên mũi thuyền, chỉ để một người chèo thuyền thôi. Đến khi thượng hoàng xuất gia, sắp ra đi, mời Đạo Tái vào điện Dưỡng Đức cung Thánh Từ cho ngồi ăn các món hải vị, làm thơ rằng:
Hồng thấp bác quy cước, Hoàng hương chích mã an, Sơn tăng trì tịnh giới, Đồng tọa bất đồng xan. (Quy cước923 bóc đỏ ướt, Mã yên nướng vàng thơm, Sơn tăng giữ trai giới, Cùng ngồi chẳng cùng ăn). Tin yêu, quý mến Đạo Tái đến như vậy, định dùng ông vào chức to, nhưng trời không cho sống lâu. Cháu [Quang Khải] là Uy Túc công Văn Bích làm Thái bảo thời Minh Tông, chắt là Chương Túc quốc thượng hầu Nguyên Đán là Từ đồ đời Nghệ Tông cũng có danh tiếng. Đức trạch [của Quang Khải] thực sâu dày, cùng hưởng phúc với nhà vua từ trước đến sau.
[3a] Tháng 8, Thượng hoàng đích thân đi đánh Ai Lao, bắt được người và súc vật nhiều không kể xiết. Trong chiến dịch này, Trung Thành Vương (không rõ tên) làm tiên phong, bị quân Ai Lao bao vây, Phạm Ngũ Lão dẫn quân ập tới, giải vây, rồi tung quân nghênh chiến, đánh bại quân Ai Lao. Ban kim phù cho Ngũ Lão.
Tháng 9, lấy ngày sinh làm tiết Sùng Thiên.
Thiếu bảo Đinh Củng Viên mất, vua tôn trọng không gọi tên ông.
Ất Mùi, [Hưng Long] năm thứ 3 [1295], (Nguyên Thành Tông Mộc Nhĩ Nguyên Trinh năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 1, sứ Nguyên Tiêu Thái Đăng sang.
Vua sai Nội viên ngoại lang Trần Khắc Dụng, Phạm Thảo cùng đi theo, nhận được bộ kinh Đại Tạng đem về để ở phủ Thiên Trường, in bản phó để lưu hành.
Mùa hạ, tháng 6, Thượng hoàng trở về kinh sư. Vì [trước] đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm rồi lại trở về.
Bấy giờ, Tuyên Từ thái hậu từ khi Khâm Từ băng, phải quản việc trong cung, tính người khó khăn nóng nảy, dạy bảo rất nghiêm, mà vua vâng theo rất kính cẩn. Thượng hoàng [3b] nói [với vua]:
“Cha tự thẹn xưng là Hiếu Hoàng, nên dùng danh hiệu ấy để gọi Quan gia thì phải”.
Ngày 13, người đàn bà ở phường Tây Nhai phía hữu kinh thành là Lê Thị Ta nghe tin chồng là Phạm Mưu đi sứ nước Nguyên ốm mất, thương nhớ không ăn 3 ngày rồi cũng mất. Việc ấy tâu lên, [vua] cho bạc lụa để viếng.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Công chúa Thiều Dương nghe tin Thái Tông băng, kêu gào mãi rồi chết; Lê thị nghe tin chồng chết, không ăn mà chết; Mỵ Ê phu nhân tiết nghĩa không thờ hai chồng, nhảy xuống sông mà chết; vợ Ngô Miễn là Nguyễn Thị không phụ nghĩa chồng, cũng nhảy xuống sông chết theo chồng. Mấy người này đức hạnh thuần hiếu, trinh tiết, trên đời thực không có nhiều. Các vua đương thời nêu khen họ để khuyến khích đời sau thực là phải lắm! Nhưng Thiều Dương và Nguyễn thị chưa được nêu khen, cho nên bàn chung cả ở đây.
Truy tặng Đinh Củng Viên làm Thiếu phó.
Mùa thu, tháng 8, thi con trai các quan văn từ miện sam924 trở xuống [4a]ở nha An Hoa, sung bổ làm thuộc viên nha ấy.
Bính Thân, [Hưng Long] năm thứ 4 [1269], (Nguyên Trinh năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3, Thượng phẩm Nguyễn Hưng đánh bạc, [vua sai] đánh chết.
Phan Phu Tiên nói: Luật pháp nhà Trần nghiêm cấm đánh bạc đến như vậy, thế mà đến đời Dụ Tông lại công nhiên làm bậy, gọi là những người giàu vào cung đánh bạc, rồi sau người trong nước bắt chước cái dở ấy, không thể ngăn cấm được nữa. Cuối cùng vì tệ đánh bạc mà rồi mất nước.
Nhân Huệ Vương Khánh Dư từ Bài Áng vào chầu.
Người trong trấn kiện Khánh Dư tham lam thô bỉ. Hành khiển đem sự trạng tâu lên. Khánh Dư nhân đó tâu vua:
“Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”.
Vua không hài lòng, Khánh Dư bèn trở về. Khánh Dư vào chầu không quá 4 ngày đã trở về, vì sợ ở lâu bị vua khiển trách.
Mùa thu, tháng 7, vua [4b] ngự đến Đông Bộ Đầu xem đua thuyền. Được mùa to.
Đinh Dậu, [Hưng Long] năm thứ 5[1279], (Nguyên Đại Đức năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, duyệt định dân binh các xã trong cả nước, bắt đời đời làm lính, không được làm quan theo quy chế cũ.
Đổi giáp thành hương.
Sai Chiêu Văn Vương Nhật Duật đi đánh sách A Lộc. Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng đi đánh sách Sầm Tử.
Ai Lao xâm phạm sông Chàng Long. Phạm Ngũ Lão đánh bại chúng, lấy lại được đất cũ. Ban vân phù cho Phạm Ngũ Lão.
Mùa hạ, tháng 4, lấy Trần Thì Kiến làm Kiểm pháp quan, nhậm chức Đại an phủ Kinh sư.
Thì Kiến tính người cương trực, trước kia làm môn khách của Hưng Đạo Vương, Vương tiến cử ông, được cất nhắc làm An phủ sứ Thiên Trường. Có người trong hương, nhân ngày giỗ đem biếu mâm cỗ, Thì Kiến hỏi vì cớ gì mà biếu. Người ấy trả lời là vì ở gần trị sở [nên đem biếu] chứ không kêu xin gì. Mấy ngày sau, quả nhiên có việc kêu xin. Thì Kiến [5a] móc họng mửa ra. Đến đây lại được thăng làm Kiểm pháp quan. Mỗi khi có kiện tụng, thì dùng lý lẽ mà bắt bẻ, việc đến thì tìm phương pháp để ứng phó. Người đời đều cho là giỏi xét đoán kiện tụng (Thì Kiến người Cự Sa, huyện Đông Triều).
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thì Kiến hành động lạ lùng quá mức để uốn nắn cái tệ xin xỏ của người bấy giờ, cũng như Án Anh tằn tiện quá mức để uốn nắn cái thói xa xỉ tiếm lễ của Quan Trọng vậy.
Mùa đông, tháng 10, sai phủ tông chính khảo chính phả hệ của họ nhà vua.
Mậu Tuất, [Hưng Long] năm thứ 6 [1298], (Nguyên Đại Đức năm thứ 2). Mùa xuân, ban hai chữ húy là Ngụy và Châu.
Mùa thu, tháng 8, cấm mọi người không được xưng là “thần” với các nhà đại thần tôn thất.
Thi đánh gậy.
Tháng 9, gió lớn mưa to.
Mùa đông, tháng 10, đánh Ai Lao. Tướng Nguyên đầu hàng là Trương Hiển chết tại trận, được tặng tước minh tự, cho thờ ở Thái Thường.
Lấy Phạm Ngũ Lão làm Hữu kim ngô vệ đại [5b] tướng quân. Đặt [các quân hiệu] Thượng đô925 , Thủy dạ xoa đô, Chân kinh đô, thích các chữ như “Chân kim”… lên trán.
Tháng 12, sao Chổi mọc ở phương đông. Vua lánh không ở chính điện, giảm món ăn.
Lấy Ngự sử đại phu Trần Khắc Chung làm Đại an phủ Kinh sư.
Lấy Trần Thì Kiến làm Nhập nội hành khiển hữu gián nghị đại phu. Vua ban cho ông cái hốt có khắc bài minh ngự chế.
Thái sơn trinh cao, Tượng hốt trinh liệt, Linh trãi tiến giác, Vi hốt nam chiết. (Thái sơn rất cao, Hốt ngà rất cứng, Linh trãi926 dâng sừng, Làm hốt khó gãy). Kỷ Hợi, [Hưng Long] năm thứ 7 [1299], (Nguyên Đại Đức năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 4, ngày 12, xuống chiếu cấm chữ húy của Khâm Minh Đại Vương và Thiện Đạo quốc mẫu (Khâm Minh tên húy là Liễu, Thiện Đạo tên húy là Nguyệt; Thiện Đạo là phu nhân của Liễu) khi làm văn không được dùng. Các các chữ Ngụy, Thấp, Nam, Càn, Tô, Tuấn, Anh, Tảng khi làm văn phải viết bớt nét. Nhà Trần kiêng tên huý họ ngoại bắt đầu từ đây.
Lấy Phạm Ngũ Lão làm Thân vệ tướng quân kiêm quản quân Thiên thuộc phủ Long Hưng.
[6a] Tháng 5, lấy Đoàn Nhũ Hải làm Ngự sử trung tán.
Bấy giờ Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường trở về kinh sư. Các quan trong triều không ai biết cả, vua thì uống rượu xương bồ say khướt. Thượng hoàng thong thả đi thăm khắp các cung điện, từ giờ Thìn đến giờ Tỵ. Cung nhân dâng bữa, Thượng hoàng ngoảnh nhìn không thấy vua, lấy làm lạ, hỏi là Quan gia ở đâu? Cung nhân vào trong nội đánh thức, nhưng ngài không tỉnh. Thượng hoàng giận lắm, lập tức trở về Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngay ngày mai đều phải tới phủ Thiên Trường để điểm danh, ai trái lệnh sẽ bị xử tội.
Đến giờ Mùi vua mới tỉnh, cung nhân đem việc ấy tâu lên. Vua sợ quá, đi rảo ra khỏi cửa cung không thấy ai coi giữ; qua chùa Tư Phúc, thấy học sinh Đoàn Nhữ Hài ở cửa chùa. Vua hỏi: “Sao ngươi
lại ở đây?”. Nhữ Hài vội vàng lạy rạp xuống đất tâu: “Thần vì mãi học, đi lỡ ra đây”. Vua bèn dẫn Nhữ Hài vào buồng ngủ và bảo:
“Vừa rồi trẫm vì say rượu, có tội với Thượng hoàng, giờ trẫm định đến [6b] trước mặt ngài tạ tội, ngươi hãy thảo cho trẫm bài biểu”.
Nhữ Hài đứng trước mặt vua, soạn xong tờ biểu. Vua bèn lấy thuyền nhẹ đi ngay, cho Nhữ Hài theo mình.
Sáng sớm hôm sau, vua tới phủ Thiên Trường, dâng biểu tạ tội. Thượng hoàng thấy Nhữ Hài, liền hỏi là người nào. Nội nhân trả lời là người dâng biểu của Quan gia. Thượng hoàng không nói gì.
Buổi chiều, mưa gió ập đến. Nhữ Hài vẫn cứ quỳ không nhúc nhích. Thượng hoàng hỏi: “Người ở trong sân có còn đấy không?”. Nội nhân đáp rằng còn. Thượng hoàng bèn sai nhận biểu để xem, thấy lời lẽ khẩn thiết cho gọi vua vào bảo:
“Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?”.
Vua rập đầu tạ tội. Thượng hoàng hỏi: “Ai soạn biểu cho ngươi”.
Vua thưa: “Đó là thư sinh Đoàn Nhữ Hài”.
(Sử cũ chép việc này vào năm Mùi đời Minh Tông nay xét nên để ở đây).
Thượng hoàng bèn gọi Nhữ Hài vào và bảo: “Bài biểu ngươi soạn, rất hợp lòng trẫm”.
Rồi xuống chiếu cho Quan [7a] gia lại vẫn làm vua; các quan về triều như cũ.
Vua từ Thiên Trường trở về [Kinh], phong Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán. Bấy giờ có người ghen Nhữ Hài tuổi trẻ làm quan to, làm thơ chế giễu rằng:
Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ, Khẩu tồn nhữ xú Đoàn trung tán. (Ôn câu chữ cổ: Đài ngự sử, Miệng sữa còn hôi: Trung tán Đoàn). Nhữ Hài là cận thần của vua. Vua nói năng hành động gì đều được biết cả. Đến khi nhận chức này, xem thực lục của sử thần chép, có chổ lầm lẫn, bèn sửa lại cho đúng, rồi đốt bỏ bản thảo cũ đi.
Vua bái yết sơn lăng.
Tháng 6, tế khắp các thần kỳ núi sông.
Mùa thu, tháng 7, xây am Ngự Dược trên núi Yên Tử.
Tháng 8, Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh.
Thượng hoàng có lần ngự cung Trùng Quang, vua đến chầu, quốc công Quốc Tuấn đi theo. Thượng hoàng nói:
“Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên [7b] xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc”.
Bấy giờ thợ xăm đã đợi mệnh ở ngoài cửa cung. Vua rình lúc Thượng hoàng quay nhìn chỗ khác, về ngay cung Trùng Hoa. Một lúc lâu, Thượng hoàng hỏi Quan gia đâu rồi, các quan tả hữu thưa là đã về cung Trùng Hoa. Thượng hoàng bảo: “Quan gia đã trốn rồi chăng? thì xăm cho Huệ Vũ Quốc Chẩn vậy”.
Quốc phụ có xăm hình rồng ở đùi, mà về sau nối ngôi không xăm ở đùi nữa là bắt đầu từ Anh Tông.
Lại hồi quốc sơ, quân sĩ đều xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là “thái long” (rồng hoa).Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta xăm hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm tới, cho nên gọi là “thái long”.
Vua thích vi hành, cứ đêm đến, lại lên kiệu, cùng với hơn chục thị vệ đi khắp trong kinh kỳ, gà gáy mới trở về cung. Có đêm, ra đến quân phường, bị bọn vô lại ném gạch [8a] trúng vào đầu vua. Người theo hầu thét lên: “Kiệu vua đấy”. Bọn chúng biết nhà vua, mới tan chạy cả. Một hôm, thượng hoàng thấy đầu vua có vết thương, vặn hỏi, vua cứ thực mà thưa. Thượng hoàng giận giữ hồi lâu.
In các sách Phật giáo pháp sư, Đạo trường tân văn và Công văn cách thức ban hành trong cả nước.
Tháng 9, xuống chiếu rằng từ năm Canh Dần (1290), Tân Mão (1291) đến nay, phàm bán ruộng đất và mua gia nhân làm nô thì cho được chuộc, nếu để quá năm nay thì không cho chuộc nữa.
Xuống chiếu cho sĩ nhân trong nước ôn luyện để đợi thi.
Lấy nội quan Trần Hùng Thao làm Tham tri chính sự, đồng tri Thánh Từ cung tả ty sự. Sau Hùng Thao can tội phê án tha người nên bãi chức.
Canh Tý, [Hưng Long] năm thứ 8 [1300], (Nguyên Đại Đức năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 27, động đất 3 lần, suốt từ giờ thân đến giờ tý mới thôi.
Tháng 3 nhuận, Trần Quốc Khang chết.
Quốc Khang từng cai trị Diễn Châu, chọn [8b] con gái đẹp trong châu làm vợ lẽ nàng hầu, nên các con thứ như Huệ Nghĩa, Quốc Trinh đều do các bà Diễn Châu sinh ra. Về sau chức Tri châu Diễn Châu đều do con cháu Quốc Khang làm cả. Đến khi dòng giống thiếu người nối dõi, mới dùng người trong châu làm chức ấy.
Mùa hạ, tháng 4 (không chép ngày), mặt trời rung động.
Tháng 5, ngày 16, xuống chiếu rằng các quan văn võ trong triều ai mới có chữ phê mà không có ấn trướng hạ927 thì phải giảm 1 tư, người có công đánh dẹp thì không phải giảm (đó là xét những thiếp ban cho trong thời gian mất ấn).
Người đàn bà lộ Hồng đẻ một con trai có hai đầu.
Tháng 6, ngày 24, sao sa.
Hưng Đạo Vương ốm. Vua ngự tới nhà thăm, hỏi rằng:
“Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào”.
Vương trả lời:
“Ngày xưa Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế “thanh dã”928 , đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là [9a] một thời. Đời Đinh, Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ929 mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh930 là vì có thế.
Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản [binh] chế trường [trận] là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, cóđược đội quân một lòng như cha
con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân [9b] để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.
Quốc Tuấn là con Yên Sinh Vương, lúc mới sinh ra, có một thầy tướng xem cho và bảo: “[Người này] ngày sau có thể giúp nước cứu đời”.
Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ. Yên Sinh Vương trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng931 , mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, Yên Sinh cầm tay Quốc Tuấn giối giăng rằng:
“Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được?.
Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.
Đến khi vận nước lung lay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, ông đem lời cha dặn nói với gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu. Hai người gia nô can ông:
“Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không [10a] muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi932 .
Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người.
Một hôm Quốc Tuấn vờ hỏi con ông là Hưng Vũ Vương:
“Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?”.
Hưng Vũ Vương trả lời:
“Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!”.
Quốc Tuấn ngẫm cho là phải.
Lại một hôm Quốc Tuấn đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa:
“Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ”933 .
