Vì có “việc quan”, bữa ấy tôi phải vào tòa xứ Hà Ðông. Tôi bước chân vào công đường lúc 9 giờ sáng, phải ngồi khoanh tay đợi trên một chiếc ghế dài mãi cho đến 11 giờ. Cụ phán buồng giấy ấy, theo những thông lệ thiêng liêng của nước Việt Nam cố hữu, đã tiếp tôi bằng sự nhăn nhó, sự gắt gỏng, để mà, sau cùng, bảo tôi đến chiều thì quay trở lại để cụ tiếp một lần nữa. Tôi đã vâng vâng dạ dạ như một người công dân hiểu rõ cái quyền hạn vô hạn của một quan phán đầu tòa là thế nào.
Khi ra khỏi vườn hoa của tòa sứ, tôi phải đành đi tìm một hàng cao lâu. Và, tại đó, tôi đã tình cờ được gặp anh Doãn, một người bạn đồng học cũ ở lớp nhất một trường sơ học.
Anh ta có bộ âu phục rất chải chuốt. Xưa kia, lúc còn cắp sách, anh ta cũng đã có tính làm đỏm như một cô con gái, và mãi cho đến bây giờ, tính ấy cũng không thay đổi, sau một chặng đường mà anh ta đã đi trong mười năm. Cái cổ áo không xộc xệch một tị, đôi mũi giầy không có một hạt bụi, cái ca vát rất hợp thời trang, với cái khuy áo cài vào tử tế, đủ tỏ rằng anh thận trọng y phục lắm. Chính anh Doãn nhận được ra tôi là ai, và đã đến bên bàn tôi, giơ tay ra, kính cẩn như người ta muốn hỏi chuyện một khách lạ chưa quen biết một lần nào.
– Thưa ông, ông chắc còn nhớ tôi, tôi là Doãn, trường Sinh Từ…
– à à! Anh Doãn! Vẽ chuyện lắm! Việc gì còn xưng hô kiểu cách…
Mới có đến đấy, một người đàn bà to lớn đã bước vào, ngơ ngác đứng sau lưng anh. Doãn bèn quay lại, giới thiệu tôi là bạn; giới thiệu người đàn bà là vợ. Sau khi kéo ghế ngồi rồi, vợ anh Doãn gọi ngay một ấm chè Long Tỉnh, thạo đời như một người đàn ông “cơm hàng cháo chợ, vợ cô đầu”. Tôi nhìn người đàn bà ấy, thấy đó là một sự trái ngược với người bạn cũ. Thật vậy, đó không phải là một cặp vợ chồng tốt đôi. Tức thì tôi nhớ lại tất cả những đức tính buổi xưa của Doãn.
Anh ta vốn thông minh, lại rất có óc mỹ thuật. Không kể về y phục của Doãn xưa kia đã được cả trường khen là sang trọng, ngay đến một cái bút chì, một hộp thuốc vẽ của anh, cũng đều là những đồ dùng đắt tiền và lọc lõi vô cùng. Ngoài cái chức là một thiếu niên sành sỏi, Doãn hồi ấy lại còn được chúng tôi gọi là một chàng Don Juan. Thật thế, anh có tài ngôn ngữ, có tài văn chương, nên chim gái rất thạo. Những thiếu nữ si mê anh phần nhiều là những gái đẹp có tiếng, vì cô nào không là hoa khôi thì anh ta không thèm bắt chim! Anh đã thường khoe chúng tôi những giấy viết thư tình của anh với những cái phong bì kiểu cách, đáng bảy xu một chiếc. Trong những lúc ấy, trước sự kính phục ghê gớm của chúng bạn, anh Doãn thường đứng ưỡn ngực, chỗ cái xe đạp Peugeot grand luxe khác của anh mà rằng: “Chúng mày xem! Phi hơn người thì thôi, tao không thèm chơi”.
Bây giờ thấy anh ngồi với một người vợ không có “mỹ thuật” chút nào cả, lại thấy cái tính cầu kỳ của anh vẫn không thay đổi, tôi chợt nhớ ngay đến câu phương ngôn: “Sướng lắm thì khổ nhiều”. Ðó là một sự nhãn tiền quả báo.
