Menu Đóng

Hồi 46: Quản Thành Tử phá trận Kim Quang

Rạng ngày Nhiên Ðăng dắt mười hai vị đại tiên ra trận, đánh chuông vàng, khánh bạc.

Xảy nghe bên dinh Thương phát một tiếng pháo, Thái Sư Văn Trọng dẫn tướng ra ngoài đặng xem chư tiên phá trận Phong Hầu.

Vị tiên lập trận Phong Hầu là Ðồng Toàn, cỡi Bạch Lộc ra trước ca rằng:

Gặp hội thanh bình chẳng biết lo

Ðất trời hòa thuận vững khuôn lò

Xưa nay hết loạn thời trống thị

Thiên hạ từ đây thấy ấm no.

Ðồng Toàn ca rồi lướt ra khiêu chiến.

Nhiên Ðăng tìm người lót trận chưa được, nên chưa dám sai ai.

Xảy thấy Hoàng Phi Hổ đem Phương Bậc, Phương Tướng ra mắt Tử Nha và thưa:

– Tôi đi giải lương thâu được hai tướng là Phương Bậc và Phương Tướng, đồng làm chúa Trấn điện đại tướng quân của Trụ vương.

Tử Nha mừng rỡ thâu nhận.

Nhiên Ðăng thấy hai tướng, liền than:

– Số trời đã định, dầu muôn vật cũng khó tránh.

Liền sai Phương Bậc xuống phá trận Phong Hầu.

Thương thay Phương Bậc là người trần tục, nghe bảo phá trận tưởng là phá trận thường, có ngờ đâu trận phép lợi hại dường ấy.

Phương Bậc cầm kích cả kêu:

– Yêu đạo! Có ta đến phá trận đây.

Nói rồi đâm một kích.

Ðồng Toàn thấy một tướng cao vòi vọi, cặp mắt lau láu, hàm râu rìa, mặt trùng táo, vung kích đâm mình, vội đưa gươm ra đỡ. Ðánh được vài hiệp, Ðồng Toàn bỏ chạy vào trận, Tử Nha truyền giục trống, Phương Bậc nghe tiếng trống vội vã đuổi theo. Ðồng Toàn liền lên đài rung cây phướng đen, gươm đao trong gió bay ra, chặt khúc Phương Bậc đứt thành muôn đoạn.

Ðồng Toàn truyền quân kéo Phương Bậc ra ngoài trận, lớn tiếng kêu các vì tiên Xiển giáo mắng lớn.

– Quí vị đạo hữu cung Ngọc Hư có thi phép thì vào trận thi, tại sao lại sai một kẻ phàm tục vào trận cho uổng mạng. Tôi tưởng hành động như vậy thật không phải là kẻ đại nhân đại độ, không phải lương tâm của bậc chân tu.

Nhiên Ðăng liền truyền Từ Hàng đạo nhân lãnh Ðịnh Phong châu vào phá trận.

Từ Hàng tuân lệnh, tay cầm trái châu miệng hát:

Từ ẩn Huyền đô biết mấy năm

Ruộng dâu biển thắm đổi dư trăm

Ðền vàng cung ngọc từng qua lại

Phủ tía non hồng rảnh viếng thăm

Mây bạc lừng phen êm ái cỡi

Núi xanh nhiều lúc thảnh thơi ngồi

Nay đà được phép trường sanh ấy

Chẳng muốn cho đời biết tiếng tăm.

Từ Hàng ca rồi nói với Ðồng Toàn:

– Chúng ta gặp lúc nay phạm tội sát sanh rất nhiều, còn các ngươi là kẻ tiêu diêu vô sự, sao còn xuống hồng trần bày chuyện làm chi?

Ðồng Toàn nói:

– Bởi các ngươi ỷ Xiển giáo cao kỳ, nên hằng khi dễ chúng ta, nên anh em chúng ta buộc lòng phải xuống núi lập trận thử tài cho thấp. Nếu đạo hữu thấy lòng mình cần cởi mở thì đừng vào trận làm gì, hãy để cho người khác chịu khổ não.