Quốc Tuấn rút gươm kể tội:
“Tên loạn thần là từ đức con bất hiếu mà ra”, định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ Vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha. Đến đây, ông dặn Hưng Vũ Vương:
“Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”.
Mùa thu, tháng 8, ngày 20, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư [10b] thượng phụ thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.
Thánh Tông có soạn bài văn bia ở sinh từ [của Quốc Tuấn], ví ông với Thượng phụ [ngày xưa]934 . Lại vì ông có công lao lớn, gia phong là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho người khác, từ minh tự trở xuống, chỉ có tước hầu thì phong tước rồi tâu sau. Nhưng Quốc Tuấn chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Khi giặc Hồ vào cướp, Quốc Tuấn lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không cho họ tước lang thực, ông kính cẩn giữ tiết làm tôi như vậy đấy.
Quốc Tuấn lại từng soạn sách để khích lệ tướng sĩ dưới quyền, dẫn chuyện Kỷ Tín chết thay để cứu thoát Hán Cao935 , Do Vu giơ lưng chịu giáo để cứu Sở Tử936 Thế là dạy đạo trung đó.
Khi sắp mất, ông dặn con rằng: Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải [làm sao cho] mau phục [11a].
Quốc Tuấn giữ Lạng Giang, người Nguyên hai lần vào cướp, ông liên tiếp đánh bại chúng, sợ sau này có thể xảy ra tai họa đào mả chăng. Ông lo nghĩ tới việc sau khi mất lại như thế đấy.
Ông lại khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước, như Dã Tượng, Yết Kiêu là gia thần của ông, có dự công dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đô. Bọn Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự, bởi vì ông có tài mưu lược, anh hùng, lại một lòng giữ gìn trung nghĩa vậy. Xem như khi Thánh Tông vờ bảo Quốc Tuấn rằng: “Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi”. Quốc Tuấn trả lời: “[Bệ hạ] chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”. Vì thế, đời Trùng Hưng, lập nên công nghiệp hiếm có. Tiếng vang đến giặc Bắc, chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên. Sau khi mất rồi, các châu huyện ở Lạng Giang hễ có tai nạn bệnh dịch, nhiều người cầu đảo ông. Đến nay, mỗi khi [11b] đất nước có giặc vào cướp, đến lễ ở đền ông, hễ tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn.
Quốc Tuấn từng soạn sách Binh gia diệu lý yếu lược để dạy các tỳ tướng, dụ họ rằng bài hịch như sau:
“Ta từng nghe, Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu giơ lưng chịu giáo che chở cho Chiêu vương; Dự Nhượng nuốt than báo thù cho chủ937 ; Thân Khoái chặt lấy tay cứu nạn cho nước938 ; Kính Đức, một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thế Sung939 ; Cảo Khanh, một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc940 . Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào không có? Giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình thì cũng chết uổng nơi xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, để cùng bất hủ với đất trời?.
Các ngươi vốn nòi võ tướng không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện ấy, nửa tin nửa ngờ [12a]. Thôi việc đời trước, hãy tạm không bàn. Nay ta lấy chuyện Tống, Thát941 mà nói: Vương Công Kiên là người thế nào; tỳ tướng của ông là Nguyễn Văn Lập (có thuyết cho là Sơn Lập) lại là người thế nào, mà lấy thành Điếu Ngư nhỏ như cái đấu chống lại quân Mông Kha đông hàng trăm vạn; khiến cho sinh linh bên Tống đến nay còn đội ơn sâu942 . Cốt Đãi Ngột Lang943 là người thế naò, tỳ tướng của ông là Cân Ty
Tư944 lại là người thế nào, mà xông pha lam chướng trên đường muôn dặm, phá quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, khiến cho quân trưởng người Thát đến nay vẫn còn lưu tiếng tốt945 .
Huống chi ta cùng các ngươi, sinh ra phải thời rối ren, lớn lên gặp buổi khó nhọc, ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình, ỷ cái thân dê chó mà bắt nạt tể phụ. Thác lênh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để thỏa lòng tham khôn cùng [12b], giả hiệu Vân Nam Vương946 mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Thật khác nào ném thịt cho hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau!.
Ta từng tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, nước mắt đầm đìa, ruột đau như cắt, chỉ giận không được ăn thịt, nằm da, nuốt gan, uống máu quân thù, dẫu trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.
Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, người không có áo, ta cho áo mặc, kẻ không có ăn, ta cấp cơm ăn. Quan thấp thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa; lúc trận mạc thì cùng nhau sống chết, khi ở nhà thì cùng nhau vui cười, nếu so với Công Kiên đãi kẻ tỳ tướng, Ngột Lang đãi người phụ tá, cũng chẳng kém gì.
[13a] Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn, làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường thết yến sứ ngụy mà không biết căm, hoặc lấy chọi gà làm vui, hoặc lấy đánh bạc làm thú, hoặc chăm chút vườn ruộng để nuôi gia đình, hoặc quyến luyến vợ con chỉ vì ích kỷ, hoặc lo làm giàu mà quên việc quân việc nước, hoặc ham săn bắn mà bỏ việc đánh việc phòng, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc, mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh, vườn ruộng giàu không thể chuộc được tấm thân ngàn vàng, vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu nhiều, khôn mua được đầu giặc; chó săn tuy khỏe, khôn đuổi được [13b] quân thù. Chén rượu ngon không đầu độc được quân thù, tiếng hát hay không chọc thủng được tai giặc. Lúc bấy giờ, chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết dường nào! Chẳng những thái ấp của ta bị tước, mà bổng lộc các ngươi cũng về tay kẻ khác, chẳng những gia quyến ta bị đuổi, mà vợ con các ngươi cũng bị người khác bắt đi, chẳng những xã tắc tổ tông của ta bị người khác bới đào, chẳng những thân ta kiếp này bị nhục, dẫu trăm đời sau, tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu mãi còn, mà đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là viên bại tướng. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi có muốn thỏa lòng vui thú, phỏng có được không?.
Nay ta bảo rõ các ngươi: Nên nhớ chuyện “đặt mồi lửa vào dưới đống củi”947 , làm nguy cơ, nên lấy điều “kiềng [14a] canh nóng mà thổi rau nguội”948 làm răn sợ. Hãy huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông949 , nhà nhà đều là Hậu Nghệ, để có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, phơi xác Vân Nam Vương ở Cảo Nhai950 . Như vậy, chẳng những thái ấp của ta mãi mãi lưu truyền, mà bổng lộc các ngươi cũng đời đời được hưởng, chẳng những gia quyến của ta được yên ấm gối chăn, mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão, chẳng những tông miếu của ta được muôn đời tế lễ, mà ông cha các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm, chẳng những thân ta kiếp này đắc chí, mà các ngươi trăm năm về sau tiếng thơm vẫn còn. Chẳng những danh hiệu ta lưu truyền
mãi mãi, mà họ tên các ngươi cũng sử sách lưu thơm. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui thú phỏng có được không?.
Nay ta chọn binh pháp các nhà, soạn thành một quyển, gọi là [14a] Binh thư yếu lược . Các ngươi nếu biết chuyên tập tập sách, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là tôi chủ, nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo, thì trọn đời là cừu thù.
Vì sao vậy? Vì giặc Mông Thát là kẻ thù không đội trời chung, mà các người cứ điềm nhiên không nghĩ rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, thế là quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc, khiến cho sau khi dẹp giặc, muôn đời để nhơ, thì còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở nữa? Cho nên, ta viết bài hịch này để các ngươi biết rõ lòng ta!:.
Quốc Tuấnlại sưu tập binh pháp các nhà, làm thành Bát quái cửu cung đồ, đặt tên là Vạn Kiếp tông bí truyền thư . Nhân Huệ Vương Khánh Dư viết bài tựa cho sách ấy như sau:
“Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết.
Ngày xưa Cao Dao làm sĩ [15a] sư951 mà không ai dám trái mệnh, đến Vũ Vương, Thành Vương nhà Chu làm tướng cho Văn Vương, Vũ Vương952 , ngầm lo sửa đức, để lật đổ nhà Thương mà dấy nên vương nghiệp, thế là người giỏi cầm quân thì không cần phải bày trận vậy. Vua Thuấn múa mộc và múa lông trĩ mà họ Hữu Miêu đến chầu953 , Tôn Vũ nước Ngô đem ngươi đẹp trong cung thử tập trận mà phía tây phá nước Sở mạnh, phía bắc uy hiếp nước Tấn, nước Tần, nổi tiếng chư hầu954 , thế là người khéo bày trận không cần phải đánh vậy. Đến Mã Ngập955 nước Tấn theo bát trận đồ, đánh vận động hàng ngàn dặm, phá được Thụ Cơ Năng để thu phục Lương Châu. Thế gọi là người đánh giỏi không bao giờ thua vậy.
Cho nên trận nghĩa là “trần”, là bày ra, là khéo léo. Ngày xưa, Hoàng Đế lập phép tỉnh điền 956 để đặt binh chế. Gia Cát 957 xếp đá sông làm bát trận đồ, Vệ Công 958 sửa lại làm thành Lục hoa trận. Hoàn Ôn 9 lập ra Xà thế trận có vẽ các thế trận hay, trình bày thứ tự, rõ ràng, trở thành khuôn phép. Nhưng người đương thời ít ai hiểu được, thấy muôn đầu ngàn mối, cho là rối rắm, chưa từng biến đổi. [15b] Như Lý Thuyên 960 có soạn những điều suy diễn của mình, những người đời sau cũng không hiểu ý nghĩa. Cho nên Quốc công ta mới hiệu đính, biên tập đồ pháp của các nhà, soạn thành một sách, tuy ghi cả những việc nhỏ nhặt, nhưng người dùng thì nên bỏ bớt chỗ rườm rà, tóm lược lấy chất thực.
[Sách] gồm đủ ngũ hành tương ứng 961 , cửu cung suy nhau 951 , phối hợp cương nhu, tuần hoàn chẵn lẻ. Không lẫn lộn âm với dương, thần với sát, phương với lợi, sao lành, hung thần, ác tướng, tam
cát, ngũ hung 963 , đều rất rõ ràng, ngang với Tam Đại, trăm đánh trăm thắng. Cho nên, đương thời có thể phía bắc trấn ngự Hung Nô 964 , phía nam uy hiếp Lâm Ấp 965 “. Rồi dùng sách này dạy bảo [con cháu] làm gia truyền, không tiết lộ ra ngoài. Lại có lời dặn rằng: “Sau này, con cháu và bồi thần của ta, ai học được bí thuật này phải sáng suốt mà thi hành, bày xếp [thế trận]; không được ngu dốt mà trao chữ truyền lời. Nếu không thế thì mình chịu tai ương mà vạ lây đến con cháu. Thế gọi là tiết lộ thiên cơ đó”.
[16a] Ngày 21, hoàng tử Mạnh sinh.
Bấy giờ, các hoàng tử đều không nuôi được, đến khi Mạnh sinh, vua nhờ công chúa Thụy Bảo [tức là cô của Nhân Tông] nuôi hộ. Nhưng công chúa cho là bấy giờ bà đương có vận hạn, lại nhờ Nhật Duật nuôi. (Nhật Duật là anh công chúa Thụy Bảo). Nhật Duật coi là trách nhiệm của mình, chăm sóc, nuôi nấng, không khác gì con mình. Nhật Duật nghĩ rằng con trưởng của mình tên là Thánh An, con gái tên là Thánh Nô, mới đặt tên cho hoàng tử là Thánh Sinh, vì muốn [tên hoàng tử[ cũng giống với tên con mình. Hoàng tử từ bé nhờ nuôi nấng, đến khi lên ngôi vua, công chăm nom của Nhật Duật rất nhiều.
Mùa đông, tháng 10, quy định kiểu mũ áo mới của quan văn võ. Quan văn thì đội mũ chữ đinh màu đen, tụng quan thì đội mũ toàn hoa màu xanh vẫn như quy chế cũ. Ống tay áo của các quan văn võ rộng 9 tấc đến 1 thước 2 tấc, không cho dùng từ 8 tấc trở xuống. Các quan văn võ không được mặc xiêm, tụng quan không được mặc thường (mũ toàn hoa xanh có hai vòng vàng đính vào hai bên).
[16b] Tân Sửu, [Hưng Long] năm thứ 9 [1301], (Nguyên Đại Đức năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, xuống chiếu rằng các quan văn võ đều đội mũ chữ đinh, thêm miếng lụa bọc tóc màu tía xen màu biếc.
Gả công chúa Thiên Trân cho Uy Túc công Văn Bích966 , phong Văn Bích làm Phò ký lang.
Lấy Trần Thì Kiến làm Tham tri chính sự. Trước đó, khi Thì Kiến làm gián ngị, can tội chứa giấu dân đinh bị bãi chức, vua nghĩ không phải là cố ý, nên có lệnh này.
Tháng 2, Chiêm Thành sang cống .
Tháng 3, Thượng hoàng vân du các nơi, sang Chiêm Thành.
Ai Lao sang cướp Đà Giang, sai Phạm Ngũ Lão đi đánh, gặp quân giặc ở Mường Mai967 , giao chiến, bắt được rất nhiều. Phong Ngũ Lão làm Thân vệ đại tướng quân, ban cho quy phù.
Mùa hạ, tháng 4, hạn hán. Soát tù. Có mưa.
Phong con trưởng của Hưng Nhượng Đại Vương là Quang Triều làm Văn Huệ Vương.
Mùa đông, tháng 11, Thượng hoàng từ Chiêm Thành trở về.
Trần Hùng Thao lại được làm Tham tri chính sự, rồi được cử làm Tả bộc xạ.
[17a] Đói to.
Nhâm Dần, [Hưng Long] năm thứ 10 [1302], (Nguyên Đại Đức năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, lấy thái úy Đức Việp làm thống chính thái sư; Huệ Võ Đại Vương Quốc Chẩn làm Nhập nội bình chương; Chiêu Văn Vương Nhật Duật làm Thái úy quốc công.
Theo quy chế cũ: Tân vương968 vào làm tể tướng thì gọi là Quốc công thượng hầu, nếu vào nội đình thì gia phong Quan nội hầu.
Có đứa nghịch thần tên là Biếm làm loạn. Sai Phạm Ngũ Lão đi đánh, Biếm bị giết. Phong Phạm Ngũ Lão làm Điện súy, ban cho hổ phù.
Bấy giờ có người đạo sĩ phương Bắc là Hứa Tông Đạo theo thuyền buôn sang ta, cho ở bến sông Yên Hoa969 . Phép phù thủy, đàn chay bắt đầu thịnh hành từ đó.
Quý Mão, [Hưng Long] năm thứ 1 [1303], (Nguyên Đại Đức năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 15, thượng hoàng ở phủ Thiên Trường [17b], mở hội Vô lượng pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước và giảng kinh Giới thí.
Tháng 2, lấy Đô áp nha thượng vị Chiêu Hoài hầu Hiện làm Nhập nội phụ quốc thái bảo.
Mùa đông, tháng 10, quy định kiểu mũ của vương hầu: người tóc dài đội mũ triều thiên, người tóc ngắn đội mũ bao.
Lấy Trần Khắc Chung làm Nhập nội đại hành khiển.
(Chức hành khiển mà có thêm 2 chữ “nhập nội” là theo triều Lý, chuyên dùng hoạn quan làm chức ấy. Thời Thánh Tông, thượng tướng Quang Khải khi mới được phong làm nhập nội thái úy, kiêm làm hành khiển còn có 2 chữ “nhập nội”, liền tâu rằng: “Thần từ bên ngoài vào, cho nên thêm hai chữ “nhập nội”, còn các hành khiển khác đều là hoạn quan, sao lại thêm chữ “nhập nội”, xin bỏ chữ “nhập nội”, Thánh Tông nghe theo. Từ đó, hàm hành khiển chỉ gọi là nội hành khiển. Đến đây, thượng hoàng mới lấy Khắc Chung làm hành khiển, lại thêm 2 chữ “nhập nội” như xưa và dùng cả sĩ phu làm hành khiển).
Lấy Đoàn Nhữ Hài làm Tham tri chính sự.
Trước đây, vua sai Nhữ Hài đi sứ Chiêm Thành, Nhữ Hài xin yết kiến Thượng hoàng ở chùa Sùng Nghiêm núi Chí Linh, suốt ngày không được gặp. Một lát sau, pháp giá ra chơi, Nhữ Hài đến bái yết [18a]. Thượng hoàng nói chuyện với Nhữ Hài có đến một giờ. Khi trở về, Thượng hoàng bảo tả hữu:
“Nhữ Hài đúng là người giỏi, hắn được Quan gia sai khiến là phải”.
Trước đây, sứ nước ta tới Chiêm Thành, đều lạy chúa Chiêm trước, rồi sau mới mở chiếu thư. Đến khi Nhữ Hài tới, liền bưng ngay chiếu thư để lên trên án và nói với chúa Chiêm:
“Từ khi sứ thiên triều mang chiếu thư của thiên tử sang, xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư, thực như trông thấy mặt thiên tử, tôi phải lạy chiếu thư đã, rồi mới tuyên đọc sau”. Rồi lập tức hướng vào tờ chiếu mà lạy. Lúc ấy, chúa Chiêm đứng bên cạnh, lạy thế không khỏi có chút chưa ổn, nhưng lấy cớ mà lạy chiếu thư thì về lý là thuận, mà sứ tiết cũng không phải khuất.
