Buổi chiều hôm ấy, hốt nhiên chồng em khoanh tay nghiêm nghị hỏi em:
– Hạnh phúc của một người đàn bà ở cái thời buổi văn minh này là thế nào, Huyền có biết không?
Em giật mình, không hiểu vì lẽ gì đột nhiên chồng lại hỏi mình như thế. Rồi em lúng túng, muốn đáp ngay mà không đáp ngay được, vẻ sợ hãi lộ ra nét mặt. Bắt thóp được cái thần thái của em đáng nghi như thế, chồng em cười nhạt mà rằng:
– Huyền không trả lời được à? Cái vấn đề ấy tưởng cũng không khó nói mấy. Huyền yêu quý nhất đời của anh ơi, không nói được thì để anh nói hộ nhé? Nó rất giản dị! Đây này: hạnh phúc của một người đàn bà ở thời buổi văn minh này là có một người chồng có tiền của, có danh giá, yêu chiều mình hết sức, để rồi thì cho chồng mọc sừng!
Thôi, thế là xong! Em lạnh giá cả người đi, tựa hồ đương trời rét mà ngã xuống sông. Những lời nói dịu dàng, khoan thai, bất ngờ ấy có một sức mạnh ghê gớm đến nỗi em không còn đủ thông minh để mở mồm nói ra gì được nữa, phải cúi mặt xuống, y như thú tội. Em không bao giờ ngờ có khi chồng em lại bất thình lình bắt thóp em một cách đột nhiên như vậy, nên đã không kịp sửa soạn đề phòng… Em không còn làm thế nào giữ được cho mặt khỏi tái lại, quả tim em khỏi đập mạnh, chân tay khỏi run… Thôi, thế là xong! Từ đây trở đi, chàng càng được thể muốn kết án em thế nào cũng được, Hôm ấy nhà vắng, con vú gái, thằng xe nhà, đã bị chồng em sai đi những đâu đâu. Chàng chẳng phải đè dặt ngôn ngữ, chẳng sợ tai vách mạch rừng.
– Đồ khốn nạn! Thú tội đi! Mày đi ngủ lang với thằng Tân đã bao nhiêu lần rồi? Huyền! Tao ăn ở với mày như thế, tao đã có lỗi gì với mày chưa, mà mày lừa dối tao như thế?
Em cúi mặt im lặng trong ba phút rồi mới nghĩ ra được có một câu:
– Ai bảo cậu thế?
– Ai bảo tao, điều ấy mày không cần biết! Điều mày nên biết là mày có nên hổ thẹn với cái lương tâm mày không! Thế nào, đồ khốn nạn! Con dâm phụ! Mở mồm đi!
– Cậu đừng ghen bóng gió như thế… Nếu tôi đi chơi với Tân là tại cậu bắt buộc tôi! Cái ấy không phải tự tôi! Nói thí dụ tôi có ngoại tình nữa, thì cũng tại cậu!
Em chưa nói hết thì một cái đấm rất độc địa thúc vào mặt em khiến em ngã lộn nhào… Bất tỉnh nhân sự, em không biết gì nữa. Khi em tỉnh lại thì em đã được đặt lên trên giường hẳn hoi. Chồng em ngồi cạnh em, hí hoáy viết bằng một mảnh bút chì trên một tờ giấy trắng kê vào bìa một cuốn sách to để trên đầu gối. Thấy em mở mắt nhìn, chàng ngừng tay, hỏi:
– Lại còn thí dụ à? Lại còn bắt người ta phải nói rõ những chứng cớ hiển nhiên nữa à? Có muốn xấu thì sẽ được xấu một thể. Có muốn tao nói rõ không? Huyền!
Chàng ngừng một lát, lại rền rĩ:
– Thật là một bài học cho bọn đàn ông ngu dại, quá tin vợ, trong số ấy có tao! Tao cũng là một thằng khốn nạn, nhưng khi tao yêu quý mày mà mắc tiếng khốn nạn thì đó không phải là một cớ chính đáng cho mày lừa tao và đi ngủ với một thằng khốn nạn khác!
Lúc ấy em vẫn còn bàng hoàng… cả một bên mặt đau tê tái, cái xương quai hàm tựa hồ như đã long khớp, hàm răng như muốn rơi ra. Rồi em sợ hãi, sợ hãi quá đi mất! Sao… tự nhiên chồng em lại cục cằn, tàn nhẫn đến thế được? Nếu em bướng bỉnh cãi lại vài lời nữa, thời sự tàn tệ của chồng còn ghê gớm đến đâu? Thế rồi em nghĩ ra ngay: những người hiền lành, bao giờ cũng cục! Đã vậy thì em nên dùng đến cái chính sách im lặng, im lặng như là khinh bỉ, như là phẫn uất đến không thèm đáp nữa, còn hơn là muốn đáp nhưng chẳng biết đáp thế nào. Cái thượng sách của phụ nữ vẫn đối với bọn nam nhi, vào những trường hợp như trường hợp của em, xưa nay vẫn là lặng thinh, nếu không là cầu cứu đến nước mắt. Khi sự buộc tội đã là đích xác thì sự chối cãi cần phải rất tài tình, ta mới có hi vọng huyễn hoặc được ông quan tòa là bị ngờ oan. Lúc trước, em đã trót im lặng, nhưng mà một cách khôn ngoan hơn, họa may, có thể gieo mối ngờ vào óc trong sự công bình của con người đương kết án. Nghĩ thế, em chỉ úp mặt xuống cái gối bông.
Nhưng, than ôi! Chồng em tất đã có đủ chứng cớ lắm rồi!
– Hôm thứ bẩy trước, lúc bẩy rưỡi, mày kêu với tao là đi mua khuy áo. Thế rồi mày thuê xe ra vườn hoa Paul Bert[68]. Đến đấy, xe hơi của thằng Tân chờ mày rồi! Hai đứa chúng mày phóng qua cầu Sông Cái, đi ngả nào không biết. Đến 9 giờ, thì chiếc xe ấy đặt mày ở vườn hoa Hàng Đậu, cho mày thuê xe tay về đây trước, rồi thì nửa giờ sau nữa, thằng Tân mới đến rủ tao đi đánh mạt chược, có không? Thử chối cãi đi xem nào!
Em choáng người lên! Những lời tố cáo ấy không sai một ly sự thực nào cả. Không biết chối cãi thế nào, em không có cách gì khác là cứ áp mặt xuống chiếc gối. Chẳng thấy cần chối cãi vô ích nữa, cái lúc hiểm nghèo ấy, em chỉ tự hỏi vì người nào mà cuộc tình duyên vụng trộm của em đã kín đáo thế mà lại cũng vỡ lở tan hoang! Nhưng đây, chồng em lại tiếp:
– Tối thứ năm vừa rồi thì nó đón mày ở “Trận Vong chiến sĩ đài…[69] rồi thả mày ở nhà Đấu Xảo Maunce Long[70] sau khi bậy bạ với nhau ở con đường mạn Kim Liên. Cái xe hơi của nó chính là một cái nhà săm! Những cơn nhục dục của chúng bay đã được cái săm kín đáo ấy giữ cho đến bây giờ mới bại lộ! Từ xưa đến nay, mày đã ngủ lang với nó ít nhất cũng vài ba chục lần rồi! Mà lần nào cũng chỉ trong vòng một, hai tiếng đồng hồ! Đáng mặt phụ nữ tân tiến lắm! Đáng mặt thượng lưu lắm! Có hay không? Ô hay! Tao hỏi thì phải nói chứ?
Em muốn nín nhưng không được nữa. Chồng em phũ ngàng nắm tóc em, lôi em trở dậy. Những câu xỉ vả, căn vặn, hằn học, vẫn không thôi hắt vào mặt em như cơn mưa rào. Khi em phải ngồi lên còn lom khom thì chồng em lẳng một cái, dúi em ngã lăn xuống sàn gác! Đã đến thế rồi, em hiểu ra rằng chối cãi là vô ích, mà im lặng cũng không xong! Thôi, hỏng rồi! Số phận em đã đến lúc phản gián lại em! Sau những cuộc lạc thú bất chính nó khiến ta sướng đến hóa diên, thì đây, cái giờ hình phạt đã điểm.
– Em lạy anh nghìn lạy! Em quả là một đứa khốn nạn, xin anh tha thứ cho!
Lạ thay là chồng em vẫn thản nhiên, chẳng hề tức giận thêm nữa, chỉ gật gù cái đầu mà nói một cách sung sướng:
– Được lắm! Như thế là biết điều lắm, chứ mà chối cãi nữa thì phiền lắm! Cứ việc quỳ như thế mà nghe đây!
