Menu Đóng

Chương 10

– Cẩn thận – Pyle nói – Ta đi vào đây.

Những gốc rạ loạt soạt kêu quanh chúng tôi, bùn bắn tung tóe. Khi Pyle ngừng lại thì nước đã lên tới ngang lưng. Hắn thở hồng hộc, khiến tôi nghĩ đến tiếng một chú ễnh ương.

– Phiền anh quá – Tôi nói.

– Tôi không thể để anh nằm đó.

Lúc đầu tôi thấy rất dễ chịu, bùn và nước bó lấy chân tôi một cách mềm mại, chặt chẽ như một thứ băng đặc biệt, nhưng chẳng bao lâu rét lạnh làm hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Tôi không hiểu đã đến đã đến quá nửa đêm chưa, giả dụ Việt Minh không tìm thấy thì cũng phải chịu đựng thêm sáu giờ nữa.

– Anh có thể dịch người một chút cho đỡ nặng không? – Pyle hỏi – Một lát thôi.

Thế là cơn giận dữ vô lý của tôi bỗng nổi lên, tôi không có lý lẽ nào đòi hỏi người ta đến cứu tôi, hay nói đúng hơn là đến đẩy lui giờ chết bằng cái giá là làm cho tôi đau đớn như thế này. Tôi đứng trên một chân như con cò để đỡ gánh nặng cho Pyle và khi cử động chúng tôi không thấy những gốc rạ cào cứa vào chân.

– Anh đã cứu tôi ở chỗ kia – Tôi nói – Ðể mang tôi đến chết nơi đây (Pyle hắng giọng, sắp sửa trả lời tôi bằng một câu nói công thức). Tôi thích chết ở nơi khô ráo.

– Anh đừng nói nữa thì tốt hơn – Pyle nói như để dỗ dành người ốm nặng – Phải tiết kiệm sức lực chứ!

– Ma quỷ nào xui anh cứu tôi. Tôi đến để chết ở cái đất này. Với cái thói chết tiệt là hay nhúng mũi vào việc của người khác.

Tôi lảo đảo chực ngã trên đất nhão và Pyle lại khoác tay tôi lên vai anh.

– Anh tựa tay vào đi – Hắn nói.

– Anh đã xem nhiều cuốn phim về chiến tranh quá đấy. Chúng mình không phải là hai tên lính thủy đổ bộ và người ta không thưởng huy chương thập tự danh dự cho chúng mình đâu.

– Suỵt, suỵt

Chúng tôi nghe thấy tiếng bước chân đi xuống tới bờ ruộng. Trên đường, khẩu đại liên đã ngừng bắn và tất cả đều im lặng, ngoài tiếng chân đó và tiếng cây lúa xào xạc. Rồi những bước chân cũng ngừng lại, cách chúng tôi chỉ bằng chiều rộng của một gian phòng. Tôi cảm thấy trên vai lành của tôi sức bàn tay Pyle từ từ ấn xuống để tôi lún xuống bùn. Chúng tôi lún xuống chầm chậm để khỏi chạm mạnh vào gốc lúa. Một đầu gối quỳ xuống tôi ngửa đầu hết sức về phía sau, vừa đủ để mồm mũi thò lên trên mặt nước. Chân tôi lại đau nhói và tôi nghĩ, nếu ngất đi thì sẽ bị chết đuối. Từ xưa tôi vẫn sợ và ghét cái kiểu chết ngụp trong nước. Tại sao người ta không thể chọn một kiểu chết cho mình nhỉ? Không có mảy may tiếng động nào, có lẽ cách mười bước chân thôi thì họ hẳn nghe được tiếng sột soạt, tiếng ho, hay một tiếng hắt hơi. Trời, buồn hơi hơi quá. Nếu chỉ có mình tôi, nếu tôi chỉ chịu trách nhiệm về cái chết của mình tôi, không phải là cái chết của hắn, hắn bám lấy cái sống quá! Tôi lấy những ngón tay còn lại còn được tự do ấn chặt vào môi trên, theo lối của trẻ con khi chơi trốn tìm, nhưng cái muốn hắt hơi cứ dai dẳng mãi chờ lúc nổ ra, nhưng khi những người kia đứng chờ trong bóng tối như chỉ đợi có thế! Này hắt hơi này, này, này…

