Menu Đóng

Máu mê

Còn mười lăm phút nữa thì tan sở. Thụy ngồi uể oải tựa đầu vào thành ghế nhìn ra sân tòa Bưu điện bằng cái cửa sổ nhỏ. Những chiếc xe nhà đen đã bắt ra phố để phát hành thơ từ chuyến ban đêm. Những chiếc xe hơi to lù lù có chữ P.T.T. đã lấy hàng hoá, giấy má, các nơi, bây giờ rầm rộ qua sân để vào kho colis postaux. ở buồng bên cạnh, những tiếng “tịch tịch te” của tin dây thép vẫn khua lên như mưa rào. Thụy sung sướng thấy rằng hôm nay, cả ngày, mình không có khách, không phải làm nhiều, cũng như đa số các viên chức trung thành được sung sướng sau một ngày được ngồi yên mà đọc chuyện kiếm hiệp, hay là cắn móng tay, hay là dùng chốt đinh ghim để lấy ráy tai. Phòng Thụy làm là phòng giao hàng theo lĩnh hóa giao ngân, mà hôm nay, khách đến lấy chỉ ba bốn người, tiền thu chưa được hai chục bạc. Do thế, Thụy đã được ngồi đeo kính đen mà ngủ gần cả buổi sáng để làm lại cái sức khỏe tiêu phí vào một canh đỏ đen đêm trước.

Còn năm phút nữa, Thụy sắp đứng lên mặc áo, thì một bạn đồng nghiệp vào với một đống sổ sách. Thụy ký nhận, bắt người kia ký nhận, rồi hai bên bắt tay nhau, chúc nhau bữa chiều ăn cơm ngon. Trước khi đi, người bạn đồng sự còn nói:

– Này, thằng Cú Vọ nó đã đi thanh tra về rồi đấy. Mai thì nó đến khám két của anh… Tôi biết đích xác như thế.

Cái tin sét đánh ấy khiến Thụy tái xanh cả mặt. Thụy không ngờ rằng viên thanh tra Tây lại về nhanh như thế… Nghĩa là ngày mai, Thụy sẽ vào tù: chàng đã mượn tạm của két ngót ba trăm bạc, mà lệ Nhà nước là không ai được giữ trong két trên ba trăm.

Tức khắc chàng giở sổ ra cộng và được con số: 322đ56. Chàng đếm tiền trong quỹ và được con số nhỏ lắm 32đ56. Thế nghĩa là chàng đã thụt két đúng hai trăm chín mươi đồng bạc! Chàng kinh hoàng. Sao mà lại nhiều thế? Mới thua có ba canh mà đã nhiều đến thế ư? Thì ra những lúc thua cay mà phải “vay tạm” Thụy không hề quan tâm đến những con số. Sau một cuộc “họa lai thần ám” đến thế thì người ta chỉ còn một cách: vào tù!

Thụy tần ngần ngẫm nghĩ hồi lâu rồi bỏ nốt vào túi số tiền hơn ba chục bạc còn sót trong két. Chàng mặc áo ngoài, tắt đèn, khóa cửa buồng, ra về với mấy chục viên chức khác.

*

* *

– Ê, Chung! Chờ tao đã!

Chung, một viên chức ở buồng điện thoại, bạn thân của Thụy, nghe tiếng gọi bèn dừng lại. Thụy nói:

– Hãy đi đằng này với tao!

Rồi chàng quay lại bảo người phu xe nhà đương kéo cái xe sơn đồi mồi đi theo mình:

– Mày về thưa với bà rằng chiều hôm nay ông đi xơi cơm hàng nhé! Thôi, cho về, để tao đi xe hàng.

Hai người gọi một xe. Lúc lên ngồi, Chung gắt:

– Khỉ quá! Giả dụ mày bảo trước tao từ sáng có hơn không!

– Đến chính tao cũng không bảo tao trước nữa là…!

Chiếc xe kéo hai người đến một phố Tây. Trông thấy một toán tù nhân đi làm cỏ vê giữa bốn năm người lính khố xanh bồng súng và cầm roi, Thụy thở dài, hỏi bạn:

– ở tù khổ lắm, nhỉ mày nhỉ?

