Menu Đóng

Chương 15

Khi đi sang bến cảng Mỹ Tho, tôi gặp những chiếc xe cứu thương đi từ chợ Mỹ Tho tới quảng trường phố Gacnie.

Người ta gần như có thể đo được tốc độ của sự lan truyền tin tức nhờ ở vẻ mặt của những người đi đường. Những người tôi gặp lúc đầu còn đem cặp mắt thăm dò và lo âu nhìn những ai như tôi từ phía quảng trường đi lại. Khi vào đến Chợ Lớn, tôi đã đi khỏi vòng lan tỏa của tin đồn: cuộc sống vẫn náo nhiệt như mọi ngày, không hề ngừng, không ai biết việc gì xảy ra.

Tôi tìm thấy kho hàng của ông Chu, lên tới tận phòng ông ở. Không có gì thay đổi so với lần trước tôi tới thăm. Con mèo và con chó vẫn nhảy từ sàn nhà lên đống hộp và từ đó lên những chiếc vali, giống như hai con mã đuổi nhau trên bàn cờ mà không con nào bắt được con nào. Thằng bé con vẫn lê la dưới đất, và hai ông già vẫn chơi mạt chược. Chỉ vắng mặt mấy anh chị thanh niên. Khi tôi vừa xuất hiện ở cửa, một người đàn bà đã đứng lên rót trà mời tôi. Bà cụ già ngồi trên giường vẫn nhìn đôi bàn chân của mình.

– Xin hỏi ông Heng – Tôi nói.

Tôi lắc đầu không uống chè, tôi chẳng muốn dùng hết tách này đến tách khác thứ nước uống đắng và thiếu hương vị đó.

– Thế nào tôi cũng gặp ông Heng.

Không có cách nào làm cho người nhà hiểu tôi cần gặp ai một cách gấp gáp như thế, nhưng có lẽ việc tôi khăng khăng không chịu uống trà đã làm họ lúng túng. Hay có lẽ đôi giày của tôi cũng như giày Pyle bị dính máu chăng? Dù vì lẽ gì nữa, sau vài phút, một người đàn bà dẫn tôi ra khỏi phòng, xuống cầu thang, đi dọc hai dẫy phố chật ních người qua lại dưới các biển tên hiệu, và để tôi đứng trước một cửa hàng bán những chiếc tiểu làm bằng đá, loại cửa hàng này bên nước của Pyle người ta gọi là những “salon tang tóc”.

– Ông Heng, ông Heng – Tôi nói vậy với một người Hoa Kiều nhiều tuổi đứng ở cửa.

Nơi này thật đáng là nơi dừng chân của một ngày, sáng xem những tranh dâm ô của vị chủ đồn điền, trưa thấy trong công viên những thi hài của người chết oan. Có tiếng gọi của người nào đó từ trong nhà, cụ già người Hoa né ra để tôi vào.

Ông Heng ra đón tôi một cách niềm nở và mời tôi vào một phòng hẹp và sâu trong nhà, nơi đây có những hàng ghế xếp dọc tường, những chiếc ghế đen bóng, chạm trổ, bất tiện, mà ta thường thấy bày trong các phòng chờ của người Hoa, không có ai ngồi và không có ai thích ngồi vào đó. Nhưng lần này tôi nghĩ vừa có người ngồi trên ghế, vì trên mặt bàn còn bày năm chiếc uống trà mà hai chiếc mới còn vơi.

– Tôi đến làm ngưng một cuộc họp à? – Tôi nói.

– Họp bàn về làm ăn buôn bán thôi – Ông Heng đáp lại một cách lửng lơ – chẳng có gì quan trọng. Tôi lúc nào cũng rất sung sướng được gặp ông, thưa ông Fowler.

– Tôi từ quảng trường phố Gacnie tới đây.

– Tôi cũng nghĩ đúng là vì việc đó.

– Ông đã biết tin.

– Người đã đại diện cho tôi. Tôi nghĩ rằng trong ít bữa, tôi nên tạm lánh ông Chu. Hôm nay chắc cảnh sát hoạt động mạnh.

– Nhưng ông có dính gì vào vụ đó đâu?

– Công việc của cảnh sát là tìm ra thủ phạm.

– Thủ phạm lại là Pyle à – Tôi nói.

– Ðúng vậy.

– Họ gây ra những vụ ghê gớm quá.

– Tướng Thế chưa chế ngự nổi mình.

– Và chất nổ không phải để cho những đứa trẻ nhép vừa từ Boston sang. Ai cũng là người chỉ huy Pyle, ông Heng?

– Tôi nghĩ rằng hắn ta tự chỉ huy mà thôi.

– Hắn ta là gì? Một nhân viên của OSS?

– Cái tên viết tắt hay không cũng không quan trọng.

– Tôi có thể làm được việc gì, ông Heng? Phải bắt hắn không được làm như thế nữa.

– Ông có thể viết đúng những bài bóc trần sự thật hay không?

– Báo của tôi khôngquan tâm đến tướng Thế. Nó chỉ quan tâm đến các đồng bào của ông thôi, ông Heng ạ.

– Có thật ông định buộc Pyle ngưng hành động không, ông Fowler?

– Nếu mà ông thấy hắn vào đúng lúc đó. Hắn đứng như bị trời trồng ở quảng trường, và nói đây là một sự lầm lỡ đáng tiếc, đáng lẽ là đánh vào một cuộc diễu binh. Hắn còn nói phải đưa đánh bóng đôi giày trước khi đi gặp ngài Bộ trưởng.

– Chắc hẳn ông sẽ kể những điều ông biết cho cảnh sát rõ.

– Cảnh sát cũng chẳng quan tâm đến tướng Thế. Và ông tưởng họ dám đụng đến một người Mỹ hay sao? Hắn hưởng đặc quyền ngoại giao. Hắn tốt nghiệp Ðại học Havard. Ông Bộ trưởng rất quý hắn. Ông Heng này, ở đó có một người đàn bà có con bị chết. Bà ta lấy chiếc nón lá úp lên người con. Tôi không sao quên được hình ảnh ở đó. ở Phát Diệm cũng có một người đàn bà khác.

– Ông Fowler, xin hãy cố trấn tĩnh lại.

– Làm gì bây giờ, ông Heng? Với một hộp Diolacton, người ta tạo ra được bao nhiêu xác trẻ em?

– Ông có định tiếp tay cho chúng tôi thật không, ông Fowler?

