Thái Sư Văn Trọng truyền hịch cho ba trấn Thanh Long, Lâm Ðồng và Giai Mộng, ngăn đón Hoàng Phi Hổ xong, liền tự mình quản lãnh binh tướng ra khỏi Tây môn, đuổi theo kịp tới.
Tiếng trống khua vang trời, tiếng quân reo dậy đất.
Còn cha con và anh em Hoàng Phi Hổ sau khi qua khỏi sông Mạnh Tân rồi vội vàng qua sông Hoàng Hà, lần đến sông Dẩn Tri là địa hạt của Trương Khuê trấn đóng.
Hoàng Phi Hổ biết Trương Khuê có phép địa hành sánh tài thiên tướng, nên chẳng dám đi ngang qua cửa, phải chạy tránh ngoài vòng thành, phải qua huyện Dẫn Tri, lên tới ải Lâm Ðồng.
Bấy giờ Hoàng Phi Hổ mới vừa an lòng thì bỗng ngó ngoái lại thấy cát bụi bay mù mịt, quân ó vang tai một đoàn người ngựa kéo đến như bay, đằng trước có cây cờ hiệu rất lớn, để chữ “Văn”.
Hoàng Phi Hổ giật mình, vỗ yên ngựa than:
– Văn Thái Sư đem binh đuổi theo, chúng ta làm sao cự lại. Chắc mười phần phải chết rồi.
Hoàng Phi Hổ lại nhìn thấy đứa con út là Hoàng Thiên Tường mới bảy tuổi, ngồi trên yên ngựa chưa vững, cảm động đến ứa nước mắt, than thầm:
– Thương thay! Con nhỏ dại, chưa biết gì mà cũng lâm nạn.
Xảy có gia tướng chạy đến báo:
– Phía bên tả cũng có một đạo binh kéo tới nữa.
Hoàng Phi Hổ xem kỷ thì là đạo binh của Trương Quế Phương hiện trấn ải Thanh Long.
Trong lúc đang lúng túng thì gia tướng lại chạy đến báo nữa.
– Bên hữu cũng có một đạo quân rầm rộ kéo đến, cờ để là quan Tổng trấn ải Giai Mộng.
Hoàng Phi Hổ quýnh như đang đứng trước một vòng vây của thiên binh thiên tướng vậy. Chợt nhìn tới trước, lại thấy có Trương Phong là quan Tổng Binh ải Lâm Ðồng kéo binh đến đón đầu. Thế là bốn phía đều thọ địch, dẫu có cánh bay lên trời cũng chẳng kịp
Hoàng Phi Hổ ngước mặt lên trời, thở dài một tiếng khí uất lên tận mây xanh.
Giữa lúc ấy có ông Thanh Hư Ðạo nhân ở núi Thanh Phong, động Tử Dương, cũng là một vi tiên phạm tội sát sinh, đợi qua hội Phong Thần sẽ tu lại, nhân lúc thành thơi, đằng vân đi dạo, vừa tới ải Lâm Ðồng, gặp khí uất của Hoàng Phi Hổ xông lên cản lại Thanh Hư đạo nhân nhìn xuống thấy Hoàng Phi Hổ mắc nạn thì động lòng, liền lấy lá phướng Hổ Nguyên che lại rồi sai Huỳnh cân lực sĩ đem phướng phép ấy bọc hết cả người ngựa của đoàn người Hoàng Phi Hổ đưa qua núi, đoạn làm phép đuổi đạo binh của Văn Trọng trở về Triều Ca.
Huỳnh Cân lực sĩ tuân lệnh thi hành.
Trong lúc đó đạo binh của Thái Sư Văn Trọng vừa đuổi theo kịp, xảy có quân chạy về báo:
– Có quan Tổng binh ở ải Thanh Phong xin vào yết kiến.
Văn Trọng truyền vời đến, quan Tổng binh ải Thanh Phong là Trương Quế Phương đến trước đầu ngựa Văn Thái Sư xá dài một cái thưa:
– Tôi vì mang giáp trụ trong người, không làm trọn lễ xin Thái Sư tha tội.
