Trong lúc chúng tôi còn ở Hương Cảng, thì ông Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam đang hội nghị ở bên Pháp. Cuộc hội nghị ở Fontainebleau khởi đầu vào khoảng giữa tháng năm, mãi đến tháng chín mà không xong được việc gì cả. Khi người Pháp và người Việt đang bàn cãi ở bên Pháp, thì ở Ðông Dương, cao cấp ủy viên là Hải quân trung tướng D’Argenlieu họp hội nghị kinh tế ở Ðà Lạt có đại biểu Nam kỳ Cộng Hòa quốc, đại biểu Cao Miên, và đại biểu Ai Lao bàn định mọi việc, coi như không có nước Việt Nam. Vì vậy mà cuộc hội nghị bên Pháp lại càng gay go thêm, rút cuộc hội nghị ấy không thành kết quả gì cả. Ðến cuối thượng tuần tháng chín các phái viên Việt Nam xuống tàu thủy về nước. Ông Hồ Chí Minh ở lại đến ngày 14 tháng chín năm 1946, ký thỏa hiệp án (Modus vivendi) với ông Marius Moutet, bộ trưởng bộ hải ngoại Pháp.
Thỏa hiệp án ấy, đại ý nói theo những điều trong hiệp ước sơ bộ trước mà giữ thái độ thân thiện cho đến thánh giêng năm 1947, là kỳ hạn cuối cùng, hai bên phải họp hội nghị để giải quyết các vấn đề cho thành bản điều ước nhất định.
Ông Hồ Chí Minh ký bản thỏa hiệp ấy rồi chính phủ Pháp cho chiếc tàu binh đưa ông về nước. Thế là sau hai kỳ hội nghị ở Ðà Lạt và ở Fontainebleau, việc nước Việt Nam không sao giải quyết được.
Ông Hồ Chí Minh về đến Hải Phòng vào quãng tháng giêng, Việt Minh tổ chức việc đón tiếp rầm rĩ, nhưng thực tình thì nhiều người ngậm ngùi vì tình thế mỗi ngày một nguy ngập. Dân khí tức giận, thà chết còn hơn quay trở lại làm nô lệ như trước.
Quân Pháp ở Bắc Bộ thì sẵn sàng tấn công cho nên mới có sự xung đột ở Hải Phòng vào quãng cuối tháng một. Vì thế lực không đủ, lẽ tất nhiên là quân Việt Minh thất bại phải lui ra ngoài Hải Phòng. Hai bên đều xuống lệnh đình chiến, nhưng quân hai bên vẫn cứ đánh nhau.
Việc dai dẳng như thế đến mấy ngày, trước ngày 19 tháng chạp dương lịch, thì người Pháp gửi tối hậu thư cho chính phủ Việt Minh bắt phải giao sở công an cho họ, hẹn đến ngày 20 là hết hạn. Chính phủ Việt Minh biết là không sao tránh khỏi sự tấn công của quân Pháp bèn mưu sự đánh trước một ngày để mong được thắng lợi trong khi bất ngờ. Xem như vậy thì người Pháp cũng có một phần khá lớn trong cái lỗi đã gây ra cuộc Pháp Việt chiến tranh kéo dài cho đến ngày nay. Trước ngày 19 tháng chạp năm 1946, các yếu nhân trong chính phủ, quân chính quy Việt Minh đã rút ra ngoài cả rồi, chỉ có các đội quân tự vệ ở lại để đánh phá và bắt người Pháp và những người Việt Nam theo Pháp.
Quân tự vệ chống với quân Pháp trong thành Hà Nội được hai tháng mới rút lui. Trong khi hai bên chống cự nhau phần thì quân Pháp bắn phá, nhà cửa phố xá bị đốt rất nhiều. Những phố như hàng Hòm, hàng Thiếc v…v… bị đốt phá gần hết. Những nhà nào chủ nhà bỏ chạy, thì quân Pháp vào lấy đồ đạc, của cải, rồi sau lại cho bọn người Tàu vào cướp phá. Cái nhà của tôi ở phố nhà Rượu cũng bị quân tự vệ đốt cháy. Thành ra bao nhiêu sách vở của tôi, có lắm quyển rất cổ, rất quí, tích trữ trong mấy chục năm, đều hóa ra tro tất. Tôi vẫn chưa hiểu vì lẽ gì mà họ đốt nhà tôi, hoặc là vì đốt nhà bên cạnh mà cháy lây sang, hoặc là Việt Minh thấy tôi bỏ đi, họ giữ không được, họ cho lệnh đốt nhà cho bõ tức.
Cái chiến lược của Việt Minh khi ấy là nếu chiến đấu thắng thì thôi, không thì rút ra ngoài, rồi sẽ dùng phương sách du kích và tiêu thổ, nghĩa là đốt phá hết sạch những nhà cửa dinh thự, chỉ để lại đám đất không.
