Chờ cho người ấy trổ tài hùng biện đã chán chê đi rồi, Giao Đài mới bỏ tờ tạp chí xuống bàn và nói:
– Không, người ta chẳng nên thật thà, nhất là khi người ta yêu nhau.
Tuy rằng chẳng ai lại hoàn toàn thật thà với ai bao giờ, điều ấy thì ai cũng thừa biết, vậy mà người nào cũng cứ ao ước sẽ có kẻ thật thà với mình thì có lạ không. Khôi hài nhất là khi ta thấy ai có vẻ hơi thật thà với ta, chỉ hơi hơi thôi, ta cũng lấy làm sung sướng lắm! Những kẻ đương lăn lóc trong tình trường cũng vẫn có cái ảo tưởng là đôi bên hoàn toàn thật thà với nhau… tựa hồ sự thực làm cho ta sung sướng như ta trúng số độc đắc! Này, các anh, thôi đừng ai nên để cái lòng thật thà của người ta yêu đi kèm với hạnh phúc! Nó tai hại lắm. Nó chỉ phá hoại chớ chẳng kiến thiết bao giờ.
Nghe đến đây, Lê Văn Thư, một người lúc nào cũng lạc quan, bèn nổi giận mà rằng:
– Chà! Một người đàn bà như Giao Đài mà lại để ở miệng thốt ra những lời lẽ đáng buồn đến như thế nữa ư? Này, chị Giao Đài, coi chừng kẻo mà chị sẽ trở nên một thứ quái vật!
Giao Đài chỉ cười nhạt, lại khoan thai nói thêm:
– Nghĩa là cũng như mọi người, phải không, các anh? Người ta ai không là một thứ quái vật?
Không để ý, Lê Văn Thư lại sốt sắng tiếp:
– Chết nỗi! Nếu lại không có sự thật thà cứu vớt thì nhân loại còn có gì nữa! Thì làm gì có những ái tình, làm gì có cái tình bằng hữu, làm gì có những tính tình tốt đẹp và những dây liên lạc mà người ta bảo là thiêng liêng! Mà làm gì còn có hạnh phúc nữa!
Giao Đài lại cười rộ, coi anh Thư như một đứa trẻ ngây thơ. Rồi nói:
– Coi chừng đó, anh ạ. Yêu nhau là một việc mà thật thà với nhau lại là một việc khác.
Một người bèn hỏi:
– Vậy thì khi đã yêu nhau, người ta có nên thật thà với nhau không?
Giao Đài chẳng cần nghĩ đáp ngay:
– Không! Không! Chẳng bao giờ, và chẳng nên một tí nào!
Sau cùng, Giao Đài khoan thai kể lại câu chuyện dưới đây để dẫn chứng cho cái thuyết ấy.
+
- +
Các anh, các chị đây hẳn còn nhớ vợ chồng anh giáo Hiển đấy chứ? Chị ấy vì hậu sản mà thiệt phận năm ngoái ấy mà! ấy đó, một người đàn bà đáng quý và đáng thương. Kẻ ngoại cuộc là các anh, các chị, ngồi đây hẳn phải tưởng cặp vợ chồng ấy sung sướng cực điểm. Thưa không ạ! Anh Hiển, chi Hiển là hai kẻ đau khổ nhất đời. Lúc buông tay nhắm mắt, chị ấy còn phải đem theo xuống suối vàng một thứ mà ta quen gọi là “hận nghìn thu”. Lúc khâm liệm cho vợ, anh giáo Hiển cũng vẫn còn là kẻ không chút đỉnh lương tâm nào nữa!
Chỉ tại sự thật thà!
Tôi sở dĩ được rõ mọi điều vì chị Hiển coi tôi là bạn thân hơn hết. Những chuyện gia đình, những điều tâm sự, những cái éo le, khuất khúc mà không ai dám nói với một người thứ hai nào nữa, thì chị Hiển đã có kể lể cả với tôi. Việc đôi lứa ấy vì ái tình mà lấy nhau, rồi ăn ở với nhau vẻ bề ngoài ra làm sao, chẳng cần nói, các anh, các chị cũng thừa rõ…
Sau ngày cưới được năm hôm, chị Hiển đã đến chơi với tôi.
