Menu Đóng

Tấc đất cắm dùi

Thành ngữ tấc đất cắm dùi có khá nhiều biến thể khác nhau: thước đất cắm dùi, một thước cắm dùi, miếng đất cắm dùi, mảnh đất cắm dùi,… Trong những dạng thức này, các từ tấc, thước, mảnh, miếng là những danh từ chỉ đơn vị. Tưởng là rất cụ thể là tấc, là thước, là mảnh nhưng chẳng có gì cụ thể. Các từ này chỉ phản ánh sự ít ỏi về mặt số lượng của vật thể cần đo đếm. Sự ít ỏi này càng được bộc lộ rõ khi kết hợp với tổ hợp cắm dùi. Tại sao lại như vậy? Số là, trước đây nhân dân ta trồng tỉa thường dùng dùi chọc lỗ để gieo hạt. Phương thức canh tác này hiện còn lưu giữ trong việc làm nương rẫy của đồng bào một số dân tộc ít người. Tấc đất chỉ đủ để cắm dùi, rõ là cũng chẳng to tát gì. Thành ra, thành ngữ tấc đất cắm dùi mới được dùng để chỉ phần đất nhỏ bé để sinh sống và canh tác của người nông dân.

Đất là cái sinh tử của người nông dân. Người ta sống chết cũng vì đất và phải bám lấy đất. Người ta tranh đấu, giành giật, thù hận cũng vì đất. Tấc đất là tấc vàng! Vì lẽ đó, đất là thước đo sự giàu sang, nghèo hèn. Tấc đất cắm dùi nhỏ nhoi là vậy mà cũng không có thì đó là sự nghèo hèn đến cùng cực.

Thông thường trong tiếng Việt, để nhấn mạnh ý nghĩa và mức độ của sự nghèo hèn, hầu như bao giờ tấc đất cắm dùi cũng đi kèm với các yếu tố phủ định. Hãy so sánh:

–          Không có + tấc đất cắm dùi (không có (một) tấc đất cắm dùi)

–          Tấc đất cắm dùi + (cũng) không có (một tấc đất cắm dùi cũng không có)

–          Không + tấc đất cắm dùi (không tấc đất cắm dùi)

–          Tấc đất cắm dùi + cũng không (tấc đất cắm dùi cũng không)

–          Có + tấc đất cắm dùi nào đâu (Có một tấc đất cắm dùi nào đâu)

–          Đâu (nào) có + tấc đất cắm dùi (Đâu có (nào có) một tấc đất cắm dùi).