Menu Đóng

Lệnh ông không bằng cồng bà

Với thành ngữ này, việc nhận biết ý nghĩa và khả năng vận dụng không khó khăn gì. Về mặt ngữ nghĩa, chỉ có chữ “lệnh” là điều băn khoăn duy nhất. Nên hiểu “lệnh” là “mệnh lệnh” hay là “cái lệnh”, một dụng cụ thường dùng ở các nhà thờ, đền chùa? Trong thế đối ứng với “cồng” người ta dễ chấp nhận “lệnh” là dụng cụ phát ra âm thanh. Cái đáng quan tâm nhất thành ngữ là tại sao lệnh ông lại không bằng cồng bà. Trong dân gian có hai cách hiểu vấn đề này.

Theo nhiều người, thành ngữ này gắn liền với việc chiêu mộ binh lính của anh em Triệu Thị Trinh. Trong khi Triệu Quốc Đạt phát lệnh chiêu tập binh lính kết quả không được bao lăm, thì bằng tiếng cồng vang vọng, Triệu Thị Trinh đã tập hợp quanh mình rất nhiều nghĩa sĩ.

Nhiều người khác lại khẳng định xuất xứ của thành ngữ này gắn liền với tục cưới xin ở một số dân tộc ít người. Số là, khi làm lễ cưới, bên nhà trai phải phát lệnh trước để xin dâu, nếu đồng ý thì bên nhà gái đánh cồng đáp lại. Trong trường hợp, không nghe thấy tiếng cồng đáp lại tức là chưa được rước dâu. Rõ là, tiếng cồng nhà gái (cồng bà) có quyền quyết định tối hậu.