Menu Đóng

08. Tháng tám, ngô đồng nhất diệp lạc thiên hạ cộng tri thu

NGÔ ĐỒNG NHẤT DIỆP LẠC THIÊN HẠ CỘNG TRI THU

Gặp những ngày trời đất xuống màu như thế, người khách xa nhà cả trăm người như một, đều cảm thấy buồn tê tê trong lòng mà tự nhủ: “ờ, đúng là mùa thu ở Bắc… Trời này có rượu ngon đem uống thì tuyệt trần đời!”.

Thế thì ngày trời đất xuống màu ấy ra sao mà người ta lại rầu rầu trong dạ, sầu sầu muốn uống một cái gì? Thôi, ai lại còn lạ cái thời tiết ở miền Nam nước Việt nó nhõng nhẽo đến chừng nào: buổi tối nóng như điên, nửa đêm xoay ra lạnh lúc nào không biết; chiều sấm chớp ầm ầm, yên trí có mưa thì một lát sau trăng lại sáng trưng, ấy thế mà chính lúc người ta đang yên chí là nóng còn lâu thì mưa trút xuống rào rào làm cho ai cũng ngạc nhiên tự hỏi: “Quái, sao năm nay mưa sớm thế?

Thế rồi ai cũng tưởng là mùa mưa bắt đầu thì chọc trời cũng không ra một hạt nước, trời nóng đến cái mức làm cho người ra mờ cả mắt, nhức cả đầu; nhưng có một buổi tối kia đi ăn đầu cá với một người yêu xa cách lâu ngày ở cầu Bình Lợi thì tự nhiên trời đổi gió, giăng tơ lên ngọn cỏ lá cây để đến lúc sắp đứng dậy ra về anh cảm thấy như có một cái lưới buồn rủ từ trên trời xuống nước, lan tràn ra khắp cả mặt đất chân mây và gói ghém luôn cả anh cùng với tâm óc anh vào đó.
Lau lách ở ven hồ kêu lên những tiếng rì rào y như thể những tiếng than nhỏ bé; nước vỗ vào bờ nghe trầm trầm; qua những chùm lá, qua những cành cây, gió rì rào như kể chuyện xa xưa và giục người ta xích lại gần nhau cho ấm cõi lòng hơn một chút.

Mùa thu ở Bắc cũng đến với người ta như thế. Bây giờ mỗi khi thấy trời trở gió, không gian bàng bạc một màu chì; mỗi khi thấy lá rụng ở các công viên những người đau ngực, bay lào xào trên mặt đất hanh hoa; mỗi khi thấy lá tre rụng vèo xuống các ao hồ nằm êm trong những lớp bèo ong bèo tấm, có ai biết rằng tôi nhớ lại những gì không? Cứ vào đầu tháng tám, trời Bắc Việt buồn se sắt, đẹp não nùng, sáng sáng thức dậy từ lúc còn tối đen, cầm cái áo maga mẹ lấy ở trong rưng ra mặc cho mình, húp bát cháo đậu kho và ăn ba nắm xôi lạc do mẹ mua cho rồi đút hai ba đồng xu đồng kêu sủng soẻng trong túi áo đi qua dẫy Nhà Thờ, thẳng một lèo đến dốc Hàng Kèn, có ai biết rằng tôi đã trông thấy những gì và nghĩ những gì không?

Lúc ấy, trời đã sáng thu. Lá cây nhội ở hai bên đướng đi ra dốc Hàng kèn vưn những cái thân gầy lên trên trời và mỗi khi có gió thổi thì từng chiếc lá vàng lại rụng xuống, xoay nhiều vòng, rồi đậu ở trên những vai trắng nuốt của các pho tượng mỹ nhân cởi truồng trong công viên ở cuối Phố Nhi, gần cái hang đá thờ Đức Mẹ.

Cái mà bây giờ còn trông thấy rõ từng ly từng tí là một cậu vé xách cái cặp da nặng trĩu đi học một mình, vừa đi vừa ôn lại một bài văn xuôi có vần:
“Sáng ngày ra, ta đi học, hiu hiu gió, lá vàng rụng bay. ấy là gió mùa thu, đưa hơi thu, rét sắp đến. Hỡi các anh học trò con, có nghĩ đến mặc áo rét không? áo mặc rét, các anh sẽ trông lấy vào đâu? Có khi phải về hỏi mẹ cha.
“Các anh đi học xa, mẹ ở nhà, sáng, mùa thu, đưa hơi thu, rét sắp đến, đã nghĩ lo áo rét cho các anh. Mẹ mở hòm, tìm áo cũ, áo cũ lành tốt thời gửi ngay, áo cũ rách thời mẹ vá, không có áo cũ thời mẹ may.
“Các anh ở nhà trường ngồi bàn ghế, cầm bút viết mẹ ở nhà, ngồi dưới cửa, cầm kim vá may. Các anh đi ra đường, thấy gió lạnh, lòng nhớ mẹ mong mẹ gửi cho áo; mẹ ở nhà thấy gió lạnh, lòng lo con, gửi cho áo, mong con học cho hay.
“Gió mùa thu, mỗi năm, lá vàng bay. Các anh đi học trường, mỗi năm càng mỗi hay, đền công cha mẹ, không phụ áo mẹ may.
“Gió mùa thu, lá vàng bay, năm sau như năm trước. Nếu sự học của các anh cũng năm sau như năm trước thời công mẹ may áo cũng như gió mùa thu, lá vàng rụng bay”.
Lẩm nhẩm ôn lại bài học rồi, anh học trò bé nhỏ ấy nhìn lên bầu trời bàng bạc và nhy nhót như một con chim se. Là vì y biết là mùa thu đã bắt đàu, các cây nhội chi chít quả, chim hót về nhiều, chắc chắn y có nhiều hy vọng bắn được nhiều để về nuôi, nếu còn sống hay rán lên cho mèo ăn, nếu chẳng may chim bị trọng thương mà chết.