Em hãi hùng đến không dám ngước mắt nhìn lên xem chồng đương làm gì nữa. Giữa lúc tâm thần rối loạn, nước mắt cứ ứa ra ròng ròng. Một lát rồi chồng em nói:
– Từ nay trở đi, thì mày có biết cái số phận của mày sẽ là thế nào không? Huyền!
– Em trông cậy ở cái bụng dạ quân tử, cái lòng tha thứ của anh, tha cho một người đàn bà khốn nạn là em, thế thôi…
Nói xong, em lại khóc nức nở. Em hối hận hết sức, ở chỗ không bao giờ lại nghĩ xa xôi rằng nếu cứ lừa dối chồng mãi thì người chồng hiền lành, ngu đần nhất đời, cũng có quyền xỉ vả, hành hạ, bêu diếu em. Trước kia, em cứ tưởng dẫu thất trinh nữa cũng không sao, chắc chồng em cũng chẳng ghê gớm đến thế. Trong thiên hạ, có biết bao nhiêu anh chồng mọc sừng mà vẫn cứ yêu vợ như thường, nếu không căm giận hết mực nhưng chẳng dám hành hạ gì vợ? Khốn nỗi người chồng này không hiền lành, không phải yêu quý vợ thương cái nghĩa của những người chồng kia! Chàng nói:
– Thế nào? Ly dị nhé? Bằng lòng không? Để tao dắt mày về nhà mà cho bố mẹ mày nghe những chuyện đê nhục của mày! Rồi tao lại dắt mày đến tòa cho mày nhận tội trước mặt những ông quan tòa! Rồi thì mày muốn lấy đứa nào thì lấy, đi theo thằng nào thì theo!
Thế thì chết! Thế thì đến tự tử! Bố mẹ em mà biết em thế này thì em không sống được! Trời ơi! Thì ra em đã có một người bố, một người mẹ! Em chưa làm nổi sự gì để đền ơn trả nghĩa mà sao em lại còn ăn ở đê mạt để cho bố mẹ phải nhục nhã như thế, hử em? Sao lại mãi đến bây giờ em mới nhớ đến bố mẹ? Rồi thầy em sẽ ra thế nào? Liệu me em có sống nổi nữa không? Hở Trời? Em chắp tay như trước một bức tượng Phật, thất thanh kêu van rất thê thảm:
– Không, không ly dị!..
Chồng em xo vai mà rằng:
– Thế thì thế nào? thưa bà? Bà cứ muốn chễm chệ trong cái nhà này để làm bà nội tướng, để làm “người vợ yêu quý nhất đời” của thằng ngu này mãi mãi, hay sao? Sau những sự phản phúc ô uế như thế, mà bà vẫn tưởng là chưa đủ bôi gio trát trấu vào mặt tôi nữa hay sao, mà bà vẫn còn muốn cứ làm “mẹ tôi” nữa hay sao, thưa bà?
Sau khi ngẫm nghĩ rất lâu, em phủ phục xuống chân chồng, kể lể:
– Thưa anh, em biết thì đã dại mất rồi. Nếu em đến nỗi thế này thì chính chỉ là vì hiểu nhầm hai chữ văn minh, xã giao… Nếu anh xét như thế, nếu anh còn có thể bao đung cho một đứa con gái nhẹ dạ và đã ăn năn tội lỗi, thì xin anh rủ lòng thương…
– Vâng! Thôi thế cũng được. Tôi xin cô giữ kín cái sự sỉ nhục cho tôi, và cho bà, nhất là cho bà! Rồi sao nữa? Bà có biết rằng đối với hạng đàn bà quái vật như bà thì cách hình phạt nào mới là xứng đáng, bà có biết không? Bà tưởng văn minh với xã giao là lừa chồng đi ngủ với giai đó à, thưa bà? Đây này: từ đây trở đi thì sẽ là một cuộc đời khổ nhục, nếu bà không muốn tôi bọc lá chuối vào dắt bà ra khỏi cửa… Thật thế, bà sẽ được coi như đứa con đòi, con sen… Bà sẽ không còn một chút quyền hành gì của một người vợ nữa! Vì rằng tôi có thể kính trọng một con nhà thổ ở ngõ Yên Thái được nhưng tôi không kính trọng bà được, vì sự thật thì cái việc của bà đã làm quả là nhơ nhuốc hơn nghề mãi dâm… Thế nghĩa là nếu tôi thương bà được phần nào hay phần ấy, chứ bà đừng có kêu ca, đừng có phàn nàn gì, mặc lòng cách cư xử của tôi sẽ là độc ác đến bậc nào! Cứ như thế mãi, mãi mãi, mãi cho đến khi nào tôi nguôi giận, có thể quên được, thì thôi. Ấy đó, không muốn ly dị thì phải cúi đầu trước những lời giao hẹn ấy. Vậy như thế có được chăng?
Không nghĩ ngợi em đáp liều:
– Vâng. Xin vâng! Cái tội của em đã như thế thì hình phạt nào, cách xỉ vả nào, em cũng phải cắn răng mà chịu. Để rồi anh xem sự ăn năn tội lỗi của người đàn bà.
– Được lắm! Thôi, cho đứng lên!
Em khép nép đứng lên, không kịp nghĩ rằng sự phục tòng ấy lại còn nhục nhã hơn cuộc ngoại tình nữa. Chồng em ra ngồi ở bàn, chỉ tay bảo em ngồi xuống cái ghế đối diện, đẩy về phía em cái giấy có những dòng chì nguệch ngoạc, lại phán:
– Đọc xong rồi chép đúng nguyên văn ra một tờ giấy khác, ký tên xuống dưới. Ít ra thì cũng phải có tang chứng mới được. Tôi không thích khẩu thuyết vô bằng! Mời bà đọc đi!
“Mấy lời thú tội.
Tôi, viết những dòng này và ký tên dưới đây, vợ chính thất và chính thức của ông… xin thú tội rằng đã trót phạm tội lừa chồng tôi, đã nhiều lần ngoại tình với một người bạn chồng tôi là Tân. Tôi đã đem nhiều tiền của chồng ra cùng với nhân tình tiêu hoang vào những cuộc chơi bời lãng phí. Mưu gian bại lộ, chồng tôi muốn ly dị, nhưng tôi không muốn. Do lẽ ấy tôi phải ăn năn sám hối và vui lòng viết những dòng này xin chồng tôi đừng nỡ ly dị tôi, cố thương hại tôi, họa chăng mai sau cuộc đời tôi cũng không đến nỗi khốn nạn. Tôi xin cam đoan là chịu thôi không đòi hưởng quyền lợi của một người vợ chính thất, nếu chồng tôi nghĩ lại mà cho tôi hưởng thì không kể. Vậy có giấy này làm bằng. Khi thảo giấy này, tôi vui lòng mà thảo chứ không do chồng tôi bắt ép, có giấy này thì tôi mới khỏi bị ly dị, nghĩa là thoát khỏi một điều hổ thẹn mới thiên hạ, và sỉ nhục bố mẹ tôi.
“Hà Nội ngày… tháng… năm…
“Ký tên và điểm chỉ
Đọc xong, em chỉ sợ không khéo mắc mưu của người chồng nguy hiểm. Ngộ sau khi thảo cái giấy nhục nhã ấy, em cứ sẽ bị ly dị? Nhưng em không dám lưỡng lự, vì lẽ đã như em thì người ta bắt mình thế nào mà chả phải chịu? Em chỉ xin chồng đừng bắt viết đến khoản đã cùng tình nhân tiêu phí nhiều tiền của chồng, vì đó là lời vu oan. Nhưng chồng em cau mày:
– Phải viết! Phải đúng như thế, không được sai một chữ. Ít ra tôi cũng phải có một thứ khí giới đối phó với kẻ quyến rũ vợ tôi chứ, thưa bà! Thế nào? Bà không muốn viết thì thôi! Thì thôi!
Nói đến đấy, chàng lôi mảnh giấy về đứng phắt lên. Kinh hãi quá, em vội giữ lại.
– Vâng, thì tôi xin viết đủ.
– Mau lên!
Thế là em ngồi chép những dòng chữ buộc tội gay gắt ấy như một cái máy, như một kẻ đã đến lúc quá liều. Xong đâu đấy, chồng em cất mẩu giấy vào túi áo, lấy mũ ra đi. Trước khi đi lại nói:
– Thôi! Xong! Cám ơn bà! Từ bây giờ trở đi, thì bà sẽ sống một cuộc đời khác… Tôi cho bà lên giường mà nằm trùm chăn, để nghĩ ngợi, nếu bà cần phải nghĩ ngợi.