Từ Hàng nói:

– Người giữ mình không được, đừng lo đến thân ta.

Ðồng Toàn nổi giận lướt tới chém một gươm, Từ Hàng đưa kiếm ra đỡ và khen:

– Thật khá lắm.

Hai người giao đấu với nhau một hồi, Ðồng Toàn bỏ chạy vào trận. Từ Hàng đuổi theo Ðồng Toàn chạy lên đài rung cây phướng đen, Từ Hàng lấy Ðịnh Phong châu giơ lên tới thì giông gió đều yên lặng. Hễ gió không thổi thì gươm giáo không bay.

Từ Hàng liền lấy bình Lưu ly quăng lên, trong bình khói đen bay ra ngất trời, Từ Hàng sai Huỳnh Cân lực sĩ trúc bình xuống, khói đen chiếu vào người Ðồng Toàn, hút Ðồng Toàn vào bình ấy.

Từ Hàng truyền Huỳnh Cân lực sĩ đem bình ra ngoài trận. Ðến trước mặt chư tiên.

Từ Hàng nói lớn:

– Tôi đã phá trận Phong Hầu rồi

Vừa nói vừa lấy bình Lưu ly trút ra, thì thấy:

Vớ giày áo mão còn nguyên vẹn

Xương thịt, ruột gan đã nát tan.

Văn Thái Sư trông thấy nổi giận xách roi đến đánh.

Huỳnh Long chân nhân bước ra can:

– Văn huynh chớ nóng giận, mười trận chúng tôi mới chỉ phá được ba, thắng bại chưa phân, sao đã vội dùng vũ lực.

Bỗng nghe trong trận Hàn Băng nổi lên một tràng chuông. Vị tiên chủ trận nầy là Viên Giác bước ra nói lớn:

– Văn Thái Sư, đừng tranh hành, cứ để mặc tôi

Nói rồi ngâm rằng:

Trận đồ mầu nhiệm có ai hay

Luyện tập công lao tính đã dày

Biến hóa vô cùng nhiều phép lạ

Nực cười những kẻ muốn thày lay.

Viên Giác ca rồi nói lớn:

– Các đệ tử Xiển giáo dám vào trận ta chăng?

Nhiên Ðăng sai Tiết Ác Hổ phá trận.

Tiết Ác Hổ tuân lệnh cầm gươm xông ra.

Viên Giác xem thấy cười lớn, nói:

– Thằng con nít bị chúa lợi dụng máu xương. Ta tha chết cho ngươi đấy, hãy về gọi thầy ngươi ra đây.

Tiết Ác Hổ nổi giận, hét:

– Ta đã vâng lệnh đạo trưởng phá trận nầy, ngươi chớ làm phách.

Nói rồi vung kiếm chém tới Viên Giác giận quá, đánh vài hiệp rồi bỏ chạy vào trận.

Tiết Ác Hổ đuổi theo, Viên Giác rung cây phướng, tức thì hòn núi giá ở trên sa xuốrg, đè Tiết Ác Hổ xẹp lép, mình nát như tương.

Ðạo Hạnh Thiên Tôn thấy trong trận có một luồng khói đen bay lên biết Tiết Ác Hổ đã bỏ mình rồi liền chặt lưỡi than:

– Có hai đứa đồ đệ thì mỗi đứa bỏ mình trong mỗi trận.

Lại thấy Viên Giác cỡi hươu xông tới hỏi:

– Mười hai vị đại tiên không ai dám phá trận hay sao lại khiến đệ tử vào chết thế cho mình?

Nhiên Ðăng sai Phổ Hiền nhơn nhơn vào phá trận.