Tuy nhiên, chỉ có ý tưởng của tôi theo chân được cậu bé ấy mà thôi, vì cậu bé ấy chỉ là cái bóng, mà là cái hình bóng của chính tôi năm mươi mấy năm về trước. Thương, thương cậu bé vô tội ấy biết chừng nào! Tôi chú ý tới cậu ta, nhưng lúc chính tôi là cậu bé ấy thì tôi lại không chú ý.
Đến bây giờ tôi không còn là cậu bé ấy nữa thì tôi lại thương, thương vô cùng, nhưng thương, thương đến mấy cũng là vô ích vì cậu bé ấy đâu còn nữa; đồng thời ông bà, bố mẹ cũng chết c rồi mà có khi anh em, bè bạn lúc nhỏ cũng không còn nữa, vì chiến tranh này, ai mà dám biết người thân của mình sống chết ra sao.

Duy chỉ còn có mùa thu tồn tại, nhưng đến cái buồn se sắt, đẹp não nùng của Bắc Việt thân yêu cũng lại biệt mù tăm tích, không biết đến bao giờ lại được nghe thấy hơi may về với hoa vàng, không biết đến bao giờ mới lại được thấy lá ngô đồng rụng xuống giếng thu, nửa đêm thả một lá thuyền con đi mua rượu sen Tây Hồ về uống mà cũng không biết đến bao giờ mới lại được cùng với người vợ tấm mẳn ăn mấy con ốc nhồi thịt thăn, miến, mộc nhĩ hấp với lá gừng trông trăng trong khi thỉnh thong ở đàng xa lại vọng lại những tiếng hát chèo, tiếng rước sư tử, tiếng trống quân thùng thình!
Mùa thu ở Bắc Việt xa xưa ơi, ta buồn da diết khi nghĩ đến kiếp chúng sinh hệ lụy trong biển trầm luân nhưng ta không thể không cảm ơn trời phật đã cho người Bắc đau khổ triền miên một mùa thu xanh mơ mộng diễm tình đến thế. Mộng từ ngọn gió, cánh hoa mộng đi, mộng từ tiếng nhạn về én đi mà mộng lại, mộng từ bông sen tàn tạ trong đầm mà mộng lên, mộng từ sắc ố quan hà mà mộng xuống.
Quái lạ là cái mùa kỳ diệu: tự nhiên trời chỉ đổi màu, gió chỉ thay chiều làm rụng một cái lá ngô đồng thế là bao nhiêu cảnh vật đều nhuộm một màu tê tái, làm cho lòng người đa cảm tự nhiên thấy se sắt, tư lường. Thế là trời đất cỏ cây tự nhiên hiện ra dưới một lăng kính mới: trăng sáng đẹp là thế cũng hoá ra buồn, trời bát ngát yêu thương như thế mà cũng hoá ra tê tái sông nước đẹp mông mênh như thế mà cũng ra đìu hiu lạnh.

Ngay đến cái thân mình, bình thường chẳng làm sao, vậy mà không hiểu cơn cớ nào thấy gió thu về xào xạc ngoài hiên mình cũng tự nhiên thấy thương cho thân thể và bâng khuâng buồn nhớ. Nhớ cái gì, buồn cái gì, không rõ rệt. Chính vào lúc bóng tôi chưa tan, người vợ thấy chồng chong một ngọn đèn con lên pha trà uống một mình và khe khẽ ngâm thơ cũng không hiểu tại sao chồng lại bâng khuâng như vậy.

Trăng tà con quạ kêu sương,
Lửa chài le lói, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đâu bến Cô tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Chính thực ra nghe thấy gió thu đuổi lá chạy ở rặng cây ngoài vườn, người vợ cũng bâng khuâng nhưng chính mình không biết đó thôi.

Lúc ấy, muốn chiều chồng cách gì đi nữa thì cái buồn vô căn cớ của người chồng cũng không thể, bao nhiêu cuộc ân tình ngang trái, bao nhiêu mộng ước không thành, bao nhiêu cuộc phù trầm cay đắng của những ngày xa thật là xa, tưởng đâu như ở một tiền kiếp đã lu mờ, tự nhiên trở lại như vang như bóng, ẩn ẩn hiện hiện trong khúc ngâm cảm khái của Bạch Cư Di buộc ngựa vào gốc ngô đồng trèo lên trên một cái chòi uống rượu với đám ca nhi lạc phách.

Bóng đâu trong sáng vô ngần,
Sầu thêm giận đắp cõi trần khắp nơi,
Đóng lâu đồn thú kìa ai,
Biệt lý buổi mới đâu người trước sân.
Canh khuya ai đó phi tần,
Vua không yêu nữa tần ngần về cung.
Biên thành thế thủ không xong,
Bạc đầu ông tướng thong dong lên chòi.
Soi cho đứt ruột bao người,
Thiềm thừ, ngọc thỏ trên đời biết chi!

Cái buồn mùa thu lê thê, cái buồn mùa thu tê mê, cái buồn mùa thu não nề nhưng không day dứt đến mức làm cho người ta chán sống. ấy là vì gió thu buồn nhưng trời thu lại đẹp, đẹp nhất là trăng thu, đẹp đến nỗi làm cho người ta buồn nhưng vẫn cứ muốn sống, để hưởng cái đẹp bàng bạc trong khắp trời cây mây nước nếu chết đi thì uổng quá.

Trong một năm, không có mùa nào trăng lại sáng và đẹp như trăng thu. Từ thượng tuần tháng tám, nhìn lên cao, nhà thi sĩ thấy cả một bầu trời phẳng lì mà xanh ngắt, không có một đám mây làm vẩn đục làn ánh sáng mơ hồ của trăng tỏa ra khắp cả nội cỏ đồi cây chân sim bóng đá, nhưng từ rằm trở đi thì ánh trăng mới thực lung linh kỳ ảo. Vợ chồng dắt nhau đi vào trong ánh trăng lúc ấy cảm thấy mình đi ở trên trần mà dường như có cánh ở dưới chân, không bước mà có cái gì đẩy chân đi nhè nhẹ vào trong cõi mê ly thần thoại. Lắng tai nghe thật kỹ, đâu đây có cái gì rung động như cánh của những con bướm mới ra ràng.

