Menu Đóng

Chương 1

Sau bữa cơm chiều, tôi ngồi trong phòng mình, phố Catina, chờ Pyle. Hắn đã hẹn: “Tôi sẽ tới chỗ anh, 10h là chậm nhất”. Khi đồng hồ đã điểm nửa đêm, tôi không ngồi yên được nữa và đi ra ngoài phố. Một đám bà già, quần đen, ngồi tại bậc cầu thang, lúc này đang vào tháng 2 và tôi đoán trời nóng quá nên họ chưa đi ngủ. Một người chậm rãi đạp xích lô đi về phía bến sông và tôi nhìn thấy những ngọn đèn thắp sáng nơi chữa những chiếc máy bay Mỹ vừa được bốc dỡ. Trên con đường phố dài, không thấy bóng dáng Pyle đâu cả.

Rất có thể, tôi tự nhủ, hắn bị giữ lại ở toà Lãnh sự Mỹ vì lý do này hay lý do khác, nhưng trong trường hợp này, thế nào hắn cũng dùng điện thoại báo tới tiệm ăn cho tôi biết, anh chàng tuân thủ một cách tỉ mỉ những lề thói xã giao thông thường. Tôi sắp trở vào nhà thì nhìn thấy một thiếu phụ đang chờ tại cửa ra vào nhà bên. Không nom rõ mặt, chỉ thấy chiếc quần lụa trắng và chiếc áo dài hoa, nhưng tôi biết ngay đó là ai. Cô ta đã bao lần chờ tôi đúng ở nơi này và vào giờ này.

– Phượng – tôi gọi (Tên cô là giống như con chim thần phượng hoàng, nhưng ở vào thời kỳ này có nghĩa là thần kỳ và có cái gì sống lại đám tro tàn của mình nữa?).

Tôi biết, ngay trước khi cô kịp trả lời, là cô đứng chờ Pyle.

– Anh ta không có ở đây.

– Tôi rõ. Tôi đã thấy anh đứng một mình ở cửa sổ.

– Cô lên gác chờ thì hơn. Hắn chắc sắp tới thôi.

– Tôi đứng chờ ở đây cũng được.

– Ðừng dại. Cảnh binh có thể tới tóm cô đi đấy.

Cô theo tôi lên tận phòng. Tôi nghĩ ra vô số câu nói đùa mỉa mai cay độc để tặng cô, nhưng trình độ Anh và Pháp ngữ kém cỏi của cô chẳng đủ để cô hiểu được tính châm biếm của câu nói và điều kỳ lạ là tôi chẳng chút nào mong muốn làm cho cả cô lẫn tôi phải đau khổ. Lên đến bậc cầu thang, tất cả những mụ già ngồi đó đều quay lại nhìn, và khi chúng tôi đi qua, tiếng nói của họ cất lên rồi lại rơi trầm xuống, như thể đồng ca.

– Họ nói gì vậy?

– Họ tưởng tôi trở lại với anh.

Trong phòng, cây hoa tôi mua từ mấy tuần trước, nhân dịp Tết Âm lịch, nay đã để rụng hết những cánh hoa vàng. Hoa rơi vào giữa hàng chữ của chiếc máy chữ của tôi. Tôi lấy từng cánh ra.

– Anh có vẻ xúc động – Phượng nói.

– Tôi cũng lấy làm lạ. Thường thì anh ta rất đúng giờ.

Tôi tháo ca-vát ra, bỏ giày và nằm dài ra giường. Phượng đốt bếp ga lên và đun nước để pha trà, y như 6 tháng trước đây cô vẫn làm.

– Pyle nói anh sắp rời đây phải không?

– Có lẽ.

– Hắn yêu anh lắm.

– Xin miễn cho cái lòng yêu đó.

Tôi thấy cô đã để kiểu tóc khác, mái tóc đen và cứng của cô nay đã xoã một cách giản dị trên đôi vai. Tôi nhớ một hôm Pyle chê cô búi tóc một cách cầu kỳ, theo kiểu con nhà quan. Tôi nhắm mắt lại và thấy cô vẫn như xưa: Cô là tiếng nước reo, tiếng chén chạm vào nhau, cô là một giờ nào đó của ban đêm, là hứa hẹn của sự nghỉ ngơi thư thái.

– Anh ta sắp tới thôi – Cô nói y như tôi cần được yên tâm về việc Pyle vắng mặt.

Tôi tự hỏi, không rõ cặp này chuyện trò với nhau về những vấn đề gì. Ðối với Pyle, điều gì cũng là quan trọng và y đã bắt tôi nghe những thuyết trình về cái miền Viễn Ðông này mà sự hiểu biết của y tính bằng bao nhiêu tháng thì tôi bằng bấy nhiêu năm. Nền dân chủ là một đề tài quen thuộc khác của y, còn về những việc mà Mỹ đã và sẽ làm cho thế giới thì y có những khái niệm chính xác và làm người khác bực mình. Phượng thì ngược lại, dốt nát một cách kỳ lạ, giả thử có ai trong câu chuyện nói đến tên Hitler thì cô bắt người ta dừng lại để hỏi Hitler là ai. Giải thích được cho cô thật là khó vì cô chưa hề gặp một người Ðức hay một người Ba Lan nào và chỉ hiểu rất mơ hồ về địa lý châu Âu; nhưng lẽ tất nhiên cô ta hiểu hơn tôi về công chúa Margarete.

Tôi nghe tiếng cô đặt cái khay ở phía cuối giường.

– Anh ta vẫn mê cô chứ, cô Phượng?

Khi ngủ với một phụ nữ Việt Nam, người ta có cảm giác như có một con chim trên giường mình, họ líu lo và liếp chiếp trên chiếc gối. Tôi nhớ lại mình trong thời gian rất lâu đã cho rằng không có tiếng ai thánh thót như tiếng Phượng. Tôi giơ tay ra nắm tay cô. Xương người phụ nữ Việt Nam cũng mảnh dẻ như xương con chim vậy.

– Trả lời đi Phượng.

Cô cười và tôi nghe thấy cô quẹt một que diêm.

– Mê à?

Có lẽ đó là từ mà cô không hiểu nổi.

