Menu Đóng

Chương 10

XUÂN TÓC ÐỎ THI SĨ

MỘT CUỘC TRANH NHAU MỌC SỪNG

TƯ TƯỞNG BẢO THỦ CỦA BÀ PHÓ ÐOAN

Sau khi ra phòng ăn để tiêu thụ một bữa cơm tây rất sang trong y như những người Việt Nam thượng lưu khác, Tuyết lại rủ Xuân đi bách bộ trong hoa viên của khách sạnBồng Lai cho tiêu cơm. Sợ gặp ông Victor Ban, Xuân thoái thác là mệt… Tuyết giận dỗi nói:

– Ồ! Mình nói lạ nhỉ! Khi người đếnBồng Lai thì không phải để người ta mệt, nhung mà để người ta chơi! Thời buổi này là thời buổi của khoa học, của gân cốt, của thể thao, thì một thanh niên tráng kiện như mình không được nhọc mệt, nhất là mình lại là ông đốc! Vả lại, thế là mình lừa dối tôi đấy nhế? Như thế mà tự nhận là quý đàn bà như người Tây phương! Không biết nếu mình đã làm hại cả một đời tôi rồi thì đến thế nào!

Trước những lý luận chính đáng ấy, Xuân lại phải ngồi nhỏm lên mà rằng:

– Chúng tôi rất được hân hạnh.

Xuân toan ra ngay, nhưng bị Tuyết ngăn lại:

– Hãy khoan!

Rồi Tuyết bấm đầu ngón tay, lẩm bẩm tính:

– Một bạn gái, hai bạn giai, ông Victor Ban, tất cả là bốn người!

Hí hửng nhìn Xuân, Tuyết nói to một cách ngây thơ:

– Những bốn người, mình ạ! Những bốn ngưòi đã phải nghi ngờ tôi là hư hỏng, thế có sung sướng không? Chỉ nay mai là có người đồn đến tai thầy đẻ tôi mà thôi! Hoặc không thì ít ra cũng đến tai cái thằng vị hôn phu của tôi! Thế cho bõ ghét.

Xuân ngây ngô nói:

– Thì ra làm cái nghề chồng mọc sừng đã khổ mà làm cái vị hôn phu như thế cũng không sướng.

Tuyết cười khanh khách:

– Mình nói thâm thúy lắm! Thật rõ là ngôn ngữ của một người ở thế kỷ hai mươi chúng ta. Nhưng mà chưa chắc tôi đã cho mình mọc sừng đâu mà phải sợ.

Ngừng một lúc, Tuyết lại nói:

– À, thế ông vìa và bà cụ ở nhà thế nào?

Ngơ ngác một vài phút để đủ thì giờ hiểu, Xuân mới nói một cách buồn rầu:

– Anh chẳng may bồ côi sớm.

– Cụ ông chết, cụ bà còn hay cụ bà chết, cụ ông còn?

– Cả hai đều đã mất cả.

Tuyết chớp hai con mắt lúc đỏ loé những ánh sáng hạnh phúc, nói:

– Cứ một điều ấy cũng đủ cho anh đáng mặt lấy tôi làm vợ đấy! Tôi lấy anh thì là tôi không có mẹ chồng! Sướng chưa? Bồ côi sớm như anh thế là tốt số lắm!

Xuân còn ngầm nghĩ chưa biết nên đáp thế nào thì Tuyết lại tiếp:

– Anh đừng phân vân nữa, anh đốc ạ. Nếu hư hỏng dại dột như số đông thì ngay lúc nẫy tôi đã dại dột với anh rồi chú còn gì! Ðằng này tôi biết giữ gìn lắm, bao giờ cũng thế.

Xuân cười nhạt, nói bông:

– Ðằng nào thì cũng phải một lần…

Nhưng Tuyết cãi lại một cách rắn rỏi:

– Thôi đi! Ðể đến hôm tân hôn, anh lại cắt tại lợn ấy à?