Mà ở đây, có cái hương thơm gì dìu dịu thế? à, đấy là hương lúa ba giăng, mà tiếng rung động nhè nhẹ kia chính là tiếng ân tình nhỏ bé của những bông thóc thơm thơm ngã vào lòng nhau để tìm sự ấm áp trước ngọn gió vàng hiu hắt.

Mùa hồng lúc này đã rộ, bưởi cũng đã nhiều, nhưng thơm ngọt ngào mùi đất nước quê hương, đó có cái gì sánh được với cốm Vòng ăn với chuối trứng cuốc ngon lừ.

Đi trên những con đường nóng bỏng của trời tháng tám miền Nam bây giờ, tôi nhớ gì là nhớ đến những buổi sáng mùa thu mẹ mua cho một mẻ cốm giót ăn lót lòng buổi sáng trước khi đi học, rồi đến khi có vợ có con thì vợ biết tính chồng, thường dặn những người gánh cốm ở Vòng lên bán, thế nào cũng giữ cho những mẻ cốm thật ngon đem nén rồi đơm vào những cái đĩa con vừa ăn vừa nhấm nháp nước trà sen thơm ngát.

Những ngày như thế, trời vào buổi trưa sáng mờ mờ như lọc qua một dải lượt nõn nường. Có người thấy trời đẹp nõn nường như thế cảm thấy rạo rực không ngủ được. Tôi nhớ có nhiều khi giữa buổi trưa, có những anh bạn gõ cửa vào ngồi đòi uống rượu “nhắm với bất cứ cái gì cũng được”. Gió đập vào lá cây hoàng lan trông giữa sân kêu rào rào. Một vài cành hoa tím ở trên giàn hoa rơi vào trong chén rượu: anh em uống cả hoa và cứ như thế uống cho đến xế chiều rồi tất cả dắt nhau đi lang thang bất cứ đâu, vì tuy rằng không ai nói ra lời, nhưng ai cũng cảm thấy trong sâu thẳm cõi lòng rằng gặp những ngày trời đất thế này mà không đi ra ngoài thì uổng quá. Đi quanh Hồ Gươm nhìn lên cây gạo ở Ngõ Hồ nghe những con sếu báo tin rét sắp về; đi lên Ngọc Hà ở đằng sau Bách Thú xem hoa và tán tỉnh chuyện tầm phơ với mấy cô nàng trắng ngà trong ngọc; đi ra Nghi Tàm mua mấy cây thế rồi rẽ ra ngõ Quảng Lạc tìm nhà một ông bạn già để ngắm lại cái tượng “Mạnh mẫu gánh sách cho con đi học”… đi như thế trong một bầu không khí vừa vừa lạnh, hiu hiu gió, biêng biếc sầu; kể đã là thú của người đàn ông được vợ chiều, vào buổi tà huân dắt tay vợ đi chơi ở ngoại ô nhìn trăng giãi trên ruộng lúa và nghe tiếng hát trống quân theo gió vang heo hút ở làng bên kia sông vọng lại.

Trăng sáng quá, em ơi, cứ đi như thế này, cả đêm em không biết chán. Trăng giãi trên đường thơm thơm; trăng cài trên tóc ngoan ngoan của những khóm tre xào xạc; trăng thơm môi mời đón của dòng sông chảy êm đềm; trăng ôm lấy những bộ ngực xanh của những trái đồi ban đêm ngào ngạt mùi sim chính… trăng ơi, sao trăng khéo đa tình, cứ đi hoài theo chân cô gái tuyết trinh và lẻn cả vào phòng the của người cô phụ lay động lá màn chích ảnh?

Lúc ấy, đứng dừng lại nhìn vào mắt vợ thì trong mắt vợ mình cũng thấy có trăng, có trăng cả ở toàn thân mặc quần áo mà như là kho thân; chạm mạnh vào thì vỡ. Tự nhiên mình có cảm giác trăng ở trong lòng mình cũng lung linh một thứ ánh sáng xanh màu huyền diệu, thắm hoa hương, làm cho cả tâm óc chơi với, rung động.

– Ờ, ngày xưa Thân Thiên sư dùng phép thuật đưa Đường Minh Hoàng du Nguyện điện để tìm Dương Quý Phi có lẽ lòng cũng chỉ chơi vơi, rung động đến thế là cùng.

Tội nghiệp cho cái ông vua mê gái quá chừng là mê: Dương Quý Phi chết rồi mà thương nhớ không nguôi đến nỗi phải nhờ Thân Thiên sư đánh đồng thiếp đi tìm, mà đến lúc Thân Thiên sư bảo là đã gặp nàng thành tiên trên cung nguyệt. Chỉ một lát, thân hình của ông vua mê gái đó nhẹ bỗng như lông hồng, bay bổng chín từng không, vào được cung nguyệt và gặp người yêu thực. Nhưng tiên giới và phàm trần cách biệt nhau, Dưng Quý Phi chỉ biết trông Đường Minh Hoàng mà khóc.

Theo sách “Thiên bảo di sự” thì Quý Phi ném một chiếc vòng ngọc cho Minh Hoàng rồi biến mất. Minh hoàng nhặt lấy xem: quả thực là chiếc vòng ngọc tự tay mình ban cho nàng năm xưa. Nhà vua ứa nước mắt. Thì vừa lúc đó con ngọc thỏ đang cầm chầy giã thuốc ở dưới cây quế, ném cái chầy vào vai áo nhà vua mà bảo: “Làm vua mà chẳng biết lấy nước lấy dân làm trọng chỉ say mê một người đàn bà, chuyện đó đã xấu lắm rồi, nhưng xấu vượt bực là đến lúc loạn ly, chẳng biết sửa lỗi mình lại đổ cả lỗi lên đầu một người yếu đuối như thế sao gọi là thương yêu được, sao gọi là tiếc nhớ được?”. Đường Minh Hoàng sực thức.