– Tiêm cho anh một điếu thuốc nhé? – Cô hỏi.

KHI TÔI MỞ MẮT RA THÌ ĐÈN ĐÃ THẮP VÀ BÀN THUỐC ĐÃ ĐƯỢC CHUẨN BỊ. ÁNH SÁNG LỜ MỜ CỦA NGỌN ĐÈN hắt những tia màu hổ phách sẫm lên da của cô, trong khi cô cúi xuống ngọn lửa, cái trán nhăn lại vì chú ý xoay tròn mũi kim để nướng viên thuốc nhỏ.

– Pyle vẫn không hút à? – Tôi hỏi.

– Không.

– Cô phải luyện cho hắn hút thôi, hắn sẽ đi mất đấy.

Các cô ấy thường mê tín rằng người yêu mà nghiện thì bao giờ cũng trở lại với mình, dù có về Pháp đi nữa. Có thể họ bớt cường dương đi, nhưng các cô thích một người tình chung thuỷ hơn là một người tình lắm sinh lực. Cô nhuyễn cục thuốc nóng bỏng vào cái nõ điếu và tôi hít một cách khoan khoái mùi nha phiến. Không mùi gì sánh được với mùi thuốc phiện. Chiếc đồng hồ báo thức đặt cạnh giường chỉ 12h20, nhưng tôi hết dần lo ngại. Pyle bắt đầu biến dần khỏi thế giới rồi. Ngọn đèn soi vào bộ mặt Phượng đang chuẩn bị cho tôi hút, chăm chú cúi xuống làm việc như khi chăm sóc con cái. Tôi yêu cái tẩu của tôi, nó làm bằng một ống tre thẳng dài gần một mét, hai đầu bịt ngà. Nơi hai phần ba của điếu, cái nõ giống như bông hoa bìm bìm lộn ngược, mặt được lăn thuốc đã trở nên đen bóng. Nhanh như chớp, Phượng ấn viên thuốc vào miệng tẩu rút mũi tiêm ra, lật tẩu lên ngọn đèn, chìa điếu cho tôi hút. Viên thuốc như hạt ngọc kêu xèo xèo một cách nhẹ nhàng, đều đặn khi tôi hít.

Người nghiện thực thụ thì chỉ hút một hơi, nhưng tôi phải để nhiều bận. Tôi thả mình ngửa ra phía sau, gáy tựa vào gối da, trong khi Phượng sửa soạn tiêm điếu thứ hai.

– Cô rõ, tôi nói, vả lại điều đó tỏ như ban ngày, rằng Pyle biết tôi làm vài điều thuốc trước khi đi ngủ, hắn không muốn phiền tôi. Sáng mai hắn sẽ lại.

Chiếc mũi tiêm một lần nữa đâm vào miệng tẩu và tôi hút điếu thứ hai. Ðặt điếu xuống, tôi nói:

– Chẳng có gì phải lo ngại. Chẳng có mảy may lý do nào.

Tôi chiêu một hớp chè và luồn tay vào ngực Phượng.

– KHI CÔ BỎ TÔI, TÔI NÓI TIẾP, MAY SAO TÔI ĐÃ QUAY SANG HÚT XÁCH.  PHỐ DOOCMAY CÓ MỘT TIỆM HÚT KHÁ LẮM. Người Âu châu chúng tôi hơi tý là làm to chuyện. Cô không nên sống với người không nghiện ngập gì.

– Nhưng anh ta sắp cưới tôi. Chẳng bao lâu nữa.

– Chắc vậy, nhưng đó lại là vấn đề khác.

– Tôi tiêm điếu nữa?

Tôi tự hỏi không rõ cô có bằng lòng ngủ với tôi đêm nay khi đoán rằng Pyle không tới không. Tôi cũng hiểu, sau khi hút được bốn điếu thì tôi không thiết gì cô nữa. Nhưng lẽ tất nhiên, thật là thú vị khi thấy đùi cô kề đùi tôi trên chiếc giường; bao giờ cô cũng nằm ngửa khi ngủ và buổi sáng khi tỉnh giấc, tôi có thể mở đầu một ngày mới bằng một điếu thuốc, thay vào việc mình chỉ sống với mình.

– Pyle không tới nữa đâu – tôi nói – ở lại đây, Phượng ạ.

Cô chìa điếu cho tôi và lắc đầu. Nhưng khi tôi say thuốc rồi thì có cô hay không có cô, cũng chẳng cần lắm.

– Tại sao Pyle không tới đây? – Phượng hỏi.

– Sao mà tôi biết được?

– Anh ta đi thăm tướng, thế à?

– Chẳng rõ nữa.

– Anh ta nói với tôi rằng nếu không đi ăn với anh được thì sẽ tới đây.

– Ðừng lo lắng khổ thân nữa. Hắn sẽ tới. Tiêm cho tôi một điếu nữa đi.

Khi cô cúi đầu xuống ngọn đèn, bài thơ của Bordole thoáng qua óc tôi: Con của tôi, cô em của tôi& Gì nữa nhỉ.

Yêu cho thoả thích.

Yêu rồi chết,

Tại đất nước giống như em.

Ngoài kia, dọc theo bến sông, những con tàu đang ngủ, nhưng hồn đi lang thang. Tôi nghĩ rằng nếu tôi ngửi làn da Phượng, tôi sẽ thấy có chút hương của thuốc và màu da nàng sẽ giống như màu ngọn lửa nhỏ kia. Tôi đã thấy những bông hoa y như hoa trên áo nàng nở trên bờ các sông đào ở miền Bắc. Cô là một cây cỏ nhỏ của đất nước cô, còn tôi thì lại chẳng muốn trở về đất nước một chút nào.

– Tôi muốn được ở vào địa vị Pyle – Tôi nói to lên sự suy nghĩ đó.

Nhưng nỗi đau khổ của tôi không phải vô bờ bến và có thể chịu đựng được. Nhờ ở thuốc phiện. Có ai gõ cửa.

– Pyle – Phượng nói.

– Không phải. Anh ta không gõ theo kiểu đó.

Người ta lại gõ cửa, như bị sốt ruột. Phượng vội vàng đứng lên chạm vào cây mai khiến hoa lả tả rơi trên chiếc máy chữ của tôi. Cửa mở.

