– Ðấy là một chuyện xảy ra lâu quá rồi.
– Chúng ta sắp làm những việc tương tự ở đây. Cổ vũ họ rồi để mặc họ với vài cỗ máy và những xưởng làm đồ chơi.
– Ðồ chơi?
– Chất nhựa dẻo của các anh đấy thôi.
– Ồ, PHẢI, TÔI HIỂU.
– Không hiểu sao tôi lại nói về chính trị. Tôi không quan tâm đến chính trị. Tôi là phóng viên. Tôi không đứng về phía nào.
– Thật ư?
– Vừa rồi, tôi nói chẳng qua chỉ để có chuyện mà nói để qua đi cái đêm khốn khổ này, thế thôi. Tôi không đứng về phía nào cả. Tôi sẽ cứ viết những bài phóng sự, bất kỳ bên nào thắng.
– Nếu bên kia thắng thì những bài của anh sẽ là lời bịa đặt.
– Thường ra người ta vẫn có cách thoát được. Vả lại tôi cũng không bao giờ có cảm giác rằng báo chí của các anh tôn trọng sự thật lắm.
Tôi tin rằng cái việc mà chúng tôi ngồi ở đây tán vã với nhau đã động viên hai người lính: có lẽ họ nghĩ âm thanh những tiếng nói màu trắng của chúng tôi (vì những tiếng nói cũng có màu sắc: tiếng nói màu vàng thì như hát, tiếng nói màu đen thì òng ọc như nước từ trong chai đổ ra, còn có tiếng nói của chúng tôi chỉ là nói thôi), tạo ra các cảm tưởng của chúng tôi đông người khiến cho quân Việt Minh không dám lại gần. Họ bưng ga-men lên và lại ăn, tiếng đũa lách cách, vừa ăn vừa nhìn Pyle và tôi, từ sau bát ăn của họ.
– Vậy anh tưởng chúng ta đã thất bại ư?
– Vấn đề không phải là ở đó – Tôi đáp – Tôi không có điều mong mỏi đặc biệt là ở việc các anh sẽ thắng. Tôi mong cho hai người khốn khổ kia được sung sướng. Thế thôi. Tôi ước ao rằng họ không bắt buộc phải trải qua đêm trong bóng tối và sợ run như cầy sấy.
– Muốn có tự do thì phải đấu tranh chứ!
– Tôi chẳng thấy một người Mỹ ma dại nào chiến đấu ở đây. Còn tự do ư? Tôi chẳng biết ý nghĩa của nó thế nào. Hãy hỏi họ xem.
Tôi dùng tiếng Pháp hỏi to họ từ đầu gác bên này: Tự do& tự do là cái gì hở các bạn?
Họ lùa và nuốt cơm kiểu như người ta đang húp một thứ gì. Họ nhìn chúng tôi trân trân và im lặng.
– Anh muốn tất cả mọi người đều được đúc từ một cái khuôn ra sao? – Pyle hỏi lại tôi – Anh tranh luận để mà tranh luật. Anh là một nhà trí thức. Anh cũng ở tầm quan trọng của mỗi cá nhân, giống như tôi& hay York vậy.
– Tại sao mãi gần đây người ta mới phát minh ra cái tầm quan trọng đó? – Tôi hỏi lại Pyle – Bốn mươi năm trước đây có ai nói theo kiểu đó đâu.
– Khi đó nó chưa bị điều gì đe dọa.
– Chúng ta không bị đe dọa ư? Không phải đâu nhưng lúc đó ai là người quan tâm đến cá nhân những người nông dân& và bây giờ thì ai quan tâm? Con người duy nhất đã coi họ như những con người là người đang cai quản từng quận huyện. Hắn ta đi vào từng ngôi nhà tranh, hỏi tên họ từng người, nghe từng lời than thở, để ra hàng giờ dạy họ điều này, điều khác, cư xử với họ như con người, như những cá nhân có giá trị đến mức nào đó. Ðến phương Ðông, xin anh đừng nói như còn vẹt rằng linh hồn mỗi cá nhân ở đây bị đe dọa. ở đây, chúng ta không đứng về phía chân lý đâu, chính họ mới là người bênh vực cho cá nhân mỗi người, còn chúng ta chỉ bênh vực cho cá nhân mỗi người, còn chúng ta chỉ bênh vực cho tên lính quèn mang số đăng ký 23.987, một đơn vị nằm trong chiến lược toàn cầu.
– Anh thì chẳng tin được một nửa những điều anh nói – Pyle tuyên bố một cách khó chịu.