Lời lẽ khôn ngoan sắc sảo ấy khiến Xuân Tóc Ðỏ sung sướng lắm, vì nó tin rằng mai sau có lấy Tuyết cũng không sợ mọc sừng nữa.

Hai người kề vai nhau ra khỏi gian phòng, đi về phía vườn hoa. Nhưng cây hoa kèn, hoa mỏm chó, nở sặc sỡ ở trên các luống nghìn tía muôn hồng, rõ ra cảnh Bồng Lai thật sự. Thỉnh thoảng, trên lớp đá cuội, một vài chiếc hoa héo, rụng xuống tả tơi…

Một thiếu niên bé nhỏ, mặt hốc hác như mặt những nhà thi sĩ có tên tuổi, đôi mắt lờ đờ, cái thân thể ốm o lẩn trong bộ Âu phục quần chân voi, cứ đăm đăm chiêu chiêu nhìn Tuyết… Cô này khẽ bảo bạn:

– Ðây, xin giới thiệu anh một người muốn chiếm trái tim của tôi…

Mới nghe thế, Xuân cũng thấy máu ghen chạy lên đỏ cả mặt. Nó quay lại nhìn. Thiếu niên hình như chỉ trông thấy có một Tuyết, nên cứ thoăn thoắt vung đôi quần chân voi đi theo sau. Tuyết khẽ nói:

– Mặc kệ ngưòoi ta, anh! Một nhà thi sĩ kia đấy! người ấy không hại ai cả.

Nói xong, sung sướng như những cô gái được có người muốn bắt chim, Tuyết cứ nhẩy tung tăng để giẫm lên những đoá hoa rụng trên đường cuội. Nhà thi sĩ thì vẫn đi theo Tuyết thoăn thoắt… Xuân Tóc Ðỏ muốn quay lại cự cho anh chàng vô lễ ấy một vố, thì chợt anh chàng ngâm nga rất to:

Nàng tiên rảo gót trên đường cuội,

Hoa thẹn! Ðầy đưòng rụng tả tơi,

Cái đẹp vẫn thường ghen cái đẹp,

Mỹ nhân giẫm nát những hoa – Hoài

Xuân nghe thế, sắp sửa đổi lòng căm tức ra lòng kính trọng, thì Tuyết cười khúc khích. Nét mặt vẫn thản nhiên như những nhà thi sĩ can đảm chịu đựng nỗi đắng cay, thiếu niên lại ngâm:

Chẳng được như hoa vướng gót ai,

Lòng ta man mác tả tơi thay,

Vội vàng nhặt lấy bông hoa nát

Ðể áp cho lòng nỗi đắm say!…

Rồi nhà thi sĩ cúi xuống nhặt bông hoa lên, dừng chân đứng yên, ấp cái hoa vào lòng bằng hai cánh tay vòng tròn y như ôm một người tình nhân tưởng tượng.

Không thấy tiếng giầy lạo sạo trên cuội theo mình nữa, Tuyết dừng chân, quay lại nhìn sau lưng… Cử chỉ của nhà thi sĩ khiến Tuyết phải nói:

– Thế có cảm không hở anh? Ấy anh chàng theo đuổi tôi đã mấy tháng nay rồi đấy. Anh chàng thì cảm quá rồi mà mình lại không cảm kia chứ!

Xuân Tóc Ðỏ nghiến răng hỏi dồn:

– Có thực nó cảm không?

– Thì lại còn thế nào mới là cảm nữa?

Trong óc Xuân lúc ấy có một luồng tư tưởng văn chưong chạy qua. Nọ tự thấy đáng hổ thẹn, nếu không đọc thơ như kẻ tình địch. Mà muốn ngâm thơ thì nào có khó gì? Nó nhớ ngay đến những bài thơ nó đã đọc lầu lầu mấy năm xưa, những khi còn làm nghề bán nói trước máy phóng thanhcho những nhà bán thuốc. Nó bè bảo Tuyết:

– Em muốn anh ứng khẩu bài thơ cho gã ấy không?

Tuyết vỗ tay reo:

– Nếu được thế thì còn danh giá nào bằng!