– Hắn ta đến nước này để làm những điều xằng bậy, và bao nhiêu người đã phải bỏ mạng vì những hành động dại dột của hắn. Thật là đáng tiếc rằng quân của các ông không thịt hắn trên sông gần Nam Ðịnh. Như vậy thì bao nhiêu mạng người đã không bị mất.

– Tôi cũng nghĩ như ông, ông Fowler ạ. Phải kìm các hành động của hắn lại. Tôi xin gợi ý với ông điều sau đây.

Ðằng sau cánh cửa có ai đó khẽ ho và khạc nhổ ầm ĩ.

– Tối nay ông hãy mời hắn ta ăn cơm ở hiệu Cối Xay cổ – ông Heng nói tiếp – Khoảng từ tám rưỡi tới chín rưỡi.

– Ðể làm gì?

– Chúng tôi sẽ dừng hắn ở giữa đường và nói chuyện với hắn.

– Có thể hắn bận.

– Tốt hơn hết là ông bảo hắn tới thăm ông vào lúc sáu rưỡi. Lúc đó hắn rỗi, chắc chắn hắn sẽ tới. Nếu hắn nhận lời thì ông cầm một cuốn sách lại gần cửa sổ, y như để đọc ở nơi còn ánh sáng.

– Tại sao lại tới quán Cối Xay cổ?

– Vì đó gần cầu Ða Kao. Tôi tin rằng ở đó sẽ tìm được chỗ tiện lợi để nói chuyện với hắn.

– Ông định làm gì hắn?

– Ðiều đó thì ông không cần biết, ông Fowler. Nhưng tôi hứa với ông là chúng tôi sẽ hành động với tất cả sự êm thấm mà tình hình cho phép.

Những người bạn không thể nom thấy của ông Heng cửa động phía bên kia tường nhẹ như những con chuột chạy.

– Ông có thể làm giúp chúng tôi việc đó không, ông Fowler?

– Tôi chưa rõ – Tôi đáp.

– Sớm hay muộn ông cũng nên làm điều đó thôi – Ông Heng nói.

Và tôi nhớ lại những lời đại uý Truan đã nói tại tiệm thuốc phiện, sớm hay muộn cũng phải có thái độ. Nếu người ta muốn vẫn được là người.
Tôi vào Toà Lãnh sự viết cho Pyle mấy chữ, hẹn hắn tới thăm tôi, rồi tôi đi ngược lên tới khách sạn Continental để làm một cốc.

Tất cả những đống đổ vỡ đã được dọn đi, những người lính cứu hoả đã rửa sạch công viên. Tôi không hề nghĩ rằng địa điểm và giờ giấc lại có tầm quan trọng đến như vậy. Tôi lại còn định cứ ngồi nơi đây hết cả buổi tối, không lo gì đến cuộc hẹn hò nữa. Nhưng tôi lại nghĩ rằng tôi có thể làm cho Pyle sợ hãi, buộc hắn ngừng các hành động của hắn lại, bằng cách chỉ cho hắn thấy tai họa đang chờ hắn, bất kể là tai họa nào. Tôi cạn cốc bia và ra về: Khi ngồi ở nhà, tôi lại muốn Pyle đừng tới nữa. Tôi định đọc sách, nhưng không có cuốn nào trên giá sách cuốn hút được tôi. Nếu có người tiêm cho thì có lẽ tôi cũng làm một điếu thuốc. Tuy cố không nghĩ tới nhưng tôi vẫn cứ ngóng đợi những bước chân. Có ai đó gõ cửa. Tôi ra mở, nhưng đó chỉ là Dominge.

– Anh cần gì? – Tôi hỏi.

Anh ta nhìn tôi, vẻ rất ngạc nhiên.

Cần gì ư? (anh ta nhìn đồng hồ). Ngày nào tôi chẳng đến vào giờ này. Ông có điện để gửi đi không?

– Xin lỗi nhé. Tôi quên khuấy đi mất. Không, không có gì.

– Nhưng bản tường thuật về vụ nổ bom? Ông không định viết gì ư?

– ồ, cứ viết hộ tôi, anh Dominge. Tôi cũng không rõ viết thế nào bây giờ. Lúc đó tôi ở ngay nơi bom nổ, nên cũng hơi bị chấn động. Tôi không thể gói ghém câu chuyện này vào khuôn khổ của một bức điện. (Tôi định đập con muỗi vo ve quanh tai, và tôi thấy Dominge nhăn mặt lại theo bản năng anh ta). Yên chí, Dominge, tôi đánh hụt rồi.

– Anh ta đáp lại tôi bằng một nụ cười thảm hại. Anh ta không thể bào chữa cho sự kinh tởm của mình trước một việc sát sinh: dù sao anh ta cũng là tín đồ của đạo Thiên Chúa, một trong những người mà Neron xưa đã dạy cho nghệ thuật biến thân người thành đuốc sống.

– Tôi có thể làm giúp ông việc gì không? – Anh ta nói.

Anh ta không uống rượu, không ăn thịt, không sát sinh. Tôi ao ước có được một sự dịu hiền trong tâm hồn như thế.

– Không, Dominge ạ, buổi tối tôi chỉ cần được sống một mình.

Qua cửa sổ, tôi nhìn theo anh ta đi ngang qua đường phố Catina. Một người lái xe đạp gắn máy đỗ xe ở vỉa hè, ngay trước cửa sổ phòng tôi, Domige định thuê xe đi, nhưng tôi thấy người lái xe lắc đầu. Chắc hẳn anh ta đang chờ một người khách đang mua hàng, vì đây không phải là nơi xe thường đỗ đón khách. Nhìn đồng hồ, tôi thấy mới đợi chưa đầy mười phút, và khi Pyle gõ cửa, lần này tôi lại thấy tôi đã không nghe được tiếng bước chân của hắn.

– Mời vào.

Nhưng như thường lệ, con chó của hắn vào nhà trước hắn.

– Tôi rất hài lòng vì nhận được mấy chữ của anh. Sáng nay hình như anh bực với tôi lắm.

– Chắc thế. Cảnh tượng lúc đó có đẹp đẽ gì đâu.

– Anh đã rõ nhiều điều quá rồi, nên tôi cũng có thể nói thêm chuyện với anh mà không sợ nguy hại cho ai cả. Chiều nay tôi vừa gặp tướng Thế.

– Anh gặp ông ta à? Vậy ông ta đang ở Sài Gòn ư? Chắc hẳn ông ta về chiêm ngưỡng kết quả của vụ đánh bom của ông ta.

– Anh Thomas, tin anh nên mới nói riêng với anh là tôi đã rất nghiêm khắc với ông ta.

