Menu Đóng

Chó săn

Từ hôm con Cộc bị bẫy “cò ke” mất, không phiên chợ Dầu nào, cả Nội không la cà suốt ngày ở dãy hàng chó. Giời nắng cũng như giời mưa, ông mê man chọn lọc với một lòng kiên nhẫn không bờ. Cả Nội mua lại bán, bán rồi lại mua kể có đến mươi mười lăm con chó, vẫn chưa vừa ý con nào. Con được vẻ này, hỏng vẻ nọ không đúng vào “đồ”. Có con nuôi ba, bốn tháng béo tốt hẳn hoi, không biết cả Nội nghĩ thế nào lại đem bán đi. Ông bảo: “Nuôi con chó nó có ra con chó mới bõ công!”.

Cả Nội đi săn từ năm mười bốn mười lăm tuổi đầu. Hồi còn mồ ma cụ đám Vui, buổi săn nào ông cũng vác dầm vác móc đi theo. Thế cho nên cả Nội nổi tiếng là tay chơi lão luyện, và bao giờ cũng chơi “cầu kỳ” theo những kinh nghiệm già dặn của ông.

Một hôm, nhân sang làng bên ăn cỗ, cả Nội để ý ngay đến con Vện của chủ nhà, vừa gây, vừa lường, la liếm khắp sân. Cái lối chạy “rẻo khoeo” có dáng luôn lỏi ấy, ông biết là con chó săn được. Cả Nội “chậc chậc” gọi con Vện lại, lia cho nó vài chiếc xương rồi ngây người ra ngắm. Thật từ ngày biết chơi chó đến giờ, ông chưa thấy con nào hoàn hảo như con này. Khó tính như ông, thế mà soi mói mãi cũng không tìm ra vẻ gì chê được.

– Kìa, lên đũa đi chứ ông cả. Nghĩ ngợi gì mà ngây người ra vậy?

– À hà! Không.

Mâm rượu tàn. Tiếng cười nói càng thêm ầm ỹ. Người nhà quê thổ lộ can tràng trong lúc này nhiều nhất. Cả Nội nói với chủ nhà:

– Này ông khán này! Tôi muốn phiền ông cái này nhá.

– Được ông cứ nói.

Cả Nội ngần ngừ một giây rồi nói:

– Muốn ông để cho con chó kia.

Khán Ích bông lơn:

– Cứ là một nén?

Dứt lời, ông cười ha hả.

– Vâng, ông anh có lòng để cho là quý rồi.

Cả Nội toan móc ví, khán Ích vội xua tay:

– Nói đùa đấy! Nén bạc là nén bạc, anh em là anh em. Có vẳng (phải) không, các ông?

Bao giờ cũng thế, những lúc say khán Ích cũng tỏ ra là người rộng rãi, coi thường đồng tiền và có tài ăn nói. Rút chiếc khăn mặt vắt vai bằng vuông vải to cáu bẩn lau mép, ông dặng hắng mấy tiếng rồi cảm khái luôn một hồi:

– Cái nghĩa rằng là anh em mình đã biết nhau như thế này, một con chó chứ đến mười con chó cũng không dám tiếc. Phần thứ nhất nghĩa là tôi không biết chơi, nuôi chó cũng cầm bằng phí cả cái con chó quý đi. Phần thứ hai nữa là ông cả tôi đây lại có lòng sở thích đến thời tôi đâu dám tiếc. Phần thứ ba nữa là anh em mình sống ở trên đời cần nhất phải lấy một sự giao thiệp với nhau làm đầu. Ờ, như ông cả tôi đây đem nó về. Sau này săn được cầy, tôi sang bên ấy đánh chén. Anh em thù tạc mới nhau, thế là tôi sướng cái bụng tôi rồi.

Mọi người đều say khướt, khật khù trả lời:

– Ông nói vẳng (phải), vẳng lắm lắm…

Thế là buổi chiều hôm ấy, cả Nội hỉ hả dắt chó ra về.

