Dao Thứ Long đuổi theo Thường Hạo bỗng thấy khói tỏa mịt mù, làm mờ một khoảng lớn. Ấy là Thường Hạo hiện khói đen làm cho người ngoài không thấy rồi hóa hình mãng xà phun hơi độc.
Dao Thứ Long bị hơi độc té nằm ngay dưới đất, Thường Hạo hiện lại hình người, vung đao chặt đầu Dao Thứ Long.
Giây phút khói tan, mọi người trông thấy Thường Hạo cầm đầu Dao Thứ Long giơ cao nói lớn:
– Ta bắt được Khương Thượng cũng chặt đầu như thế này.
Cổn chư hầu là Bành Tổ Thọ nổi giận hét lớn:
– Thất phu, cả gan dám giết Hữu bá.
Ngô Long cầm song đao giục ngựa lướt ra đón đầu giao chiến.
Hai người đánh được mười hiệp, Ngô Long liền hóa khói đen mù mịt, hiện hình một con rít chúa, phà hơi độc.
Bành Tổ Thọ bị hơi độc hôn mê, Ngô Long hiện lại hình người, chém đầu Bành Tổ Thọ.
Các chư hầu đều lấy làm lạ, không biết khói đen ở đâu trong trận như vậy.
Dương Tiễn nói với Na Tra:
– Hai tướng ấy không phải người thật, chắc là loài yêu mỵ. Anh em mình phải ra tay mới được.
Ngô Long chém Bành Tổ Thọ rồi giục ngựa đến trước nói lớn:
– Ai muốn chết thì ra đây nạp mạng?
Na Tra mắng lớn:
– Quái vật, ngươi chớ quen dùng tà thuật hại người.
Nói rồi đâm một giáo, Ngô Long đưa song đao ra đỡ và hỏi:
– Ngươi là tướng chi đó?
Na Tra không thèm xưng tên, lướt tới chém liền, rồi hiện ra ba đầu tám tay đánh Ngô Long đỡ không kịp.
Chư hầu thấy Na Tra hiện hình như vậy đều lấy làm lạ.
Còn Na Tra đánh được bốn mươi hiệp, liền lấy Cửu long thần hỏa quăng lên chụp Ngô Long. Ngô Long thất kinh hóa gió bay mất.
Na Tra vỗ chiếc nơm phép đốt không người thật uổng công.
Thường Hạo xem thấy nổi xung, giục ngựa tới hét lớn:
– Na Tra đừng làm dữ! Có ta đến đây.
Vừa nói vừa chém Na Tra. Dương Tiễn thấy vậy giục ngựa vào trợ chiến.
Thường Hạo cự không lại hai người, quày ngựa bỏ chạy.
Na Tra không đuổi theo.
Dương Tiễn lấy đạn bắn một viên ngay sau lưng Thường Hạo, nhưng viên đạn bay gần tới thì tan mất.
Na Tra nổi giận quăng nơm phép chụp liền.
Thường Hạo hóa hào quang bay mất. Ai nấy trông thấy đều kinh hãi.
Viên Hồng thấy hai vị tiên phuông chạy hết, nổi giận lướt tới hét lớn:
– Khương Thượng! Ngươi có giỏi thì tranh thắng phụ với ta.
Dương Nhậm cỡi thú Vân Hà lướt tới đánh với Viên Hồng.
Hai bên đánh được bảy hiệp, Dương Nhậm nhảy trái sang một bên, dựng cây giáo Phi Vân xuống đất, rồi lấy quạt Ngũ hỏa ra quạt.
Nhưng Dương Nhậm quá chậm chạp, Viên Hồng đã nhảy xuống ngựa biến mất.
Dương Nhậm quạt một cái con ngựa Viên Hồng cháy tiêu ra tro.
Tử Nha truyền thâu binh về trại.
Các trấn chư hầu đều hội đủ mặt, Khương Thượng than:
– Thương thay cho hai vị chư hầu.
Dương Tiễn thưa:
– Tôi coi ba người ấy cốt yêu, không dễ gì hại chúng được.
Các chư hầu đều bàn luận về ba người ấy có phép lạ lùng.