Xuân Tóc Ðỏ bèn chắp tay sau lưng, tiến đến nhà thì sĩ ngâm nga rất dõng dạc:

Dù già cả, dù ấu nhi,

Sương hàn nắng gió bất kỳ – biết đâu?

Sin ra cảm, sốt, nhức đầu,

Da khô, mình nóng, âu sầu, ủ ê…

Ðêm ngày nói sảng, nói mê…

Chân tay mệt ỏi, khó bề yên vui.

Vậy xin mách bảo đôi lời:

“Nhức đầu giải cảm” liệu đời dùng ngay!

Xuân Tóc Ðỏ còn muốn đọc lầu lầu nữa, nhưng thiếu niên vội xoa tay chịu hàng:

– Xin lỗi ngài! Thế thôi cũng đủ là một bài học cho bỉ nhân… thán phục! Vậy để rồi bỉ nhân luyện lối trào phúng thì mới mong đối đáp ngài được!

Nói xong, nhà thi sĩ ấy cúi đầu kính cẩn chào Xuân rồi chuồn mất với cái mặt đỏ những hổ thẹn. Xuân đến gần Tuyết, được khen:

– Giời ơi, anh là một bậc kỳ tài! Thật là xuất khẩu thành chương. Mà thơ như thế thì thật trào phúng lắm, không kém gì Tú Mỡ. Nhưng mà thơ của anh sao có nhiều mùi thuốc thế?

Không biết cắt nghĩa ra sao, Xuân bèn đố lại:

– Ðố biết đấy.

Tuyết lại tự trả lời cho câu hỏi của mình:

– À phải rồi! Tại anh đã học trường thuốc nên thơ của anh cũng có mùi khoa học chứ gì! Thật là văn chương đốc tờ đấy.

Cùng vui sướng, cả hai lại sánh vai nhau đi lững thững về phía bể bơi… Chợt Tuyết sợ hãi, rối rít khẽ nói:

– Chết! Anh phán! Thôi, chốc nữa, mình tìm tôi quanh trong này nhé!

Nói xong, Tuyết lẫn sau một cây nọ rồi trốn mất.

Trước mặt Xuân Tóc Ðỏ, lúc ấy hiện ra ông phán mọc sừng, cùng đi với môt người đàn bà.

Hôm nay ông phán mày râu nhẵn nhụi, áo quần nho nhã bảnh bao, trông rõ ra vẻ môt người mọc sừng vô tâm, thấy cuộc đời là vui vẻ… Người đàn bà thì ăn mặc lối nửa tân nửa cựu, trông có vẻ ham muốn cái hư hỏng của phụ nữ giải phóng lại vừa nhớ tiếc cái đức hạnh gánh vác của phụ nữ cổ hủ, muốn rõ là hạng người nào trong xả hội cũng khó khăn thay!

Xuân Tóc Ðỏ không biết đấy có phải ông phán đi với vợ không, vì nếu không thì cũng là sự lạ khác. Mặc kệ, cứ biết bổn phận phải nói thì cứ nói, nó bèn kính cẩn chào cả hai người rồi đứng ưỡn ngực ra, dùng cái giọng thổi loa xưa kia mà rằng!

– Thưa ngài! Ngài là một người chồng mọc sừng!

Ông phán kinh hãi đến tái mặt, ấp úng giới thiệu:

– Ðây, đây là… người yêu của tôi, mà thôi!

Vì ngu dại, Xuân hốt hoảng mách:

– Thế à! Nếu vậy thì may cho ngài quá! Thế thì hiện nay bây giờ vợ ngài có lẽ đương làm cho ngài mọc sừng ở trong kia!

Ông phán lại tái mặt hơn nữa, thất thanh hỏi:

– Sao? Ngay trong cảnh Bồng Lai nầy ấy à?

Xuân Tóc Ðỏ giậm chân xuống đất, chán đời:

– Những việc như thế không ở cảnh Bồng Lai thì còn ở đâu nửa!