Cứ như những lời chị nói, cứ trông những cử chỉ của chị, cũng đủ hiểu chị bằng lòng cuộc trăm năm đến có thể hoá điên vì sung sướng. Chồng chị là người quân tử, có nhiều đức tính, lại yêu quý vợ nồng nàn hơn ai. Nếu cứ theo nhịp ấy mà đi, thì giữa cái loài người khốn khổ này, anh Hiển, chị Hiển, là một cặp vợ chồng tiên.
Mấy hôm sau nữa, khi lại thăm bạn vào lúc anh Hiển vắng nhà, tôi thấy chị ấy có cái vẻ mặt của người hối hận vì đã trót làm điều gì tai hại mà không còn phương gì cứu chữa nổi nữa. Mà quả vậy! Luôn mấy năm sau trong cặp mắt ngây thơ vốn đầy những ánh sáng của chị, tôi thấy hình như có một thứ bóng tối nó ám ảnh, nó làm thần thái của chị Hiển lu mờ như mặt trời bị lấp bóng mây. Chị đã kể lể:
– Chị Đài ơi! Có lẽ từ nay mà đi, tôi đành cam phận là người đàn bà khổ sở nhất đời rồi! Tôi đã nhỡ tay để hạnh phúc của tôi vỡ ra làm trăm nghìn mảnh. Từ nay mà đi, tôi không còn dám màng tưởng đến những ngày mà tôi đã thấy cuộc đời là có nghĩa lý là đáng sống như những ngày mới bước chân về nhà chồng nữa. Thôi, thế là xong!
Nói thế rồi, chị Hiển buông xuôi hai bàn tay như người thất vọng trước những mảnh vụn của một cái lọ quý giá mà mình đã vô ý đánh vỡ vậy. Chỉ một cử chỉ ấy cũng đủ khiến tôi xúc động lắm, và đủ đoán nổi cái hệ trọng của việc đã xảy ra. Tôi vội đứng lên, ra khép chặt cửa phòng rồi quay vào nghe chuyện.
– Chị ạ, mấy ngày tân hôn, nhà tôi không nói những lời nào khác những lời của một kẻ si tình, say mê, yêu quý tôi. Nhà tôi đã có những lời lẽ ngây ngô vô cùng, những lời mà tôi tưởng không ai biết nói như thế… Tôi đã sung sướng bao nhiêu, bây giờ lại hối hận bấy nhiêu. Là vì đêm vừa qua, khi lên giường chung gối chung chăn, không hiểu bởi những duyên cớ khốc hại gì, bởi thứ ma quỷ độc địa nào nó xui giục, mà nhà tôi lại chợt hỏi: – Anh hỏi thế này em đừng cho là lẩn thẩn nhé? Trước khi biết anh, em có hề yêu một người nào không?
Tôi ngạc nhiên thì ít, mà nổi giận thì nhiều. Bèn làm bộ bình tĩnh hỏi lại:
– Sao anh lại hỏi thế nhỉ?
Chồng tôi vội vàng cắt nghĩa:
– Không! Anh hỏi thế không có gì là can hệ! Nếu em ngạc nhiên là vì em chưa hiểu rõ nghĩa chữ yêu mà anh muốn nói. Yêu đây chẳng phải là thư từ, đi lại, rồi làm những điều mà đức hạnh phải kết tội đâu. Yêu đây có nghĩa trong sạch hơn, bi đát hơn, có thi vị hơn, vì yêu đây là ngưỡng mộ, là kính trọng, là yêu vụng, giấu thầm, là “để ý”, là vắng mặt thì khao khát mà gặp mặt thì không dám ngỏ bầu tâm sự… Nói nôm na thì yêu đây nghĩa là có ý muốn người ta hỏi mình làm vợ.