Phổ Hiền tuân lệnh cầm gươm bước ra ca:

Giữ lòng đạo đức phải khiêm nhường

Trận giá dường như nắng tuyết sương

Tánh lửa không dằn sao khỏi họa

Nội trong giây phút mát thiên đường.

Viên Giác nghe ca nổi xung, cầm gươm lướt tới.

Phổ Hiền nói:

– Viên Giác, ngươi cố tình sát sanh mới lập trận ấy. Nay ta đến đây, một là ngươi phạm tội sát sanh, hai là ngươi vong mạng. Ngươi nên thấy hai điều tai hại ấy mà lui trước thì hơn.

Viên Giác nói:

– Trong đời người ta chỉ thấy việc giết người nhỏ mọn trước mắt mà không thấy kẻ chủ trương giết người to tát hơn. Ta lập trận tuy là phạm sát sanh, nhưng lại để cản ngăn những kế chủ trương sát sanh khác.

Phổ Hiền nói:

– Ngươi nói ai là kẻ chủ trương sát sanh?

Viên Giác nói:

– Xiển giáo các ngươi chủ trương lập bảng Phong Thần, giết các vị tiên đối lập để thống trị, lại chủ trương sai các đệ tử xuống trần, viện cớ phò Châu diệt Trụ, quấy rối muôn dân, làm cho nạn binh đao thêm nguy hiểm, như thế không phải là chủ trương sát sanh sao?

Phổ Hiền nói:

– Viên Giác! Ngươi nói sai rồi. Giáo chủ chúng ta chỉ thuận theo mệnh trời, làm những việc theo khí số của trời đất. Các ngươi không thông khí số nên mới chống lại điều ấy.

Viên Giác nổi giận chém tới một gươm.

Phổ Hiền đưa bửu kiếm ra đỡ. Ðánh được ít hiệp, Viên Giác bỏ chạy vào trận.

Phổ Hiền đuổi theo, Viên Giác lên đài rung phướng, Phổ Hiền liền chỉ một cái, hào quang hiện ra như sợi chỉ, trên có một vừng mây cao hơn hai trượng, vừng mây có ba góc, mỗi góc có một ngọn đèn, hào quang tủa xuống như mưa đổ. Núi giá bị đèn nóng, tan ra nước chảy ngay.

Viên Giác biết trận hư rồi, tìm đường thoát thân, Phổ Hiền lẹ tay phóng gươm Ngô câu ra chém Viên Giác tại trận, rồi thủng thỉnh thu phép trở ra ngoài.

Văn Thái Sư thấy trận Hàn Băng bị phá, toan giục kỳ lân tới đánh quần tiên, bỗng thấy Kim Quang Thánh mẫu cỡi ngựa lướt tới ngâm rằng:

Cho hay đạo cả chẳng nhiều lời

Một trận thần thông thấu đất trời

Liếc mắt xem qua cơ tạo hóa

Một câu thuận nghịch để muôn đời.

Kim Quang Thánh mẫu ngâm xong, hỏi lớn:

– Trong Xiển giáo có ai dám phá trận của ta?

Nhiên Ðăng xem hết các tướng hai bên, không biết nên sai ai đi trước dọn đường, xảy thấy trên mây sa xuống một vị đạo nhân môi tợ thoa son, mặt như dồi phấn.

Các vị tiên nhìn kỹ thì thấy đạo sĩ ấy là Tiêu Trăng, cũng là đệ tử của Nguyên Thỉ.

Tiêu Trăng bái các tiên và nói:

– Tôi vâng lệnh thày dạy, xuống phá trận Kim Quang.

Nói vừa dứt tiếng đã nghe Kim Quang Thánh mẫu nói lớn:

– Ðệ tử cung Ngọc Hư, lãy mau đến phá trận.

Tiêu Trăng lướt tới. Kim Quang Thánh mẫu hỏi:

– Ngươi là ai đó?

