Bấy giờ binh tướng Châu đều kéo lên núi, Võ Vương thấy Ân Giao bị núi kẹp, liền xuống ngựa quỳ lạy bẩm rằng:
– Tiểu thần là Cơ Phát, vâng theo phép nước gìn giữ Tây Kỳ, chẳng dám khi quân phạm thượng, nay Thừa Tướng làm cho Ðiện hạ ra thân thể này, khiến tiểu thần mang tiếng muôn đời.
Tử Nha vội đỡ Võ Vương dậy và nói:
– Ân Giao cãi mệnh trời, chết là do số mạng. Ðại vương giữ đạo làm tôi như vậy, cũng đã đủ lắm rồi.
Võ Vương nói:
– Thượng phụ kẹp điện hạ trong núi, tội ấy về ta. Xin các tiên trưởng mở lòng từ bi, tha cho điện hạ khỏi nạn.
Nhiên Ðăng cười lớn:
– Hiền vương không biết số trời, Ân Giao bị trời phạt cứu làm sao được?
Võ Vương nằng nặc năn nỉ hai ba phen. Tử Nha làm mặt nghiêm nói:
– Tôi thuận theo lòng trời cứu thiên hạ chẳng dám trái mệnh trời để làm hại chúa công.
Võ Vương không biết làm sao, quỳ lạy khóc lớn:
– Tôi hết lòng cầu khẩn, xin tha cho điện hạ, ngặt các vị tiên trưởng cứ bảo là thuận theo mệnh trời, tôi không biết làm sao hơn.
Nhiên Ðăng thấy Võ Vương lạy rồi liền mời xuống núi, lại truyền Võ Kiết đem cày lên.
Quảng Thành Tử thấy học trò như vậy động lòng rơi lụy.
Võ Kiết dùng cày cày vào đầu Ân Giao, làm cho Ân Giao lủng đầu chết.
Có bài thơ rằng:
Vì em bỏ xác nghĩ càng thương,
Ơn mẹ chưa đền nát thịt xương
Tuy chưa trả thù Tô Ðắt Kỷ,
Cũng đà đáp nghĩa Võ Thành Vương
Lưỡi cày bạc mệnh thề linh hiển,
Cái ấn khi sư tội chán chường
Chớ trách họ Thân bày phản phúc,
Thiệt là vua Trụ để tai ương.
Võ Kiết giết Ân Giao rồi, thần Bá Giám đem phướng rước Ân Giao lên đài phong thần.
Hồn Ân Giao chưa chịu phép, hóa thành một trận gió bay về Triều Ca, nhằm lúc vua Trụ đang uống rượu trên Lộc Ðài với Ðắt Kỷ.
Trụ Vương nghe thấy trận gió ngần ngật nằm mê, thấy một người ba đầu sáu tay đến trước mặt tâu:
– Con là Ân Giao vì nước bị lưỡi cày đâm chết, xin phụ vương tu nhơn tích đức, lánh dữ tìm lành, để cho cơ nghiệp Thành Thang không rơi vào tay kẻ khác. Nay nên lựa tướng hiền tài, phong làm Nguyên soái, đi dẹp Tây Kỳ, nếu không chẳng bao lâu Khương Thượng vào lấy năm ải. Ðợi binh Châu đến Triều Ca thì ăn năn không kịp. Con muốn tâu cho hết ý, song sợ trễ giờ không vào được đài Phong Thần, vậy xin bái biệt.
Vua Trụ giật mình tỉnh dậy nói:
– Lạ quá! Ta vừa thấy điềm chẳng lành.
Ðắt Kỷ nói:
– Bệ hạ mộng thấy điều gì mà lạ?
Vua Trụ thuật lại điều chiêm bao.
Ðắt Kỷ tâu:
– Hễ trong bụng nghĩ gì thì chiêm bao thấy việc ấy. Xin bệ hạ chớ nghi.
Vua Trụ trấn an lòng mình bằng những chén rượu của Ðắt Kỷ dâng mãi cho đến tận đêm khuya.
Bấy giờ Hàng Vinh trấn ải Tị Thủy, hay tin sai người đem sớ về triều, nhằm lúc Vi Tử xem sớ.
Vi Tử thất kinh, ôm sớ lên Lộc Ðài làm lễ, rồi dâng cho vua Trụ.
Vua Trụ nói:
– Trương Sơn tử trận. Ân Giao chết tại Tây Kỳ thật là chuyện chẳng lành.
Nói rồi lâm triều hội các tướng.