Thì ra đó chỉ là một giấc chiêm bao, nhưng lạ thay cái vòng của Quý Phi tặng ở trên cung nguyệt vẫn còn ở trong tay Minh Hoàng. Buồn héo lá gan, Đường Minh Hoàng từ đó đỡ nghĩ đến Quý Phi nhưng nhà thơ Lý Thương ẩn nhờ đó đã viết nên tám câu thống thiết khi đi qua trạm Mã Còi, nhắc lại cái nhục quân sĩ bắt nhà vua phi giết Quý Phi, đồng thời nhớ đến lời nguyện ước khi xưa giữa “chàng” và “nàng” đêm thất tịch.

Cớ sao bốn kỷ làm thiên tử
Kém Mạc Sầu kia được hẳn hoi

Mê gái, thế thì hay hay dở? Dở hay hay không dám quyết, nhưng Đường Minh Hoàng chỉ vì mê gái mà thành ra thần tượng của tình yêu, âu cũng ly kỳ ác!
Không thế, sao cứ đến Trung thu ở Bắc cũng như Nam, nhà hát nào cũng đưa vở tủ “Đường Minh Hoàng du Nguyệt điện” để chài người đi xem; còn hàng bánh dẻo, bánh nướng thập cẩm, đậu đen, hạt sen trứng muối, ôi thôi hàng nào mà không có một bức tranh thật lớn vẽ ông vua mê gái đó lúng liếng con mắt nhìn Dưng Quý Phi hay làm thành hình đen cho chạy đèn kéo quân để hấp dẫn nhiều người bu lại?

Ở niềm Nam, đồng bào ăn tết Trung thu kể đã vui đáo để, nhưng không có những khu hoàn toàn tết, Mua một cái đèn con thỏ, ở Chợ Lớn có, ở Sài Gòn cũng có cả cái tàu chạy trong thau nước, có đầu sư tử, có ở đường Thủ Khoa Huân có mà ở Nancy cũng có; có đèn quả đào, có cả ngựa nghẽo bằng nilông nữa… nhưng ở Bắc thì không thế.

Có những năm đi xem tết Trung thu ở niềm Nam đất nước ta, tôi tưởng như lạc vào trong một cái động đồ chơi bằng giấy có đủ các cầu vồng, chan hoà ánh sáng thần tiên, nhưng có ai bảo cho tôi biết tại sao tôi vẫn cảm thấy là chơi cái tết Trung thu như thế vẫn còn thiếu cái gì? Cái gì đó là cái không khí chăng? Cái gì đó là cái thời tiết chăng? Cái gì đó là cái tâm hồn phơi phới chăng?

Từ đầu tháng tám, các phố Hàng Gai, Hàng Hài, Hàng Mã, Hàng Hòm, Hàng Thiếc, Hàng Bông lờ, Hàng Trống hoá trang một cách kỳ diệu đến nỗi làm cho du khác không thể nào nhận ra được nữa. Các hàng tạp hoá, hàng sách, hàng giấy, hàng tơ lụa, nhất nhất đều thu cả hàng hoá lại một chỗ để bày bán toàn những đồ chơi tháng tám. ôi chao, sao mà lắm kiểu đèn thế, đèn quả dưa, đèn xếp, đèn trái trám, đèn con thỏ, đền kéo quân, đèn thiềm thừ, đèn ông sao…

Hỡi người đàn bà đẹp như th đi sắm tết cho con, bà đã mua con voi lắc lư cái đầu đứng trên một cái bệ có bánh xe đẩy được thì ngại gì không mua thêm một đầu sư tử và một quả ngọc cho nó vờn để vui cửa vui nhà? Ai ưa điển tích, rước ông lão Vọng râu bạc ngồi câu cá về mà bầy cỗ; con cá chép kia là “Lý ngư bái nguyệt” treo ở nhà có con đi thì rất nhiều hy vọng đỗ cao; nhưng cô gái nhà lành kia đừng mua lũ nhỏ làm bằng vỏ trứng làm gì? cứ về lấy hai quả dừa phết bông gòn vào rồi đính tai đính mắt vào đó làm hai con thỏ mẹ đặt vào trong hai cái bát chiết yêu, trông còn nền nã hơn nhiều, phải không cô?

Bây giờ tôi bàn với cô như thế này: Ngày mười bốn kê cái án thư ra ngoài hàng hiên bầy hai con nhỏ mẹ hai bên, giữa để một cái lư trầm rồi đặt ông Lã Vọng câu cá ở giữa, hai bên là hai con chó tết bằng tép quả bưởi bổ ra, mắt làm bằng hai hột nhãn, hai bên hai bát hạt dẻ, giữa là bốn bát chiết yêu gạo nếp trắng bao lấy bốn chữ cũng bằng gạo nếp nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng “Trung thu Nguyệt bính”. Ai muốn cỗ to hơn thì treo ở trên một cái đèn kéo quân, dưới đặt rất nhiều ghế, và trên mỗi ghế để một thứ đồ chơi như đàn lợn làm bằng catông, cô tiên đánh đàn, cái đầu sư tử và các thứ bánh trái như bánh dẻo, bánh nướng, bánh đậu xanh, bánh chữ, bánh Tô Châu; nhưng có một nguyên tắc không ai được phép quên; cái bánh dẻo to nhất phải bày ở giữa, trên một cái kỷ kê ở trước án thư, và nhớ đặt lên đó một con thach sùng bằng bột; còn các con giống khác như kỳ lân, con phượng, trái đào, quả chuối, cành hoa… muốn đặt đâu cũng được.

Ấy đấy, cỗ trung thu bầy như thế có thể coi là tạm xong rồi đấy. Bây giờ chỉ còn đợi trời tối là thắp đèn xếp, đèn quả bưởi, đèn mùi trám treo ở đây kẽm căng hai bên cho sáng tinh lên rồi đốt nhang thắp nến, lễ trời, lễ phật, trong khi người lớn đốt nhang thắp nến, lễ trăng, còn trẻ con đánh trống cứ om lên và múa sư tử lung tùng xoèng ở trước sân gạch có trăng chiếu sáng như ban ngày.
Bây giờ đã lớn tuổi, rồi trí óc hẳn là phi suy đi chứ có đâu được phương cương như trước, nhưng quả tình tôi không hiểu làm sao cứ nhớ đến những cái tết Trung thu hồi nhỏ, bầy cỗ, múa sư tử, đánh trống ầm ầm như thế thì tôi lại như thấy máu chảy mạnh hơn, con mắt sáng hơn, mà tinh thần cũng hăng hơn?

