Menu Đóng

Lòng tự ái

Trông thấy chồng về, chị vội vàng hỏi:

– Thế nào cậu? Dì nó đã đỡ chưa? Liệu có qua khỏi được không?

Phạm Quang đứng thở lử khử như người vừa mới phải đi bộ mười cây số, tuy chàng chỉ đi có từ một nhà ở cuối phố về. Chàng từ tốn gác mũ lên cái sừng hươu, cởi bộ áo ngoài, rồi nằm dài ngay ra sàn. Mãi mới đáp:

– Nguy lắm. Không biết nó có sống được không?

Vợ chàng ngừng hẳn đường kim mũi chỉ, cau lông mày lại hỏi:

– Thế dì ấy hiện giờ thế nào?

Quang uể oải đáp như người đương lúc nửa thức nửa ngủ:

– Cả một đêm, hôm qua li bì nói mê nói sảng mà lúc nào tỉnh thì lại tỉ tê khóc lóc. Bác Dần mách rằng lúc mê sảng nó cứ gọi tên tôi. Không khéo thì hỏng mất. Thôi thế mà ra tôi đã mắc một tội ác: giết một người đàn bà!

Chưa hiểu rõ đầu đuôi, tôi bèn hỏi chị Quang:

– Các bác nói đến ai thế?

– Dạ chúng tôi nói đến một người em họ của tôi đấy.

Một câu cắt nghĩa quá gọn ấy chỉ khiến tôi lại càng ngạc nhiên hơn nữa, lại càng không hiểu gì nữa. Cái gì nhỉ? Chồng chị Quang lại có can đảm nói những câu như thuộc về một thiên bi tình khi nhắc đến một người em họ của vợ, lại trước mặt vợ như thế nữa ư?

– Thưa bác, tôi vẫn chưa hiểu gì cả?

Đến đây chị Quang nhìn tôi một cách láu lỉnh, nhìn chồng một cách ranh mãnh, đằng hắng một cái rồi mới mỉm cười đáp tôi:

– Thưa bác, bệnh nhân ấy tức là em họ tôi, cô Oanh. Trước kia khi chưa lấy tôi thì nhà tôi đã phải lòng cô Oanh chết mê chết mệt. Đến lúc hỏi thì cô Oanh lại không thuận, ấy thế mới buồn chứ! Rồi nhà tôi hỏi tôi. Rồi cô Oanh đi lấy chồng. Nhưng mà chẳng may cho cô Oanh lại lấy phải người chồng xấu, không ra gì, chơi bời đủ ngón, lại hành hạ vợ một cách vũ phu nữa. Hiện giờ thì chẳng rõ anh chàng bỏ cả vợ con ở nhà đi theo con đĩ nào. Cô Oanh buồn quá đâm ốm. Có lẽ vì nhớ tiếc người cũ, vì hối hận nên cô mới nhắc đến tên người đã phải lòng cô, người mà cô đã không lấy, tức là nhà tôi, như nhà tôi đã thuật mà bác cũng được nghe.

Có lẽ Phạm Quang hổ thẹn cho rằng vợ nói chuyện không phải lúc nên chàng giơ tay lên bưng lấy trán, thành thử muốn phản đối vợ như thế thì kín đáo quá và làm ra bộ thản nhiên thì lại thành ra hớ hênh quá.

Nhưng chị Quang là người rất thông minh tức khắc hiểu ngay ý chồng, chị vội nghiêm giọng đứng đắn hỏi:

– Thế cậu sang thăm vừa rồi thì có gì là đáng để tâm không?

Anh Quang vùng ngồi lên đăm đăm nhìn tôi để khỏi phải ngượng ngùng khi đáp vợ:

