Menu Đóng

Chương 7

Hắn đứng dưới một bóng cây nhỏ cùng với viên thiếu tá và chẳng ai ngó ngàng gì đến chiếc xe cả. Câu chuyện giữa hai người hình như đã xong xuôi, không rõ họ bàn về việc gì, họ đứng im lặng và lúng túng trong sự lễ độ của họ. Tôi nhập bọn.

– Nào, tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải đi về. Phải về trước giờ giới nghiêm – Tôi nói.

– Anh thợ máy không tới.

– Hắn tới ngay bây giờ – Viên thiếu tá nói – Hắn vừa đi rước về.

– Anh có thể ngủ qua một đêm ở đây – Tôi nói – Người ta sắp làm một lễ mi-sa đặc biệt mà chắc anh sẽ thú vị, kéo dài tới ba giờ.

– Tôi cần phải về.

– Anh chỉ về kịp nếu khởi hành ngay.

Và tôi miễn cưỡng nói thêm:

– Mời anh lên xe tôi cùng đi, còn thiếu tá ngày mai sẽ đưa xe anh về Sài Gòn.

– Chừng nào còn trên địa phận Cao Ðài thì các anh không cần lo về giờ giới nghiêm – Viên thiếu tá nói với vẻ tự mãn. Nhưng, xa hơn. Tất nhiên, tôi sẽ cho đưa xe anh về.

– Với ống xả nguyên vẹn – Tôi nói.

Hắn ta trả lời tôi bằng một tiếng cười giòn, ngắn gọn vì tự đắc, một tiếng cười thu gọn lại theo kiểu nhà binh.

Khi chúng tôi khởi hành, đoàn xe đi trước đã cách khá xa.

Tôi cho xe chạy nhanh để đuổi kịp, khi chúng tôi chạy tới địa phận Hòa Hảo, phía đằng trước không còn thấy đám bụi to như đám mây nữa. Cảnh vật trải ra phía trước, bằng phẳng và vắng tanh trong buổi chiều tối.

Ðây chưa phải là quang cảnh khiến người ta liên hệ tới một cuộc phục kích, nhưng người phục kích vẫn có thể ngâm mình dưới ruộng lúa ngập nước tới tận cổ, chỉ cách đường vài mét.

Pyle hắng giọng và đấy là dấu hiệu của những chuyện tâm tình sắp sửa đưa ra trao đổi.

– Tôi hy vọng rằng Phượng vẫn khỏe – Hắn nói.

– Tôi chưa hề thấy cô ta ốm bao giờ.

Một tháp canh qua, tháp khác hiện ra, y như con số chỉ trọng lượng theo nhau xuất hiện trên bàn cân.

– Hôm qua, tôi gặp chị cô ta đang mua hàng.

– Chắc bà ta mời anh tới thăm hai chị em.

– Ðúng vậy, bà ta có mời.

– Bà ấy chưa thể buông trôi hy vọng của mình đâu.

– Hy vọng gì?

– Ðược thấy anh lấy Phượng.

– Bà ấy nói anh sắp về nước.

– Ðó là một tin đồn.

– Anh dùng lối xử sự thẳng thắn với tôi đấy chứ? Anh Thomas? – Pyle hỏi.

– Thẳng thắn!

– Tôi đã xin chuyển công tác. Tôi không muốn cô ta chẳng còn ai khi cả anh lẫn tôi cùng đi.

– Tôi tưởng anh sẽ ở hết nhiệm kỳ.

Nhưng không thương tiếc bản thân mình, Pyle nói:

– Tôi cảm thấy không chịu đựng nổi điều đó.

– Chừng nào anh đi?

– Không rõ. Họ cho rằng trong vòng 6 tháng sẽ thu xếp được việc đó.

– Anh chịu được thời gian 6 tháng à?

– Cũng phải chịu thôi.

– Anh đã viện ra những lý do gì?

– Tôi đã nói với tuỳ viên thương mại anh đã gặp hắn ta đấy: Jo ít nhiều cũng rõ sự tình.

– Tôi phỏng đoán rằng hắn ta đứng về phía anh đấy.

Máy xe của tôi khậm khặc, lẹt xẹt. Chắc nó dở chứng từ mấy phút rồi, nhưng tôi không chú ý vì trong đầu còn suy nghĩ về câu hỏi ngây thơ của Pyle: Anh có xử sự thẳng thắn không? Nhưng câu đó gắn với một thế giới tâm lý hết sức giản đơn, cái thế giới nơi người ta nói đến dân chủ và danh dự (viết bằng chữ hoa), nơi mà những chữ đó mang cái nghĩa như cha ông chúng ta đã gắn cho nó.

