Nước Tề(1) đánh nước Yên(2) giết được vua Yên. Người Yên lập thái tử tên là Bình lên làm vua tức là vua Chiêu Vương.
Chiêu Vương lên ngôi, thương dân lo việc nước, cầu người hiền tài. Một hôm, bảo Quách Ngỗi rằng:
– Nước Tề nhân dịp nước ta loạn, sang đánh lấy nước ta. Ta biết rõ rằng nước ta nhỏ, dân ta yếu, thực khó lòng mà báo thù. Song nếu được những người giỏi cùng lo toan việc nước may mà rửa sạch sự sỉ nhục của tiên vương được chăng. Chí nguyện quả nhân như vậy, tiên sinh xem ai là người giỏi để ta cùng lo toan việc nước thì hay.
Ngỗi nói: “Xưa có ông vua đưa nghìn vàng cho người nội thị(3) đi mua con ngựa chạy nghìn dặm. Đến khi ngựa ấy đã chết, anh ta mua bộ xương ngựa năm trăm nén vàng đem về. Vua thấy thế giận lắm. Anh ta thưa: “Ngựa chết còn quý mà mua như vậy huống chi là ngựa sống. Tôi chắc thế nào nay mai người ta cũng đem ngựa hay đến bán cho nhà vua” – Quả nhiên, không đầy một năm, mà người ta đem ngựa hay đến bán đã ba bận… Nay nhà vua muốn được ngựa giỏi, thì trước hãy dùng tôi. Người giỏi hơn tôi thấy thế há có ngại xa mà không lại ư?
Vua Chiêu Vương lập tức dùng Quách Ngỗi. Kính trọng Quách Ngỗi như thầy. Quả nhiên không bao lâu, những người giỏi các nơi tranh nhau sang nước Yên.
Vua Chiêu Vương uỷ thác việc nước cho những người ấy. Sau nước Yên thành một nước cường thịnh thật.
Chu Sử
Lời bàn:
Có bỏ năm trăm nén vàng ra mua bộ xương ngựa, sau mới có ngựa hay mà dùng, có dùng Quách Ngỗi là người tài vừa và ở gần trước, sau mới có người thật hiền tài ở xa cầu đến. Cái lối ấy là lối quyền – mưu trí thuật của bá giả đời bấy giờ, để quyến dẫn lấy nhân tài trong thiên hạ.
Đọc bài này, ta đáng khen Quách Ngỗi đã tìm được câu thí dụ hay để tự tiến lấy mình mà nhất là khi được tin dùng lại hết lòng báo đáp, không phụ sự uỷ thác của Chiêu Vương.
Ta lại đáng phục Chiêu Vương là biết nghe Quách Ngỗi mà nhất là biết cố ý lo toan báo thù cho tiên vương, và dụng tâm làm cho cố quốc được cường thịnh.