Menu Đóng

Chương 9

– Cái chết ư?

– Ðó cũng là một kiểu chết. Rồi sau tôi sang phương Ðông.

– Và anh đã gặp Phượng?

– Phải.

– Thế sống với Phượng, anh có ý nghĩ tương tự không?

– Không. Thế này nhé, người kia thì yêu tôi. Tôi sợ mất cái tình yêu đó. Bây giờ tôi chỉ sợ mất Phượng thôi.

“Sao tôi lại nói như vậy nhỉ? – Tôi tự hỏi – Pyle không hề cần đến tôi động viên anh ta”.

– Nhưng Phượng cũng yêu anh, phải không?

– Yêu theo một kiểu khác. Bản chất cô ta khác. Anh sẽ nhận ra thôi. Nếu nói rằng những người như cô ta chỉ là những đứa trẻ con, thì cũng là dùng một hình ảnh rập khuôn thôi, nhưng quả thực là ở họ có những mặt rất ấu trĩ. Họ đem lòng yêu mến anh để đền đáp lại sự đôn hậu, sự an toàn và những món quà anh đem lại cho họ. Họ ghét anh khi anh có một cử chỉ vũ phu hay bất công đối với họ. Họ không hiểu rằng người ta có thể vào một căn nhà và yêu một người chưa quen biết. Pyle này, khi đã là một người luống tuổi, điều này làm ta yên tâm: Cô ta không bao giờ lìa nhà ta khi cái nhà đó còn là cái nhà ấm cúng.

Tôi không có ý định làm Pyle đau khổ. Chỉ khi nghe hắn nói bằng giọng nghẹn ngào và bực bõ, tôi mới biết tôi đã làm hắn đau đớn như thế nào.

– Cô ta có thể thích hơn, nếu được an toàn hơn hay đối đãi tử tế hơn.

– Có lẽ.

– Anh không sợ điều đó ư?

– Không sợ bằng sợ tình huống đã xảy ra.

– Thực ra anh có yêu cô ta không?

– Có chứ, Pyle, có chứ. Nhưng yêu như yêu con người kia thì tôi yêu chỉ một lần.

– Tuy biết đến bốn mươi người – Hắn nghiêm khắc nói.

– Chắc chắn là con số đó còn dưới con số trung bình đã được nêu trong báo cáo của Kinsey. Anh xem, Pyle này, phụ nữ không cần con trai tân đâu. Tôi cũng không chắc chúng ta thích những người phụ nữ còn trinh, trừ phi ta thuộc về loại người mắc một kiểu bệnh tinh thần nào đó.

– Tôi có nói với anh rằng tôi là trai tân đâu?

Kiểu nói chuyện giữa tôi và Pyle thường cứ chất chưởng như vậy. Phải chăng vì hắn thật thà quá mà câu chuyện hay bị lệch hướng? Cứ như mỗi khi gặp khúc ngoặt thì chiếc xe lại va quệt vậy.

– Có thể biết tới một trăm người đàn bà mà vẫn là trai tân. Trong chiến tranh, phần lớn những G.I của các anh bị treo cổ vì tội hiếp dâm là những người trai tân. ở châu Âu chúng tôi không đến nỗi như thế. May quá. Họ đã gây ra biết bao tai hại.

– Tôi không hiểu nổi anh, anh Thomas ạ.

– Ðiều đó chẳng đáng để giải thích thêm cho anh. Vả lại vấn đề nhức đầu lắm. Tôi đã đến tuổi mà những câu chuyện quan hệ nam nữ không quan trọng bằng các vấn đề cái già và cái chết. Buổi sáng khi tỉnh giấc, đầu óc tôi bận rộn về những vấn đề đó hơn là hình hài một người phụ nữ. Tất cả điều tôi mong muốn là không phải sống lẻ loi trong mười năm cuối cùng của đời mình. Không mong điều gì khác. Cả ngày tôi sẽ không biết nghĩ đến việc gì. Tôi muốn có một người đàn bà bên cạnh, trong cùng gian phòng với tôi& dù đó là một người mà tôi không yêu. Nhưng nếu Phượng lìa bỏ tôi, không hiểu tôi có nghị lực đi tìm một người khác không?

