Menu Đóng

Đạo làm con

Hiếu thảo – Ta đọc sách Thánh hiền, lấy sự hiếu thảo với cha mẹ làm mối luân thường rất lớn, làm đầu trăm nết hay của người. Mà nhất là ta hay lấy chuyện Nhị thập tứ hiếu làm phương châm cho đạo làm con.

Hiếu là biết kính trọng thương mến cha mẹ, biết vâng lời cha mẹ, biết phụng dưỡng cha mẹ.

Tục thường cho khi cha mẹ còn không nên đi xa, sợ không được thừa hoan ở dưới gối cha mẹ. Cho nên nhiều người phải bổ làm quan xa, hoặc phải đi làm ăn xa xôi thì thường hay từ rằng ở nhà còn chút cha già hay là mẹ già.

Cách phụng dưỡng – Nhà nào cha mẹ mạnh khỏe giàu có thì thường ở riêng một mình. Người nào già yếu hoặc không có thì mới ở với con. Con có thì của ngon vật lạ cơm dưng nước tiến, nhà nghèo cũng biết lưng cơm lành bát can ngon để phụng dưỡng cha mẹ. Cũng nhiều người ăn riêng ở riêng, cứ tháng đưa tiền cung dưỡng. Hoặc ở xa xôi cách biệt đôi khi gởi đồng quà tấm bánh về dâng cha mẹ. Nhưng cũng lắm kẻ chỉ biết vợ con, không biết cha mẹ là đâu, cho nên có câu rằng: Lúc sống thì chẳng cho ăn, để đến khi chết làm văn tế ruồi.

Kiêng tên – Tục ta coi tên cha mẹ rất kính trọng, hễ đọc đến thì phải kiêng. Vì như tên Kèo thì đọc chạnh là Cửu, tên Cột thì đọc chạnh ra là Kẹt v.v… Nhiều người tên cha mẹ mình lại muốn cho người ta phải kiêng nữa, cho nên có chữ “nhập gia vấn húy” (vào đến nhà phải hỏi tên húy để mà kiêng). Lại nhiều người ai mừng hoặc phúng câu đối nhà mình, có chữ gì phạm đến tên thì giận mà xé câu đối đi hoặc bắt người ta phải đổi. Cho nên người cẩn thận có mừng ai phúng ai bằng câu đối, thường phải hỏi trước chủ nhà để có chữ gì phạm húy thì đổi đi mới dám viết vào vải mà đem đến…

*
Nết hiếu vẫn là nết đầu trong luân lý của người ta, nếu cha mẹ là người rất thân mà cư xử đã chẳng ra gì, thì ra đến xã hội còn tử tế với ai được nữa.

Tuy vậy, hiếu với cha mẹ chỉ cốt giữ được lòng kính mến là đủ, tưởng không cần phải giữ lễ phép tỉ mỉ nhỏ nhặt từng tí làm gì. Quý hồ phụng dưỡng đâu có đấy, đừng để cho cha mẹ phiền lòng. Mình mong cho cha mẹ vẻ vang thì mình lại càng phải nghĩ cách mà lập thân mình. Hoặc học được một khoa gì, hoặc làm được một sự nghiệp gì, để có ích lợi cho xã hội tức là làm thỏa lòng cha mẹ và đừng để tiếng xấu với xã hội, mới là làm cho cha mẹ được vẻ vang.

Còn cách kiêng tên, tuy là một lòng kính trọng nhưng mà khí hẹp hòi. Tên là một tiếng chỉ riêng người ấy đối với người khác, dẫu không kiêng cũng chẳng sao. Mà có quen theo thói tục, thì tên nhà mình, mình kiêng, hà tất phải ép người ta kiêng thay cho nhà mình.

Vả lại mỗi người một kiêng, mỗi chữ một đọc chạnh thì thành ra chữ này đọc ra chữ nọ, chữ khác đọc ra chữ kia, lâu dần có lẽ sai hết tiếng, cách ngôn ngữ không biết thế nào cho nhất định được.

Tôi thấy có người cữ kiêng quá, nghe ai nói chạm đến tên cha mẹ mình thì không bằng lòng. Hoặc nói chuyện với ai, một câu đọc chạnh đến hai ba tiếng làm cho người ta chẳng hiểu nghĩa lý gì, ngộ quá ! Nực cười quá !