Còn Viên Hồng về dinh ngồi trước trướng, Ngô Long, Thường Hạo cũng vào hầu.
Viên Hồng nói:
– Cái nơm của Na Tra, cây quạt của Dương Nhậm thật là hai vật dữ không phải phép thường.
Ngô Long cười, nói:
– Nó nơm quạt ai, chớ hại chúng mình sao được? Hôm nay quyết bắt Khương Thượng, té ra giết có hai vị chư hầu, tưởng lại cũng không thắng.
Viên Hồng liền viết sớ về Triều Ca báo tiệp, tâu cho vua Trụ biết đã giết được hai vị chư hầu.
Bấy giờ Lỗ Nhơn Kiệt nói riêng với Ân Thành Tú, Lôi Côn, Lôi Bàng:
– Hôm nay anh em đã thấy Viên Hồng, Ngô Long, Thường Hạo đánh với Tử Nha chưa? Ấy là điềm mất nước, nên có yêu quái ra đời. Nay sáu trăm chư hầu hội binh không phải chuyện nhỏ, lẽ nào ba con yêu ấy cự nổi sao?
Ân Thành Tú nói:
– Anh chớ nóng lòng. Cứ để xem chúng nó hành động thế nào cho biết.
Lỗ Nhơn Kiệt nói:
– Ta chịu ơn nhà Thương đã ba đời, bề nào cũng liều thân báo chúa.
Bấy giờ công sai dâng biểu đến Phi Liêm.
Phi Liêm xem xong mừng rỡ, đem vào dâng vua Trụ và tâu:
– Viên Hồng mới cự với Khương Thượng một trận mà chém được hai vị chư hầu. Thuở nay chưa thấy vị Nguyên soái nào thắng trận như vậy. Nhờ hồng đức bệ hạ, chắc dẹp được giặc Tây Kỳ.
Vua Trụ mừng rỡ nói:
– Khanh tiến cử Viên Hồng, mới đánh một trận mà giết luôn hai tướng, thật đáng bực công thần. Trẫm truyền chỉ ban cho Viên Hồng một cái áo gấm, vàng bạc và thịt rượu, đợi dẹp yên giặc sẽ chia đất phong vương.
Phi Liêm lãnh chỉ ra khao thưởng.
Viên Hồng và các tướng đều tạ ơn.
Ðắt Kỷ hay tin ấy, bước ra tâu với vua Trụ:
– Thiếp mừng bệ hạ dùng Viên Hồng làm tôi xã tắc. Thế nào cũng dẹp yên chư hầu, trừ Khương Thượng. Bệ hạ hưởng thái bình, thần thiếp cũng nhờ phước lớn. Xin dọn tiệc ăn mừng.
Vua Trụ phán:
– Ái khanh nói rất hiệp ý trẫm.
Liền truyền quân dọn yến trên Lộc đài, vua Trụ, Ðắt Kỷ, Hồ Hỷ Mỵ, Ngọc Mỹ Nhơn đồng ngồi vào tiệc.
Ba con yêu luân phiên nhau dâng rượu, và chúc tụng mãi.
Bỗng thấy tuyết xuống dầm dề, gió lạnh tạt vào cửa.
Trụ Vương liền cuốn rèm lên, để xem phong cảnh trời Ðông, nhìn thấy thành Triều Ca như bịt bạc.
Vua Trụ truyền Ðắt Kỷ ca múa một chặp, để uống rượu vui say.
Giây phút mặt trời lên cao, tuyết tan thành nước, cảnh vật như tan biến trong thủy tinh. Vua Trụ nhìn xuống Lộc đài, thấy gần cửa Tây môn, nước trong kinh chảy ra cuồn cuộn.
Bởi vua Trụ lấy đất đắp Lộc đài, nên mới có con kinh ấy. Bây giờ tuyết tan ra nước liền chảy xuống kinh, ai đi ngang qua cũng phải vén quần mà lội.
Xảy thấy một ông già, xăng quần lội qua trước, đi đứng rất ung dung, tiếp đó một chàng trai theo sau, thấy nước thì sợ không dám lội, dùng dằng mãi mới qua khỏi con kinh, chân rung cầm cập.
