Tưởng là hết chuyện truyền kì, quả là lầm. Sang tháng mười một, lại có truyền kì về con cà cuống.
Có ai ở Bắc Việt vào đây cho hỏi thăm tháng mười một mấy năm nay ở Bắc Việt, trời có rét lắm không, mưa vẫn riêu riêu buồn như trước hay thời tiết vì ảnh hưởng bom đạn của Mỹ đã khác xưa? Nghe thấy nước bạn Mỹ xuất toàn lực ném những loại bom kinh khủng lắm, mà ném toàn bom nặng tới bảy trăm tấn có sức phá hoại ngang bom nguyên tử, mình ở đây thấy rợn cả tóc gáy lên, ấy thế mà không hiểu làm sao cứ nghe thấy người ta nói là Bắc Việt vẫn đánh và đánh dữ hơn cả lúc mới phát động chiến tranh là khác!
Thế thì là cái thớ gì? Ở dây, người ta cũng ném bom tiêu diệt quá khích, ai cũng bảo là thời tiết không như trước, mưa không đúng cữ mà nắng cũng ra ngoại lệ, thành ra mình cũng tưởng thời tiết Bắc Việt đổi thay, do đó lắm đêm nằm tưởng tượng, mình cứ ngỡ là Bắc Việt không còn mưa rét nữa mà có khi lại nóng nứt đá tan vàng cũng nên. Nghĩ như thế, thấy buồn; nhưng nằm nghĩ thêm một lúc mình lại cười muốn khóc. Bom không làm nhụt được người thì sao mà lại ảnh hưởng được đến trời?
Bảo rằng thuốc khai quang có thể làm cho người ta ngứa; đạn thối có thể làm cho người ta nghẹt mũi trước tiến bộ của văn minh khoa học; đạn cay có thể làm cho người ta nhức đầu khó chịu, nhưng bảo rằng bom mà thay đổi được thời tiết, có lẽ là chuyện mơ hồ bịa đặt.
Ấy, chính vì nghĩ dớ dẩn như thế mình mới thấy yên tâm hơn một chút.
Hơn thế, lại còn nghe thấy nói rằng những vùng bị bom, mười ba năm nữa không cày cấy, trồng trọt được cũng lại là loè nữa. Trái lại, có người quả quyết những chỗ bị bom cày như thế trồng trọt cày cấy lại tốt hơn, còn không khí ở những vùng bị bom nguyên tử ở Nhật tưởng đâu là bị ô uế đời đời nhưng chỉ mấy tháng sau thì lại sạch sẽ và trong vắt như thuở trước. Cây lại đâm hoa trổ lá, chim lại ca hát trên cành, thế thì cơn bom đạn qua rồi trời lại trong xanh, gió lại thổi, mây lại bay, cây lại nở ngành xanh ngọn, có hề gì đâu, như thiên hạ vẫn thường đồn đại ?!
Ai chia đặng nước, ai dời đặng non
Không ai dời đặng non, không ai chia đặng nước, thế thì tháng mười một ở Bắc Việt, tất nhiên vẫn rét, mưa tháng mười một ở Bắc Việt tất nhiên vẫn riêu riêu. Và nghĩ đến như thế thì bảo không yêu Bắc Việt làm sao cho được?
Mưa rét thì khổ, khổ nhất cho người nghèo, nhưng biết như thế mà vẫn cứ yêu bởi vì cái mưa, cái rét ấy thông thường quá, vì chỉ có Bắc Việt mới có cái mưa cái rét ấy thôi. Ai đã xa nhà, trôi nổi ở một phương trời không có nước mắm, không có phở, tương tư phở và nước mắm thế nào thì ở giữa một thành phố khét lẹt hơi người, chói chan nắng lửa, người ta cũng nhớ mưa rét tháng mười một ở quê hương mình đến thế là cùng.
* *
Chập tối, thắp một ngọn đèn lên ăn cơm rồi uống một ngụm nước vối, quây quần lại với nhau nói chuyện, cái thú ấy kể đã êm đềm; nhưng nếu lại chống một cái gậy tre, đi qua vũng lội mà sang nhà hàng xóm bàn chuyện tầm phơ, cái thú ấy lại càng đậm đà hết sức.
Những cái gộc, những cành cây mót lại và chất đống ở đằng sau vựa thóc, lúc bấy giờ lấy ra đem chụm để cùng quây lại mà sưởi ấm, có một cái gì rất mờ ảo, thần tiên, làm cho người ta quên mệt nhọc, quên cả lo âu, quên luôn những buồn rầu về tiền nong công nợ. Ánh lửa bập bùng soi vào những bộ mặt nửa sáng nửa tối của những người ngồi nói chuyện. Thỉnh thoảng, nghe gió rào rào và nước lóc róc trên tàu ba tiêu, có người mới nhớ là bên ngoài mưa và rét. Ở trong này chén nước vối nóng làm ấm lòng người ta. Một ông vỗ vào đùi:
– Ờ, thằng Cún đâu nhỉ, tao có giấm mấy củ khoai trong bếp tro, về lấy sang đây, mau!