Chàng nghĩ đến địa vị mình: một ông phán hạng sáu; có xe nhà, có vợ đẹp, có con khôn… Ngày mai thì chàng sẽ như bọn tù kia: bị giam hãm, bị xích tay đi các phố xá, làm những công việc nhục nhã… Chàng rùng mình hối hận, nhưng dễ thường muộn rồi. Nhưng Chung chỉ phì cười mà đáp:

– Mày nói như thật ấy!

Một lát, thấy Thụy chỉ cho phu xe con đường không đi thẳng về Hàng Buồm, Chung hỏi:

– Ơ hay! Đi đâu mà lăng nhăng thế này?

– Đi chén, nhưng mà cho phép tao lại đằng này hỏi tí việc đã.

Thụy muốn đến nhà lão Hàn Bầu, một tay trọc phú, chủ một dược phòng nổi tiếng, một tay “vua thuốc lậu” đã làm cho nhiều người tuyệt đường con cái, có huy chương, có bài ngà, có nhiều giấy bạc trong két, có nhiều chất vô vị trong những chai thuốc bổ, và có những giấy văn tự hai mươi nhăm phần trăm tiền lãi cho vay. Xưa kia, Thụy đã được tiến cử đến vay, và đã trả sòng phẳng. Lần này, Thụy lại đến… Nếu được thì càng hay, bằng không thì vào tù.

Xe đỗ trước một hiệu thuốc có máy phóng thanh đương hát bài Anh Khóa và có một số đông những người ngu dại đứng nghe những câu quảng cáo mà chủ hiệu thuê một người đưa chen vào những đĩa hát. Hai người vào. Bà chủ nhà gọi pha nước rối rít và kêu:

– Thưa ông, cậu cháu đi ba hôm nữa mới về ạ.

Thụy vội lau những giọt mồ hôi thình lình chảy ra ở thái dương. Chàng nói chuyện trời nắng trời mưa mất nửa giờ để có thể đến lúc có gan hỏi vay ngay người vợ lão Hàn, một người không có hề giao thiệp với ai về tiền nong.

– Thưa ông, giá có sẵn thì tôi cũng vượt quyền cậu cháu đưa hầu ông, song mới hôm qua, có mấy trăm lại giả mấy vạn lọ thuốc đau mắt rồi! Ông để đến ngày kia hay ngày kìa thì ông quay lại.

Thụy lo sợ vô cùng, xấu hổ vô cùng. Chàng xoay xoay mũ, ấp úng nói mấy câu cảm ơn vô duyên, rồi cùng Chung bước ra. Thụy bảo phu xe:

– Bây giờ kéo chúng tôi lên Hàng Buồm.

– Mày vay tiền để làm gì thế?

Giữa lúc ấy, Thụy cũng không cắt nghĩa cái cảnh ngộ của mình cho người bạn thân, cho rằng có nói cũng vô ích. Chung không thể chạy đâu cho chàng trong một đêm những ba trăm bạc được. Thụy đã muốn vui chơi với bạn cho thật thỏa thích đêm cuối cùng để hôm sau vào tù cho cam lòng, nếu nói ngay, sợ cuộc vui mất vui. Chàng chỉ đáp một cách thản nhiên:

– Vay có chút việc riêng.

*

* *

Thụy đòi rượu Mai Quế Lộ thượng hảo hạng, gọi những món ăn rất đắt, những món Chung chưa hề thấy ai gọi đến cả: Bách điểu qui sào, Tam sà đại hội, Ngũ hổ nhập thiên thai, vân vân. Lại có cả món Ngũ tộc cộng hòa và món Tam dân chủ nghĩa nữa. Nghe những cách mệnh danh lố bịch ấy, Chung phì cười.

Thụy cười nhại, đáp:

– Cơm Tây còn có món Poisson à la Mussolini nữa là! Đông Tây gặp nhau ở chỗ cái bụng.

Thụy ăn như một kẻ mới ở tù ra, tuy chàng mới chỉ là kẻ sửa soạn vào tù. Chàng uống như một cái phễu. Chàng nói lảm nhảm như một nhà sư lúc đi phá giới ở nhà ả đào. Chung cũng hơi ngạc nhiên về thái độ ấy nó khác thường lắm. Nhưng Chung không hỏi kỹ, vì sự thực, chính Chung cũng choáng váng hơi men, cười nói huyên thiên. Lúc trả tiền, Thụy bất bình rằng ăn uống như thế mà chưa hết 15 đồng. Chàng quay vào, gọi hầu sáng, thưởng cho một đồng bạc.