Lúc ấy thằng xe đã về. Chàng gọi nó lên gác vào phòng, ra lệnh:
– Bà mệt! Mày liệu trông nom nhà cửa và bảo vú già sửa soạn làm cơm!
Đoạn chồng em ra hẳn. Đi đâu? Em không biết! Cái giấy thú tội kia sẽ dùng vào việc gì? Em không biết. Có phải ấy là chàng đi tìm tình địch không? Có phải ấy là chàng ra tòa không? Hay là đi tìm bố mẹ vợ? Không biết! Em không thể hiểu gì cả! Em muốn biết lắm mà em cứ phải nằm kín mít trong chăn. Em sẽ xấu hổ với làn không khí lùa vào phổi em, với ánh sáng mặt trời soi sáng cho em, với cái mặt em hiện ra trong gương, với thằng xe, với con vú, với người đi đường thứ nhất mà em đã gặp khi bước ra ngưỡng cửa, em sẽ hổ thẹn với cả cỏ cây vạn vật!
Hình như ai cũng có quyền khinh bỉ em rồi, ấy là việc ấy chưa vỡ lở ra đến thiên hạ, hãy còn trong phạm vi phu phụ mà thôi.
Trong mười ngày, em nằm liệt giường, không ốm đau gì mà tựa hồ như mắc phải một thứ bệnh nặng. Sự hổ thẹn với lương tâm, sự hối hận tự mình giận mình, là đáng sợ đến nỗi nó khiến ta nhoi nhói đau về tinh thần, và mệt mỏi bứt rứt hơn là xác thịt có chịu thương. Chồng em mỗi ngày bốn buổi đi về, trước mặt bọn đầy tớ thì cũng qua loa hỏi vợ vài câu, mà không có ai thì không thèm rỉ răng lấy nửa tiếng. Riêng em trong mười ngày, em khóc lóc với cái chăn bông… Than ôi, sau một cuộc ngoại tình, cái nợ phải trả sao mà quá đắt! Sướng ở xác thịt xong, nay em đau đớn ở tinh thần. Ai xui khiến em đến nông nỗi thế này? Ai làm cho em với Tân ăn phải bả với nhau?
Đó chẳng phải là tại chồng em hay sao? Ừ, chồng em, với những tư tưởng văn minh, nuông vợ như dân Tây phương, và mơn trớn vợ như một thứ quỷ dâm dục?
Trong sự sa ngã của người vợ, người chồng ít ra cũng có đôi phần trách nhiệm, nếu không là có tất cả. Và, đã như vậy, thì há chỉ riêng em đáng chịu khổ hình mà thôi? Nghĩ thế, em căm giận sự đời lắm, tưởng chừng như mình không có điều gì trái đạo nữa. Nhưng may sao em nguôi ngay… Sao chồng em lại không là đương chịu một thứ khổ hình? Mọc sừng, bị vợ lừa, thế đau đớn lắm chứ! Ấy trong một thời gian dài như hàng thế kỷ, em biết trách mình rồi lại trách chồng, và thương mình, rồi thương chồng, để mà, sau cùng thì hối hận một cách xót xa. Mới biết đối với Tân em chẳng có tình gì. Đó chỉ là thuộc vấn đề hoàn toàn vật chất. Thật thế, trong những lúc đau đớn vô cùng ấy, chẳng bao giờ một ý nghĩ oán trách hờn giận người nhân tình, lại thoảng thấy trong óc em.
Đến ngày thứ mười một, ra ngồi ngắm trước gương, em kinh hoàng thấy mình là một người khác. Mắt em lõm xuống, má em hóp đi, da dẻ em xưa kia đến tuyết cũng không đẹp bằng, vậy mà nay xanh xao như của người ngã nước. Cái vẻ đẹp thuở xưa, cái nhan sắc hại người và hại cả mình bây giờ đã đi đâu mất, chỉ còn để lại những nét mặt gớm ghiếc của một con dâm phụ ô uế, hôi tanh. Lẩn thẩn em gượng cười. Cái gương phô ra một cái cười nhợt nhạt, vô duyên một cách lạ. Thật vậy, đã đến thế này, đã đến bậc chính mình, mình cũng phải ghê tởm cho mình, thì còn chồng nào thương được mình nữa! Nếu chồng em mà còn có phen thương yêu em được nữa, thì cũng chỉ là đồ ngu dại đáng khinh! Như vậy, em sẽ hy vọng nỗi gì?
Em còn đương băn khoăn về hậu lại, đương khổ sở vì một cuộc đời đau đớn trong một cảnh ngục thất bằng tinh thần ấy, thì người vú già mang một chậu nước vào cho em.
– Thế nào u! Mấy hôm nay, cậu có làm sao không?
Chẳng biết rằng vợ chủ nhà vừa trải qua một cơn giông tố rất phũ phàng, người vú nhà quê ấy điềm nhiên đáp:
– Mợ bảo sao? Cậu con chả làm sao cả!
– Mấy hôm tôi ốm thế, cậu có hay đi chơi không?
– Tối nào cậu con cũng đi.
– Độ này nhà có hay có khách không?
– Chỉ có ông Tân đến vài lần.
– Mấy lần?
– Không biết hai lần hay ba lần. Bẩm hôm nay hẳn mợ đã khỏe? Chắc hôm nay mợ bắt đầu xuống nhà dưới được chứ? Mà sao con không thấy mợ uống thuốc nhỉ?
– Tôi uống thuốc tây thì u biết sao được! Thôi cho u xuống.
Thế này là nghĩa lý gì? Vẫn hay rằng Tân chưa biết rằng mưu gian kia đã bại lộ nên mới cứ dẫn mặt mo lại nhà này như thế, nhưng vì lẽ gì chồng em vẫn tiếp đãi Tân? Con người tưởng như hiền lành mà sự thật thì rất thâm hiểm ấy muốn gì? Mục đích của chàng là sự gì, trong khi vợ ngoại tình mà không bỏ vợ, bạn lừa dối mà không tuyệt giao? Chồng em đương mưu một sự ghê gớm gì vậy? Nhưng câu hỏi ấy, em không thấy có câu đáp. Hốt nhiên em nghĩ thế mà rùng mình. Nhất là cái việc vụng trộm kia, chàng lại khám phá ra rành mạch đến thế. Vậy ai tố giác chúng em? Chồng em đi đâu lại biết rõ mọi sự thực? Bí mật!
Thế thì em không được gặp mặt Tân một lần cuối cùng nữa thì không xong! Thật thế, em phải gặp người yêu để bảo cho biết rằng từ đây mà đi thì chúng em đoạn tuyệt nhau, có khi căm hờn nhau suốt đời nữa! Cơ sự đã ra như thế. Tân không còn vác mặt đến nhà em nữa, nếu biết sợ hãi một cuộc phục thù ghê gớm của người chồng có những cử động khó hiểu kia. Em sẽ bảo Tân: liệu hồn! Coi chừng! Cái xe hơi của Tân sắp đến một chỗ rẽ nguy hiểm!
Sau khi đã trang điểm qua loa rồi, em bỗng thấy cái cần phải tự hỏi: có phải xin phép chồng không? Ừ, nếu lẳng lặng ra đi, em sẽ là người chưa biết hối hận, không còn ai cứu vớt nữa. Nếu xin phép chồng, em sẽ có một hành vi quang minh chính đại: gặp Tân để đoạn tuyệt cái ái tình bất chính kia. Nhưng mà liệu chồng em có hiểu như thế không? Hay sẽ cấm ngặt?
Sau cùng, em lẳng lặng ra đi. Nếu quả thật em đã hối hận, không còn tơ vương gì nữa, hẳn em không cần gặp mặt Tân nữa. Vậy mà sự dự định đoạn tuyệt kia, tự nó, nó cũng tố cáo vẫn là chứng cớ của một mối tình! Như thế, xin phép chồng là không nên. Vả chăng còn đến với Tân nữa hay thôi, thì cuộc đời sống dưới sự xỉ vả của chồng sẽ chẳng có gì thay đổi.