Văn Thái Sư hỏi:
– Hoàng Phi Hổ phản chúa bỏ trốn, chắc qua ải nầy, quan Tổng binh có thấy không?
Trương Quế Phương thưa:
– Tôi được lệnh, tuần hành rất nghiêm mật mà chẳng thấy một ai qua ải cả.
Văn Trọng nói:
– Tổng binh hãy mau mau trở về ải ngăn đón.
Trương Quế Phương vâng lệnh từ giã kéo quân về.
Kế có Ma gia tướng ải Giai Mộng xin ra mắt.
Văn Trọng cho đòi bốn tướng họ Ma đến, và hỏi:
– Hoàng Phi Hổ có đến ải Giai Mộng không?
Bốn tướng thưa:
– Chúng tôi đón hoài mà không thấy.
Văn Trọng truyền bốn tướng trở lại ải quan ngăn đón.
Bốn tướng tuân lệnh kéo binh về.
Xảy nghe quân báo nữa:
– Có quan Tổng binh ải Lâm Ðồng là Trương Phụng đến hầu.
Văn Trọng cho mời vào. Lão tướng Trương Phụng vào ra mắt.
Văn Trọng hỏi:
– Lão tướng có gặp Hoàng Phi Hổ chăng?
Trương Phụng thưa:
– Tôi tiếp được tờ hịch, biết được việc Hoàng Phi Hổ làm phản nên đem quân đến chận đường, song không biết kẻ phản thần ấy đi ngả nào mà không thấy.
Văn Trọng truyền về ải ngăn ngừa, bắt cho được Hoàng Phi Hổ. Trương Phụng vâng lệnh từ giã lui binh.
Văn Trọng ngồi trên ngựa nghĩ thầm Hoàng Phi Hổ ra cửa Tây, đã qua sông Mạnh Tân, tại sao cả ba đạo quân đón bị ngả đường vẫn không gặp? Thật là chuyện lạ lùng. Thuở nay ta không nghe Hoàng Phi Hổ có tài độn thổ, thăng thiên mà? Thế nầy thì ta phải đóng binh ở đây để tìm cho ra duyên cớ. Hay Hoàng Phi Hổ sợ binh theo, còn lẩn trốn đâu đây chưa dám qua ải?
Nghĩ rồi truyền đóng quân, cho thám mã tủa ra bốn phía tìm kiếm.
Bấy giờ Huỳnh cân lực sĩ tuân lệnh Thanh Hư đạo nhân dùng lá phướng tóm đoàn người của Hoàng Phi Hổ đem bỏ bên kia núi Nghi Tịnh, tất cả mấy anh em như say mới tỉnh, chẳng hiểu gì cả.
Hoàng Phi Hổ dụi mắt nhìn bốn phía thấy binh tướng bao vây không còn nữa, thì mừng rỡ nói với mấy người em:
– Bốn đạo binh kéo đến, sao bây giờ biến đi đâu? Vậy thì chúng ta phải gấp rút qua khỏi ải Lâm Ðồng để tị nạn.
Hoàng Minh nói:
– Ðó là trời giúp người lành nên chúng ta mới thoát được tai nạn tày trời như vậy.
Nói rồi cùng nhau giục ngựa thẳng đến ải Lâm Ðồng.
Thanh Hư đao nhân đứng trên cao thấy Thái Sư Văn Trọng không chịu lui binh, nghĩ thầm:
– Nếu Văn Trọng không chịu lui binh thì Hoàng Phi Hổ khó lòng qua năm ải được. Ta phải lập kế làm cho lão già nầy kéo quân về Triều Ca mới xong.
Nghĩ rồi lấy thần sa trong bầu phép vãi một nắm qua hướng Ðông Nam, tức thì hóa ra một đạo binh mã. Quân thám thính trông thấy liền chạy về báo với Văn Trọng
Võ Thành Vương kéo binh mã trở về Triều Ca.