Hắn nói năng như một người thủ quân một đội bóng học sinh vừa bắt gặp một cầu thủ vừa vi phạm kỷ luật của cuộc tập dượt. Dù sao tôi còn hỏi thêm với đôi chút hy vọng:

– Liệu anh có bỏ rơi ông ta không?

– Tôi có nói với ông ta là chúng tôi sẽ cắt đứt quan hệ nếu, ông ta lại biểu thị một sự khinh suất như vậy.

– Nhưng từ nay anh đã ngừng ủng hộ ông ta chưa?

Tôi bực mình xua con chó đang đến ngửi ngửi mắt cá chân tôi.

– Tôi không thể làm như vậy. Nằm yên, Duk! Về lâu dài, ông ta tượng trưng cho hy vọng độc nhất của chúng tôi. Nếu nhờ sự giúp đỡ của chúng tôi, ông ta lên nắm được chính quyền, thì chúng tôi có thể dựa vào ông ta…

– Cần bao nhiêu người bỏ mạng nữa, trước khi các anh hiểu ra?

Nhưng tôi thấy rõ là lập luận của tôi không có hiệu quả gì.

– Hiểu ra điều gì, anh Thomas?

– Hiểu ra rằng trong lĩnh vực chính trị không có sự tri ơn.

– ít ra, họ cũng không căm ghét chúng tôi như đối với người Pháp.

– Có chắc là như vậy không ? Cũng có khi chúng ta yêu kẻ thù, và ghét bạn bè.

– Anh suy nghĩ như người châu Âu, anh Thomas ạ. Loại người ở đây không phức tạp đến thế.

– ấy là điều mà anh học được qua mấy tháng này ư ? Chẳng bao lâu nữa anh sẽ nói rằng họ chỉ là đồ con nít…

– Quả là như vậy… trên một số phương diện.

– Anh Pyle, anh hãy thử tìm cho tôi một đứa trẻ không phức tạp. Một người trẻ lại là một khu rừng chằng chịt những điều phức tạp. Chính khi già đi, chúng ta lại hóa đơn giản hơn.

Nhưng nói hắn nghe những điều đó để làm gì? Trong khi lập luận, chúng ta đều dùng một điều gì hư ảo. Trước khi khôn ra, tôi đã nói năng như một nhà chuyên viết bình luận. Tôi đứng lên, tiến lại gần giá sách của tôi.

– Anh kiếm gì thế, anh Thomas?

– Ồ, CHẲNG CÓ GÌ QUAN TRỌNG. Một đoạn văn tôi vẫn ưa thích. Chiều nay anh có thể dùng cơm với tôi không?

– Rất hài lòng. Tôi thật vui vì thấy anh không bực dọng với tôi. Tôi hiểu rằng chúng ta không đồng tình với nhau. Nhưng có thể vẫn là bạn thân khi có chính kiến khác nhau, phải không ?

– Tôi không rõ. Tôi không tin là như thế.

– Xét đến cùng, Phượng vẫn là quan trọng hơn tất cả những điều đó.

– Anh có thành tâm tin như vậy không?

– Cô ta là cái đáng kể nhất trên thế giới này. Ðối với tôi. Cả đối với anh nữa, anh Thomas ạ.

– Ðối với tôi thì hết rồi.

– Hôm nay chúng ta bị một sự chấn động ghê ghớm, Tômát, nhưng anh sẽ thấy sau một tuần chúng ta sẽ quên đi. Ngoài ra, chúng tôi còn săn sóc tới các gia đình.

– Chúng tôi là ai?

– Chúng tôi đã điện sang Whasington. Chúng tôi sẽ được phép sử dụng một phần ngân quỹ. Tôi ngắt lời.

– Chén ở quán Cối xay cổ nhé? Từ chín giờ tới chín rưỡi nhé?

– Ở ĐÂU CŨNG ĐƯỢC, TUỲ anh thích.

Tôi tiến lại cửa sổ. Mặt trời đã khuất sau các mái nhà. Người lái xe xích-lô vẫn chờ khách của mình. Tôi cúi xuống nhìn, người đó ngẩng đầu lên nhìn tôi.

– Anh chờ ai đến à, Thomas?

– Không, tôi tìm một đoạn thơ.

Ðể cử chỉ của tôi được kín đáo. Tôi giơ cuốn sách ra chỗ còn có tia nắng cuối cùng và đọc.

Tôi lái xe giữa các phố phường và mặc kệ tất cả.

Những người qua đường nhìn tôi chăm chăm và hỏi xem tôi là ai.

Và nếu chẳng may tôi đâm vào một người khốn khổ/Tôi có đủ tiền để bồi dưỡng dù đắt thế nào.

Là kẻ có tiền thật vui thay – A ha !

Là kẻ có tiền thật vui thay! .

– Thơ gì mà lạ thế? – Pyle nói với một giọng không tán thưởng

– Ðây là thơ của một tác giả thế kỷ XIX, một nhà thơ đã trưởng thành. Không có lắm người như ông ta đâu.

Tôi nhìn xuống đường. Người lái xe đã đi rồi.

– Anh có gì để uống không? – Pyle hỏi.

– Có, nhưng tôi tưởng…

– Có lẽ tôi bắt đầu tự buông lỏng mình. ảnh hưởng của anh đấy. Tôi tin rằng anh đã làm tôi khôn hơn lên.

Tôi đi lấy chai rượu và cốc. Lần đầu quên một cốc, sau lại phải đi một lần nữa vì quên nước trắng. Hôm nay tôi làm cái gì cũng mất nhiều thì giờ.

– Anh biết đấy, – Pyle nói, – bố mẹ tôi là những người cừ khôi; nhưng hai cụ đều có xu hướng sống nghiêm nghị. Chúng tôi ở tại một ngôi nhà cũ kỹ ở phố Chenus phía bên phải, lên dốc một chút. Mẹ tôi sưu tập những đồ pha lê cổ, và cha tôi, khi không ngụp vào việc nghiên cứu vấn đề xói mòn, thì đi vét hết những cuốn sách chép tay về những tác phẩm Darwin in lần thứ nhất mà cụ phát hiện ra được. Như anh xem, các cụ sống với quá khứ. Có lẽ vì vậy mà York có ảnh hưởng lớn đối với tôi. Ông ta thích ứng với những điều kiện sống hiện đại. Cha tôi thì theo chủ nghĩa biệt lập.

– Chắc là tôi hợp với cụ: tôi cũng là người theo chủ nghĩa biệt lập.