Có tối chỉ có một mẻ ngô rang mà khề khà ăn gần hết đêm. Lại có ông nhấm nháp một vài chén rượu với chả nhái, rung đùi tưởng chừng như có thể gãy cả thang giường vì ngon quá thể là ngon, ngon có thể chết ngay đi được.
Hồi kháng chiến, tôi đã từng sống ở những làng đồng chiêm và những buổi tối tháng mười một vẫn ngồi đốt lửa họp hội đồng như vậy. Họp chừng một tuần, thành ra nghiện. Nghiện chuyện của bà con lối xóm, nghiện nước vối, nghiện ngô rang, nghiện khoai lùi, và nghiện luôn cả cái lòng ưu ái đậm đà của những người hàng xóm nghèo nhưng ăn ở lúc nào cũng như bát nước đầy.
Ở đất đồng chiêm, khoảng giữa tháng mười, sau khi tát nước để làm vụ cấy, người nông dân gieo mạ trên những thửa ruộng xâm xấp nước. Buổi chiều, chắp hai tay sau lưng đi ra ruộng, vào trung tuần tháng mười một, ta đã thấy ngọn mạ dạt dào trước gió bấc. Qua màn mưa phùn tím nhạt, những ruộng mạ xanh hoa lí giải ra như những tấm thảm lưu li, chỗ đậm, chỗ nhạt, trông thật tài tình. Mạ lúc ấy cao chừng ba tấc, mỗi khi có gió chạy qua, rạt cả xuống rồi lại đứng lên, trông y như thể là các cô tiên đang múa.
Trông thấy mạ, người nông dân không những sướng mắt mà sướng cả lòng. Là vì lúc ấy họ cảm thấy đã hơi hơi “ăn chắc”; mai kia, họ sẽ nhổ mạ lên bó lại từng bó, xén bớt đầu lá để đem cấy lại, nhưng trước khi cấy lại, thường thường phải tát nước vào trong ruộng.
Chính lúc này nước lại khan, hồ ao lắm khi gần như cạn hết, người làm ruộng phải mất công tát từ những mương xa, nhiều khi phải cho nước chảy qua ba bốn thửa ruộng khác mới tới ruộng của mình. Ấy chính đôi khi tát nước như thế mà bắt được vài con cá nhỏ hay mấy con tôm càng, họ nhịn miệng không ăn, lại đem biếu vợ chồng người khách lạ tản cư về làng họ. Tội nghiệp, ông bà ấy bỏ cả nhà cả cửa mà đi…
Họ không nghĩ đến chính thân họ mà chỉ nghĩ thương đến người từ ở phương xa tới và đã biết bao nhiêu lần đi kiếm rau mồng tơi, mảnh bát về nấu canh, họ không quên hái thêm một mớ cho vợ chồng mình “ăn tạm”.
* *
Ở thị thành, phải nói thật là cái không khí yêu thương, ưu ái đó không có mấy. Tôi nhớ những đêm tháng mười một hồi còn bé, cứ độ tám giờ tối thì nhà nào nhà nấy đóng kín cửa lại ở trong nhà với nhau, ít có người nọ đến thăm người kia, ít có đốt lửa sưởi với nhau và cũng ít có những “vụ” uống nước vối, ăn khoai lùi, trò chuyện cởi mở với nhau như thế. Thường thường, trẻ con chui vào chăn bông đi ngủ sớm, trùm kín đầu đâu đấy rồi mới móc túi lấy hạt dẻ hay ngô rang ra xực, trong khi một cô em gái đọc cho bà nội nghe truyện “Thuyết Đường” hay “Tây Du” lấy công một hai xu một quyển.
Có khi ăn chưa hết ngô rang trong túi đã ngủ rồi, và chỉ độ một tiếng đồng hồ đã mộng thấy mình đi qua cầu, sang Gia Lâm, Gia Quất bẻ trộm ngô và bị người ta đuổi đánh. Sợ toát mồ hôi, thức dậy thì có khi cả nhà đã tắt đèn đi ngủ rồi. Lúc ấy, nằm mà lắng tai nghe những hạt mưa nặng hơn lúc ban ngày rơi lộp bộp trên mái ngói, người ta, dù hãy còn nhỏ nhít, cũng thấy buồn tê tê, nhưng buồn nhất đêm đông ở Bắc Việt là tiếng rao “giò giầy” và tiếng một người ăn mày từ ở tít đàng xa vọng tới, ví cái thân mình với con cá: “con cá nó sống vì nước, con sống về cửa ông cửa bà”.