Ðối với nghĩa quân Việt Minh thì cái phương sách thứ hai có hai chủ đích: một là gây sự cản trở cho quân địch, đi đến đâu không có chỗ cư trú, tiện lợi cho sự du kích của mình. Hai là làm cho dân cư ở những phố phường trong các thành thị mất cả nhà cửa cơ nghiệp, rồi đói khổ điêu đứng, chỉ có theo cộng sản là sống mà không theo là chết. Vì thế cho nên có nơi họ phá hoại từ xưa tới nay chưa từng có bao giờ.
Khi việc chiến tranh đã bùng nổ ở Bắc Bộ, chúng tôi ở bên Quảng Châu ai cũng ngơ ngác, không biết nghĩ sao. Một bên người Pháp cố tình muốn lập lại chủ quyền như cũ, việc ấy dù muốn che đậy thế nào mặc lòng, người ta đã trông thấy rõ khi quân Pháp đổ bộ lên Hải Phòng và Hà Nội. Một bên là Việt Minh đã trải bao phen hứa hẹn giữ nền độc lập của nước nhà, không lẽ lại bó tay chịu hàng phục người Pháp. Thành ra hai bên tuy có hội nghị ở Ðà Lạt và ở Fontainebleau, nhưng kỳ thực là dùng mưu thuật để lừa nhau, chứ không có cái gì là thành thực thì không sao tránh khỏi chuyện xung đột được.
Trong cái tình thế ấy, những người ngay chính vì nước rất khó nghĩ. Việt Minh thì chỉ muốn dùng cách áp chế để củng cố địa vị của mình. Ai theo họ thì họ để yên, ai không theo họ thì bị bắt bớ, chém giết, mà theo họ thì nhiều người không làm được những việc họ làm. Pháp thì dùng võ lực mà đàn áp và dùng quyền mưu để lấy thắng lợi. Người Việt Nam ai đã có lòng yêu nước thì không sao theo Pháp được, trừ ra một bọn xu danh trục lợi không kể. Trong cái hoàn cảnh bối rối đau đớn ấy chúng tôi lại thấy những nhà cách mạng ở bên Tàu như bọn ông Nguyễn Hải Thần tuy có lòng tốt, nhưng không đủ tài năng mà cáng đáng việc lớn. Chúng tôi quay về mặt nào cũng không thấy có phương pháp nào giúp được nước.
Một hôm vào khoảng cuối tháng giêng năm 1947, tức là mấy ngày trước tết nguyên đán năm Ðinh Hợi, ông Bảo Ðại vào Quảng Châu, có gặp tôi nói chuyện về việc nước nhà. Ông rất băn khoăn về việc bắc bộ. Tôi nói rằng: “Tuy Việt Minh đã có nhiều điều lầm lỗi, nhưng nay họ đã đứng về phương diện kháng chiến để dành độc lập, thì họ có cái thế danh chính ngôn thuận, ai làm trái ngược lại là dân chúng không theo. Chúng ta đành phải để thời cơ biến chuyển ra sao rồi sẽ tính. Nay việc chiến tranh đã xảy ra, tức là có bên được bên thua, chờ đến khi tình thế rõ rệt, ta sẽ liệu có thể làm được việc gì ích lợi cho nước”. Ông Bảo Ðại ở Quảng Châu mấy ngày rồi trở ra Hương Cảng.
Lúc ấy tôi đang ở trong cái hoàn cảnh nguy ngập, tiền thì sắp hết, ở trong thì đã đánh nhau, thì không mong có sự tiếp tế được nữa. Tôi tính chỉ còn đường về Sài gòn, có bạn bè và bà con có thể tư trợ cho được ít lâu. Tính như thế nhưng biết là thế nào mà về được. Ðột nhiên ông Bảo Ðại cho người ra Quảng Châu mời tôi ra Hương Cảng có việc cần.
Tôi ra Hương cảng gặp ông Bảo Ðại, ông nói rằng: “Có một người Pháp bên Ðông Dương sang đây, muốn gặp chúng ta để nói chuyện về việc bên nước ta, cho nên tôi mời cụ qua để bàn tính cho kỹ về việc ấy. Người Pháp ấy là ông Cousseau, trước có biết cụ”.
Hôm sau ông Bảo Ðại với tôi gặp ông Cousseau, nói chuyện chiến tranh ở bắc bộ, ai bị bắt, ai bị giết… Sau ông nói rằng: “Cao cấp ủy viên Pháp bên Ðông Dương muốn hết sức điều đình để đem lại cuộc hòa bình, nhưng vì Việt Minh lừa dối, nên mới có sự chiến tranh, thật là thiệt hại cho cả hai bên”.