Tlêu Trăng đáp:

– Ngươi thật không biết ta sao? Ta là Tiêu Trăng, đệ tử cung Ngọc Hư.

Kim Quang thánh mẫu nói:

– Ngươi thần thông lợi hại bao nhiêu mà dám vào phá trận ta?

Nói rồi giơ gươm Phi Hùng chém tới. Tiêu Trăng đưa bửu kiếm ra đỡ. Hai người đánh nhau chưa đầy năm hiệp. Kim Quang Thánh mẫu bỏ chạy vào trận, Tiêu Trăng đuổi theo.

Kim Quang Thánh mẫu lên đài kéo dây mở kiếng, vỗ tay một cái, sấm nổi vang trời, hai mươi mốt mặt kiếng chiếu hào quang sáng giới.

Tiêu Trăng la lên một tiếng cả mình mẩy ra tro.

Kim Quang thánh mẫu lại lên ngựa ra ngoài hỏi lớn:

– Tiêu Trăng đã tiêu rồi, còn ai dám vào phá trận nữa?

Nhiên Ðăng mời Quảng Thành Tử ra trận.

Quảng Thành Tử tuân lệnh bước tới ca:

Có phước tự nhiên được có duyên

Non năm năm trước được thầy khuyên

Dạy câu bảo mạng say mùi đạo

Luyện phép trường sanh chứng phẩm tiên

Nhựt nguyệt phủ che trong áo rộng

Càn khôn chất chứa một bầu riêng

Trời cao vòi vọi xuân không dứt

Ẩn chốn sơn lâm lánh thị thiền.

Kim Quang thánh mẫu thấy Quảng Thành Tử đến, liền kêu lớn:

– Quảng Thành Tử! Ngươi dám phá trận Kim Quang ta sao?

Quảng Thành Tử nói:

– Trận nầy như đồ chơi trẻ con, có khó gì mà không phá.

Kim Quang thánh mẫu nổi giận chém liền, Quảng Thành Tử đưa gươm ra đỡ.

Ðánh được năm hiệp, Kim Quang Thánh mẫu bỏ chạy vào trận, Quảng Thành Tử lấy áo tiên ra bao khắp mình mẩy, hai mươi mốt tấm kính trong trận không làm sao chiếu trúng mình được. Hơn một giờ mà sức nóng trong trận vẫn không làm cho Quảng Thành Tử bị hại.

Quảng Thành Tử lén lấy Phiêu thiên ấn lòn tay dưới áo liệng lên, trong trận nghe có tiếng kêu reng rẻng, mười chín mặt kính trong trận bể nát.

Kim Quang Thánh mẫu thất kinh, cầm hai tấm kiếng còn lại chiếu vào Quảng Thành Tử, nhưng Quảng Thành Tử nhờ có áo phép che kín mít, hơi nóng không phạm đến.

Quảng Thành Tử thừa dịp lấy Phiêu thiên ấn liệng lên nữa, trúng nhằm hai miếng kiếng còn lại bể nát, chiếc ấn lại sa nhằm đầu Kim Quang Thánh mẫu chết tươi.

Hồn Kim Quang Thánh mẫu bay lên đài Phong thần.

Còn Quảng Thành Tử thì ung dung trở ra ngoài trận.

Văn Thái Sư thấy Kim quang Thánh mẫu đã thác, liền hét lớn:

– Quảng Thành Tử, ta quyết đánh ngươi báo thù cho Kim Quang Thánh mẫu.

Bỗng có tiếng Tôn Lương ở trong trận Hóa Huyết kêu lớn:

– Văn huynh chớ giận, để tôi bắt nó báo cừu cho mấy vị đạo huynh.

Nói rồi giục nai lướt tới.

Nhiên Ðăng thấy Tôn Lương đầu đội mão đuôi cọp, mặt trùng táo, râu rìa, xông tới khiêu chiến thì chưa biết nên sai ai vào trận nầy lót đường.