– Cứ nói là ba phần tư đi. Tôi ở đây lâu rồi. Anh hiểu đấy, thật may mắn cho tôi là tôi không đứng về phía nào, có những điều tôi muốn làm lắm, vì ở phương Ðông này tôi chẳng yêu ông “Tổng Ai” đâu. Tôi yêu hai con người đang ngồi kia. Ðất nước này là đất nước của họ. Mấy giờ rồi nhỉ, đồng hồ tôi chết rồi.
– Hơn tám rưỡi một tý.
– Chờ mười giờ nữa là chuồn được.
– Lát nữa chắc trời lạnh lắm – Pyle rùng mình nói – Tôi không bao giờ ngờ có thể rét đến thế.
– Quanh chúng ta là ruộng nước. Trong xe tôi có để một cái chăn. Ðủ ấm.
– Nhưng lấy ra thì mạo hiểm quá.
– Việt Minh không tấn công sớm thế đâu.
– Ðể tôi đi lấy cho.
– Tôi đi tối quen hơn anh.
Khi tôi đứng lên, hai người lính ngừng ăn. Tôi báo trước cho họ: “Tôi trở về ngay”. Cho chân xuống lỗ cửa, tôi tìm thấy chiếc thang và xuống gác. Khi nói chuyện về những vấn đề trừu tượng, người ta trở nên an tâm: Hình như cảnh diễn ra lạ lùng nhất cũng trở thành bình thường. Tôi không thấy sợ nữa. Tôi có cảm giác như vừa rời khỏi phòng tôi một lát và sắp trở vào nói tiếp câu chuyện đang bỏ dở. Tháp canh là phố Catina, là tiệm rượu Magestic hay chỉ là một buồng nhìn ra một công viên ở thủ đô London.
Tôi ngừng một phút ở chân thang để mắt quen với bóng tối. Sao sáng nhưng trăng bị mây chi. ánh trăng bao giờ cũng gợi cho tôi ánh sáng trong một nhà xác hay ánh đèn trần không có chao rọi xuống một phiến đá cẩm thạch, nhưng ánh sao lại có sức sống hơn và lung linh không ngừng. Người ta có thể tưởng như từ trên không bao giờ la có ai đó đang gửi xuống một tín hiệu, vì tên các vì sao cũng là thân thiết: Vệ nữ là người mà chúng ta yêu dấu. Ðại hùng tinh là những con gấu nhồi bông chúng ta chơi hồi nhỏ và tôi tin rằng chòm thánh giá phương Nam đối với những người sùng đạo như vợ tôi, là tên một bài thánh ca hay một bài kinh thì thầm đọc ở đầu giường người bệnh. Tôi run lên vì rét, như cơn rét run của Pyle. Tuy vậy đêm vẫn ấm như làn nước ở hai bên tả hữu như đã trùm lên khí nóng một màn mỏng lạnh như nước đá. Tôi đi về phía chiếc xe hơi và trong chốc lát, đứng trên đường cái, tôi có cảm giác như nó không còn ở đó. Lòng tin của tôi bị lung lay, ngay khi tôi vẫn nhớ là nó hết xăng nên phải đỗ cách tháp canh có ba mươi mét. Tôi không thể không khom lưng khi đi, hình như làm vậy, tôi chiếm ít chỗ hơn trong không gian.
Tôi phải mở khóa nắp hòm xe để lấy chiếc chăn. Tiếng mở khóa lách cách và tiếng va chạm làm tôi giật nảy mình. Tôi không thú vị khi nghĩ rằng chỉ có mình gây ra tiếng động giữa ban đêm, khi chắc là có biết bao nhiêu người ở quanh mình. Chăn vắt hai vai, tôi đóng cửa hòm xe nhẹ nhàng hơn khi mở: đúng lúc chiếc khóa kêu đến tách, bầu trời về phía Sài Gòn bỗng rực hồng và chớp lửa đó được một tiếng nổ tiếp ngay làm rung cả mặt đường. Một khẩu tiểu liên khạc ra tiếng hai lần và ngưng bặt trước khi tiếng nổ to lắng xuống. Tôi nghĩ “lại có kẻ ăn đòn rồi” và từ rất xa vọng lại những tiếng kêu đau đớn, kinh hãi hoặc là tiếng reo thắng lợi. Không hiểu tại sao bao giờ tôi cũng nghĩ tới một sự tấn công phải đến từ phía sau và khi hiểu rằng Việt Minh phải ở phía trước, giữa Sài Gòn và chúng tôi, thì tôi lại thoáng nghĩ như đó là điều giả dối. Giống như khi đáng phải chạy xa nơi nguy hiểm thì tôi lại đâm bổ vào, đáng lẽ phải đi thong thả để bớt gây tiếng động, thì cơ thể tôi lại cứ muốn chào chạy cho nhanh.