Bữa ấy vào lúc bóng đã xế chiều. Đến trước cái nhà kiểu biệt thự của Tân, em thấy cái xe hơi nằm trong cái nhà chứa xe, và những bông hoa hồng ở hàng rào không đón chào em bằng cái mầu tươi thường nhật. Từ trên một cái lầu có ánh sáng đèn điện chiếu qua khe cửa, một luồng âm nhạc ẻo lả rền rĩ văng ra không gian. Em đã khẽ đẩy cái cổng sắt lẳng lặng, bước trên sân cuội, rón rén lên cái thang gỗ lim quanh co, đến trước cửa trước cửa phòng Tân rồi mà bọn gia nhân không biết… Dưới bóng điện có chùm rua xanh, cạnh một cái đỉnh trầm đồ sộ khói thơm đương bốc lên ngùn ngụt, Tân đứng tựa cái cột cẩm thạch, cầm violon dạo bản đàn Qu’avez vous fait de mon amour.[71] Âm thanh réo rắt của khúc nhạc khiến em lại trở lại với tất cả những cái thi vị cuộc ngoại tình! Thấy tiếng động – em ngồi xuống ghế dài – Tân hơi quay lại nhìn nhưng vẫn không bỏ vỹ. Những ngón tay của chàng vẫn đào tạo ra những tiếng đàn thần bí có sức mê hoặc gớm ghê… Xong bài, chàng bỏ đàn, đến phía em, kiêu ngạo hỏi:
– Đấy, Huyền xem! Cần gì phải có máy vô tuyến điện truyền thanh như anh chàng Kim dớ dẩn của Huyền, khi người ta là một nhạc sĩ, và khi người ta không muốn làm khổ lỗ tai láng giềng, hàng xóm?
Nói xong, ngồi xuống bên cạnh em, hôn má em. Thì ra việc vỡ lở tung toé kia, Tân vẫn chưa biết! Thế là, đáng lẽ đến báo tin buồn để rồi cự tuyệt, em bỗng có cái ý muốn dò xét lòng yêu của Tân.
– Tân ơi, chúng mình yêu nhau thế này có ích gì không? Để làm gì nhỉ?
– Sao lại hỏi thế? Yêu là để yêu; Nếu chúng ta đã thấy hạnh phúc trong sự yêu nhau thì đừng nên hỏi “để làm gì”, vì mục đích của sự ấy đã ngụ cả trong tiếng gọi.
– Chúng ta có phương kế gì làm cho lòng yêu trường cửu được không?
– Được ngày nào hay ngày ấy, lòng yêu không phải là sự trường cửu thì ai làm thế nào cho nó trường cửu được.
– Mình nghĩ thế nhưng tôi nghĩ khác… Tôi muốn chúng ta phải được yêu nhau mãi mới được.
Tân đứng phắt lên, xo vai mà rằng:
– Ồ! Té ra em vẫn chưa hiểu anh! Cái gì nhỉ? Em muốn ly dị chồng à? Để lấy Tân à? Ồ Không? Không đời nào? Tất em đã rõ là anh thù ghét hôn sự! Nếu ta lấy nhau thì ái tình sẽ tiêu diệt! Muốn cho lòng yêu của đôi ta sẽ trường cửu, thì chỉ cứ vụng trộm thế này thôi. Đấy. Huyền xem! Vì đâu Tân lại đi yêu một người đàn bà có chồng? Vì rằng yêu như thế là không lụy đến mình, người đàn bà kia, trong khi ăn ở với chồng, sẽ trút cả những cái nhỏ nhen hằn học của cuộc đụng chạm hàng ngày, nghĩa là cái cặn bã của ái tình chính thế, cái cặn bã của ái tình đổ vào đầu chồng, để mà dành riêng cho người nhân tình những cái gì đáng gọi là tinh hoa! Người có chồng mà còn có nhân tình thì sẽ yêu nhân tình cho đến khi nhắm mắt… Huyền ngẫm mà xem, hồng nào hồng chẳng có gai? Nam nữ muốn yêu nhau thì phải lấy nhau, ấy là những cái “gai” của ái tình chính là hôn sự. Cho nên ở những nước văn minh, cái lý tưởng của người đàn ông là có vợ chung tình để mà lừa vợ với một số nhân tình khác, cũng như cái lý tưởng của người đàn bà là có một người chồng mù lòa để cho mình san sẻ cái tinh hoa của ái tình cho một người nhân ngãi… Đạo phu phụ là cái đạo dạy người ta kiềm chế nhau, gắt gỏng nhau, cãi lẫn nhau. Trái lại, chỉ là nhân tình nhân ngãi với nhau thôi, thì người ta chỉ chiều chuộng nâng niu nhau mà thôi. Vợ ngoại tình hay chồng mọc sừng, đó là dấu hiệu của văn minh, khi tạo hóa làm cho những cây hồng còn có gai nhọn và ái tình kết liễu bằng hôn sự. Nếu công nhiên lấy nhau, chúng ta sẽ không yêu mê mệt đến như thế này!
Cái luận điệu như thế, xưa kia có thể là mê hoặc biết bao, thì nay chỉ khiến em bất bình, thấy là trái đạo, nếu không là thậm vô luân lý. Em đã hiểu ra – than ôi, khi muộn – Rằng một quan niệm như thế mà bảo là văn minh được, thì văn minh chỉ có nghĩa là dã man mà thôi. Em nổi giận mà rằng:
– Nếu thế thì tôi không thể yêu anh được nữa!
Tân đút hai tay vào túi quần, đi đi lại lại, vùng vằng.
– Ồ, ấy đấy, đàn bà họ giống nhau như đúc! Trước anh tưởng Huyền cũng khá, bây giờ anh mới rõ em cũng cổ hủ như bọn “tam tòng tứ đức” mà thôi!
– Khá là thế nào? Là lừa chồng à? Là làm nô lệ kẻ quyến rũ mình à?
Tân nổi nóng:
– Không! Trước khi yêu tôi thì cô rõ tôi là hạng người nào, có khối óc khác người như thế nào rồi! Cô đã tự do yêu tôi chứ không phải chuyện vật nài, quyến rũ, hay ép uổng, hay lạy lục kêu van gì cả! Cô nhớ lại mà xem! Lúc cô bắt đầu yêu tôi, thì cô cũng chỉ thấy là hay thôi chứ chúng ta không nghĩ gì đến sự trường cửu. Mà hôn sự chính thật lại không là kế vạn toàn?
Ừ, sự thật là như thế đấy! Em biết nói năng gì nữa? Em chỉ còn ôm đầu nức nở khóc lóc mà thôi!
Tân là hạng người văn minh như thế, ai bảo em đã dây vào làm gì! Trước những dòng lệ của em, Tân đấu dịu, an ủi vào tai:
– Thôi nín đi! Em nghĩ lại cho anh! Dẫu sao, anh cũng vẫn là người can đảm, thành thực, dám nói ra lời những điều mình nghĩ. Nếu anh lừa dối Huyền, lúc kê khai tấm yêu mà lại xúi giục em bỏ chồng để lấy anh, rồi mà sau thì lại ruồng bỏ em, thì anh, mới có lỗi chứ? Sao em không nghĩ cho chín mà đã vội yêu anh? Lại bảo là hiểu anh? Đời nào anh lại lấy vợ, điều ấy em đã rõ trước khi yêu anh kia mà?
– Nhưng ngộ việc này vỡ lở thì số phận em sẽ thế nào?
– Kín đáo như chúng ta, sợ gì vỡ lở? Vả lại anh có ở nhà lâu đâu! Anh sắp sang Pháp một chuyến nữa rồi! Em cứ việc nuôi con thờ chồng, nghĩ đến anh, yêu anh trong tâm.
Hãi hùng, em thất thanh hỏi:
– Anh? Anh lại sắp sang Pháp?
– Thưa em, vâng ạ! Chứ ở đây mà làm gì? Cái không khí này không thể thở được. Chung quanh chỉ toàn là một bọn vô học, hủ lậu, dã man! Vẫn hay tuy có Huyền, nhưng chúng ta có lấy nhau đâu mà lo? Xa cách nhau, ta lại thương nhớ nhau hơn nữa!
Em đứng lên, thở dài đau đớn, nói rền rĩ:
– Thôi, thế thì chết em rồi!
– Sao?
– Việc vỡ lở rồi, anh ạ! Em muốn anh cứu vớt em ra khỏi mọi hình phạt của chồng, nhưng anh đã thế thì em cũng đành từ đây…
Tân như mê ngủ, ngơ ngác hỏi:
– Sao? Vỡ lở thế nào? Huyền nói thật hay nói đùa? Sao nó vẫn tiếp anh tử tế?