Tôi nói: “Cuộc chiến tranh này, do sự tôi biết, là phần lớn tại các ông gây ra. Nước Việt Nam chúng tôi là một nước từ Nam chí Bắc có tính cách duy nhất, đồng một ngôn ngữ, một phong tục lịch sử, mà các ông đem chia từng mảnh, rồi lại lập ra Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc và gây những sự trêu chọc, thật rõ rệt là các ông không muốn hòa bình”.
“Ðó là những việc tạm bợ nhất thời mà thôi, vì có nhiều nơi không theo Việt Minh. Nếu có những người quốc gia đứng đắn ra điều đình thì nước Pháp sẽ sẵn sàng nhượng bộ.”
“Việc điều đình bây giờ, muốn cho thành công, thì phải có toàn dân ưng thuận mới được. Mà nay số nhiều dân chúng đã theo Việt Minh, đứng vào mặt trận kháng chiến, tất là phải làm sao cho dân vừa ý mới mong có kết quả.”
“Việc ấy là việc của các ông. Các ông là người yêu nước nên ra sức mà giúp nước các ông. Trong cái tình thế ngày nay, cứ như ý ông thì nước Pháp phải làm thế nào cho người Việt Nam vừa ý?”
“Nước Pháp phải trả cái quyền độc lập cho nước chúng tôi và cho nước chúng tôi thống nhất từ Nam chí Bắc.”
“Việc thống nhất có thể được, nhưng sự độc lập thì hiện bây giờ chính phủ Pháp chưa nghĩ đến tôi không thể nói được. Các ông nên tìm những điều kiện cho hai bên có thể thỏa thuận được.”
“Xin để chúng tôi nghĩ kỹ rồi mai chúng tôi xin cho ông biết.”
Tôi về bàn với ông Bảo Ðại, rồi kê ra 7 điều sau này để đưa cho ông Cousseau:
- Lập lại nền thống nhất của nước Việt Nam, gồm cả ba kỳ và các dân tộc thiểu số như Mường, Mọi, Thái… Nghĩa là lập lại nền thống nhất như các triều trước đời Tự Ðức.
- Nước Việt Nam chưa được độc lập hẳn, thì ít ra cũng được hoàn toàn tự trị, người Pháp không can thiệp vào việc cai trị trong nước.
- Ðịnh rõ cái địa vị nước Việt Nam trong các nước liên hiệp của Pháp. Việc liên kết với Cao Miên mà Ai Lao là việc riêng của mấy nước lân bang chúng tôi. Chúng tôi xin bỏ cái dự án liên bang ở Ðông Dương, vì đó là một cách lập lại chế độ Ðông Dương toàn quyền. Chúng tôi nhất quyết không muốn ở dưới quyền một chức toàn quyền như trước nữa. Nước Pháp nên đổi thái độ mà theo đúng tinh thần thời nay, đừng cho đổi cái tên gọi mà vẫn giữ sự thực như cũ.
- Nước Việt Nam phải có quân đội quốc phòng độc lập.
- Nước Việt Nam sẽ có các cơ quan tài chính cho đúng với cái nghĩa một nước tự chủ. Chúng tôi sẽ sẵn sàng xét các quyền lợi về đường kinh tế của nước Pháp và các nước lân bang như Cao Miên và Ai Lao cho đúng lẽ công bằng.
- Nước Pháp nên định một cái hạn trong mấy năm sẽ cho nước Việt được độc lập hẳn.
- Nước Việt Nam sẽ có đại biểu ngoại giao với các nước ở Á Ðông và các nước khác có quyền buôn bán với Việt Nam.
Bảy điều ấy là những điều chúng tôi đưa cho người đại biểu cao ủy Ðông Dương là ông Cousseau vào khoảng đầu năm 1947. Ông Cousseau xem rồi nói rằng: “Nước Pháp sẽ cho nước Việt Nam được hơn nữa. Chỉ có một điều thứ sáu là hẹn cho hoàn toàn độc lập, thì nay tôi không dám chắc, vì tôi không có phận sự bàn về việc ấy”.
Tôi nói: “Nước Pháp ưng thuận những điều ấy, thì phải đảm nhận hẳn hòi, rồi cựu hoàng Bảo Ðại sẽ đứng ra điều đình với quân kháng chiến để đem lại hòa bình. Nhưng cần nhất là phải để cho cựu hoàng hành động tự do, người Pháp đừng ra mặt can thiệp vào việc của ngài làm. Chỉ xin một điều là cho những người làm việc ra Hương Cảng giúp cựu hoàng mà làm việc”.
Ông Cousseau nói: “Những việc ấy có thể được cả, nhưng để tôi điện về Sài gòn và chờ bên ấy trả lời ra sao đã”.