– Chết! Chết! Quan bác mau dẫn đệ đến đấy ngay mới được! Ði!

Xuân Tóc Ðỏ rảo cẳng đi ngay. Hai người lạch bạch chạy theo, rối rít như những ai muốn được mục đích những cảnh ái tình của người khác. Ðến cái cửa buồng ấy thì Xuân dừng lại, đưa mắt cho ông phán mọc sừng. Ông này vừa thở vừa gõ cửa, 15 phút, cánh cửa hé mở ra. Rồi bên trong có tiếng đàn bà the thé rít lên: “Giời ơi! chồng tôi!”. Rồi ông phán hục hặc:

– Ðồ khốn nạn! Ðồ chó đểu!

Xuân Tóc Ðỏ và người đàn bà kia thập thò đứng bên ngoài. May sao lúc ấy thiên hạ mải bơi, lội, tắm ở hồ cả. Ấy là vì ông phán thấp cổ bé miệng nên tiếng than không thấu đến trời vậy!

Người tình nhân lúc ấy đã mặc được quần áo, khôn ngoan mà hỏi dịu:

– Kính chào ngài! Bẩm thế ra ngaì là người chồng?

Ông phán phát bẳn mà rằng:

– Tôi không là người chồng thì tôi còn là con chó gì nữa?

Người tình nhân lại cúi đầu kính cẩn có ý công kích ông phán về mục xã giao:

– Chúng tôi rất hân hạnh… Bẩmngài, ngài là người thượng lưu, trước sau tôi vẫn giữ lễ độ với ngài, thưa ngài!

Ông phán hổ thẹn cãi:

– Thưa ngài, dù tôi là người mọc sừng thì tôi cũng vẫnlà thượng lựu trí thức chứ?

– Vâng, ấy ngài cứ dịu dàng thế cho! Vì nếu mọc sừng thì không phải lầnnày là lần đầu, vậy ngài nổi nóng cũng vô ích, chỉ tổ thiên hạ cười cả đôi chúng ta mà thôi. Thưa ngài, quả thực hôm nay tôi vẫn kính trọng vợ ngài!

Từ ấy trở đi, hai bên đều hết sức lễ phép với nhau để tỏ cho nhau biết cùng là thượng lưu nhân vật. Tuy nhiên ông phán cũng trỏ vợ mà nói:

– Thưa ngài, dù là vợ tôi đây kia đã mặc quần áo vào như thế kia rồi, thì tôi cũng không dám chắc. Là vì cổ nhân đã dạy:Nam đáo nữ phòng nam tất đãng, nữ đáo nam phòng nữ tất dâm.

Biết rằng trước lý luận cứng cỏi đến như thế thì chối cãi tội gian phu của mình cũng khó lắm, người tình nhân bèn cãi:

– Thưa ngài, mọc sừng không phải là cái xấu, nhưng chỉ là cái chẳng may, một cái tai nạn vậy. Như Nã Phá Luân đánh Ðông dẹp Bắc như thế, lại đẹp giai như thế mà cũng mọc sừng thì ngài bảo sao?

Thấy mình được bắc lên ngang hàng với Nã Phá Luân, ông phán mọc sừng cũng có hả dạ đôi chút. Tuy nhiên ông cũng nói:

– Bẩm ngài, dù là xấu, dù là chẳng may, thì mọc sừng cũng là chịu thiệt hại. Vậy ngài định mọc sừng cũng là chịu thiệt hại. Vậy ngày định đền bù tôi ra làm sao? Hay tôi phải nhờ đến pháp luật?

Nghĩ ngay đến sở Cầm, tin đăng trên các báo, người tình nhân vội chữa:

– Bẫm ngài, chính tôi mới là người mọc sừng!

Ông phán sững sốt:

– Ồ! Ố! Có thể như thế được chăng?