Trụ Vương liền nói với Ðắt Kỷ:
– Việc này thật kỳ quái. Già lại không sợ lạnh, mà trẻ lại co ro. Có phải trái lẽ không?
Ðắt Kỷ tâu:
– Bởi ông già ấy được sinh ra lúc cha mẹ đương mạnh, nên tủy xương tràn đầy, tuy già cả mà vẫn có sức mạnh như thường. Còn chàng trai kia sanh ra trong lúc cha mẹ nó già yếu, khí huyết đã suy, bẩm thọ bạc nhược, tủy trong ống xương chẳng có bao nhiêu, nên tuổi nhỏ mà sợ lạnh.
Vua Trụ cười rằng:
– Khanh nói gạt trẫm, lẽ nào có chuyện như vậy. Hễ con người ta trai tráng phải mạnh hơn già cả mới đúng lẽ.
Ðắt Kỷ tâu:
– Nếu bệ hạ không tin xin cho đòi hai người ấy vào đây thì biết.
Trụ Vương sai quân ra bắt ông già và chàng trai ấy vào, quân sĩ tuân lệnh, chạy đến thộp cổ hai người ấy.
Hai người ấy sợ sệt thưa:
– Chúng tôi có tội gì mà bắt?
Quân sĩ nói:
– Không phải có tội. Bệ hạ đòi lên lầu để nói chuyện.
Nói rồi dắt hai người đến dưới đài.
Trụ Vương truyền chặt mỗi người một chân lên xem thử. Quả nhiên ống chân chàng trai tủy lưng, còn ống chân ông già tủy đầy hơn.
Vua Trụ xem xong truyền quân kéo thây hai người bỏ ngoài đồng nội.
Thương hại hai người dân vô tội bị thác oan.
Có bài thơ rằng:
Chẳng sợ chư hầu tại Mạnh Tân,
Nghe lời Ðắt Kỷ chặt chân dân
Nếu không Châu Võ đem binh phạt,
Trăm họ gần xa bị giết lần.
Trụ Vương thấy Ðắt Kỷ nói trúng liền vuốt lưng khen:
– Ái khanh thật thông minh, thấu hiểu mọi việc.
Ðắt Kỷ tâu:
– Tuy tôi phận gái, nhưng có học sách âm phủ, đoán việc cao không sai. Tủy trong ống xương người là việc dễ hiểu, còn như coi đàn bà mà biết có thai mấy tháng, con trai hay con gái, đứa nhỏ trong bụng quay mặt về phía nào, thì tôi nói trăm người không trật một.
Trụ Vương phán:
– Ái khanh luận việc tủy xương người đã trúng thì nói việc có thai cũng chắc không sai.
Liền truyền thị thần ra ngoài chợ Triều Ca bắt ít người có chửa đem vào đền xem thử. Thị thần vâng lệnh bủa vây khắp chợ bắt đàn bà có thai.
Thương hại dân chúng kêu chẳng thấu trời, khóc than tở mở:
– Chúng tôi không phạm phép nước chẳng thiếu thuế vua, sao bắt người có thai đem vào cung cấm làm cho con lìa mẹ vợ xa chồng.
Mặc cho tiếng than khóc của dân. Bọn thị thần bắt hơn mười người đàn bà chửa dẫn đi. Vừa đến ngọ môn, gặp Cơ Tử, Vi Tử, Vi Tử Khải, Vi Tử Ðiển và Tôn Vinh đang bàn luận việc nước, nghe tiếng khóc lấy làm lạ đồng bước ra ngoài xem thử.
Bọn thị thần trông thấy đình lại, không dám níu kéo nữa.
Cơ Tử bước tới hỏi bọn thị thần:
– Mấy người này vì sao bị bắt?
Số đàn bà chửa khóc lóc nói:
– Chúng tôi chẳng phạm tội chẳng biết Thiên Tử sai bắt làm gì. Lão gia là vị đại thần, xin cứu chúng tôi làm phước.
Cơ Tử nổi giận nói:
– Giặc đến bên thành, hôn quân không lo việc nước, cứ nghe lời yêu phụ vô cớ giết dân. Thôi các ngươi đứng dậy để tôi vào can vua đã.
Nói rồi đi trước, các quan đồng theo sau đến Lộc đài.