Ngừng một lát, chồng em lại tươi cười mà tiếp:
– Không can hệ, thật thế! Cũng như anh chẳng hạn… Trước khi biết em và lấy được em, anh đã yêu không biết bao nhiêu người đàn bà, yêu theo cái nghĩa đã nói trên. ừ, thế đi nữa thì có sao đâu! Việc gì có thành sự thực hiển nhiên thì mới đáng kể, và nếu anh nói thế, chính là vì đối với em anh muốn xử sự đặc biệt, nghĩa là cho em được hưởng cái lòng thật thà, có một không hai của bọn đàn ông phần nhiều ích kỷ, gian ngoan.
Ngây ngô em hỏi lại:
– Sao bỗng dưng anh lại thật thà như thế?
– Là vì anh đoán anh biết. Anh hiểu rằng nhiều khi em thấy trong óc thoáng qua cái ý tò mò muốn biết ấy cũng như đại đa số phụ nữ đối với chồng. Nếu em chưa hỏi là vì chưa tiện dịp, và thế nào rồi cũng có phen em muốn thử hỏi thế một câu chơi. Đã thế thì liệu rồi anh có giấu được em không? Giấu sao được, em tin sao được. Chẳng khi nào một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi mà trước khi lấy vợ lại chẳng hề “để ý” đến một người đàn bà nào khác bao giờ! Nếu quả trên đời này có hạng đàn ông ấy thật, đó phải là một hạng kỳ dị!
Em ngây mặt ra nghĩ, càng nghĩ càng thấy chồng nói đúng sự thật lắm.
Chợt chồng em lại nói:
– Thí dụ như em chẳng hạn… năm nay em đã 24 tuổi rồi. Vậy mà ái tình đến với người thiếu nữ rất sớm. “Nữ thập tam nam thập lục” thật đúng như lời cổ nhân. Tạo hóa đã an bài ra thế, không một người con gái nào lại vượt qua được cái công lệ ấy. Vậy thì vào tuổi dậy thì, người ta phải mơ mộng, phải khao khát lòng yêu, phải để ý đến đàn ông. Anh nói chuyện đây là dựa vào khoa học chứ không nói hồ đồ, vu vơ gì. Đã thế thì không thể nào em lại không hề để ý đến một người đàn ông nào, trước khi là vợ anh, trong cái thời hạn từ mười tám đến hai mươi tư tuổi. Vì rằng không phải ở đời này chỉ có một anh là người đàn ông đáng yêu thôi, có phải thế không?
Trước những lý luận đanh thép của một người có khối óc tỉ mỉ sáng suốt như thế, tôi biết là chối cãi thì không được, biết chối cãi thế nào? Có ai lại đủ nghĩa lý để chối cãi một chân lý hay không?
Vả chăng, chồng tôi đã bảo là “không can hệ”. Mà muốn yêu chồng một cách hoàn toàn, tôi tưởng không còn cách nào khác là đem lòng thật thà của mình mà dâng lên.
Chỉ nghĩ được có thế, tôi chẳng ngại đáp:
– Anh nói đúng đấy. Năm mười bảy tuổi, em cũng đã có yêu một người, yêu theo những cái nghĩa anh đã phân giải lúc nãy. Không biết người ấy có để ý đến em không! Người ấy không hề hỏi em làm vợ, và giá có chắc hẳn cũng không được nào. Bây giờ thì người ấy cũng đã lấy vợ, cũng đã có con…
– Thế rồi sao nữa?
– Thế rồi… chả có gì nữa.
– Sau người ấy thì không để ý đến ai khác nữa?
Em thật thà cả cười:
– Thì đến anh, và lấy được anh, thế thôi.
Nhà em ngẫm nghĩ một lát, phê bình:
– Thế nghĩa là em đã yêu người ấy lắm, yêu lắm. Đến nỗi phải chán đời cho đến lúc lấy chồng, nghĩa là trong bảy năm không còn sức để ý đến một ai nữa, nếu không có anh.
Tôi không đáp. Chồng tôi thở dài, khiến tôi phải hỏi:
– Anh vì thế mà buồn đấy à? Sao anh ác thế? Sao anh lại bắt em phải thật thà với anh để rồi làm em phải đau đớn?