Em bèn đem hết đầu đuôi kể lể gẫy gọn rất tỉ mỉ. Nghe xong, Tân thở dài, trách em;
– Huyền ngu quá đi mất! Sao lại không chối cãi. Biết đâu đó lại không là vì nó ghen bóng ghen gió?
– Khốn nỗi, chồng em biết rõ cả rồi, chối cãi gì nữa!
– Lạ nhỉ! Việc của chúng ta kín đáo thế sao đến tai nó được!
– Ấy đó là điều anh cần phải cắt nghĩa rõ cho em hiểu…
– Hay là nó có mật thám?
– Hay là tại anh có cô nhân tình nào nữa?
Tân cười nhạt:
– Lúc nào anh cũng có dăm bẩy cô nhân tình! Có lẽ ai rình mò em rồi thù em thật đấy, vì đối với em, anh yêu em nhất, còn những ả khác chỉ là những thứ đồ chơi tạm bợ…
– Còn em, dễ em không là một thú đồ chơi?
Tân nguẩy đầu, nói chữa:
– Lòng yêu em của anh thì đặc biệt, khác hẳn, không thể dùng lời mà tả được. Anh cam đoan với em trước rằng trước khi chết, lời nói cuối cùng của anh phải là để gọi đến Huyền!
– Thế bây giờ anh nghĩ cho em thế nào?
– Ấy đó mới là sự rắc rối!
Đáp thế xong, Tân lại thở dài. Rồi ôm đầu nghĩ ngợi. Rồi ngả mình trên ghế độ nửa giờ, rồi lại ngồi nhỏm dậy, ôm em vào lòng như để đau thương. Sau cùng, Tân bỏ em ra, mở tủ bạc lấy ra một cái nhẫn kim cương với hai tờ giấy nhận thực mua hàng, và tháo ở ngón hay út cái nhẫn kim cương thứ hai nữa. Chàng cầm tay em nói:
– Đây là phương kế cuối cùng. Em cầm lấy hai cái nhẫn này mà phòng thân. Nếu bị ly dị, hoặc vẫn ở với nó, hoặc về ở với bố mẹ, hoặc sẽ lấy một người khác nữa, hoặc sẽ phải tìm sinh kế độc lập, thì hai cái nhẫn này cũng sẽ hữu ích cho em cả. Khổ tâm lắm, em chẳng còn phương kế nào khác. Độ một tháng nữa, anh đã xuống tầu đi Pháp rồi! Anh chỉ yêu cầu Huyền có một điều là dù sao nữa thì bao giờ hình ảnh của anh cũng sẽ tồn tại mãi mãi trong tâm hồn em, ký ức em, thế thôi. Em sẽ nói: “Ấy đó là người mình đã yêu, và đã yêu mình”. Cuộc đời chia rẽ chúng ta được, nhưng không thể diệt mối tình của đôi ta được!
Nói xong, chàng để hai nhẫn vào tay em.
Cử chỉ ấy khiến em ngượng cả mặt. Tân coi em như gái giang hồ! Đó là một cử chỉ không tha thứ được! Em không phải là một đĩ thượng lưu! Tờ giấy bạc của khách làng chơi đưa cho gái mãi dâm hay là hai cái nhẫn kim cương để vào tay em, hai thứ ấy giá trị tuy có khác nhau, song le ý nghĩa vẫn chỉ là một! Đáng lẽ ra, Tân phải đau đớn, buồn rầu, khóc lóc như em, nếu quả thật yêu quý em, xót xa em… Đáng lẽ phải hy sinh đời Tân đi, để cứu vớt em, bầy vẽ mọi cách ly dị hoặc rủ nhau làm cái chước cuối cùng của ba mươi sáu chước… Tân yêu em như thế à? Em muốn nổi giận, muốn được đay nghiến, xỉa xói, nói tệ. May sao em nghĩ lại ngay! Ừ, Tân có bổn phận gì, nếu em chỉ là người đáng khinh bỉ? Lừa chồng! Ngoại tình! Nếu em làm vợ Tân rồi, biết đâu Tân sẽ chẳng là người chồng mọc sừng thứ hai? Đến cái gì còn thương được, chứ đến một người có phản phúc thì không thương được? Muốn oán trách, em phải tự oán trách mình trước đã!
Em nhìn vào mặt Tân… Một cái mặt khó hiểu lãnh đạm, cảm động ít quá.
Thế là quả quyết đứng phắt dậy, em xé tan cái phắc tuya[72] vứt vào mặt Tân, ném hai cái nhẫn kim cương trước mặt Tân!
Chàng chưa kịp bầy giải một lần nào, em đã đùng đùng ra khỏi phòng với cái dáng điệu căm hờn của một người đàn bà phẫn uất. Chàng gọi em lại hai ba lần, nhưng em thấy nếu quay lại, em sẽ mất giá trị lần nữa. Em ra về. Và việc từ chối anh hùng ấy hai cái nhẫn đáng giá mấy nghìn bạc[73] lại còn là một nguyên nhân cho em phải tiếc, phải hối hận khi về sau em dấn thân vào bước giang hồ.
Từ hôm ấy mà đi, em không bao giờ gặp mặt Tân nữa. Chàng cũng không còn dám vác mặt đến nhà người bạn quá tin cái tình bằng hữu ở cái thế kỷ đắc thắng của chủ nghĩa cá nhân.
Thế rồi, một hôm, những ông chủ chuồng ngựa đực, những bồi bàn các khách sạn lớn, những bác thợ ảnh, bọn khách quen của những tiệm khiêu vũ, của những hiệu may y phục tân thời, đã không nói chuyện đến cậu ấm phong lưu mã thượng lịch sự nhất Hà thành, người có cái xe hòm mười hai mã lực, đi trong thành phố mà cũng phóng nước đại như những ông Tây sở, Tầu bay!
Còn Huyền, bà tham Kim, hoa khôi của thủ đô, cũng không thấy mặt ở những nơi hội họp, chơi bời của đám “Thượng lưu nhân vật” nữa.
Trong ba bốn tháng đó, là một cuộc đời nhẫn nhục trong xó bếp, không một tư tưởng bình quyền, giải phóng, không một ý nghĩa xa hoa phù phiếm, bên cạnh một người chồng khó hiểu, không thèm nói với mình một câu thân mật, cư xử như người dưng nước lã, lại luôn luôn đi chơi suốt đêm. Mải ăn nằm, em đã trở nên người đàn bà Nhật Bản. Có khi em ngồi đối ngọn đèn dầu nhỏ ngọn, chờ đức ông chồng đến bốn giờ đêm. Chàng về, đập cửa thình thình, vào nhà, uống chén nước em rót, rửa mặt vào cái chậu thau nước do em bưng lên, vứt mũ áo xuống giường cho em dọn, rồi lên giường ngủ, không một lời cảm ơn, không một lời sai bảo, cũng không mắng mỏ, nếu em có gì sơ suất. Cái chính sách khinh bỉ bằng im lặng ấy, em thấy nó tàn nhẫn bằng vạn sự chửi rủa, đánh đập nữa. Nhưng biết làm thế nào? Em cứ phải chịu không được phép hé răng. Vì lẽ bọn tôi tớ cũ đã bị thải ra cả, nên thằng xe, con vú già mới đến rất lấy làm khen ngợi em, cho rằng chồng em có một người vợ phục tòng như vậy là tốt số nhất. Trước mặt chồng em, chúng không dám nói to. Khi có mặt chồng ở nhà, em thấy một làn không khí sợ sệt và kính cẩn. Em ngủ trên một cái giường riêng, ăn cơm với vú già, thằng xe. Bọn này chẳng lấy gì làm lạ, đã quen cả mọi lề thói của cái gia phong mới mẻ mà chúng đã coi là sự thường.
Trong thời gian ấy, mỗi người khách của chàng hay mỗi người khách của em đều là một vị phúc tinh, một vị ân nhân cho em, mặc dầu chỉ là trong chốc lát… Vì rằng khi nhà có khách lạ, thì thế nào chồng em cũng phải bất đắc dĩ nói với em ít ra là một vài lời ngọt ngào, thân mật để tỏ rằng ấy đó vẫn còn là một đôi vợ chồng tử tế với nhau. Những dịp đặc biệt ấy làm cho em lại sung sướng thấy cái ảo tưởng rằng trong đạo phu phụ của chúng em, không hề đã xẩy ra cái sự không còn phương cứu chữa được. Nhưng sướng bao nhiêu thì rồi lại khổ bấy nhiêu mà thôi. Vì rằng một khi khách đã đứng dậy ra về, một khi trên mặt bàn chỉ còn lỏng chỏng cơi trầu vơi và mấy chén nước cặn, thì cái mặt lãnh đạm của đức ông chồng khiến em đủ thấy nhà cửa lạnh lẽo thêm. Những lời ngọt ngào lúc vừa rồi, đối với em than ôi! Thật chẳng khác gì những lời của ông cố đạo an ủi những tù nhân phải chịu tử hình trước lúc bước ra pháp trường với người giật máy chém[74].