Văn võ bá quan đến chầu đủ mặt, vua Trụ phán:
– Cơ Phát xưng Võ Vương lại giết tướng triều đình, sanh lòng soán nghịch. Nay nên cử ai làm đại tướng thay Trương Sơn cầm binh chinh phạt?
Quan đại phu Lý Ðăng thưa:
– Ðã mười mấy năm bốn phương dấy loạn, dẹp mãi không yên. Tuy vậy các mũi giặc khác không đáng kể, chỉ ngặt Tây Kỳ Khương Thượng trợ Cơ Phát làm loạn, mà các tướng tài đều một dạ quy hàng. Binh thế Tây Kỳ đánh mạnh, nội Triều Ca tôi nhắm chừng không tướng nào cự nổi, xin bệ hạ sai Hồng Cẩm hiện làm Tổng Binh trấn ải Tam Sơn cầm binh dẹp loạn. Tôi biết Hồng Cẩm tài cao phép lạ, có hy vọng dẹp loạn Tây Kỳ.
Vua Trụ liền giáng chỉ, sai sứ ra Tam Sơn.
Thiên sứ vâng chiếu, đến nơi thì trời đã tối, bèn vào quán trọ nghỉ ngơi.
Rạng ngày có quân vào báo, Hồng Cẩm dẫn hai tướng ra tiếp thánh chỉ đem về dinh.
Ðọc chiếu xong Hồng Cẩm tạ ơn, giao ải cho Khổng Tiên trấn giữ, còn mình kéo binh mười vạn, sai Quý Khương và Bá Hiển Trung làm chánh phó tiên phong, thẳng đến Tây Kỳ đóng trại.
Hôm sau Hồng Cẩm ra khách nói với Quý Khương và Bá Hiển Trung.
– Nay ta vâng chiếu chỉ chinh Tây, các ngươi phải hết lòng báo quốc. Khương Thượng là người tài cao trí rộng, chẳng phải tầm thường, đừng để chúng khinh dễ mà nhẹ uy Thiên tử.
Rạng ngày, Quý Khương vâng lệnh đến thành khiêu chiến.
Tử Nha nghe quân vào báo, mừng rỡ nói:
– Ba mươi sáu đạo quân đã đủ rồi, trừ được tướng này nữa là hết giặc. Nay ai muốn trổ tài?
Nam Cung Hoát xin ra trận. Tử Nha nói:
– Tướng quân phải cẩn thận lắm mới được.
Nam Cung Hoát vâng lời dẫn quân ra, thấy tướng Thương mặt đen như than hầm, liền hỏi:
– Tướng kia tên họ là chi?
Quý Khương nói:
– Ta là Quý Khương, bộ tướng tiên phong của Hồng Nguyên soái, vâng lệnh chiếu chỉ chinh Tây. Ngươi là phản tặc, sao chưa xuống hàng đầu?
Nam Cung Hoát cười lớn:
– Tây Kỳ đã giết bao nhiêu tướng Trụ, sao các ngươi không sợ mà dám đến đây?
Quý Khương nghe nói nổi giận, chém một đao.
Nam Cung Hoát đưa gươm ra đỡ rồi rước đánh.
Hai tướng đánh ba mươi hiệp vẫn cầm đồng.
Quý Khương niệm thần chú, hiện trên đầu một khóm mây đen, khóm mây ấy lại hiện thành một con chó nhảy táp vào lưng Nam Cung Hoát một miếng.
Nam Cung Hoát bị rách áo, đứt dây đai, thất kinh bại tẩu về thưa lại các việc với Tử Nha, Tử Nha buồn bã vô cùng.
Còn Quý Khương về thưa với Hồng Cẩm.
Hồng Cẩm khen:
– Trận này thắng ắt sẽ gây uy tín cho chúng ta nhiều lắm.
Hôm sau, Bá Hiển Trung vâng lệnh khiêu chiến.
Tử Nha sai Ðặng Cửu Công ra trận.
Ðặng Cửu Công vốn biết mặt Bá Hiển Trung, nên trông thấy liền hét lớn:
– Bá Hiển Trung! Nay thiên hạ đều đầu Châu chúa, sao ngươi chưa chịu phép, còn bẻ nạng chống trời.
Bá Hiển Trung đáp:
– Ta không phải là đứa thất phu như ngươi, quên nghĩa quên ơn, bỏ vua đầu giặc.