Hôm sau, Nhữ Hài treo bảng cấm buôn bán ở Tỳ Ni970 (bến cảng của Chiêm Thành, nơi tụ tập các thuyền buôn), tuyên đọc xong, treo bảng lên, lại gọi viên coi cảng đến bảo:
“Chỗ này người buôn bán tụ họp phức tạp, lại là bến tàu xung yếu, khó giữ gìn, [18b] sứ thần về rồi, cất ngay bảng đi, đừng để mất”.
Ý ông cho rằng Chiêm Thành tuy đã thần phục, nhưng thực ra chưa chịu nội phụ, bảng cấm rốt cục cũng bị bỏ đi, cho nên nói trước như vậy, không để tự họ làm như thế. Sau này, đi sứ Chiêm Thành, không lạy chúa Chiêm là bắt đầu từ Nhữ Hài. Khi về nước, vua rất khen ngợi ông và quyết ý dùng vào chức to, cho nên có lệnh này.
Giáp Thìn, [Hưng Long] năm thứ 12 [1304], (Nguyên Đại Đức năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng, người đàn bà là Lê thị, phường Các Đài, ở cầu bên hữu kinh thành đẻ con gái có hai đầu, bốn chân, bốn tay.
Tháng 2, lấy Bùi Mộc Đạc làm Chi hậu bạ thư chánh chưởng trông coi cung Thánh Từ.
Mộc Đạt tên tự là Minh Đạo (người Hoàng Giang), họ Phí, tên là Mộc Lạc, có tài năng. Thượng hoàng cho rằng họ Phí từ xưa không thấy có, mới đổi làm họ Bùi, cái tên Mộc Lạc là điềm chẳng lành971 , mới đổi thành Mộc Đạc, sai theo hầu ngày đêm. Đến nay, trao cho chức ấy. Sau này, người [19a] họ Phí hâm mộ danh tiếng của Mộc Đạc, nhiều người đổi làm họ Bùi.
Tháng 3, thi kẻ sĩ trong nước. Ban cho trạng nguyên. Mạc Đĩnh Chi chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm nội thư gia; bảng nhãn Bùi Mộ chức chi hậu bạ thư mạo sam, sung làm nội lệnh thư gia; thám hoa lang Trương Phóng chức Hiệu thư quyền miện, sung làm nhị tư; Nguyễn Trung Ngạn đỗ hoàng giáp; tất cả 44 người đỗ thái học sinh.
Dẫn 3 người đỗ đầu ra cửa Long Môn của Phượng Thành đi du ngoạn đường phố 3 ngày. Còn 330972 người khác thì ở lại học tập.
Trung Ngạn mới 16 tuổi, đương thời gọi là thần đồng.
Về phép thi: Trươc hết thi ám tả thiên Y quốc và truyện Mục Thiên tử973 để loại bớt. Thứ đến kinh nghi974 , kinh nghĩa975 , đề thơ (tức thể cổ thi ngũ ngôn trường thiên) hỏi về “vương độ khoan mãnh”976 , theo luật “tài nan xạ trĩ977 , về phú thì dùng thể 8 vần “đế đức hiếu sinh, hiệp vụ dân tâm”978 . Kỳ thứ ba thi chế, chiếu, biểu. Kỳ thứ tư thi đối sách.
(Đĩnh Chi người Chí Linh [19b], Mộ người Thanh Oai, Phóng người Thanh Hóa).
Sư Du Già nước Chiêm sang ta, chỉ ăn sữa bò.
Thi các thủ phân (thủ phân tức là quan lại nắm việc hình pháp) hỏi phép đối án.
Mùa thu, tháng 7, xuống chiếu rằng các chữ huý về miếu hiệu, tên vua, thì viết bớt nét.
Tháng 8, cấm chữ huý miếu hiệu nhà Lý 8 chữ: Uẩn, Mã, Tôn, Đức, Hoán, Tộ, Cán, Sảm, viết bớt nét.
Tháng 9, xuống chiếu rằng, khi áp tay vào giấy tờ hình án hay văn tự thì dùng hai đốt của ngón tay vô danh979 bên trái.
Mùa đông, tháng 11, xuống chiếu thi kẻ sĩ trong nước, hỏi về 7 khoa.
Tháng 12, sao Chổi mọc ở phương nam.
Trần Hùng Thao xin từ chức Tả bộc xạ, y cho.
Lấy Đoàn Nhữ Hài tri Khu mật viện sự.
Vua đối với người tôn thất như Bảo Hưng (không rõ tên) thân yêu hết mực, nhưng không trao cho việc chính sự, vì không có tài. Còn như Nhữ Hài chỉ là một nho sinh thôi, nhưng vì có tài, nên không ngại trong việc ủy dụng nhanh vọt.
[20a] Xuống chiếu cho phủ Tông chính soạn ngọc phả của họ vua.
Ất Tỵ, [Hưng Long] năm thứ 13 [1305], (Nguyên Đại Đức năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng, sách phong hoàng tử thứ tư là Mạnh làm Đông cung thái tử, (vua) làm bài Dược thạch châm980 ban cho.
Tháng 2, Chiêm Thành sai Chế Bồ Đài và bộ đảng hơn trăm người dâng hiến vàng bạc, hương quý, vật lạ làm lễ vật cầu hôn. Các quan trong triều đều cho là không nên, duy có Văn Túc Vương Đạo Tái chủ trương bàn việc đó, Trần Khắc Chung tán thành, việc bàn mới quyết.
Tháng 3, nước La Hồi981 sai người dâng vải liễn la và các thứ khác.
Lấy Trần Thì Kiến làm Tả bộc xạ.
Bấy giờ có viên độc bạ là Trần Cụ tính khoan hậu, cẩn thận, thật thà, giỏi ngề đánh cá, bắn nỏ và chơi cầu. Vua sai dạy thái tử các nghề ấy.
Cụ mỗi khi sắp đánh đàn, thì trước hết cắt đầu dây, buộc lại cho chặt dây rồi sau mới gảy. Có người hỏi [20b] cớ làm sao, Cụ trả lời: “Nếu khúc đàn chưa hết mà dây đứt thì làm thế nào?”.
Cụ làm cầu thì cân nhắc các múi da, cho mười hai múi cân nhau, duy ba múi ở miệng cầu lỗ là chỗ bỏ cái bong lợn vào thì hơi mỏng và nhẹ, để cân với sức nặng ở đầu bong bóng, cho nên khi đá cầu, múi nào ở trên đến lúc rơi xuống đất lại nguyên như cũ, không bao giờ chuyển khác.
Người đời bắn nỏ, chân đứng cũng như bắn cung, tức là kiểu chữ “đinh” không thành, chữ “bát” không ngay. Cụ thì đứng ngay ngắn mà bắn và bảo mọi người:”Phàm bắn cung thì tay trái giơ ra phía trước nắm lấy thân cung, tay phải kéo dây cung về phía sau, mình đã nghiêng thì chân cũng phải lệch, còn bắn nỏ thì đưa cân bằng ra phía trước, cho nên khi cầm nỏ mà bắn, thân mình ngay ngắn, thì cớ gì chân lại phải đứng lệch?”.
Nhà ông ta ở và thuyền ông ta đi, đều có hai cửa đối nhau, xếp đặt, bày biện các thứ cũng cân đối và phải ngay ngắn, vì là bản [21a] tâm như vậy, cho nên biểu hiện ở mọi việc làm cũng như vậy.
Cụ người Cứu Liên, vốn có mối hận với Cứu Liên, thề rằng chân không giẫm lên đất ấy nữa. Sau này trở về Cứu Liên thì đi thuyền, đến khi lên bộ thì đi kiệu vào cửa, tới giường mới xuống kiệu, thức ngủ, ăn uống đều ở trên giường. Khi nào chơi xem vườn ao thì sai khiêng giường đến chỗ đó, hết hứng thì trở về, lại ngồi kiệu, lên thuyền… Cứ như thế cho đến hết đời, chưa hề giẫm một bước xuống đất [Cứu Liên]. Ông ta giữ lòng bền rắn một mực như vậy đó, đời xưa gọi thế là người gàn.
Bính Ngọ, [Hưng Long] năm thứ 14 [1306], (Nguyên Đại Đức năm thứ 10). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, Thống chính thái sư Tá Thiên Đại Vương Đức Việp mất (thọ 42 tuổi).
Mùa hạ, tháng 6, gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân.
Trước đây, Thượng hoàng vân du sang Chiêm Thành, đã hứa gã rồi. Các văn sĩ trong triều ngoài nội [21b] nhiều người mượn chuyện vua Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô làm thơ, từ bằng quốc ngữ để châm biếm việc đó.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Ngày xưa, Hán Cao hoàng vì nước Hung Nô nhiều lần làm khổ biên cương, mới lấy con gái nhà dân làm công chúa gả cho Thiên Vu 982 .
Kết hôn với người không cùng giống nòi, các tiên nho đã từng chê trách, song dụng ý là muốn binh yên, dân nghỉ, thì còn có thể nói được. Nguyên Đế thì vì Hô Hàn 983 sang chầu, xin làm rể nhà Hán, nên lấy Vương Tường mà ban cho, cũng là có cớ.
Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao? Nói rằng nhân khi đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh đó thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu?
[22a] Mùa thu, tháng 9, ngày 15, giờ Tuất, nguyệt thực.
Sai thiên chương học sĩ Nguyễn Sĩ Cố giảng Ngũ Kinh. Sĩ Cố thuộc dòng Đông Phương Sóc 984 , giỏi khôi hài, hay làm thơ phú quốc ngữ. Nước ta làm nhiều thơ phú bằng quốc ngữ bắt đầu từ đó.
Hành khiển trí sĩ Nguyễn Kim Ngô về chầu, tự xưng là Liễu Nhiễu. Kiên Ngô tính thẳng thắn, vua ưu đãi, quý trọng, không gọi tên để khuyến khích những người tuổi già vẫn giữ quyền vị.
Lấy Trần Hùng Thao làm Thiếu bảo.
Sai Hàn lâm học sĩ Lê Tông Nguyên, Trung thị đại phu Bùi Mộc Đạc sang Nguyên đáp lễ.
Đinh Mùi, [Hưng Long] năm thứ 15 [1307], (Nguyên Đại Đức năm thứ 11). Mùa xuân, tháng giêng, đổi hai châu Ô, lý thành châu Thuận và châu Hoá. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó.
Trước đấy chúa Chiêm Thành Chế Mân đem đất hai châu đó làm lễ vật dẫn cưới, nhưng người các thôn La Thuỷ, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo. Vua [22b] sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý [của nhà vua] chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về.
Tháng 3, ngày 17, giờ Tỵ, mặt trời có hai quầng, như hình hai cầu vòng giao nhau.
Mùa hạ, tháng 5, chúa Chiêm Thành Chế Mân chết.
Mùa thu, tháng 9, nước to, vỡ đê Đam Đam.
Thế tử Chiêm Thành Chế Đa Da sai sứ thần Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng.
Mùa đông, tháng 10, sai Nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân và thế tử Đa Da về.
Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang và nói với [người Chiêm]: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh [23a] hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”.
Người Chiêm nghe theo.
Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô.
Hưng Nhượng Đại Vương ghét lắm, mỗi khi thấy Khắc Chung thì mắng phủ đầu:
“Thằng này là điểm chẳng lành đối với nhà nước. Họ tên nó là Trần Khắc Chung985 thì nhà Trần rồi mất về nó chăng?”. Khắc Chung thường sợ hãi né tránh.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thói gian tà của Trần Khắc Chung thực quá quắt lắm! Không những hắn giở trò chó lợn ở đây mà sau này còn vào hùa với Văn Hiến vu hãm quốc phụ thượng tể986 vào tội phản nghịch, làm chết oan đến hơn trăm người. Thế mà hắn được trọn đời phú quý. Khổng tử nói: Kẻ gian tà được sống sót là may mà thoát tội chăng?”.
Song, sau khi hắn chết, gia nô của Thiệu Vũ [Vương]987 đào xác hắn lên mà vằm nhỏ ra thì lời thánh nhân càng đáng tin.
[23b] Đói.
Mậu Thân, [Hưng Long] năm thứ 16 [1308], (Nguyên Vũ Tông Hải Sơn, Chí Đại năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, lấy Trương Hán Siêu làm Hàn lâm học sĩ.
Mùa thu, tháng 11, ngày mồng 1, mặt trời có hai quầng.
Ngày mồng 3, Thượng hoàng băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử.
Bấy giờ Thượng hoàng xuất gia, tu ở ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ988 . Bà chị là Thiên Thụy ốm nặng, Thượng hoàng xuống núi, tới thăm và bảo:
“Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, thấy âm phủ có hỏi thì trả lời rằng: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay”.
Nói xong, Thượng hoàng trở về núi, dặn dò người hầu là Pháp Loa989 các việc về sau, rồi bỗng nhiên ngồi mà hóa. Thiên [24a] Thụy cũng mất vào hôm đó.
Pháp Loa thiêu [xác Thượng hoàng] được hơn ba ngàn hạt xá lỵ990 mang về chùa Tư Phúc ở kinh sư. Vua có ý ngờ. Các quan nhiều người xin bắt tội Pháp Loa. Hoàng thái tử Mạnh mới 9 tuổi, đứng hầu bên cạnh, chợt thấy có mấy hạt xá lỵ ở trước ngự991 , đưa ra cho mọi người xem, kiểm lại trong hộp, thì đã mất một số ít hạt. Vua xúc động đến phát khóc, trong lòng mới khỏi nghi ngờ.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nhân Tông trên thờ Từ Cung làm sáng đạo hiếu, dưới dùng người giỏi, lập nên võ công. Nếu không có tư chất nhân, minh, anh, võ, thì sao được như thế? Chỉ có một việc xuất gia là không hợp đạo trung dung, là cái lỗi của bậc hiền giả992 .
Sứ Nguyên là Thượng thư An Lỗ Khôi993 sang báo tin Vũ Tông lên ngôi. Vua sai Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên.
Đĩnh Chi người thấp bé, người Nguyên khinh ông. Một hôm viên tể tướng mời ông vào phủ cho [24b] cùng ngồi. Lúc ấy, đương hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẽ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ con chim sẽ thực, vội chạy đến bắt. Người Nguyên cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu. Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi tại sao. Đĩnh Chi trả lời:
“Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẽ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẽ. Trúc là bậc quân tử, chim sẽ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân”.
Mọi người đều phục tài của ông.
Đến khi vào chầu, gặp lúc nước ngoài dâng quạt, vua Nguyên sai làm bài minh. Đĩnh Chi cầm bút viết xong ngay, lời bài minh như sau:
“Lưu kim thước thạch, thiên vị địa lô, nhĩ ư tư thì hề, Y Chu cự nho.
Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thì hề, Di [25a] Tề ngã phu.
Y! dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ, hữu như thị phù”.
(Chảy vàng tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu994 đại nho.
Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo995 .
Ôi, được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là thế ru!).
Người Nguyên lại càng thán phục.
Kỷ Dậu, [Hưng Long] năm thứ 17 [1309], (Nguyên Chí Đại năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, đại xá.
Sách phong Đông cung thái tử Mạnh làm Hoàng thái tử. Truy tôn Khâm Từ Bảo Thánh thái hậu làm Thái hoàng thái hậu. Sách phong Thánh Bà phu nhân làm Thuận Thánh hoàng hậu.
Thứ phi của vua là Phạm thị, là con gái Phạm Ngũ Lão, không có con, xin xuất gia, vua cho.
Mùa đông, tháng 11, trị tội những kẻ đại nghịch là bọn tên Hân.
Tên Hân bị chém ở cầu Giang Khẩu996 , tên Trù ở cửa thành chợ Dừa997 , tên Tổng ở cửa thànhh Tây Dương998 , tên Dung ở cửa thành Vạn Xuân999 . Tên Hân vì ngày trước có công lớn, được miễn tịch thu gia sản. Còn bọn tên Lệ 6 người bị đày ra châu Ác Thuy (Ác Thủy thuộc huyện Yên Bang1000 . Người bị đày ra đó, [25b] không một ai sống nổi). Tên Lệ là dòng cuối trong họ nhà vua, được miễn thích chữ vào mặt. Bọn tên Đảo 4 người bị đày ra châu xa, tên Ma vì sai vợ là Thị Vĩnh ra thú trước, được tha tội. Theo lệ cũ, những kẻ có tội đều bị tước bỏ họ, chỉ gọi tên thôi. Tội đồ thì tuy còn đề họ, nhưng cũng chỉ gọi tên không.
Phu nhân Uy Túc công1001 là công chúa Thiên Trân mất. Vua thương xót, đến đưa đám.
(Lệ cũ: Những người lấy công chúa, nếu mất mất hay bỏ nhau, thì đều không được lấy vợ khác, nếu có lén lấy vợ khác, thì phải giấu giếm vụng trộm. Thiên Trân mất, Uy Túc lăn ra đất khóc lóc không đứng dậy được. Vua đến đưa đám, phải người đỡ hai bên mới ra tiếp được, ai cũng bảo là [Uy Túc] nhất định sẽ không lấy vợ khác nữa, thế mà Uy Túc sau lại lấy Huy Thánh. Văn Huệ công Quang Triều1002 lấy công chúa Thượng Trân. Công chúa mất, Minh Tông đến điếu tang, Văn Huệ ra đón tiếp tâu bày, như không có vẻ gì đau buồn, mọi người đều cho là (Văn Huệ) thế nào cũng lại lấy vợ khác. Nhưng sau Văn Huệ đi tu đến trọn đời).
Lấy Bùi Mộc Đạc làm Trung thư thị lang.
