“Chàng về đồng không mông quạnh, gió lạnh sương sa
Em ở nhà lụy lâm, lâm lụy nước mắt sa theo chàng”.
(Dân ca Bình Trị Thiên)
Nếu chỉ dừng lại ở việc tìm ý nghĩa đương đại, ý nghĩa chung của thành ngữ, thì rõ ràng đây là một thành ngữ đơn giản, không có điều gì cần phải bàn. Nhưng thực ra thành ngữ đồng không mông quạnh lại chính là một thành ngữ phức tạp đối với những ai muốn hiểu rõ từng chữ, từng từ cấu tạo nên thành ngữ này. Cho đến nay, cách hiểu ý nghĩa của một vài từ trong thành ngữ vẫn còn là điều “thách đố” chúng ta. Xét về mặt chữ nghĩa, các từ đồng, mông được bàn đến nhiều và có ý kiến trái ngược nhau.
Từ cách nhìn đồng đại, các từ đồng và không đều được coi là dễ hiểu, không cần phải lý giải gì thêm. Nhưng từ mông và từ quạnh thì nên hiểu thế nào? “Từ điển Hán – Việt” của Đào Duy Anh giải thích mông nghĩa là “tối tăm” còn quạnh là “vắng vẻ”. Ở các từ điển khác kết cấu mông quạnh được giải thích nghĩa là “rộng rãi và vắng vẻ”. Dù giải thích tách riêng thành hai yêu tố mông, quạnh hay thành một cấu kết mông quạnh, thì ý nghĩa của chúng vẫn được nhận diện phù hợp với ý nghĩa chung của toàn thành ngữ. Theo cách hiểu này thì đồng là một danh từ và ba yếu tố không, mông, quạnh được xem là các tính từ bổ nghĩa cho danh từ trung tâm có chức năng lột tả cảnh rộng rãi, tối tăm, vắng vẻ mà thành ngữ đồng không mông quạnh hàm chỉ. Song khi khảo sát loại thành ngữ có bốn yếu tố, chúng ta chưa gặp một dạng thức nào có cấu tạo gồm một trung tâm và ba yếu tố phụ làm định ngữ như cách giải thích ở trên. Tính cá biệt và phi hệ thống này đã khiến chúng ta phải tìm một cách lí giải khác.
Nhìn chung, đồng không mông quạnh được xem là một thành ngữ đối ứng, trong đó đồng đối với mông, không ứng với quạnh. Các từ không, quạnh, đối ứng với nhau là hiển nhiên và hợp quy tắc. Vấn đề chủ yếu là ở cặp đồng và mông. Xung quanh cặp từ này cũng có lắm cách hiểu khác nhau. Có thể thấy ít nhất là có những cách hiểu sau đây:
1. Trong tiếng Việt có các từ mông và đồng có nghĩa gần nhau và đều chỉ trẻ nhỏ. Đó là nghĩa trong các từ nhi đồng, đồng dao, mông học, mông huấn. Cách Ií giải này thỏa mãn được sự đối ứng và tương hợp về nghĩa của cặp từ mông đồng trong thành ngữ đồng không mông quạnh vì theo quan niệm dân gian, trẻ con gắn liền với cảnh đầm ấm, yên vui, nếu đến một nơi nào đó mà vắng vẻ, trống thiếu trẻ con thì người ta cũng cảm nhận thấy sự trống vắng và buồn tẻ. Điều này khá gần gũi với ý nghĩa chung của thành ngữ đồng không mông quạnh hiện đang được dùng trong tiếng Việt. Nhưng rất tiếc là ý nghĩa chung của thành ngữ đang xét lại thiên nói về không gian hơn là nói về quan hệ giữa nguời với người, cho nên, cần xem xét lại cách luận giải này.
2. Theo cuốn Từ điển từ nguyên tiếng Hán, có một từ mông chỉ một loài cỏ. Với nghĩa này, mông có thế đối ứng và tương hợp được với đồng (cánh đồng). Quả là đồng và cỏ gắn liền với nhau và có thể đối ứng, tương hợp về nghĩa như đồng khô cỏ úa hay đồng khô cỏ cháy. Song điều khó giải thích là ở chỗ, nếu mông là từ chỉ cây cỏ thì ít khả năng kết hợp được với quạnh. Do đó, sẽ hoàn toàn có lý khi người ta nghi ngờ tính đúng đắn của cách giải thích này.
3. Cách luận giải thứ ba cho rằng mông vốn là một từ cổ, chỉ bãi trống giữa những cánh đồng. Từ này đang được lưu giữ trong một số thổ ngữ ở Nghệ Tĩnh. Nếu quả đúng là như thế thì ý nghĩa của thành ngữ đồng không mông quạnh là sáng rõ.
Như vậy, cho dù ý nghĩa của các yếu tố trong thành ngữ đồng không mông quạnh còn cần được tìm hiểu thêm, nhưng đối với mọi người, ý nghĩa và cách sử dụng thành ngữ này đều thống nhất. Những khoảng không gian trống trải, vắng lặng, quạnh hiu đều có thể ví với cảnh đồng không mông quạnh.