Tới chân cầu thang, tôi gọi Pyle: “Tôi đây, Fowler đây!” (Ngay đến lúc này tôi cũng không thể đem tên thánh của mình ra để tự xưng với hắn). Bên trong căn gác đã diễn ra một cảnh tượng khác. Những cà-mèn cơm vẫn ở dưới đất, người lính dựa lưng vào tường, tỳ khẩu súng lên đùi nhìn chằm chằm Pyle. Pyle quỳ dưới đất gần sát tường phía trước mặt, mắt nhìn như dán vào khẩu tiểu liên nằm giữa anh ta và người lính thứ hai. Người ta có cảm tưởng như hắn định bò lại khẩu súng và bắt buộc phải ngừng lại. Người lính thứ hai giơ tay về phía khẩu súng. Chưa ai xung đột hay hăm dọa ai, tình hình giống như những đứa trẻ đang chơi, một cái trò, trong đó ai bị bên kia trông thấy đang cử động thì phải lùi về chỗ xuất phát.
– Ðiều gì đã xảy ra thế? – Tôi hỏi.
Hai người lính nhìn tôi. Pyle nhảy lên kéo được khẩu súng về phía mình.
– Ðùa với nhau đấy ư?
– Tôi không muốn nó có súng& nhỡ tụi kia đến thì sao?
– Anh đã dùng súng Sten bao giờ chưa?
– Chưa.
– Ðẹp quá nhỉ! Tôi cũng vậy. Mong sao đạn đã lên nòng.
– Chúng ta không biết lên đạn đâu.
Những người lính bình thản chấp nhận việc bị tước mất súng. Một người chúc súng xuống rồi để ngang đùi. Người kia ngả vào tường nhắm mắt như giống lúc còn bé, khi nhắm mắt thì tưởng như không ai nhìn thấy mình. Có lẽ anh ta bằng lòng vì đã hết trách nhiệm. Xa xa, ở phương trời nào không rõ, một khẩu đại liên lại nổ& ba tràng, rồi lại im lặng. Người lính kia lại nhắm chặt mắt, nhíu cả đôi mày xếch.
– Họ không biết rằng chúng ta cóc biết dùng súng – Pyle nói.
– Họ được coi như ở về phía chúng ta.
– Tôi tưởng anh không có phe phái nào.
– Ðánh trúng đấy. Tôi mong Việt Minh biết rõ điều này.
– Ðằng kia xảy ra sự gì vậy?
Tôi kể lại mẩu tin của báo Viễn Ðông ngày mai: “Cách Sài Gòn năm mươi km, một đồn binh đêm qua đã bị Việt Minh tấn công và tạm thời chiếm giữ”.
– Anh có cho rằng ra ngoài cánh đồng là an toàn hơn không?
– ẨM ƯỚT HƠN THÌ CÓ.
– Anh như không có vẻ sợ hãi gì cả – Pyle nói.
– Sợ xanh mắt lên chứ, nhưng tình hình đáng lẽ có thể xấu hơn. Thường mỗi đêm họ chỉ đánh ba đồn là cùng. Chúng ta đã bớt đi được một ít vận rủi rồi.
– Cái gì thế nhỉ?
Ðó là một chiếc xe rất nặng chạy trên đường, đi về phía Sài Gòn. Tôi đi ra lỗ châu mai nhìn xuống, và đúng lúc đó một chiếc xe chạy qua.
– Ðội tuần tra – Tôi nói.
Khẩu đại bác trên tháp xe quay nòng lúc về phía này, lúc về phía khác. Tôi định gọi, nhưng gọi để làm gì? Trên xe không có chỗ cho hai người thường dân vô tích sự. Ðất rung lên chút ít khi xe chạy qua, họ đi rồi. Tôi nhìn đồng hồ: Tám giờ năm mươi mốt phút, và tôi đợi khi ánh sáng lóe lên khó khăn lắm mới đọc nổi những con số, giống như khi người ta tính khoảng cách giữa khi chớp và tiếng sấm để biết sét đánh xa hay gần. Non bốn phút trôi qua mới nghe tiếng đại bác nổ. Hình như có tiếng bazoka đáp lại, rồi tất cả im lặng.
– Khi họ quay về – Pyle nói – Chúng ta ra hiệu cho họ ngừng và đưa chúng ta về đồn.