Bỗng thấy một đạo sĩ từ đâu bước đến bái chào:

– Tôi xin ra mắt các vị tiên trưởng.

Nhiên Ðăng nói:

– Ðạo sĩ ở núi nào, tên họ là gì xin cho ta biết?

Ðạo sĩ nói:

– Tôi là Kiều Khôn ở núi Ngũ Di, động Bạch Vân, nghe nói trong trận Thập Tuyệt có trận Hóa Huyết rất lợi hại, lên đến đây trợ chiến.

Tôn Lương không thấy ai ra phá trận, một lần nữa kêu lớn:

– Có ai dám ra phá trận hay không?

Kiều Khôn liền xách gươm lướt tới nói:

– Các ngươi tuy theo Triệt giáo chứ cũng là kẻ tu hành sao lại ác tâm mở trận Hóa Huyết mà hại người?

Tôn Lương nói:

– Ðã cầm gươm đến đây tranh đấu đừng nói chuyện đạc đức, nếu đủ tài thì vào phá trận, còn không thì lui về kẻo thiệt mạng.

Kiều Khôn giận quá mắng:

– Tôn Lương, ngươi chớ khoe tài, ta quyết lấy đầu ngươi cho thiên hạ thấy.

Tôn Lương mặt phừng phừng lửa dậy giục hươu đến chém liền.

Kiều Khôn ra tài đánh được năm hiệp.

Tôn Lương liền chạy vào trận.

Kiều Khôn đắc thắng đuổi theo, Tôn Lương lên đài hốt hắc sa vãi Kiều Khôn một cái.

Thương thay:

Bao nhiêu xương thịt tiêu ra huyết

Phong thần tiếp nhận một linh hồn.

Tôn Lương giết Kiều Khôn rồi bước ra trận nói lớn:

– Nhiên Ðăng! Các ngươi hèn hạ lắm! Nếu phá trận nổi thì vào phá, còn không thì lui về, sao lại sai những kẻ tu hành còn non nớt vào thế mạng?

Nhiên Ðăng nói:

– Những kẻ ấy do mệnh trời đã dành riêng cho họ.

Tôn Lương cười lớn:

– Tại sao mệnh trời không dành riêng cho kẻ có danh vọng, những rủi ro như vậy? Chính là các ngươi sợ chết đã làm cái vô nhân đạo đó.

Nhiên Ðăng liền sai Thái Ất chơn nhơn vào trận.

Thái Ất chơn nhơn bước đến ngâm:

Năm xưa dốc học đạo trường sanh

Mới biết ngày nay phép đã tinh

Vận chuyển càn khôn đà quảng đại

Ðổi dời nhật nguyệt cũng quang minh

Ngũ hành thuận nghich càng màu nhiệm

Bát quái âm dương rất hiển linh

Ẩn động Kim Quang thanh tịnh ấy

Ngặt còn phạm sát phải cầm binh.

Thái Ất ca vừa đứt, Tôn Lương nói:

– Ðạo huynh dám phá trận nầy sao?

Thái Ất nói:

– Trận nầy ta vào như dạo mát, có gì nguy hiểm mà không dám phá.

Tôn Lương nổi giận cầm gươm báu chém liền. Thái Ất đưa gươm đỡ. Ðánh nhau độ vài hiệp, Tôn Lương lùi vào trận. Thái Ất nghe chuông giục đàng sau, vội lướt vào cửa trận.

Tôn Lương leo lên đài, lấy hắc sa vãi tới.

Thái Ất chỉ một cái hóa ra hai bông sen xanh, hai chân đứng lên hai bông sen ấy, rồi tay trái chỉ lên một cái, hiện ra năm đạo hào quang cao hơn hai trượng, trên đầu hiện mây lành năm sắc che phủ cả mình.

Tôn Lương vụt hắc sa đến, hào quang che kín mình, không trúng vào người Thái Ất.