Văn Trọng nghe báo tức tốc truyền quày binh lại. Xa xa trông thấy một nhóm người ngựa nhắm hướng Triều Ca tiến tới, Văn Trọng nhủ thầm:
– Võ Thành Vương bị chận bốn mặt không đi được nên liều mạng trở về đánh Triều Ca, cố tình làm phản rồi.
Nghĩ chắc như vậy, nên Văn Trọng truyền quân cấp tốc vượt sông Mạnh Tân, trở về.
Nhờ vậy mà Hoàng Phi Hổ đến ải Lâm Ðồng thì đạo binh của Văn Trọng không còn đuổi theo sau nữa.
Khi Hoàng Phi Hổ đến trước ải Lâm Ðồng lão tướng Trương Phụng cầm đao, cỡi ngựa, dẫn binh lướt tới, mặt hầm hầm, nói lớn:
– Hoàng Phi Hổ, ta được lệnh Thái Sư đón ngươi ở đây đã lâu để bắt tên phản thần bội chúa.
Hoàng Phi Hổ xá dài một cái và lễ phép nói:
– Cháu mặc giáp trong mình không làm trọn lễ, xin chú miễn chấp.
Trương Phụng nói:
– Hoàng Phi Hổ! Ông già ngươi với ta là tình bằng hữu, còn ngươi tuy lớp nhỏ chớ thuộc vào hàng quốc thích, làm đến bậc vương hầu. Cảnh họ Hoàng mấy đời trung liệt, phò nhà Thương lập nhiều công khó, để tiếng trung lương. Dầu sao đi nữa, chẳng lẽ vì trả thù cho một con đàn bà mà ngươi đã gắn cho dòng họ mình tiếng xấu muôn đời sao? Ta rất tiếc hành động của ngươi thiếu suy nghĩ, nếu ngươi biết phục thiện, nghe lời già thì mau trói mình nạp mạng, để ta giải về Triều Ca, giữa có đủ mặt văn võ bá quan, tâu rõ đục trong, xét tình oan ức. Như vậy Thiên tử sẽ nghĩ tình quốc thích mà tha tội phản thần. Còn nếu không nghe lời ta thì ngươi đến đây chẳng khác lũ chuộc sa vào đáy giếng, chết một cách nhục nhã mà chẳng ích.
Hoàng Phi Hổ thưa:
– Tánh cháu xưa nay chắc chú cũng biết. Sở dĩ cháu phải phản Trụ đầu Châu là vì tình thế không thể chịu được nữa. Trụ vương đam mê tửu sắc, trung thần lần lượt chết oan, hết kẻ này đến kẻ khác. Vua không thương bầy tôi thì bầy tôi làm sao phò. Ðạo vua tôi đổ nát đã đành, đạo cương thường cũng không còn nữa. Trụ vương nghe lời Ðắt Kỷ hại vợ, giết con, mổ gan Tỉ Can là vị Hoàng thúc để cho vừa lòng Ðắt Kỷ. Vừ rồi Trụ vương lại hiếp vợ Ðại thần, ném xác Quí Phi xuống lầu Trích Tinh. Nếu cứ vì chữ trung nhắm mắt làm ngơ, phò một ông vua tàn ác như vậy phỏng có ích gì, trăm họ đều oán vọng, binh tướng đều kêu rêu. Tôi tưởng đạo làm tôi, nếu không can gián được vua dữ thà bỏ đi đi nơi khác nơi là hơn. Nếu chú đứng vào hoàn cảnh của cháu chắc chú cũng không khỏi đau lòng khi thấy vợ bị chết oan, em gái mình bị chết ức. Thật uổng công tôi trải thân hơn hai trăm trận nơi biển Ðông, phơi gan cùng xã tắc, cầm binh dạy tướng mà trị chư hầu. Nay chúa đem lại đem đem dạ phụ phàng, bảo tôi trơ mặt chịu sao nổi. Ngửa mong chú mở lòng đại độ, giúp đỡ kẻ nhất thời, mở cửa ải cho chúng qua để thoát nạn thì ơn ấy sánh bằng trời bể.