– Ông Fowler, một tiếng giật giọng gọi.

– Tôi là Fowler đây, tôi nói.

Một tên cảnh binh chẳng đáng cho tôi phải ngồi dậy.

Chẳng cần quay đầu lại, tôi cũng thấy chiếc quần soóc của hắn.

Hắn giải thích bằng một thứ tiếng nửa Pháp nửa Việt, gần như không thể hiểu nổi, rằng người ta tới ngay, tới lập tức, thật cấp tốc tới Sở Liêm phóng.

– Pháp hay Việt?

– Pháp.

Trong miệng hắn tiếng “Pháp” thành tiếng “Phạp”.

– Ðể làm gì?

Hắn không rõ lý do. Hắn chỉ nhận được lệnh là tới kiếm tôi.

– Cả mày nữa, hắn nói với Phượng.

– Hãy nói: Mời bà, khi anh nói với một người phụ nữ, tôi nói, tại sao anh biết bà ta ở đây?

Hắn trả lời một cách đơn giản rằng hắn làm theo mệnh lệnh.

–  Ðến sáng tôi lại.

– Xin tới ngay, cái nhân vật nhỏ bé, dứt khoát và bướng bỉnh, nói.

Cãi lại cũng vô ích. Tôi đứng lên, đeo ca-vát và đi giầy. Trong cái xứ này, cảnh sát bao giờ cũng thắng trong cuộc đọ sức, họ có thể tước giấy thông hành của tôi, họ có thể cấm không cho tôi dự các hội nghị báo chí và nếu họ muốn một cách oái oăm, thì có thể từ chối không cấp thị thực cho tôi về nước. Ðó là những cách làm không hợp pháp giữa ban ngày ban mặt, nhưng tại một nước đang chiến tranh, sự hợp pháp không cần lắm. Tôi biết có một người nấu bếp biến mất một cách đột nhiên và không sao hiểu nổi; lần theo dấu vết, người đó tìm tới Sở Liêm Phóng, nhưng ở đây người ta bảo đã thả anh bếp sau một trận xét hỏi. Gia đình anh ta không bao giờ gặp lại anh nữa. Có lẽ anh đã đi theo cộng sản; có lẽ anh gia nhập một trong những đội vệ binh nở như hoa quanh Sài Gòn: Hoà Hảo, Cao Ðài, quân của tướng Thế. Có thể anh đang bị giam trong một nhà ngục Pháp. Có thể đang phất một cách vui vẻ trong nghề ma cô ở Chợ Lớn, vùng người Hoa ở sát Sài Gòn. Có thể tim anh đã vỡ trong cuộc tra hỏi.

– Không đi bộ đâu – tôi nói – Các anh phải thuê xích lô cho chúng tôi.

Phải giữ tư thế của mình chứ!

Chính vì thế mà tôi từ chối không nhận điếu thuốc lá của viên sĩ quan Pháp tại Sở mật thám. Sau ba điếu thuốc phiện, đầu óc tôi sáng suốt và hoạt động hăng hái: Nó dễ dàng quyết định được về những việc vặt đó, nhưng vẫn không xa lìa vấn đề chính: họ muốn làm gì tôi? Tôi đã gặp Vigo nhiều lần trong cuộc chiêu đãi. Tôi đã chú ý tới anh ta mê vợ đến mức phi lý, một cô gái tóc nhuộm vàng rất giả tạo, chướng mắt và cư xử như không có chồng con gì cả. Ðêm hôm đó, hai giờ sáng, mệt mỏi và ỉu xìu, anh ta ngồi trong bầu không khí nóng đến lả người, giữa làn khói thuốc lá. Mũ lưỡi trai màu xanh che mắt và để giết thời gian, anh ta mở một cuốn sách của Pascal để sẵn trên bàn. Khi tôi từ chối không cho tra hỏi Phượng khuất mặt tôi, anh ta liền chịu theo ý tôi, phát ra một tiếng thở dài nói lên sự chán chường của anh ta, chán Sài Gòn, chán thời tiết nóng bức, hay chán cho tất cả cái số phận con người.

– Tôi rất lấy làm tiếc – hắn nói bằng tiếng Anh – nhưng tôi bắt buộc phải mời anh lại.

– Họ có mời tôi đâu – tôi nói. – Họ ra lệnh cho tôi phải tới.

– Ôi nhân viên người bản xứ! Họ chẳng hiểu gì cả!

Mắt hắn vẫn không rời trang sách trong cuốn châm ngôn y như những luận chứng buồn tẻ trong đó vẫn đang thu hút hắn.

– Tôi muốn hỏi anh một vài điều về Pyle.

– Sao anh không hỏi ngay Pyle?

Y quay lại phía Phượng và sẵng giọng hỏi bằng tiếng Pháp.

– Cô đã sống bao nhiêu lâu với ông Pyle?

– Khoảng một tháng gì đó& tôi cũng không rõ nữa.

– Ông ta cho cô bao nhiêu tiền?

– Anh không có quyền hỏi như thế – tôi nói – cô ta có phải là của đem bán đâu?

– Cô ta đã sống với anh phải không? – y hỏi một cách trắng trợn – Trong hai năm?

– Tôi là một nhà báo mà nhiệm vụ là làm một thiên phóng sự về cuộc chiến tranh của các ông. Ðừng có bắt tôi phải đồng thời tham gia viết các mục chuyện lăng nhăng nữa.

– Anh hiểu những điều gì về Pyle? Xin trả lời tôi, anh Fowler. Tôi bắt buộc phải đặt ra những câu hỏi này, nhưng đây là điều nghiêm trọng. Rất nghiêm trọng xin hãy tin như vậy.

– Tôi không là một tên mật thám. Tất cả những điều tôi biết về Pyle thì anh biết cả: Ba mươi hai tuổi, tuỳ viên của phái đoàn viện trợ kinh tế, quốc tịch Mỹ.

– Anh hình như là một bạn thân của Pyle, Vigo vừa nói vừa nhìn Phượng ở phía sau lưng tôi.

Một nhân viên bản xứ vào, mang theo ba tách cà phê.

– Hay anh thích uống nước trà hơn? – Vigo hỏi.