Ðặng Cửu Công nổi giận đâm Bá Hiển Trung một giáo. Hai tướng đánh vùi với nhau một trận, tối tăm trời đất. Ðược ba mươi hiệp, Ðặng Cửu Công chém trái một đao, Bá Hiển Trung đỡ không kịp bị đứt làm hai đoạn.
Ðặng Cửu Công chặt lấy thủ cấp về nạp cho Tử Nha.
Tử Nha truyền bêu đầu trước mặt thành làm lệnh.
Hồng Cẩm hay tin Bá Hiển Trung bị giết, lòng nóng như lửa đốt, muốn bắt Tử Nha báo thù, nên rạng ngày dẫn binh đến thành khiêu chiến.
Quân vào báo, Tử Nha lật đật dẫn binh tướng ra nghinh địch.
Lúc Tử Nha đi chưa tới, Hồng Cẩm đã thấy xa nhiều hổ tướng theo phò, uy phong lẫm liệt, thì biết nay không phải dễ thắng. Ðợi Tử Nha đến gần, Hồng Cẩm ôn tồn nói:
– Ngươi có phải là Khương Thượng không?
Tử Nha nói:
– Phải! Còn ngươi là ai?
Hồng Cẩm nói:
– Ta là Hồng Cẩm, lãnh chức Ðại nguyên soái chinh Tây. Bởi các ngươi chẳng giữ gìn bổn phận, lỗi đạo làm tôi, kháng cự với binh trời, nên ta quyết giết các ngươi cho hết loài phản phúc.
Tử Nha cười lớn:
– Hồng Cẩm! Ngươi xưng là đại tướng sao chẳng biết thời cơ. Nay tướng tài đều quy tụ về Châu, chư hầu một lòng phò Minh Chúa. Sức ngươi một gáo nước, lẽ nào chống nổi muôn xa? Tám trăm chư hầu chẳng bao lâu sẽ họp tại Mạnh Tân kéo về Triều Ca vấn tội. Nếu ngươi trái ý trời, phò kẻ nịnh e mang họa tức thì.
Hồng Cẩm nổi xung, múa siêu đao xông tới.
Cơ Thúc Minh hét lên một tiếng, cầm thương giục ngựa xông ra đánh với Hồng Cẩm.
Hai tướng hỗn chiến một hồi.
Cơ Thúc Minh là con thứ bảy mươi hai của Văn Vương, tánh nóng như lửa, sức mạnh như hùm, đánh ba chục hiệp Hồng Cẩm tay chân luýnh quýnh, liền giục ngựa chạy trái qua một bên, rút cây cờ giắt sau lưng rung lên một cái. Cờ ấy hóa ra cái cửa nhỏ, còn Hồng Cẩm đứng đàng sau.
Cơ Thúc Minh xông vào cửa đuổi theo, bị Hồng Cẩm chém một đao rơi đầu xuống đất.
Tử Nha xem thấy thất kinh hồn, Hồng Cẩm thâu cờ giục ngựa lướt tới kêu lớn:
– Kẻ nào có tài thì ra đánh với ta?
Ðặng Thiền Ngọc lướt tới, vung kiếm chém Hồng Cẩm, nói:
– Có ta đây ngươi đừng khoe giỏi.
Hồng Cẩm thấy tướng nữ, liền chém trái một đao.
Ðặng Thiền Ngọc đánh được vài hiệp, Hồng Cẩm lại rung cờ làm theo thói cũ. Chẳng ngờ Hồng Cẩm không đuổi, ném cục đá vào sống mũi Hồng Cẩm kêu một tiếng bốp.
Hồng Cẩm mặt mày đổ hào quang, thất kinh thâu cờ bại tẩu.
Tử Nha thâu binh về thành, nghĩ đến cái chết của Ðiện hạ, lòng buồn bực vô cùng, sai người ra ngoài thành lượm xác Cơ Thúc Minh đem vào mai táng.
Hồng Cẩm bị thương về dinh lấy thuốc thoa lên sống mũi.
Rạng ngày đem binh đến thành khiêu chiến, quyết bắt cho được nữ tướng báo thù, nên kêu đích danh Ðặng Thiền Ngọc.
Quân vào báo, Tử Nha không biết tính làm sao phải sai quân thông tin với Ðặng Thiền Ngọc khiến Ðặng Thiền Ngọc ra trận.
Thổ Hành Tôn dặn vợ:
– Hồng Cẩm có cây cờ phép, nếu nó có dùng miếng cũ chớ nên đuổi vào cửa cờ.