Trương Phụng nổi giận nói:
– Ngươi khinh khi ta già cả, không ngăn nổi ngươi nên ngươi mới buông lời nói như vậy. Ta làm Tổng binh trấn ải này, dễ gì để một kẻ phản thần qua lọt.
Nói rồi vung đao chém Hoàng Phi Hổ.
Hoàng Phi Hổ đưa giáo ra đỡ và nói:
– Xin chú đừng nóng giận. Tôi với chú là tôi một trào, việc quấy phải còn có người đời xét nghiệm. Nếu chú bị oan ức như tôi lẽ đâu lại không đầu nước khác. Lời xưa nói: Vua bất minh thì tôi tắc luạn. Ai cũng muốn có được một minh quân mà phò.
Trương Phụng nói:
– Phản thần! Ngươi khéo già mồm bào chữa. Ta không muốn nghe ngươi lý luận nữa, mà chỉ muốn bắt ngươi đem về nạp cho Thái Sư phân xử mà thôi.
Nói rồi chém tiếp một đao nữa. Hoàng Phi Hổ cực chẳng đả phải cử thương lên tiếp chiến. Một trẻ một già giao đấu với nhau hơn ba mươi hiệp.
Trương Phụng tuy bản lãnh cao cường, nhưng làm sao cự lại Võ Thành Vương là người có sức mạnh siêu quần được. Bị yếu thế, Trương Phụng vội giục ngựa bỏ chạy. Hoàng Phi Hổ thừa thắng giục trâu đuổi theo.
Trương Phụng lén lấy tử nhung thần bá là sợi dây có cột cọc chùy treo sau lưng, vụt Hoàng Phi Hổ một cái.
Hoàng Phi Hổ lanh mắt, lấy gươm chặt đứt sợi dây. Rồi đưa tay bắt lấy trái chùy.
Trương Phụng thất kinh chạy vào thành đóng cửa.
Hoàng Phi Hổ trở lại nói với anh em:
– Lão tướng Trương Phụng thất bại vào thành, chúng ta mau định liệu cách nào để qua ải.
Mấy anh em xúm lại đàm đạo nhưng không ai tìm được kế hay để qua ải cho được.
Trong lúc đó, Trương Phụng vào thành, ngồi ngẫm nghĩ:
– Hoàng Phi Hổ sức mạnh như thần lại võ nghệ siêu quần, địch sao cho lại. Nếu đấu với nó, rủi ro bề nào, nó qua ải được thì tội ta chẳng nhỏ.
Nghĩ rồi liền gọi Phó tướng là Tiêu Ngân đến nói:
– Hoàng Phi Hổ là tướng tài của triều đình không dễ gì bắt va được, nếu để va thoát khỏi thì chúng ta không khỏi mang tội với Thái Sư. Vậy đêm nay ngươi tuyển lựa ba ngàn quân thiện xạ, mang cung tên thật nhiều, đợi đến canh ba nghe tiếng mõ lệnh thì áp vào trại Hoàng Phi Hổ, bắn chết va lấy đầu đem về nạp.
Tiêu Ngân tuân lệnh ra ngoài điểm binh, nhưng khi ra đến giáo trường lại nghĩ thầm:
– Trước kia ta làm bộ hạ Võ Thành Vương, được Võ Thành Vương dạy dỗ đối xử với ta rất nhân đạo, không bao giờ có một cử chỉ khắc bạc. Về sau ta cũng nhờ Võ Thành Vương mà vinh thăng làm chức Phó tướng trấn ải này. Ơn đức ấy ta chưa đền bồi, lẽ lào ham lập công mà phụ tình ân nhân?
Nghĩ rồi liền thay đổi y phục, đợi hết canh một lén sang trại Hoàng Phi Hổ kêu quân canh hỏi:
– Có ai ở trong trại không?
Quân canh hỏi lại:
– Ngươi là ai vậy?
Tiêu Ngân nói:
– Ta là bộ hạ của Võ Thành Vương trước kia, tên Tiêu Ngân, đến xin yết kiến Võ Thành Vương trình mật sự. Nhờ các ngươi vào thưa lại.