– Ðúng tôi là một người bạn thân của Pyle, – tôi nói. – Tại sao lại không nhỉ? Một ngày nào đó tôi sẽ về quê, phải không? Tôi không thể mang theo cô nhỏ này. Cô ta sẽ được sung sướng với hắn ta. Ðây là một sự thu xếp hợp lý. Hắn tính cả việc lấy cô ta làm vợ. Hắn có gan làm nổi việc đó. Hắn là con người tốt bụng theo kiểu của hắn. Ðứng đắn. Không như những tế cục súc phá quấy ở khách sạn Continaltal. Một người Mỹ trầm lặng! – tôi kết luận sự nhận định về Pyle, như tôi buông ra câu: một con thằn lằn xanh, một con voi trắng.

– Phải – Vigo nói – một người Mỹ trầm lặng.

Cặp mắt anh ta như tìm ở trên bàn giấy những từ có thể dùng để diễn đạt chính xác nhất ý nghĩ cũng như tôi đã làm. Anh ta ngồi đó, trong bầu không khí bức bối của căn phòng, chờ một người trong chúng tôi nói tiếp. Một con muỗi xông tới vo ve mở cuộc tấn công. Tôi theo dõi Phượng. Thuốc phiện làm ta lanh lẹ có lẽ chỉ vì nó làm thần kinh được thư thái và dịu đi những cơn cảm xúc. Không có gì, ngay cả cái chết, lại quan trọng như vậy. Tôi có cảm giác rằng Phượng không nhận ra được giọng buồn và dứt khoát của Vigo. Vả lại cô biết tiếng Anh rất ít. Ngồi trên ghế tựa cứng của công sở, cô vẫn chờ đợi Pyle một cách nhẫn nại. Tôi thì hết chờ rồi và tôi thấy rằng Vigo đã nhận ra hai thái độ đó.

– Anh làm quen với Pyle như thế nào? – Vigo hỏi tôi.

Làm sao giảng cho Vigo hiểu là chính Pyle tới làm quen với tôi. Tháng 9 vừa qua, tôi nhìn thấy hắn ta băng qua quảng trường đi về phía khách sạn Continaltal, giơ cho tất cả chúng tôi xem bộ mặt linh rất trẻ trung của một con người mới nhập cuộc. Với bộ giò lênh khênh đung đưa, với mái tóc cắt theo kiểu lính thuỷ, với cặp mắt quen nhìn khoảng không rộng lớn của các khu học xá Mỹ, hắn có vẻ hoàn toàn vô hại. Những chiếc bàn trên sân thượng đều có người ngồi.

– Anh cho phép tôi ngồi đây – hắn đã hỏi tôi với một vẻ lịch sự trang nghiêm – Tên tôi là Pyle. Tôi mới tới đây.

Hắn khom tấm thân dài ngoằng để ngồi xuống chiếc ghế bành và gọi bia uống. Bỗng nhiên, hắn nhìn lên trời, chăm chú nhìn vào ánh sáng chói chang của buổi giữa trưa.

– Lựu đạn nổ hay sao? – Hắn ta hỏi với giọng của một người bị hấp dẫn và đầy hy vọng.

– Chắc là xe máy đó thôi, tôi đáp, lòng bỗng thương hại cho sự cụt hứng của hắn.

Người ta thường mau chóng quên đi thời niên thiếu của mình: xưa kia tôi cũng vậy, quan tâm đến cái điều người ta gọi là tin thời sự, vì thiếu một từ gọi đúng hơn. Nhưng bây giờ tôi hết quan tâm đến lựu đạn nổ rồi; ở trang cuối của báo địa phương đã có thống kê đủ: chiều hôm qua bao nhiêu vụ nổ ở Sài Gòn, bao nhiêu ở Chợ Lớn; những tin đó không bao giờ lọt vào báo chí của người Âu cả. Dọc theo phố, những dáng thanh mảnh duyên dáng qua lại: quần lụa trắng, áo dài may sát người, tà sẻ tới đùi và in những hình vẽ màu hồng hay hoa cà. Tôi nhìn những hình bóng đó, chạnh nghĩ rằng khi tôi phải mãi mãi rời nơi đây thì tôi sẽ lưu luyến biết mấy.

– Ðẹp mê hồn đấy chứ? – tôi nói với qua cốc bia, còn Pyle thì lơ đãng nhìn họ đi lên trên phố Catina.

– , ĐẸP, – HẮN NÓI VỚI một vẻ không quan tâm (chàng này thuộc loại chín chắn đây). – Ngài bộ trưởng rất lo ngại về những vụ nổ lựu đạn đó. Ngài nói rằng thật là phiền khi có điều gì xảy ra với& với một trong chúng tôi, tôi muốn nói.

– CHO MỘT TRONG SỐ CÁC ANH? À phải, tôi đoán rằng sẽ nhiêu khê đấy. Quốc hội của các anh không ưng những việc như vậy.

Tại sao ta lại hay trêu những kẻ ngây thơ? Có lẽ 10 hôm trước hắn đang đi qua quảng trường, ở Bôtxtơn, tay ôm chồng sách mà hắn sẽ chuẩn bị đọc để hiểu trước về Viễn Ðông và các vấn đề của Trung Hoa. Hắn cũng không thèm nghe tôi nói gì: hắn còn đang suy nghĩ về mối quan hệ khó giải quyết giữa nền dân chủ và trách nhiệm của phương Tây: Hắn rất quyết tâm – tôi nhanh chóng hiểu ra ngay điều ấy – làm những điều tốt đẹp không phải cho một cá nhân mà cho cả một nước, một lục địa, một thế giới. Và thế là bây giờ hắn đang ở trên mảnh đất của hắn, giữa một thế giới cần hoàn thiện.

– Hắn nằm trong nhà xác à? – Tôi bèn hỏi Vigo.

– Tại sao anh biết hắn chết rồi?

Câu hỏi đó quả là ngu xuẩn khi người ta là một thám tử, không xứng với một con người đọc Patsxcan, cũng lại không sứng đáng với một con người đã hiến cho vợ một tình yêu kỳ lạ đến thế. Người ta không thể yêu khi không có linh cảm.

– Tôi không là thủ phạm, tôi nói.