Vốn là người trầm lặng, hôm nay Pyle lại nói quá nhiều. Tôi cố tự nhủ rằng ông Heng đang sẽ có phép thuyết phục hắn khác với một hành động thô bạo và tất yếu… Nhưng trong một cuộc chiến tranh như cuộc chiến ở đây, tôi hiểu người ta không có thì giờ cân nhắc: người ta tiện võ khí gì thì dùng võ khí đó, người Pháp có bom napal, ông Heng có đạn súng ngắn hoặc con dao găm. Tôi tự bảo, nhưng hơi muộn, rằng tôi không đủ tư cách để đứng ra làm quan toà. Tôi để cho Pailơ nói một lúc rồi tôi sẽ bảo hắn đề phòng. Hắn có thể ngủ đêm tại đây. Họ không dám xộc vào nhà tôi. Lúc này hình như hắn đang nói về người vú nuôi của mình…

– … Bà nhũ mẫu của tôi đóng một vai trò quan trọng hơn mẹ tôi trong cuộc đời của tôi, và sao bà biết làm những chiếc bánh kem mứt ngon đến thế!

Tôi ngắt lời hắn:

– Anh có khẩu súng ngắn nào mang theo người không kể từ cái đêm đáng ghi nhớ đó?

– Không. Quy định của toà lãnh sự…

– Nhưng anh là người có công tác đặc biệt.

– Có súng cũng chẳng được việc gì. Nếu họ định hạ tôi thì chẳng có gì cản được họ. Vả lại, tôi cận thị như một con chồn. ở trường trung học, người ta gọi tôi là Con dơi vì trong đêm tối tôi rất tinh mắt hơn người khác. Một hôm chúng tôi đùa như quỷ sứ…

Hắn lại thao thao bất tuyệt. Tôi quay ra cửa sổ.

Có một chiếc xe xích lô gắn máy đang chờ. Chắc hẳn là một người lái xe khác lúc nãy – tuy tôi không tin hẳn, vì họ giống nhau quá đỗi. Biết đâu người lái đó không thật sự chờ một vị khách. Tôi lại bỗng có ý nghĩ rằng nơi an toàn nhất cho Pyle là Toà Lãnh sự. Từ lúc nhận được ám hiệu của tôi, chắc họ đã chuẩn bị đầy đủ để đêm nay hành động. Cầu Ða Kao hẳn có một vai trò gì đó trong dự định của họ, tôi không hiểu tại sao, hoặc như thế nào mà Pyle lại không điên rồ cả gan qua sông sau khi mặt trời lặn và bên đầu cầu phía này, có công an võ trang gác hẳn hoi.

– Tôi nói hết cả lời của hai người, – Pyle bảo. – Tôi không hiểu tại sao, nhưng chiều nay…

– Xin đừng ngại, – tôi nói, – Tôi là người ít nói, thế thôi. Có lẽ tối nay bỏ bữa cơm chăng…

– Chớ, xin chớ bỏ. Tôi cảm thấy xa anh kể từ khi…trời…

– Kể từ khi anh cứu tôi, – tôi nói tiếp hộ anh, nhưng không giấu nổi sự đau nhói của vết thương mà tôi tự gây cho tôi.

– Không, tôi không muốn nói đến điều đó. Nhưng dù sao chúng ta đã nói được không biết bao nhiêu chuyện trong cái đêm kỳ lạ đó! Y như là chúng ta đang sống những giờ khắc cuối cùng của mình trên dương thế vậy. Qua đó tôi hiểu nhiều điều về anh, anh Thomas ạ. Cứ cho là tôi có nhiều điểm bất đồng tư tưởng với anh, tốt hơn hết là không nên đứng về một phía nào. Anh chịu đựng giỏi đấy, ngay khi đã gẫy chân phải, anh vẫn có thái độ trung lập.

– Bao giờ cũng sẽ tới lúc người ta đổi thay, lúc người ta bị xúc động…

– Anh chưa đến lúc đó đâu. Tôi không tin rằng anh sẽ đến cái lúc đó. Và tôi cũng tin rằng không có gì làm cho tôi thay đổi được…trừ khi chết, – hắn nói tiếp một cách vui vẻ, nhẹ nhõm.

– Ngay cả khi anh đã được chứng kiến cái cảnh sáng hôm nay? Cảnh đó không có điều gì có thể làm anh thay đổi thái độ ư?

– Họ chẳng qua chỉ là những nạn nhân của chiến tranh, – hắn đáp. – áng buồn thật đấy, nhưng khi bắn nhau có phải lúc nào cũng bắn trúng đích đâu. Dù sao đó cũng là những người chết cho chính nghĩa.

– Nếu chính bà vú nuôi khéo làm bánh kem mứt của anh bị chết như vậy thì anh nói sao?

Hắn chẳng cần đếm xỉa đến cái lập luận có vẻ rẻ tiền của tôi.

– Xét về một mặt nào đó, có thể nói là họ đã chết cho nền Dân chủ. – hắn nói.

– Tôi không sao dịch nổi ý anh ra tiếng Việt được.

Bỗng dưng tôi thấy mình hết sức mệt mỏi. Tôi mong hắn đi đâm đầu vào chỗ chết cho rảnh. Sau đó tôi lại có thể tìm lại cuộc sống như ở quãng đời tôi trước khi hắn sang đây.

– Hình như anh chưa bao giờ cho tôi là người đúng đắn, anh Thomas, (Hắn phàn nàn như thế, kèm với một tiếng cười rất học sinh trung học mà hình như hắn đã găm lại để dành cho cái đêm nay). Thomas này, Phượng đã đi xem chiếu bóng. Nếu chúng ta thức suốt đêm với nhau? Tôi chẳng bận việc gì cả. (Hình như từ một nơi xa xôi nào đó bên ngoài, có ai mớm lời cho hắn, khiến tôi không còn đường rút lui). Tại sao không lại quán Sale nhỉ? Từ cái đêm đáng ghi nhớ đó, tôi chưa hề trở lại đấy. ở đó ăn cũng ngon chẳng kém Cối xay cổ, mà lại thêm âm nhạc.

– Tôi không muốn nhớ lại cái đêm đó.

– Xin lỗi. Lắm lúc tôi thật là ngốc, anh Thomas ạ. Nhưng đi chén cơm Tàu ở Chợ Lớn thì sao?