Canh Tuất, [Hưng Long] năm thứ 18 [1310], (Nguyên Chí Đại năm thứ 3). Mùa thu, tháng 9, ngày 16, rước linh cữu thượng hoàng [26a] về chôn ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ thì cất ở bảo tháp am Ngọa Vân; miếu hiệu là Nhân Tông, tên thụy là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Hiệu Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế. Đem Khâm Từ Bảo Thánh thái hoàng thái hậu hợp táng ở đấy.
Trước đó, linh cữu Nhân Tông tạm quàn ở điện Diên Hiền. Khi sắp đưa rước, đã đến giờ rồi mà quan lại và dân chúng còn đứng chật cả cung điện. Tể tướng cầm roi xua đuổi mà vẫn không giãn ra được. Vua cho gọi Chi hậu thánh chưởng Trịnh Trọng Tử tới bảo:
“Linh cữu sắp đưa rồi mà dân chúng đầy nghẽn như vậy thì làm thế nào? Ngươi hãy làm cho họ tránh ra”.
Trọng Tử lập tức đến thềm Thiên Trì, gọi quân Hải khẩu và quân Hổ dực (quân do Trọng Tử trông coi) đến ngồi thành hàng trước thềm, sai hát mấy câu điệu Long Ngâm . Mọi người đều kinh ngạc, kéo nhau đến xem, cung điện mới giãn người, bèn rước [linh cữu thượng hoàng] về lăng Quy Đức.
Trọng Tử lo dọc đường thế nào cũng có chỗ cao thấp quanh co, nếu nghiêm túc im lặng, thì sợ có sự nghiêng lệch, nếu truyền gọi bảo ban thì lại e ồn ào, bèn đem những lời dặn về cách đi đứng dàn hàng, phổ vào khúc hát Long Ngâm , sai người hát lên để bảo nhau. Người thời ấy rất ca ngợi ông. Ý tứ khéo léo của ông đại loại như vậy. Vua gọi ông là con nhà trời, vì ông hiểu khắp mọi nghề, lớn nhỏ đều thạo, không việc gì là không biết [26b].
(Trọng Tử nhiều tài nghệ, như cưỡi ngựa lạ không cần người giỏi cưỡi ngựa chỉ bảo, chỉ nghĩ cách phòng giữ cho ngựa khỏi lồng chạy đá cắn thôi, thế mà thuật cưỡi ngựa không có gì là không biết.
Học thuốc thì không cần hỏi thầy thuốc, cứ theo bài thuốc trong sách, xét chứng xem mạch rồi bốc thuốc, mà cũng không sai lầm. Lại đựng vị xuyên khung trong túi vải, cho gia đồng mang theo để lấy hơi người, không sinh mối mọt.
Học đánh cờ thì vẽ bàn cờ và quân cờ lên trần nhà, rồi ngồi nhìn và suy tính kỹ càng, người đương thời khen là giỏi cờ.
[Trọng Tử] thường mời đạo sĩ làm phép trấn yểm, đạo sĩ vào chổ ngồi, nhưng mọi việc đều do Trọng Tử làm cả, mà đạo sĩ thì không phải nói một lời nào. Khi công chúa Thiên Trân mất, các vương hầu đều tới điếu viếng, thầy cúng làm phép “hú vía”, nhưng thiếu người trả lời. Trọng Tử cố hỏi là người trả lời phải đứng ở chỗ nào, rồi đến ngay chỗ khuất người để trả lời, mọi người đều che miệng cười. Đại khái, tài khéo léo của ông đều như thế cả).
[ 27a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Triều đình cốt phải nghiêm. Rước đưa linh cữu thì cần gì phải đến tể tướng dẹp người, hữu ty dùng kế mới đi được? là bởi nhà trần khoan hậu thì có thừa mà nghiêm khắc thì không đủ vậy!.
Xá lỵ của Nhân Tông đưa cất vào bảo tháp, có sư Trí Thông phụng hầu. Trước đây, khi Nhân Tông xuất gia, sư chùa Siêu Loại là Trí Thông tự đốt cánh tay mình, từ bàn tay đến tận khuỷu tay, vẫn ung dung không biến sắc. Nhân Tông vào xem, Trí Thông đặt chỗ cho vua ngồi, lạy và nói: “Thần tăng đốt đèn đó! Đốt đèn xong, về viện ngũ kỹ, ngũ dậy, chỗ bỏng lửa phồng lên sẽ khỏi hết”.
Đến đây, Nhân Tông băng, Trí Thông liền sai vào núi Yên Tử ở hầu bảo tháp chứa xá lỵ. Đến đời Minh Tông, ông tự thiêu mà chết.
Năm này nước to, đói.
[27b] Tân Hợi, [Hưng Long] năm thứ 19 [1311], (Nguyên Chí Đại năm thứ 4). Đặt đô Toàn kim cương, thích ba chữ ở trán, theo lệ Chân thượng đô, Quân Thiên thuộc có đô Phù đồ thượng và đô Phù đồ hạ.
Nhận con gái của nhà sư người Hồ là Du Chi Bà Lam vào cung.
Sư đã sang ta vào thời Nhân Tông, vẻ người già nua, tự nói là 300 tuổi, có thể ngồi xếp bằng nổi trên mặt nước, lại có thể thu cả ngũ tạng lên ngực, làm cho trong bụng lép kẹp, chỉ còn da bụng và xương sống thôi. Sư chỉ ăn lưu hoàng, mật, rau dưa, ở mấy năm thì về nước, đến nay lại sang ta. Vua lấy con gái sư là Đa La Thanh vào cung. Nhà sư sau mất ở Kinh sư.
(Đời Minh Tông có sư người Hồ là Bồ Đề Thất Lý sang ta, cũng có thể giống nổi trên mặt nước, nhưng nằm ngửa mà nổi, không giống nhà sư Du Chi).
Mùa đông, tháng 12, vua thân đi đánh Chiêm Thành, vì chúa nước ấy là Chế Chí? (có sách ghi là phan trắc).
Nhâm Tý, [Hưng Long] năm thứ 20 [1312], (Nguyên Nhân Tông Ái Dục Lê Bạt Lực Bát Đạt Hoàng Khánh năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 17, mặt trời [28a] rung động.
Mùa hạ, tháng 5, dụ bắt được chúa Chiêm Thành Chế Chí đem về; phong em hắn là Chế Đà A Bà Niêm làm Á hầu trấn giữ đất ấy.
Trước đó, Chế Chí sai người sang cống. Người ấy là trại chủ Câu Chiêm. Vua sai Đoàn Nhữ Hài bí mật ước hẹn với hắn. Đến khi vua đích thân đi đánh, đến phủ Lâm Bình, chia quân làm ba đường: Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn theo đường núi, Nhân Huệ Vương Khánh Dư theo đường biển, vua tự dẫn sáu quân theo đường bộ; thủy bộ, cùng tiến. Lấy Đoàn Nhữ Hài làm Thiên tử chiêu dụ sứ đi trước.
Vua đến Câu Chiêm dừng lại. Nhữ Hài sai người tới chỗ trại chủ, nói rõ ý yêu cầu quốc chủ ra hàng. Trại chủ báo cáo với Chế Chí. Chế Chí nghe theo, đem gia thuộc đi đường biển tới hàng. Nhân Huệ Vương đem quân đuổi theo. Nhữ Hài lập tức chạy thư tâu rằng:
“Khánh Dư định cướp công vua”.
Vua giận lắm, sai bắt giám quân của Khánh Dư là Nguyễn Ngỗi đem chặt [28b] chân. Nhân Huệ sợ, đến ngự doanh tạ tội và nói rằng:
“Thần sợ nó đến giữa biển lại đổi bụng khác, nên mới chặn đằng sau thôi”.
Vua nguôi giận, sai chia quân đi tuần các bộ lạc. Người Chiêm tụ tập định đánh vào ngự doanh. Tiếng voi đã gần, quân sĩ có vẻ lo sợ. Được vài hôm, quân của Huệ Vũ Vương ự tìm đường mà tới, người Chiêm chạy tan. Trận này không mất một mũi tên mà Chiêm Thành bị dẹp, đó là công sức của Nhữ Hài.
Ngày vua đóng ở Câu Chiêm, Minh Hiến Vương Uất (con út của Thái Tông) ở trong doanh trại, bàn tán biện bác, mê hoặc lòng quaân. Vua giận, đuổi ra khỏi dinh, lệnh cho các quân không được thu nhận. Minh Hiến bèn cùng vài mươi gia đồng ngủ ở ngoài nội. Phạm Ngũ Lão nghe tin ấy vội mời vào trong quân và bảo mọi người:
“Thánh thượng vừa quở trách ân chúa và đuổi ra ngoài, lỡ ra bị giặc bắt được, thì chúng nói là bắt được hoàng tử, chứ biết đâu là bị vua [29a] quở trách! Ngũ Lão thà chịu tội trái lệnh, chứ không nỡ làm lợi cho giặc”.
Vua nghe biết, cũng không quở trách ông, Minh Hiến với Ngũ Lão tình nghĩa thì rất thân nhưng lễ ý thì rất sơ sài. Minh Hiến đến nhà Ngũ Lão, thường cùng ngồi với nhau một chiếu, khi về [Ngũ Lão] lại đem biếu tặng vàng bạc, hễ [Minh Hiến] cần gì, cũng không có ý sẻn tiếc. Cho nên Minh Hiến thích chơi với ông.
Vua có lần đã trách Ngũ Lão:
“Minh Hiến là hoàng tử, sao ngươi lại khinh xuất thế!”. Sau Minh Hiến lại đến nhà, Ngũ Lão vẫn cùng ngồi như xưa, chỉ nói: “Ân chúa nhớ đến nhà tôi nữa mà Thánh thượng quở trách tôi”.
Nhưng Minh Hiến vẫn lui tới thường xuyên, mà Ngũ Lão cũng không đổi nết cũ. Ấy là vì một người thì cậy của mà giữ lễ tiết sơ sài, một người thì ham của mà quên mất cả phận trên dưới vậy.
Nhà Nguyên sai Lễ bộ thượng thư Nãi Mã Đài1003 sang báo việc Nhân Tông lên ngôi.
Xa giá trở về, dâng lễ thắng trận [29b] ở các lăng phủ Long Hưng.
Đến sông Thâm Thị1004 , bỗng gặp mưa gió sấm chớp, ban ngày mà tối đen như đổ mực, trong khoảng gang tấc cũng không nhìn thấy nhau. Dây buộc thuyền đều bị đứt cả. Thuyền ngự chìm ở giữa dòng. Vua bám lấy mũi thuyền leo lên mui, đưa chân cho các cung nữ, nữ quan bám lấy để cùng leo lên mui. Các thuyền khác đều giạt sang bãi cát. Vua truyền chỉnh đốn lại nghi trượng để về kinh đô.
Tháng 6, vua từ Chiêm Thành về (đến kinh đô). Các quan bái yết đều mặc áo ngắn cả, vì đồ quân phục đều bị ướt hết.
Bấy giờ Hoàng thái tử giám quốc, Chiêu Văn Đại Vương Nhật Duật và Nghi Võ hầu Quốc Tú chỉ huy quân tả hữu Thánh dực ở lại giữ nước.
Vua có chiếu tuyên dụ rằng: “Công lao của các quan ở lại giữ nước và các tướng theo ta đi đánh trận là ngang nhau. Vì thái tử còn trẻ dại, nên việc ở lại giữ nước lúc này không giống với các lúc khác, còn các tướng đi theo thì cũng có công”. [Nhưng rồi] cũng không tiến hành ban thưởng nữa.
Sai sứ sang Nguyên.
Phong Chế Chí làm Hiệu Trung Vương, [30a] lại đổi làm Hiệu Thuận Vương.
Tôn thêm huy hiệu cho các tiên đế, tiên hậu và gia phong danh thần các xứ.
Lập đền thờ thần ở cửa biển Cần Hải1005 .
Trước đây, vua đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải (trước là Càn, tránh tên huý đổi là Cần), đóng quân lại, đêm nằm mơ thấy một thần nữ khóc lóc nói với vua: “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp phải sóng gió, trôi giạt đến đây. Thượng đế phong thiếp làm thần biển đã lâu. Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công”. Tỉnh dậy, vua cho gọi các bô lão tới hỏi sự thực, cho tế, rồi lên đường. Biển vì thế không nổi sóng. [Quân nhà vua] tiến thẳng đến thành Đồ Bàn1006 , bắt được [chúa Chiêm] đem về. Đến nay, sai hữu ty lập đền, bốn mùa cúng tế.
Truy tôn Chiêu Vương làm Nguyên Tổ Hoàng Đế, Cung Vương làm Ninh Tổ Hoàng Đế, Ý Vương làm Mục Tổ Hoàng Đế1007 .
[30b] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vũ Vương nhà Chu lên ngôi, truy tôn hai tổ làm vương; Thái Tổ nhà Tống được nước, truy tôn bốn đời làm đế. Bởi vì tổ tông tích lũy
công đức, nhân nghĩa nên mới có được thiên hạ, thì việc truy tôn huy hiệu cho các miếu thờ là việc cần phải làm gấp. Nhà Trần có thiên hạ, đã lên ngôi đế mà tước vương truy phong cho ba đời đã là việc không thỏa lòng người, đến nay mới truy tôn đế hiệu thì lại có lỗi là để chậm chạp.
Quý Sửu, [Hưng Long] năm thứ 2 [1313], (Nguyên Hoàng Khánh năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, [truy] tôn Ninh Tổ phu nhânlàm Ninh Từ hoàng hậu, Mục Tổ phu nhân làm Mục Từ hoàng hậu.
Tháng 2, Hiệu Thuận Vương Chế Chí đến hành cung Gia Lâm, chết, đem hỏa táng.
Tháng 3, sao Chổi mọc ở phương tây.
Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng mất.
Mùa hạ, tháng 6, ngày 20, sét đánh Tam ty viện, thủ phân Lương Lang chết. Truyền cho bản ty bỏ tiền ra làm chay lễ tạ.
Theo lệ1008 cũ, sét đánh cung điện, đường vũ, [31a] phải làm chay cầu phúc trừ tà thì hữu ty lo đồ bày biện, còn lễ vật cần ùng thì do kho công ban cấp. Các xứ khác thì do bản ty bỏ tiền làm chay lễ tạ.
Mùa đông, tháng 10, duyệt định Vũ quân, đổi quân Vũ tiệp thành quân Thiết ngạch, lấy Đại liêu ban Trần Thanh Ly làm Vũ vệ đại tướng quân thống lĩnh quân này.
Lấy An phủ sứ Đỗ Thiên Hư làm Kinh lược sư. Bấy giờ Chiêm Thành bị người Xiêm xâm lược, vua sai Thiên Hư đi kinh lược Nghệ An, Lâm Bình để sang cứu. Sau này mọi kế hoạch, lo liệu về biên giới phía tây, Minh Tông đều ủy cho Thiên Hư.
Tháng 12, Phụ quốc thái bảo Chiêu Hoài hầu Hiện mất.
Lấy Trần Khắc Chung làm Tả phụ, tước Quan Phục hầu.
Giáp Dần, [Hưng Long] năm thứ 22 [124], (từ tháng 3 trở đi là Đại Khánh năm thứ 1, Nguyên Diên Hựu năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, sắc cho Trung thư ban tên húy của bản triều, thêm các tên húy của Ninh Hoàng và của hai thái hậu Tuyên Từ, Bảo Từ1009 .
[31b] Ngày 18, vua nhường ngôi cho hoàng thái tử Mạnh. [Thái tử] Mạnh lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Đại Khánh năm thứ 1. Đại xá. [Vua tự] xưng là Ninh Hoàng, tôn Thượng hoàng là Quang Nghiêu Duệ Vũ Thái Thượng Hoàng Đế; tôn Thuận Thánh hoàng hậu là Thuận Thánh Bảo Từ Thái Thượng hoàng hậu. Quần thần dâng tôn hiệu là Thể Thiên Sùng Hóa Khâm Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế.
Truy tặng Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng làm Thái úy.
Mùa đông, tháng 10, thi thái học sinh. Ban tước bạ thư lệnh, sai cục chính Nguyễn Bính giảng dạy để sau này bổ dụng.
Xuống chiếu cho tam phẩm phụng ngự lập Dung đô để chờ sung bổ.
Đặt đô Phù liễn làm Long vệ tướng. Chọn con trai cấm quân và những người đã thích chữ Kim cương trong quân Thiết ngạch để sung bổ vào.
Sau khi vua nhận nhường ngôi, sứ Nguyên sang, làm lễ đọc quốc thư xong, hôm sau ban yến. Vua mặc áo tràng vạt bằng là màu vàng, đội mũ có thao, sứ giả khen [32a] vua là “thanh thoát như thần tiên”. Đến khi về nước, [sứ giả] thường nói đến vẻ người thanh tú của vua.
Sau này, sứ ta sang [Nguyên], có người hỏi rằng: “Tôi nghe nói thế tử vẻ người thanh tú nhẹ nhõm như thần tiên có đúng không?”.
Sứ ta trả lời: “Đúng như thế, song cũng là tiêu biểu cho phong thái cả nước”.
Sau Nguyễn Trung Ngạn và Phạm Mại sang Nguyên đáp lễ.
MINH TÔNG HOÀNG ĐẾ
Tên húy là Mạnh, con thứ tư của Anh Tông, mẹ đích là Thuận Thánh Bảo Từ hoàng thái hậu Trần thị, con gái của Hưng Nhượng Đại Vương Quốc Tảng, mẹ sinh là Chiêu Hiến hoàng thái hậu Trần thị, con gái của Bảo Nghĩa Vương Bình Trọng. Ở ngôi 15 năm, nhường ngôi 28 năm, thọ 58 tuổi, băng ở cung Bảo Nguyên, táng ở Mục Lăng. Vua đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày. Tiếc rằng không nhận biết mưu gian của Khắc Chung, để đến nỗi Quốc Chẩn phải chết, đo là chỗ kém thông minh vậy.