– Hết xăng rồi – Tôi nói.

– Hết xăng?

– Lúc nãy thừa chứ không phải thiếu. Tôi đã lấy đầy thật đầy, trước khi rời Sài Gòn. Những tên bất lương ở Tây Ninh đã dùng vòi hút trộm. Ðáng lẽ tôi phải kiểm tra trước khi về. Chính bọn họ đã chừa lại chỉ để đủ cho ta ra khỏi vùng của họ.

– Làm thế nào bây giờ?

– Vừa đủ để đi đến tháp canh gần nhất. Hy vọng ở đó họ có chút ít.

Nhưng vận rủi vẫn theo đuổi chúng tôi. Cách tháp 25 m, xe ngừng. Chúng tôi đi bộ khoảng cách còn lại và tôi dùng tiếng Pháp nói to lên rằng chúng tôi là bạn và muốn lên tháp. Tôi không muốn một tên lính gác Việt cho tôi ăn một viên đạn. Không có trả lời. Không có ai thò mũi ra.

– Anh có một khẩu súng ngắn phải không? – Tôi hỏi Pyle.

– Không bao giờ tôi mang theo.

– Tôi cũng vậy.

– Những mẩu hoàng hôn, xanh hay vàng ối như màu lúa, từ từ tắt trên đường viền của cánh đồng bằng phẳng. Trên nền trời xám nhạt, tháp canh bật lên với màu đen như trong một bức tranh in tay. Chắc đã sắp tới giờ giới nghiêm. Tôi lại gọi to lên, không có ai trả lời.

– Anh có biết là kể từ đồn binh cuối, chúng ta đã vượt qua bao nhiêu tháp canh không?

– Tôi không để ý.

– Tôi cũng vậy.

Chắc ít nhất cũng phải 6 cây số mới tới được đồn sau – khoảng 1 giờ đi bộ. Tôi gọi một lần nữa và sự im lặng lại lặp đi lặp lại như là câu trả lời.

– Y như tháp không có người vậy – Tôi nói – Tôi thử leo lên xem sao.

Lá cờ vàng có những sọc đỏ đã phai màu thành màu da cam chứng tỏ chúng tôi đã vượt khỏi khu Hòa Hảo và đang ở trong khu vực ở quân chính quyền Sài Gòn.

– Anh có tin rằng – Pyle nói – Nếu đứng chờ, chúng ta sẽ gặp một cái xe nào đó đi qua không?

– Có thể, nhưng những người khác sẽ tới trước.

– Hay tôi quay lại bật đèn pha? Ðể làm hiệu.

– Trời đất! Xin đừng động đến cái gì cả.

Ðêm đã xuống đến mức tôi vẫp mãi khi đi tìm chiếc thang lên lầu. Có cái gì kêu răng rắc dưới bước chân và tôi tưởng như những tiếng động nào đó lan ra khắp cánh đồng và lọt vào đôi tai nào đó. Tôi nhìn về phía Pyle nhưng không thấy rõ hình bóng hắn mà chỉ thấy một vệt mơ hồ bên đường. Ðêm xuống nhanh như một hòn đá khi rơi.

– Hãy đứng yên đó cho tới khi tôi gọi anh nhé – Tôi nói.

Tôi tự hỏi không rõ người gác có kéo chiếc thang lên theo mình không, nhưng không, nó đây rồi. Tất nhiên kẻ địch có thể dùng thang mà leo lên, nhưng chiếc thang cũng là cách độc nhất để trốn chạy. Tôi leo lên.

Tôi thường đọc trong sách thấy nói khi gặp cơn sợ hãi lớn, người ta nghĩ tới Thượng đế, tới gia đình, tới một người phụ nữ. Tôi bái phục sự bình tĩnh đó. Tôi thì chẳng nghĩ tới gì cả, kể cả cái cánh cửa sập trên đầu tôi. Trong mấy giây này, tôi như không tồn tại nữa. Tôi thành hiện thân của sự sợ hãi trong dạng nguyên sơ. Lên tới cao, tôi cộc đầu đau điếng, vì sợ nên không đếm nổi bậc thang, nghe hay nhìn gì hết. Sau cùng, tôi thò đầu lên khỏi sàn gác và không có ai nổ súng vào tôi, cái sợ thoát khỏi người tôi và bốc hơi bay đi mất.

