Tuy có sự phân biệt về giá trị nhưng trên quan điểm thực tiễn của nhân dân, sự đánh giá lại không chỉ có một chiều đơn giản như vậy. Gạo tẻ là gạo ăn thường ngày, là nhu cầu thường xuyên không thể thiếu. Gạo là tẻ đấy, là cái thường ngày đấy, nhưng ai dám nghĩ là tầm thường. “Cơm tẻ mẹ ruột”. Cơm tẻ bữa nào cũng ăn nhưng chưa ai chán, không biết chán, trong khi đó người ta có thể chán ngay đối với cơm nếp.
Cho nên dù cứ cho rằng trong thực tế nếp là hơn tẻ đi thì trong thành ngữ có nếp có tẻ điều đó cũng không được nói tới. Ở đây chỉ nhấn mạnh sự cần thiết của cả hai, không nên thiếu một bên nào. Một căn cứ rất có ý nghĩa để hiểu như vậy là trật tự của các yếu tố trong thành ngữ. Không ai nói “có tẻ có nếp”, mà chỉ nói “có nếp có tẻ”. Trật tự đó rất tế nhị, vì nó nói lên rằng: dù là có nếp rồi, nghĩa là có được thứ quý hơn rồi – so với tẻ – thì chưa được coi là đủ, vẫn cần sự có mặt của tẻ.
Ở thành ngữ này, các từ nếp, tẻ chỉ tác dụng biểu thị quan hệ khác biệt và cùng hiện diện, chứ không biểu thị quan hệ so sánh. Cũng tức là tuy có dùng nếp – tẻ thật đấy, nhưng không phải để phân biệt đối xử “nhất bên trọng nhất bên khinh”. Muốn được như vậy, thành ngữ đã khéo sử dụng một trật tự có dụng ý.