Vua Trụ đang chờ thị thần bắt đàn bà chửa về mổ bụng xem thai bỗng thấy quan đương giá vào tâu:
– Có Cơ Tử xin hầu chỉ.
Vua Trụ đòi vào.
Cơ Tử quỳ lạy vừa khóc vừa nói:
– Chẳng ngờ cơ nghiệp Thành Thang vì bệ hạ vô đạo mà dứt. Bệ hạ chẳng ăn năn chừa lỗi lại mù quáng hại dân. Một mai chết xuống suối vàng mặt mũi nào trông thấy tiên đế.
Vua Trụ nổi giận mắng:
– Cơ Phát làm phản đã có Nguyên soái Viên Hồng đánh dẹp, chẳng bao lâu cũng hết loạn. Nay trẫm xem tuyết thấy chuyện quái gỡ nhờ Hoàng hậu cắt nghĩa thông minh, chuyện ấy cũng không có tội gì. Còn việc thử xem thai nghén cho biết gái trai cũng không là đại sự, sao ngươi dám mắng vua và nói động đến tiên vương.
Cơ Tử vừa khóc vừa tâu:
– Tôi nghe làm cha mẹ dân thì coi dân như con, chưa từng nghe làm cha mẹ dân mà coi dân như kiến. Chặt chân không thể nối liền lại được, mổ bụng không thể không hại mạng người. Ở đời ai lại không sợ chết. Mình sợ chết mà không kể đến mạng sống của người chết sao gọi là nhân? Nay bệ hạ không sợ phép trời, không lo việc chánh, chặt chân dân lành, mổ bụng đàn bà có thai nghén. Gieo sầu thảm trong dân gian, nếu chư hầu đến được Triều Ca, trăm dân bỏ theo giặc, thì xã tắc của bệ hạ cò còn không. Sao bệ hạ chỉ biết có hoàng hậu mà không biết đến tổ tiên, không biết đến triều đình, không biết đến dân, đến nước.
Trụ Vương giận quá mắng lớn:
– Thất phu! Ngươi khinh trẫm quá lẽ, trẫm như người mất nước còn tội nào lớn hơn.
Liền truyền vệ sĩ kéo Cơ Tử xuống lầu đập chết.
Cơ Tử nói lớn:
– Tôi chết cũng an thân, chỉ e hôn quân sẽ bị hành hình, còn để tiếng xấu muôn đời.
Võ sĩ kéo Cơ Tử xuống đài.
Vi Tử, Vi Tử Khải, Vi Tử Ðiển trông thấy la lớn:
– Hãy khoan! Ðể chúng ta can vua đã.
Nói rồi đồng lên đài khóc lớn và tâu:
– Cơ Tử là trung thần, có công lớn với xã tắc, nay can vua mà chết thật không đáng tội. Xin bệ hạ xét lại. Vả lại giặc gần đến bên thành mà bệ hạ đối xử với trung thần như vậy chẳng khác nào mở cửa cho giặc vào. Xin bệ hạ tha tội cho Cơ Tử, thương xót tôi dân, gần lành tránh dữ.
Vua Trụ thấy vậy, phán:
– Trẫm vì lời thần bá, hoàng huynh, tha Cơ tử khỏi chết, song phải cách chức đuổi Cơ Tử về làm dân.
Ðắt Kỷ ở sau bình phong đứng ra quỳ tâu:
– Cơ Tử mắng vua, tội khi quân đã đáng chết nếu tha về dân dã sao khỏi oán hờn? Thần thiếp e Cơ Tử qua đầu Võ Vương, bộc lộ việc binh cơ, hoặc mộ dân phản nghịch thì hại ấy chẳng nhỏ.
Vua Trụ hỏi:
– Theo ý Hoàng hậu thì thế nào?
Ðắt Kỷ tâu:
– Thần thiếp tưởng nên cạo đầu Cơ Tử, giam vào ngục cho rõ phép nước, như vậy tôi dân mới sợ, kẻ khi quân không còn dám dùng miệng lưỡi mắng vua.
Trụ Vương y lời.