° ° °

Con Vện đã gầy nhỏm gầy nhom, giơ xương sườn xương sống ra lại còn mắc bệnh lường. Lông rụng nham nhở, chỉ còn lơ phơ vài cụm; da sần sùi mốc thếch có chỗ ve cắn rớm cả máu. Dáng thấp lách chách, đi bên nọ dẻo bên kia. Nhất là những lúc chữa bệnh lường bị bôi mẻ với bánh đúc thiu đầy mình, nó lăn lộn, chu chéo kêu vì xót thì thật không còn thể sao khá ra được. Thế mà không hiểu nó có những ẩn tướng gì mà cả Nội quý nó thế. Đã có lần ông đánh cậu Khôi – con câu tự – ba chiếc roi mây quắn tỹ vì cậu đã đá con Vện một chiếc vì tội nó ăn vụng miếng chả. Cho nên cả nhà từ cô Hương, cô Sở, đến bà cả, ai ai cũng ra ý ghét con Vện. Bà dằn vặt ông:

– Bán cổ mẹ nó đi! Báu gì con chó ốm ấy.

Những lời bà nói ông không thèm để vào lỗ tai: “cái trò đàn bà biết gì”. Ông đã có mấy ông bạn hôm nào cũng đến ngắm nghía chó với con mắt thèm muốn và ganh tỵ làm ông nở nang từng khúc ruột. Nhiều lần có ông nói ra miệng:

– Sao ông cả may thế! Bơ phờ thế nào vớ ngay được con chó này. Mình thì chả gặp cho!

Cả Nội tươi cười, nói bông:

– Chuyện? Quý vật tầm quý nhân mà lại?

Cả đến khán Ích chả hiểu chó má ra sao cả cũng sang chơi luôn, và hay tẩn mẩn hỏi han cách chơi. Ông cũng muốn tập tành cho biết cái nghề săn. Theo ý ông, nhà cũng gọi là có mà không biết chơi bời cái gì cũng đụt.

– Này ông cả này! – Khán Ích hỏi – Chơi chó săn thế này có khó không nhỉ? Chứ con Vện này, thực tình tôi trông chả được vẻ gì cả.

Cả Nội chậm rãi:

– Kể ra cũng chẳng khó. Cần nhất phải đi săn nhiều mới hiểu được. Còn như chọn chó, thì đã có kiểu sẵn. Một con chó săn hoàn toàn phải như thế này: sườn dê, khoeo mãn, chân múi quýt, đít lồng bàn, mắt mê, mí sập, mũi ba ba, mõm phạt ống giầu, tai sim, đuôi vòi đàn hoặc tam phốc, lông kim sào và thấp ràn 1.

Khán Ích cười bỡ ngỡ:

– Khó thế thì làm sao biết được “sườn dê” với chả “khoeo mãn”? Sao cứ phải đúng kiểu vậy mới săn được?

– À trông mãi nó quen đi chứ. Còn như những kiểu ấy rất cần cho con chó săn cầy. Có “sườn dê” mới chịu luồn lỏi chui rúc. “Khoeo mãn” mới nhanh nhẩu rẻo rang. Mắt mê mới gan. Mí sập mới không sợ gai. Thấp ràn mới dễ chui. Nói cho cùng có những kiểu trên kia con chó mới dễ dàng xông xáo luồn lách trong bụi cây gai góc rậm rạp được.

– À, ra thế đấy. Cứ con nào đủ kiểu vậy là chó săn hay đấy!

– Như thế đã đủ sao được? Còn nhiều cái khác nữa. Chẳng hạn. con chó đã đủ kiểu rồi lại phải “khai tiền khai hậu” 2 mới rộng đất săn chứ.

– Rộng đất săn! Hì, thế nào là rộng đất săn ông nhỉ?

– Ông này hỏi lẩn thẩn quá.

– Chuyện! Không biết mà lại!

– Rộng đất săn là con chó dám bỏ chủ đi rất xa tìm hơi cầy. Mới bắt được “hơi gió” tìm ra “lũy ống”.

– Gớm, kỳ cầu quá nhỉ?

– Cũng chẳng kỳ cầu đâu. Rồi con Vện này “nổi” lên ông sẽ biết hết.

Chầm bạp ba tháng, con Vện khỏi lường, béo tốt ra. Lông mượt mà óng ả. Dáng dấp mạnh mẽ, nhanh nhẹn, không dặt dẹo như trước nữa.

Biết rằng đã có thể “vực” được rồi, cả Nội rút ở hồi nhà ra một chiếc đuôi cầy khô cắm vào thanh tre vót nhẵn nhụi. Xích chó ra một nơi; ông ra vườn quệt chiếc đuôi cầy khô xuống đất. Đi ngoằn ngoèo một quãng rồi cắm vào khe tường, và lấp đất ra ngoài. Đoạn, ông dắt con Vện ra; luôn miệng bắt nó tìm:

– Hẩy! Hẩy!… Hẩy! Hẩy! Tìm xem nào? Tìm xem nào?