Ất Mão, [Đại Khánh] năm thứ 2 [1315], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 2). Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 7, đua thuyền.
Tháng 5, [32b] xuống chiếu cấm cha con, vợ chồng và gia nô không được tố cáo lẫn nhau.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua vốn nhân hậu với họ hàng, nhất là đối với bậc bề trên mà hiển quý lại càng tôn kính. Kẻ thần hạ hễ ai cùng tên (với họ hàng nhà vua) đều phải đổi cả, như Độ đổi thành Sư Mạnh vì là cùng tên với thượng phụ1010 , Tung đổi thành Thúc Cao vì là cùng tên với Hưng Ninh Vương1011 (con trưởng của An Ninh vương)1012 . Lại các tên của chú bác, cô cậu, khi nói đến vẫn kiêng cả. [Vua] có quyển sổ nhỏ biên những chữ húy không được nói đến, trao cho các hoàng tử và cung phi. Chỉ vì ngài có tấm lòng ấy, nên đã có chính tích ấy.
Tháng 6, hạn hán.
Bấy giờ Trần Khắc Chung làm Hành khiển. Quan ngự sử dâng sớ nói:
“Chức vụ tể tướng, trước hết phải điều hoà âm dương. Nay Khắc Chung ở ngôi tể tướng, không biết phối hợp đất trời [33a] cho khí tiết điều hòa, để đến nỗi mưa nắng trái thời, thế là làm quan không được công trạng gì”.
Khắc Chung nói:
“Tôi lạm giữ chức tể tướng, chỉ biết có sức làm những việc mà chức vụ phải làm, còn như hạn hán thì hỏi ở Long Vương. Khắc Chung đâu phải là Long Vương mà đổ tội được?”.
Sau nước sông lên to, vua đích thân đi xem đắp đê. Quan ngự sử tâu:
“Bệ hạ nên chăm sửa đức chính, xem làm gì việc đắp đê nhỏ nhặt”.
Khắc Chung nói:
“Khi dân bị nạn lụt, người làm vua phải cứu giúp tai họa khẩn cấp đó, sửa đức chính không gì lớn hơn việc đó, cần gì phải ngồi thinh, tư lự rồi bảo là “sửa đức chính?”.
Có người bàn rằng: “Khắc Chung đổ lỗi cho Long Vương, đài quan chê [đắp đê] là việc nhỏ nhặt, [hai bên] đều sai cả”.
Mùa thu, tháng 8, lấy ngày sinh làm tiết Ninh Thiên.
Tháng 9, có sâu ăn lúa.
Mùa đông, tháng 10, có sâu ăn lúa.
Ban cho Trần Khắc Chung tước Á quan nội hầu.
[33b] Bính Thìn, [Đại Khánh] năm thứ3 [1316], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, xét duyệt quan văn và1013 hộ khẩu có mức độ khác nhau.
Các quan xét duyệt cho rằng những tấm thiếp đóng ấn gỗ vào năm Nguyên Phong [1251 – 1258] là giả tạo. Thượng hoàng nghe tin ấy, bảo họ:
“Đó đúng là những tấm thiếp của nhà nước đấy”. Nhân ôn chuyện xưa1014 mà dụ rằng:
“Những người ở trong triều mà không am hiểu điển cũ thì lỡ việc nhiều lắm”.
Mùa đông, tháng 11, sai tể thần, tôn thất và các quan gặt ruộng tịch điền.
Sai Nhân Huệ Vương Khánh Dư đi Diễn Châu xét duyệt sổ lính, sổ dân, lấy Nội thư hỏa chánh chưởng phụng ngự Nguyễn Bính làm phó.
Xong việc về triều, Bính đem tiền bổng dâng nộp. Vua sai hữu ty nhận lấy. Có người hỏi: “Bính nộp tiền bổng mà bệ hạ nhận, thần chưa hiểu là cớ làm sao?”.
Vua đáp: “Bính nộp tiền bổng là thành thực, nếu trẫm không nhận, thì hãm Bính vào tội dối trá, cho nên nhận lấy để tỏ rõ Bính không gian dối”.
Bính là cận [34a] thần của Thượng hoàng, tính người trong sạch thẳng thắn, năm trước đứng đầu hành nhân sang sứ nước Nguyên, trở về không mua thứ gì, Thượng hoàng khen ngợi, đặc cách ban thưởng 2 tư. Theo lệ cũ, những người đi sứ Nguyên về, mỗi người được ban tước 2 tư, người đứng đầu hành nhân trở xuống, mỗi người 1 tư. Bính là người trong sạch thẳng thắn nên được 2 tư.
Lấy Trần Hùng Thao làm Thiếu phó.
Đinh Tỵ, [Đại Khánh] năm thứ 4 [1317], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 3, làm lễ thành hôn cho năm công chúa là Thiên Chân, Ý Trinh, Huy Chân, Huệ Chân, Thánh Chân.
Huy Chân lấy Uy Giản hầu (không rõ tên). Trước đây, mẹ thân sinh Huy Chân là Trần Thị Thái Bình làm cung tần của Thượng hoàng, tính tham lam, thường chiếm đoạt ruộng đất của dân. Có người kiện, vua không giao cho hữu ty, gọi Uy giản tới đưa đơn kiện cho xem và dụ rằng:
“Trẫm không giao cho quan lại xét, sợ làm nhục phi tần của tiên hoàng, ngươi nên theo đơn mà trả [ruộng cho] dân”.
Uy Giản lập tức [34b] vâng chiếu trả lại ruộng. Sau Thái Bình chết, Uy Giản đem tất cả ruộng [bà] chiếm đoạt khi trước trả lại cho chủ cũ. Vua vì thế khen ông.
Thượng hoàng ngự cung Trùng Quang. Hình bộ lang trung Phí Trực theo hầu. Chức an phủ Thiên Trường khuyết, sai Trực kiêm làm.
Bấy giờ trộm cướp bắt đầu nổi lên, tên Văn Khánh là đầu sỏ bọn cướp. Có người khai là bắt được một tên cướp, giải lên nộp quan và bảo nó là Văn Khánh. Đến lúc tra hỏi, tên ấy nhận ngay, ai cũng cho là thực, duy có mỗi Trực vẫn ngờ. Án ấy để lâu không giải quyết. Thượng hoàng hỏi chuyện đó, Trực trả lời:
“Mạng người rất trọng, lòng tôi còn có chỗ ngờ, không dám liều lĩnh xử quyết”.
Không bao lâu, Thượng hoàng hỏi lại, Trực trả lời như lần trước. Thượng hoàng giận bảo:
“Nó đã nhận như thế, còn ngờ gì nữa”. Trực tâu:
“Nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ”.
Một tháng sau, Văn Khánh quả nhiên bị bắt. Thượng hoàng do đó khen Trực [35a] có tài.
Thượng hoàng có lần ban bữa ăn cho vua. Vua nhai rất kỹ, Thượng hoàng nói: “Đàn ông phải ăn như rồng nuốt, cọp cắn, cần gì phải nhai kỹ?”. Khi ban bữa ăn cho vương hầu, thượng hoàng cũng dụ như thế.
Mậu Ngọ, [Đại Khánh] năm thứ 5 [1318], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 2, ngày 18, đem trưởng công chúa Thiên Chân gả cho Huệ Chính vương (không rõ tên). Phong Huệ làm Phò ký lang.
Mùa thu, tháng 8, ngày 19, Tuyên Từ thái hậu băng.
Sai Huệ Vũ Đại Vương Quốc Chẩn đi đánh Chiêm Thành. Tộc tướng nhà Lý là Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến chết tại trận. Quản Thiên võ quân Phạm Ngũ Lão tung quân đánh phía sau giặc. Quân giặc thua chạy, bắt được rất nhiều. Phong Ngũ Lão tước Quan nội hầu, ban cho phi ngư phù và cho con ông làm quan.
Bấy giờ, Thượng hoàng có ý xuất gia, nên sai cung nhân ăn chay. Các cung nhân đều ngần ngại, duy có nữ quan Nguyễn Thị Diên chặt ngón tay [35b] đem dâng. Thượng hoàng ngợi khen, ban cho 40 mẫu ruộng làm lương ăn tu hành ngày sau. Rồi Thị Diên quả nhiên đi tu cho đến lúc mất, Phật hiệu là Tịnh Quang ni.
Mùa đông, phụ táng Tuyên Từ thái hậu ở cạnh lăng Nhân Tông.
Trước đây, Nhân Tông từng dặn lại Anh Tông ngày sau phải đem dì (tức là thái hậu) táng ở cạnh lăng và vẽ bản đồ chôn cất thành huyệt hình thước thợ trao lại. Đến đây, Thượng hoàng theo di mệnh, đào cạnh lăng để chôn. Đất lăng nhiều bùn lầy, tiếng đào đắp vang động cả khu lăng. Thượng hoàng có vẻ lo. Trước đây, khi sắp chôn thái hậu [vào đấy], các quan tâu rằng không nên làm kinh động lăng tẩm. Thượng hoàng nói:
“Tiên đế có lệnh, ta không dám trái. Nếu có tổn hại gì, ta sẽ chịu cả”.
Sau khi chôn không được bao lâu, Thượng hoàng bị bệnh, đầy năm thì băng.
Kỷ Mùi, [Đại Khánh] năm thứ 6 [1319], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 6). Mùa hạ, tháng 4, bến Đông Thiên Vương ở Đống Lâm lở 10 trượng.
[36a] Tháng 5, ngày 17, hoàng thái tử Vượng sinh tên hiệu là Thiên Kiến.
Nước to.
Mùa đông, tháng 11, hoàng thái tử Nguyên Trác sinh.
Canh Thân, [ Đại Khánh] năm thứ 7 [1320], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 3, ngày 16, thượng hoàng băng ở cung Trùng Quang phủ Thiên Trường, rước linh cữu vào cửa Tường Phù, quàn tại cung Thánh Từ.
Thượng hoàng tính tình khiêm tốn hoà nhã, hoà mục với người trong họ, mọi việc của triều đình đều tự mình quyết đoán. Khi thư rỗi trong muôn việc bận, Thượng hoàng để tâm tới việc trước thuật. Nhưng viết được gì, vẽ được gì, ngài đều đốt cả. Tập thơ ngự chế tên là Thủy vân tùy bút , trước khi mất, cũng đốt đi.
Hồi còn trẻ, thích uống rượu, Nhân Tông răn bảo chuyện đó, từ đấy không bao giờ uống nữa. Ngài từng ban tước hơi nhiều cho các quan trong triều. Nhân Tông biết được, sai lấy sổ xem rồi ghi vào trong đó rằng:
“Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế”, từ đó lại càng [36b] thận trọng khi ban chức tước. Ngài không ngại sửa lỗi như vậy đó!.
Quan nô là Hoàng Hộc và Thiên Kiện dùng mưu kế xảo trá, đánh lừa hình quan, người trong hương rốt cuộc phải chịu tội vu cáo. Thượng hoàng biết chuyện, bảo hình quan rằng:
“Tên Hộc gian ngoan xảo quyệt đến thế mà ngục quan không biết suy xét tình lý. Tình ngay lý gian thì không được lấy lý bỏ tình. Phải suy xét cả tình và lý, tình lý không xung đột thì mới là giỏi xử án. Nếu biết tình không gian, thì theo lý mà làm là phải, nếu tình quả là gian rồi, thì lại phải suy xét xem lý ngay hay cong, như vậy, điều gian dối sẽ tự khắc hiện ra, càng không nên tách rời tình lý làm hai mà xét”.
Ngài sáng suốt, thận trọng về hình phạt lại như thế đấy.
Huy Tư được phong hoàng phi, thi theo hầu [thượng hoàng] chưa được ngồi kiệu. Bảo Từ lấy kiệu mình vẫn đi ban cho bà thì ngài trách rằng:
“Bảo Từ có thương yêu Huy Tư thì cho thứ khác là phải, chứ cái kiệu ngồi còn điển chế cũ, không thể [37a] cho được!”.
Nguyễn Sĩ Cố, Chu Bộ là cận thần của thái tử. Đến khi thái tử lên ngôi. Cố và Bộ đều vì không có đức hạnh nên đều không được cất nhắc. Cố làm đến Thiên chương các học sĩ, chức này thực đặt làm vì, chứ không có quyền hành gì. Bộ thì chỉ coi mấy bộ cấm binh Khôi. Khi thượng hoàng thân đi đánh Chiêm Thành, Bộ chết trận, Cố thì chết trên đường đi. Hai người này phục vụ Thượng hoàng khó nhọc lâu ngày, nhưng vì tài không thể dùng được, nên đặc họ vào chức nhàn tản và đều cho bổng lộc tước trật ưu hậu cả mà không trao cho thực quyền.
Nguyễn Quốc Phụ làm Nội thư chánh chưởng, là cận thần của Nhân Tông. Khoảng năm Hưng Long [1293 – 1314] khuyết chức Hành khiển. [Có lần] Thượng hoàng chầu Nhân Tông ở chùa Sùng Nghiêm, Nhân Tông bảo: “Quốc Phụ được đấy!” [Thượng hoàng thưa:
“Nếu lấy ngôi thứ mà bàn, thì [Quốc Phụ] được rồi, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi!”.
Nhân Tông im lặng rồi không dùng. Quốc Phụ cuối cùng vẫn giữ chức cũ cho đến khi chết. Ngài thận trọng đối với những chức vị quan trọng lại như thế đấy.
Bấy giờ rước linh cữu [thượng hoàng] [37b] đưa về Thiên Trường. Thuyền của Bảo Từ thái hậu có 8 dây kéo, thuyền của Huy Tư hoàng phi có 2 dây kéo. Người coi cấm quan có ý nịnh vua, lấy dây buộc thêm vào thuyền của hoàng phi. Tướng quân Trần Hựu nói:
“Thuyền của thái hậu có 8 dây kéo là quy chế của nhà Trần để tỏ rõ danh phận trên dưới”, lập tước rút gươm cắt dây bỏ bớt đi. Việc đến tai vua, vua khen ông trung thành. Hựu là viên quan cận thần của Thượng hoàng.
Mùa hạ, tháng 6, nước to.
Mùa thu, tháng 8, gió to.
Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu rằng những người tranh nhau ruộng đất, nếu khám xét thấy không phải của mình mà cố tranh bậy thì bị truy tố, tính giá tiền ruộng đất, bắt đền gấp đôi. Nếu làm văn khế giả, thì bị chặt một đốt ngón tay bên trái.
Tháng 11, Điện súy thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão mất tại phũ đệ vua ban ở vườn cau trong thành, thọ 66 tuổi. Vua nghỉ chầu 5 ngày, đó là ân điển đặc biệt.
Ngũ Lão [người làng] Phù Ủng, [huyện] Đường Hảo [châu] Thượng Hồng, lúc hơn hai mươi tuổi, [38a], Hưng Đạo Vương thấy và cho là có kỳ tài, đem con gái nuôi gả cho. [Ngũ Lão] nhân đó, làm gia thần cho vương, được vương dạy bảo thêm, tài nghệ tuyệt vời. Vương tiến cử ông.
Ngũ Lão xuất thân trong hàng quân ngũ, nhưng rất thích đọc sách, là người phóng khoáng, có chí lớn, thích ngâm thơ, tựa như không để ý đến việc võ bị. Nhưng quân ông chỉ huy, thực là đội quân phụ tử, hễ đánh là thắng. Ông có làm bài thơ:
Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu, Tam quân tỳ hồ khí thôn ngưu. Nam nhi vị liễu công danh trái, Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
(Vung giáo non sông trải mấy thu, Ba quân tựa cọp nuốt trôi trâu. Trai chưa trả nợ công danh được, Còn thẹn khi nghe chuyện Vũ hầu)1015 . Ông huấn luyện quân đội rất có kỷ luật, đối đãi tướng hiệu tực như người nhà, cùng đồng cam cộng khổ với binh sĩ, cho nên quân đi tới đâu, không ai dám chống; tất cả chiến lợi phẩm thu được đều sung vào kho quân, coi của cải như không, là bậc danh tướng của một thời vậy.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo Vương thì học vấn [38b] tỏ ra ở bài hịch, Phạm điện súy thì học vấn biểu hiện ở câu thơ, không chỉ có chuyện về nghề võ. Thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, đã tấn công là chiếm được, người xưa cũng không một ai vượt nổi các ông. Lê Phụ Trần thì dũng lược đứng đầu ba quân, một mình một ngựa xông pha trong lúc gian nguy, mà tài văn học của ông đủ để dạy bảo thái tử. Đủ biết, nhà Trần dùng người, vốn căn cứ vào tài năng của họ để trao trách nhiệm. Còn như quân Thiên thuộc (tức là quân Thiên vũ) mà cấm không được vào học. Giả sử có người văn võ toàn tài sinh ra ở trong đó, thì chẳng bị kìm hãm lắm sao!
