”Bạn bè ngày nay lá mặt lá trái không biết đâu mà lường” (Ước mơ tuổi trẻ, tr.69).
Người ta quen dùng thành ngữ lá mặt lá trái song có lẽ cũng ít ai biết đến xuất xứ của nó.
Lá mặt tức là mặt phải của lá (trong tiếng địa phương miền Nam mặt là bên phải, tay mặt là tay phải, và /á trái tức là mặt trái của lá. Thành ngữ lá mặt lá trái có thể bắt nguồn từ cách làm các loại bánh lá.
Thông thường, đối với các loại bánh lá, người ta có thể phân biệt chúng qua hình thức bên ngoài như bánh gai gói bằng lá chuối khô, bánh nếp gói bằng lá chuối tươi. Song đối với một loại bánh mà có nhân khác nhau phân biệt sẽ trở nên khó khăn. Trong trường hợp này, người làm bánh phải đánh dấu bằng kiểu buộc lạt hoặc bằng cách tạo dáng khác nhau. Và cách đánh dấu đơn giản nhất là dùng ngay lớp lá ngoài cùng của chiếc bánh: Quay mặt phải của lá ra ngoài hay mặt trái của lá ra ngoài. Chẳng hạn, đối với bánh nếp khi gói mặt phải lá quay ra tức là bánh nhân mặn (đỗ xanh, thịt lợn) còn mặt trái lá quay ra là bánh nhân ngọt (đỗ xanh, đường). Cách đánh dấu như vậy hoàn toàn có tính chất quy ước, chỉ có giá trị đối với từng vùng, từng làng, thậm chí từng người làm bánh. Khi quy ước tạm thời được chấp thuận thì những kẻ không có lương tâm nghề nghiệp đã cố tình vi phạm quy ước, làm ra những chiếc bánh có chất lượng kém thậm chí đánh tráo cả loại bánh ”lá mặt” với loại bánh “lá trái” để kiếm nhiều lời!
Thành ngữ lá mặt lá trái ra đời từ đó và được dùng phổ biến để biểu thị sự tráo trở, lật lọng của con nguời.