Vợ anh, thật vậy, là một người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp giai. Hai con mắt nhỏ, đôi gò má cao, cặp môi phàm phũ, dáng người thô tục, những ngón tay tròn và dài như những quả chuối ngự. Như vậy mà lại đi ăn mặc tân thời! Răng trắng nữa, trời ạ! Cái áo dài lượt thượt mầu xanh, cái quần nhiễu trắng trai lơ, đôi giầy cao gót có quai kiểu gái nhảy, với mẩu khăn vành dây, ngần ấy thứ lại càng làm lộ cái mỹ miều của sự thô tục, lại càng làm tăng cái choáng lộn của sự kệch cỡm. Ðã thế, trong khi chuyện trò, thỉnh thoảng lại chêm vào một vài câu tiếng tây, ra ý khoe khoang mình vốn là nữ học sinh. Tôi bỗng có cái cảm tưởng man mác rằng người đàn bà này, những lúc nhà vắng, hẳn đã huýt còi như một ông lính tây say rượu, hoặc là đã hát ầm ĩ bài J ai deux amours, bài Les gars de la marine… vân vân.
Tôi không ngạc nhiên ở chỗ anh Doãn lấy vợ xấu. ở đời, tôi đã từng thấy cái câu “thánh nhân hay đãi khù khờ” hiện ra nhiều sự thực và càng những thằng “thiên tinh địa quỷ” như Doãn mới lại càng… chết; anh ta muốn chừng như cũng đoán nổi cái ý nghĩ kín đáo ấy trong lòng tôi.
Trong khi còn nói những chuyện nắng mưa theo khách sáo, chưa kịp gọi món ăn nào cả, vợ anh Doãn đã làm ngay một câu:
– Thôi, tôi đói lắm, cho tôi xin bát mì, rồi tôi còn đi đằng này! Hai ông xơi rượu thì cứ việc mà kề cà…
– Vâng, xin mời bác cứ tự nhiên cho tiện công việc.
Thế rồi người đàn bà ấy ăn uống nhồm nhoàm, và ho, và ợ nữa, như một người đàn ông bình dân xứng đáng. Lúc ăn xong bát mì, người đàn bà cầm hai cái đũa quệt ngang cặp môi như một bà lão nhà quê!
Sau khi vợ anh ra phố mua bán, Doãn bèn hỏi tôi:
– Chắc anh rất ngạc nhiên khi thấy một người như tôi mà lại đi lấy một người vợ như thế ấy?
Tôi vội vàng ngừng đũa, làm ra vẻ ngạc nhiên:
– Sao? Sao anh lại hỏi tôi thế nhỉ?
Có lẽ sự vờ vĩnh của tôi không được tự nhiên mấy nên anh Doãn mỉm cười mà rằng:
– Chà! Cái thằng mới sính đóng kịch làm sao! Thôi, trong chỗ chúng ta, tôi cho phép anh cứ việc nói thẳng những điều anh nghĩ.
Tôi bèn nói:
– Vợ chồng là duyên số. ở đời này không phải hễ mình muốn thì là được và không muốn thì là thoát.
Doãn gật đầu:
– Thật thế. Và, tôi xin kể vì lẽ gì mà tôi lại lấy nhà tôi.
Tôi giơ tay ngăn lại:
– Khoan đã! Thế anh có yêu vợ anh không? Vợ chồng anh có được hưởng hạnh phúc không? Nếu không, xin đừng kể chuyện.
– Có chứ! Chúng tôi yêu nhau và hưởng hạnh phúc cũng như những cặp vợ chồng chẳng biết hạnh phúc và ái tình là cái gì.