Gớm chết là cái thuở thiếu thời tai ác ấy. Nhà tôi bán đầu sư tử: ai mà bảo sư tử của nhà khác cùng phố lớn hơn mà đẹp hơn thì tôi tưởng có thể sanh sự liền; đèn kéo quân nhà tôi bán cũng là đèn đẹp nhất; còn cỗ tháng tám thì khỏi phải nói, bao giờ tôi cũng thấy cỗ nhà tôi hách nhất và to nhất, không cỗ nhà ai sánh kịp… Cứ từ mười hai tháng tám là ngày bầy cỗ, tôi sướng như điên, có đêm thao thức đến một hai giờ khuya không ngủ được. Đi hết Hàng Thiếc xem những cái tàu bay tàu thuỷ, lại rẽ Hàng Mã xem con giống quay xuống Hàng Gai xem đèn và sư tử, rồi lại quành ra Hàng Trống để đứng ngắm nghĩa xem nên về nhà xin tiền để mua cái trống nào, tôi oán ức bố mẹ bắt phải lên giường đi ngủ. Nằm nhìn lên những đám mây bay quanh ông trăng sáng in rõ hình thằng cuội, cây đa, tôi thao thức vẩn vơ và nhiều khi, mở mắt rõ ràng, tôi tưởng như thấy có những cô tiên bé nhỏ bằng ngón tay út bay là là từ mặt trăng xuống đất dắt nhau đi “dung giăng dung dẻ” và hát những câu hát dân gian mà tôi thích thú vô cùng vì lẽ chính tôi cũng biết những câu hát ấy:
“Ông giẳng, ông giăng – xuống chơi với tôi – có bầu có bạn – có ván cơm xôi – có nổi cơm nếp – có đệp bánh chưng – có lưng hũ rượu – có chiếu bám dù – thằng cu xí xoái – bắt trai bỏ giỏ – cái đỏ ẵm em – đi xem đánh cá – có rá vo gạo – có gáo múc nước – có lược chải đầu – có trâu cày ruộng – có muống thả ao – ông sao trên trời…”

Tôi cũng lẩm bẩm trong bụng hát theo các cô tiên rồi thiu thiu ngủ lúc nào không biết, nhưng trong khi chập chờn vẫn nghe thấy tiếng trống sư tử ở đàng xa vọng lại và những đứa trẻ hàng xóm vừa vỗ tay vừa đồng ca:

Ông trăng mà bảo ông trời,
Những người hạ giới là người như tiên.
Ông trời mới bảo ông trăng,
Những người hạ giới mặt nhăn như tườu.

Nhớ ơi là nhớ cái tết Trung thu ở Bắc! Vui, mà vui thế là cùng! Về sau này lớn lên, nghĩ đến giờ phút đó, tôi không lạ làm sao lại có những người thấy tết Trung thu về lại muốn phát điên lên, bầy các trò chơi lạ để hưởng thụ cuộc đời cho đã.
Ờ này, hầu hết chúng ta gặp lúc trời sầu ngất ngất, lòng hận mang mang, thường ngâm câu thơ cổ:

Thương nữ bất vi vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa

Nhưng có mấy ai nhớ rằng Hậu Đình Hoa, nguyên thuỷ là của một anh chàng thấy mùa thu đẹp như điên không chịu được, đã sai các cận thần soạn ra bản hát ấy để cùng hát với khúc “Ngọc Thụ” đêm rằm tháng tám ở Vọng Nguyệt đình trong ngự uyển?

Cái anh chàng mê mùa thu xanh ấy là một vị vua chơi bời vô độ, hoang dâm có tiếng, tên là Trần Hậu chủ. Chính ông này đã cùng các cận thần soạn ra hai khúc “Ngọc Thụ” và “Hậu Đình Hoa”, nhạc và lời dâm dật để cho các phi tần đẹp nhất trong ban “Nguyệt lý quần tiên” vừa múa vừa hát theo điệu “lộng nguyệt vũ” tức là múa vờn trăng vậy.

Ôi chao, người ta cứ đả kích các cái “sô” và khích động nhạc bây giờ: tội quá. Âu Mỹ, tổ sư lối vũ nhạc ấy, bất quá cũng chỉ là những kẻ nối gót Hậu chủ mà thôi! Đêm thu, trăng sáng, Trần Hậu chủ cho bày tiệc yến diễn, nào nấy chỉ khoác ngoài một cái áo dài màu lụa bạch để vừa múa vừa thoát y… rồi thỗn thà thỗn thiện đến trước mặt Hậu chủ đề trình… ngự duyệt.

Tương truyền các trong ban “Nguyệt lý quần tiên” đều vui vẻ trình thân như các người đẹp “xếch xy” bây giờ, duy có một người đẹp rụt rè không chịu tiến lại gần nhà vua.
Nhân lúc đó chất men đã bốc, Hậu chủ chạy lại ghì chặt lấy cô ta, xé cái áo dài lụa bạch ra để… soạng làn da mát rượi mỗi lúc mỗi trắng, mỗi lúc mỗi trong hơn và sáng hơn: Nhà vua cười ha hả:
– Chao ôi, trăng cũng đa tình! Không thế, sao mỗi lúc mỗi sáng hơn lên như vậy?
Rồi ngâm vang bốn câu thơ dưới ánh trăng:

Nguyệt diệc đa tình thậm
Chiếu thử ôn nhu hương
Duy ngô đắc chung lão
Lao nguyệt phí quang mang

Về sau, có người tạm dịch:

Gớm cho trăng cũng đa tình,
Này nơi êm ấm cũng rình sáng soi;
Suốt đời riêng một ta vui
Trăng soi tỏ lắm cũng toi công mà!