Con Vện gằm đầu xuống, tung tăng chạy, mũi phì phò đánh hơi. Bỗng nó hít rất mạnh mấy lần, ấm ứ kêu, đuôi ngoáy tít.

Bắt gặp hơi cầy, nó chạy loạn ngoằn theo đường đuôi quệt khi nãy. Đến khe tường, chỗ giấu cái đuôi, con Vện hục hặc, ấm ẳng cắn ran. Hai chân trước bới tung đất lên. Cả Nội nở một nụ cười mãn nguyện chạy lại vuốt ve con chó.

Từ đấy, trong khu vườn cây ăn quả rườm rà, xanh um, hôm nào cả Nội cũng đem chó ra vực. Trước còn giấu chỗ dễ và gần, sau càng xa và hiểm hóc hơn. Có khi cách tường, cách ao, cách lũy. Bao giờ con Vện cũng tìm ra một cách mỹ mãn.

Một lần khán Ích sang chơi, cả Nội thử cho xem. Ông Khán khoái chí vỗ tay reo:

– Khá quá! Khá quá! Hôm nào đẹp giời, ta đi săn một chuyến xem sao.

Cả Nội lắc đầu:

– Đã săn thế nào được! Còn là vực chán. Với lại đến tháng Tám này mới bắt đầu vụ săn cơ mà! (ông lên giọng giảng giải): Giống cầy khôn lắm. Bao giờ cũng ở những lũy cao và dầy, mà ở ba hang: Một “hang quần” 3, một hang “sí” 4 và một “hang chính” chứ có phải độc một chỗ như mình giấu đuôi đâu.

– Thế thì biết hang nào chính mà đào?

– Chuyện, thế mới phải vực nữa.

Hôm sau, cả Nội không vực chó ở vườn. Ông đem con Vện ra lũy. Cứ “Hẩy! Hẩy!” mồm không sai chó tìm hơi.

Vực chó về tháng Sáu rất tốt. Vì cầy non cả hơi và xung quanh lũy nhiều nước cầy không đi ăn xa được, chó rất dễ tìm. Ngày nào cũng như ngày nào, đem chó ra đến lũy là cả Nội quát tháo, sai khiến như vị tướng điều khiển quân sĩ.

– Tìm xem nào! Tìm xem nào! “Trâm tra” xem nào! Quần hay sí! Cầy thì quát (sủa)! Cầy thì bới nào!

Còn con Vện đuôi ngoáy tít, mõm vục vào miệng hang hít lấy hít để. Cũng có khi bới nhầm phải “hang quần” hay “hang sí”. Những lúc ấy cả Nội đánh, mắng không cho bới.

Nhờ sự chăm chỉ và lối vực có phương pháp, hai tháng sau con Vện đã thành chó “phu”, săn tạm được.

Nhưng mãi đến vụ săn năm sau con Vện mới thành chó “lọc”. Một con chó “lọc” hoàn toàn có nhiều tài riêng, con khác không thể có được.

Bây giờ trong những bữa rượu thịt cầy, cả Nội thường lên mặt với bạn làng săn cái tài “vực” chó của mình:

– Con Vện ở tay tôi chứ ở tay người khác không thể hay thế được.

Thể nào cũng có một vài ông khen nịnh:

– Chuyện? Chim hay tại nó, chó hay tại người, mà lại!

Bọn họ năm người cả thẩy. Cả Nội, trương Quất, khán Ích, hai Cỏn và cu Dĩu – Dĩu đi theo để cho người lớn sai bảo việc vặt.

Ho đi từ mờ đất. Sáng tháng mười, sương còn bao phủ khắp nơi. Gió lạnh bén vào da căm căm rét. Mỗi người bỏm bẻm một miếng trầu cho ấm miệng. Họ nói cười vui vẻ, bàn soạn việc săn hôm nay.

Con Vện hồng hộc căng xích, nó muốn được tự do. Khán Ích ghìm sái cánh vẫn bị nó lôi lệch thếch. Ông bàn:

– Hay là ta thả nó ra, ông cả ạ.

– Ấy chớ? Thả bây giờ, chạy nhông phí sức.