Nhưng đúng lúc cái hắt hơi phát ra thì quân Việt Minh nổ một tràng tiểu liên vào ruộng lúa& và tiếng hắt hơi chìm trong tiếng nổ đanh sắc, nghe như tiếng máy khoan đục lỗ trong một tấm thép. Tôi hít một hơi dài và ngụp đầu xuống, thế là khi cái chết yêu mến đến thì người ta lại theo bản năng mà chạy trốn nó. Chúng ta làm nũng với thần chết y như một người đàn bà cứ bắt người tình hiếp dâm mình. Những thân cây lúa bị quất mạnh, chúc xuống dưới làn đạn và cơn bão lửa đi qua. Cùng nhô đầu lên một lúc để thở, chúng tôi nghe thấy những bước chân đi xa dần về phía tháp canh.

– Thoát rồi – Pyle nói.

Tuy đau, tôi vẫn cứ nghĩ: Thoát cái gì nhỉ? Trước mắt tôi là sự già nua, một chân biên tập viên tại tòa soạn, sự cô đơn, còn đối với hắn, bây giờ rõ ràng là hắn đã buột miệng nói và nhanh nhảu quá. Rồi trong đêm tối, chúng tôi đứng đợi. Trên đường về Tây Ninh, một đám lửa ăn mừng bốc lên, lửa bùng cháy vui vẻ như trong một đêm hội hè.

– Cháy xe của tôi rồi.

– Hoài của, anh Thomas. Tôi chúa ghét những sự hủy hoại vô ích.

– Vừa đủ ét xăng cho chiếc xe bị đốt cháy. Anh Pyle có rét như tôi không?

– Không bao giờ rét như thế này.

– Hay chúng ta đi ra và nằm trên đường?

– Chờ họ đi hộ nửa giờ nữa.

– Tôi tỳ lên anh nặng quá.

– Chịu được, tôi còn trẻ mà.

– Anh ta đưa cái yêu sách đó ra để nói đùa, nhưng câu nói lại làm tôi lạnh người đi như gặp phải bùn nước vậy. Tôi muốn xin lỗi anh ta về những lời lẽ mà khi đau tôi đã thốt ra, nhưng nỗi đau của tôi lại lên tiếng:

– Ðúng là anh còn trẻ. Anh có thể cho phép anh chờ đợi phải không?

– Tôi chẳng hiểu anh định nói gì, anh Thomas.

Chúng tôi đã cùng nhau sống mấy giờ dài bằng cả bảy đêm của một tuần, nhưng anh ta cũng chưa hiểu tôi, cũng như anh ta không hiểu tiếng Pháp vậy.

– Ðúng ra anh cứ để tôi ở chỗ kia thì hơn – Tôi nói.

– Thế thì tôi còn mặt mũi nào mà nhìn thấy Phượng nữa.

Cái tên Phượng vừa nói ra đó giống như một con bài đối thủ vừa quật ra bàn, nằm giữa hai người, tôi chấp nhận sự thách thức.

– Thì ra vì Phượng mà anh đã làm những việc như vậy. (Cơn ghen của tôi lại càng lố bịch và nhục nhã, vì đáng lẽ phải được biểu lộ bằng những tràng lời lẽ như trên sân khấu, thì này chỉ có thể thì thào rất nhỏ với nhau). Anh tưởng rằng cái trò bịp đóng vai người hùng sẽ gây ấn tượng cho cô ta sao? Sao mà anh lầm vậy! Nếu tôi mà chết thì cô ta có thể thuộc về anh.