– Bẩm chính thế! Vợ ngài bảo với tôi là chưa có chồng và vẫn nhận tôi là chồng! Bây giờ tôi mới được cái tin sét đánh đau đớn là người đàn bà ấy đã có chồng! thật quả nhiên ngài lại đây định bắt quả tang chúng tôi, ngài đừng có chối! Nghĩa là vợ ngài có hai chồng. Bây giờ tôi mới biết tôi cũng là một người chồng mọc sừng, thì ngài bảo sao? Ai phải đền ai? Ai thiệt hại?

Sợ quá, ông phán giẫy đây đẫy:

– Tôi không biết! Tôi không lôi thôi! Ông Xuân, xin ông làm chứng cho tôi rằng tôi là người chồng mọc sừng…

Xuân cúi đầu nhã nhặn:

– Chúng tôi rất hân hạnh.

Thấy nguy, người tình nhân doạ già:

– Bẩm, thế này thì chưa biết tôi hay ngài bị thiệt hại… Vậy thì có lẽ tôi phải đi hỏi luật sư mới được. Thưa ngài, đã là viên chức thì ngài phải hiểu luật, phải trọng pháp luật hơn người khác.

Nghe thấy nói đến thầy kiện, lại sợ mình trái luật thì ắt không còn là một viên chức gương mẫu trung thành nữa, lại không hiểu mình có trái luật không, lại sợ người ta bắt được quả tang mình muốn bắt quả tang người ta, ông phán bèn nháy mắt cho người yêu, bắt tay tình nhân vợ ông, lễ phép nói:

– Thôi, kính chào ngài, rất mong có phen tái ngộ…

Rồi ông rảo cẳng ra khỏi cảnh Bồng Lai như người đi trốn, có người tình nhân của ông lẽo đẽo theo sau. Riêng về phần Xuân, thấy nói đến luật sư cũng đâm hoảng, sợ lôi thôi đến mình, thì đầu chẳng phải lại phải tai, nói cũng cắm cổ đi nốt.

Tìm thấy Tuyết rồi, nó hốt hoảng nói:

– Ði, ta đi ngay không thì lôi thôi to bây giờ! Tuy chưa hiểu rõ, Tuyết cũng kinh hoàng mà chạy theo Xuân. Cả hai ra đến cái cổng Nhật Bản thì lại thấy ngay cái xe ô tô của bà phó Ðoan đứn sừng sững.

Bà này nhẩy xuống, gọi Tuyết, nói to:

– À, cô này đã có ngưòi sêu tết rồi, thề là không có phép!

Tuyết bĩu môi, chỉ Xuân:

– Người này chỉ là một người bạn trai của tôi, thế thôi! Không hơn không kém.

Rồi Tuyết nhẩy lên một cái xe cao su, mặc kệ Xuân với bà phó Ðoan…

Bà này bảo Xuân:

– Như ý tôi ấy à? Con gái bây giờ hư lắm, chỉ ăn chơi thôi, Ðàn bà thì phải biết tòng nhất nhị chung, thế nào là tam tòng tứ đức, thế nào là trinh tiết đức hạnh?

Thấy Xuân câm miệng hến, bà liều mà nói:

– Còn ông, thì ông phải đứng đắn, đừng có tìm cách hại một đời người ta. Ðã có người sêu tết người ta, thế là người ta đã có chồng rồi. Phương ngôn có câu: Giai tân gái hoá thì chơi, đừng nơi có vợ, đừng nơi có chồng!

Nghe đến đây, chợt nhớ đến mọi sự lôi thôi lúc nẫy, lại chợt nhớ đến bà phó Ðoan đương goá chồng, Xuân Tóc Ðỏ ấp úng nói:

– Thưa bà, bà tha phép cho, nếu bà không trinh tiết với hai ông chồng như thế thì… bẩmt ôi cũng mạn phép mà… phải lòng bà rồi!

Bà phó Ðaon tủm tỉm cười mắng:

– Ê! Ê! Rõ đồ ê trệ chửa!

Rồi bà lên xe, bảo tài xế phóng nước đại.

Bà đi trốn ái tình.

Xuân Tóc Ðỏ phải từ giã cảnhBồng Lai, cuốc bộ về hiệu Âu Hoá.