Tôn Lương thấy phép không linh, biết nguy đến nơi, liền tìm đường tẩu thoát, nhưng không kịp bị Thái Ất ném Cửu Long thần hỏa trạo lên, chín con rồng lửa quấn vào mình Tôn Lương đốt cháy thành tro.

Văn Thái Sư thấy Thái Ất phá trận Hoá Huyết, và đốt cháy Tôn Lương thành tro, liền đón tại cửa trận kêu lớn:

– Thái Ất, không về được! có ta đây!

Huỳnh Long chơn nhơn cỡi hạc bay đến nói:

– Người lớn giao ước với nhau lẽ nào thất tín. Nay mười trận, mới đánh được sáu, chưa rõ thấp cao. Xin Thái Sư lui về dinh thu binh tướng về dinh.

Văn Thái Sư giận quá nhưng không biết nói sao, đành phải thu binh tướng về dinh.

Khi về đến trướng phủ, Văn Trọng cho mời bốn vị tiên chủ trận đến bàn bạc, và nói:

– Tôi chịu ơn vua, làm quan đến cực phẩm, liều chết trả ơn đã đành, quí hữu chỉ vì tôi mà chết vô cớ, lòng tôi không nỡ, vậy xin bốn vị trở về hải đảo tu hành, để tôi liều sanh tử với Khương Thượng.

Bốn vị Ðạo sĩ thấy Văn Trọng buồn bã, tìm lời an ủi.

– Xin Văn huynh chớ thối chí, chúng tôi sẽ có kế hay để đối địch.

Nói rồi đồng về giữ trận.

Văn Trọng ngồi một mình lo lắng, ngồi tính không ra kế, sực nhớ đến Triệu Công Minh là đạo hữu ở núi Nga Mi, động La Phù, nghĩ thầm:

– Nếu được người nầy giúp mình chắc làm nên việc.

Liền bảo Kiết Lập và Dư Khanh giữ dinh, một mình cởi hắc kỳ lân qua động La Phù.

Khi đến chân núi, Văn Thái Sư trông thấy phong cảnh tốt tươi, tòng bá mịt mù, thật là một nơi thanh tịnh.

Văn Trọng xuống kỳ lân, đến trước cửa động hỏi lớn:

– Có ai trong động không?

Ðồng tử bước ra hỏi lại:

– Lão gia từ đâu đến?

Văn Trọng hỏi:

– Có thầy ngươi ở nhà không?

Ðồng tử thưa:

– Thầy tôi đang xem sách trong động.

Văn Thái Sư nói.

– Ngươi vào thưa với Triệu đạo trưởng có ta là Văn Trọng đến viếng.

Ðạo đồng vào thưa lại.

Triệu Công Minh liền bước ra cửa động đón tiếp và nói:

– Lâu nay cách mặt, tôi tưởng đạo huynh mải lo phú quý quên cả bạn bè trên núi non hiu quạnh rồi chớ?

Hai người dắt tay nhau vào động.

Triệu Công Minh mời ngồi đối diện, Văn Trọng đã thở dài một tiếng Triệu Công Minh nói:

– Anh có việc lo lắng sao?

Văn Trọng nói:

– Tôi vâng lệnh vua Trụ lãnh chiếu chinh Tây, không ngờ học trò Xiển giáo là Tử Nha có nhiều trí mưu, thông ròng tài phép, tôi đánh luôn mấy trận vẫn không thắng nổi, cực chẳng đã phải nhờ đến mười anh em ở Kim Ngao đảo đến giúp. Các anh em ấy đến lập trận Thập Tuyệt, gồm phép tam tài, chẳng ngờ Tử Nha hội chư tiên, phá mất sáu trận, giết mất sáu anh em. Tôi cùng phương hết kế phải đến đây chẳng biết đạo huynh có vui lòng chỉ cho một mưu kế không?

