Chuyện kể có một con chó lượn qua hàng thịt. Nó quắp được một miếng thịt to và vội vàng tha mồi chạy. Lúc chạy ngang qua cầu, nhìn xuống lòng lạch, với làn nước trong veo, con chó thấy hình bóng của miếng thịt in dưới nước, xem ra còn to hơn miếng thịt nó gậm trong miệng. Thế là chàng ta bèn bỏ miếng thịt trong miệng, lao ngay xuống nước để chộp cái bóng của miếng thịt được rọi to dưới mặt nước. Kết quả miếng thịt cũng mất và bóng chỉ là bóng nên cũng tan đi khi miếng thịt không còn. Thế là con chó đành trơ mõm lội lên và không còn thức ăn để mà ăn.
Hình ảnh này gợi cho mọi người một loại người tham lam, thường không chịu an phận trong cuộc sống. Không chấp nhận những gì mình hiện có mà mơ tưởng đến những hình ảnh mông lung như chiếc bóng. Sự mơ tưởng làm mờ đi lý trí và không phân biệt đâu là cái có thật đâu là ảo ảnh và sẳn sàng đánh đổ những giá trị có thật mà mình có để bắt lấy những điều hư ảo.
Trong cuộc sống, để đạt đến một giá trị nào đó người ta thường phải trải qua nhiều gian nan, vất vả. Nhưng khi đạt đến giá trị đó, và tìm thấy sự bình an hạnh phúc trong nó, thì người ta lại quên đi những gian nan vất vả mà mình đã phải trải qua cũng như không còn nhận chân được giá trị cái mà mình đã đạt được. Và với một hào nhoáng nào đó, một bề ngoài có vẻ lợi lộc hơn, vinh quang hơn nào đó. họ đã buông rơi cái hạnh phúc của mình đang có, cái giá trị thật mà mình đang nắm trong tay để theo đuổi cái ảo ảnh mà họ không bao giờ có thể với tới được, hoặc chỉ là cái bóng, vớ vào rồi thì bóng tan, vinh quang giả tạo tan, lợi lộc cũng chẳng có… và chỉ còn biết ngậm ngùi nuối tiếc cho những sai lầm của mình.
Tương tự với nghĩa này người ta còn có câu:
“Đứng núi này trông núi nọ”.
Đứng dưới chân núi, thấy cảnh sắc hùng vĩ, thấy trời mây tráng lệ, con người đã bỏ bao công sức cố gắng trèo lên đỉnh núi để được ở giữa cái hùng vĩ, để nắm bắt cái tráng lệ uy nghi của rừng, để hòa lẫn vào trong cái phong cảnh mà mình yêu thích. Đường đi từ chân núi lên đến đỉnh gian nan ôi là bao, nhưng khi lên đến đỉnh rồi, đứng cạnh một cây dầu một cây si nào đó, họ thấy nó cũng bình thường như bao cây dầu, cây si mà họ thấy ở dưới đồng bằng. Dưới chân họ cũng là đất, lá đá, trên đầu họ vẫn là mây, là gió, họ không có cảm giác mãn nguyện khi họ đã thực hiện được hành trình lên núi như họ đã mong muốn. Vì cái nhìn của họ bây giờ không còn là cái nhìn tổng quan của nơi họ đang đứng mà là cái nhìn sang ngọn núi bên kia, và họ đã thả tưởng tượng đi cao đi xa hơn để nghĩ rằng có lẽ bên kia núi sẽ đẹp hơn!
Ở đâu cũng thế thôi, mỗi nơi một vẽ đẹp riêng, một đặc điểm riêng! Mỗi nơi có lợi điểm riêng và cũng có bất tiện riêng ! Hãy biết mình đang cần gì và chấp nhận những gì mà mình đang có.