– Muốn ăn ngon ở đó thì phải đặt trước. Anh sợ quán Cối xay cổ hay sao, Pailơ? ở đó có lưới sắt bảo vệ, và bao giờ cũng có cảnh sát gác trên cầu. Và tôi hy vọng rằng anh sẽ không điên rồ gì mà đi qua cầu.

– ồ, không phải như thế. Tôi chỉ nghĩ rằng ở với nhau suốt một đêm thì thú biết mấy.

Hắn giơ tay và chạm vào cái cốc khiến nó rơi xuống đất vỡ tan.

– Ðiềm lành, – hắn nói không suy nghĩ. – Xin lỗi anh Thomas.

Tôi cúi nhặt những mảnh cốc vỡ và để vào trong cái đựng tàn thuốc lá.

– Anh nghĩ sao, anh Thomas?

Tiếng thuỷ tinh vỡ lại làm tôi nhớ lại tiếng những chiếc chai ở tiệm Pavillon trút hết rượu ra sàn.

– Tôi đã báo trước với Phượng rằng đêm nay chắc tôi đi chơi với anh.

Sao mà chữ “báo trước” được lặp lại lúc này khó nghe thế. Tôi nhặt mảnh thuỷ tinh cuối cùng.

– Tôi đã có một cuộc hẹn ở rạp Magestic, – tôi đáp, – và đến chín rưỡi tôi mới được rảnh.

– Thế cũng được. Nếu vậy tôi sẽ trở lại phòng làm việc. Nhưng tôi chỉ luôn sợ rằng họ sẽ tìm được một việc cỏ vê giao cho tôi.

Tại sao không để cho hắn ta được hưởng cái số may đó nhỉ ?

– Có đến chậm một chút cũng đừng ngại nhé, – tôi nói. – Nếu bị cột vào bàn giấy thì sau đó anh cứ về nhà tôi. Tôi về nhà vào mười giờ để chờ anh, nếu anh không tới ăn cơm được.

– Tôi sẽ báo cho anh…

– Khỏi phiền. Hoặc anh lại Cối xay cổ, hoặc tới nhà tôi.

Tôi giao số phận Pyle vào tay cái đấng mà tôi vốn không tin: nếu muốn can thiệp vào đây thì mời ông Trời cứ can thiệp, – một bức điện để trên bàn giấy, một mệnh lệnh của Bộ trưởng. Nếu Trời không có đủ quyền lực để làm thay đổi tương lai, thì quả thật làm gì có Trời.

– Pyle, bây giờ anh đi đi, tôi bận.

Nghe bước chân hắn đi xa, cùng với tiếng chân con chó chạy theo, tôi cảm thấy mệt như đến kiệt sức.

Nếu muốn đi xe thì phải lên tới tận phố Dokmay, cho nén ra khỏi nhà, tôi đi bộ tới tận rạp Magestic và đứng một lúc xem người ta rõ những chiếc máy bay ném bom Hoa Kỳ.

Mặt trời đã lặn hẳn, và công việc này được tiến hành dưới ánh sáng của những ngọn đèn hồ quang. Tôi không có ý định tạo ra một cái cớ vắng mặt, nhưng tôi đã nói với Pyle là tôi tới rạp Magestic, và tự nhiên tôi không thích làm sai với lời nói.

– Chào Fowler.

– Ðó là Uynkinx.

– Chào.

– Chân cẳng ra sao rồi?

– Anh đã gửi được một bài hay chứ?

– Tôi để Dominge viết.

– Sao vậy? Người ta nói anh có mặt ở đó cơ mà.

– Ðúng, tôi có mặt ở đó. Nhưng ngày nay báo thiếu chỗ. Họ chỉ cần tin ngắn thôi.

– Tin nào cũng như tin nào thôi, phải không? – Uynkinx nói. – Chúng ta đã sống trong thời ông Rusen và báo Time cũ. Tin tức thì gửi bằng khinh khí cầu. Người ta có thì giờ viết kỹ các bài của mình. Người ta có thể viết một bài về chỗ chúng ta đang đứng như sau: khách sạn loại sang, những chiếc máy bay ném bom, đêm đang xuống. Bây giờ có đêm đâu, mỗi chữ là bao nhiêu đồng bạc. (Từ tít trên lầu cao, y như từ trên trời, những tiếng cười vang xuống: ai đó giống như Pyle đã dánh vỡ một chiếc cốc. Tiếng cười nói giống như tiếng mưa đá rơi xuống). Những ngọn đèn toả sáng trên những mỹ nữ và những anh hùng, Uynkinx đọc câu thơ của Bảiơn với một vẻ ác ý. Chiều nay anh làm gì, Fowler? Anh có đi chén với tôi không?

– Tôi sắp đi ăn cơm tối, anh có hiểu không, ở quán Cối xay cổ.

– Tôi chúc anh thật vui: Grand sẽ có mặt ở đó. Họ cần quảng cáo rùm beng nhân dịp những “dạ hội Grand”. Có những người thích những buổi nhạc ồn ào!

Tôi chào từ biệt anh ta và vào rạp chiếu bóng. Erron Fline hay là Tiron Power (khi họ mặc áo may ô bó sát người thì tôi không thể phân biệt được ai với ai) đánh đu trên những sợi dây thừng, nhảy từ ban công cao xuống và tót lên những con ngựa không yên cương trong ánh bình minh của phim mầu. Anh ta cứu một cô gái, giết chết kẻ thù, còn chính anh thì như có phép thần che chở không sao chết được. Ðó là một cuốn phim gọi là phim cho thanh niên; nhưng nếu dựnh cái cảnh Erdip 2 từ lâu đài Teber của mình chạy ra, hai mắt bị chọc mù đang ứa máu, thì còn có tác dụng hơn trong việc chuẩn bị cho họ sống trong cuộc đời hiện tại. Không có cuộc đời của ai được một phép màu che trở mãi. Pyle đã gặp may ở Phát Diệm và trên đường đi Tây Ninh, nhưng cái số đỏ không bền được mãi, và chỉ trong hai giờ nữa, người ta sẽ biết phép đã hết màu rồi. Một người lính Pháp ngồi gần tôi, tay để lên đầu gối của một cô gái, và tôi ao ước được có sự đơn giản của anh ta trong hạnh phúc cũng như trong đơn chiếc. Không chờ hết phim, tôi thuê một xe tay và bảo kéo tới quán Cối xay cổ.