Nhưng nhà tôi đứng lên, thản nhiên:
– Việc gì mà buồn! Có người đàn bà nào mãi cho đến lúc lấy chồng mà cũng còn nguyên cái trinh tiết tinh thần bao giờ! Tôi chỉ cần sau khi lấy tôi rồi thì vợ tôi không tư tưởng đến ai nữa. Thế thôi!
Rồi chúng tôi nói những chuyện khác, mãi cho đến lúc cả hai cùng ngủ. Nhưng mà, ba giờ đêm, chợt thức dậy, tôi thấy nhà tôi, chị ạ, nhà tôi ngồi ở bàn, hai tay bịt lấy thái dương. Tôi vùng dậy, hỏi một cách run sợ:
– Anh? Anh nghĩ ngợi đấy à?
Tôi muốn thà nhà tôi nói nặng còn hơn chỉ thản nhiên đáp một cách độc địa thế này:
– Có thế!
Lúc ấy tôi bực lắm. Bao nhiêu nỗi phẫn uất của giống đàn bà đã mấy nghìn năm bị áp chế, bị bó buộc vào vòng nô lệ của giống đàn ông ích kỷ hình như dồn cả vào óc tôi. Tôi bèn nói:
– Thế tại ai gây ra chuyện ấy? Anh đã thật thà với em thì em cũng phải thật thà với anh. Anh nghĩ xem, em chối có nổi không? Vả lại như ai đã nói, điều ấy cũng chẳng can hệ gì.
Chồng tôi rền rĩ:
– Không! Chẳng can hệ gì cả!
ấy cái ghen của đàn ông là như thế đấy. Họ tò mò, họ bắt mình cung khai sự thật, để họ phải đau khổ, và làm mình cũng đau khổ. Họ có hàng trăm cô nhân tình, họ ngủ với hàng nghìn con đĩ thì không sao. Vợ họ mà để ý một người nào trước khi biết họ, thế cũng đủ họ muốn tự tử. Chồng tôi lại đứng lên, đau đớn nói:
– Bây giờ thì tôi đã rõ sự thật, đã rõ rằng cái hạnh phúc của tôi không hoàn toàn, và chỉ có giới hạn mà thôi.
Tức thì tôi hiểu ngay rằng thế là xong, vợ chồng mà đã thế thì không thể nào có hạnh phúc được nữa. Tôi bưng mặt ngồi khóc như đứa trẻ không có tội mà bị cha mẹ đánh mắng, chị có biết trong bao lâu không? Ngót một tiếng đồng hồ! Tuy rằng không ai to tiếng với ai, song đêm ấy quả thật có một tấn kịch vô cùng thảm đạm. Sau cùng thì chồng tôi đứng lên, ra vuốt ve tôi.
– Thôi, nín đi, em ạ. Anh xin lỗi em. Anh sẽ quên đi, và anh cam đoan là sẽ quên được. Thật ra, trong việc này, em chẳng có một phần lỗi mọn nào.
Tôi đã phải tìm nhiều lời lẽ an ủi chị Hiển, và tôi đã cầm tay chị lôi lên miệng tôi mà hôn một cách đau thương như hôn một người yêu trong một cảnh ngộ xót xa.
Năm sau, vì có giấy bổ tôi đi Thái Nguyên, tôi không được cùng anh giáo Hiển dạy một trường, và do thế, phải cách biệt chị Hiển. Thỉnh thoảng lắm mới lại có một lá thư trao đổi tin tức cho nhau. Không bao giờ quên những tâm sự của mình, có khi chị Hiển gửi tôi những lá thư dài sáu trang, tám trang, và tôi đã phải nhiều phen tùy chuyện kể trong thư mà hoặc vui hoặc buồn cho bạn.
Một lần tôi rất vui vẻ vì chị Hiển báo tin rằng đã tìm thấy cái hạnh phúc tưởng đã mất tích. Lời lẽ trong thư đại khái rằng:
– “Chị Giao Đài ơi, em hồi hộp báo tin mừng rằng có lẽ chồng em đã không còn muốn làm một người vô nghĩa lý nữa. Nhà em đã biết nói đại khái như thế này: “Theo ý tôi, một cuộc tình duyên hoàn toàn tốt đẹp phải là: Hai người, trước khi yêu nhau đều chưa để ý đến người thứ ba hay là người thứ tư nào cả, và sau khi đã ăn đời ở kiếp với nhau rồi, tất nhiên cũng phải giữ chung tình như trước, nghĩa là vợ cũng như chồng không ai được có một phút điên rồ, mặc dầu là chỉ trong một phút, ngoại tình bằng tinh thần. Như thế cho đến lúc chết.