Từ đây trở đi là lời anh Doãn:
– “Trên một chuyến tàu từ Lào Cai về Hà Nội, cách đây hai năm… Cũng như số đông thiếu niên, mỗi khi đi xe lửa, tôi dạo một lượt từ toa đầu đến toa cuối cùng với cái hy vọng trông thấy một mỹ nhân để mình bắt chuyện làm quen, ngỡ hầu quên được cái vô vị của mấy trăm cây số phong cảnh với những tiếng bánh xe xình xịch nghiến trên đường sắt nó khiến ta mệt mỏi vô cùng, buồn ngủ vô cùng. Cả chuyến hỏa xa ấy, than ôi, chỉ có một người đàn bà là đẹp nhưng mà lại có chồng cùng đi theo. Còn thì phần nhiều là dân quê cả.
Tôi chán nản kiếm một chỗ rộng rãi, rồi thấy… nhà tôi trước mặt tôi. Hồi ấy, người đàn bà ấy còn ăn mặc lối cổ: khăn nhung, giầy láng kiểu mõm nhái, có đuôi gà, và có ba trăm hột vàng ở cổ. Cái “nhan sắc” của người ấy thì như anh vừa trông thấy đó, ta chẳng rườm lời mà làm gì. Tôi nghĩ đến đám phụ nữ có nhan sắc, được đời kính trọng… Tôi đã bảo tôi: “Tạo hóa thật là bất công. Những người xấu như thế này, hẳn sẽ không bao giờ được hưởng ái tình. Xưa nay ta yêu người đẹp đã nhiều để mà nhận thấy rằng sự yêu đương của họ cũng nhiều khi vô vị lắm. Âu là ta thử yêu một người xấu xí xem ra làm sao!” Thế là tôi đến ngồi bên cạnh người ấy, lân la hỏi chuyện.
Sau nửa tiếng đồng hồ, tôi được biết rằng đó là con gái một nhà buôn bán khá giầu ở Lào Cai. Cô ả có việc về Hà Nội chừng độ một tuần lễ, và khi về Hà thành, sẽ đến ở nhà một người trong họ. Như thế, nếu chúng tôi muốn có một cuộc giăng hoa, cô ả rất có đủ thời gian! Và tôi lại nhận thấy ở người đàn bà này một sự thông minh, một sự từng trải, nhiều duyên thầm, mà tôi chưa từng thấy ở những phụ nữ có nhan sắc. Ðó không phải là điều quái lạ. Người con gái đẹp chỉ trông thấy chung quanh mình những kẻ nịnh hót mà thôi. Vì anh nào cũng hiếu sắc nên bọn đàn ông chúng ta thường thấy những đức tính ở bọn gái đẹp mà chính họ không có. Cho nên chúng ta hết sức chiều đãi họ, nâng niu họ, khiến họ chẳng phải chịu khó nhọc mảy may trong mọi cuộc phấn đấu với đời, thành ra người đàn bà đẹp dễ trở nên quá đỗi kiêu ngạo, tưởng mình không có điều gì khuyết điểm nữa; do đó, những cái xấu, những cái khó chịu, mà chúng ta thấy ở những mỹ nhân, những khi ta thấy chán yêu. Trái lại, người đàn bà xấu bao giờ cũng giữ gìn và cư xử thế nào để cho một khi người đàn ông nào đã đem lòng yêu mình thì không thể nào chán được mình nữa. Vợ tôi chính thuộc vào hạng đàn bà xấu ấy. Cho nên, về sau, tôi được hưởng của vợ tôi những sự săn sóc mà tôi đã phải đem cung cho bọn gái đẹp, những khi tôi yêu… Xưa kia tôi đã thấy cái thú vị trong sự nâng niu đàn bà thì, bây giờ, được đàn bà nâng niu, tôi càng thấy nhiều thú vị hơn nữa.
“Hôm ấy, về đến Hà thành, chúng tôi đã cùng nhau ăn một bữa cơm ở một khách sạn, điều ấy dĩ nhiên! Rồi chúng tôi lại vào một căn phòng trọ nữa, than ôi, điều ấy cũng lại dĩ nhiên! Và, khi thấy người đàn bà ấy đã dâng cái tân tiết cho tôi, tôi cảm động lắm. Tôi đã hôn đi hôn lại vào cái mặt xấu xí ấy mấy lần, với một vài ngấn lệ ở mặt tôi. Và sự xúc cảm mạnh ấy không đủ ngăn chúng tôi yêu nhau hai ngày liền nữa.