Hình ảnh một người đàn ông mặc áo lá rách, đội một cái thúng vá trên đầu và xách một cái đèn dầu ở tay, thỉnh thoảng lại đánh rơi trong đêm khuya một tiếng rao ngái ngủ “giò giầy” cũng như hình ảnh một người mù, tay cầm một cái gậy bò lê dưới trời mưa, trong gió lạnh (có khi có một con chó dẫn đường), tính đốt tay cho đến bây giờ đã có ngót sáu mươi năm nhưng vẫn cứ mờ mờ hiện hiện trong óc tôi mỗi khi thấy tháng mười một trở về.
tháng mười một trở về ở đây không có gió bấc, không có mưa phùn, tháng mười một trở về ở đây tươi hồng rậm lá, tháng mười một trở về ở đây sướng như điên trong tiếng nhạc “sốt gun” có cô con gái Việt Nam bá vai thằng Mỹ đu đưa, thế mà không hiểu tại sao tôi cứ nhớ hoài, cứ thương mãi cái tiếng rao “giò giầy” và tiếng than “con sống về cửa ông cửa bà” của người ăn mày mù! …
Sàigòn ơi, Sàigòn có đêm hồng, Sàigòn có những cô ca sĩ đeo một triệu rưởi hột xoàn ở cổ và một triệu rưởi hột xoàn khác ở vú, có khi nào quay về xứ Bắc anh em để nhận thức rằng Sàigòn sướng không biết chừng nào vì gạo thì thừa, cá lại lắm mà mùa đông lại không cần áo rét vì
Chẳng mượn ai đan áo ngự hàn!
– Rỡn hoài. Bộ anh này muốn nói mỉa Sàigòn sao chớ?
– Đâu có. Này, tôi hỏi: thế từ xưa đến nay có bao giờ ở miền Nam lại có người chết đói chưa? Mà có bao giờ đã có người chết rét chưa? Ở Bắc, có những năm mất mùa, vô số người chết đói; còn rét mà chết, nói đâu xa làm gì, chỉ cách đây vài năm thôi, các báo chẳng đăng bằng tít bự như thế này, rằng “Ở Bắc Việt người ta chết cả đống vì trời ra tai rét quá, không thể nào chịu nổi”?
Thế nhưng mà thôi, nói mấy cũng là thừa, bởi vì từ xưa tới nay ai cũng biết là Bắc Việt nghèo khổ mà Nam Việt thì phè phỡn. Phè phỡn vì Nam Việt là con cưng được trời thương, nhưng “con ghét làm nên” có lẽ cũng là được trời thương cách khác. Nhưng dù là con thương hay con ghét thì cũng là anh em ruột thịt cho nên Nam, Bắc lúc nào cũng thương nhau, mỗi khi thấy cẳng đậu đun hạt đậu, thì hạt đậu khóc hu hu:
Đun nhau nỡ thế ru?
Tôi không ưa mấy ông “Bắc Kỳ cũ” lên mặt thạo, nói rằng người Nam “chịu được người Trung chớ không chịu được người Bắc” và mặc dầu người Nam không nói ra miệng nhưng trong tiềm thức vẫn nuôi một tinh thần kì thị.
Thú thực, tôi chỉ thấy ở Mỹ có kì thị đen trắng chứ ở Ấn bây giờ cũng chẳng còn kì thị giữa quý phái và cùng đinh thì sao ở Việt Nam lại có thể có kì thị Nam Bắc được? Nói lí sự nghe lãng nhách, cứ nhìn vào thực tế mà xem. Chỉ trong vòng có hơn chục năm nay, Bắc Việt và Nam Việt đã tỏ ra “chịu” nhau như chưa bao giờ thấy ghi trong lịch sử: chịu nhau từ việc lớn là bảo vệ tự do, xây dựng dân chủ cho đến việc nhỏ như vũ nhạc, y phục, trang trí, ẩm thực, thời trang… Cuộc di cư vĩ đại một ngàn chín trăm năm mươi tư tưởng đâu là một giai đoạn đau buồn trong lịch sử Việt Nam, thế mà không ngờ lại thành ra một cái cớ để siết thêm chặt tình thương yêu Nam Bắc.