Đến lũy làng Đại Sơn thì sáng rõ. Mặt trời nhô khỏi rặng tre gieo ánh nắng khắp đồng. Sương tan dần và không khí bớt lạnh. Ruộng trơ gốc rạ, lấp lánh sương mai. Từng đợt gió từ xa lùa tới. Cả lũy tre rung lên những tiếng lào xào. Bầu trời xanh ngát không qua một gợn mây, hứa hẹn một ngày tươi đẹp. Bây giờ giữa mùa săn và cầy đang độ béo.

Con Vện được thả, luồn lỏi trong lũy rậm, hục hặc đánh hơi. Lúc ấy người cũng lom khom tìm vết chân, vết mũi cầy 5 trên đất nhã bên lạch nước váng ngầu.

Vòng quanh hết lũy làng Đại Sơn sang lũy làng Dưỡng Mông vẫn không thấy vết cầy. Chợt khán Ích reo:

– A! Lốt chân đây rồi!

Mọi người vội vã chạy lại nhưng ai nấy đều chưng hửng.

– Có phải lốt chân cầy đâu! Đây là chân cáo.

Về trưa, trời nóng rát. Nắng hanh làm da mặt bứt rứt khó chịu.

Mọi người đã ngót dạ. Họ uể oải tìm kiếm. Bỗng con Vện hít mấy hơi dài, kêu ấm ứ. Đầu gằm xuống đất đuôi ngoáy tít lên, nó nhanh nhẩu chạy theo cái vệt vô hình của con cầy đi ăn đêm trước để lại.

Từng ấy cái miệng đều sung sướng reo lên:

– Cầy rồi!

Đột nhiên, con Vện đứng chừng lại, ngửi quanh ngửi quẩn ra ý hoài nghi. Một lúc lâu, nó chạy tọt sang bên kia lũy cắn vang.

– Thôi, lại “lũy ống” rồi! – Hai Cỏn nói.

Năm người vội vạch lũy sang. Một cái lũy khác nữa đâm thẳng vào cái lũy lúc nãy, người đi bên kia vô tình không biết (thế gọi là lũy ống). Con Vện ra công bới dưới bụi cúc tần rậm rạp. Những mảnh đất tung lên dưới hai bàn chân hoạt động của nó. Thấy chủ, con Vện ngửng đầu lên, hai mắt long lanh như khoe khoang, đuôi ve vẩy như chào đón, rồi thong dong lảng ra một chỗ, đứng thừ dưới bóng cây râm mát, hai mắt lim dim mỏi mệt nhìn nắng vàng, nhìn người hì hực đào. Lưỡi thè dài ra “hà hà” thở, nước rãi rỏ từng giọt theo nhịp bụng lên xuống.

Có kết quả rõ ràng, họ quên cả mệt, đói, mải miết đào, thay tay hết người nọ đến người kia. Trời tháng Mười mà mồ hôi vã ra ướt đầm hai vai áo. Sâu chừng một thước tây, hang ấy chia ra bốn chi 6.

Trương Quất nghỉ tay cầm nón quạt:

– Cho chó vào “trâm tra” 7 xem chi nào đi thôi.

Con Vện đang lơ mơ thì tiếng “Hẩy! Hẩy!” gọi làm nó giật mình, chạy lại:

– Hẩy! Hẩy! Trâm tra xem nào! Quần hay Sí nào! Cầy thì quát!

Mỗi lời cả Nội dứt con Vện lại hít mạnh một hơi.

– Cầy thì bới! Cầy thì quát nào!

Đến một “chi”, con Vện hít đi hít lại mấy lần. Chân bới, mõm sủa.

– Âu, âu, âu.

Cả Nội khoan khoái:

– Chi này rồi!

Mọi người lại thay nhau đào. Sâu chừng nửa thước tây nữa, có chỗ rộng thùng ra. Khán Ích nghi ngờ ngừng tay quay lại hỏi:

– Nhầm rồi ông trương ạ. Đến ổ rồi vẫn không có cầy.

Trương Quất cau mặt ra ý khó chịu cái tính đã không biết gì lại hay hỏi của khán Ích. Ông xẵng giọng:

– Chậc! Đã đến thế nào được ổ! Chỗ thùng là chỗ con cầy dùng để quay đầu ra lúc chui vào đấy. Bây giờ ông đào “bóp loa kèn” hộ đi.