Tháng 12, ngày 12, táng Thượng hoàng vào Thái lăng ở Yên Sinh (Thái Lăng ở núi Yên Sinh, hai lăng Mục Lăng và Phụ Lăng cũng ở đó), miếu hiệu là Anh Tông, thụy hiệu là Hiển Văn Duệ Vũ Khâm Minh Nhân Hiếu Hoàng Đế.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Gốc của thiên hạ là ở nước, gốc của nước là ở nhà, [39a] gốc của nhà là ở mình. Có dạy được người trong nước. Đời Đường Ngu thịnh trị chẳng qua cũng là như vậy. Kinh Thư ca ngợi Đế Nghiêu dẫn dắt muôn dân bỏ ác làm thiện, đi tới thịnh trị, thì hẳn là vì trước hết ông biết thân yêu họ hàng1016 , cũng tức là đã thực hiện giáo hóa bắt đầu từ trong nhà vậy. Tôi đọc sử chép về Anh Tông, thấy không ngần ngại sửa bỏ lỗi lầm, kính cẩn thờ phụng cha mẹ, hòa mục với họ hàng, truy tôn tổ tiên làm đế làm hậu, chu đáo trong cúng tế, thận trọng trong tang lễ, đều là phải đạo; trong nhà đủ làm khuôn phép, người ngoài bắt chước theo. Cho nên trên thì Nhân Tông khen là hiếu, dưới thì Minh Tông tuân theo khuôn phép. Nước trở nên văn minh,dân tới chỗ giàu thịnh. Như thế chẳng phải là hiệu quả trị nước vốn ở gốc tu thân tề gia là gì? Dù lời khen trong Thi, Thư1017 cũng không hơn thế.
Lại nói: Thiên tử mất 7 tháng thì chôn, nay để hơn 9 tháng mới chôn. Có lẽ thế là theo thuyết âm dương chăng1018 .
[39b] Trước đây, Anh Tông không khoẻ, vua ngày đêm ơ luôn ngoài cửa phòng ngủ của Thượng hoàng, mỗi khi vào thăm thì cùng đi với Quốc Chẩn. Vì Anh Tông tin cậy Quốc Chẩn hơn cả, định đem vua gửi gắm Quốc Chẩn, cho nên không cho vào thăm một mình, mà phải cùng đi với Quốc Chẩn, cốt để cho tình nghĩa vua tôi được khăng khít và không còn nghi ngại gì nữa.
Bấy giờ, Bảo Từ thái hậu cho gọi sư Phổ Huệ đến chùa Phổ Minh mở hội Quán đính1019 . Anh Tông bệnh vừa chuyển nặng. Phổ Huệ xin được gặp để trình bày việc sống chết. [Anh Tông] sai trả lời rằng:
“Sư hãy đến đây, ta chết rồi, Quan gia có sai bảo gì, thì cứ việc làm. Còn như chuyện sau khi chết, thì sư cũng chưa chết, biết đâu mà trình bày việc chết với ta?”.
Thái học sinh Đặng Tảo thường xuyên đứng hầu bên giường ngự để viết di chiếu. Anh Tông băng, vua đích thân khâm liệm. Chỉ có Quốc phụ cùng Tảo và gia nhi chủ nô là Lê Chung tham gia việc này. Đến khi rước linh cữu về sơn lăng, Tảo, Chung đều tới hầu [40a] lăng tẩm. Hàng năm, khi vua bái yết lăng, Tảo thườn lánh đi chổ khác, chỉ có ý nguyện ở lại phụng thờ lăng tẩm mà thôi, chứ không đòi xin gì khác.
Vua thương Tảo nghèo, ban cho 20 mẫu ruộng, sai Trần Thế Hưng mang giấy cho. Ruộng này khi trước đã ban cho thứ phi của vua là Thiên Xuân. Thiên Xuân cứ giữ giấy cũ mà cày cấy, thế mà Tảo vẫn không tranh chấp với bà. Thế Hưng biết chuyện, tâu thực với vua. Vua lập tức thu lại giấy của Thiên Xuân, đem ruộng trả cho Tảo, Tảo cũng chẳng lấy làm mừng.
Chung thì đời mồ mả tổ tiên, bán ruộng đất, nhà cửa, đem gia quyến vợ con đến Yên Sinh, chôn cất và làm nhà ở đấy. Cả hai người đều ở Yên Sinh cho đến khi mất. Sau này Nghệ Hoàng đến Yên Sinh, tưởng nhớ hai người bề tôi đó, liền sai Trần An trùng tu chùa cũ của Tảo và Chung, lại cấp ruộng để thờ cúng, ban tên chùa là chùa Trung Tiết.
Đổi đô Phù Liễn làm Khấu mã quân.
Đói.
Lấy Bùi Mộc Đạc tri Thẩm hình viện sự, kiêm [40b] Chuyển vận sứ lộ Hoàng Giang Hạ.
Tân Dậu, [Đại Khánh] năm thứ 8 [1321], (Nguyên Anh Tông Thạc Đức Bạt Lạt Chí Trị năm thứ 10). Mùa xuân, tôn Thuận Thánh Bảo Từ thái thượng hoàng hậu làm Thuận Thánh Bảo Từ hoàng thái hậu, tôn mẹ thân sinh là Huy Tư hoàng phi làm Huy Tư hoàng thái phi (tức là Chiêu Từ hoàng thái hậu).
Tháng 2, gạo 1 thăng nhỏ trị giá 1 quan tiền.
Mùa hạ, lúa chiêm được mùa to.
Mùa đông, tháng 12, hoàng tử thứ ba là Phủ sinh.
Thi các tăng nhân, hỏi kinh Kim Cương.
Ban cho Trần Khắc Chung tước Quan nội hầu.
Sai sứ sang Nguyên mừng Anh Tông lên ngôi.
Lấy Nguyễn Trung Ngạn làm Ngự sử đài thị ngự sử.
Nhâm Tuất, [Đại Khánh] năm thứ 9 [1322], (Nguyên Chí Trị năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, lấy Huệ Túc Đại Vương Niên làm Phó ký lang.
Tháng 3, sét đánh tháp Báo Thiên, sụt mất 2 tầng góc bên đông.
Mùa hạ, người Nguyên [41a] tranh chấp biên giới. Sai Hình bộ thượng thư, ty Hành khiển là Doãn Bang Hiến sang Nguyên tranh biện. Hiến mất trên đường đi, vua rất thương tiếc.
Quý Hợi, [Đại Khánh] năm thứ 10 [1323], (Nguyên Chí Trị năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 8, ngày 22, vua ngự đến nhà Thái học. Có tên Mặc trong quân Thiên thuộc ở Hoàng Giang đỗ khoa thi Thái học sinh, vua xuống chiếu bắt trở lại quân ngũ, làm quân lại quân Thiên đinh, đến khi thi đánh gậy, [Mặc] lại đỗ cao.
Bấy giờ tuyển chọn các quân, lấy người béo trắng làm hạng trên, cho nên quân sĩ không xăm mình nữa là bắt đầu từ đấy.
Xuống chiếu rằng khi tranh ruộng mà ruộng có lúa, thì hãy chia làm 2 phần, bồi thường cho người cày 1 phần, còn 1 phần lưu lại. Đó là theo lời tâu của Đại an phủ Kinh sư kiêm Kiểm pháp quan Nguyễn Dũ. Dũ nổi tiếng ngang với Thiên Hư. Khi Thiên Hư thôi chức Kinh lược sứ Nghệ An, Lâm Bình, vua sai Dũ kế chức ấy. Người Chiêm [41b] cũng sợ phục.
Bấy giờ, quan trong triều như bọn Trần Thì Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Đỗ Thiên Hư, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Dũ, Phạm Mai, Phạm Ngộ, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Lê Duy (Duy người xã Cổ Định, huyện Nông Cống), Trương Hán Siêu, Lê Cư Nhân nối nhau vào triều, nhân tài rộ nở.
Anh em Ngộ, Mại vốn trước là họ Chúc, khi Nhân Tông xuất gia, làm nội học sinh theo hầu. Vua cho rằng họ Chúc không phải là họ lớn, mới đổi cho thành họ Phạm. Ngộ trước tên là Kiên, Mại trước tên là Cố, đều theo học Nguyễn Sĩ Cố. Kiên tránh tên của phán thủ Huệ Nghĩa đổi là Ngộ, Cố tránh tên của thầy, đổi là Mại. Mại ở ngự sử đài1020 , cương trực dám nói, có phong cách người bề tôi can ngăn ngày xưa”. Sau vào chính phủ, không được mấy năm bị bãi chức.
Trung Ngạn tên cũ là Cốt. Khi Anh Tông ngự cung Trùng Quang, có ý muốn xuất gia, có làm bài thơ “Chiêu ẩn”1021 ban cho Trung Ngạn, Trung Ngạn từ chối không vâng mệnh.
Đĩnh Chi là người liêm khiết, [42a] sống rất đạm bạc. Vua rất hiểu ông, sai người ban đêm đem 10 quan tiền bỏ vào nhà ông. Hôm sau, Đĩnh Chi vào chầu, tâu vua hay chuyện đó. Vua bảo: “Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu”. Thời Hiến Tông, ông làm Nhập nội hành khiển Hữu ty lang trung rồi thăng Tả ty lang trung.
Mùa đông, tháng 11, đúc tiền kẽm.
Tháng 12, sách phong con gái trưởng của Huệ Vũ Đại Vương Quốc Chẩn là Huy Thánh công chúa làm Lê Thánh hoàng hậu (tức là Hiến Từ thái hậu).
Lấy Uy Giản hầu (không rõ tên) làm Tham thị triều chính trị quân quốc sự. Thân thuộc có kẻ chê chức ấy thấp. Uy Giản bảo chúng:
“Bọn bay ngu quá, phàm bề tôi được chúa thượng trông tới, đều do ở lòng thánh lựa chọn, chứ không phải là sức người làm nổi, sao lại được càn rỡ nghĩ xằng? Ta may được đội ơn yêu quý, thực đã quá lòng mong muốn rồi, bàn chi đến chức cao hay thấp”.
Vua nghe biết, cho là những lời nói phải.
[42b], Giáp Tý, [Khai Thái] năm thứ 1 [1324], (Nguyên Thái Định năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, đổi niên hiệu.
Xét duyệt các sắc mụ nội thị tạp lưu.
Mùa hạ, tháng 4, lấy Huệ Vũ Đại Vương Quốc Chẩn làm Nhập nội quốc phụ thượng tể, Kiểm hiệu thái úy Nhật Duật làm Tá thánh thái sư; Uy Túc công Văn Bích làm Nhập nội phụ quốc thái bảo, Văn Huệ công Quang Triều làm Nhập nội hiệu tư đồ.
Vua Nguyên sai Mã Hợp Mưu1022 , Dương Tông Thụy sang báo tin lên ngôi1023 và trao cho 1 quyển lịch.
Bọn Mưu đi ngựa đến tận đường ở cầu Tây Thấu Trì không xuống. Những người biết tiếng Hán, vâng lệnh tiếp chuyện, từ giờ Thìn đến giờ Ngọ, khí giận càng tăng.
Vua sai Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn ra đón. Trung Ngạn lấy lẽ bẻ lại, Hợp Mưu đuối lý, phải xuống ngựa bưng chiếu đi bộ. Vua rất hài lòng.
Rồi sau bàn việc trái ý vua, [Ngạn] bị giáng làm Thông phán châu Viêm Lãng, [43a] được tiếng là chính sự giỏi. Ít lâu sau, được thăng làm Thiêm tri Thánh Từ cung sự.
Ban cho Trần Bang Cẩn bức tranh và bài thơ. Bấy giờ, Bang Cẩn làm Đại hành khiển thượng thư tả bộc xạ, là người tín thực giữ gìn, giản dị điềm tĩnh, không xa hoa. Vua ban cho bức tranh và bài thơ rằng:
Hình dung cốt cách nại đông hàn,
Tướng mạo đình đình diệc khả khan.
Phong lưu nhất đoạn hồn miêu tận,
Tâm lý nan miêu cảnh cảnh đan.
(Cốt cách dáng hình chịu rét đông,
Hiên ngang tướng mạo thực nên trông.
Phong lưu mọi vẻ đều nên cả,
Vẽ sao canh cánh tấm lòng trung).
Mùa đông, tháng 12, cấm tiền kẽm.
Năm này hạn hán, sâu bọ; trâu bò, gia súa chết nhiều.
Ất Sửu, [Khai Thái] năm thứ 2 [1325], (Nguyên Thái Định năm thứ 2). Mùa xuân, đặt ty Liêm phỏng ở các lộ. Lấy Đặng Lộ làm Liêm phỏng sứ hai lộ Đại Hoàng và An Tiêm.
Mùa thu, tháng 8, ban xuống các điều lệ mới quy định.
Theo quy chế cũ, Hành khiển ty ở cung Quan Triều và Thánh Từ, cùng Nội thư hỏa cục thì gọi chung là Nội mật viện. Đến nay, đổi Hành khiển ty thành Môn hạ sảnh, còn Nội thư hỏa cục vẫn là Nội mật [43b] viện.
Tư đồ Văn Huệ công Quang Triều mất (thọ 39 tuổi).
Bính Dần, [Khai Thái] năm thứ 3 [1326], (Nguyên Thái Định năm thứ 3). Từ tháng 2, mùa xuân, đến tháng 6 không mưa.
Tháng 3, Trung thư thị lang tri Thẩm hình viện sự Bùi Mộc Đạc mất.
Trước đây, khi Anh Tông sắp băng có bảo vua:
“Mộc Đạc trải thờ ba triều, là người cung kính, thận trọng, giữ gìn, học thức khả quan, nên đãi ngộ cho khéo, chớ để bị người ta ngăn trở”.
Vua sai vẽ chân dung Mộc Đạc cất ở nhà sách, có ý định dùng vào chức to, nhưng chưa kịp thăng thì mất (thọ 62 tuổi).
Mùa thu, tháng 7, xét duyệt các quan văn võ.
Lấy Nội thư hỏa chánh chưởng phụng ngự Tạ Bất Căng làm Nhập nội hành khiển, hành Tả ty lang trung. Lấy Trần Khắc Chung làm thiếu bảo, hành Thánh Từ cung Tả ty sự, ban tên tự là Văn Tiết, hàm Đồng trung thư môn hạ bình chương sự.
Buổi quốc sơ, theo quy chế cũ của nhà Lý, hàm Hành khiển có thêm các chữ Trung thư môn hạ bình [44a] chương sự. Từ khi thượng tướng Quang Khải ở ngôi tể tướng, chê chức hành khiển và chức tể tướng ngang hàng nhau, mới tâu xin đổi thành Trung thư môn hạ công sự để cho có phân biệt.
Đến đây, vua cho Khắc Chung thăng chức Thiếu bảo, nhưng vẫn làm việc hành khiển; để ưu đãi, nên đặc cách thêm các chữ Trung thư môn hạ bình chương sự, là theo quy chế cũ.
Giáng Nguyễn Trung Ngạn làm An phủ sứ Thanh Hóa.
Trung Ngạn có tính hay sơ xuất. Bấy giờ, Bảo Vũ Vương được ban tước Tạo y thượng vị hầu1024 , Trung Ngạn ghi sổ, lại xếp vào hàng Tử y1025 . Vua thương ông có tài, vả lại cũng là do lầm lỡ, không bắt tội, nên đuổi ra làm quan bên ngoài. Trung Ngạn từng làm bài thơ tự phụ rằng:
Giới Hiên tiên sinh lang miếu khí,
Diệu kinh dĩ hữu thốn ngưu chí.
Niên phương thập nhị thái học sinh,
Tài đăng thập lục sung đình thí.
Nhị thập hựu tứ nhập gián quan,
Nhị thập hựu lục Yên kinh sứ.
(Giới Hiên tiên sinh tài lang miếu1026 ,
Có chí nuốt trâu từ niên thiếu.
Tuổi mới mười hai thái học sinh,
Vừa đến mười sáu dự thi đình.
Hai mươi bốn tuổi làm quan gián,
Hai mươi sáu tuổi sứ Yên Kinh)1027 .
Ông kiêu căng như vậy đấy. Về sau, hai lần sung chức [44b] Hựu sảnh1028 . Đến thời Dụ Tông, vào chính phủ, giữ trọn tiếng tốt, không phụ là bậc nho giả, thọ hơn 80 tuổi. Có Giới Hiên tập lưu hành ở đời.
Bấy giờ Trương Hán Siêu làm Hành khiển. Một hôm, Siêu nói trong triều rằng hình quan Phạm Ngộ và Lê Duy ăn hối lộ. Vua lập tức sai điều tra. Hán Siêu nói kín với người khác:
“Tôi làm việc ở chính phủ, được chúa thượng tin dùng, cho nên mới nói thế, biết đâu lại có chuyện tra xét này!”.
Vua nghe vậy nói: “Hành khiển là quan ở sảnh, Thẩm hình là quan ở viện, ta đều tín nhiệm cả. Sao lại làm ta tin quan sảnh mà ngờ quan viện?”.
Đến khi tra hỏi, Hán Siêu đuối lý phải phạt 300 quan tiền.
Ít lâu sau, lấy Phạm Ngộ làm Tham tri chính sự đồng tri thượng thư Tả ty sự, chức ngang với Hán Siêu. Ngộ tuy học vấn không bằng Hán Siêu, nhưng làm quan thanh liêm cẩn thận, được tiếng khen ở thời đó.
Huệ Túc Vương đánh Chiêm Thành không thắng lợi [45a] trở về. Vua nói:
“Tiên đế tắm mưa gội gió mới bắt được chúa nước nó. Quốc phụ là một trọng thần, phụng mệnh đi đánh1029 , khiến chúa nước giặc là Chế Năng phải chạy sang nước khác (Chế Năng chạy sang Trảo Oa cầu cứu), lập tù trưởng A Nan làm Hiệu Thánh á vương. Nay Huệ Túc chỉ là một vương thôi, uy vọng không
thể sánh với Quốc phụ, thế mà ta cứ ở yên trong cung, trao cho chuyên việc đánh dẹp, muốn bắt sống chúa nó thì làm nổi chăng?”.
