Menu Đóng

Rách như tổ đỉa

Thành ngữ rách như tổ đỉa còn có biến thể khác là xác như tổ đỉa. Ý nghĩa và cách dùng dạng thức này không có gì khác biệt.

Theo quan niệm của dân gian, giàu nghèo đều thể hiện ở cơm ăn áo mặc hàng ngày. Vậy mà quần áo đã rách như tổ đỉa ấy, thì làm sao được coi là một kẻ giàu sang phú quý. Thành ra, ý nghĩa thành ngữ rách như tổ đỉa cũng được mở rộng ra và được khái quát hơn để chỉ sự nghèo đói, khổ cực đến cùng kiệt của con người.

Về ý nghĩa, cách hiểu thành ngữ rách như tổ đỉa như vậy là thoả đáng. Song, ở thành ngữ này, tổ đỉa là gì lại cần bàn kĩ cho sáng rõ. Tổ đỉa là cái tổ của con đỉa ở dưới nước với vẻ tớp túa, lỗ chỗ, xác xơ chăng? Giả thiết này không hợp lý, bởi vì “tổ” con đỉa dưới nước thì mấy ai thấy được, quan sát được để làm đối chứng so sánh với các con vật quen thuộc như áo quần, tơi nón,… Hơn nữa, trong tiếng Việt, tổ thường được dùng để chỉ nơi che chắn kín đáo để ở, đẻ và nuôi con của một số loài vật như chim, chuồn, ong, chứ ít nói đến tổ con đỉa. Vậy, hiểu tổ đỉa như trên là không chính xác. Thực ra, tổ đỉa là tên của một loài cây thường mọc ở bờ nước. Lá của tổ đỉa trông có vẻ xơ xác, dễ gây liên tưởng tới sự rách nát lỗ chỗ, tớp túa của một số đồ vật như quần áo, vải vóc… Và, dần dần tổ đỉa cũng góp phần biểu hiện nghĩa khái quát, hàm chỉ sự nghèo đói. Có lẽ nhờ nghĩa này mà trong tiếng Việt, tổ đỉa có thể đi vào thành ngữ nợ như tổ đỉa nữa.

Gần nghĩa với rách như tổ đỉa, trong tiếng Việt còn có rách như tàu lá khô, rách như xơ mướp. Sắc thái ý nghĩa của các thành ngữ này không có sức gợi những ấn tượng mạnh như thành ngữ rách như tổ đỉa, xác như tổ đỉa. Ngoài ra, thành ngữ rách như tổ đỉa, xác như tổ đỉa còn gần nghĩa với xác mồng tơi. Tuy nhiên, thành ngữ xác mồng tơi chỉ thiên về biểu thị ý nghĩa khái quát, tức là hàm chỉ sự nghèo đói, cơ cực chứ không hàm chỉ trạng thái rách nát của vật cụ thể như ở thành ngữ rách như tổ đỉa, xác như tổ đỉa.