Vi Tử thấy vua nghe lời Ðắt Kỷ, nhắm tâu nữa cũng uổng công, liền lui xuống đài, vừa khóc vừa nói với Vi Tử Ðiển và Vi Tử Khải:
– Cơ nghiệp Thành Thang hơn sáu trăm năm, nay bị hôn quân làm mất. Ấy cũng tại trời khiến, biết cứu làm sao? Vậy thì ta với hai ngươi lén đến nhà Thái miếu, đội hai mươi tám vị thần chủ trốn đi, cải tên đổi họ nương náu cõi ngoài, họa may còn hương lửa.
Vi Tử Khải, Vi Tử Ðiển đều nghe theo.
(Việc này về sau đức Khổng Tử khen nhà Thương có ba người nhơn là Vi Tử, Cơ Tử và Tỷ Can).
Kế đó vua Trụ truyền dẫn đàn bà chửa lên đài.
Ðắt Kỷ chỉ từng người nói:
– Người này chửa con trai, thằng nhỏ ngồi day mặt phía hông bên tả.
Cứ mỗi người như vậy, Trụ Vương truyền mổ bụng ra xem, quả y như lời Ðắt Kỷ không sai tí nào.
Trụ Vương truyền mổ một lúc mười người, và khen Ðắt Kỷ:
– Ái khanh đoán thiệt như thần, dầu thầy bói hay cũng đoán không lại.
Từ đấy các trung thần đều xa lánh, tôi trong triều chẳng còn ai, Trụ Vương càng ngày càng lộ, hại dân Triều Ca không kể xiết.
Có bài thơ rằng:
Coi tuyết vui say tại Lộc đài,
Nghe lời yêu nghiệt chẳng thương ai
Trung thần xa lánh triều thần vắng,
Tiếng trống không khua bụi mốc ngai.
Ngày vua Trụ mổ bụng đàn bà có thai thì trời tối mịt, cả ngày không nắng, đêm chẳng thấy trăng.
Ngày sau quân vào báo:
– Vi Tử, Vi Tử Khải, Vi Tử Ðiển đồng đóng cửa dinh bỏ trốn.
Vua Trụ phán:
– Vi Tử già rồi, ở đây cũng vô dụng. Còn Vi Tử Khải, Vi Tử Ðiển có mặt tại triều cũng chẳng ích chi. Chúng muốn đi đâu thì đi, khỏi làm rầy tai trẫm. Nay trẫm có Nguyên soái Viên Hồng, nhắm Cơ Phát không làm chi nổi.
Từ đó, vua Trụ càng hoang phế hơn xưa, bá quan đều đóng cửa nằm nhà chờ binh Châu tới.
Một hôm, có hai người đến nơi yết bảng cầu hiền xin vào ra mắt, hai người này hình dung cổ quái, nanh dài miệng rộng, da mặt xanh lét, con mắt vàng lườm, cao lớn mạnh bạo.
Quân vào báo với Phi Liêm.
Phi Liêm bước ra tiếp đón xem thấy hết hồn, vội hỏi:
– Hai vị tráng sĩ tên họ là chi, quê quán chốn nào?
Hai người thưa:
– Tôi tên là Cao Minh, em tôi là Cao Giác, tuy là dân dã, song cám nghĩa quân vương, vì thấy Khương Thượng nghịch thần, đánh vua cướp nước, nên anh em tôi không sợ đầu tên mũi đạn, quyết đền tấc đất ngọn rau, có ý giúp triều đình, không mong quyền tước.
Phi Liêm dẫn hai người ấy đến trước Lộc đài, rồi lên lầu tâu:
– Nay có hai vị anh hùng là Cao Minh và Cao Giác, không muốn phong chức, chỉ xin ra đánh giặc giúp nước mà thôi.
Vua Trụ rất đẹp lòng, đòi hai người vào ra mắt, nhưng khi thấy hai người dị tướng, vua Trụ thất kinh nhưng phải gượng gạo phán:
– Hai khanh nên trang hào kiệt, trẫm phong chức Thần Võ tướng quân.
Cao Minh, Cao Giác tạ ơn. Vua Trụ truyền ban áo mão và đãi yến.
Rạng ngày, vua Trụ truyền chỉ sai Cao Minh, Cao Giác đi với Khâm sai, đem ngự tửu ban thưởng cho Viên Hồng