Tôi tự nhắc lại rằng điều đó là sự thật. Pyle là con người muốn đi đâu thì đi, có đúng không? Tôi tự xét nét xem mình có chút hiềm thù nào đối với anh chàng thám tử đa nghi này không, nhưng không thấy chút nào. Chỉ có mình Pyle là chịu trách nhiệm thôi. Cái chết phải chăng là cái số phận tốt nhất dành cho mỗi chúng ta? – Bộ óc của con người nghiện như tôi nghĩ như vậy. Nhưng tôi thận trọng nhìn Phượng: vố này đau cho cô ta quá đấy. Cô ta chắc đã yêu Pyle theo kiểu của cô: dù có mến tôi thật, cô đã chẳng bỏ tôi để về với hắn sao? Cô đã bị lôi cuốn bởi tuổi trẻ, bởi hy vọng, bởi sự trang nghiêm, ấy thế mà những điều đó không giữ được lời hứa hẹn bằng tuổi trung niên và sự chán chường. Cô ta ngồi yên nhìn hai người chúng tôi và tôi tin rằng cô cũng vẫn chưa biết gì. Có lẽ tốt hơn là tôi đưa cô về trước khi cô đoán ra sự thật. Tôi sẵn sàng trả lời các câu hỏi nếu làm như vậy có thể chấm dứt cuộc vấn đáp này một cách chóng vánh, vừa giữ được sự mơ hồ, để sau rốt nói riêng với cô về cái chết của Pyle, xa cặp mắt của viên cảnh sát, xa những chiếc ghế rắn chắc và chiếc bóng đèn không có chao với những con bướm đen lượn chung quanh.

– Anh cần biết về hoạt động của tôi trong những giờ nào? – Tôi hỏi Vigo.

– Từ 18 tới 20 giờ.

– Tôi uống rượu lúc 6 giờ tại khách sạn Continaltal. Những người bồi chắc nhớ rõ. Tới 6 giờ 45 phút, tôi xuống bến cảng xem bốc dỡ những chiếc máy bay Mỹ. Tôi nom thấy Uynkin của hãng AP bên cửa rạp Magiestic. Rồi tôi vào xem phim, phía cửa bên. Chắc nhân viên ở đó nhớ, vì họ trả lại tôi tiền lẻ. Sau đó tôi thuê xe kéo đi về quán cơm “Cối xay cổ”. Tới nơi khoảng 8 giờ 30 phút và ăn một mình. Grango cũng ở đó, anh có thể hỏi hắn xem. Rồi thuê xe trở về nhà lúc 9 giờ 45 phút. Tìm ra người kéo xe cũng không đến nỗi khó. Tôi chờ Pyle tới, lúc 10 giờ, nhưng hắn không tới.

– Anh chờ hắn ta để làm gì?

– Hắn gọi điện thoại cho tôi, nói muốn gặp vì một điều quan trọng.

– Anh hẳn nghĩ gì về câu chuyện đó?

– Không. Ðối với Pyle thì cái gì chẳng quan trọng.

– Còn cô ta? Người tình của Pyle. Cô ta ở đâu, anh có biết không?

– Cô ấy chờ hắn ở ngoài phố, lúc giữa đêm. Cô ta rất lo. Không hay biết gì cả. Anh xem, đến bây giờ cô ta vẫn chờ hắn đấy.

– Rõ!

– Anh tưởng thật sự rằng tôi giết hắn vì ghen tuông hay tưởng rằng chính cô ta là thủ phạm& mà giết hắn vì lẽ gì nhỉ? Hắn định lấy cô ta đến nơi.

– Phải.

– Anh tìm thấy hắn ở đâu?

– Dưới sông gần cầu Ða Kao.

Quán ăn “Cối xay cổ” ngay cạnh cầu. Trên cầu là cảnh sát võ trang, quán ăn lại có lưới thép ngăn lựu đạn. Ban đêm qua cầu thì không được an toàn, vì ở bờ bên kia sông sau khi mặt trời lặn nằm trong tay Việt Minh. Thế là tôi đã ăn bữa cơm tối cách thi hài hắn không đầy 50 m.

– Ðiều đáng phàn nàn là hắn dính vào không biết bao nhiêu việc, tôi nói.

– Xin nói thẳng ra là tôi cũng không luyến tiếc gì hắn. Hắn đã gây ra nhiều điều rắc rối.

– Xin trời che chở cho chúng ta khỏi những người ngây thơ và ngoan đạo.

– Người ngoan đạo?

–  PHẢI. NGOAN ĐẠO THEO kiểu của hắn. Anh là tín đồ Thiên Chúa giáo theo kiểu La Mã. Cách xử thế của hắn, anh không sao hiểu nổi đâu. Vả lại hắn chỉ là một tên Mẽo khốn kiếp.

– Anh nhận dạng hắn một chút thì có phiền lắm không? Xin lỗi nhé. Thủ tục thôi. Một thủ tục không có gì thú vị lắm.

Tôi cũng không cần mất công hỏi tại sao anh ta không chờ một nhân viên nào của phái đoàn Mỹ, vì tôi biết tỏng ra rồi. Những phương pháp của người Pháp rất cổ xưa đưới mắt những người lạnh lùng như chúng tôi; họ tin ở lương tâm, ở ý thức tội lỗi; phải đặt thủ phạm trước tội ác hắn đã gây ra xem hắn có đổ sụp xuống, có tự thú không? Tôi tự nhủ một lần nữa là tôi vô tội, khi qua một cái cầu thang xây bằng đá xuống tầng hầm nơi máy lạnh kêu vo vo.

Họ lôi xác Pyle ra giống như khi người ta kéo một ngăn nước đá và tôi nhìn. Những vết thương đã đóng băng nom lạnh lùng vô tri giác.

– Anh xem, – tôi nói, – sự có mặt của tôi có làm các vết thương há miệng đâu?

– Anh nói gì?

– Phải chăng đấy là một lý do để tôi phải có mặt ở đây? Thử thách về việc này việc khác? Nhưng anh làm cho hắn băng giá như đá rồi.  THỜI TRUNG CỔ LÀM GÌ CÓ MÁY làm lạnh.

– Anh cũng công nhận điều đó à?