– Tôi không muốn nói thế. Nhưng, khi người ta yêu thì người ta cũng chịu chơi lắm chứ, thế thôi.

-Ðúng vậy – Tôi nghĩ – Nhưng sự đời đâu có đơn giản như hắn tưởng. Khi yêu, người ta tự nhìn mình bằng con mắt của người khác, người ta thành ra yêu một hình ảnh của bản thân không còn nguyên vẹn vì được tô vẽ cho thanh cao hơn. Trong khi yêu không còn có thể thật sự vì danh dự mà hành động, cử chỉ anh hùng chẳng qua chỉ là một vai hề đóng trước một công chúng hai người. Có lẽ tôi hết yêu rồi, nhưng vẫn nhớ lại khi còn yêu.

– Ở VÀO ĐỊA VỊ ANH THÌ TÔI chuồn một mình – Tôi nói.

– Ồ, KHÔNG PHẢI THẾ ĐÂU, đời nào anh lại làm thế, anh Thomas!

Và hắn nói thêm với một vẻ tự phụ không sao chịu nổi:

– Tôi hiểu anh hơn là anh tự hiểu mình.
Bực mình, tôi định đứng xa ra và gánh lấy cái trọng lượng của bản thân mình, nhưng cơn đau lại trở lại giống như một con tàu ầm ầm qua đường hầm và tôi lại phải tì lên hắn nặng nề hơn, trước khi ngã nhào xuống ruộng. Hắn hai tay ôm giữ lấy tôi rồi từng tấc, từng tấc kéo tôi lên cái mô đất bên lề đường. Khi lôi tôi tới được đó, hắn đặt tôi nằm ngửa trên bờ ruộng còn bị một lớp bùn mỏng kín và khi đỡ đau, hễ phải nín thở, mở mắt ra, tôi chỉ nhìn thấy những chòm sao vẽ trên nền trời những đường nét rắc rối như một thứ mật mã mà tôi không đọc nổi, những chùm sao không giống như ở quê nhà. Cái mặt của Pyle lại đảo đi đảo lại trên mặt tôi và che lấp những chùm sao.

– Tôi ra đường xuôi xuống để tìm một toán lính đi tuần.

– Ðừng dại – Tôi nói – Họ sẽ bắn vào anh trước khi nhận rõ anh là ai. ấy là giả dụ anh không bị Việt Minh quơ đi.

– Chỉ còn cách đó thôi. Không thể để anh nằm ở đất ướt sáu giờ nữa.

– Thế thì kéo tôi lên mặt đường.

– Ðể khẩu tiểu liên cho anh có can gì không? – Hắn ngập ngừng hỏi.

– Chẳng can gì. Nhưng nếu anh muốn chơi trò người hùng thi đi chầm chậm, và đi trên đồng ruộng.

– Nếu thế thì xe đi tuần chạy mất trước khi tôi kịp ra hiệu.

– Anh cũng thông thạo tiếng Pháp cơ mà?

– Tôi hét to: “Tô-ôi lờ – người Phạp đơ-ơi”. Ðừng quá lo, anh Thomas ạ. Tôi sẽ hết sức cẩn thận.

Trước khi tôi kịp thì thào đáp lại, thì hắn đã đi rồi, đi hết sức êm lẹ, vừa đi vừa luôn dừng lại. Tôi có thể nom theo hắn nhờ ánh lửa của chiếc xe đang cháy lụi, không một tiếng súng nổ. Chẳng bao lâu hắn biến mất bên kia một chiếc xe cháy và cũng không còn nghe được tiếng chân của hắn nữa. Phải, hắn cẩn thận như hắn đã cẩn thận khi một mình chở mảng xuôi đến Phát Diệm, với sự chú ý tỷ mỷ như các nhân vật trong một cuốn truyện tranh viết cho trẻ con, hắn tự hào về sự cẩn thận của mình như tự hào về một chiếc huy hiệu hướng đạo sinh mà không biết rõ cuộc phiêu lưu của mình phi ký và bấp bênh như thế nào.