Đinh Mão, [Khai Thái] năm thứ 4 [1327], (Nguyên Thái Định năm thứ 4). Mùa hạ, tháng 5, sét đánh lăng tẩm. Quần thần bàn việc ấy. Xuống chiếu phạt bọn Thiếu bảo Trần Khắc Chung, Hành khiển Đoàn Nhữ Hài theo mức độ khác nhau.
Sau hôm sét đánh, các quan họp bàn ở Nội nhân văn cục. Các vương hầu cùng giải lao với Trần Khắc Chung và Đoàn Nhữ Hài. Khắc Chung nói chuyện có giọng hài hước. Nhữ Hài vội đứng dậy bỏ đi. Khắc Chung nói xong mọi người đều cười, [45b] bị quan Ngự sử hặc tội. Xuống chiếu phạt Khắc Chung và Nhữ Hài. Nhữ Hài cãi:
“Lúc cười đùa thì thần đã đi rồi”.
Vua nói:
“Nhữ Hài nghe biết là đùa cợt, không ngăn, lại bỏ mà đi, thế là cố ý hãm mọi người vào tội lỗi mà tính kế tránh lỗi cho mình”.
Rốt cuộc vẫn phạt Nhữ Hài.
Có viên quan tên là Hiệu Khả ca ngợi vua giỏi hơn Anh Tông. Vua biến sắc mặt, ngăn không cho nói và bảo:
“Ai mà khen người khác là giỏi hơn cha, thì người ấy hẳn là bất hiếu với cha mẹ, cho nên mới nói ra câu ấy”.
Hiệu Khả không biết chiều cha mẹ, nên vua nói thế để răn đe y.
(Hiệu Khả là người trong lòng trí trá. Có lần, vua lấy ra hai chiếc hòm đựng áo mặc, sai Hiệu Khả xếp loại tốt xấu và bảo Khả: “Một cái do chính tay Thái thượng tự làm, một cái do nội nhân Lê Kế làm, cả hai đều tinh xảo cả, ngươi chỉ xem cái nào khéo hơn”.
Hiệu Khả xem đi xem lại hai ba lần rồi nói úp mở theo kiểu nước đôi: “Chúa thượng có cái khép của chúa thượng, bề tôi cũng có cái khéo của bề tôi”.
Vua cũng phải phì cười.
S ử thần Ngô Sĩ Liên nói: Câu nói ấy của vua, tuy là nhất thời nói ra với Hiệu Khả, [46a] nhưng tấm lòng trung hậu qua đó cũng đủ rõ.
Mậu Thìn, [Khai Thái] năm thứ 5 [1328], (Nguyên Trí Hoà năm thứ 1, từ tháng 9 trở đi là Văn Tông Đồ Thiếp Mục Nhĩ năm Đại Lịch thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, giết Quốc phụ thượng tể Quốc Chẩn.
Bấy giờ, vua ở ngôi đã 15 năm, tuổi đã cao mà vẫn chưa lập thái tử. Cha hoàng hậu là Quốc Chẩn giữ ý định đợi hoàng hậu có con rồi sẽ lập. Cương Đông Văn Hiến hầu (không rõ tên) là con (có sách chép là em) của Tá Thánh thái sư Nhật Duật, muốn đánh đổ hoàng hậu để lập hoàng tử Vượng, mới đem 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu, bảo nó vu cáo Quốc Chẩn âm mưu phản loạn. Vua tin là thực, giam Quốc Chẩn ở chùa Tư Phúc rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung cùng cánh với Văn Hiến, lại cùng mẹ với Vượng, đều là người Giáp Sơn và đã từng làm thầy dạy Vượng, liền trả lời: “Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”. [46b] Vua mới cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt phải tự tử. Hoàng hậy lấy áo tẩm nước cho Quốc Chẩn uống, uống xong thì chết. Bắt bớ đến hơn trăm người liên can. Mỗi khi xử án, bị can phần nhiều đều kêu oan.
Vài năm sau, gặp khi vợ cả vợ lẽ tên Phẫu ghen nhau, đem chuyện Văn Hiến đút vàng tâu lên vua. Phẫu bị hạ ngục. Ngục quan Lê Duy là người cương trực, xét xử ngay ngày hôm ấy. Tên Phẫu bị lăng trì, nhưng chưa kịp hành hình thì gia nô của Thiệu Võ (không rõ tên) là con của Quốc Chẩn đã ăn sống hết cả thịt của nó. Văn Hiến được miễn tội chết, bị giáng làm dân thường, xóa tên trong sổ [hoàng tộc].
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Ngôi thái tử là gốc của nước, không thể không lập sớm. Phận chính đích không thể để chi thứ phạm bừa. Vua ở ngôi đã lâu, con thứ đã lớn rồi
mà con chính đích chưa sinh, thì làm thế nào? Tòng quyền là phải. Đợi con đích là chấp chính1030 , lập [47a] con thứ là tòng quyền. Đến khi con đích sinh ra, lớn lên, thì gia phong cho con thứ tước vương, còn ngôi thái tử trả về con đích, ai bảo là chẳng nên?.
Có người hỏi rằng: “Lỡ có chuyện không lành, vua cha mất trước thì nguy lắm”.
Xin thưa: Hãy chămchú vào lời dạy thường ngày, nhận rõ lấy những lời trong di chiếu, chọn người bề tôi xã tắc, ủy cho việc gửi gắm con côi, thì không có lo gì. Huống chi Minh Tông chính mình ở vào cảnh ấy rồi, tất nhiên có thể xử trí được ổn thỏa. Quốc Chẩn là người cố chấp không linh hoạtt, để cho kẻ gian thần thừa dịp gieo vạ, đáng thương thay!.
Kinh dịch có câu: “Xét xem có chỗ sáng tỏ thông suốt mà thi hành điển lễ”. Quốc Chẩn có lẽ chưa nghe bao giờ! Nhưng mối oan của ôn không thể không làm cho rõ.
Còn như Trần Khắc Chung cũng là nhân vật của một thời, vua trao cho hắn chức vị sư bảo1031 , và đem việc nước hỏi hắn, đáng lẽ phải hết lòng trung khuyên can, để cho vua mình trở thành Nghiêu Thuấn mới phải. Thế mà lại vào hùa với kẻ [47b] quyền quý, làm hại người ngay thẳng, đi theo bọn gian tà, đẩy người lành tới nỗi oan khiên, hãm đức vua vào việc làm tội lỗi. Việc ấy mà nhẫn tâm làm được, thì còn việc gì mà không nhẫn tâm làm nữa? Sau lại xui vua cầu công đi đánh Chiêm Thành, thì cái thói nịnh hót lại lộ ra nữa. Cho nên, bậc làm vua khi dùng người hiền, phải xét kỹ họ, là bởi sợ rằng có đứa tiểu nhân như bọn Khắc Chung có thể lọt vào trong đó vậy.
Lập hoàng tử Vượng làm Đông cung thái tử; phong con thứ là Nguyên Trác làm Cung Tĩnh Đại Vương.
Kỷ Tỵ, [Khai Thái] năm thứ 6 [1329], (từ tháng 2 trở đi là Khai Hựu năm thứ 1, Nguyên Đại Lịch năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 7, sách phong Đông cung thái tử Vượng làm Hoàng thái tử.
Ngày 15, vua nhường ngôi, Vượng lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Khai Hựu năm thứ 1. Đại xá. (Vua tự) xưng là Triết Hoàng, Tôn Thượng hoàng là Chương Nghiêu Văn Triết Thái Thượng [48a] Hoàng Đế. Tôn Lệ Thánh hoàng hậu làm Hiến Từ thái thượng hoàng hậu (Hiến có sách chép là Huệ). Quần thần dâng tôn hiệu là Thể Nguyên Ngự Cực Duệ Thánh Chí Hiếu Hoàng Đế.
Rước thượng hoàng về ở hành cung Thiên Trường. Các hoàng tử chầu hầu.
Thượng hoàng thường hay bàn đến các nhân vật của bản triều. Thái bảo Uy Túc Văn Bích nói:
“Xét bàn nhân vật để dạy hoàng tử, chỉ nên nhắc tới người thiện, còn kẻ ác hãy bỏ chớ bàn đến, sợ các hoàng tử nghe được, có thể sẽ có người bắt chước”.
Thượng hoàng nói:
“Thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào. Nếu con ta quả là hiền, thì nghe điều thiện tất phải theo mà học tập, nghe điều ác tất phải ghét mà tránh xa; thiện, ác đều có thể làm gương được cả. Nếu (con ta) không hiền, thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác? Như Thái Khang1032 thất đức, là bởi các vua trước chơi bời mà bắt chước hay sao? Tùy Dưỡng Đế1033 luôn mồm nói đến Nghiêu Thuấn, nhưng mọi việc làm của ông ta thì lại như Kiệt, Trụ, có phải là ông ta thấy điều thiện mà bắt chước hay sao”.
Uy Túc cúi đầu nhận là phải.
Lại một hôm, [thượng hoàng] mời Huệ Túc Vương vào tẩm điện, bảo ông ngồi. Thượng hoàng đang ăn chay. Huệ Túc Vương vốn bài xích Phật Lão, nhân nói:
“Thần không biết ăn chay thì có ích lợi gì?”.
Thượng hoàng đoán biết ý ông, liền dụ rằng:
“Ông cha ta ngày xưa thường ăn cơm chay, cho nên ta bắt chước đó thôi, còn ích lợi gì thì ta không biết”.
Huệ Túc im lặng rồi lui ra.
Phong Tá thánh thái sư Nhật Duật làm Đại Vương.
Mùa đông, Thượng hoàng đi tuần thú đạo Đà Giang, đích thân đi đánh man Ngưu Hống, sai Thiêm tri Nguyễn Trung Ngạn đi theo để biên soạn thực lục.
Trước đó, thời Nhân Tông, Ngưu Hống cùng Đạo Mật vào chầu, cho trở về. Đến nay, chúng làm phản, thả sức cướp bóc; đất cõi Đà Giang về tay chúng cả1034 lại mưu cướp nhà Hoài Trung. Thượng hoàng quyết định thân chinh. Trần Khắc Chung can rằng:
“Đà Giang vốn có tiếng là đất lam chướng, lại nhiều ghềnh thác chảy xiết, không [49a] lợi cho việc hành quân. Chiêm Thành không có lam chướng, khí độc, vả lại đế vương đời trước thân chinh, nhiều lần bắt được chúa nó. Chi bằng bỏ Ngưu Hống đấy mà đánh ChiêmThành là hơn. Thượng hoàng nói:
“Trẫm là cha mẹ dân, nếu sinh dân mắc vào cảnh lầm than thì phải cứu gấp, chả lẽ đi so đo khó dễ lợi hại hay sao?”. Khắc Chung lạy tạ tâu rằng:
“Lòng thánh che chở, nuôi dưỡng rộng khắp, không phải là điều mà trí ngu tối của thần có thể nghĩ tới được”.
Trước đây, khi Thượng hoàng sắp đi đánh Ngưu Hống, người Chiêm Chiêu đế cửa khuyết dâng thư, đinh ninh rằng sẽ xin đem cả trại ra hàng, nên đã khắc phù1035 làm tin. Thượng hoàng đang muốn lên trên thành trại của họ, bắt chước chuyện vua Hán Vũ Đế lên đài của chúa Hung Nô ngày xưa. Đến khi thân chinh, sai Chiêm Nghĩa tiến sang để tiếp ứng quân nhà vua và dặn rằng:
“Trại Chiêm Chiêu đã ước hẹn xin hàng, phải đợi quân ta tới, không được hành động liều”.
Thượng hoàng đến Mường Việt1036 , đóng quân lại, ban tên [cho đất ấy] là phủ Thái Bình; [ở đây] có suối Bác Tử, ban tên là suối Thanh Thủy [48b]. Chiêu Nghĩa hầuj tới Chiêm Chiêu, muốn tâng công, tấn công trại, bị thua. Tuyên uy tướng quân Vũ Tư Hoằng liều sức chiến đấu, chết tại trận. Thượng hoàng nghe tin nói: “Đã lỡ rồi!”.
Song chiến dịch này, Thượng hoàng đích thân chỉ huy, hiệu lệnh nghiêm minh, uy thanh vang dội, Ai Lao nghe tiếng chạy tan.
Khi về đến sông Bạch Hạc, giữa sông có đá ngầm dọc theo dòng chảy. Thuyền đi thường bị chạm phải hay mắc cạn. Nghe nói thần sông ấy là Phụ Vũ Đại Vương. Thượng hoàng khấn thầm: “Nếu thuyền ngự đi được an toàn thì sẽ khen thưởng”.
Sau này Hưng Hiếu Vương đi đánh man Đà Giang, đỗ thuyền trên sông Bạch Hạc, đêm thấy thần báo mộng rằng: “Năm trước vua có lệnh khen thưởng mà đến nay vẫn chưa thấy gì”.
Hưng Hiếu Vương về tâu lại, Thượng hoàng bèn phong thêm cho hai chữ: Quỷ thần thiêng liêng, ứng nghiệm, quả không sai là ngoa vậy.
Lấy Vũ Nghiêu Tá làm Nhập nội hành khiển Môn hạ hữu ty lang trung.
Nghiêu Tá (người Hồng Châu) với em là Nông, [50a], đều đỗ cùng một khoa hồi Thượng hoàng còn ở ngôi vua. Anh em đều nổi tiếng văn học, Nghiêu Tá làm Hành khiển đồng tri Nội mật viện sự. Đến nay, trao cho chức này.
920 Văn Túc Vương: tên là Đạo Tái, con của Trần Quang Khải.
921 Chỉ các dân tộc ít người sống trên lãnh thổ Đại Việt thời đó. Nhật Duật còn biết tiếng của nước xung quanh Đại Việt, như Hán, Chăm-pa.
922 Tức là xã Vũ Lâm huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
923 Quy cước, mã yên: là hai món ăn. Quy cước là món sò huyết, mã yên: chưa rõ món gì.
924 Theo Cương mục thì miện sam là chức hiệu thư quyền miện, người đỗ thám hoa được bổ chức ấy. Sam là chức bạ thư mạo sam, người đỗ bảng nhãn được bổ chức ấy.
925 Cương mục chép là Thượng chân đô.
926 Theo truyền thuyết Trung Quốc, trãi là loài thú không chân, có 1 sừng, hễ gặp người không chính trực thì húc nên dùng trãi làm biểu tượng cho quan ngự sữ giữ việc đàn hặc, hay gián quan giữ việc khuyên can vua.
927 Ấn trướng hạ: con dấu đóng trong khi hành quân, đánh dẹp.
928 Thanh dã: làm vườn không nhà trống, khiến quân xâm lược tới không có một nguồn hậu cần tại chổ nào.
929 Thành Bình Lỗ: chưa biết là ở đâu, nhưng có lẽ là nằm ở trong vùng hương Bình Lỗ hay quận Bình Lỗ đời Lê Đại Hành, tức khu vực nằm giữa sông Cầu và sông Cà Lô, gần Phù Lỗ, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
930 Đèo Mai Lĩnh: tức đèo Đại Du, phía nam huyện Đại Dũ, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
931 Tức Trần Thái Tông.
932 Sở Chiêu Vương chạy loạn ra nước ngoài, có người làm thịt dê tên là Duyệt đi theo. Sau Chiêu Vương trở về nước, ban thưởng cho Duyệt. Duyệt từ chối và nói: “Nhà vua mất nước, tôi không được giết dê, nay vua về nước, tôi lại được làm nghề giết dê, tước lộc thế là đủ còn thưởng gì nữa”.
933 Cao Tổ nhà Hậu Tống Tên là Lưu Dụ vốn là người làm ruộng, sau nhân dịp loạn lạc, nổi lên giành được thiên hạ.
934 Thượng phụ: tức Lã Vọng, giúp Chu Vũ Vương giành được thiên hạ, Vũ Vương tôn làm thầy, gọi là Thượng phụ.
935 Hán Cao Tổ bị Hạng Vũ Vương bao vây, bề tôi là Kỷ Tín giả là Hán Cao Tổ ra hàng. Cao Tổ do đó trốn thoát, còn Kỷ Tín đã bị thiêu chết.
936 Do Vu: là bề tôi của Sở Chiêu Vương thời Xuân Thu, Sở Chiêu Vương lúc lánh nạn bị kẻ cướp đâm. Do Vu đã giơ lưng ra chịu đâm để cứu Chiêu Vương Sở Tử tức Sở Chiêu Vương.
937 Dự Nhượng: là gia thần của Trí Bá nước Tấn thời Chiến Quốc. Trí Bá bị Triệu Tương Tử giết, Dự Nhượng đã nuốt than cho khác giọng, giả làm hành khất, mưu giết Trưng Tử để báo thù cho chủ.
938 Thân Khoái: là viên quan giữ ao cá cho Tề Trang Công đời Xuân Thu. Khi Trang Công bị Thôi Trữ giết, Thân Khoái cũng chết theo.
939 Kính Đức tức Uất Trì Cung là tướng của Đường Thái Tông (lúc ấy còn gọi là Đức xông lên chém tướng giặc, hộ vệ Thái Tông bị Vương Thế Sung vây đánh, Kính Đức xông lên chém tướng giặc, hộ vệ Thái Tông thoát khỏi vòng vây.
940 Nhan Cảo Khanh làm thái thú Thường Sơn, khi An Lộc Sơn nổi loạn đánh bị bắt, Cảo Khanh luôn miệng chửi An Lộc Sơn, bị Lộc Sơn cắt lưỡi.