Lúc ra cửa hiệu, sáu người ăn mày đều được Thụy cho mỗi người một hào. Khi hai cây thịt bị vứt lên một chiếc xe, Thụy nói:

– Đi hát!

– Mày còn bao nhiêu tiền?

– Còn độ mười lăm đồng giở lên.

– Sao mày lắm tiền thế mà lúc nãy còn đi vay? Sao mày chướng thế?

– Tao không chướng thế thì sao tao lại đáng mặt cho đời gọi là thằng Thuỵ?

Đến một nhà ở Khâm Thiên, Thụy đòi bàn đèn và rượu sâm banh, chứ không đánh trống. Hai người hút thuốc phiện như hai cái ống khói, và tuyệt nhiên không thèm sờ mó đến một chị em nào cả. Các cô đào rất lấy làm ngạc nhiên. Có nhiều ả thấy khách quá dễ, đâm nhờn. Họ lẻn ra đường chuyện với nhân tình mà Thụy và Chung cũng không buồn để ý.

Mười hai giờ đêm.

Chung đã nhắm nghiền mắt bên bàn đèn thì Thụy nói:

– Chung ơi, mày là người bạn thân nhất đời của tao… Mày có hiểu cái vui chơi tối hôm nay của tao có mục đích gì không?

– Tao chỉ hơi ngạc nhiên, và cũng sắp hỏi mày đấy.

– Chung ơi, đêm nay là đêm cuối cùng sung sướng của chúng ta… Rồi ngày mai thì tao không cùng đi một con đường đời với mày nữa!

– Mày say đến thế kia à?

– Thật đấy, Chung ạ. Bây giờ thì đã đến lúc tao nói: mai thế nào thanh tra nó cũng khám két tao, nghĩa là tao vào tù. Cái két còn tiền nữa thì đêm nay tao còn ăn chơi sang trọng hơn nữa để thết mày cho bõ, nhưng chỉ còn có hơn ba chục. Vậy tao yêu cầu mày một điều là khi tao vào tù rồi thì mày ở ngoài thỉnh thoảng giúp đỡ vợ con tao, cho đến lúc tao được ra… Chung ơi, vào tù, vì thụt két, điếm nhục gia thanh, để vợ con đói khát… rồi thất nghiệp, rồi khốn khổ…

Thụy ngừng lại để khóc hậm hực. Chung ngồi nhỏm lên, hiểu cả sự nghiêm trọng của tình thế. Chung lo sợ hơn là chính mình sẽ phải vào tù. Chung cũng ứa nước mắt.

Sau cùng, Chung đứng lên nói:

– Nếu còn có một cách thôi thì ta cũng nên không vì một lẽ gì mà không thử. Đây này, mày còn hơn mười lăm đồng, phải không? Thì chi chầu hát một chục thôi! Tao còn năm đồng nữa đây, thế là chúng ta có một chục… Đi gỡ! Phải gỡ chứ! Biết đâu…

– Thôi, ăn thua gì! Nhọc xác! Để tao ngủ yên một đêm rồi mai vào tù! Dạo này tao đen, tao biết!

– Không! Phải đi gỡ! Tao nhất định thế.

Chung lôi cổ Thụy dậy cho kỳ được.

*

* *

Sòng bạc vẫn đông đủ như mọi đêm. Con bạc cũng vẫn như mọi đêm, nghĩa là từ ông phủ hưu trí đến ông “vua thuốc lậu”, những tay sát phạt nhau mỗi canh bạc trăm, bạc nghìn cả. Bốn năm chục người ghê gớm trong đó không ai chịu nói khẽ và cứ to tiếng gắt mắng người khác là nói to.

Một giờ đầu, Thụy và Chung được hai trăm. Nửa giờ sau, được hai trăm nữa. Một giờ sau nữa thì lại được trăm nữa. Chủ sòng làm một câu:

– Thôi hẳn đêm nay hai bác vét cả làng.

Chung đếm lấy ba trăm bạc bỏ vào ví, chỗ thừa để mặc cho Thụy “húc” với viên phủ hưu trí. Chung ngồi về phía sau cho con bạc khỏi soi bói mình. Sau cùng, chàng đứng lên, ra bàn ăn lê, táo. Thụy cứ được, cứ được mãi, dễ đến tất cả là tám trăm. Chung không để ý.