“Lúc đầu, tôi không hứa si tình cũng như không hứa hôn sự. Cô ả đã yêu tôi trong một cơn rạo rực của xác thịt, cũng như tôi, tôi đã yêu cô ta sau một phút điên dại, vô lý của linh hồn. Cho nên, trước khi chia tay nhau, tôi hỏi: “Này em, nếu rồi em… có mang thì làm thế nào?” Tôi đã có thể hỏi một câu sống sượng như thế như hỏi một ả giang hồ, hay một “chị em” dễ dãi, vì sự thực, một người xấu, chẳng khi nào được hưởng cái ái tình thành thực của tôi. Nghe thấy thế, cô ả bỗng tái xám cả mặt. Thì ra cô ả không hề nghĩ đến sự có mang! Nhớ ra thì quá muộn! Cái ấy không lạ gì: thời buổi nào cũng có hàng mấy triệu phụ nữ quên rằng có thể có mang được, sau khi đã phó thác thân thể mình cho một anh đàn ông.
“Những giọt nước mắt bắt đầu chảy ra. Cô ta bưng mặt khóc, khóc, và khóc… Sau cùng, chỉ biết thổn thức nói: “Nếu thế thì… họ hàng sỉ vả, bố mẹ đuổi khỏi nhà, rồi nhục nhã, rồi khổ, phải, rồi khổ!” Thì ra cô nàng nhũn nhặn đến bực không dám có hy vọng lấy tôi nữa, và cũng không dám thử hỏi một câu để có được một hy vọng bâng quơ nguy hiểm ấy nữa. Cô biết mình xấu xí, không đáng lấy một người như tôi, và không dám cả nghĩ đến sự đòi bồi thường sau cái thiệt hại do tôi gây ra. Dễ thường cô ả coi cái phút ngứa ngáy xác thịt của tôi như là một thứ đặc ân cho mình nữa. Tôi lại hỏi: “Sao lại tin tôi đến như thế? Tôi đã là đứa không ra gì, cô cũng lại hư đốn nữa!”. Cô ả thở dài, đáp: “Nếu không yêu anh thì thôi chứ cả một đời em, chắc rồi cũng chẳng ai thèm yêu đến thứ em. Thôi thì thà rằng sẽ phải khổ một đời vì đã quá yêu một phút!”. Tôi đã cảm động về sự thành thực ấy một cách rất sâu xa như là chưa bao giờ tôi cảm động đến thế.
“Cuộc ái ân chốc lát ấy, rồi sau tôi cũng quên đi, và chỉ thỉnh thoảng nó mới lại đến ám ảnh tôi như một chút ký ức nhỏ mọn trong một giây phút mà thôi. Tôi tưởng không bao giờ còn gặp cô gái Lào Cai ấy nữa.
“Năm tháng sau, một hôm tôi nhận được một phong thư như thế này: “Thưa ông, tôi chờ ông ở hiệu cao lâu Ðông Hưng, vào khoảng 11 giờ ngày 20. Tính mệnh tôi ở trong tay ông, xin ông bỏ chút thời giờ quý hóa đến cùng một kẻ khốn khổ”. Tôi ngạc nhiên lắm, vì tôi không nhớ đến cô gái Lào Cai nữa. Nhất là cách xưng hô ông tôi lại làm cho tôi tưởng người viết thư là đàn ông. Tôi rùng mình, nhớ đến những ông bạn cũ nghiện hút muốn làm tiền mình. Rồi tôi đến chỗ hẹn.
“Ðó là cô gái Lào Cai!
“Cô nàng lúc ấy đã có một cái bụng to một cách đáng kính trọng lắm. Chúng tôi vào ngồi trong quầy. Cô ả chỉ dám gọi tôi là ông chứ không dám xưng hô anh em, như hồi xưa”.