941 Thát: tức Thát Đát, chỉ Mông Cổ.
942 Vương Công Kiên tức Vương Kiên, trị châu Hợp Châu (Tứ Xuyên) đã huy động nhân dân anh dũng chiến đấu ở núi Điếu Ngư, cầm cự với đạo quân Mông Cổ do vua Nguyên Mông Ke chỉ huy trong 4 tháng trời, cho đến khi Mông Ke ốm chết dưới thành Điếu Ngư, quân Mông Cổ phải rút.
943 Tức Uryangkhađai (Uriyangqadai), tên tướng Mông Cổ đã đánh chiếm vùng Vân Nam và tiến quân vào nước ta năm 1258. Tên của Uryangkhađai ở các thư tịch có nhiều phiên âm: Ngột Lương Hợp Đãi, Ngột Lương Hợp Thai, Ngột Lương Cáp Đãi, Ô Đặc Lý Cáp Đạt, Ô Lan Cáp Đạt…
944 Bản Hoàng Việt văn tuyển chép là Xích Tu Tư.
945 Năm 1253, Hốt Tất Liệt và tướng Uryangkhađai vượt sông Kim Sa đánh chiếm thủ đô nước Đại Lý. Chỉ trong vài tuần, nước Đại Lý bị chinh phục, vua Đại Lý là Đoàn Hưng bị bắt và đầu hàng. Nam Chiếu nói đến trong bài hịch là chỉ nước Đại Lý bấy giờ, ở vùng Vân Nam, Trung Quốc.
946 Vân Nam Vương: tên là Hốt Kha Xích (Hugodi), con trai của Hốt Tất Liệt. Cuối năm 1267, Hốt Tất Liệt phong Hốt Kha Xích làm Vân Nam vương, đem quân đóng giữ đất nước Đại Lý cũ ở Vân Nam.
947 Câu trong sách Hán thư: “Ôm mồi lửa đặt dưới đống củi rồi nằm lên trên, lửa chưa kịp cháy vẫn cho là yên”.
948 Câu từ Sở từ: “Kẻ sợ canh nóng thường thổi cả rau nguội”.
949 Bàng Mông, Hậu Nghệ: là hai nhân vật bắn cung giỏi trong thần thoại Trung Quốc.
950 Vốn là nơi trú ngụ của các vua “man di” khi vào chầu vua Hán ở Trường An. Ở đây chỉ nơi dành cho các sứ bộ nhà Nguyên lưu trú trong kinh thành bấy giờ.
951 Theo truyền thuyết Trung Quốc, Cao Dao làm sĩ sư thời Ngu Thuấn. Sĩ sư là chức đứng đầu về việc hành ngục thời đó.
952 Vũ Vương làm tướng cho Văn Vương, Thành Vương làm tướng cho Vũ Vương, đều là những người có công lớn khai sáng ra nhà Chu.
953 Theo truyền thuyết Trung Quốc, Hữu Miêu là một tộc ở phía Nam, nổi lên chống lại Thuấn, Thuấn dùng thủ đoạn vỗ về để thu phục.
954 Tôn Vũ là người nước Tề, làm tướng cho Ngô Vương Hạp Lư (đời Xuân Thu) lấy cung nhân của Hạp Lư, tập trận bày đánh trận, về sau giúp nước Ngô thu phục chư hầu, mở rộng đất đai.
955 Sách Tấn thư (q.27) chép là Mã Long.
956 Đây là truyền thuyết. Thực ra phép tỉnh điền có từ đời Chu.
957 Gia Các Lượng: Tên tự là Khổng Minh, người đời Tam Quốc, giúp Lưu Bị dựng nên nước Thục, cùng hai nước Ngô và Nguỵ tạo thành thế chân vạc.
958 Vệ Công: Tức Lý Tĩnh đời Đường Thái Tông, đã mô phỏng bát trận đồ của Gia Cát Lượng làm ra Lục hoa trận, trận lớn bọc trận nhỏ, gọi là Lý Vệ Công binh pháp.
959 Hoàn Ôn: Tên tự là Nguyên Tử, một danh tướng đờ Tấn, làm đến chức Đại tư mã, đã đánh Nguỵ, Tiền Tần… nổi tiếng thời đó.
960 Lý Thuyên: Người đời Đường, soạn sách Thái bạch âm kinh nói về mưu chước dùng binh.
961 Ngũ hành: Là thuỷ, thổ, kim, mộc, hoả. Ở đây là vận dụng thuyết ngũ hành tương ứng trong binh pháp.
962 Cửu cung: 9 cung. Khái niệm cửu cung ban đầu được đưa ra một cách mơ hồ trong Cần tạo độ của Kinh Dịch: “Thái Nhất lấy số của nó để đi qua cửu cung, 4 chính và 4 duy đều hợp thành 15”. Trịnh Huyền chú thích là thần Thái Nhất (hay Thái Ất) ở cung giữa, lần lượt tuần hành 8 cung bát quái ở chung quanh. Cũng từ đó, người Hán lập thành cửu cung số, gồm 9 cung, tức 9 ô vuông trong một hình vuông, 3 ô hàng trên mang các số 4, 9, 2; 3 ô hàng giữa mang các số 3, 5, 7; 3 ô hàng dưới mang các số 8, 1, 6. Như vậy đó là một ma trận (ảo phương) mà tổng các cột ngang, dọc và chéo đều bằng 15. Người ta thần bí hoá cửu cung và về sau đến đời Tống, người ta lại coi cửu cung số là “Lạc thư”.
963 Cương nhu, chẵn lẻ, âm dương, thần sát, phương hướng, tinh tú, hung thần, ác tướng, tam cát, ngũ hung… đều là các khái niệm được dùng trong việc lập trận đồ thời xưa.
964 Chỉ nước Nguyên.
965 Chỉ vương quốc Chiêm Thành (Chăm-pa).
966 Văn Bích: là con Đạo Tái, cháu Quang Khải.
967 Mường Mai: nay là đất huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
968 Bản dịch cũ chữa là “Thân vương”, có lẽ đúng hơn.
969 Yên Hoa: nay là Yên Phụ ở Hà Nội. Thực ra không phải năm này (1302), đạo sĩ Hứa Tông Đạo mới đến Đại Việt. Theo bài minh trên chuông Thông Thánh Quán ở Bạch Hạc (Việt Trì), do chính Hứa Tông Đạo soạn năm Đại Khánh thứ 8 (1321), thì ông đã đến Đại Việt vào năm Bính Tý (1276). Ông là người hương Thái Bình, huyện Phúc Thanh, Phúc Châu, lộ Phúc Kiến.
970 Tỳ Ni còn gọi là Thi Lị bBì Nại hay Thi Nại (Sri Vinaya), tức là cửa Quy Nhơn ngày nay.
971 Mộc Lạc: có nghĩa là “cây đổ, cây rụng”.
972 Nguyên bản in là tam bách tam thiên, hẳn là chữ thiên? in nhầm từ chữ thập?. Các bản in đời Nguyễn đã chữa lại là tam bách tam thập.
973 Y thiên quốc, lấy ở Quốc ngữ, nội dung nói về đạo trị nước. Mục thiên tử truyện bộ tiểu thuyết cổ của Trung Quốc, do Quách Phác đời Tấn chú giải, chép truyện Mục Vương đời Chu. Bản nhầm chữ thiên tử thành thái tử.
974 Kinh nghi: những điều nghi vấn trong kinh điển nho gia.
975 Kinh nghĩa: bàn về nghĩa lý trong kinh điển nho gia.
976 Chế độ rộng, ngặt.
977 Tài khó bắn trĩ.
978 Đức độ đế vương vốn ưa sự sống, phù hợp với lòng dân.
979 Cũng gọi là ngón đeo nhẫn, ngón áp út.
980 Dược thạch châm: nghĩa là bài châm khuyên răn, có tác dụng như thuốc thang.
981 La Hồi: có lẽ là nước La Hộc (Lava) ở Laphuri, Thái Lan.
982 Thiền Vu: tên gọi chúa Hung Nô.
983 Ho Hàn: tức Hô Hàn Da, một thiền vu Hung Nô. Đời Hán Nguyên Đế, Hô Hàn Da sang chầu và xin làm rể nhà Hán, Nguyên Đế đem Vương Tường (tức Chiêu Quân) gả cho.
984 Đông Phương Sóc: tên tự là Mạn Thiến, người đời Hán, giỏi khôi hài, hoạt kê, từng làm Kim mã môn thị trung cho Hán Vũ Đế.
985 “Trần Khắc Chung” theo tiếng Hán có nghĩa là nhà Trần sắp chấm dứt.
986 Tức Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn.
987 Thiệu Vũ Vương là con của Quốc Chẩn.
988 Thượng hoàng Nhân Tông là tổ thứ nhất của phái Thiền Trúc Lâm đời Trần.
989 Sư Pháp Loa trước là đệ tử của Trúc Lâm đại sĩ, sau trở thành vị tổ thứ hai của phái Trúc Lâm.
990 Xá lỵ: phiên âm tiếng Phạn sarira, nghĩa là thân thể, thuật ngữ Phật giáo, chỉ những phần còn lại sau khi thiêu xác, thường là những hạt nhỏ, được gọi là xá lỵ. Bản in khắc nhầm chữ Xá lỵ thành Xá sát.
991 Câu chuyện trên cũng được chép trong Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng. Theo sách này (chuyện Tô linh định mệnh), xá lỵ bay vào ống tay áo hoàng tử Mạnh.
992 Nguyên văn: “Hiền giả quá chi dã”. Theo chúng tôi, có lẽ Toàn thư đã khắc nhầm từ câu: “Hiền giả chi quá dã”, nên dịch như trên.
993 Nguyên bản Toàn thư chép là An Lỗ Uy, nhầm chữ Khôi ra chữ Uy. Nguyên sử, Bản kỷ (Vũ Tông) chép rằng năm Chí Đại thứ 1 (1308), Lễ bộ thượng thư A Lý sang nước ta. A Lý Khôi hay A Lặc Khôi là những tên phiên âm khác nhau của người Mông Cổ Alqui.
994 Y: Y Doãn, công thần khai quốc của nhà Thương; Chu: là Chu công, công thần của nhà Chu.
995 Di Tề: tức Bá Di, Thúc Tề hai bề tôi trung của nhà Thương, không chịu thần phục nhà Chu, bỏ lên núi Thú Dương ở ẩn, bị chết đói ở đó.
996 Cầu Giang Khẩu: cầu ở vùng của sông Tô Lịch, thuộc phường Giang Khẩu, tức vùng phố Hàng Buồm, Hà Nội ngày nay.
997 Cửa thành chợ Dừa: ở Ô Chợ Dừa, Hà Nội ngày nay.
998 Cửa thành Tây Dương: ở cửa Ô Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay.
999 Cửa thành Vạn Xuân: ở phía ngoài phường Ông Mạc, tức Ô Đống Mác ở Hà Nội ngày nay.
1000 Nguyên bản chép là huyện Yên Bang, nhưng thực ra Yên Bang là tên lộ thời Trần và tên đạo thời Lê, tức đất tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn có nói: “Yên Bang là nơi hiểm ác, gọi là viễn châu (châu xa), các triều đại đều đày người đến ở đó”.
1001 Uy Túc công: tức Trần Văn Bích, con Trần Đạo Tái, cháu Trần Quang Khải.
1002 Văn Huệ công: tức Trần Quang Triều, con Trần Quốc Tảng, cháu Trần Quốc Tuấn. Ở trên, đã chép.
1003 Nãi Mã Đại: các bản Toàn thư khắc nhầm thành Nãi Mã Phản, do chữ Đãi gần giống chữ Phản. Nãi Mã Đãi là phiên âm tên Mông Cổ Naimatai (có nghĩa là “người của bộ lạc Naiman”).
1004 Theo chú thích của CMCB9 thì ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, có xã Thâm Thị. Sông Thâm Thị có lẽ là đoạn sông Hồng chảy qua xã này.
1005 Cửa biển Cần Hải: tức Cửa Cờn, nay thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
1006 Đồ Bàn: là kinh đô của Chiêm Thành, nay thuộc tỉnh Bình Định.
1007 Chiêu Vương tức là Trần Lý, Cung Vương là Trần Hấp, Ý Vương là Trần Kinh.
1008 Nguyên văn là chữ “lễ”, chúng tôi cho rằng Toàn thư in lầm.
1009 Tuyên Từ: là bà hậu của Nhân Tông, Bảo Từ: là mẹ đích của Minh Tông.
1010 Tức Trần Thủ Độ.
1011 Hưng Ninh Vương, tức Trần Tung, có tên hiệu Phật giáo là Tuệ Trung thượng sĩ.
1012 Đúng ra là An Sinh Vương, tức Trần Liễu. Ở đây Toàn thư nhầm chữ Sinh thành chữ Ninh.
1013 Dịch chữ “cập”? trong nguyên văn. Cương mục sửa lại là “cấp”?. Bản dịch cũ: “… xét định lại quan văn, cấp cho hộ khẩu theo thứ bậc khác nhau”.
1014 Năm Nguyên Phong thứ 7 (1257), trong lúc hành quân chống quân Mông Cổ, ấn vua bị mất, phải khắc ấn gỗ để dùng trong giấy tờ việc quân (xem Toàn thư, BK5, 23b).
1015 Vũ hầu: tức Gia Cát Lượng, tướng nước Thục thời Tam Quốc.
1016 Nguyên văn là “Cửu tộc” tức họ 9 đời gồm cao, tằng, tổ, khảo bản thân và con, cháu, chắt, chút, ở đây chỉ họ hàng nói chung.
1017 Thư Kinh (Nghiêu điển) ca ngợi vua Nghiêu: “Làm sáng đức lớn để thân yêu hòa hợp được họ hàng, họ hàng hòa mục rồi, lại làm cho trăm họ tốt đẹp, trăm họ sáng tỏ rồi lại hòa hợp với muôn nước chư hầu. Dân chúng trong thiên hạ đều bỏ ác làm thiện, trở nên yên vui hưng thịnh”.
1018 Thuyết âm dương: ở đây là chỉ quan niệm của các nhà chiêm tinh thuật số cho rằng người chết phải chọn ngày, chọn giờ để chôn, nếu không được ngày giờ lành, sẽ có thể gây ra tai họa cho người sống.
1019 Quán đính:(Abhiseka) là một nghi lễ Phật giáo, dùng nước hoặc sữa gội lên đỉnh đầu.
1020 Theo Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng thì Phạm mại làm ngự sử trung thừa, bị cách chức trong vụ án Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn. Sau khi Quốc Chẩn được minh oan, Mại được thăng làm tham tri chính sự.
1021 Chiêu ẩn: có nghĩa là mời bậc ẩn sĩ ra làm quan. Hoài Nam vương An đời Hán có thiên “Chiêu ẩn sĩ”, Tống Văn Đề có xây Chiêu Ân quán cho Lôi Thứ Tông ở Chung Sơn.
1022 Phiên âm tên Hồi giáo Mahmud.
1023 Vua Nguyên lên ngôi nói ở đây là NguyênThái Định Đế.
1024 Tạo y thượng vị hầu: tước vị hầu mặc áo đen.
1025 Tử y thượng vị hầu: tước thượng vị hầu mặc áo tía.
1026 Lang miếu: là triều đình, câu thơ có ý “Tiên sinh Giới Hiên là nhân tài của triều đình”.
1027 Năm 26 tuổi, Nguyễn Trung Ngạn được lệnh đi sứ sang kinh đô nhà Nguyên, bấy giờ là Yên Kinh (nay là Bắc Kinh).
1028 Hựu sảnh: tức là Nội mật viện.
1029 Toàn thư chép năm Mậu Ngọ (1318). Sai Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn đi đánh Chiêm Thành (q.6, tờ 35a). Toàn thư cũng chép năm Giáp Tý (1424) lấy Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn làm Nhập nội quốc phụ thượng tể. Như vậy Quốc phụ ở đây là Quốc Chẩn và lần đi đánh Chiêm Thành này xảy ra vào năm 1318.
1030 Kinh, quyền là hai khái niệm thường gặp trong kinh điển nho gia. Kinh là những nguyên tắc, nguyên là lý về đạo nghĩa, pháp chế không thể thay đổi được, bất di bất dịch, đòi hỏi mọi người phải luôn luôn tuân thủ (chấp kính). Quyền là quyền biến, là những biện pháp linh hoạt có lúc cần phải theo (tòng quyền), để đạt được mục đích (đạo), dù những biện pháp ấy có thể trái với các nguyên lý, nguyên tắc kinh điển.
1031 Khắc Chung được phong Thiếu bảo năm Khai Thái thứ 3 (1326), lại là thầy dạy (sư) của hoàng tử (sau là thái tử) Vượng nên gọi là “sư bảo”.
1032 Theo truyền thuyết Trung Quốc: Thái Khang là vua nhà Hạ, con của Khải, chơi bời vô độ, sau bị chư hầu họ Hữu Cùng là Hậu Nghệ đuổi đi.
1033 Tùy Dưỡng Đế Dương Quảng là một tên vua vô đạo, giết cha là Văn Đế để cướp ngôi vua, cực kỳ xa hoa, tàn bạo, sau bị giết.
1034 Nguyên văn là “Bản giang chi địa…”, chúng tôi cho rằng bản chữ “bản” vốn là chữ “Đà” Toàn thư chép lẫn.
1035 Phù là vật để làm tin, thường làm bằng tre, gỗ, đồng, ngọc có khắc chữ, chia làm hai, mỗi bên cầm một nữa, lúc cần chứng thực thì đem hai nửa ghép lại.
1036 Mường Việt: nay là đất huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.