Một ngọn đèn dầu thắp để trên sàn và hai người dựa vào tường, đang theo dõi tôi. Một người cầm khẩu tiểu liên Sten, người kia – một khẩu súng trường, họ vừa trải qua một cơn sợ hãi y như tôi vậy. Người ta tưởng như đó là hai cậu học trò, nhưng ở Việt Nam từ tuổi trẻ rơi vào tuổi già cũng đột ngột như từ ban ngày rơi vào ban đêm vậy, trẻ như thiếu niên đấy, nhưng bỗng nhiên trở thành những người luống tuổi. Tôi hài lòng vì màu da và dáng mắt tôi đã là giấy thông hành. Họ không bắn vào tôi, dù do sợ hãi cũng vậy.

Tôi vừa nhô hẳn người lên sàn, vừa nói để họ yên tâm. Tôi giảng cho họ hiểu là xe hơi của tôi ở ngoài kia và tôi hết xăng. May ra họ có và để lại cho tôi một ít. Nhưng nếu họ có thì họ để đâu nhỉ? Khi nhìn quanh quất, tôi thấy rõ là điều này khó mà có được. Trong cái gác hình tròn này không có gì ngoài hòm đạn tiểu liên, một cái giường gỗ và hai gói gì treo vào một cái đinh. Hai cà-mèn đựng cơm ăn dở với những đôi đũa chứng tỏ họ ăn chẳng ngon miệng lắm.

– Ðủ để tới đồn binh gần nhất thôi – Tôi nói thêm.

Một người tựa lưng vào tường, người giữ khẩu súng dài, lắc đầu.

– Nếu các anh không kiếm được, chúng tôi bắt buộc phải ngủ đem ở đây.

– Ðiều đó thì cấm đấy.

– Ai cấm?

– Vì các ông là dân thường.

– Chẳng ai bắt được chúng tôi ở ngoài đường để người ta cắt họng đi.

– Các ông là người Pháp à?

Chỉ có một trong hai người nói. Người kia ngồi bất động, đầu quay nghiêng, nhìn qua một cái lỗ đục ở tường. Qua lỗ, anh ta chỉ có thể nhìn nổi một khoảng trời to như một chiếc bưu ảnh, anh ta lại có vẻ dỏng tai nghe và tôi cũng lắng tai nghe nốt. Sự im lặng như chứa đầy những tiếng động nhỏ, những tiếng động không rõ là cái gì – tiếng răng rắc, tiếng xào xạo, tiếng sượt nhẹ, tiếng giống như tiếng ho, rồi là tiếng rì rào. Lúc này tôi nghe tiếng Pyle – chắc hắn tới được chân chiếc thang.

– Tốt cả chứ, anh Thomas?

– Lên đi – Tôi nói to.

Hắn lên thang và người lính từ nãy vẫn im lặng rê khẩu súng ra chỗ khác, tôi cho rằng anh ta không hiểu chúng tôi nói gì và hơi giật mình vì khó chịu. Bằng giọng sẵng của một anh đội trưởng, tôi ra lệnh: “ặt súng xuống” và thêm lệnh đó mấy tiếng Pháp tục tĩu mà tôi cho rằng anh ta thế nào cũng hiểu. Anh lính tuân lệnh tôi như một cái máy. Pyle vào trong phòng.

– Người ta mời chúng ta chia sẻ sự an toàn ở đây cho tới sáng – Tôi nói.

– Tuyệt nhỉ – Pyle nói. (Giọng hắn biểu lộ đôi sự băn khoăn). Không rõ một trong hai tên khỉ đột này có canh gác không?

– Họ không muốn biến họ thành những mục tiêu cho súng. Tôi tiếc rằng anh không mang cái gì uống nặng hơn nước chanh.

– Thôi, để lần sau tôi sẽ mang.

– Chúng ta sẽ phải trải qua một đêm dài.

Bây giờ, khi Pyle đã lên với chúng tôi, tôi không nghe thấy những tiếng động nữa. Ngay đến hai người lính cũng có vẻ thoải mái hơn.

– Nếu Việt Minh tấn công họ thì tình hình sẽ ra sao? – Pyle hỏi.

– Họ bắn một phát súng rồi chuồn. Ngày nào người ta chẳng đọc được những tin này trên tờ “Viễn Ðông”, “Phía Tây Nam Sài Gòn, một bốt gác đêm qua đã bị Việt Minh tạm chiếm”.

– Cái viễn cảnh này thật không thú vị chút nào.

– Từ đây về Sài Gòn có bốn chục chiếc tháp canh như thế này, có thể là chiếc bên cạnh sẽ bị ăn đòn.

– Bây giờ bánh sandwich của tôi có tác dụng đây – Pyle nói – Tôi nghĩ một trong hai người này phải ra canh gác.

– Họ sợ có một viên đạn rình họ.