Tiệm ăn chung quanh có lưới sắt chống lựu đạn và hai người cảnh sát võ trang gác lối vào cầu. Chủ tiệm, béo phệ vì hưởng mãi những món ăn nhiều chất bổ của chính vùng quê Boocginon của ông ta đích thân ra dẫn tôi qua hàng rào lưới thép vào nhà. Trong bầu không khí buổi tối oi bức, mùi gà sống thiến quay với bơ thấm vào mọi thứ trong khách sạn.

– Ông có phải cùng đám với ông Grand không? – Ông chủ hỏi.

– Không.

– Một suất ăn?

Chỉ đến lúc đó tôi mới nghĩ tới tương lai và tới những câu chất vấn mà có lẽ tôi phải trả lời.

– Một suất, – tôi đáp, – và như vậy gần như tôi công bố to lên rằng Pyle đã chết rồi.

Quán ăn chỉ có một phòng, phía trong cùng Grand và những khách của hắn mời chiếm một cái bàn lớn. Ông chủ dành cho tôi một bàn nhỏ kề ngay với hàng lưới. Kính đã được cất đi, sợ khi vỡ sẽ bắn ra nhiều mảnh vụn. Nhận thấy mấy người quen trong đám bạn của Grand, tôi chào họ trước khi ngồi. Còn Grand thì quay nhìn phía khác. Từ mấy tháng nay, tôi không gặp Grand, trừ có một bận, kể từ tối mà Pyle mê Phượng. Có lẽ một lời nói xúc phạm của tôi tối hôm đó đã xuyên qua những đám mây mù của cơn say rượu lọt vào tận tai hắn vì hắn cau có chủ trì bữa tiệc, trong khi bà Depre, phu nhân của viên sĩ quan phụ trách công việc giao tế và đại uý Ðuypác phụ trách ban thông tin của Sở báo chí gật đầu với vẻ tán thưởng. Còn có mặt một người to béo làm nghề chủ khách sạn ở Phnôm Pênh thì phải, một cô đầm trẻ tôi chưa hề gặp, và vài ba người mà tôi chỉ thoáng nom thấy mặt ở các phòng nhẩy. Hôm nay có lẽ là hôm duy nhất bữa tiệc lại không nhộn nhạo.

Tôi gọi một cốc rượu, nói vì tôi muốn chờ (nhỡ Pyle đến được)… Có khi một việc định làm lại bị cản trở, và chừng nào tôi chưa bắt đầu ăn, thì hình như còn thì giờ để chờ đợi. Rồi tôi lại tự hỏi xem mình mong đợi điều gì. Mong sự may mắn cho bọn OSS nếu quả đó là tên gọi của tổ chức của Pyle? Mong cho bom làm bằng chất nổ dẻo và tướng Thế sống mãi? Hay là mong (tôi, một con người giữa mọi người) điều kỳ lạ là ông Heng phát minh ra một cách thuyết phục không phải là cái chết? Nếu cả hai chúng tôi cùng thiệt mạng trên đường đi Tây Ninh thì có phải tiện biết mấy không? Tôi chậm rãi uống cốc rượu hồi, mất những hai mươi phút, rồi bắt đầu ăn. Gần chín giờ rưỡu rồi. Chắc hắn không tới.

Tuy không chủ tâm, tôi vẫn cứ lắng tai: để chờ nghe thấy gì? Một tiếng kêu? Một tiếng nổ? Tiếng cảnh binh chạy trên cầu? Nhưng chắc là không nghe được gì, vì những vị khách của Grand đã bắt đầu náo nhiệt. Ông chủ quán, tuy hát không thạo, nhưng tiếng dễ nghe, bắt đầu hát, và khi một chiếc nút chai rượu sâm banh mới đưa thêm ra nổ giòn, thì nhiều người hoà tiếng cùng ông, nhưng Grand thì không. Hắn đứng im, mắt đỏ ngầu nhìn tôi từ phía đầu phòng, một cách hăm doạ. Tôi tự hỏi có lẽ hai người sắp đánh nhau chăng. Tôi không đủ sức để chọi với Grand.
Họ hát một bài hát trữ tình, và trong khi tôi ngắm một cách thiếu hứng thú khẩu phần bé nhỏ được mang tên “Gà thiến kiểu quận công Sáclơ” thì tôi nghĩ tới Phượng, lần đầu tiên kể từ khi biết cô được an toàn lành lặn.

Tôi nhớ lại lúc Pyle ngồi trên mặt đất chờ quân Việt Minh tới, Pyle nói: “Cô ta tươi mát như một bông hoa”. Và tôi đã đáp lại bằng một kiểu nói quá trớn: “Hoa khốn khổ, khốn nạn”. Và bây giờ cô chẳng còn được xem phong cảnh Hoa Kỳ và không bao giờ được biết những bí mật của lôí chơi bài Canarta nữa. Có lẽ cô không bao giờ được hưởng sự an toàn nữa: với tôi, tôi có gì là kém giá trị so với hai người nằm tại quảng trường? Ðau khổ nhiều không phải là do nhiều người đau khổ: một tấm thân thôi có thể chứa đựng tất cả đau khổ trên thế gian này. Tôi đã phán xét theo kiểu một nhà báo, đánh giá bằng số lượng, và tôi đã phản lại những nguyên tắc của chính tôi; từ nay trở đi tôi cũng đã đứng hẳn về một phía như Pyle, và tôi thấy hình như không có một sự quyết định nào lại đơn giản cả. Nhìn đồng hồ, tôi thấy đã gần mười giờ kém mười lăm. Có lẽ hắn ta vẫn có thể bị công việc giữ lại ở bàn giấy; có lẽ Thượng đế mà hắn tin đã phù hộ hắn, và lúc này hắn đang phải ngồi trước bàn tại Lãnh sự quán, mải miết và chật vật đọc một bức điện viết bằng mật mã; một lát nữa hắn sẽ leo, bốn bậc một, cầu thang lên phòng tôi ở phố Catina. Nếu sự việc xảy ra như thế thì tôi sẽ nói lại tất cả cho hắn biết.

Bỗng nhiên Grand đứng lên, ra khỏi bàn và đi tới gần tôi. hắn không nom thấy cả chiếc ghế ngang đường, vấp phải nó và chống tay vào mép bàn tôi đẻ gượng lại được.

– Ði ra ngoài kia đi, Fowler.

Tôi đặt tiền trả bữa cơm bên cạnh đĩa và đi theo hắn. Tôi không muốn đánh nhau với hắn, nhưng vào lúc này, dù hắn có đánh tôi nhừ tử, tôi cũng mặc kệ. Chúng ta có quá ít những biện pháp để làm vợi cảm giác tội lỗi của mình.