Càng vào trong càng đào nhỏ dần, thuôn thuôn như cái phễu. Hai Cỏn thay khán Ích vì còn phải bắt cầy, ông bắt nhẹn và gọn lắm. Có tiếng lục đục bên trong. Đào thêm mấy lưỡi thuổng nữa, một cái đuôi trật ra ngoài. Nhanh như cắt, hai Cỏn bỏ thuổng, một tay nắm chân, còn tay nắm đuôi lần dần lên gáy. Giống cầy rất khôn, chọn chỗ ở hiểm hóc; nhưng rất dại khi người ta bắt. Nó sợ quá đến nỗi không dám quay lại cắn, cứ cắm đầu lôi miết, mong chạy thoát.

Cầm chắc chắn gọn gàng con vật trong tay, hai Cỏn lôi tuột ra. Con vật giãy giụa, chân đạp lung tung. Cái mõm dài há rộng lởm chởm những răng nhọn hoắt, kêu choe chóe. Trong lúc ấy trương Quất đã làm xong cái nẹp buộc cầy.

“Âu! Âu! Âu” Con Vện nằm dưới gốc duối hướng về phía mọi người cắn: “Âu! Âu! Âu”.

Khán Ích vui sướng rộn ràng. Lòng ông lúc ấy cũng múa lên như đuôi con chó gặp hơi cầy. Sự khoái chí bồng bột được phác rõ rệt trên nét mặt gần như đần độn của ông. Giằng mạnh ria mép xoắn đi một vòng, ông cười:

– Ay hầy! Lại cầy nữa ạ!

Không những con Vện rộng đất săn: tìm ra “lũy ống” bắt được hơi gió nó lại có biệt tài không con nào có nữa là tìm ra “hang cắm”. Chỗ nó nằm như thế có một cái hang ăn sầu thẳng xuống đất.

Con Vện lảng ra một chỗ. Mọi người đều trật nón xuống lạch múc nước đổ vào hang. Đất khô hút nhiều nước. Họ vẫn kiên nhẫn làm việc. Một lúc lâu, nước dềnh lên đầy miệng hang. Họ chăm chú nhìn. Một vài tia nước lăm tăm sủi. Chắc chắn dưới hang thế nào cũng có cầy, cả Nội bảo mọi người:

– Anh em im hơi lặng tiếng nấp cả vào bụi đi thôi. Ông khán với cu Dĩu thấy cầy lên chớ vồ, để mặc ông hai đấy.

Họ tản mác mỗi người một bụi. Con Vện cũng lặng lẽ nép bên cả Nội. Hai Cỏn đứng chân le chân vịt bên gốc duối, mắt đăm đăm nhìn miệng hang, mong đợi. Năm phút qua. Mười phút qua. Vẫn chưa thấy cầy lên. Hai Cỏn luôn luôn đổi dáng đứng cho đỡ mỏi.

Bỗng một cái đầu cầy nhô lên khỏi hang nước, e dè thận trọng nhìn xung quanh. Bốn bề vắng vẻ. Con vật thong thả bò lên. Khỏi miệng hang, nó nhắm mắt rũ lông. Nhẹ nhàng và nhanh nhẹn, hai Cỏn tóm trúng gáy, giơ bổng con vật lên, cười tự đắc:

– Tôi tính nó mới nhô lên đã hấp tấp vồ, mấy cũng trượt!

Rửa chân tay sạch sẽ, họ kéo nhau lên chợ Chè mỗi người đánh vài bát bún riêu no lòng rồi hỉ hả ra về.

Trên đường về khán Ích lấy làm vênh vang tự đắc có hai con cầy gánh trên vai, mỗi khi gặp người chỉ chỏ.

Trời đã về chiều. Gió bắt đầu lành lạnh. Phía tây dẫy núi Tam Đảo màu lam thẫm in rõ lên nền trời vàng gắt. Anh chiều như ngừng lại trước giờ phút sắp tàn… Bóng tối từ cánh đồng, trong lùm cây và các làng mạc dâng lên.

Câu chuyện của bọn cả Nội càng giòn giã, nở nang. Họ khoan khoái bước mau. Bữa rượu tiết cầy cứ chập chờn ám ảnh trong đầu khán Ích, làm ông cười nói to nhất. Con Vện lẽo đẽo theo sau, dáng mỏi mệt.

Bỗng nó đứng dừng lại. Ngẩng cao đầu lên, mũi phì phì đánh hơi, nó sủa vang lên mấy tiếng, rún mình nhảy ùm xuống ao, bơi sang bên kia lũy.

