Người nào làm quan từ tam, tứ phẩm trở lên thì nhà vua ban sắc phong tặng cho cha mẹ, ông bà, cụ kị, tùy theo phẩm tước của mình: như nhứt phẩm thì được phong tặng tam đại, nhị phẩm thì được phong tặng nhị đại, tam tứ phẩm được phong tặng nhứt đại.
Sắc của vua ban, đại để kể công trạng, chức tước của người làm quan, rồi suy ân ra mà truy phong đến tiền đại. Phong về làng nào, dân làng ấy phải rước sắc về nhà chủ, rồi nhà chủ chọn ngày lành tháng tốt làm lễ cáo gia miếu.
Trước hết sao bản sắc của vua ra một tờ giấy vàng, cũng y như bản sắc chính. Hai bản ấy đựng vào một cái mâm, đặt trên hương án. Trên bàn thờ bày đủ đồ tế tự, người chủ đốt hương vào lễ, rồi tuyên đọc một bài văn kể duyên do tổ khảo được phong tặng, và được phong chức gì. Đoạn rồi tuyên đọc đến bản sắc. Xong thì đốt bản sao mà để bản nguyên lại thờ, cho nên gọi là Thần hoàng (đốt tờ sắc vàng).
Tế lễ xong thì khoản đãi khách khứa, cũng như các việc ăn mừng.
Xét cái điểm phong tặng này, chủ ý triều đình cốt để khuyên người làm con có tài có đức thì tổ tiên cũng được gội nhuần mưa móc triều đình. Vậy thì mình hay bao nhiêu, cha ông mình lại được vinh hiển bấy nhiêu, mà nhớ đến công đức cha ông thì lại nên nhớ đến ơn vua, ơn nước càng nên hết lòng mà báo đáp ơn sâu.
Điển này vừa bồi thực được nhân tài, mà lại duy trì được nhân tâm, thực là một điển rất trọng, tục ăn mừng phải lắm.