Grand tựa vào thành cầu và từ xa, hai người cảnh sát nhìn hắn.

– Tôi có chuyện cần nói với anh, Fowler, – hắn nói.

Tôi tiến lại đúng tầm tay hắn và chờ đợi. Hắn không làm một cử động nào. Người ta tưởng hắn là một pho tượng tượng trưng cho tất cả những thứ mà tôi tin rằng tôi rất ghét trong cái quốc gia Hoa Kỳ của hắn; hắn cũng có những nét vụng về, vô nghĩa như tượng thần Tự do.

– Anh tưởng tôi say ư? – hắn nói, người vẫn không động đậy. – Anh lầm đấy.

– Có điều gì thế. Grand?

– Tôi cần nói với anh, Fowler. Tối nay tôi không thể ngồi cùng với những tên lính dù kia. Tôi không ưa anh, nhưng vì anh nói tiếng Anh. Một kiểu tiếng Anh nào đó.

Hắn ta vẫn tựa vào thành cầu, to sù và không ra hình thù gì trong bóng đêm, giống như một lục địa chưa được thám hiểm.

– Anh muốn gì?

– Tôi không yêu những người Anh. Tôi không hiểu sao Pyle lại có thể ưa anh được. Có lẽ vì hắn là người Boston. Tôi, ở Piberk và tự hào về điều đó.

– Tại sao lại không tự hào?

– Ðược. Anh bắt đầu rồi đấy! (hắn nhại tôi nhưng không thành công). Các anh nói như chó con sủa vậy. Thế mà lại còn loè bịp đấy. Anh tưởng cái gì anh cũng biết.

– Xin chào, Grand. Tôi có một cuộc hẹn.

– Ðừng bỏ đi, Fowler. Hãy tốt bụng một tí. Tôi không sao chịu được bọn lính dù kia.

– Anh say rồi.

– Tôi chỉ mới uống hai cốc sâm banh thôi. Nhưng ở vào địa vị tôi, anh cũng say thôi: tôi phải ra miền Bắc.

– Thế rồi sao?

– Ồ, TÔI CHƯA NÓI ANH NGHE! Tôi cứ tưởng mọi người đều đã biết. Sáng tôi nhận được một bức điện của vợ.

– Thế ư?

– Con trai tôi mắc bệnh bại liệt trẻ em, nặng lắm.

– Xin chia buồn.

– Ðừng có giả tạo. Có phải con anh đâu.

– Anh sẽ về nước bằng máy bay.

– Không thể về được. Họ muốn có một bài về một cuộc tảo thanh quái quỷ gì ở gần Hà Nội, và Conolive lại ốm (Conolive là người trợ tá của hắn).

– Chia buồn Grand. Tôi có thể làm gì hộ anh?

– Chiều nay là ngày kỷ niệm của cháu. Ðúng mười giờ rưỡi hôm nay, giờ Hoa Kỳ, nó được tám tuổi, bởi thế tôi đã đặt một bữa tiệc có cả sâm banh… đặt trước khi hay tin. Fowler, tôi cần nói chuyện này với một người nào đó mà tôi lại không thể thổ lộ với những tên lính dù kia.

– Thày thuốc hiện nay chữa được bại liệt.

– Nó tàn tật cũng được, Fowler. Miễn là nó sống. Tôi mà tàn tật thì tôi là đồ bỏ đi thôi, nhưng thằng bé thông minh. Anh có biết khi thằng khốn kia hát khúc tình ca thì tôi làm gì không? Tôi cầu nguyện. Tôi nghĩ nếu Thượng đế muốn lấy đi một sinh mạng thì xin lấy đi mạng của tôi.

– Anh tin ở trời ư?

– Muốn tin lắm.

Hắn đưa tay lên mặt, như thể hắn đau đầu, nhưng thật ra để tôi không thấy rằng hắn chùi nước mắt.

– Tôi mà ở vào hoàn cảnh anh thì tôi uống cho thật say.

– Tôi nói với hắn như vậy.

– Ồ, KHÔNG, TÔI KHÔNG CẦN giữ đầu óc cho thật sáng suốt. Tôi không thể sống nổi nếu sau này nghĩ lại rằng đêm hôm con tôi chết, thì mình say như một tên ngu. Và còn vợ tôi? Làm sao bà ấy uống được?

– Anh không thể báo cho đồng nghiệp của anh biết ư…?

– Conolive không ốm đâu. Thằng cha ấy đi Singapore theo một con “mèo” . Tôi cần viết thay cả cho hắn. Nếu người ta biết thì nó mất việc. (Hắn thu tấm thân không ra hình thù gì của hắn lại): Xin lỗi vì đã lưu anh lại, anh Fowler. Vì tôi nhất thiết phải nói với một người nào đó. Bây giờ phải vào trong nhà nâng cốc đây. Thật là kỳ khôi là tôi lại gặp đúng anh, con người mà tôi ghét như dịch hạch.

– Tôi có thể viết tin cho anh. Tôi sẽ mạo danh Conolive.

– Anh không viết được đúng giọng đâu.

– Tôi không ghét anh, anh Grand, trước tôi đã nhắm mắt không nhìn thấy khối việc…

– Ồ, TÔI VỚI ANH NHƯ CHÓ với mèo vậy. Cám ơn lòng tốt của anh.

Tôi có khác gì Pyle không? Tôi tự hỏi. Tôi có cần tự bắt mình dẫm chân vào vũng máu của cuộc đời rồi mới được thấy nỗi đau trên đời không? Grand trở vào phòng, và tôi nghe thấy tiếng hoan nghênh hắn. Tôi tìm một chiếc xíchlô đưa tôi về nhà. Nhà không có ai, tôi ngồi và chờ tới giữa đêm. Tôi đi ra đường, và gặp Phượng.

– Tối nay Vigo có tới thăm anh không? – Phượng hỏi.

– Có. Anh ta vừa về được mười lăm phút. Phim có hay không?

Cô ta đã bày khay ra ở trong buồng và đang thắp đèn.

– Một câu chuyện rất buồn, – cô nói. – Nhưng màu thì thật đẹp đến mê hồn. Ông Vigo muốn cái gì?

– Muốn đặt ra vài câu hỏi.

– Về vấn đề gì?

– Về vấn đề này, vấn đề khác. Tôi tin rằng anh ta không trở lại quấy rầy mình nữa.

– Tôi thích những phim có hậu. – Phượng nói. – Sẵn sàng hút chưa nào?

– Rồi.

Tôi nằm ra giường và Phượng xoay xoay chiếc kim.