– Tôi kéo ghế ngồi ở đầu giường thì dì ấy mở chăn ra nhìn tôi. Chao ôi! Cặp mắt ấy có ngụ bao nhiêu nỗi khuất khúc của một linh hồn đương đau khổ! Trong những tia sáng quắc một cách kỳ lạ ở đôi mắt của người đang ốm nặng, tôi thấy như có sự hối hận, sự hy vọng, cái lo lắng phân vân. Rồi nó (anh ta vừa gọi bệnh nhân là dì ấy, lại vừa gọi là nó) ấp úng hỏi tôi: “Anh! Anh vẫn yêu em như xưa đấy à? Anh lại không giận em chút nào à?” – Tôi không biết gật đầu hay lắc đầu, cũng không biết nên đáp ra sao. Lúc ấy bác Dần đang ẵm thằng Chắt, đứa con chúng nó ở ngoài sân. Tôi bèn cầm hai tay nó kéo lên ngực tôi một cách âu yếm lắm. Một lúc nó ngơ ngác nhìn tôi nghi hoặc đoạn rút tay ra quay mặt vào tường. Sau cùng nó lại khóc, khóc tỉ tê, khóc hậm hực, khóc mãi. Tôi không có can đảm ngồi nữa, loạng choạng đứng lên về đây. Giời ơi, biết làm thế nào bây giờ?

Chị Quang ngây mặt ra một lúc, có vẻ buồn rầu một cách rất thành thực, đoạn thở dài và ngậm ngùi nói:

– Rõ tội nghiệp! Dì Oanh nó thật là một người đáng thương.

Thái độ của chị khiến tôi lại càng phải kinh ngạc. Chúng ta thử đặt mình vào địa vị người đàn bà có người chồng như thế xem cái ghen, cái giận, cái uất nó sẽ ghê gớm như thế nào! Nếu ta có một người vợ mà lại đau đớn vì một mối tình cũ như thế liệu cái mặt của chúng ta sẽ tươi bưới ra làm sao! Vậy mà chị Quang đã chẳng những không ghen chồng, lại còn ngậm ngùi thương xót cô em họ nữa!

Tôi thấy cái cần ghê gớm phải khen:

– Chị Quang! Chị thật là một người vợ hoàn toàn!

Bạn tôi thật có cái diễm phúc lớn mới được làm chồng một người như chị. Tuy chỉ là một văn sĩ nghèo, anh ấy cũng có thể tự phụ được là người sung sướng nhất trần gian. ở đời có được một người bạn tri kỷ của anh Quang lại đồng thời là người bạn trăm năm của anh nữa thì thật quả bạn tôi đã cướp được hết hạnh phúc của loài người.

Tôi tưởng khuây khỏa được bạn bằng cách vỗ vai bạn mà rằng:

– Anh này! Anh đã là một người sướng mà có lẽ anh không biết.

Chị Quang hớn hở hỏi tôi:

– Nào có gì lạ mà bác khen nhiều quá thế.

– Tôi cho là lạ lắm! Ghen tuông là cốt tính của người đàn bà! Muốn sung sướng người ta tưởng phải yêu một cách hằn học đến bậc hóa ra ghen tuông. Thế mà chị không ghen! Thế mà chị vẫn sung sướng.

Chị Quang mỉm cười khoan thai cắt nghĩa:

– Vì tôi là người đại lượng, có thế thôi. Nếu tôi đại lượng thì vì lẽ gì tôi lại cấm nhà tôi làm một người đại lượng. Hai nữa dì Oanh nó chỉ là một người lầm và đáng thương. Vì hỏi dì Oanh nó không được nên nhà tôi mới hỏi tôi… Bác để ý cho: Tôi thì giầu mà Oanh thì là con nhà nghèo; dẫu rằng không là bắt buộc tôi, tôi cũng thiết nghĩ: trong cái hạnh phúc của chúng tôi bây giờ, dì Oanh nó cũng có một phần công lao! Chứ không ư? Nếu Oanh đã nhận lời thì chúng tôi còn lấy nhau làm sao được. Cho nên tôi vẫn có cảm tình với Oanh. Người đàn bà khác chắc phải ghen về trước, phải đề phòng về sau, phải ghét Oanh, phải thấy Oanh khổ sở thì mới sung sướng. Nhưng tôi thì không thuộc hạng người ấy. Hiện giờ thì đích thị là Oanh hối hận. Cái đó dễ hiểu lắm. Mà nguy nhất cho người ta là khi đã mất lòng tự kiêu, tự ái. Đau đớn vì oán giận kẻ khác thì chẳng nói chứ chính mình lại phải oán giận mình thì còn ai biết cứu chữa ra làm sao! Oanh đã lâm cảnh ngộ đáng thương ấy thì tôi còn nỡ lòng nào ghen tuông với nhà tôi làm gì. Ghen ghét Oanh mà làm gì! ấy cái nhẽ tôi là thế chứ không phải chúng tôi là chị em họ.