Lúc này tiếng nổ lớn làm rung cả sàn gác.
– Nếu mà họ quay về được – Tôi nói – Vừa rồi như tiếng mìn thì phải.
Khi tôi nhìn lại đồng hồ thì đã quá chín giờ mười lăm một chút và chiếc xe tăng không quay lại. Súng không nổ nữa.
Tôi ngồi xuống cạnh Pyle duỗi dài hai chân.
– Cố ngủ đi – Tôi nói. Chẳng có thể làm được việc gì khác đâu.
– Tôi không yên tâm chút nào về hai tên lính này.
– Chừng nào Việt Mình không tới thì không sợ gì cả. Ðể khẩu tiểu liên dưới chân cho yên trí hơn.
Tôi nhắm mắt lại và cố hình dung ra mình đang ở một nơi khác& ngồi cứng thẳng lưng trên một toa tàu hạng tư của nước Ðức trước khi Hitler lên cầm quyền, những ngày của tuổi thanh niên khi tôi thường suốt đêm ngồi, không biết gì là u sầu, khi tôi có những cơn mơ mộng, lúc không ngủ đầy hy vọng chứ không phải đầy sợ hãi. Hoặc bây giờ là lúc Phượng thường tiêm thuốc bữa đêm cho tôi. Tôi tự hỏi xem đã có một bức thư nào đang chờ tôi không, tôi hy vọng rằng không có, vì tôi biết trước thư sẽ nói gì, và chừng nào nó chưa đến thì tôi còn có thể ước mơ những điều không thể có được.
– Anh ngủ à? – Pyle hỏi.
– Không.
– Có nên rút thang lên không?
– Tôi bắt đầu hiểu tại sao họ lại cứ để thang, đó là con đường thoát duy nhất.
– Tôi mong cho chiếc xe tăng lộn lại.
– Nó không lộn lại đâu.
Tôi cố lâu mới nhìn đồng hồ, thời gian sao mà đi chậm thế. Chín giờ bốn mươi, mười giờ năm, mười giờ mười hai, mười gia ba mươi hai, mười giờ bốn mươi mốt.
– Anh thức hay ngủ – Tôi hỏi Pyle.
– Thức.
– Anh nghĩ cái gì đấy?
Hắn lưỡng lự rồi nói:
– Nghĩ về Phượng.
– Nói rõ hơn xem nào.
– Tôi tự hỏi lúC này cô ta đang làm gì.
– Tôi có thể cho anh hay. Cô ta chắc rằng tôi ngủ lại ở Tây Ninh, vì đây không phải là lần đầu. Cô ấy nằm trên giường, cạnh một nén hương đốt để trừ muỗi, và đang xem ảnh đăng trên số báo Paris Matchs cũ. Như tất cả những người Pháp, cô ta rất mua truyện các vua chúa.
Pyle nói với một vẻ tư lự:
– Thật tuyệt vời khi ngưòi ta biết rõ đến thế.
Còn tôi, trong đêm tối, tôi mường tượng ra đôi mắt anh chàng hiền từ như đôi mắt của một con chó. Ðáng lẽ anh chàng phải mang tên là Cún chứ không phải là Pyle.
– Thật ra tôi không biết. Nhưng chắc là như thế. Khi chẳng làm đựơc cách nào khác thì chẳng nên ghen tị làm gì: “Không nên xây thành lũy quanh cái bụng một người đàn bà”.
– Ðôi lúc, tôi rất ghét cái kiểu nói năng của anh, Thomas ạ. Anh có biết hình ảnh Phượng trong tôi là thế nào không? Tươi tắn như một bông hoa.
– Bông hoa khốn khổ, bị cỏ dại lấn át đến nghẹt thở.
– Anh gặp cô ta ở đâu?
– Cô ta khiêu vũ ở Ðại thế giới.
– Khiêu vũ ư? – Pyle thốt lên như việc đó xé nát lòng hắn.
– Ðó là một nghề đáng kính – Tôi nói – Ðừng thắc mắc gì cả.
– Anh dày dạn kinh nghiệp quá, Thomas, ghê gớm quá đấy!
– Tôi đã có một số tuổi đời ghê gớm. Khi anh sống đến tuổi tôi.
– Tôi chưa hề đoạt được một người phụ nữ nào đến nơi đến chốn. Tôi không rõ anh gọi kinh nghiệm bản thân là cái gì
Những người đồng bào của anh hình như để một phần lớn nghị lực vào việc nốc rượu.