Vì lẽ người đời không ai lại vợ chồng cùng chết cả một lúc, tất nhiên phải còn lại một người góa vợ hoặc một người góa chồng. Vậy thì các người sống lại ấy cũng không bao giờ mơ tưởng đến một người thứ ba. Mãi cho đến lúc chết nốt! ấy đó. Nhưng mà trên thế gian này, làm gì có cuộc tình duyên nào lại duy nhất, lại tự nó chịu những sự kiềm chế như thế được. Vậy ta có thể kết luận rằng không có cuộc tình duyên nào lại hoàn toàn cũng như không ai được hưởng cái “không thể có được” thì chỉ là điên.
Nói thế rồi, chồng em kết luận rằng không quan tâm đến cái điều của em mà xưa kia chàng coi như một cái tội lỗi. Em sung sướng vô cùng”.
Tôi để ý đến cách phân tích nghĩa lý cuộc “tình duyên hoàn toàn” của anh giáo Hiển thì nhiều, và mừng cho người bạn gái thì ít. Nhân một dịp nghỉ, tôi về, đến chơi người bạn đồng nghiệp hiếu sự và điên ấy, thấy hai vợ chồng đều vui tươi như hai cái hoa. Tôi đã toan đem cái ghen của anh Hiển ra làm đầu đề câu chuyện mà chỉ vì sợ nhắc lại chuyện cũ thì không tốt cho vợ chồng người ta lúc đương yên lành, nên lại thôi.
ấy thế mà một tháng về sau, tôi lại nhận được một bức thư của bạn trong đó bạn khóc lóc rầm rĩ, lại khổ sở đau đớn. Rõ sốt ruột làm sao! Thật là chuyện trẻ con! Anh Hiển nhất định buồn rầu, vì cho rằng chỉ có sự trinh tiết của tinh thần mới là đáng quý, và, chị Hiển đã yêu một người khác trước khi lấy anh ấy, thế là đủ không còn trinh tiết nữa rồi, và anh ấy tất phải khổ sở! Chị Hiển viết dưới cuối thư:
“Trong khi nói là quên, chồng em đã dùng hết thời giờ, hết cả tâm trí để nhớ, để buồn rầu!”.
Cái ghen của anh Hiển có một thứ thế lực ở tâm giới anh đến nỗi khiến anh hóa ra tầm thường, hóa ra đê hèn, hóa ra “bất thành nhân dạng”.
Năm ngoái, chị Hiển sinh được một mụn con gái rồi lại bỏ mất. Có lẽ vì phiền não quá nhiều. Chị đã lâm sản mà thiệt phận. Vì nhằm vào ba tháng hè nên tôi thường ở bên giường chị ta. Lúc thở hắt ra, chị cũng lại có tôi để chứng kiến cái khổ của chị, và tôi cũng không hiểu tại một lẽ huyền bí gì của tạo hoá mà lại cứ tình cờ phải nhìn thấy tất cả những cái đau đớn của người bạn khốn khổ ấy.