Nói ra đây rằng cuộc đời như thế thì không thể sống được nữa, tưởng cũng là thừa.
Em đã sống cái cuộc đời của một cung phi đầy ải trong lãnh cung, mặc lòng lúc nào em cũng được gần gũi quân vương. Cái địa vị thế nhân của em lại còn cực nhục hơn của một người tù, vì một người tù, dẫu là tội nặng như thế nào, dẫu là hạn bị giam dài đến đường nào, cũng vẫn còn có chút ít hy vọng được ân xá.
Hôm ấy, về thăm nhà, tự nhiên em thấy cả nhà lãnh đạm hẳn với em. Thầy em lườm em một cái để xo vai thất vọng, cái ấy đã cố nhiên. Còn me em mà cũng không thèm hỏi em một lời, cái ấy khiến em ngạc nhiên lắm! Em thấy mình quả thật đã bị coi như là người dưng nước lã, nếu chưa là người bỏ đi. Em đứng lên, ngồi xuống uống chén nước nhạt phèo, ăn miếng trầu cũng không thấy đậm miệng, ngôn ngữ thấy vô duyên một cách lạ, cử chỉ thấy ngượng nghịu một cách lạ, ở nhà bố mẹ đẻ, ở nơi chôn rau cắt rốn, mà bị coi như khách qua đường. Em đoán hẳn chồng em đã nói với gia đình nhà vợ cái tội tầy đình của em.
Em đã toan bẽn lẽn xin ra về, thì chị một của em gọi em xuống bếp, khẽ hỏi:
– Ít lâu nay, dì ăn ở với chú ấy ra làm sao mà đến nỗi chú ấy cư xử với nhà này tệ bạc thế!
Em vội hỏi:
– Thế nhà em đến nói những gì?
Chị của em đáp:
– Nếu tôi biết rõ, việc gì tôi còn phải hỏi dì nữa!
Em cũng hơi mừng lòng: chồng em chưa nỡ cắt đứt cái giây liên lạc thiêng liêng cuối cùng nó nối em liên với những người thân yêu nhất đời của em. Rồi em đáp bừa đi:
– Tôi… tôi chả hề làm gì cả.
Những lời đáp ấy tức thì bị nước mắt của em cải chính! Em cố nín đi cũng không sao ngăn được cho mình khỏi cứ hậm hực, cứ thổn thức mãi lên. Chị em vừa ngạc nhiên vừa thương hại, cứ trố mắt ra nhìn em, lay vai em, cố hỏi cho ra lẽ, thì em ấp úng:
– Chị ơi! Chị ơi!.. Chị biết sao được những nỗi cay đắng… Những điều thống khổ… của em! Bây giờ… nhưng thôi, rồi một ngày kia, thì rồi cũng có phen chị sẽ biết rõ.
Thế là em vội vã ra về, như người đi trốn. Đi qua me, em chỉ chào qua loa một câu, cũng không dám nhìn thẳng vào mặt người mẹ hiến vốn rất thương em. Lúc đẩy cái mành bước ra, tuy không quay đầu lại mà em cũng biết rằng me em nhìn đuổi theo em với cả một tấm lòng hốt hoảng mà một người mẹ hiền có thể bị xúc cảm được.
Đó là lần cuối cùng!
Từ đấy trở đi, không bao giờ… không bao giờ em còn trông thấy mặt bố mẹ nữa!
Bữa ấy, về nhà em bỗng thấy cái cần phải tự tử! Thật thế, khi người ta đã làm những việc như em làm rồi, thì người ta không đáng sống nữa, có phải thế không? Ấy là gia đình em chưa hiểu rõ cái lẽ “cơm sống tại nồi hay cơm sống tại vung” mà đã lãnh đạm với em như thế; nếu chồng em lại đã nói rõ, thí dụ lại đã sỉ nhục bố mẹ vợ nữa thì cái hổ thẹn của thầy đẻ em sẽ đến bậc nào, thì cái lòng khinh bỉ em của cả gia đình sẽ ghê gớm đến dường nào! Thấy mình quả thật đã cô độc ở đời rồi, em càng thấy cuộc đời là không sống được. Vậy thì… chỉ còn một cách, cái cách công hiệu nhất, giản tiện nhất, của những kẻ chán đời. Cho nên tối hôm ấy, tức thì em đã đi mua ngay một lúc ba lọ thuốc ngủ.
Ấy thế mà em không quên sinh! Nói đúng ra, thì đó là em chưa quyên sinh! Từ trong thâm tâm, em thấy vẫn còn có cái gì như là một tia sáng hy vọng, mặc lòng mỗi khi lý luận cho gẫy gọn, thì không còn thấy đáng hy vọng gì nữa. Tại sao thế nhỉ? Cái đó, chính em cũng không hiểu nữa. Chỉ biết cứ hết ngày này sang ngày khác, mỗi khi muốn thúc giục mình cho mình quyết định, em lại gia thêm một hạn nữa cho em “Nếu chỉ còn có cách chết, thì vội quái gì? Bao giờ chết chả được?” Ấy em vẫn cố công tự nhủ như thế. Nói cho đúng, đó chính là cái hèn nhát, cái tham sinh uý tử tự nhiên của loài người, nhờ nó mà nhân loại vẫn còn tồn tại được, nhờ nó mà trong thiên hạ chỉ có một số rất ít là dám chết, mặc lòng ở cái thế gian khốn kiếp này, bất cứ kẻ nào trong một đời cũng đã gặp rất nhiều trường hợp đau đớn đến bậc muốn chết quách cho xong.
Em vẫn cứ cố dùng cho hết sức tàn lực còn sót lại, để hy vọng hão huyền rằng họa may đức ông chồng có nghĩ lại mà tha thứ cho chăng… Trong thời hạn ấy, mỗi lời sai bảo của chồng cũng là một cái đặc ân, cả một cáu gắt gỏng qua loa nữa, cũng có cái thế lực của một lời hứa ân xá!
Đương ở cái cảnh bứt rứt sống cũng dở chết cũng dở ấy, một hôm, trên nhật trình em lại thấy hiện ra cái mặt của người tình xưa. Trong một tấm ảnh mà dòng chữ đề dưới là “một cuộc thi sắc đẹp trong Chợ Phiên Sài Thành”, em trông thấy Tân, chính thế, quả thật là Tân, ngồi ở hàng ghế đầu trong nhà giàn, lẫn với ban giám khảo, trước mặt một số đông mỹ nữ đương ưỡn ẹo khoe khoang hình sắc. Máu em lúc ấy chỉ kịp chạy một vòng trong huyết quản mà thôi! Em đã gần hóa điên, dẫu rằng em vẫn biết chỉ nên bình tâm đi mới phải. Em không thể tha thứ cho Tân được ở cái tội đã gây cho em bao nhiêu tai họa, bỏ mặc em ở địa ngục để thản nhiên bước lên mọi cảnh thiên đường của đời!.. Thì ra lúc em khổ thế này, thì Tân sung sướng thế kia! Em đã xé nát cả tờ nhật báo.
Hôm sau nữa, em đến tìm Hội. Em nhân danh chồng để hỏi tin tức về Tân.
– Bác ạ, nhà tôi phàn nàn rằng bác Tân đến Sài Gòn, chỉ gửi ra được có một lá thư thôi. Nhà tôi gửi vào mấy lá thư mà không thấy trả lời.
Hội đáp bằng cách hỏi lại em:
– Sao lại có thể như thế được?
– Ấy vì thế nên nhà tôi bảo tôi lại đấy hỏi bác xem bác Tân đã xuống tầu đi Pháp chưa.
Hội đáp một cách chắc chắn:
– Anh ấy còn ở Sài thành ít nhất là ba tháng nữa mới đi Pháp.
– Sao còn ở lại lâu thế?
– Vì còn chờ một người bạn, con một ông đốc phủ[75] nào đó, thu xếp xong một chuyện riêng rồi hai người mới cùng đi.
– Cái tin ấy có là đích xác không?