– Tôi chưa hề nói với ai điều này.
– Anh còn trẻ. Đừng lấy điều đó làm ngượng.
– Có phải anh có đến một đống đàn bà không, anh Fowler?
– Tôi không hiểu một đống là thế nào. Chỉ có bốn người phụ nữ là đã ít nhiều quan trọng đối với tôi, hay với bản thân họ. Còn đối với bốn mươi người khác – hay xấp xỉ như vậy – người ta tự hỏi làm thế để làm gì? Để giữ sức khỏe, hay vì nghĩa vụ xã hội, các lập luận đó đều láo toét cả.
– Anh coi là sai lầm thật ư?
– Tôi muốn có thể sống lại những đêm đó. Tôi bây giờ vẫn muốn yêu Pyle ạ, nhưng ngày càng hết duyên rồi. Ồ tất nhiên, có sự kiêu hãnh ở chỗ này. Được người khác mê mình thì mình còn tự kiêu mãi mãi. Nhưng trời có hiểu cái gì làm ta nở mũi khi nhìn thấy chung quanh ta những người đàn ông định chinh phục không?
– Anh Thomas này, hay là bộ máy con người tôi có cái gì bị hỏng liệt, anh cứ nói thật cho.
– Không phải đâu, Pyle ạ.
– Không phải là tôi không biết thèm khát phụ nữ, tôi cũng giống như mọi người thôi, tôi không có cái gì khác thường cả đâu.
– Thật ra chúng ta không thèm khát nhiều như chúng ta tưởng. Chúng ta tự ám thị ghê gớm quá về vấn đề này. Bây giờ tôi biết rằng tôi không thèm khát một người phụ nữ nào… ngoài Phượng. Nhưng điều đó là một khoa học mà phải có năm tháng trôi qua, ta mới nắm được. Nếu không có Phượng, tôi có thể cả năm không có đêm nào thao thức cả.
– Nhưng cô ta còn đấy – Pyle nói nhỏ đến nỗi tôi không nghe rõ.
– Người ta bắt đầu bằng cách tìm thú vui ở khắp mọi nơi, rồi kết thúc bằng sự chung thuỷ với một người, y như cha ông chúng ta vậy.
– Bắt đầu kiểu như vậy thì cũng hơi ngây thơ.
– Không.
– Trong báo cáo của Kinsey không nói điều này.
– Báo cáo sẽ nói, nếu đó là một sự ngây thơ.
– Anh Thomas này, nằm ở đây mà nói những chuyện này thì khoái thật. Lạ thật, y như chúng ta không bị sống trong sự đe dọa vậy.
– Người ta có cảm giác như vậy trong lúc tạm yên giữa hai đợt máy bay ném bom. Nhưng họ sẽ trở lại.
– Nếu người ta hỏi, theo kinh nghiệm quan hệ với phụ nữ của anh, lúc nào là lúc sống sâu lắng nhất, thì anh trả lời thế nào?
Câu trả lời của tôi đã sẵn sàng.
– Vào lúc sáng sớm, nằm ở trên giường và nhìn một người phụ nữ mặc áo ngủ đỏ đang chải tóc.
– Jo thì nói rằng đối với hắn, đó là lúc vừa được ngủ cả với một người Tàu và một người da đen.
– Khi tôi hai mươi tuổi, tôi cũng nghĩ như vậy.
– Jo này đã năm mươi tuổi.
– Tôi tự hỏi, khi người ta tống hắn ra mặt trận, người trước tính hắn đã có trí tuệ bao nhiêu tuổi.
– Có phải Phượng chính là người phụ nữ mặc áo ngủ màu đỏ không?
Nếu Pyle không đặt câu hỏi này thì hay biết mấy!
– Không phải. Cô ấy đến với tôi trước Phượng. Khi tôi đã xa vợ.
– Thế rồi việc gì đã xảy ra?
– Tôi cũng lại lìa cô ta.
– Sao vậy?
Thật ra thì tại sao nhỉ?
– Khi yêu, chúng ta là những người ngu ngốc – Tôi nói – Ý nghĩ sẽ mất cô ta làm tôi kinh sợ. Tôi thấy như cô ta đối với tôi sự đổi thay. Tôi không rõ cô ta có đổi thật không, nhưng tôi không thể chịu đựng nổi sự hoài nghi thấp thỏm. Tôi chạy nhanh đến chỗ kết thúc y như một tên lính nhút nhát lao mình về phía địch và vì thế lại được hưởng một tấm huân chương. Tôi muốn lấy cái chết để chấm dứt.