Hồi còn người Pháp ở đây, tôi hả hê không biết chừng nào khi thấy có những ông tây chính cống nghiện mắm tôm, đến nỗi cho cả mắm tôm vào chè đường để ăn. Đến thời Mỹ, thấy họ đem thực phẩm từ Mỹ sang để xài với cả nước lạnh từ bên Mỹ sang để uống, tôi cử tưởng suốt đời ngườỉ Mỹ không thèm nhúng vào một miếng ăn nào của Việt Nam; ấy thế mà chỉ một hai năm sau, chả giò, chả lụa, lươn um, thịt bò khô trộn với đu đủ, bún thang… họ tìm ăn như quỷ. Thấy vậy, tôi cười, và thích thú vô cùng.
Nhưng thích thú, hả hê gì thì cũng không bằng thấy các ông, các thầy người Nam lịch sự như trời nghiện phở Bắc, sáng sáng không làm một tô thì đừ ra trông thấy, hay các bà các cô người Nam đẹp như tiên chịu bún riêu, bánh cuốn, bún ốc, rượu nếp, thang… hơn là bún bò, bì cuốn, hủ tíu thịt heo, cháo huyết…
Vẫn biết mỗi thức ăn có một phong vị riêng, không thể đem ra so sánh được, nhưng trông thấy người Nam “ăn Bắc”, tôi thấy có một cái gì duyên dáng lạ lùng, và tôi ưa nghĩ rằng ăn như thế là đem cái thương yêu đặt vào trong lòng, trong ruột.
* *
Cô Ba đã thấy có những người Bắc mới vào đây không biết ăn sầu riêng chưa? Ngộ lắm: họ lợm giọng, muốn nhả ra, nhưng sợ bất lịch sự đành phải nuốt mà chảy cả nước mắt nước mũi ra, y như thể một đứa trẻ ăn cơm muốn bỏ mứa nhưng không được, phải nhắm mắt nhắm mũi nuốt cho xong.
Ở Bắc, có một món mà lúc đầu nhiều người trong này cũng không chịu được, cũng như có một số người Bắc lúc đầu không chịu được sầu riêng nhưng sau quen giọng rồi thì nghiện như nghiện cần sa vậy: đó là cà cuống – một thời trân của tháng mười một, được lưu ý nhiều từ khi có cuộc di cư.
Bây giờ, nói đến cà cuống, tất còn có cô Bảy, cô Ba lợm giọng và chê là hôi quá, không chịu nổi, nhưng nói chung thì nhiều người ở đây đã chịu cái giọng của nó rồi. Tôi còn nhớ hồi năm một ngàn chín trăm hai mươi chín, ba mươi, ở trong này, về phía đồng bào người Nam có thể nói một ngàn người thì may ra có một dùng được nổi mà thôi, còn chín trăm chín mươi chín người “cẩm như Tây” không thể ngửi được mùi của nó, chớ đừng nói là thưởng thức.
Thực tình đến bây giờ tôi không biết tại sao lại có người ngửi mùi cà cuống mà lại bảo là hôi, chớ ở Bắc thì có thể nói không người nào lại không mê cà cuống, không nhà nào lại không có một ve cà cuống để sẵn trong nhà, ăn uống món nào đó cần phải có tí cà cuống mà không có để đưa ra thì người nội trợ chưa được liệt vào “số dách”.
– Tưởng là gì! Con cà cuống anh nói đó có phải tên thật là đà cuống không? Nếu thế thì ở đây thiếu gì. Người ta không buồn bắt. Vào cữ này, đêm nào anh cứ đi láng cháng trên con đường Tân Sơn Nhứt hay là ra cầu Bình Lợi xem có cả đống không?
– Chính “hắn” đó. Người ta quen gọi là cà cuống. Thực ra, tôi không biết sự tích nó thế nào, nhưng nhớ lại lúc vợ chồng sum họp với nhau, ngồi nhể bọng cà cuống lấy dầu, thì vợ vốn là người thuộc thơ và nhớ tích truyện, cho biết con cà cuống thực ra là con đà cuống, và cũng như chim ngói, cá mòi, cũng có một truyền kì về nó.
Tục truyền rằng Triệu Đà là người đầu tiên ở nước ta ăn cơm với con cà cuống. Thấy thơm một cách lạ kì, ông ta bèn gửi dâng vua Hán một mớ và gọi nó là “quế đồ”, nghĩa là con sâu cây quế. Vua Hán nếm thử thì nhận rằng nó giống mùi quế thực, khen ngon và phân phát cho quần thần mỗi người một con. Bất ngờ trong đám có một ông lắm chuyện tâu rằng: “Đó không phải là con sâu sống ở trong cây quế mà chỉ là một con sâu sống ở dưới nước “thuỷ đồ”. Vua mới phán rằng: “Thử nãi Đà chi cuống dã”, nghĩa: đó là lời nói láo của Đà. Từ đó, cà cuống thành ra đà cuống. Nó còn một tên nữa là “long sắt”, nghĩa là con rận rồng.