– Đích xác lắm chứ! Thư anh ấy gửi ra tôi hôm kia có nói thế mà?
Em hỏi chỗ ở hiện thời của Tân nữa, rồi xin cáo lui.
Về nhà em thấy cần phải đi tìm cho được Tân, dẫu phải trèo đèo, lặn suối… Cái cảnh địa ngục này, thật vậy, cũng đã là rất bõ cho em vin cớ sổ lồng cũi mà đi.
Em, đi tìm Tân để làm gì?
Điều ấy, em không đáp ngay cho em, lúc ấy. Em thấy hình như bụng em đã dự định rằng tìm Tân mục đích chỉ là để giết Tân đi cho hả, thế thôi. Lúc ấy, em có tự lừa dối em không? Ai mà biết được!
Nhưng nếu giá có ai hỏi rằng lúc ấy em đã biết ăn năn chưa, thì em quả quyết cam đoan ngay: đã ăn năn lắm rồi. Sự đời, lòng người, ấy đó là những điều phức tạp như thế cả!
Trong mấy ngày liền, lúc còn phân vân, em cũng không dám nghĩ cho kỹ, em cũng không dám đắn đo cho sâu xa cũng như em không dám lý luận cho phải lẽ nữa, vì em chỉ sợ nếu lĩnh hội sự đời cho rõ rệt thì rồi lại không dám quyết định. Chỉ biết rằng khi ấy em giận Tân đến cực điểm, tưởng chừng nếu gặp mặt em rất có thể rút dao phóng một mũi tên vào giữa tim hắn mà không run tay. Em chẳng biết rằng lòng căm hờn ấy vẫn còn là ân ái. Nếu gặp em, Tân chẳng những không lãnh đạm nữa mà lại còn ưng cho em muốn cùng đi tới đâu thì đi, muốn cùng ở chỗ nào thì ở, thì liệu em có đủ căm hờn để giết kẻ bạc tình, để trả thù cho cả một cuộc đời bị hỏng của em nữa hay không? Đó là một vấn đề em chẳng hề dám nghĩ đến qua loa nữa.
Thế rồi, một hôm, em để lại cho chồng em lá thư như sau này:
“Thưa anh,
“Em xin phép anh em được vắng nhà trong một thời gian ngắn. Em đi đâu, để làm gì, cái đó sớm chầy rồi anh cũng kiết. Em mong rằng khi nào em quay về thì đã chuộc lại được lỗi xưa. Nếu em không về nữa, thì anh chỉ nên coi em là chết rồi.
“Than ôi, nhân đây em muốn được nói với anh rất nhiều, vậy mà chỉ sợ anh lại xo vai, cau mặt…
Vậy thì em đành chờ cái ngày em quay về, nói mà được anh sẵn lòng nghe và em mong rằng việc em tạm xa nhà này không làm cho anh phải nghĩ ngợi gì lắm.
“Người vợ khốn khổ của anh, ký tên”
Buổi trưa hôm sau nữa, trên một toa hạng tư của chuyến xe lửa tốc hành đi Nam kỳ, có một thiếu phụ nhan sắc như của một mỹ nhân mới ốm khỏi, co ro trong một cái áo măng tô, hành lý đơn sơ chỉ có một cái va ly nhỏ, giữa lúc hành khách nào cũng được vô số kẻ tiễn người đưa thì riêng mình ngồi giấu mặt tại một góc tối, chỉ mong cái tiếng còi giục khách của người cầm cờ đỏ, chỉ sợ gặp mặt người quen…
Thiếu phụ ấy là Huyền.
Em đã bán đồ nữ trang đi, và liều đời một chuyến nữa. Và, quái lạ, khi đoàn xe chạy rồi, em không còn tí bứt rứt hoặc một chút hối hận trong lương tâm! Cái cuộc hành trình này, lúc mới ở thời kỳ dự tưởng, đã khiến em phân vân, thì nay bỗng trở nên một cuộc giải thoát! Thế mới biết em có cái thứ tâm hồn của đại đa số những gái giang hồ! Đối với người thường, có lẽ tư tưởng của ai cũng phải duy nhất, cũng phải trước sau như một, nhưng đối với hạng người giang hồ, thì tư tưởng biến đổi ra thiên hình vạn trạng tuỳ theo cái thiên lệch về việc muốn khả hoặc phủ con người ta. Đối với thứ tâm hồn giang hồ, dẫu về những việc càn dỡ cũng vậy, người ta cũng vẫn dối người ta bằng những tư tưởng tốt đẹp. Vì thế mà khi có ý muốn đi tìm Tân, em chỉ nghĩ đến những cách phục thù cho em với rửa nhục cho chồng, bằng cách giết chết Tân đi mà thôi. Đến lúc này, tư tưởng giết người tình xưa nó mới chẳng còn sôi nổi mấy tí! Nó còn tùy ở sự sẽ được tiếp đãi tốt hoặc bị xử tệ bạc. Vì rằng cho mãi đến lúc ấy, em mới nhớ ra rằng nếu ta phạm đến tính mệnh người nào ở đời thì ta vào tù thì ta mất đầu, chứ nào ta có được tự do! Giết người! Làm như giết một con muỗi!
Dám chắc tâm trạng một du học sinh khi ở trên chuyến tầu nó sẽ mang mình tới một giang sơn xa lạ đầy những hứa hẹn về một cuộc đời chứa chan những sự rủi ro có thể làm cho ta sung sướng hoặc đầy dẫy những cái may mắn nó sẽ đẩy mình vào những chốn chông gai, nói tóm lại thì là cái không biết trước, cái bất ngờ, cái khó hiểu về thăng trầm của mai sau, nghĩa là những điều kiện nó làm cho cuộc phiêu lưu có vị, nó càng làm cho ta phân vân bao nhiêu thì lại càng thúc giục ta trên dặm trường dấn bước mạnh bạo bấy nhiêu; cái thứ tâm trạng ấy, em dám chắc nó rất giống với của em. Bởi thế cho nên ngồi trên xe, em chẳng nghĩ ngợi chí lý gì, chỉ mặc cho tri giác triền miên theo cái nhịp xinh xịch nghiến trên đường sắt. Em chỉ mới kịp phác họa một chương trình hành động rất lờ mờ, khi nào gặp cái con người đáng ngờ là bạc tình lang. Em sẽ nói rõ với Tân cách cư xử của chồng em, tả rõ cái tính cách địa ngục của sự hình phạt bằng tinh thần ấy, ngõ hầu Tân sẽ chịu một phần trách nhiệm… Còn nếu Tân cứ xử tộ, cứ dứt tình, coi em như miếng ruột thừa cần phải chịu đau mình cắt thì em sẽ liệu đường đối phó cho đáo để, tuy chưa định rõ bằng cách nào, những mà cam đoan trước gái này quyết làm thế nào cho chàng Sở kim thời phải khổ sở, nhục nhã, điêu đứng, cất đầu không nổi, sao cho nó bõ với cuộc hành trình, với cuộc kiếm chuyện đáng gọi là “lôi thôi”. Em có thể như Thần Chết rình mò kẻ bệnh nằm bàn mổ, nếu kẻ ấy đã có gan muốn để cắt đứt… Phải làm, nghĩ qua loa thế thôi, nhưng thế thôi, há chưa đáng gọi là đủ rồi? Đời một người đàn bà mà như em, từ bé đến lớn chỉ những liều là liều, thì làm gì còn có sự xếp đặt trước sau của hạng người cơ chỉ nữa? Duy có điều này đáng kể, là cứ biết em hãy đợi ở chỗ đã dám thoát ly cảnh địa ngục của chồng, thế thôi. Ở giai đoạn chịu cực hình, mỗi phút dài như năm, mỗi năm dài như thế kỷ, vậy bỏ nhà ra đi là bõ công nhiều lắm. Liều! Đã liều, thì còn cần gì!
Nhưng đời vẫn để dành cho ta rất nhiều sự ta cứ phải cần, mặc dầu ta đã liều, ấy thế mới là sự đáng than ôi!