Nằm dài bất động, tai vểnh nghe, tôi chờ những loạt súng do Việt Minh hay quân lê dương bắn, nhưng không có điều gì xảy ra. Chắc hắn phải mất ít nhất là một giờ để tới tháp canh, lúc nãy xem còn lại những gì. Chỉ thấy đống đất, tre, kèo cột như đang lụi xuống cùng với ảnh lửa tắt dần. Sự bình an đến khi sự đau đớn không lên tiếng nữa, một sự đình chiến đối với cân não và tôi muốn hát to lên. Thật lạ lùng là những đồng nghiệp của tôi chỉ viết được từ những sự kiện như trong đêm nay một mẩu tin vặt vài dòng – Tôi tự nhủ như vậy. Ðêm nay cũng giống như bao đêm khác duy chỉ sự có mặt của tôi là một ngoại lệ. Lúc này tôi lại nghe thấy tiếng khóc khàn đục từ một cái tháp đổ bay ra, một người lính chắc còn chưa chết.

Khổ thân anh ta – Tôi nghĩ, nếu chúng tôi không hỏng xe cạnh tháp canh anh ta, thì chắc anh đã kịp đầu hàng như mọi người khác thường đã đầu hàng, hoặc khi nghe tiếng loa gọi lần thứ nhất, đã kịp thời chạy trốn. Nhưng chúng tôi lại ở đó, hai người da trắng, vưói khẩu tiểu liên, và họ đã không dám động đậy. Khi chúng tôi xuống thì muộn quá đối với họ rồi. Tôi mang trách nhiệm về tiếng khóc trong đêm tối kia, tôi tự hào về việc mình được tự do tư tưởng, không dính dáng với cuộc chiến, nhưng những vết thương của người lính thật y như chính tôi đã gây ra bằng khẩu Sten này, như Pyle đã định làm. Tôi cố gắng vượt qua mô đất để lên đường cái. Tôi muốn tới cạnh anh lính kia. Ðó là điều duy nhất tôi có thể làm, đến để chia sẻ nỗi đau đớn với anh ta. Nhưng cơn đau của bản thân đã làm tôi ngã ngửa ra sau. Tôi không nghe tiếng anh ta khóc nữa, tôi nằm yên và chỉ nghe thấy cơn đau của mình đập như một con tim quái ác, tôi nín thở và cầu xin ông trời mà tôi không hề tin: “Cầu trời cho tôi ngất hay chết hẳn đi”. Và tôi đoán rằng tôi đã ngất đi thật, vì tôi mê man không biết gì nữa cho đến lúc tôi mê thấy hai đôi mi mắt tôi bị nước đá đông cứng lại và có người định dùng đục cậy ra, khi đục, nhưng tôi không sao nói được và cái đục bắt đầu đục. Một bóng đèn điện bỗng bật sáng lên trước mặt tôi.

– Thoát rồi, Thomas! – Tiếng Pyle nói.

Tôi chỉ nhớ những tiếng đó, nhưng sau điều gì đã xảy ra như Pyle kể lại với những người xung quanh, thì tôi không nhớ gì, tôi huơ tay chỉ lung tung, nói cho mọi người biết có một người còn ở trong đống tháp đổ và phải cứu lấy hắn ta. Chắc chắn cử chỉ của tôi không có cái dáng dấp như anh chàng Pyle giàu tình cảm đã mô tả. Tôi tự hiểu mình, tự hiểu nỗi vị kỷ của tôi sâu xa đến mức nào. Tôi không thể yên ổn (mà sống yên ổn là nguyện vọng lớn nhất của tôi) khi có một người khác đang đau khổ trong tầm tai tôi nghe được, mắt tôi nhìn được, tay tôi sờ được. Những kẻ ngây thơ cho đó là lòng nhân từ, là sự vị tha, trong khi tôi chỉ hy sinh một sự bằng lòng nhỏ (lúc này là lúc việc chăm sóc cho vết thương của tôi) để đổi lấy một sự bằng lòng lớn hơn, là sự yên ổn của tâm hồn để sau đó được phép chỉ nghĩ đến mình thôi.