– Ðúng thế.

Pyle có vẻ lạc lõng hơn bao giờ hết; đáng lẽ hắn phải ở lại nhà thì hơn. Tôi hình dung ra một tập album gia đình, trong đó có ảnh hắn đang rong ngựa trong một trang trại hoa lệ, đang tắm ở bãi Long Island, hay giữa bọn đồng sự trong một phòng làm việc nào đó tít trên tầng thứ hai mươi ba. Hắn là thuộc về những toà nhà chọc trời, về những thang máy lên trực tiếp, về kem lạnh, về rượu Máctini kẹp thịt gà của con tầu hoả đi từ NewYork về Boston.

– Không phải chết bởi vết thương này đâu. – Vigo vừa nói, vừa chỉ vào vết đâm nơi ngực. Hắn bị dìm chết trong bùn.

– Các anh làm công việc nhanh thật.

– Bắt buộc phải làm như thế, trong thời tiết này.

Họ đẩy ngăn kéo vào và đóng cửa lại. Cửa viền cao su cho nên không nghe tiếng sập.

– Tóm lại, anh không giúp được gì cho chúng tôi hiểu thêm ư? – Vigo hỏi.

– Chẳng giúp được gì.

Tôi đi bộ cùng Phượng trở về nhà: Chẳng cần giữ tư thế gì nữa. Cái chết đã mang đi tất cả những sự sĩ diện ngay đến cả cái sĩ diện của kẻ bị cắm sừng phải che đậy nỗi đau của mình. Phượng vẫn không ngờ việc gì đã xảy ra và tôi lại không biết báo tin cho cô ta một cách từ từ và dịu dàng. Tôi là một nhà báo: tôi tư duy bằng những đầu đề lớn. “Quan chức Mỹ bị ám sát tại Sài Gòn”. Làm việc cho một tờ báo không dạy cho anh những sự gượng nhẹ cần có khi báo một tin buồn. Ngay lúc này tôi vẫn phải nghĩ đến công việc của tờ báo của tôi và tôi hỏi Phượng:

– Tôi vào phòng điện tín một lát có làm phiền cô không?

Tôi để cô ở ngoài phố, gửi bức điện đi và ra tìm cô. Ðó chỉ là một việc cần làm theo thủ tục: Tôi không rõ các phóng viên người Pháp đã được báo cho biết chưa, hoặc Vigo đóng kịch chơi (có thể như vậy lắm) và những người làm công việc kiểm duyệt sẽ ngăn bức điện của tôi lại cho tới khi những người Pháp gửi xong điện của họ đi. Tờ báo của tôi sẽ nhận được tin từ Paris trước. Không phải vì Pyle là một nhân vật rất quan trọng. Nhưng không thể điện về những điều cụ thể của sự nghiệp của hắn, về điều trước khi qua đời hắn đã chịu trách nhiệm về cái chết của ít nhất 50 người khác. Viết như vậy thì quan hệ Anh – Mỹ sẽ rắc rối, và ngài bộ trưởng sẽ hoảng hồn. Ngài bộ trưởng rất cưng Pyle vì tấm bằng tốt nghiệp của hắn & ồ, về một đề tài mà các trường Ðại học Mỹ thường cấp tốt nghiệp, như “Giao dịch chung”, kỹ thuật sân khấu, hay cả Khảo sát về Viễn đông (hắn đã học hàng đống sách).

– Pyle đâu rồi? Phượng hỏi. – Họ muốn gì?

– Về nhà đã, – tôi nói.

– Pyle có tới không?

– Chẳng biết sẽ tới đó hay tới nơi khác.

Những mụ già vẫn ngồi lê mách lẻo trên bậc thang, trong bầu không khí lúc này đã đỡ bức. Khi mở cửa vào, tôi nhận ra ngay rằng đã có người vào phòng lục soát; mọi thứ đều được xếp lại một cách quá ngăn nắp hơn là tôi tự sắp xếp.

– Hút một điếu nữa chăng? – Phượng hỏi.

– .

Tôi tháo ca-vát, bỏ giầy; màn phụ diễn xen giữa vở kịch đã chấm dứt. Ðêm lại trở lại gần giống như lúc bắt đầu. Phượng ngồi xổm ở chân giường và thắp đèn lên. Con ta ơi, em gái ta, làn da màu hổ phách. Tiếng mẹ đẻ của nàng rất dịu dàng.

– Phượng này, – tôi nói – Phượng lăn viên thuốc trên nõ tẩu. Pyle chết rồi, Phượng ạ.

Cô giơ mũi tiêm lên, mắt ngước cao nhìn tôi, mày nhíu lại, y như một đứa bé đang chú ý suy nghĩ về một vấn đề gì.

– Anh nói sao?

– Pyle bị ám sát chết rồi.

Cô hạ mũi tiêm, thẳng lưng lên, ngồi xệp xuống, mắt dán vào tôi. Không có SỰ LU LOA, KHÔNG CÓ NƯỚC MẮT, CHỈ CÓ MỘT Ý NGHĨ. Ý nghĩ kín đáo và sâu thẳm của một con người đang sắp phải đảo lộn cả dòng đời mình.

–  LẠI ĐÂY ĐÊM NAY THÌ hơn.

Cô gật đầu và lại lấy mũi tiêm nướng thuốc. Ðêm hôm đó tôi thức dậy sau một giấc ngủ ngắn và sâu mà thuốc phiện đem lại: mười phút sánh với cả một đêm ngủ và bàn tay tôi đã tìm thấy lại chỗ đặt quen thuộc trên cặp đùi Phượng. Cô ta ngủ và tôi chỉ thoáng nghe được hơi thở của cô. Sau bao nhiêu tháng, tôi lại không cô độc nữa, mặc dù thế, tôi lại sôi lên cơn tức giận, khi nhớ lại Vigo, cái lưỡi trai, Sở Cẩm và những hành lang vắng vẻ và im lặng của Toà lãnh sự và cảm thấy dưới tay mình làn da quen thuộc, tôi suy nghĩ: “Hay chỉ có tôi là người duy nhất thực sự thương yêu Pyle”.