Quân vào báo với Hoàng Phi Hổ.
Hoàng Phi Hổ cho mời vào, Tiêu Ngân vào lạy và thưa:
– Tôi là Tiêu Ngân, tướng cũ, nhờ lão gia cho bổ nhậm chức phó Tổng binh ải Lâm Ðồng nay Trương Phụng sai tôi thừa lúc canh ba dẫn ba ngàn xạ thủ lén bắn lão gia, lấy thủ cấp đem về nạp lãnh thưởng. Tôi mang ơn lão gia rất trọng, không đành phản bội, nên mặc thường phục lén đến đây báo tin cho lão gia hay trước.
Hoàng Phi Hổ nghe qua thất kinh, nói:
– Nếu không có tướng quân thì chắc ta vong mạng rồi. Thật ta cảm nghĩa, khó nỗi đáp đền.
Tiêu Ngân nói:
– Việc cần thiết là Lão gia phải qua ải để thoát nạn, vậy lão gia nên dẫn nhân mã theo tôi tức thì để tôi mở cửa ải đón rước. Nếu chậm trễ lậu tiếng thì bất tiện.
Hoàng Phi Hổ mừng rỡ truyền lệnh gia tướng đồng một loạt theo Tiêu Ngân vào ải, thế mạnh như cọp dữ.
Khi ấy mới đầu canh hai, binh tướng Trương Phụng thờ ơ không để phòng.
Tiêu Ngân mở khóa cửa rồi, Hoàng Phi Hổ và mấy anh em cầm thương xốc vào, quân trong thành náo loạn, vỡ chạy hết
Trương Phụng đang ngồi trong trướng hay tin liền la lớn:
– Lỗi này do ta vụng tính. Tiêu Ngân là tướng cũ của Hoàng Phi Hổ, nay nó mở cửa cho Hoàng Phi Hổ vào thành là phải lắm. Nếu ta tính trước, sai tướng khác thì đã lấy đầu Hoàng Phi Hổ được rồi.
Tức giận vô cùng, Trương Phụng liền lên ngựa cầm thương đuổi theo, quyết bắt bọn Hoàng Phi Hổ lại.
Bấy giờ Tiêu Ngân núp bên vách tường, thấy Trương Phụng đuổi theo Hoàng Phi Hổ, liền đâm lén Trương Phụng một kích nhào xuống ngựa chết tươi.
Người sau có thơ khen Tiêu Ngân.
Vì nghĩa nào tham lợi
Ðền ơn chẳng tiếc công
Mưu cơ trừ chước quỉ
Trí rộng mở chim lồng
Một mình lên khai ải
Cứu sống được ân nhân
Trương Phụng vương một kích
Phi Hổ vượt Lâm Ðồng.
Tiêu Ngân đâm chết Trương Phụng rồi liền giục ngựa chạy theo Hoàng Phi Hổ, kêu lớn nói:
– Xin Lão gia thủng thẳng mà đi. Tôi đã giết Trương Phụng rồi, không còn ai dám cản ngăn mà sợ. Bây giờ tôi trở về ải lấy ván đóng kín cửa thành, phỏng có truy binh, đợi tháo xong ván cửa thì cũng lâu lắm, lão gia có đủ thời giờ cao bay xa chạy rồi. Ngày nay tớ thầy chia tay, chẳng biết bao giờ mới được gặp nhau lại.
Hoàng Phi Hổ tạ ơn, và nói:
– Tình nghĩa tướng quân đối với tôi rất trọng, biết bao giờ đền đáp thâm ân?
Ðoàn người Hoàng Phi Hổ ra khỏi ải Lâm Ðồng, đi chừng tám mươi dặm thì đến ải Ðồng Quan. Tướng giữ ải nầy là Trần Ðồng đang ngồi trong trướng, xảy nghe quân báo:
– Hoàng Phi Hổ dẫn gia binh gia tướng đến đóng trước ải.