Sách xưa chép rằng: saukhi ngâm xong bốn câu thơ trên, Hậu chủ buông tay ra thì người con gái lăn xuống đất, không động đậy. Thì ra người đẹp bị hôn quân nắm chặt, sợ và hổ thẹn không chịu được, đã tắt thở từ lúc nào rồi.

Các phi tần hỏang hốt tâu lên Hậu chủ thì đức vua lè nhè truyền cho thái giám khiêng bỏ xác chết xuống sông. Nhưng cũng chính giữa lúc ấy thì lửa sáng loè ở hoàng thành, tiếng hò hét, tiếng đao kiếm vang lên như sấm dậy, quân nhà Tuỳ chiếm được hoàng cung và bủa vây tứ phía để tìm bắt tên vua dâm dật.

Hậu chủ chui trốn vào một bụi rậm, chờ lúc nửa đêm về sáng, thừa khi có mấy che khuất mặt trăng bò ra một cái giếng ở hậu cung, đâm đầu mà chết.
Cái chết không mấy gì đẹp, điều đó ai cũng thấy nhưng nghĩ cho cùng thì cũng tội cho Hậu chủ vì tội có phải riêng của Hậu chủ đâu. Ai bảo trời thu đẹp não nùng, buồn se sắt; ai xui gió thu biêng biếc nỗi sầu hắt hiu; ai làm cho ánh trăng thu mươn mướt như nhung để cho người đa cảm thấy tâm hồn phơi phới, thấy lòng tê tái, thấy thèm ân ái?
Nằm ở trên cái lầu cao nhìn ra dòng sông có khói to mờ mờ, người chồng tưởng như thấy trong lúc bòng giăng lồng bóng nước thì cả bầu trời rền rĩ lên khe khẽ, thương thương, y như thể tiếng rền rĩ thương thương khe khẽ của người vợ nằm trong vòng tay của người chồng trìu mến.
Gió lay động bức màn mỏng nơi cửa sổ. Xa xa, ở trên con đường dọc mé sông, có những bóng đèn trẻ con đi rước tháng tám phản chiếu xuống nước trong văn vắt. Im, để mà nghe! Anh có thấy gì không?
– Anh chỉ nghe thấy có tiếng thở của trăng và tiếng tim em đập mạnh như một con chim bé nhỏ.
– Không. Còn gì nữa. anh không thấy à? Thỉnh thỏang cùng với gió may ở bên kia sông đưa lại, có tiếng hát trống quân. Thôi phải rồi, mình ở thành phố lâu ngày không nghe hát trống quân, mà Trung thu không có tiếng hát trống quân không được. Em là con gái Thuận Thành ở Bắc Ninh vốn là đất nổi tiếng về hát trống quân và quan họ. Đã lâu lắm, em không được nghe một đêm trống quân nào “gia dụng” thể nào, tối rằm này,chúng ta cũng phi sang Gia Quất xem hát, anh có chịu không?
– Chịu chớ. Và anh chịu luôn các cụ nhà ta sao mà tâm lý thế, lại khéo biết lất mùa này làm mùa cưới vợ, lấy chống. Gió hiu hiu khêu gợi thế này, mà trời về khuya, lại hơi lành lạnh, trai với gái tốt đôi, thử hỏi còn có bài thơ nào đẹp hơn không?
Quan quan thư cưu…

Nằm xích nữ lại đây em, anh kể cho em nghe nốt bài thơ của cặp vợ chồng mới cưới…
Người vợ mỉm cười, mở rộng cửa sổ ra hơn một chút để cho ánh trăng tràn vào cả gian phòng. Đến lúc thiu thiu ngủ trên tay chồng, người vợ nói khe khẽ như trong mộng: “Nhớ nhé… thế nào chúng mình cũng phải đi nghe hát trống quân!”

Thương biết bao nhiêu, nhớ không có cách gì quên được cái đêm Trung thu năm ấy, hai vợ chồng quấn quít tơ hồng, cùng dắt tay đi qua cầu Bồ Đề sang bên kia sông, vào trong một cái quán ngồi ăn miếng bánh đậu xanh, uống chén nước chè tươi, nghe hai tay tổ là Hai Mão và cô Sinh ở Hưng Yên về Hát đố nhau những câu hiểm hóc do lý Xuyến ở Gia Lâm sang cầm trịch.

Từ khi lạc bước vào Nam, tôi không còn được đi xem một đám trống quân nào, trừ phi nghe với vẩn ở trên đài phát thanh, nên càng nghĩ đến cái đám hát đêm Trung thu năm đó lại càng nhớ quá.
Thực ra, nói đến hát thì nhớ không biết bao nhiêu thứ: Phú Thọ có hát xoan, hát ghẹo, Vĩnh Phúc có hát hội Rô. Bắc Ninh có hát quan họ và có biết bao nhiêu miền còn bao nhiêu điệu hát mê ly nữa, như hát cửa đình có mầu sắc tôn giáo, hát nhà trò ở các đám khao vọng, hát ca trù, hát văn, hát xẩm… nhưng khồng hiểu là vì vợ mình thích mà mình cũng thích lây hay tại một lý do nào không biết, tôi thích hát trống quân… không chịu được.

Tục truyền nghệ thuật hát trống quân có từ thế kỷ thứ mười ba phổ biến lúc quân ta chống quân Nguyễn. Khi nghỉ, quân ta ngồi gõ vào tang trống mà “hát suông” và “hát đôi”. Về sau, trong ngày tết Trung thu, trai gái thường họp nhau dưới bóng trăng, trên bãi cỏ, trước sân đình, để háy trống quân với nội dung đối đáp giao duyên, đề cao tình bạn, ca ngợi cnh đẹp của thiên nhiên đất nước.
Hỡi cô Ba Sa Đéc, cô Tư Cần Thơ, cô năm Vĩnh Long, cô Sáu Mỹ Tho, cô Bảy Đồng Xoài, mấy cô đã có bao giờ được xem tận mắt một đám hát trống quân chưa? Ngộ không để đâu cho hết, mấy cô à. Nhạc cụ của điệu hát này giản dị không chỗ nói: đàn kìm, đàn nhị, đàn xến, tay ban cầm… hết thảy đều là đồ bỏ. Tất cả nhạc cụ chỉ gồm một cái hố sâu, có cái thùng bằng thiếc sáu thước căng giữa hai cái cọc. Cầm mảnh gỗ, gõ khẽ một chút vào đầu dây, cái dây bật vào thùng phát ra một thứ âm thanh giòn giã nhịp theo tiếng hát:

Thình thùng thình!
Một đàn có trắng bay tung,
Bên nam bên nữ ta cùng cất lên,
Cất lên một tiếng linh đình,
Cho loan sánh phượng, cho mình sánh ta…

Hát trống quân thường mô tả niềm vui hồn nhiên của dân ta. Người hát phải biến báo, mau trí, sáng tác đột xuất để hát trả lời lại bên kia, có khi nghiêm nghị, có khi trào phúng, nhưng bao giờ cũng phải giữ thái độ thanh nhã, khiêm nhường, thua thì chịu thua chớ không được tỏ thái độ cục cằn thô bỉ, nói thánh nói tướng, đề cao mình, hạ thấp địch.

Tôi nhớ đêm ấy Hai Mão đã hát một câu hóc búa để hạ phe Sinh:

Thình thùng thình!
Tiếng đồn thục nữ đại tài,
Bây giờ anh hỏi một lời phân minh.
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng,
Tài hoa ma mọi già gan,
Hỏi rằng tên học anh chàng ở đâu?

Tuy biết nhiều câu đố hiểm hóc, nhưng chỉ thuộc những vật dụng hàng ngày, chớ không biết nhiều điển tích, Sinh không thể nào giảng được. Dưới ánh trăng rằm, khán giả thấy mặt nàng đỏ ửng lên… Nhưng chẳng lẽ ngồi im? Nàng đành phải nhượng bộ, xin Hai Mão giảng giùm:

Một lòng như ý sở cầu
Xin chàng nói lại trước sau sự tình
Thình thùng thình!
Thình thùng thình!

Hai Mão nhìn Lý Xuyến cầm trịch một cách hả hê và giảng:

Thình thùng thình!
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng,
Họ Lưng tên gọi Thạch An,
Triều vua Gia Tĩnh rõ ràng tài hoa,
Thật là trong ngọc trắng ngà,
Thấy mình không biết giảng ra mấy lời.
Đôi ta cũng một làng chơi,
Thấy em thực nữ trả lời cũng xinh,
Bây giờ lại hỏi phân minh,
Tài hoa ngỏ hết sự tình anh hay.
ở đời một giống lạ thay,
Đêm đêm hí nguyệt ngày ngày có thai.
Thình thùng thình!

Những tiếng “Thình thùng thình” cứ nhắc đi nhắc lại mãi câu đố của Mão làm cho Sinh càng rối ruột, Biết làm sao bây giờ? Sinh nhất định không chịu phục vì Sinh vẫn khinh Mão ra mặt thường giễu Mão què.

Nhưng tiếng “Thình thùng thình” mỗi lúc thêm giục giã. Mà cái phép hát trống quân lại không cho người ta giở giọng cục cằn liều lĩnh.

Rút cuộc, Sinh lại đành phải xin hàng vậy, xin hàng như vậy có lợi vì giữ được thể diện với công chúng và mặt khác thì lại được chia giải thưởng, chớ giở mặt liều thì chẳng được xơ múi gì.
Sinh cúi mặt hát:

Thấy chàng tôi bỡn cợt chơi,
Thi gan mới biết là người tài hoa.
Chấp chi bồ liễu đàn bà,
Giữ gìn cho vững bông hoa trên cành.
E khi sông gió bấc bình,
Đành thân phận thiếp, ngại danh giá chàng.
ấy mới tài, ấy mới gan,
Xin chàng tỏ lại rõ ràng thiếp hay.

Có thế chứ! Cái công tu luyện của Mão không phải là vô ích. Thấy Sinh hạ mình xin lỗi, Mão thấy nao nao trong lòng. Bèn hát:

Hay, hay, hay thực là hay
Làng cho có lẽ chịu tay bợm già,
Thuyền quyên rõ mặt tài hoa,
Nếu nàng đã chịu thì ta cũng lờ,
Cát đằng thuận nẻo gió đưa,
Chấp chung tần to sớm trức tuỳ lòng.

Sinh đáp:

Sâm thương đã vẹn chữ đồng,
Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao?
E khi chiếc bách ba đào,
Nổi chìm cũng mặc lúc nào rủi may.
Sắt cầm hồ đã bén dây,
Thiếp xin thưa lại câu này vui chung.

Hai chữ “vui chung” của Sinh có ý nghĩa xin chia giải với Mão, nhưng sợ người cầm trịch không nghe, nàng liếc Lý Xuyến một cách tình tứ rồi hát:

Đâu nhiều tài tử anh hùng,
Biết rằng lòng có chắc lòng cho ai,
Sợ khi ép trúc nài mai,
Thế trong dù lớn hơn ngoài phó phân.
Vụng hèn nhờ lượng đại nhân,
Tuỳ lòng giải cấu xử phân được nhờ.

Lý Xuyến hiểu ý, trông Sinh mà cười. Ông phê vào tờ giấy cầm trịch cho nàng ngang khuyên với Mão.
Nhưng sau Trung thu năm đó, Sinh không đi hát giải nữa. Cô đã trở thành bác Mão gái; còn Mão què, xong vụ giật giải ở Gia Quất rồi cũng bỏ nghề, xếp một chỗ ngồi ở đề Mậu Dưng đoán thẻ cho các bà các cô đi lễ.

Đau nhất là trong khi thiên hạ ca khúc bạc đầu như thế thì ba năm sau đó, vào một ngày cách mạng bùng nổ mùa thu, vợ chồng mình lại ngâm câu ly biệt. Đó chính là cái năm mà chính lúc vợ chồng đi lễ giao thừa đền Ngọc Sơn thì cầu Thê Húc gẫy. Điềm xui xẻo đó ai ngờ lại vận vào mình cho đến cuối năm, rồi từ đó cứ kéo lê thê mãi như lời thơ “Chinh phụ hành”.