Ðặng Thiền Ngọc nói:
– Thiếp đánh giặc tại ải Tam Sơn đã hơn mấy năm lẽ nào không biết bản lĩnh của tướng Trụ. Kẻ nào muốn bỏ mạng mới vào cửa cờ ấy, tướng quân không cần dặn thiếp làm chi.
Long Kiết công chúa ở sát vách nghe được, liền bước qua nói:
– Hai vợ chồng trù tính chuyện gì đó?
Thổ Hành Tôn nói:
– Ðại tướng bên Thương là Hồng Cẩm, dùng cờ biến thành cửa dinh, điện hạ Cơ Thúc Minh xông vào bị nó chém chết. Vợ tôi sắp ra giao chiến, nên tôi phải dặn dò.
Long Kiết công chúa mỉm cười:
– Ấy là Kỳ môn độn pháp, phép ấy cũng chẳng hay gì, để ta ra bắt nó.
Thổ Hành Tôn mừng rỡ vào thưa với Tử Nha.
Tử Nha liền mời Long Kiết công chúa ra trướng phủ, tỏ ý cảm ơn.
Long Kiết công chúa bái Tử Nha, nói:
– Xin cho tôi mượn một con ngựa ra trận bắt tướng.
Tử Nha truyền đem ngựa hồng để công chúa lên yên xuất trận.
Hồng Cẩm xem thấy không phải tướng cũ, liền hỏi:
– Nữ tướng là ai vậy?
Long Kiết công chúa nói:
– Ngươi hỏi làm gì? Ta có xưng tên ngươi cũng không biết. Hãy xuống ngựa chịu trói cho rồi.
Hồng Cẩm nổi giận mắng:
– Con a hoàn này khinh ta dường ấy?
Nói rồi chém một đao, Long Kiết công chúa đưa song kiếm ra đỡ.
Ðánh được bốn năm hiệp, Hồng Cẩm cũng lấy cờ ra rung, Long Kiết công chúa liền lấy cây cờ trắng vụt tới, cầm gươm chỉ một cái, hóa ra một khung cửa ngoài, rồi độn thổ vào cửa trong theo chủ.
Hồng Cẩm không thấy Long Kiết công chúa đâu, đang kinh hãi, bị Long Kiết công chúa độn thổ theo sau lưng chém vào vai một nhát.
Hồng Cẩm thất kinh bỏ phép chạy dài.
Long Kiết công chúa thấy Hồng Cẩm chạy về phía Bắc liền đuổi theo gọi lớn:
– Hồng Cẩm hãy xuống yên chịu chết. Ta là Long Kiết công chúa, con gái bà Diêu Trì kim mẫu, xuống đây trợ lực với Tử Nha. Dẫu ngươi chui xuống đất, hay bay lên trời, ta cũng quyết theo lấy đầu cho bằng được.
Nói rồi đuổi theo mãi.
Hồng Cẩm thất kinh chạy đến xơ xác, phần bị thương đau quá, phần mệt đã hết hơi, liền độn thổ mà trốn.
Long Kiết công chúa cười ngất nói:
– Ta lạ gì năm phép độn thổ mà ngươi biểu diễn với ta.
Nói rồi độn thổ đuổi theo. Hai người chạy một đỗi thì ra đến biển Bắc.
Mặt biển mông mênh, sóng vỗ ầm ĩ.
Hồng Cẩm nhớ lại phép báu của mình, mừng thầm tự nhủ:
– May ta có báu vật kình long, nếu không ắt mang khốn.
Nói rồi quăng Kình long xuống biển, hóa ra một con cá to lớn phi thường.
Hồng Cẩm cỡi con Cá kình lội ra giữa biển.
Long Kiết công chúa cười lớn:
– Tài mọn mà cũng đem khoe.
Nói rồi lấy Thần kinh trong túi quăng xuống biển, Thần kinh hiện ra một hòn núi to như núi Thái Sơn nổi trên mặt nước. Long Kiết công chúa leo lên hòn núi, đuổi theo Hồng Cẩm.
Kình long thấy Thần kinh thì sợ hãi, vì nhỏ phải thua lớn, phàm phải sợ thần.
Long Kiết công chúa đuổi theo gần đến quăng dây Khổn long ra trói Hồng Cẩm, sai Huỳnh Cân lực sĩ đem về nộp Tây Kỳ.
Huỳnh Cân lực sĩ tuân lệnh xách Hồng Cẩm về thành ném xuống trước sân.
Tử Nha và các tướng xem thấy mừng rỡ