Con rận rồng! Nghe tên có quý không? Ta có tám món ăn quý nhất gọi là bát trân : nem công là một, chả phượng là hai, da tây ngu là ba, bàn tay gấu là bốn, gân nai là năm, môi đười ươi là sáu, thịt chân voi là bảy, yến sào là tám. Con rận rồng không phải là một thứ trân, mà chỉ nên coi là gia vị, nhưng nghe tên thì quý có phần hơn cả bát trân là khác.
Là vì con cà cuống quý không phải vì thịt nhưng vì cái dầu của nó. Cứ vào cữ tháng mười một ở Bắc Việt cà cuống trứng, cà cuống cay “dội” lên ở khắp nơi. Trên các đường phố Hà Nội thương thương, có những người đàn bà đội thúng ở trên đầu, tay đu đưa đi trong im lặng không rao một tiếng mà tài thế, nhà nào cũng biết để mà gọi vào mua.
Tôi còn nhớ có một thời kì tôi được sống những ngày trời tháng bụt: mùa rét, tám chín giờ mới dậy, chừng mười giờ mặc ba-đờ-suy, đi ghệt đờ-vin láng cháng ra một nhà hàng gần đó uống rượu hâm, rồi về nhà giết những phút vô liêu bằng cách lên gác xuống nhà, ngâm ngợi dăm ba câu lếu láo.
Chính nhờ thế, tôi mới biết là những người đàn bà bán cà cuống ấy sở dĩ không cần rao vì họ đã có khách quen cả rồi: có hàng thì cứ tự nhiên đem vào bán, mà đã vào thì các bà nội trợ cứ tự nhiên mua. Người bán và người mua cùng ngồi nhể bọng cà cuống cho vào một cái đĩa nhỏ, đến khi xong cả thì mới trút vào trong một cái ve nhỏ bằng ve dầu Vạn Ứng, đậy thực kín, lấy giấy bóng bao ngoài cái nút rồi lấy dây quấn chặt để cho không bay hơi đi mất.
Vì không có công chuyện gì phải làm ăn gấp rút, có nhiều lần tôi cũng “ké” vào ngồi xem và cũng bắt chước đi lấy tăm nhể bọng cà cuống chơi. Những con cà cuống này còn sống cả. Nếu cầm không cẩn thận, nó châm cái ngòi vào tay. Ngòi nó từa tựa như vòi con ve vậy. Mà “như” gì nữa? Theo tôi, cà cuống là một loại ve lớn, nhưng thay vì mình ve khác tròn thì mình nó dẹp, có bốn cánh, hai cánh ở trong ngắn, mỏng mà vàng còn hai cánh ở ngoài thì dài, cứng hơn một chút, màu cánh gián sẫm, có gân tim tím.
– Anh cẩn thận kẻo nó bò đi mất đấy. Mà nó lại bay nữa, phải coi chừng!
– Biết quá mà. Hồi chúng mình chưa lấy nhau, anh đi chơi một hai giờ đêm mới về. Anh còn nhớ cũng vào khoảng tháng này đây, đi con đường từ Lò Sũ về Bờ Hồ, qua rạp Philharmonique và đền Bà Kiệu lá rụng và cà cuống bay cứ rào rào làm lu cả bóng đèn điện ngoài đường, bắt không xuể… Nhưng này, sao nó chỉ dội lên mấy ngày, một tuần lễ là cùng, rồi mất hẳn không thấy nữa?
– Cái gì đẹp mà quý lại chẳng hiện lên rồi mất ngay? Con rươi, chim ngói, cá mòi, cốm… đều thế cả. Có phải Tây cũng như Tàu đều tin như vậy và vẫn nói rằng “ngay hôm nay phải hái liền những bông hồng của cuộc đời” phải không anh?
– Nhưng mà này, sao mình nhể “liền” cái bọng của con này lại không có gì là nghĩa làm sao?
– Ông ơi, ông chỉ được cái tài nói khoác. Có phải con cà cuống nào cũng có bọng để lấy dầu đâu! Đây này là con đực, chỉ có con đực là có dầu thôi.Vì thế, cà cuống cay bao giờ cũng là cà cuống đực. Con cà cuống đực có một cái bao nhỏ dính với ruột, trong chứa một chất nước như mùi nước đái quỷ. Ở hai bên, phía trong bụng, dưới cặp chân thứ ba, có hai cái túi nhỏ bằng hột gạo trong đựng một chất nước thơm. Cái nước thơm ấy, ta đương nhể ra đây. Nhể phải nhanh tay mới được, chậm thì bay mất mùi thơm đi. Ta gọi cái nước thơm ấy là dầu cà cuống. Dầu cà cuống nhẹ hơn nước, mùi thơm hơi cay, cho vào lọ mà bịt nút không kín thì nó bay hơi đi mất.