Họ đi rồi quay lại báo cho tôi hay anh lính đã chết, tôi nhẹ hẳn người. Khi mũi kim tiêm liều morphin cắm vào đùi tôi, tôi không còn thấy đau đớn gì nữa.
Tôi chậm rãi leo thang gác lên phòng tôi ở phố Catina, tới tầng một phải ngừng một lát để nghỉ lấy sức. Những bà già gần như thường lệ ngồi ở bậc thang, trước buồng tiểu, nói chuyện phiếm với nhau, nét mặt nhăn nheo như những đường số phận mà ta đọc trên bàn tay họ. Ho im tiếng khi tôi đi qua và tôi tự hỏi, nếu biết tiếng Việt thì tôi đã nghe được điều xảy ra khi tôi nằm tại bệnh viện của quân đội lê dương, trên đường đi Tây Ninh. Dọc đường tôi đã đánh rơi mất chìa khóa, nhưng tôi đã viết thư cho Phượng, thư chắc cô nhận được, nếu cô vẫn còn ở đây. Chữ “nếu” đó như tóm gọn tất cả những nỗi băn khoăn của tôi. Nằm viện, tôi không nhận được thư nào của cô, nhưng tôi hiểu là cô viết tiếng Pháp rất chật vật, còn tôi lại không biết tiếng Việt. Tôi gõ cửa, cửa mở ra luôn, tôi luôn thấy như không có điều gì khác trước. Tôi theo dõi cô rất kỹ khi cô hỏi han sức khỏe tôi, để tay vào chân tôi đang còn phải mang nẹp và chìa vai cho tôi tựa, y như người ta có thể tìm thấy chỗ dựa chắc chắn tại một cây non vậy.

– Tôi thật vui lòng khi trở về nhà chúng ta.

Cô ta nói là nhớ tôi nhiều và tất nhiên là điều tôi mong được nghe, giống như một người phu xe khi họ trả lời, cô ta bao giờ cũng nói ra những điều mình mong được nghe nhất, trừ phi bất ngờ và tôi đang chờ đợi cái điều bất ngờ đó.

– Cô giải trí như thế nào?

– Ồ, TÔI LẠI BÀ CHỊ CHƠI luôn. Bà ta đã tìm được việc làm ở Mỹ.

– A, thế ư? Pyle tìm hộ?

– Không phải Pyle mà Jo.

– Jo là ai nhỉ?

– Anh quên đấy thôi. Tuỳ viên thương mại.

– A, phải, đúng rồi.

Ðấy là một con người mà người ta không sao nhớ nổi. Ngay tới bây giờ, tôi cũng không sao miêu tả nổi hắn, tôi chỉ nhớ lại cái bụng phệ, cặp má nhẵn thín lại xoa phấn, và tiếng cười hơ hớ, còn cá tính của hắn ra sao, tôi không nhớ nổi. Tôi chỉ biết hắn mang tên Jo. Có những người bao giờ cũng mang tên gọi tắt.

Phượng đỡ cho tôi nằm xuống giường.

– Cô có đi xem chiếu bóng không? – Tôi hỏi.

– Có một phim hay lắm chiếu ở rạp Catina.

Và cô ta lập tức kể lại nội dung chuyện phim một cách tỷ mỷ, trong khi tôi đưa mắt tìm cái phong bì trắng phải đựng một bức điện. Chừng nào tôi chưa hỏi thì tôi có thể tin rằng Phượng đã quên không nói lại với tôi, và chiếc bì thư có thể ở trên bàn, gần cái máy chữ hay trên chiếc tủ, hay là cẩn thận hơn, trong ngăn kéo nơi cô cất cái khăn choàng.