Cả Nội giật mình quay lại:

– Con Vện của tôi vừa bắt được cái hơi gió rồi, các ông ạ.

-Ta quay lại xem sao, còn sớm chán!

– Đích thị cầy ở trong chùa chứ không còn sai. Chó đang quát trong đó.

Họ theo con đường tắt nhỏ hẹp vào chùa. Đó là một ngôi chùa chơ vơ giữa cánh đồng xung quanh bao bọc bởi một lũy tre trống trải. Không có sư trụ trì nên cảnh càng đìu hiu, hoang vắng. Những cây muỗm sừng sững reo lá úa đầy sân rêu cỏ. Mái thì ngói sụt, tường thì long lở, ngổn ngang.

Qua sân chùa, bọn cả Nội nhằm chỗ có tiếng chó sủa tiến vào. Trong cái không khí vô cùng tĩnh mịch, dãy tượng La Hán sứt mẻ ngồi nghiêm trang trong bóng chiều nhờ nhờ tối như một thế giới nào không có ở dương gian. Bên ngoài, một vài tiếng quạ vang lên như điềm gở. Vẻ huyền bí rùng rợn. Không ai bảo ai, cả bọn đều đứng dừng lại một cách kính cẩn, sợ sệt. Con Vện vẫn sủa vang trong cuối rẫy như thúc giục. Muốn phá tan cái không khí tắc thở ấy. Trương Quất lên tiếng:

-Sà! Vào trong này các ông!

Dứt lời, ông mạnh bạo đi trước. Mọi người yên lòng lục tục theo sau.

Gian thờ Đức Ông cửa khép hờ như chờ đón. Lưỡng lự một chút, trương Quất tay phải nắm chắc chiếc thuổng tay trái quả quyết ẩy mạnh. Cánh cửa nặng nề quay rít lên một tiếng như tiếng nghiến răng. Tất cả ngần ấy cái miệng đều kêu rú lên. Một nỗi kinh khủng chạy râm ran khắp mọi người. Vứt cả thuổng, cả quắm, họ cắm đầu chạy té ra ngoài sân. Ai nấy, mắt mở trừng trừng mất tinh lạc, mặt tái mét, miệng thở không ra hơi, kêu ú ớ. Trời ơi! Thật rõ ràng cả ngần ấy người cùng trông thấy tượng Đức Ông trợn mắt lắc đầu, mà lắc rất mạnh trong bóng tối sâu, lạnh và ẩm mốc. Cái bộ mặt nanh ác ấy như giận dữ, như đe dọa bọn đi săn xấc láo.

Đứng một lúc lâu mới hoàn hồn, cả Nội lắp bắp:

– Ới dợi ơi là dợi ơi! Khiếp quá… Gọi chó về đi thôi, các ông ơi.

Khán Ích ra ý tiếc rẻ:

– Nhưng còn hai con cầy tôi vứt trong ấy làm thế nào lấy được?

– Cầy mấy chả cầy! Đã rụng rời nổ đốt cả người ra lại còn cứ cầy mãi!

Con Vện ở trong chùa, gọi thế nào cũng không ra. Bỗng cu Dĩu bật cười khanh khách. Cả Nội cau mặt bớp cho nó một chiếc:

– Cười! Cười cái gì?

Nó không im, liến láu:

– Cháu biết rồi, cháu biết tại làm sao ông Phật lại lắc đầu rồi. Độ trước cháu đi bắn chim với thằng cu Lạch, thằng cu Tiễu. Chúng cháu vào trong chùa chơi. Thằng cu Tiễu thấy ông Phật nứt cổ, đố thằng cu Lạch lên bẻ, thế là thằng cu Lạch lên bẻ đôi ngay đầu ông Phật ra.

Trương Quất lắc đầu le lỡi:

– Táo tợn thế thì thôi!

– Không, thằng cu Lạch đấy chứ có phải cháu đâu. Cháu đoán chắc là con cầy nó làm tổ trong bụng ông Phật. Bị chó bới, nó sợ chạy ngược trở lên, lục đục phạm phải cái que cắm ở bụng lên đầu ông Phật cho nên ông ấy mới lúc lắc cái đầu.

Khán Ích cười rộ:

– Ờ! Phải phải! Cu Dĩu nó nói nghe phải đấy các ông ạ. Ta vào bắt nốt, tội gì bỏ phí của.