“Cô ta nước mắt chan hòa, nói ấp úng trong khi tôi ngồi thản nhiên cắn hạt dưa. Cô ta vẫn nhũn như trước, vẫn sợ hãi tôi như trước, vẫn ôm một mối tình vô hy vọng như trước: “Thưa ông, nếu ông là người đại lượng thì ông nên cứu sống lấy tôi, vì đứa con bé trong bụng này chính là con ông… Nếu không tôi phải tự tử, đứa bé phải chết, vì bố mẹ tôi đã biết, họ hàng tôi sắp biết, mà nếu họ hàng biết thì tôi không sống được nữa, vì bố mẹ tôi nghiêm lắm! Xin ông làm phúc cứu lấy một người khốn khổ nhất đời! Làm lẽ thứ mười, tôi cũng xin vâng, miễn là họ hàng nhà tôi được nhận trầu cau của ông! Vả lại tôi cũng không đến nỗi ăn hại ông…”.
“Tôi xua tay, chán nản. Tôi nghĩ: Hạng gái hư hỏng ấy thì mình lấy sao được! Nó ngủ được với mình thì nó sẽ cũng ngủ được với thằng khác! Mình không làm nó chửa hoang thì thiên hạ cũng sẽ làm cho nó chửa hoang! Thế thôi!
“Nhưng đứa bé trong bụng… con tôi! Cứ như sự kêu khóc ấy, cứ như lòng thành thực ấy, người đàn bà này mà nói đến sự tự tử đó chẳng là lời dọa nạt! Do thế, tôi nghĩ lại… Nếu ai cũng lý luận như tôi thì trong đời chẳng còn ai lấy nhau vì tình, chẳng làm gì có những cuộc tiền dâm hậu thú nữa, bởi có kẻ bạc tình nào cũng đã lý luận y như tôi! Phải chăng người đàn bà nào đã quá tin một anh đàn ông không thể khác được! Trong một phút mà linh trí tôi sáng suốt khác thường, tôi đã thấy mình hèn mạt, ích kỷ, khốn nạn! Tuy nhiên, tôi còn thử thách: “Có chắc rằng đứa bé ấy chính là con tôi không?” Ðến đây, cô ả nức nở, buông xuôi hai tay, hoàn toàn thất vọng: “Giời ơi, nếu ông hỏi thế thì thôi, tôi chỉ còn có một cách là tự tử!”. Cái thành thực ấy khiến tôi không còn phải nghi ngờ lôi thôi.
“Tôi còn hỏi vặn nhiều câu, nhưng lần nào, cô ả dại dột ấy cũng chỉ tỏ ra là người thành thực cực điểm.
“Ấy thế là… một người cầu kỳ, khó tính như tôi, đã cam đoan rằng nếu không lấy được cô gái đẹp nhất Hà thành thì xin thề là sẽ không lấy vợ, mà tôi, sau cùng đi lấy phải cô gái xấu xí nhất Bắc kỳ!”
Câu chuyện nói xong thì bữa rượu cũng vừa tàn. Chúng tôi bước ra, tôi để đi đến tòa xứ Hà Ðông, Doãn để đi đến nhà ông cậu vợ mà vợ anh chờ anh tại đó.
Tôi an ủi:
– Thôi, đó cũng là duyên số, không cần thiết phải lấy vợ đẹp, chỉ cần có nhân ngãi đẹp. Vả lại, như anh đã nói, đáng lẽ anh phải nâng niu vợ thì mới thấy thú vị, thì bây giờ anh lại được thấy cái thú vị ở chỗ vợ anh nâng niu anh. Thế cũng đủ là hạnh phúc.
Nhưng anh Doãn bĩu mồm:
– Bẩm không ạ! Thưa ông, nó chỉ chiều đãi tôi có mấy tháng đầu mà thôi. Bây giờ, có con với nhau rồi, vợ tôi chẳng cần gì nữa. Nó đã bắt đầu nặng lời với tôi, nghe chị em ăn mặc rất lố lăng, và ghen lắm, ồ! Ghen lắm, hễ tôi đi chơi khuya là thế nào cũng đập phá đồ đạc chạy ra đường kêu cứu “ông bà hàng phố”, ăn ở rõ ra một vị đức phụ chính thất có nhiều quyền và biết tự trọng!