– Phải lắm! Đã ghen thì chị em ruột cũng có thể đâm chém nhau được nữa là chị em họ.

Chen vào giữa chúng tôi, anh Quang nói một cách căm tức:

– Mà tôi chẳng hiểu hiện Oanh đang ốm như thế nào? Mấy ông lang băm nói huyên thuyên loạn xạ cả lên để cho không ai hiểu cả. Ông thì bảo đau phổi, ông thì đau óc, ông thì lại kêu đau tim! Có là Giời cũng không hiểu!

Chị Quang nhìn chồng cười gằn:

– Mình rõ thật là gàn! Tất nhiên bệnh ấy là tâm bệnh thì dẫu đã đau các cơ quan khác trong người, quả tim cũng chẳng phải là không đau! Theo ý tôi Oanh mắc cả hai thứ bệnh: đau trong người và đau trong ý nghĩ. Có muốn chữa chạy thì mình cứ việc chữa chạy cho cả quả tim, chứ cậy mấy cụ lang hủ lậu, thì ăn thua gì!

– Mợ nói đâu ra đấy. Thế thì mợ thử giải quyết cho tôi một phương cứu chữa xem sao? Nói không thì ai mà chả giỏi được.

Chị Quang chỉ tôi phân vua:

– Ơ kìa! Nói lạ nhỉ! Việc của mình chứ việc của em đấy à?

Tôi bênh vực bạn:

– Thì bác cứ làm phúc thử nghĩ hộ bác giai xem có phương kế gì không?

Từ đấy trở đi chị lại cúi đầu trên đường kim mũi chỉ, mắt có vẻ tư lự lắm. Tôi không hiểu đó là chị nghĩ phương kế cứu người đàn bà khốn khổ mà chị đáng lẽ phải coi như kẻ tình địch hay là chị đã tiếc cái đại lượng phi thường của mình chỉ vì lời khen ngợi sốt sắng của tôi. Cái điều ấy có thể lắm vì trong đời vẫn có một số đông những người bướng bỉnh, những người mà ta muốn thấy làm một việc gì thì ta phải ngăn ngừa hay là ta muốn họ không làm việc gì thì ta lại phải hết lời xúi giục.

Chỉ biết rằng, đêm ấy bạn tôi giục tôi vào phòng ngủ để thuật lại tỉ mỉ cho tôi nghe chuyện cái cô Oanh ấy, thì người vợ cứ chong đèn ngồi khâu rất khuya.

*

* *

Sớm hôm sau, lúc bạn tôi gọi tôi ra bàn dùng thức điểm tâm, thì người vợ ít có ấy vui vẻ hỏi chồng:

– Thế nào? Cậu đã nghĩ ra cách gì chưa?

Quang nhăn mặt gắt một cách khôi hài:

– Lại còn nghĩ ra được cái gì nữa!

Chị Quang đưa mắt nhìn tôi mỉm cười rồi nói với chồng bằng một giọng chế giễu:

– Rõ tội nghiệp! Kìa, nghĩ cả một đêm như Ngũ Tử Tư, đầu tóc sắp trắng xóa ra rồi kia kìa.

Bạn tôi lại lấy tay bóp trán và cử chỉ ấy không hiểu tại sao, tôi thấy là hệ trọng lắm. Tôi thấy như là người vợ chế giễu chồng được một câu như thế thì sung sướng lắm, có lẽ người vợ bắt đầu không còn là người đàn bà phi thường nữa, vì đã biết ghen. Nhưng chị Quang đã lại hỏi chồng:

– Có thế thôi mà mình cũng không nghĩ ra à?

Bất giác tôi thấy xấu hổ lắm. Câu nói ấy không những cho bạn, mà còn như cho cả tôi cũng phải nghe. Sự thực thì, cả một đêm tôi cũng bâng khuâng nghĩ hộ bạn mà không nghĩ ra phương kế gì cả. Cái lòng tự ái của giống đàn ông xưa nay vẫn khinh thường đàn bà mà lại bị một người đàn bà chê bai một cách gián tiếp là ngu dốt lúc ấy bị thương nặng và biến ra thành một sự bất bình sôi nổi trong lòng tôi.