Cái buổi sáng tôi tới quảng trường trước khách sạn Continental, tôi đã chán ngấy các ông bạn đồng nghiệp trong làng báo chí Mỹ, người lớn mà vẫn con nít, kềnh càng và ồn ào, lúc nào cũng tuôn ra những lời châm biếm chua chát đối với người Pháp, dù sao họ cũng là những người phải đánh nhau trong cuộc chiến tranh này. Từng thời kỳ, khi một cuộc giao chiến chấm dứt, khi mọi việc đã được xếp đặt đâu vào đó, những người chết và bị thương đã được mang khỏi chiến trường, họ được mời ra Hà Nội, phải bay non bốn giờ, nghe một bài diễn thuyết của vị tổng tư lệnh và ngủ một đêm tại một trại báo chí, nơi mà họ cho rằng có người phục vụ rượu cừ nhất toàn Ðông Dương; người ta cho họ bay trên nơi vừa diễn ra trận đánh, ở độ cao nghìn mét, ngoài tầm bắn của đại liên; họ lại được đưa trở về một cách an toàn, đỗ xuống khách sạn Continental, ồn ào như một đám học sinh sau một buổi đi ăn bữa cơm ngoài trời.

Pyle lặng lẽ, hắn có vẻ khiêm tốn, đôi lúc trong ngày đầu tiên đó, tôi phải cúi xuống mới nghe rõ hắn nói gì. Và hắn nghiêm trang, rất nghiêm trang. Nhiều lần, hắn như tự co lại khi nghe thấy những tiếng ồn ào mà các nhà báo Mỹ gây ra từ tầng gác cao nhất, tầng mà những người dân thường cho rằng không thể đáp lựu đạn tới được. Nhưng hắn không chỉ trích ai.

– Anh đã đọc York Hardin chưa? – Hắn hỏi tôi.

– Chưa. Chưa, tôi tin rằng tôi chưa đọc. Anh ta viết những gì?

Pyle chăm chăm nhìn một cửa hàng bán những đồ uống làm từ sữa bên kia đường phố và nói một cách mơ màng:

– Bên kia như có một dòng suối sô-đa ngon lành.

Tôi tự nghĩ có một chiều nhớ tổ quốc sâu thẳm nào đó đã khiến hắn chọn một điểm để ngắm nghía một cách kỳ lạ như vậy giữa bao nhiêu thứ trong cái quang cảnh nước ngoài lạ lùng này. Nhưng nghĩ lại bản thân khi lần đầu tôi đi dọc phố Catina, tôi chẳng trước hết chú ý tới tủ hàng trưng bày những lọ nước hoa mang nhãn hiệu Guelin là gì và tôi thấy ấm lòng nghĩ rằng từ đây về châu Âu cũng chỉ mất 30 giờ đồng hồ. Hắn ta như luyến tiếc mãi khi thôi không nhìn cửa hàng bán sữa. Hắn nói:

– York đã viết một cuốn sách nhan đề Những bước tiến của Trung Hoa đỏ. Ðó là một cuốn sách rất sâu sắc.

– Tôi chưa đọc. Anh quen với tác giả à?

Hắn gật đầu một cách trịnh trọng và lại chìm đắm trong một sự im lặng, lát sau, hắn nói để làm thay đổi cái cảm giác hắn có thể gây cho tôi:

– Tôi cũng không quen tác giả nhiều lắm. Thật ra tôi chỉ gặp anh ta có hai lần.

Ðiều hắn làm tôi ưng ở hắn là hắn chỉ dám cho mình quen biết anh chàng anh chàng gì nhỉ? à York Hardin, là một sự khoác lác. Sau này tôi mới hiểu, hắn ta vô cùng kính nể những người mà hắn gọi là những nhà văn nghiêm chỉnh. Cái từ này loại trừ những người viết tiểu thuyết, những nhà thơ và những nhà viết kịch, trừ khi họ đi vào đề tài mà hắn gọi là đương đại và ngay cả trong trường hợp này, tốt hơn hết là đi thẳng vào sự kiện, vào những tư liệu nguyên thô như người ta thấy trong tác phẩm của York.

– Anh phải biết rằng khi người ta sống lâu năm tại một nước, tôi nói, – thì người ta hết muốn đọc những cuốn sách viết về nước đó.

– Lẽ tất nhiên, tôi quan tâm đến việc những người sống tại chỗ có những điều gì muốn nói, – hắn thận trọng trả lời tôi.

-Sau đó anh thẩm tra lại qua các tác phẩm của York.

– Ðúng vậy – Có lẽ hắn ta nhận được ý mỉa mai trong câu hỏi của tôi, vì hắn nói thêm với vẻ lễ độ thường có. Tôi tự coi như được rất ưu đãi nếu anh dành được một chút thời giờ cho tôi biết những điểm chính của tình hình. Anh hiểu đấy: York đã xa nơi đây hơn hai năm rồi.

Thái độ sòng phẳng của hắn đối với Hardin làm tôi vui lòng dù Hardin là ai đi nữa. Hắn không giống như những tên bạn của hắn chỉ biết chê bai và trâng tráo một cách ấu trĩ.

– Chúng ta hãy làm thêm một chai bia thứ hai, tôi nói, tôi sẽ thử cho anh hiểu về tình hình hiện nay.

Tôi bắt đầu nói và hắn nhìn tôi chăm chú như một học trò ngoan. Tôi giải thích về tình hình phía Bắc – xứ Bắc Kỳ – nơi mà hiện nay người Pháp đang cố bám lấy châu thổ sông Hồng, nó gồm cả Hà Nội và cái cảng độc nhất của miền Bắc là Hải Phòng. Ðó là nơi có những cánh đồng lúa và khi gió mùa về là lúc diễn ra cuộc chiến đấu hàng năm để giành giật thóc gạo.

– Ðấy là tình hình miền Bắc, tôi nói, những ngưòi Pháp tội nghiệp có thể cầm cự được, nếu những người Trung Hoa không tới giúp đỡ cho Việt Minh. Ðây là một cuộc chiến tranh giữa nơi rừng núi và ruộng lầy, những nơi người ta lội nước đến tận vai và quân thù bỗng biến mất, chôn vũ khí và khoác bộ áo nông dân vào người& Nhưng họ có thể chết mục giữa những tiện nghi đầy đủ trong sự ẩm ướt của Hà Nội. Họ không thả bom xuống đó, trời cũng không hiểu tại sao. Người ta có thể nói đó là một cuộc chiến tranh kiểu chính quy.

