Việt Nam Phong Tục – Phan Kế Bính. Xuất bản năm: 1915
Đã hơn 100 năm kể từ ngày cuốn sách được xuất bản. Mang trong mình thứ ngôn ngữ của người xưa, rất nhiều từ ngữ đến ngày nay đã không còn thấy dùng, ấy vậy mà giờ đọc lại vẫn thấy sao đúng quá chừng, tiến bộ quá chừng. Vậy mới thấy thời đó mà đã có nhiều người mang trong mình tư tưởng tiến bộ, muốn mang văn minh nhân loại vào để khai sáng nhân dân, cách tân đất nước. Đáng kể đến như là Phan Bội Châu với phong trào Đông Du, Lương Văn Can với Đông Kinh Nghĩa Thục. Tuy nhiên bọn giặc xâm lược đâu dễ dàng để dân ta văn minh lên được, chúng nhanh tay đàn áp các phong trào tân học trong cả nước.
Ấy là thời giặc ngoại xâm, dân ta chìm trong ngu trí. Vậy mà thời buổi hòa bình như ngày nay, cái gì đang cản bước dân tộc ta tiếp cận với các tiến bộ nhân loại? Thật khó để có câu trả lời xác đáng, nhưng cũng xin đưa ra vài luận điểm để mọi người cùng nhìn nhận và xem xét:
1. Đó là lối tư duy theo văn hóa Á Đông, vĩ hòa di quý, không dám dấn thân, sợ thất bại, ngại học hỏi, để cao lý thuyết, lãng quên thực hành.
2. 1000 Bắc Thuộc, hơn trăm năm đế quốc ngoại xâm đã tàn phá toàn bộ nền văn minh nước nhà, những điều hay thì bị phá bỏ, chỉ còn lại đó là những hủ tục khiến dân chúng đi vào vũng lầy của sự lạc hậu, mê tín. Vậy thì làm sao mà vực dậy được.
Là một người xuất thân từ nền giáo dục khoa cử Nho học nhưng không chọn quan trường làm con đường tiến thân, Phan Kế Bính lại sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ và đi theo con đường làm báo, dịch thuật, biên khảo,… Đồng thời, ông cũng là một người có quan điểm đổi mới mạnh mẽ và công khai hưởng ứng Cuộc vận động Duy Tân thời bấy giờ.
Được hoàn thành vào năm 1915, Việt Nam phong tục là trước tác mang đậm tinh thần duy tân của Phan Kế Bính đồng thời cũng là công trình nổi bật nhất trong toàn bộ sự nghiệp của ông.
Ngay trong lời mở đầu, Phan Kế Bính đã trình bày một cách rõ ràng quan điểm cũng như mục đích của mình khi thực hiện cuốn sách, đó là “kê cứu cho biết cái nguyên ủy những cái phong tục của mình, và xem những tục mới có điều gì nên theo, thì bàn tham bác vào để chờ có khi mà thay đổi được chăng.”
Và cũng từ quan điểm đó, xuyên suốt tác phẩm, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một sự phản biện mạnh mẽ, thẳng thắn và đôi lúc vô cùng cứng rắn của ông đối với những phong tục nhưng cũng là những điều “mắt trông thấy tai nghe tiếng” trong nội tại xã hội Việt Nam thời bấy giờ.
Sẽ là không chính xác nếu nói Việt Nam phong tục là một tác phẩm hoàn hảo trong lĩnh vực nghiên cứu và phản biện về văn hóa, xã hội và phong tục Việt Nam. Vẫn có những sai sót nhất định trong việc cung cấp thông tin và ở một số vấn đề, bản thân tác giả cũng không tránh khỏi sự phiến diện và cực đoan trong phê phán.
Bất cứ một xã hội nào cũng đều có những thuộc tính, những biểu trưng riêng biệt mà theo thời gian, cùng với những biến động của thời cuộc và quy luật đào thải khắc nghiệt sẽ trở thành giá trị vĩnh cửu. Khi đặt bút viết nên Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính đồng thời cũng mang trong mình mong muốn đưa ra những gợi ý cụ thể cho việc lựa chọn đào thải hay bảo lưu lại những phong tục, tập quán của dân tộc.
Việc lựa chọn ấy chắc chắn phải dựa trên sự phát triển của đời sống xã hội cũng như cấu trúc của nền kinh tế. Một khi xã hội phát triển theo hướng hiện đại và tiến bộ hơn, những gì đã trở nên không còn phù hợp sẽ tự động bị đào thải. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi việc sai lệch trong nhận thức về văn hóa cha ông của các thế hệ sau dẫn đến sự chối bỏ cả những giá trị cao đẹp cần được gìn giữ và phát triển.
Chính vì vậy, việc cân nhắc loại bỏ hay bảo lưu những giá trị cũ để làm nền tảng cho văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển là một việc cần thiết hơn bao giờ hết. Thậm chí, ngay cả việc thay đổi những lề thói đã lỗi thời cũng cần đến một quá trình lâu dài.
Ngay từ đầu thế kỷ trước, Phan Kế Bính cũng đã ý thức được rất rõ điều này: “…cái tục cũ đã truyền nhiễm lâu, không dễ mà một mai đổi ngay được. Muốn đổi thì phải lựa dần dần, trước hết phải xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho các tục dở.” Và ông cũng không quên lưu ý rằng “tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy”.
Vậy đâu là quốc túy của chúng ta? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta không thể làm gì khác hơn là phải dụng công tìm tòi, suy ngẫm lại trong suốt sự phát triển và biến đổi trong đời sống dân tộc theo dòng chảy của lịch sử với địa vị của một công dân. Công dân của một quốc gia và công dân toàn cầu.