Thập bát giá lang quân,
Thập cửu lang quân xuất,
Nhị thập, bất qui lai,
Kim niên nhị thập nhất.

Mà sau này có nữ sĩ dịch là:
Mới năm mười tám lấy mình,
Mà năm mười chín dứt tình ra đi
Hai mươi, mình vẫn chưa về,
Giờ hai mươi mốt trăng thề con soi!

Cái thời buổi loạn ly tạo nên bao nhiêu là biệt ly. Nằm ở miền Nam vắng trăng mà chỉ thấy hỏa châu, không có tiếng trống quân mà chỉ nghe toàn tiếng súng, không biết làm gì để giết cái vô liêu, người chồng bây giờ chỉ còn biết trèo lên trên lầu, cầm ly rượu nhìn ra bóng đêm mịt mùng, ngâm câu thơ “Thú cổ đoạn nhân hành”:

Sưu không trống giục người xa,
Thu về cánh nhạn bay qua gợi sầu.
Đêm nay sương trắng bắt đầu,
Cố hương hẳn cũng một mầu gưng nga.
Mấy em tan tác không nhà,
Tử sinh nào biết đâu mà hỏi han.
Thư đi không thấu dặm ngàn,
Bên trời huống lại chưa tàn nửa bình.

Nửa đêm về sáng, trăng xuống thấp chỉ còn cao bằng ngọn tre thì cũng lúc ấy người tương tư cố hương cũng say khà. Hà, sáng mai đây, cuộc đời lại tiếp diễn, cả thế giới lại thi nhau kêu gọi hoà bình và chưa biết chừng lại có người tự thiêu “vì hoà bình, cho hoà bình”. Nhưng hoà bình bao giờ tới? Hoà bình đi có còn trở lại không?

Người xa nhà không muốn nghĩ lôi thôi gì nữa, vì hy vọng sống để trông thấy hoà bình và trở lại cố hương nhìn lại cố hương một chút trước khi nhắm mắt, mỗi ngày mỗi nhạt đi mất rồi.
Cái thời buổi ly loạn này, tiến bộ đến tột bực, có đây lại như thời Thiên Bảo được. Cuối thời Thiên Bảo, An Lộc Sơn nổi loạn, chiếm kinh thành Tràng An, Vua Huyền Tôn phải chạy vào Thục. Sau, hoàng thái tử lên ngôi ở đất Linh Vũ, hiệu là Túc Tôn.

Bây giờ Đỗ Phủ ở Khưng Thôn (Lộc Châu) cùng với gia quyến. Nghe tin tân quân mới tức vị, nhà thi sĩ từ biệt vợ con, trốn đến nơi hành tại. Chẳng may giữa đường, ông bị giặc bắt và bị kẹt mấy tháng trời. Mãi sau, Đỗ Phủ mới trốn được về Linh Vũ. Túc Tôn phong cho ông chức Tả thập di, giữa khi ở nhà, vợ con ông cùng quẫn, đến nỗi có vài con nhỏ chết đói. Túc Tôn nhận cho phép ông về thăm nhà:

Mặt trời xế về Tây,
Núi cao cao vút, sắc mây ửng hồng.
Kim ô chìm xuống mặt đồng,
Thấy ta, cái sẻ reo mừng ngõ gai,
Ta từ ngàn dặm xa xôi,
Về quê hương cũ với người thân yêu.
Vợ con sửng sốt nhường bao,
Lạ rằng “người ở nơi nào lại đây?”
Định Thần lau mắt lệ đầy,
Lầm than, kể lại những ngày ra đi…
Loạn ly, trôi giạt một thì,
Ra đi, đâu hẹn ngày về hôm nay.
Đầu tưởng, hàng xóm tới đầy,
Nghẹn ngào cùng vị thân này cảm than.
Cầm đèn quên cả đêm tàn,
Nhìn nhau còn tưởng mơ màng thấy nhau.

Bây giờ sống trong chiến tranh “một” mới, ai đã từ biệt vợ con để ra đi lại còn dám nuôi hy vọng được ngâm lại bài “Khương Thôn” như Đỗ Phủ? Hoạ chăng chỉ thấy cố hương trong giấc mộng hay là mượn bóng trăng để gửi mối tương tư hoa vàng về chốn nghìn dậm quan sơn.

Tiếng chim xào xạc bên đồi.
Giật mình lại ngỡ tiếng người dưới hoa,
Đường xa, rừng vắng, trăng tà,
Khói lên nghi ngút thấy nhà ta đâu!

Trăng thu, mây thu, gió thu ơi, trăng đẹp quá, mây cao quá, gió buồn quá, người nhớ nhà van xin trăng đừng đẹp quá, mây đừng xanh quá, gió đừng buồn quá, vì càng đẹp, càng xanh, càng buồn thì người xa nhà lại càng nhớ day dứt đến phong vị Giang Nam, không có cách gì khuấy kho được trăm sầu nghìn giận.

Đó cũng là lời nguyện ước của cô giá còn son nhớ chồng đi lính trong khi chiến cuộc vẫn lan tràn, sen tàn rồi sen lại nở bao nhiêu lần mà người thưng vẫn đi biền biệt không về.

Từ ngày chàng ra ải quan,
Mình em với bóng trăng tròn lẻ loi,
Trăng đừng tròn mái hiên ngoài,
Xin trăng hãy vỡ làm hai mảnh lòng,
Mảnh thì rơi xuống cô phòng,
Mảnh gài ngọn ải cho chồng em soi

Đến gần sáng, gió may làm rụng mấy cái lá biệt ly cuối cùng trên mặt đường hanh hao xào xạc.
Người mặc bịnh tương tư uống thêm một ly rượu thật đầy, cho thật say, rồi lên giường nằm thiu thiu giấc hồ. Trăng khéo trêu người, nào có chịu thôi, lại chiếu vào cái giường xô lệch một nửa trăng (là trăng) để đó, một nửa giường để đó (để đó) chờ ai… hữ la ơi…