– Còn ở miền Nam này?

– Người Pháp kiểm soát được những đường giao thông chính cho tới bảy giờ chiều; sau đó họ kiểm soát được các chòi canh và một phần của các thành phố. Ðiều này không có nghĩa rằng ở đây được an toàn, vì nếu thế thì chẳng cần có lưới thép trước các tiệm ăn nữa.

Không biết bao nhiêu lần tôi đã phải giải thích về những điều này. Tôi thấy tôi như một cái đĩa hát mà người ta quay cho bất kỳ kẻ nào mới tới nghe: những nghị viên của Quốc hội, ngài bộ trưởng mới của Anh quốc& Có khi tôi thức giấc ngay giữa đêm, miệng nói lảm nhảm: “Hãy xem trường hợp những người theo đạo Cao Ðài hay những ngưòi theo đạo Hoà Hảo, bọn Bình Xuyên hay tất cả những đội vệ binh đánh nhau thuê vì tiền hay vì thù hằn lẫn nhau”. Những người nước ngoài coi đó thật ngoạn mục, nhưng có điều gì là đẹp đẽ trong sự ngờ vực hay phản trắc?

– Và bây giờ, – tôi nói tiếp, – là tướng Trịnh Minh Thế. Lão ta đã là tham mưu trưởng của quân đội Cao Ðà, nhưng đã đi vào rừng để đánh lại cả hai bên, quân Pháp và quân Cộng sản.

– York đã viết, – Pyle nói, – rằng cái cần phải có ở phương Ðông là một lực lượng thứ ba.

Có lẽ lúc đó tôi đã phải nhận thấy trong mắt hắn ánh lên sự cuồng tín, thấy sự phản ứng mau lẹ của hắn trước những công thức đã được thừa nhận, hay trước ma lực của những số thứ tự như Ðội quân thứ năm, Lực lượng thứ ba, Ngày thứ bảy. Tôi đã tránh được cho tất cả mọi người cho cả Pyle nữa, biết bao nhiêu sự phiền toái, nếu như tôi hiểu được bộ óc non trẻ và không mệt mỏi của hắn đang hoạt động theo phương hướng nào. Nhưng tôi đã để hắn trước cái hậu cảnh lởm chởm những thây ma đó và tôi đi bách bộ hàng ngày dọc phố Catina. Hắn phải tự tìm hiểu được cái hậu cảnh thật, cái hậu cảnh nó giữ người ta ở lại đây mãnh liệt như một thứ hương thơm: những cánh đồng rực vàng khi mặt trời sắp lặn nom dẹt đi; những chiếc vó mắc vào bộ gọng mảnh khảnh bay lên bay xuống như những con muỗi khổng lồ trên những cánh đồng; những chén nước trà uống với vị thầy tu già trên gác thượng của tu viện, bên chiếc giường, cuốn lịch quảng cáo, những chiếc xô, chiếc chén mẻ, như những vật trôi giạt của cả một cuộc đời mà thời gian đã vứt bỏ lại quanh chiếc ghế tựa của thầy; những chiếc nón lá của các cô con gái sửa đường nơi một quả mìn vừa nổ; màu kim tuyến, màu xanh non và chiếc áo dài sặc sỡ ở miền Nam; màu nâu thẫm, những bộ quần áo thâm, vòng núi do phía bên kia chiếm giữ, tiếng máy bay ù ù ở miền Bắc. Khi mới tới, tôi đếm từng ngày trên cuốn lịch. Tôi tưởng tôi gắn bó với cái gì còn sót lại của một quảng trường thành phố Blombre, với chuyến xe hơi công cộng số 73 chạy qua cổng Oston và với cái quán ăn tại quảng trường Torington khi mùa xuân tới. Lúc này dù hoa huệ hay tulip có thể đang nở trong công viên, tôi cũng chẳng hề quan tâm. Tôi chỉ ham sống những ngày có những tiếng nổ đanh gọn, có thể là tiếng nổ của xe máy hay của lựu đạn, tôi chỉ muốn nhìn theo bóng dáng những người mặc quần lụa thâm duyên dáng đi lại trong bầu không khí nóng ẩm của phương Nam, tôi chỉ ao ước Phượng và tổ ấm của tôi đã xê dịch đi tới mười lăm nghìn ki-lô-mét.

Tôi đi vòng qua dinh Cao uỷ, nơi những tên lính lê dương đội mũ kê-pi trắng và đeo ngù vai sặc sỡ đứng gác, qua đường sát Nhà thờ Lớn và lộn lại dọc theo tường của Sở Liêm phóng Việt Nam, nơi mùi nước tiểu và cả sự bất công toả ra sặc sụa. Và những cái đó cũng trở thành của quê tôi y như những hành lang tối om trên tầng gác cao của nhà tôi xưa, những nơi mà lúc nhỏ người ta cố tránh. Những số mới xuất bản của những tờ tạp chí khiêu dâm như cấm kỵ và ảo ảnh, đã được trưng bày ở các giá hàng, gần với bến cảng; những lính thuỷ nốc rượu bia trên vỉa hè; những cái đích rất ngon cho một quả bom tự tạo. Tôi nghĩ tới Phượng lúc này có lẽ đang mặc cả mua cá tại đường phố thứ ba về phía tay trái, trước khi cô đi ăn nhẹ ở hiệu bán sữa vào hồi mười một giờ, vào thời đó, tôi có thể tìm thấy Phượng bất cứ ở đâu và vào giờ nào và tất nhiên đầu óc tôi không cần bận tâm nghĩ đến Pyle nữa. Tôi cũng chẳng nói về hắn ta với Phượng khi chúng tôi ăn bữa sáng ở phòng tôi, trên gác khách sạn phố Catina. Hôm đó, Phượng mặc chiếc áo dài lụa hoa đẹp nhất của cô, vì hôm đó là ngày kỷ niệm hai năm trước đây chúng tôi gặp nhau ở Chợ Lớn, tại nhà Ðại thế giới.