Nhớ những lời của vợ kể ngày xưa, người chồng nói khoác hôm nay lại cứ đúng nguyên văn mà nói lại với những cô bạn mĩ miều phương Nam đương ngồi ăn thang chan đẫm mắm tôm cà cuống. Cô nào nghe cũng cứ treo mắt lên môi anh chàng. Và anh không quên nói tiếp mấy câu tráng miệng:
– Thế nhưng đừng tưởng cà cuống chỉ quý riêng về cái dầu đó mà thôi. Ta biết cà cuống có hai thứ: cà cuống cay và cà cuống thịt. Cà cuống cay cho chúng ta chất dầu đặc biệt vừa nói, nhưng cà cuống thịt lại có một vẻ lâm li khác hẳn. Bỏ cánh đi rồi, anh nhần nhần sáu cái chân nó, lấy cái đầu, xé ra nhấm nhót cái ức trước rồi cái đuôi sau, anh sẽ thấy nó có một vị ngon khác hẳn các món ăn ngon nào khác: nó nhận nhận, bùi bùi, beo béo mà lại thanh thanh, một người tục có thể ăn cả trăm con không biết ngán.
Mà ngán làm sao được? tháng mười một là tháng cà cuống thịt hầu hết đều có trứng, tách đôi cái bụng nó mà nhần lấy những chùm trứng xanh xanh, vàng vàng như hoa cà hoa cải, tôi nhất định tin là còn khuya cái món ca-vi-a (1) của Âu Mỹ mới mong sánh kịp.
– Thế cà cuống cay lấy dầu xong thì “rục” cả đi ư?
– Nói bậy. Ăn cũng ngon như cà cuống thịt vậy, nhưng nó kém ngon một chút vì không có trứng mà thịt ở ức không mấy béo.
Một cô mĩ miều bỗng đập tay vào vai cô ngồi cạnh:
– Thôi chết rồi, nói vậy thì ở đây mình cũng có cà cuống mà mình không bắt để ăn…
– Thì đã nói là ở đây thiếu gì, nhưng cái hay là có người không buồn bắt, trong khi có người khác lại biết bắt lấy để rút cái chất nước thơm và cay ở trong bụng nó làm đồ gia vị độc đáo nhất, mê li nhất. Đừng ai bảo ăn uống như thế là tầm bậy tầm bạ. Không. Ăn uống như thế là đã đi đến chỗ tinh vi triệt để, không dễ gì các nước vỗ ngực là văn minh, mà cũng không dễ gì các nước có một nền văn hoá hai ba trăm năm đã biết ăn như vậy.
Mù-tạt là cái gì? Nước cà tô-mát là cái gì? Mà ma-di là cái gì? Đó là tất cả những cái gì rất ngon, rất quý của Tây phương, ai mà dám chê; nhưng có nhiều lúc tôi đã nghĩ thầm như thế này và tôi cười muốn chết: ngày tết gói bánh chưng trộn nhân với mù-tạt; ăn thang, cuốn, chả cá, tiết canh lòng lợn chấm mắm tôm mà lại cho tô-mát-dút (2); hoặc ăn bánh cuốn, cháo ám mà lại cho vào nước mắm một ít ma-di hay lạp-chíu-chương thì trời đất quỷ thần ơi, phong vị các món ăn gia dụng ấy sẽ ra sao?
Nước Việt Nam khổ sở của chúng ta có biết bao nhiêu món ăn thích khẩu, nhưng biết bao nhiêu món ăn thích khẩu sẽ “đi đoong” nếu không có gia vị là cà cuống. Âu cũng là một điều đáng tiếc là phải đợi mãi đến gần đây ta mới thấy người mình ở trong này lấy dầu cà cuống để điểm vào những bữa tiệc hay những bữa quà cho “thơm” hơn! Vậy mà dần dần đồng bào ở đây và cả các ông ngoại quốc cũng “chịu giọng” cái “chất nước trong, cay hắc mà hôi hôi đó” – chịu quá, chịu đến hoá ra ghiền, vì tôi đã thấy có người ăn bất cứ món gì cũng phải cho mấy giọt cà cuống vào nưởc chấm mới làm được vừa ý ông thần khẩu.
Ấy thế mà cà cuống ở đây, thực ra, mới chỉ là hạng nhì, vì cà cuống đây không cay sắt là một lẽ, mà lẽ khác là vì dầu cà cuống phần nhiều pha chớ không được nguyên chất, lại cũng có thứ dầu cà cuống chế bằng chất hoá học chớ không phải là dầu chính cống, lấy trong bọng con cà cuống ra.