Khi thấy ông đốc tờ đã lắc đầu thất vọng ở một góc phòng rồi, biết rằng cái giờ cuối cùng của mình đã đến, chị Hiển bèn gọi chồng vào để “rối răng”. Tôi đứng lên bước ra cửa thì chị bảo cứ ngồi lại. Trước mặt tôi, chị Hiển kéo hai bàn tay của chồng về lòng, run rẩy nói bằng một thứ giọng kỳ lạ:
– Em chết rồi, anh ơi! Quan đốc chẳng nói thì em cũng biết! Chẳng còn bao lâu nữa! Em kiểm soát lại cuộc đời thì thấy rằng cũng không đến nỗi thiếu thốn gì mấy, mà cũng đã hưởng nhiều thứ lắm, nhất là lại được làm vợ anh để tự do yêu quý anh!… Em có thiếu thì chỉ thiếu cái lòng yêu của anh, không phải cái yêu thương nhưng mà cái yêu hoàn toàn của anh, mà thôi… Xin anh cho em được mang cái lòng yêu hoàn toàn ấy, cái ái tình bất vong bất diệt ấy, xuống cửu tuyền! (Vì sắp chết nên chị nói văn chương kiểu cách lắm). Từ khi em ốm nặng đã nhiều lần anh an ủi em là quên hẳn chuyện xưa. Bây giờ xin anh cam đoan lần nữa trước mặt người bạn thân của em đây, cho linh hồn em được thỏa. Anh nói đi, cho em nhờ!
Vào trường hợp này, trí người ta thông minh sáng suốt lắm. Vì rằng khi thấy chồng ôm đầu nghĩ ngợi thì chị nói một cách xót xa:
– Giời ơi! Thì ra anh không yêu em, anh chưa quên hẳn chuyện xưa! Anh còn phải nghĩ lâu như thế cơ mà!
Tôi rùng mình run sợ vì thấy anh Hiển đáp:
– Phải, anh đã nghĩ. Bây giờ nói thế nào, chắc em cũng không tin đâu! Đấy em xem: anh không thể thật thà với em được!
Người vợ đáng thương ấy nấc lên mấy cái thì người chồng chữa một cách đã quá muộn:
– Tuy vậy anh cũng vẫn yêu em, vì anh còn có bổn phận của một người chồng.
Chị Hiển nấc lên một cái cuối cùng. Thế là tắt nghỉ. Và cách đấy một phút chị còn ai oán nhìn tôi. Cái nhìn ấy phân vua với tôi về những sự thống khổ của một linh hồn phải ôm một mối hận để lên cái thế giới của những linh hồn.
+
- +
Giao Đài thuật chuyện xong thì im lặng để chờ mọi người bình phẩm.
Một người trong bọn chúng tôi đứng lên bực tức nói:
– Tội nghiệp! Một cuộc tình duyên như thế mà để đến nỗi một điều nhỏ mọn vô nghĩa lý như thế phá hoại được.
Một người khác nói tiếp:
– Vì ái tình là một vật mỏng manh, chóng hỏng và dễ vỡ.
Người thứ ba thở dài mà rằng:
– Cái anh chồng trẻ con đáng khôi hài như thế mà không ngờ là một tác giả của tấn thảm kịch như thế!
Người thứ tư nói:
– Tôi, tôi muốn nói rằng người vợ ấy không thật thà với chồng ngay từ lúc mới bước chân về nhà chồng.
Nhưng anh Lê Văn Thư đứng lên hậm hực:
– Nhưng mà tôi thì tôi muốn cái thằng chồng khốn nạn ấy không nên thật thà với vợ nó nữa vào lúc vợ nó đã thở hắt ra!
Giao Đài mỉm cười phân vua cả bọn:
– ấy đấy! Anh Thư bây giờ đã phản đối cái anh Thư lúc tôi chưa kể chuyện rồi đấy nhé! Sao anh không chủ trương cái lòng thật thà mãi đi!
Tưởng chừng không ai phê phán gì nữa, sắp nói sang chuyện khác, thì chị giáo Bích – một người từ nãy chưa nói gì – đứng lên cầm cái chặn giấy gõ xuống bàn như lúc ra lệnh im lặng cho học trò và hỏi cả bọn:
– Các anh các chị nghĩ về anh giáo Hiển ấy thế nào? Một người đàn ông mà tầm thường như thế ư? Mà khi người ta đã ghen đến như thế thì liệu người ta còn có biết được cái hạnh phúc nữa không? ừ, ghen đến thế thì cuộc đời có thấy sướng gì nữa không?
Vì chị giáo Bích cũng sắp lấy chồng nên người ta mỉm cười nhìn nhau một cách kín đáo và nói lảng sang chuyện khác.
Đông Dương tạp chí,
số 13; ngày 7.8.1937