Triệu Công Minh nói:

– Tại Văn huynh không đến đây sớm, nếu tôi biết được sự việc như vậy không để cho Văn huynh đại bại. Thôi Văn huynh về trước, tôi sắp xếp công việc rồi sẽ đến trợ giúp Văn huynh.

Vãn Thái Sư mừng rỡ từ giã, cỡi kỳ lân trở về.

Còn Triệu Công Minh kêu học trò là Triệu Cửu Công, Dao Thiếu Tư là hai kẻ tùy tùng đem theo sai khiến, còn động thì giao cho một tên tiểu đồng, và dặn:

– Ngươi ở nhà coi chừng động phủ. Ta đi ít hôm sẽ trở về.

Dặn rồi ba thầy trò đều độn thổ. Khi đi đường qua đến một hòn núi, xảy nghe một trận gió lạnh ghê mình.

Triệu Công Minh nhô đầu lên, thấy một con cọp mun rất dữ, gầm lên một tràng chấn động cả núi rừng.

Có bài thơ rằng:

Gầm lên mặt tiếng dậy non sông

Ðen bóng như than cặp mắt tròn

Giơ vút như dao hình giống đá

Nhăn nanh dường kiếm miệng dường son

Người kinh bởi giọng rền vang núi

Cỏ rẹp võ oai gió véo von

Cầm thú nghe hơi đều bặt dấu

Sơn quân chữ tặng đến nay còn.

Triệu Công Minh trông thấy con cọp đen chạy đến, mừng rỡ cười lớn:

– Ta đang đi chân không, chẳng biết dùng con vật gì cho tiện nay gặp con cọp nầy, bắt cỡi đi đường núi thì tiện biết bao.

Nói rồi đưa hai ngón tay để lên mình cọp, lấy đây cột cổ leo lên lưng cỡi. Con cọp vùng vẫy, Triệu Công Minh đưa tay vẽ một điệu bùa sau ót, tức thì cọp ngoan ngoãn tuân theo lời sai khiến, bốn chân hóa bốn vừng mây, bay một hồi đến dinh Văn Trọng.

Hai người đệ tử cũng độn thổ theo kịp.

Triệu Công Minh bước xuống lưng hùm.

Quân sĩ trong dinh trông thấy con cọp đen đều thất kinh la lớn:

– Cọp dữ! Cọp dữ!

Triệu Công Minh nói:

– Không phải cọp rừng. Con vật ta nuôi đấy. Hãy mau về báo với Văn Trọng có ta đến đây trợ lực.

Văn Thái Sư nghe rõ, liền bước ra khỏi dinh nghinh tiếp.

Bốn vị tiên ở Kim Ngao đảo cũng bước ra mừng rỡ chào hỏi.

Triệu Công Minh nói:

– Quí đạo huynh lập mười trận đồ, đã không hại được Tử Nha lại thiệt mạng mất sáu người, tôi nghe việc ấy tức tối vô cùng.

Bốn vị tiên đồng nói:

– Có đạo huynh đến đây giúp sức với chúng tôi may ra trừ được Tử Nha.

Triệu Công Minh nhìn sang thành Tây Kỳ, thấy có một cái đài cao nơi cửa Tây thành, trên đài có treo một người, liền hỏi:

– Ðài đó là đài gì? Ai bị treo lủng lẳng như vậy?

Bạch Lễ nói:

– Chúng tôi lập trận Thập Tuyệt, các vị tiên Xiển giáo hội đến đây để phá trận. Ðài ấy do Tử Nha để chư tiên ở gọi là Lư Bồng và người bị treo là Triệu Giang chủ trận Ðịa Liệt, do chúng bắt được hôm trước.

Triệu Công Minh nổi giận nói:

– Tam giáo cũng như một, đã là kẻ tu hành tại sao còn kiêu ngạo với nhau? Ðể tôi bắt bên nó một người treo lại mà rửa nhục.

Nói tôi cỡi cọp cầm roi lướt tới bên thành