Thấy chúng tôi cũng ngồi xệp trên sàn, những người Việt Nam có vẻ bớt cứng nhắc đi. Tôi thấy có thiện cảm với họ, thật không phải là một việc dễ dàng gì đối với hai người không được luyện tập tốt, đêm này qua đêm khác, ngồi ở đó, luôn luôn chờ Việt Minh luồn qua cánh đồng lên tận đường cái.

– Anh có cho rằng họ đang chiến đầu vì nền dân chủ không? – Tôi hỏi Pyle – Chúng ta sẽ phải mang York Hardin tới giảng cho họ.

– Anh bao giờ cũng nhạo báng York.

– Tôi nhạo tất cả những kẻ phí thì giờ để viết về những điều không có trong sự thật, viết về những khái niệm hoàn toàn trí tuệ suông.

– Anh ta có khái niệm đó. Còn anh có được khái niệm gì tương tự không? Như về Thượng đế chẳng hạn?

– Tôi chẳng có lý do gì để tin rằng có Thượng đế. Còn anh?

– Tôi ấy ư, có chứ! Tôi là người theo duy nhất thần giáo.

– Không biết con người đã tin ở mấy triệu thần thánh? Này nhé, ngay đến một người theo đạo Thiên chúa La Mã khi gặp đói khát hay sợ hãi, cũng sung sướng có một vị chúa khác để mà tin.

– Có lẽ Chúa Trời bao la đến nỗi hiện ra trước mắt mỗi người như là một vị chúa khác vậy.

– Như Phật Bà ở Bangkok, lớn quá, ta không thể nhìn thấy cả người. Nhưng ít nhất Bà cũng ở yên.

– Tôi cho rằng, anh chỉ tỏ ra vẻ là một người hùng – Pyle nói – Tôi chắc rằng anh phải tin ở một cái gì đó. Không ai có thể sống mà không tin, bất kỳ đó là niềm tin nào.

– Tôi không phải là một người duy tâm theo kiểu Berkely. Tôi tin rằng lưng tôi đang tựa vào tường. Tôi tin rằng phía đằng kia là một khẩu súng Sten.

– Tôi không muốn nói tới những điều đó.

– Tôi tin cả ở những điều tôi viết trong các bức điện gửi đi và đa số các phóng viên của các anh không thể nói được như vậy.

– Làm một điếu thuốc lá chăng?

– Tôi không hút chỉ hút thuốc phiện. Anh mời những người lính kia hút. Giữ quan hệ tốt với họ, đó cũng là điều cần đấy.

Pyle đứng lên, châm thuốc mời họ hút và trở lại với tôi.

– Rất tiếc thuốc lá không có nghĩa hữu nghị tượng trưng như hạt muối – Tôi nói.

– Anh không tin ở họ sao?

– Không có người sĩ quan Pháp nào lại ưng một mình ngủ đêm trong tháp canh với hai lính gác sợ hãi đến phát điên lên. Người ta đã biết có những nhóm lính nộp sĩ quan cho địch. Có khi Việt Minh đạt kết quả tốt bằng một chiếc loa gọi hàng hơn là một khẩu bazoka. Tôi cũng không hề trách họ. Họ cũng không tin ở cái gì cả. Các anh và những người tương tự cố tiến hành một cuộc chiến bằng những người lại không thiết tha gì đến cuộc chiến đó.

– Họ không ưa chủ nghĩa cộng sản.

– Họ muốn có bát cơm đầy – Tôi nói – Họ không muốn ăn đạn. Họ muốn ngày mai cũng giống như ngày hôm nay. Họ không muốn những người da trắng chúng ta xen vào dạy họ muốn điều gì.

– Nếu Ðông Dương mất vào tay.

– Tôi hiểu cái điệp khúc này rồi: nước Xiêm sẽ mất Malaysia sẽ mất, Nam Dương sẽ mất. Mất nghĩa là gì? Nếu tôi tin có trời, thì tôi sẽ đánh cuộc cây đàn thần của tôi lấy chiếc mũ miện dát vàng của anh, rằng năm trăm năm sau có lẽ New York và London không còn tồn tại nữa, nhưng ở đây, trên những cánh đồng này, những người đội nón lá vẫn cấy lúa, vẫn gánh hàng ra chợ. Trẻ con của họ vẫn cưỡi trên lưng những con trâu. Tôi yêu những con trâu, chúng không thích hơi người chúng ta, hơi người châu Âu. Và xin anh đừng quên vội, dưới mũi trâu, anh cũng cũng là người châu Âu thôi.

– Họ bắt buộc phải tin ở những điều người ta nói cho họ nghe. Họ không có quyền tự do suy nghĩ.