Trần Ðồng mỉm cười, nói:
– Hoàng Phi Hổ là đứa phản thần, ta được lệnh đón tại đây bắt giải về Triều Ca xử tội. Nay nó đã qua được ải Lâm Ðồng đến đây mà nạp mạng.
Nói rồi truyền bày binh bố trận để ngăn đường, còn mình thì nai nịt hẳn hòi, cầm thương lên ngựa, quyết bắt cho được Hoàng Phi Hổ trả thù xưa, và lập công.
Hoàng Phi Hổ đồn binh xong, hỏi gia tướng ải Ðồng Quan do tướng nào trấn giữ?
Châu Kỷ nói:
– Quan Tổng trấn ải Trần Ðồng.
Hoàng Phi Hổ ngẫm nghĩ một lúc rồi than:
– Trần Ðồng trước kia phạm tội, ta đánh giết nhưng các tướng năn nỉ xin tha để cho va lập chiến công đền tội. Nay va làm đến chức Tổng binh thế nào cũng nhớ thù xưa mà rửa hờn, chúng ta khó lòng qua ải.
Các tướng nói.
– Trần Ðồng tài cán gì mà dám đương cự chúng ta. Xin đại vương chớ lo.
Còn đang bàn luận với nhau thì đã nghe quân ó vang trời Trần Ðồng dẫn quân đến bắt. Hoàng Phi Hổ lật đật cỡi thần ngưu ra trận.
Trần Ðồng chỉ mặt Hoàng Phi Hổ nói:
– Ta chào Hoàng tướng quân đó. Ngươi là vì vương không nhỏ, tại sao đến ải ta làm chi? Ta vâng lệnh Thái Sư đón ngươi ở đây đã lâu. Nếu muốn toàn thây thì mau xuống ngựa bó mình đặng ta giải nạp về Triều Ca trị tội, đừng nói nhiều lời vô ích.
Hoàng Phi Hổ nói:
– Trần tướng quân chớ khi dễ ta. Trong đời người sao khỏi có lúc suy lúc thạnh, cũng như trong vũ trụ, trời có khi nắng khi mưa. Xưa, ngươi cùng ta chẳng khác tay chân cật ruột, đến nỗi ngươi phạm lỗi nặng mà ta không giết, để cho ngươi lập công chuộc tội, ấy là ta làm ơn, sao nay ngươi cho việc ấy là cừu hận, nhục mạ ta mà trả thù? Ngươi liệu đấu thương với ta nổi ba hiệp hay không mà dám lên mặt?
Trần Ðồng không đáp, cầm kích nhắm ngang đầu Hoàng Phi Hổ đâm tới. Hoàng Phi Hổ đưa thương gạt ra rồi đâm lại. Hai đàng đánh nhau hơn mười hiệp.
Trần Ðồng yếu sức, liền quất ngựa chạy dài.
Hoàng Phi Hổ quyết bắt cho được Trần Ðồng để mau qua ải nên giục trâu đuổi theo rất gấp.
Trần Ðồng thấy Hoàng Phi Hổ đuổi theo thì mừng thầm, liền lấy Hỏa Long Phiêu là phép tiên truyền thụ quăng lên, tức thì khói tỏa mịt mù. Hỏa Long Phiêu thuộc vào loại phép dữ đánh mười lần không sai một.
Hoàng Phi Hổ tối cả mày mặt, bị Hỏa Long Phiêu đánh trúng nhằm sườn, nhào xuống trâu thần chết tốt.
Hoàng Minh và Châu Kỷ thấy vậy nóng ruột, giục ngựa xốc tới hét lớn:
– Trần Ðồng, ngươi chớ dùng tà thuật hại người, có chúng ta đây.
Ba tướng đánh nhầu. Còn Hoàng Phi Bưu vội xốc tới vác thây Hoàng Phi Hổ đem về trại, thì thấy Hoàng Phi Hổ đã tắt thở tự lúc nào rồi.
Lúc nầy, Hoàng Minh và Châu Kỷ cố giết cho được Trần Ðồng báo thù cho Hoàng Phi Hổ.