– Nếu cô ta chỉ là thế thôi đối với anh.

– Chỉ là thế? Pyle! Anh hãy chờ cho đến khi phải sợ hãi cuộc sống cô đơn mười năm và sau đó là vào nhà dưỡng lão. Rồi anh chạy đi tứ phương, chạy trốn cả con người mặc áo ngủ màu đỏ, để tìm được một người, bất kỳ ai, miễn là ở với anh đến cùng.

– Thế tại sao anh không trở lại với vợ anh?

– Không dễ sống với người mà mình đã làm cho đau khổ.

Một băng dài Sten nổ vang, chắc chỉ gần chưa đến 2 km. Có lẽ một người lính gác hoảng hốt đã nã vào một bóng đen. Có lẽ một cuộc tấn công mới bắt đầu. Tôi hy vọng đó là một cuộc tấn công: như vậy, vận may của chúng tôi lại được tăng lên.
– Anh có sợ không anh Thomas?

– Sợ quá đi chứ. Sợ với tất cả bản năng của tôi. Nhưng lý trí của tôi lại bảo chết kiểu này lại là hay. Chính vì thế mà tôi đã tới phương ông. ở đây cái chết lúc nào cũng ở cạnh anh. (Tôi nhìn đồng hồ. Hơn mười một giờ. Chỉ còn tám giờ nữa là thoải mái được rồi). Tôi cho rằng – Tôi nói tiếp – Chúng ta đã nói về tất cả các vấn đề, trừ Thượng đế. Phải dành vấn đề đó cho những lúc thanh vắng giữa đêm như thế này.

– Tôi có cảm tưởng như anh không tin ở Người.

– Không.

– Ðối với tôi, gắn mỗi việc vào ông trời thật là vô nghĩa.

– Khi xưa tôi đã học.

– Tôi không bao giờ biết Pyle đã đọc sách gì (Tôi đoán rằng không phải York Hardin hay Shakespeare, hay tuyển tập thơ của các thi sĩ đương đại, hay sinh lý trong kết hôn có lẽ thắng lợi của cuộc sống). Một tiếng gọi ùa vào tháp canh và như bùng nổ ngay cạnh chúng tôi, nó như từ trong bóng tối, gần cái cửa sập bay lên một thứ tiếng ồ ồ của một cái loa nói điều gì bằng tiếng Việt.

– Ðến lượt chúng mình rồi đó! – Tôi nói.

Hai người lính mặt quay về phía lỗ châu mai, há hốc miệng ra nghe.

– Gì thế nhỉ? – Pyle hỏi.

Khi đi qua gian phòng để ngó qua lỗ châu mai ra ngoài, tôi có cảm tưởng như tôi đang đi xuyên qua tiếng gì đó. Bên ngoài tối mịt không nom thấy gì. Tôi không nhìn thấy cả con đường và khi quay nhìn lại, tôi thấy khẩu súng trường đang chĩa thẳng, không hiểu vào tôi hay vào lỗ châu mai. Tuy nhiên, khi tôi đi men theo tường lần đi thì khẩu súng động đậy, lưỡng lự rồi chĩa vào tôi, tiếng nói bên ngoài vẫn nhắc đi nhắc lại những lời ban nãy. Tôi ngồi, nòng súng chúc xuống.

– Họ nói gì thế? – Pyle hỏi.

– Không hiểu. Tôi cho rằng họ thấy chiếc xe họ ra lệnh cho hai người lính phải trao cho họ, nếu không thì ăn đòn: Anh cầm khẩu súng lên, trước khi những người lính quyết định một điều gì.