Khán Ích đi trước, cu Dĩu ton tả theo sau, rồi trương Quất, hai Cỏn, cả Nội cũng vào nốt.

Đầu ông tượng đã rơi xuống bệ gạch, lăn lóc bên bát bình hương sứt mẻ. Cu Dĩu tự phụ:

– Đấy có phải cháu nói đúng không nào.

Chẳng ai buồn trả lời trẻ con. Xem ra mọi người có ý nản; khán Ích săm sắn, đốc thúc công việc. Ông sai cu Dĩu ra sân vơ ít lá khô vào đốt cho thêm sáng.

Ánh lửa bùng lên sáng rực cả gian chùa ẩm lạnh. Bóng ông tượng cụt đầu và bóng mọi người in chập chờn trên vách.

Cửa hang ngay dưới bệ gạch. Hai Cỏn ngồi nép một bên chờ cầy ra để bắt. Khán Ích trèo lên bệ cầm cái que cắm trên cổ ông Phật chọc lấy chọc để. Đã khá lâu cầy vẫn chưa ra. Trương Quất giục hai Cỏn:

– Ông hai xem có “mài” 8 không cho chắc chắn còn về chẳng muộn.

Hai Cỏn thò tay sờ cửa hang. Thì một cái đầu rắn thò dài ra phun phì phì định mổ. Con Vện nhảy bổ lại cứu. Nó nhe răng gừ gừ như muốn nhảy bổ vào con rắn. Con rắn ngừng lại. Thấy hai Cỏn đã thoát, con Vện cũng quay đầu định chạy. Tức thì con rắn nhoai dài mình ra, mổ trúng chân con Vện. Nó rú lên một tiếng thê thảm lăn ra giẫy giụa. Cả Nội hấp tấp ôm choàng lấy chó. Mọi người luống cuống tìm dây, tìm thuốc buộc vết thương.

Trong lúc ấy, con rắn nhẹ nhàng luồn qua kẽ tường nứt, thoát ra ngoài.

Con cầy cũng từ trong bệ gạch chui ra. Khán Ích kêu lên:

– Cầy! Cầy! Ông hai!

Không còn nể lời, cả Nội gắt:

– Cầy mấy chả cầy mãi. Mặc mẹ nó! Chết chó của người ta rồi đây này. Đã bảo thôi, cứ cố tình vào bắt. Thế có phải làm hại người ta không? Vỗ bao nhiêu lâu mới được con chó, bây giờ lấy gì mà thay con Vện được? Tôi tìm thế nào được con Vện thứ hai nữa, trời ơi là trời.

Cả Nội gục mặt vào lòng con chó mà khóc hu hu lên như vợ chết. Cả bọn đứng im.

Khán Ích cũng im như thóc.

Đống lá hết, không người tiếp. Ánh lửa tàn dần, còn thoi thóp vài ngọn không đủ chiếu sáng gian phòng u tối. Một cơn gió lạnh thoảng lọt vào, dăm tiếng lá khô lăn mình ngoài hiên vắng bật lên những tiếng lạt sạt khô rờn rợn.

Con Vện rên ư ử. Hai mắt lờ đờ nhìn cả Nội. Nọc rắn đã thấm vào tim phổi, nó rùng mình luôn mấy chiếc, duôi người ra, và chết lả trên tay chủ.

——————————–
1 Thấp ràn: con chó dáng thấp.
2 Khai tiền khai hậu: hai chân đằng trước và hai chân đằng sau cách nhau xa. Như thế tỏ ra con chó ngực rộng và đít to, khỏe.
3 Hang quần: Hang con cầy dùng để rũ lông khi đi ăn đêm về cho bớt hơi.
4 Hang sí: Hang con cầy dùng để chứa những chất thừa.
5 Giống cầy ăn giun nên phải đi trên đất nhã, mũi sục xuống hút giun vì thế người đi săn phải tìm vết chân và mũi cầy. Mũi cầy giống như mũi lợn con, chân cầy vết dài có móng. Còn vết chân cáo ngắn và không có móng in trên đất nhã.
6 Chi: ngách.
7 Trâm tra: đánh hơi lại cho kỹ.
8 Mài: hang cầy nào cũng vậy, ngoài miệng, phía trên cũng nhẫn thín vì con cầy chui ra chui vào luôn. Chỗ nhẵn ấy gọi là “mài”