Nhưng chị Quang vốn là người rất thông minh. Thấy bạn chồng lại đỏ mặt hơn chồng, chị bèn nói chữa:

– Phải lắm, như mình, thì chỉ bận tâm lo buồn thôi, chứ nghĩ sao được giữa lúc tâm hồn bối rối. Tôi tuy chẳng giỏi giang gì, song tôi gần như là kẻ ở ngoài cuộc, cho nên trí não tôi cũng có phần sáng suốt hơn.

Quang ngơ ngác nhìn lên, ngoan ngoãn hỏi vợ:

– Theo ý em thì nên như thế nào?

Trước khi đáp, người vợ còn cúi đầu ngẫm nghĩ, ý chừng để giãi bày cho khôn khéo. Có lẽ muốn giấu cái hổ thẹn của mình nên chưa nghe vợ đáp, Quang đã thở dài mà rằng:

– Buồn nhất là cơ sự này, tôi đã đoán được rằng không sớm thì chầy, thể nào rồi cũng có lúc xảy ra… Hiện giờ, thằng chồng theo đĩ mà bỏ lửng vợ, mà vợ thì đương nghĩ đến việc đệ đơn xin ly dị tại tòa. Cho mãi đến bây giờ, tôi cũng chưa hiểu vì lẽ gì xưa kia Oanh lại từ chối lời cầu hôn của tôi! Từ chối giữa lúc cả làng cho việc tôi hỏi Oanh làm vợ là may mắn cho Oanh lắm. Thế mới lạ chứ, vì rằng chính nhà tôi đây, hồi ấy cũng phải ngạc nhiên về sự từ chối ấy. Hay là tại hồi ấy, Oanh đã yêu ai rồi? Có phải cặp vợ chồng ấy đã vì ái tình mà lấy nhau không? Oanh đã kiêu ngạo hay đã chung tình? Dù sao mặc lòng, xưa kia tôi đã chung tình thì nay Oanh phải hối hận!

Chị Quang, một cách rất có ý tứ đáp lời cho câu hỏi lúc trước của chồng:

– Mình tìm cách nào cho cô ấy không phải hối hận nữa, tôi dám chắc bệnh sẽ khỏi ngay.

Bạn tôi vội nói:

– A! Tôi hiểu rồi đấy.

– ừ! Đã thế, mình còn chờ đợi gì nữa?

– Nhưng mà… nếu thế… nếu thế thì Oanh lại oán ghét tôi mất!

– Điều ấy cố nhiên…

Quang nghĩ hồi lâu để rồi lắc đầu:

– Không! Không thể được! Hiện giờ, Oanh đương hối hận, nghĩa là đương yêu tôi… Oanh yêu tôi! Yêu nồng nàn, yêu thiết tha! Có nên làm mất cái tình cảm tốt đẹp hiếm có ấy trong lòng một người đàn bà mà tôi đã yêu xưa kia không? Phải đến như thế nào… Oanh bây giờ mới có tình cảm ấy với tôi chứ? Đã thế thì tôi không thể nói dối được! Xưa kia, tôi bị người lãnh đạm, nhưng lòng tôi đã được tự do yêu. Nếu nay tôi phải làm một việc để, do thế, tôi ghét người ta thì chẳng những bỗng đâu tôi vứt cái tự do yêu người ta của tôi đi, mà rồi người ta lại còn ghét thêm tôi nữa!

Vợ chàng giơ tay khuyên nhủ:

– Phải hy sinh! Phải có can đảm! “Yêu người yêu mình chỉ là tự yêu”! Vẫn biết mình nói dối Oanh thì Oanh tất nhiên sẽ phải ghét mình, nhưng mà tôi xin mình, cứ thử một mình mình biết, một mình mình hay, mà yêu kẻ ghét mình tôi xem nào!

Nghĩ một lát nữa, rồi Quang nhăn nhó lại lắc đầu:

– Không! Tôi không thể làm cho Oanh đến nỗi phải ghét tôi được. Tôi xin lỗi mình, mình là người đại lượng mình hiểu biết. .. Sự thực, tôi vẫn còn thương Oanh lắm.

Chị Quang nổi nóng, gay gắt phân trần:

– Thế nhưng mà khi ông không chịu nói dối thì nghĩa là ông vẫn dang tay vò nát quả tim đã bị thương của người ta! Ông không muốn bị căm hờn! Phải, ông chỉ ích kỷ! Để cho người ta chết thì rồi ông thương xót một thể!