– Nó bắn đấy.

– Chưa chắc. Khi nó đã quyết thì đằng nào nó cũng sẽ bắn.

Pyle nhấc chân lên và khẩu tiểu liên lộ ra.

– Bây giờ tôi men vào tường – Tôi nói – Nếu mắt nó nhìn theo tôi thì anh giơ súng ngắm nó.

Khi tôi đứng lên thì tiếng nói im bặt: chính sự im lặng lại làm tôi giật mình. Pyle quát gọn: “Bỏ súng xuống”. Tôi chưa kịp nghĩ xem khẩu Sten được lên đạn chưa (lúc này tôi cũng không thèm kiểm tra) thì người lính đã quẳng súng xuống.

Tôi đi ngang qua căn phòng và nhặt lấy. Lúc đó tiếng gọi lại vang lên. Tôi cảm thấy như người ta nhắc lại những âm tiết ban nãy. Có lẽ họ dùng một cái đĩa hát chăng? Tôi tự hỏi đến lúc nào thì tối hậu thư đó được chấm dứt.

– Và bây giờ thì điều gì sẽ xảy ra? – Pyle nói như một chú học sinh theo dõi một việc làm trong phòng thí nghiệm – Hình như hắn thấy số phận hắn không dính vào đó.

– Có lẽ đấy chỉ là một Việt Minh đi lẻ, cũng có thể họ có súng bazoka.

Pyle ngắm khẩu súng đang cầm.

– Xem bộ dùng không khó khăn lắm, hay tôi bắn xuống?

– Ðừng, cứ để cho họ tính toán. Họ thường thích lấy được đồn một cách chắc chắn nhất và như vậy chúng ta càng thêm có thì giờ. Tốt hơn hết là chuồn cho nhanh.

– Biết đâu họ chẳng đón chúng tôi, tôi nói hai người đàn ông, nhưng tôi tin rằng tổng cộng số tuổi cả hai người lính thì chưa chắc đã tới bốn mươi.

– Còn hai tên kia? – Pyle hỏi, và nói tiếp một cách đơn giản đến đáng sợ – Lia cho họ một loạt đạn nhé?

Có lẽ hắn ta muốn dùng thử khẩu súng.

– Họ làm gì nên tội đâu?

– Nhỡ họ đem chúng ta nộp cho bọn kia thì sao?

– Cũng chẳng sao. Chúng ta có quyền gì được đến đây. Ðây là đất nước của họ.

Tôi tháo băng đạn ra và vứt súng xuống sàn.

– Anh định để lại những thứ này ở đây sao?

– Tôi già quá rồi, sức đâu mà chạy vừa vác súng nữa. Vả lại cóc phải cuộc chiến của tôi. Ði nào.

Chiến tranh này không phải là của tôi, nhưng tôi muốn những người đang chờ trong bóng đêm kia cũng hiểu cho điều đó. Tôi tắt đèn, thõng chân qua cửa sập, khoắng tìm chiếc thang. Tôi nghe hai người lính thì thào với nhau bằng tiếng mẹ đẻ của họ, y như họ ngậm miệng mà hát.

– Tiến thẳng về phía trước – Tôi nói với Pyle – Hướng theo phía ruộng lúa. Nhớ rằng có nước đấy. Không rõ nông hay sâu. Sẵn sàng chưa?

– Sẵn sàng.

– Cám ơn bạn đã đến.

– Tôi mới là người phải cảm ơn.

Tôi nghe tiếng động đậy sau lưng. Bụng bảo dạ không hiểu họ có dao không? Tiếng trong loa có vẻ kiên quyết hơn, như để ra một cái hạn cuối cùng. Có cái gì sột soạt nhè nhẹ trên đầu chúng tôi trong đêm tối, nhưng có lẽ chỉ là một con chuột. Tôi lưỡng lự.

– Trời, bây giờ mà được cốc rượu mạnh nhỉ? – Tôi nói thầm.