– Suy tư là một thứ xa xỉ phẩm. Anh tin rằng người nông dân đêm về chui vào túp lều tranh để suy tư về Thượng đế và dân chủ?

– Anh nói như trong cái nước này chỉ có những người nông dân. Thế còn những người được học hành, họ sướng hay khổ?

– Không. Họ được chúng ta giáo dục theo những quan điểm của chúng ta. Chúng ta dạy họ chơi những trò chơi nguy hiểm, chính vì thế mà chúng ta ngồi chờ ở đây cho đến khi người ta đến cắt cổ. Chúng ta thật đáng để được cắt cổ lắm. Tôi tiếc rằng ông bạn York của anh không có mặt ở đây với chúng ta. Tôi tự hỏi xem ông ta có khoái về cái cảnh này không?

– York Hardin là một người can đảm. Xem như khi ở Triều Tiên.

– Ông ta không phải là lính phải không? Ông ta có vé máy bay khứ hồi. Khi có một chiếc vé như vậy trong túi thì sự can đảm chẳng qua chỉ là một bài tập về mặt trí tuệ, như một tu sĩ đánh roi theo tông phái của hắn ta. Không rõ tôi chịu đựng được tới bao giờ những người như vậy? Còn những người khốn khổ như những người này không thể nhảy lên một máy bay để rông về nước. Này, hai anh bạn, tên các anh là gì?

Tôi tưởng chừng như việc biết tên họ là một cách kéo họ vào cuộc tranh luận giữa chúng tôi. Họ không trả lời: Họ chỉ hằm hè nhìn chúng tôi qua làn khói của điếu thuốc gần tàn.

– Họ tưởng chúng ta là người Pháp – Tôi nói.

– Chính thế – Pyle nói – Anh không nên trách York, mà nên trách những người Pháp, với cái chủ nghĩa thực dân của họ.

– Xin đừng nói nhiều đến các chủ nghĩa này nọ. Tôi muốn những việc thật. Một chủ đồn điền cao su đánh thợ, đúng, tôi chống lại anh ta. Khi đánh thợ, anh ta không nhận được mệnh lệnh nào của ông bộ trưởng thuộc địa của anh ta. Nếu anh ta ở Pháp, tôi tin rằng anh ta sẽ đánh vợ. Tôi đã thấy một tu sĩ nghèo đến nỗi ngoài chiếc quần ra, không có lấy một cái gì, làm việc mười lăm giờ một ngày, đi từ lều này sang lều khác giữa một cơn dịch tả, chỉ ăn cơm với cá mắm, làm lễ mi-sa với chiếc chén cũ, một cái tô bằng gỗ. Tôi không tin ở chúa trời, nhưng tôi rất phục vị tu sĩ này. Tại sao anh không gọi đó là chủ nghĩa thực dân?

– Nhưng đó cũng là chủ nghĩa thực dân đấy. York đã nói rằng nhiều khi những quan cai trị tốt lại làm khó khăn cho việc cải cách một chế độ tồi tệ.

– Dù sao đi nữa, những người Pháp vẫn đang phải bỏ mạng hằng ngày, đó không phải một quan niệm về trí tuệ. Họ không lừa dối những con người này bằng lời nửa thật nửa dối trá như những nhà chính trị của các anh hay của CHÚNG TÔI. ANH PYLE NÀY, TÔI ĐÃ Ở Ấn Ðộ và tôi hiểu những tai hại mà những người cấp tiến gây ra. Chúng tôi không có đảng cấp tiến, chủ nghĩa cấp tiến đã nhiễm vào tất cả các đảng khác. Chúng tôi hoặc là những bảo thủ cấp tiến, hoặc là những người xã hội cấp tiến, lương tâm chúng tôi rất trong sạch. Tôi ưng làm một kẻ bóc lột, chiến đấu cho sự bóc lột và sống chết với nó, hơn là làm người cấp tiến. Anh xem điều gì đã xảy ra ở Miến Ðiện? Chúng tôi đã xâm lược nước này, những bộ tộc địa phương ủng hộ tôi, chúng tôi đã thắng trận, nhưng cũng giống người Mỹ các anh, chúng tôi lúc đó không tự cho MÌNH LÀ NHỮNG KẺ THỰC DÂN. À, nhưng mà! Chúng tôi giảng hòa với nhà vua, trả lại đất đai và bỏ mặc đồng minh, mặc cho họ đóng đinh câu rút hay bị cưa làm đôi. Họ là những người ngây thơ. Họ tưởng chúng tôi sẽ ở lại. Nhưng chúng tôi cũng là những người cấp tiến và chúng tôi không muốn lương tâm bị day dứt.