Là vì khí đến Sài Gòn, tìm được đến địa chỉ của Tân, em biết rằng Tân đã vừa đi du lịch Đế Thiên Đế Thích.[76]
Người ta bảo Tân còn những tuần lễ nữa mới quay về, đáng lẽ cứ nằm đợi ở Sài Thành cho tiết kiệm, thì vì nóng ruột, cho nên như một nhà du lịch em cũng đi Angkor. Đáy bể mò kim, thế là trong mắt bao nhiêu nhà em đã nhọc xác đi tìm Tân, chẳng còn tâm trí nào để ý đến những cảnh kiến trúc hùng vĩ ta không thể dám tưởng tượng là có, của nước Cao Miên cố hữu. Mãi cho đến thì thấy chỗ trọ của Tân ở vùng Angkor, em mới ngã người ra vì thiên hạ đã bảo là chàng vừa quay về Nam vang.[77] Họa vô đơn chí, khi quay về Nam Vang, chủ khách sạn lại kêu Tân đã về đến Sài Gòn. Đến khi em quay về Sài Thành, thì đồng tiến giắt trong người chỉ đủ cho mình sống nổi có hai bữa nữa!
Có phải Tân đã biết rõ nên đã chạy trốn em không? Cứ tự đặt cho mình một câu hỏi ấy thôi, em cũng đủ khổ sở lắm, không dám tin như thế. Nhưng sự quả báo nhãn tiền hình như là không có giới hạn nữa, cho nên khi tìm được chỗ trọ của Tân ở Sài Gòn rồi, em lại biết thêm rằng người tình đã cùng bạn sang Vọng Các[78] du thủy, du sơn… Đến lúc ấy, sự kiên tâm của em đã đến biên thùy của nó. Tuy đã quyết chí trèo đèo lặn suối đấy nhưng khốn nỗi: không tiền. Em hoàn toàn thất vọng khi đến hỏi Công an Cục ở Sài Thành mà được đáp rằng nếu không có số tiền ký quỹ hai trăm bạc thì đừng hòng sang kinh đô nước Xiêm[79].
Ôi thôi! Ân ái là gì, mà căm hờn hay phục thù đi nữa thì cũng có đáng kể gì, nếu nghĩ đến miếng ăn ngày hôm sau mà ta cũng hết phương giải quyết! Đã liều thì có cần gì! Cái ý kiến ấy đắc sách có vào lúc em mới bước lên chuyến xe hỏa tốc hành mà thôi. Bao giờ cũng vậy, người ta chỉ biết dại muộn quá, ấy thế.
Vậy thì, cái vấn đề cấp bách chẳng còn là sự quyết định cứ ở đây đợi Tân quay về, hay là chính mình quay về… cái chỗ phải về. Nó là tiền bữa ăn hôm sau, tiền phòng trọ, để giải quyết cái vẻ nhìn sắc mắc đầy những đa nghi của ông chủ khách sạn và sự bàn tán vụng trộm của bọn bồi chúng đã đến lúc yên trí rằng mình là gái giang hồ bị bỏ lạc giữa nơi đất khách, trơ vơ…
Một người đàn bà trẻ, có chút nhan sắc nhưng không có tiền, sa cơ nhỡ bước mà đến nỗi lạc loài nơi đất khách, thì đối với người ấy, bọn mày râu cư xử thế nào? Liệu họ có rủ lòng thương hại? Đây này, thì họ quyết đẩy người đàn bà ấy vào vũng bùn nhơ… Vì họ chỉ muốn được quyền hỏi thẳng: “Này, mày ở đâu mà đến? Trốn chúa hay lộn chồng? Hay là gái tơ ngứa nghề, bỏ nhà theo giai? Trông chừng gái này chẳng phải thiện nhân vì nếu quả là thiện nhân thì… vị hà duyên cớ?”[80] Như vậy thì một thiện nhân chính danh bất khả xâm phạm mà nhỡ lâm vào cảnh ngộ như của em cũng khó lòng mà giữ giá cho nổi, huống hồ lại kể đến một kẻ hư hỏng thật sự, bình sinh chẳng biết cái chi là sự giữ ngọc gìn vàng.
– Nè cô, hết tiềng xài phí thì có hề chi cái đó? Chịu khó trò chuyện chơi mộc đêm dới mộc quý khách nhà nè, rồi ra ta lải ăng xài tự do!
Không bao giờ em lại quên được những lời vỡ lòng quý hóa ấy của lão chủ khách sạn, và cũng là đứa ma cô[81] số một trong cái đời là gió cánh chim của em.
Hôm sau, chẳng thể đừng, vô kế khả thi, em đã đành chịu “chuyện trò” một đêm với một khách làng chơi người Bạc Liêu. Rồi, sau khi thấy tập giấy bạc dưới gối, em đã khóc nức nở như một đứa trẻ thơ bồ côi mẹ, có dì ghẻ ác mà đã trót tay đánh vỡ mất cái lọ quý nhất trong nhà.
Nhưng mà nào đã đủ! Có bữa ăn hôm nay rồi còn phải nghĩ đến bữa ngày mai. Thừa tiền ăn rồi, lại còn phải lo tiền lộ phí về Bắc. Có cả tiền tầu nữa rồi, thì mới lại đổi ý, muốn cứ nấn ná chờ Tân về Sài Thành, hoặc muốn tìm Tân ở tận Vọng Các! Đến khi hết cái kiên nhẫn mong gặp mặt tình nhân cũ, đã quyết định quay về, thì mới lại thấy rằng số tiền đã kiếm cũng lại hết theo! Ấy cứ lúng túng vì không biết quyết định thế nào, cho nên chưa chi em ở Nam kỳ đã được một tháng tròn vào lúc nào không biết!
Lần đầu bán mình cho khách làng chơi không phải chuyện dễ, vì con người ta ở đời, dẫu trụy lạc và hèn hạ đến bực nào đi nữa, thì cũng vẫn còn có một chút lòng tự ái, một ít bứt rứt của lương tâm. Cho nên em đã phải tự nhủ và tự an ủi: “Nếu không liều thì còn có cách nào khác?… Vả lại như mình thì nào có trong sạch nỗi gì, vậy giá có nhơ bẩn thêm chút nữa, tưởng cũng “vô hại”. Đi trên con đường lầy lội, ta cố tìm chỗ đất khô ráo cho khỏi bẩn đôi giày mới của ta… Nhưng nếu chẳng may cứ dẫm phải bùn? Còn giữ gìn gì được nữa, âu là thà cứ nhắm mắt bước liều đi, cho được nhanh chóng. Thêm nữa, ta quyết chỉ nhượng bộ số phận một lần này mà thôi… ”. Khốn nỗi, người ta lại còn phải nhượng bộ lần thứ hai nữa sau khi cũng đã tự dặn như lần trước. Rồi đến lần thứ ba thì… thôi hết!
Còn đâu là cái hổ thẹn, còn đâu là lòng tự ái, còn đâu là cái bứt rứt lương tâm! Cứ chịu khó rèn nữa đi, mãi cũng trở nên thợ rèn… [82]
Khi biết đích xác là Tân đã từ Vọng Các xuống tầu đi Pháp, em mới quay về Bắc. Lúc từ giã đất Sài Thành thật tình em chẳng tiếc gì thế sự, vì rằng nào có phải em đã quyết định cứ giữ mãi cái nghề nguyệt hoa! Em vẫn muốn làm lại cuộc đời.
Nhưng về đến Hà Thành, không hiểu một sức mạnh ghê gớm gì đã dun dủi cho em không thể nào có đủ can đảm về với chồng hay về nhà bố mẹ đẻ nữa, dẫu rằng em vẫn tự nhủ: đã dám liều ra đi thì rất có thể cũng dám liều quay về được lắm. Thật thế, liệu còn mặt mũi nào? Liệu ăn nói làm sao bây giờ! Em không bao giờ hiểu nổi cái tính nết mâu thuẫn quái gở của một người đàn bà đã dám bán mình cho một khách lạ, mà lại không thể nào có đủ cam tâm tưởng đến sự quay về nhìn mặt những người thân yêu, dẫu là chỉ thử đánh một canh bạc về liêm sỉ một lần cuối mà thôi.
Cho nên, đáng lẽ đi con đường khác, thì em rẽ vào vào con đường này, đến đây với cái bà ấm, bà chủ to béo đã chuyện trò thân mật với các anh đêm kia.
Từ bấy đến nay, cái đời nổi chìm, trôi dạt của một gái giang hồ… có bao nhiêu lúc lên voi xuống chó, có những phút sướng mà đến ứa nước mắt hay khổ mà cứ phải cười sằng sặc, và chỉ cố tự an ủi bằng những cuộc khoái lạc ô trọc chứ không nghĩ đến tương lai, bởi cớ rằng cứ theo sự kinh nghiệm cuộc đời mà suy thì thấy cái cách ông Trời đối phó với mọi sự giữ gìn chu đáo và mọi cuộc kiến thiết xa xôi của cả thế nhân, mà đủ chán ngắt!