– Lên đường đi.

Có cái gì đang leo lên thang, không nghe tiếng động nhưng thang cứ rung lên dưới chân tôi.

– Sao lại ngừng thế? – Pyle hỏi.

Không rõ tại sao trong đầu tôi sự chuyển động nhè nhẹ và câm lặng đó phải là một “cái gì” đang đến. Chỉ có một con người mới có thể leo thang được, tuy nhiên tôi không thể hình dung ra được đó là một con người giống như tôi, hình như đó là một động vật nào đó tiến lên để giết một cách bình thản và chắc là không hối tiếc, vì nó thuộc vào một loài khác. Chiếc thang rung lên, rung lên và tôi nhìn thấy ở phía dưới có những con mắt nhìn sáng rực. Bỗng nhiên, tôi không chịu đựng nổi, nhảy xuống và thấy là không có cái gì cả, chỉ có nền đất xốp hút chặt lấy một chân tôi và bẻ quặt nó ở chỗ mắt cá, y như có một tay người đã nắm chặt và vặn chẹo nó đi. Tôi thấy Pyle xuống từng nấc thang một và tôi hiểu rằng mình đã xử sự một cách ngốc nghếch như một tên nhát gan không nhận ra được sự run rẩy của bản thân mình. Thế là tôi cứ tự cho mình là một con người cứng gân cứng cốt không hề có đầu óc tưởng tượng, đúng kiểu một người quan sát giỏi và một phóng viên thực thụ. Tôi đứng lên và suýt nữa ngã xuống vì quá đau. Tôi đi về phía đồng ruộng, vừa đi vừa lê chân và nghe thấy Pyle tiến tới sau lưng. Ðúng lúc đó, một viên đạn bazoka nổ tung trên tháp canh và tôi ngã sấp xuống.
– Anh có bị thương không? – Pyle hỏi.

– Bị va vào chân. Không có gì trầm trọng.

– Nào chúng ta đi lên – Pyle cố nài.

Tôi chỉ nhận ra hắn vì thấy hắn như bị một lượt bụi mịn và trắng phủ lên người. Nhưng rồi hình ảnh hắn lại biến mất, y như khi xem phim hình ảnh không rõ vì điện yếu, chỉ còn nghe tiếng nói. Tôi lại đứng lên bằng cách tì vào bên đầu gối còn nguyên vẹn và gắng đứng thẳng mà không tựa lên chân trái bị sai khớp, nhưng tôi lại ngã, đau đến đứt thở. Không phải đau ở mắt cá mà chân trái tôi bị thương ở một nơi nào đó. Tôi không còn ngại gì nữa, sự đau đớn làm mờ hẳn sự sợ sệt. Tôi cứ nằm ra đất, bất động, với hy vọng rằng cái đau không tìm thấy tôi, tôi nín thở, như người ta thường làm trong một cơn đau răng, tôi không nghĩ đến cả việc quân Việt Minh sắp tới để lục soát cái thápc anh vừa bị bắn sập. Một quả đạn nữa lại vừa trúng tháp và nổ tung. Trước khi tới, họ đề nhiều món tiền khổng lồ được đổ ra để giết vài nhân mạng, ngưòi ta giết những con ngựa với những tổn phí ít hơn. Tôi hình như chưa tỉnh hẳn vì tôi nghĩ lan man đến quê hương tôi, cái lò đó là sự khiếp đảm của tôi hồi nhỏ. ở đó chúng tôi tưởng như còn vang lên tiếng súng ngắn bắn giết những con vật và tiếng hí khiếp sợ của chúng.