Phạm Quang ngã ngồi xuống ghế như một cái cây đổ. Chàng gần như khóc:

– Thà để Oanh chết là hơn! Nếu chẳng may thế, tôi sẽ ấp mồ Oanh mà khóc! Chết như thế, Oanh cũng được hả về phần hồn! Còn sống như em đoán trước, xác thể không những tiêu mòn, mà cả đến linh hồn của Oanh cũng chẳng mát mẻ nữa, vì rằng sự căm hờn đã đến chiếm chỗ trong tim.

Chị Quang lại cười gằn mà rằng:

– Thế thì mình nhầm! Sự căm hờn chỉ nuôi chứ không giết. Sự căm hờn đẻ ra lòng tự kiêu, tự ái, mà lòng tự ái chính là một sức mạnh để tự vệ. Chỉ có sự hối hận, sự tự mình phải giận mình, là giết mà thôi!

Quang vẫn thổn thức:

– Khốn nhưng tôi không muốn giết cái mối yêu ấy trong lòng Oanh. Căm hờn là một cái xấu không nên có trong hồn một người đàn bà đã lầm trong một phút, và do thế, mới đáng thương! Thà Oanh hối hận, thà Oanh tuyệt vọng! Thà để Oanh chết vì ái tình! Để cho ái tình ấy đi theo linh hồn là cái bất vong bất diệt, ái tình sẽ hóa ra cũng bất vong bất diệt!

Chị Quang run rẩy khẽ nói:

– Bảo Oanh chết, ờ thì được! Nhưng còn thằng Chắt? Nó mới có 6 tuổi! Mà nó là cháu tôi, cháu mình? Giết mẹ nó là giết nó! Mình không được phép giết thêm một đứa trẻ vô tội!

Anh Quang ngạc nhiên nhìn vợ hồi lâu rồi mạnh bạo ra đi. Anh đi đến nhà Oanh. Nửa giờ sau, về, mặt nhăn nhó, anh kể:

– Thế là xong, tôi đã đóng một vai trò tàn nhẫn hét sức!

– Thế nào?

– Tôi đã bảo Oanh như thế này: “Tôi chỉ còn thương hại cô mà thôi! Cô hỏi tôi có giận cô không? Có yêu đâu mà giận! Sao xưa kia, cô đã khinh tôi như thế? Bây giờ khổ sở, cô mới hối hận, mới quay lại yêu tôi… Cái yêu như thế, hỏi có giá trị gì? Có ai lại vớt lại một bát nước mà ta đã hắt xuống đất?” Oanh xúc cảm quá mạnh nên không nói được gì cả. Oanh nấc lên một cái thì tôi bỏ mặc ra về.

Chị Quang so vai, hài lòng:

– Có thế, Oanh mới sống được.

Rồi chị ấy bảo tôi:

– Bác hãy chịu khó ở chơi đây ít lâu nữa mà xem. Việc này rồi phải có kết quả tốt.

*

* *

Một tuần lễ qua…

Bữa ấy, chợt vợ chồng Quang gọi tôi ra cửa sổ. Thì Oanh đã ẵm con dong chơi ngoài đường! Bấy giờ tôi mới biết mặt người đàn bà ấy. Nàng có một vẻ mặt bình tĩnh một cách lạ, đủ biết trong lòng cái hối hận, cái nhớ tiếc duyên xưa không còn nữa. Nước da tuy còn xanh, nhưng dáng đi đã có vẻ cứng cáp lắm rồi. Tôi có cái cảm giác là người đàn bà ấy không thể chết được nữa. Oanh ẵm con một cách âu yếm như đã quên, quên hết mọi sự để mà chỉ nuôi con.

Quang cầm hai tay vợ:

– Anh cảm tạ mình! Em đã dạy anh biết hy sinh và đã cứu nổi hai mạng.

Tôi châm một điếu thuốc lá để tự thưởng, vì tôi đã hiểu rõ cái lòng tự ái, kiêu ngạo, nó vừa làm đau khổ và vừa nâng cao phẩm giá người đàn bà.

Muốn nhìn lại lần nữa, thì bóng Oanh đã thoáng khuất sau một hàng rào găng.

Đông Dương tạp chí,

số 14; ngày 14.8.1937