– Họ chặt đầu cô con gái, – Phượng nói.

– Làm ăn kiểu gì lạ thế?

– Ðó là trong thời Cách mạng Pháp.

– À RA THẾ LÀ MỘT PHIM LỊCH sử. Tôi hiểu rồi.

– Dù sao cũng buồn quá.

– Tôi thì chẳng hơi đâu mà buồn cho những nhân vật lịch sử.

– Còn người yêu của cô kia, anh ta trở về căn phòng tồi tàn của mình… khổ sở lắm, rồi viết một bài ca, vì anh ta, anh biết đấy, là một nhà thơ, và chẳng bao lâu những người chặt đầu cô vợ chưa cưới của anh ta lại đi hát bài hát của anh ta, bài Marceille đấy.

– Chuyện xem chừng không có vẻ đúng lịch sử lắm.

– Anh ta đứng hàng đầu đám đông, và trong khi mọi người hát thì anh ta nghe với một vẻ cay đắng, và khi anh ta cười thì người ta thấy cái cười của anh ta lại càng cay đắng hơn vì anh ta nghĩ đến cô ta. Tôi đã khóc hết bao nhiêu nước mắt, bà chị tôi cũng vậy.

– Bà chị cô à? Khó tin quá.

– Bà ấy thế mà rất dễ bị xúc động. Grand, cái anh khốn kiếp, cũng ở đó. Hắn say rượu và cười luôn miệng. Nhưng câu chuyện có gì là vui đâu, buồn lắm.

– Tôi hiểu Grand. Hắn cần mừng cho một việc: Con của hắn thoát chết rồi. Hôm nay ra khách sạn Côngtinăngtan, tôi nghe nói như vậy. Tôi cũng thích những chuyện có hậu.

Khi tôi đã hút được hai điếu thuốc, tôi ngả người ra đằng sau, gối lên chiếc gối da và đặt tay lên lòng Phượng.

– Cô có sung sướng không?

– Nhất định rồi, – cô thản nhiên trả lời.

Tôi hẳn không đáng cho cô trả lời một cách có suy nghĩ hơn.

– Tất cả mọi việc lại như ngày xưa,- tôi nói một cách giả dối. – Y như trước đây một năm.

– Vâng.

– Lâu nay cô không mua khăn quàng. Tại sao mai không ra cửa hiệu mà mua?

– Mai là ngày lễ.

– Ừ NHỈ. TÔI QUÊN.

– Anh còn quên cả mở bức điện ra xem, – cô nói.

– Chưa mở. Quên cả việc đó nữa. Tối nay không muốn nghĩ đến công việc. Muộn quá rồi, không kịp gửi điện đi nữa. Kể chuyện về cuốn phim nữa đi.

– Thế này nhé, anh chàng định tổ chức cho cô vượt ngục. Người ta đã gửi vào những quần áo đàn ông và một chiếc mũ vải giống như mũ các người coi ngục thường đội; nhưng khi qua hàng rào, tóc cô bỗng sổ ra và mọi người đều kêu to: “Một con mụ quý tộc”. Tôi cho rằng cuốn phim hỏng ở đoạn này. Ðáng lẽ phải để cô chốn thoát. Nếu vậy thì cả hai người đều kiếm ra được khối tiền nhờ những bài hát, và họ sẽ đi thật xa, sang Mỹ… hay sang Anh, – cô nói thêm với cái vẻ mà cô cho là láu lỉnh.

– Có lẽ cứ đọc bức điện xem sao. Miễn là, lạy trời, người ta đừng bắt mình phải ra miền Bắc. Tôi chỉ muốn nằm dài, bên cạnh em, Phượng ạ.

Phượng lấy bức điện kẹp giữa các lọ kem và đưa cho tôi.

Tôi mở ra và đọc: “Ðã nghĩ kỹ về bức điện của anh stop, đã có một quyết định phi lý như anh hy vọng, stop đã nhờ luật sư tiến hành thủ tục ly hôn với lý do anh bỏ gia đình, stop cầu trời phù hộ anh Hellen” .

– Mai anh phải đi à?

– Không. Tôi không phải đi. Ðọc xem này. Có người thích những câu chuyện có hậu.

Cô ta nhảy từ trên giường xuống.

– Thật tuyệt vời! Tôi phải đi báo bà chị biết. Bà sẽ sướng biết bao. Tôi sẽ bảo bà: “Chị có biết tôi là ai không? Là bà Fowler đấy nhé”.

Trước mặt tôi, trên giá sách, cuốn Vai trò phương Tây bật lên, tưởng như đó là bức ảnh, cỡ to như cuốn album, của một người trẻ tuổi tóc cắt kiểu lính thuỷ, sau gót có con chó đen. Từ nay hắn không còn làm hại cho ai nữa.

– Cô có nhớ anh ta lắm không?- Tôi hỏi Phượng.

– Nhớ ai?

– Pyle ấy.

Lạ thật, đến lúc này, ngay cả khi nói với Phượng, tôi cũng không gọi hắn bằng cái tên thánh được.

– Nếu anh bằng lòng thì tôi đến bà chị nhé. Tin vui lớn cho bà ta đấy.

– Cô đã gọi hắn trong khi ngủ.

– Tôi chẳng bao giờ nhớ lại mình mê thấy gì .

– Hai người có thể làm được bao nhiêu việc cùng nhau. Hắn ta còn thanh niên.

– Anh thì đã già đâu.

– Còn nhà chọc trời. Tượng thần Tự do.

Cô ngập ngừng nói với tôi:

– Tôi muốn được xem thung lũng Sedal.

– Ðẹp sao bằng thung lũng Colorado được .

Tôi kéo cô xuống giường:

– Tôi cũng tiếc đấy, Phượng ạ.

– Anh chẳng cần tiếc gì cả. Bức điện thật tuyệt vời. Chị tôi…

– Ừ THÌ ĐI BÁO CHO BÀ CHỊ biết đi. Nhưng hôn cái đã…

Trong lúc vội vã, cô chỉ để cặp môi lướt trên mặt tôi và chạy vội đi.

Tôi nhớ tới cái ngày đầu tiên mà Pyle, ngồi cạnh tôi ở khách sạn Côngtinăngtan, đã chăm chăm nhìn sang hiệu sữa bên kia đường. Từ khi hắn chết, tất cả mọi việc đều dễ dàng thuận lợi cho tôi, nhưng tôi vẫn tha thiết mong có một người tôi có thể tâm sự cho biết những nỗi nuối tiếc của tôi.

Hết