Có một lúc, nhờ tránh mọi cử động và nhất là tránh thở mạnh, điều này rất quan trọng, tôi thấy hết đau. Trong lúc tỉnh táo, tôi tự hỏi có nên bò ra cánh đồng không. Quân Việt Minh chắc không ai có thì giờ lùng kiếm thật xa. Một đội tuần tra sắp xuất hiện và tìm cách liên lạc với chiếc chiến xa thứ nhất. Nhưng tôi lại sợ đau hơn là sợ quân du kích và tôi lại nằm yên. Không có tiếng động nào cho hay hiện Pyle ở nơi nào, chắc hắn ta đã ra khóc ở phía tháp canh, hay đúng hơn là ở nơi trước kia là cái tháp canh. Ðó không phải là tiếng khóc của một người lớn, người ta cho rằng đó là tiếng thút thít của một đứa nhỏ sợ bóng tối, nhưng không dám kêu lên. Tôi đoán rằng đó là một trong hai người lính trẻ, có lẽ người đồng ngũ của anh ta đã bị chết. Tôi hy vọng rằng khi Việt Minh đến, họ không cắt cổ anh ta. Người ta không nên đánh nhau với trẻ con, và tôi lại nhớ tới hình ảnh một thi hài nhỏ nằm co quắp trong một cái hố. Tôi nhắm mắt lại và điều đó như xưa không cho đau đớn tới gần tôi và tôi cứ nằm chờ, có tiếng ai đó kêu điều gì tôi không rõ. Tôi như có cảm giác rằng tôi có thể ngủ một giấc trong đêm tối cô độc và hết đau như thế này.

Tôi lại nghe tiếng Pyle thì thào:

– Thomas, Thomas!

Hắn ta đã nhanh chóng học được lối đi không gây ra tiếng động và tôi đã không nghe thấy tiếng bước chân của hắn.

– Anh cút đi! – Tôi trả lời rất nhỏ.

Hắn tìm ra tôi và nằm dài xuống bên cạnh.

– Tại sao anh không đi theo tôi? Anh bị thương à?

– Cái chân. Tôi chắc nó bị gãy.

– Bị đạn?

– Không, không, một mảnh gỗ, một hòn đá, hay một mảng tường và phải. Không thấy máu chảy.

– Anh phải cố lên một tí.

– Anh đi đi, Pyle. Tôi không muốn đi, đau lắm.

– Chân nào?

– Chân trái.

Hắn trườn sát người tôi, vắt tay tôi lên vai hắn. Tôi vừa muốn khóc thút thít như người lính trẻ gác tháp canh, lại vừa thấy bực dọc, nhưng không thể biểu thị sự phẫn nộ trong một tiếng thì thào được.

– Mặc kệ tôi, Pyle. Tôi muốn ở lại đây.

– Không thể ở lại đây được.

Hắn vừa lôi vừa lấy vai đỡ tôi và cơn đau lại trở lại không sao chịu nổi.

– Xin đừng chơi trò anh hùng rơm nữa, trời ơi tôi không muốn động đậy chút nào.

– Anh phải góp sức anh vào một tí chứ, không thì anh làm cho cả hai chúng ta bị bắt bây giờ.

– Anh!

– Im đi, họ nghe thấy bây giờ.

Tôi muốn khóc lên được vì tủi nhục, nói như vậy không phải là quá đáng. Tôi tựa hẳn lên người hắn, để cho bên chân trái thõng ra& chúng tôi nom như những người ục ịch chơi trò ôm nhau chạy bằng ba chân và tôi chắc là sẽ bị phát hiện ra ngay, nếu đúng lúc lên đường không có một khẩu đại liên nổ từng loạt đạn ngắn và nhanh đâu đó phía tháp bên cạnh: Có lẽ một đội tuần tra hay là quân Việt Minh hoàn thành mục đích hạ ba chiếc tháp canh như thường lệ. Tiếng súng trùm lấp tiếng chân chạy trốn chầm chậm và ngượng nghịu của chúng tôi.

Tôi không nghĩ mình đã tỉnh suốt dọc đường. Tôi chắc rằng hai mươi mét cuối, Pyle như đã cõng hẳn tôi đi.