– Viên thu ngân của sở dây thép (tôi cho đó là thu ngân, nhưng có thể đó là viên thị trưởng) theo dõi họ về tận nhà, mượn ông chủ hiệu bánh mì chiếc thang leo lên tận cửa sổ của Corin, nhưng cô ta lại chạy sang buồng bên với Phrăngxoa, hiểu không, cho nên anh ta không nghe thấy bà Bompie tới. Bà ta vào nhà, thấy anh ta trên thang, lại tưởng rằng…

– Bà Bompie là ai? – Tôi hỏi và quay lại nhìn bàn trang sức của Phượng, nơi cô tay hay để tờ giấy đánh dấu những việc cần làm giữa các chai lọ.

– Tôi đã nói rồi đấy. Là mẹ của Corin và đang kiếm một ông chồng vì bà ta góa bụa.

Phượng ngồi lên giường, luồn tay vào trong áo sơ mi của tôi.

– Phim vui lắm! – Cô nói.

– Hôn tôi đi, Phượng.

Cô ta không biết làm duyên. Bảo gì thì cô làm theo lời ngay, rồi lại kể tiếp chuyện phim. Cô ta như thế đấy, nếu bảo ngủ với tôi, thì cô liền tụt quần dài ra, sau đó chắc chắc lại kể tiếp câu chuyện phim ở chỗ bà Bompie bắt gặp ông thu ngân đang leo thang.

– Tôi có điện tín không?

– Có.

– Sao không đưa?

– Sao anh lại làm việc luôn như vậy? Anh phải nằm và nghỉ ngơi.

– Nhỡ không phải điện về công việc thì sao?

– Phượng đưa cho tôi phong bì và tôi thấy nó đã bị mở. Ðiện viết: “Yêu cầu gửi bốn trăm chữ về ảnh hưởng của việc De Lad về nước đối với tình hình chính trị và quân sự”.

– Ðúng là điện về công việc. Sao cô biết? Sao cô lại mở điện ra xem?

– Tôi tưởng điện của vợ anh. Tôi hy vọng nhận được một tin tốt lành.

– Ai dịch cho cô?

– Tôi đưa bà chị.

– Nếu đó là một tin không vui thì Phượng có bỏ tôi không?

Cô ta xoa bàn tay vào ngực tôi để yên tâm, lần này cô không hiểu rằng tôi đang thèm nghe những lời nói, dù đó chỉ là những lời dối trá.

– Anh có hút một điếu không? Anh cũng có một lá thư đấy. Có lẽ của bà ta.

– Cô cũng mở ra xem chứ?

– Thư thì tôi không bóc. Ðiện là những thứ công khai. Nhân viên bưu điện vẫn đọc.

Chiếc phong bì nằm trong ngăn đựng khăn quàng. Cô dùng mấy ngón tay lôi ra và để nhẹ nhàng lên giường. Tôi nhận ra chữ người viết.

– Nếu đây là một không lành thì cô có…

Tôi biết trước là tin chỉ có thể là không hay. Một bức điện có thể là dấu hiệu của một thiện chí bột phát, một bức thư có thể là một sự thanh minh, bào chữa cho nên tôi để câu hỏi lửng lơ, vì thật là không lương thiện khi van xin một lời hứa mà không ai có thể giữ nổi.

– Anh sợ điều gì? – Phượng hỏi.

Và tôi nghĩ: tôi sợ sự cô đơn, sợ câu lạc bộ báo chí, sợ cảnh nhà chứa. Tôi sợ Pyle.

– Cho tôi một cốc rượu pha với nước.

Trong khi chờ đợi có rượu, tôi đọc dòng đầu thư: “Anh Thomas thân yêu” và lời cuối thư: “Thân mến, Hellen”.