Tôi tiếc ở đây người ta không xài cà cuống thịt, phảí chi có những người đến mùa đi bắt đem về luộc lên để cho các bợm nhậu đưa cay, dám chắc xí-quách, lỗ tai heo, khô nai, khô cá thiều, thịt bò lúc lắc đều thua xa một nước.
* *
Nhưng nói thế mà thôi, chớ nóng chảy mỡ ra như cái tháng mười một ở trong này, ăn vàng vào miệng cũng như là ăn rơm. Chỉ được cái trái cây gỡ lại. Không nuốt được cơm, chỉ lấy trái cây mà rẫy, rồi ăn xong thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại, anh nằm quạt máy lim dim con mắt mơ về những chuyện xa xưa, tôi đố anh không có lúc thấy tiếc tiếc, nhớ nhớ, thương thương cái bầu trời đục màu chì lỏng, cái mưa lầy lội chỉ vừa làm ướt gấu quần và cái rét êm êm, ngòn ngọt thỉnh thoảng lại có một ngọn gió hơi buôn buốt thổi vù vù từ xa lại làm cho những cành cây thưa lá đập vào nhau và reo lên khe khẽ như tiếng của những người yêu bé nhỏ gọi những người yêu.
Mưa rét như thế, ai mà chẳng cảm thấy ở trong nhà đọc sách thỉnh thoảng lại nhắp một miếng cà phê do chính mình pha lấy và hít một khói xì gà thì nhất: những người có chất nghệ sĩ lắm khi khó chịu đến cái mức vợ con không thể nào chịu nổi. Có ai nằm nhớ lại Hà Nội ngày nào, vào những lúc trời se sắt, mưa dầm dề, gió lê thê như thế, thỉnh thoảng ở giữa đường lại có một anh chàng mặc áo tơi, đội mũ mốt săng, đi ghệt, ngậm cái ống điếu đi lang tháng mười một mình như đang nghĩ thơ không?
Ấy đó, biết là đóng cửa lại ở trong nhà ấm cúng thật tình, nhưng có những người nhìn lên trời thấy ở bên ngoài sầu sầu một cách nên thơ, tự nhiên cảm thấy không chịu được, phải vội vàng khoác áo đội mũ ra đi để tận hưởng cái rét, để dầm mình vào trong mưa, để nghe cái nhịp thở âm thầm của cỏ cây lúc đó bắt đầu hé những lá non bé tí tẹo, xanh mươn mướt.
Không phải là thi sĩ, nhưng vào những buổi chiều tháng mười một ở Hà Nội, người nào cũng muốn làm thơ: trời lạnh có gió mưa, nghe tiếng rao sì-cốc-bểu là một loại bánh cuốn hấp, người ta cũng thấy có một cái gì gợi cảm; cái xe tay trùm áo tơi cánh gà cũng có thể là một đề tài để cho người đa tình suy nghĩ hay một cái quán bên đường he hé mở để cho người đi qua nghe thấy một cái lò than hồng tráng bánh cuốn có mấy người ngồi ăn trong làn khói mờ mờ như sương cũng có thể làm cho ta tưởng tượng bao nhiêu cuộc hợp hoan chờ đợi…
Rét lắm, anh ơi, thôi đi về, anh nhé. Những bờ vai sát lại với những bờ vai; những con mắt nhõng nhẽo tìm những con mắt ngọt ngào; mớ tóc ai đen rưng rức như đêm tăm sao khéo buông lơi xuống môi má người thương y như thể tơ hồng quấn quýt lấy cành mộc-liên xanh nõn…
Kéo cái màn cửa sổ mà nhìn qua lớp kính mờ mờ hơi nước xuống con đường nhựa láng bóng nước mưa, anh thấy vũ trụ im ru như trong buổi hồng hoang mà nhịp thở ân tình của người yêu là tiếng hát ru, còn bộ ngực ngát thơm là cái gối mộng đưa anh xuống con thuyền bát nhã chở về miền cực lạc.
Bây giờ, ngồi ở trong một quán nước vắng teo mà nhìn lên gác nhà ai le lói một làn ánh sáng mờ mờ ấm ấm, người chồng phiêu bạt đột nhiên cảm thấm thía hơn cả bao giờ nỗi cô chích của mình và bao nhiêu kỉ niệm với người vợ bùi ân ngọt ái khi xưa lại trở về như những cánh chim non trong mộng.