Đến lúc Thụy bắt đầu thua, chỉ còn trước mặt độ một trăm thôi, Chung đâm tiếc của, cấu đùi bảo bạn đứng lên. Thụy nhất định cứ ngồi. Cái bát bị ném đi, Thụy mất nốt trăm bạc. Chàng quay lại bảo bạn:

– Cho tao vay hai chục.

– Không!

– Hai chục thôi, tao lậy mày!

– Nhất định không! Cờ bạc thua hàng mười hôm liền, hôm nay được có trăm bạc, phải thôi đi chứ. Húc mãi như thế để tự tử à? Có ai lại đánh bạc như mày bao giờ?

Thụy đứng lên, vái lấy vái để:

– Hai chục nữa thôi, tao lạy mày! Chung lùi ba bước, quả quyết đáp:

– Tao nhất định không đấy! Thụy chạy đến móc túi bạn.

Chung đẩy Thụy ra. Cáu tiết, Thụy ôm lấy Chung định cướp giật số bạc trong túi áo. Chung hết sức mới đẩy được Thụy ra lần thứ hai. Đến lượt Chung phải van xin:

– Tao lạy mày nữa. ấy trước sau chỉ được có trăm bạc thôi, tao còn phải giả tây đen ngày mai, không có nó cho tao vào tù.

Chung tưởng nói thế thì bạn tỉnh ngộ, thì bạn hiểu cái tình thế hiểm nghèo giữa hai con đường: yên lành và tù tội. Nhưng, Thụy không còn biết nghĩa lý gì nữa, lại xô vào, giằng co với Chung. Bốn năm chục con bạc bắt đầu nói: “Đồ ăn non!”. Lão phủ hưu trí có đầy sát khí ở mặt và hai lưỡi dao găm ở mắt. Anh chủ sòng cay lắm, như sắp chết điếng. Bọn tạ sắp sửa xông vào cướp… Họ muốn phá sòng! Một vài người đàn bà bắt đầu kêu thất thanh.

Tức thì, nắm chặt bàn tay, đã đến lúc phải tỏ rằng mình cũng còn có một vài miếng, Chung đấm luôn cho Thụy một cái vào giữa quai hàm! Nhưng Thụy lại còn xông đến lần nữa. Thụy hóa điên! Chung lại nắm tay trái đấm luôn vào cái quai hàm bên kia. Thụy ngã dúi xuống đất.

Chung đút hai tay vào túi quần, vênh mặt, ung dung nói với cả bọn con bạc:

– Đấy, mời các ngài xem thằng này là thằng nào. Bạn thân cũng có thể đánh chết được, nếu vào lúc cần thì đánh chết!

Cho thế chưa là đủ, Chung lấy con dao vẫn dùng gọt bút chì, cầm ở tay. Chàng mở lưỡi dao nhọn, doạ:

– Mày mà mò đến chân lông tao thì tao xin cam đoan là sẽ có một vụ án mạng!

Chung nói xong đi, ra. Thụy ngồi lên ôm mặt, nhăn nhó, Chung bảo sõng:

– Mày có về thì về, hay ở lại thì cũng tùy mày.

Rồi ra thẳng, con dao vẫn lăm lăm trong tay.

*

* *

Hôm sau, lúc ông thanh tra khám két, Thụy vẫn là một viên chức đúng luật lắm. Các bạn đồng sự hỏi thăm một bên má tím bầm của chàng. Thụy đáp là ngã gác.

Buổi trưa, lúc tan sở, Chung lại tìm Thuỵ. Chàng cảm động nói với bạn:

– Mày mới thật là bạn tốt. Nếu mày không đánh ông đến trẹo quai hàm thì… than ôi! Tao cám ơn mày lắm.

Một người nghe thấy tưởng Thụy nói đùa. Chính ra chàng nói một cách rất đứng đắn.

Và từ đấy, làng đen đỏ không thấy mặt Thụy trong số những nạn nhân. Chàng đã hiểu vì lẽ gì, bọn con bạc không bao giờ lại có thể khá được.

Đông Dương tạp chí,

số 17; ngày 4.9.1937