Trần Ðồng cự không lại giục ngựa chạy dài. Hai tướng giục ngựa đuổi theo, Trần Ðồng lấy Hỏa Long Phiêu quăng lên, đánh nhằm Châu Kỷ té xuống ngựa, còn Hoàng Minh thất kinh bị con ngựa nhảy vòng chạy bậy. Trần Ðồng toan rút gươm chém Châu Kỷ, may nhờ Hoàng Minh xông đến kịp, cản lưỡi gươm Trần Ðồng lại, và đánh nhầu.
Trần Ðồng thấy Hoàng Minh liều mạng, nên sợ hãi bỏ chạy vào thành đóng cửa lại.
Hoàng Minh đem thây Châu Kỷ về đến trại xem lại thì Châu Kỷ đã chết.
Hoàng Minh than khóc một hồi, sắp thây của Châu Kỷ nằm song song với thây của Hoàng Phi Hổ.
Ba đứa con Hoàng Phi Hổ thấy cha mình chết thảm đều khóc rống lên, gia binh gia tướng ai nấy động lòng sụt sùi không ráo lệ.
Thật là một thảm cảnh! Không ai còn biết tính lẽ nào nữa, lui tới đều bất tiện, chỉ biết ngồi nhìn nhau chờ chết.
Bấy giờ tại núi Thanh Phong, động Tử Dương, có ông Thanh Hư đạo nhân đang ngồi trên giường Bích Vân, bỗng thấy lòng mình hồi hộp, đánh tay xem biết Hoàng Phi Hổ mắc nạn, vội truyền Bích Vân đồng tử vào động đòi Hoàng Thiên Hóa đến.
Hoàng Thiên Hóa tuổi mới hai tám mà mình cao chín thước, mắt sáng như sao, mặt tròn và trong như mỡ, hai chân mày dài quá mắt, lưng thắt đai bố, chân đi giày rơm, đến ra mắt thầy và nói:
– Sư phụ sai gọi đệ tử có việc chi?
Thanh Hư nói:
– Ngươi phải xuống núi cứu cha ngươi đang mắc nạn.
Hoàng Thiên Hóa ngơ ngác hỏi:
– Thưa sư phụ, cha của đệ tử là ai, lâu nay không nghe sư phụ nhắc đến?
– Cha ngươi là Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ, hiện đang bị hạn Hỏa Long Phiêu mà thác tại ải Ðồng Quan. Ngươi đến đó cứu cha ngươi, sau giúp nhà Châu cho toàn trung hiếu.
Hoàng Thiên Hóa hỏi:
– Thưa sư phụ, nguyên nhân vì đâu mà đệ tử được đến hầu sư phụ ở động này?
Thanh Hư đạo nhân nói:
– Cách mười ba năm trước, ta đằng vân đi dạo tại xứ Triền Ca, gặp luồng hào quang của ngươi xông lên, đón vừng mây ta lại. Ta thấy ngươi có quý tướng, và có nhân duyên chi đây khiến ta gặp được. Ta liền nổi trận gió, đưa ngươi về núi truyền thụ võ nghệ và phép lành, để sau này ngươi có cơ hội lập thân. Nay chưa phải là lúc ngươi xuống trần, nên ta chỉ trao cho ngươi bầu linh dược, đem xuống ải Ðồng Quan cứu cha ngươi xong, thì phải cấp tốc trở về đây. Ngày sau, cha con sẽ gặp nhau tại Tây Kỳ.
Dặn dò xong, Thanh Hư trao gươm báu và giỏ hoa lam cho Hoàng Thiên Hóa, hối đi lập tức.
Hoàng Thiên Hóa muốn hỏi nữa, Thanh Hư chiều ý bảo nhỏ nấy câu và nói:
– Phải làm theo cách ấy thì cha ngươi mới qua khỏi ải được.
Hoàng Thiên Hóa tuân lệnh lạy tạ ra đi, độn thổ đến ải Ðồng Quan trong nháy mắt.