Ối, ở cái đất giàu có sung sướng này, hương phấn thừa thãi, giơ ngón tay út lên thì lúc nào chẳng có người sẵn sàng kết bạn một đêm với anh ngay, nhưng người chồng “đánh rẻ cái hồng nhan” đứng dậy, bỏ quán nước đứng lên; đi thủng thỉnh dưới mưa phùn gió bấc. Ngao ngán cho thân mình, y có lúc không còn mong gì nữa, không còn thèm gì nữa. Mong gì bây giờ? Mà còn thèm gì bây giờ? Những tiếng cười tiếng nói đa tình, những bộ đứng, cách đi duyên dáng của các cô bạn mĩ miều đã tắt như lửa ở trong lò sưởi tắt lúc trời gần sáng. Bao nhiêu ấm cúng, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu an ủi đã chết rồi, bây giờ chỉ còn lại một cái gì trống rỗng mông mênh, một cái gì nhạt nhẽo không làm rung động được khứu giác, một cái gì ghê rợn thoang thoảng mùi bệnh tật và chết chóc.
Chiếc chìa khoá vàng rớt từ ở trên đỉnh tháp xuống bây giờ biết tìm đâu? Đến gần sáng, người chồng mới về được tới nhà, mở cửa rộng ra, và tự nhiên thấy tạt lại một mùi gì nhạt nhẽo: có lẽ đó là mùi chăn hôi chiếu mốc. Mệt mỏi, anh không buồn đóng cửa lại nữa, gục đầu xuống cởi giày nhưng để nguyên quần áo lăn ra giường và lấy nửa cái chăn đắp vào ngực cho đỡ lạnh.
Ngoài kia, mưa rơi buồn thê thiết; gió thổi qua khe cửa làm cho lá màn màu bạc úa cũng rung lên vì lạnh. Kỉ niệm xa xưa ơi, cứ đến trêu chọc người gối lẻ nằm mất ngủ đêm mùa đông làm gì ?!
Chỉ thấy mây trôi, chẳng thấy làng!
Y giơ tay bưng lấy mặt, nhưng vẫn không tài nào chợp được mắt.
* *
Một lát thì ở xa tiếng gà đã gáy te te. Trời lọc qua cửa kính rọi vào một làn ánh sáng đục lờ như thể cà phê sữa. Chẳng biết bây giờ ở xứ bạn nằm yên giấc, trời đã sáng chưa, mà sao ở trong căn phòng úa héo này, vẫn còn tối mù tối mịt.
Người chồng lăn bên này, lăn bên nọ thì đã thấy ở bên cạnh có tiếng máy truyền thanh nhỏ nhẻ vọng sang. Cái đất này nghiện máy truyền thanh, cải lương, Quỳ ạ.
Trước đây, vợ anh thích nhất hai tuồng “Sơn Hậu” và “Chiêu Quân cống Hồ”. Anh cũng thích là vì vợ thích. Nhưng đêm nay, ruột cứ nẫu ra, còn bụng dạ nào mà nghe nữa? Anh kéo chăn trùm kín lấy đầu, nhưng giọng Út Bạch Lan trong “Bụi mờ ải nhạn” vẫn cứ như khoan vào lỗ tai. Trong lúc chập chờn nửa mê nửa tỉnh, anh bỗng thấy từ dưới đất dưng lên đồi núi trùng trùng điệp điệp, trắng xoá dưới những lớp tuyết dày dãi ra bát ngát không biết đâu là đất, đâu là trời.
Không có một bông hoa, một bóng chim. Tuyết, chỉ toàn là tuyết trắng. Thỉnh thoảng, nổi lên một tiếng tì bà oán hận. Rồi ở xa xa, xa tít đàng xa, có hai cái hình bóng bé nhỏ hiện lên trên hai con ngựa gầy cúi đầu đạp tuyết mà đi về phía chân trời tẻ ngắt. À, ra là Vương Chiêu Quân đi cống Hồ, có Lưu Văn Long hộ vệ, và cứ đến mỗi chặng đường, Chiêu Quân lại khóc bằng mười đầu ngón tay trên cây đàn tì rồi tức cảnh làm thơ để Lưu Văn Long hoạ lại, nói lên nỗi lòng thương Hán oán Phiên.
Người chồng chảy nước, nói một mình như thể người mơ ngủ:
– Tội nghiệp Chiêu Quân vì sắc đẹp mà phải đem mình sang cống vua Phiên, nhưng ai oán nào cho bằng Lưu Văn Long bị vạ lây, phải bỏ vợ mới cưới đi hộ tống “lịnh bà” sang đất rợ để tới khi được về thì tóc xanh đã bạc quách từ bao giờ rồi!
Chú thích
(1) Caviar: một loại trứng cá esturgeon, thoạt đầu chỉ Nga có, nhưng bây giờ thì có hầu hết cả Âu Châu.
(2) Tomato juice: nước cà chua.