Chiến trường khi nhìn từ gác chuông nhà thờ xuống chỉ thấy vẻ ngoạn mục, bất động như một bức tranh toàn cảnh vẽ cuộc chiến tranh của người Boe trong một tờ báo tin ảnh London cũ. Một máy bay thả dù tiếp tế lương thực cho một đồn bị cô lập giữa vùng núi đá vôi, những ngọn núi kỳ lạ nơi biên giới. Trung Bộ, bị nắng mưa đục khoét, trông như những bọt đá chồng lên nhau và khi chiếc máy bay lộn lại lượn trên chỗ cũ, ta có cảm giác như nó đứng nguyên tại chỗ lơ lửng giữa đất với trời. Từ đồng bằng vọng lên tiếng súng cối, khói của đạn pháo thành những cụm đứng yên nom như những khối đá chắc nịch, trong khi khu chợ vẫn cháy, ngọn lửa như tôi đi dưới mặt trời. Hình bóng nhỏ xíu của những lính dù tiến hàng một dọc theo những con sông đào, từ trên cao nhìn xuống, cũng như đứng yên tại chỗ. Ngay vị linh mục đang đọc kinh ở một góc tháp cũng không hề thay đổi lối ngồi. Từ xa nhìn vào, chiến tranh thật sạch sẽ và được sắp xếp có ngăn nắp từng ly từng tý.
Tôi từ Nam Ðịnh tới lúc trước rạng đông bằng một tàu đổ bộ. Chúng tôi không thể cập bến ở căn cứ thuỷ quân vì vướng quân địch, họ cô lập hoàn toàn thị trấn theo một đường bán kính 600 m, bởi vậy chiếc tàu phải cập vào cạnh khu chợ đang bốc cháy. Dưới ánh lửa, chúng tôi quả đã là một cái đích ngon ăn, nhưng không rõ vì một lẽ bí ẩn nào đó, không có viên đạn nào bắn tới cả. Mọi vật đều im lặng, chỉ trừ những quầy hàng cháy kêu răng rắc và đổ ụp xuống một cách nặng nề. Tôi nghe tiếng đổi chân của một người lính Senegal gác ở bờ sông.
Tôi rất quen thuộc Phát Diệm những ngày trước khi có cuộc tấn công: cái đường phố độc nhất dài và hẹp, hai bên là những quán hàng bằng gỗ, cứ 100 m lại có một con lạch cắt ngang, một nhà thờ và một cây cầu. Tối đến chỉ có nến hay đèn dầu nhỏ (Phát Diệm không có điện trừ nơi sĩ quan Pháp ở) và đêm cũng như ngày, người ta sống ồn ào, đông lúc nhúc. Theo một kiểu Trung cổ kỳ lạ, dưới bóng và sự che chở của ông Hoàng Giám mục, đó là thị trấn sống động nhất của cả nước, nhưng ngày hôm đó, khi đổ bộ và đi về khu sĩ quan, tôi lại thấy đó là một thị trấn chết. Gạch vụn, mảnh kính, mùi sơn và vữa cháy, con đường phố dài không bóng làm tôi nhớ lại một đại lộ của London, vào buổi sáng sớm, khi có chuông báo an, người ta như chờ để thấy một cái biển báo: “Có bom chưa nổ!”.
Bề mặt của ngôi nhà sĩ quan bị một quả bom làm bay đi và bên kia phố, nhà cửa đều đổ nát. Khi đi cùng tôi từ thành phố Nam Ðịnh xuống đây, trung uý Pero đã cho tôi biết điều gì đã xảy ra. Ðó là một người còn trẻ nghiêm trang, hội viên Hội Tam điểm và tất cả những điều đó bị coi như là một tai vạ đối với sự mê tín của đồng loại. Vị giám mục Phát Diệm đã sang Âu châu và mang về dòng Ðức Mẹ Phatima: Dòng lập ra do Ðức Mẹ Ðồng trinh, mà người theo đạo Thiên Chúa tin là đã xuất hiện trước một đám nhi đồng ở Bồ Ðào Nha. Ðến lượt mình Giám mục đã cho xây một cái động thờ Ðức Phatima trong khu vực nhà thờ và hàng năm, người ta tổ chức lễ rước Ðức mẹ. Quan hệ giữa ông ta và viên đại tá chỉ huy quân Pháp – Việt trở nên căng thẳng khi các nhà đương chức đã giải tán đội vệ binh của Giám mục. Năm nay, viên đại tá là người có đôi chút thiện cảm với giám mục vì cả hai đều đặt tổ quốc của họ cao hơn đạo – đã có một cử chỉ thân thiện và đi hàng đầu trong đám rước cùng với những phụ tá cao cấp. Chưa bao giờ từng có một số người đông như vậy đã tập trung ở Phát Diệm để rước thành Phatima. Cả đến những người theo đạo Phật, họ chiếm non nửa số dân ở đây cũng không thể thờ ơ với cảnh tưng bừng đó, và những người chẳng lương cũng chẳng giáo, cũng đinh ninh rằng theo một lẽ bí hiểm, tất cả những lá cờ, bình hương, bình bánh thánh bằng vàng đó có thể đẩy lui chiến sự ra xa gia đình họ. Tất cả những cái gì còn sót lại của đạo vệ binh của Giám mục, đội kèn đồng dẫn lộ cho đám rước và những sĩ quan Pháp, đầy vẻ mộ đạo theo lệnh của đại tá, đi tiếp theo như những lễ sinh. Ðám rước qua cửa lớn vào trong sân diễu qua bức tượng Thánh Tâm màu trắng dựng trên một hòn đảo giữa cái hồ nhỏ phía trước nhà thờ, dưới tháp chuông có đôi cánh cong theo kiểu á châu, rồi vào trong cái nhà thờ kiểu kỳ lạ làm bằng gỗ chạm, với những chiếc cột cái nguyên cả cây gỗ cùng với bàn thờ Chúa sơn son rực rỡ (nom giống bàn thờ Phật hơn là bàn thờ Chúa. Người ta ùn ùn kéo về Phát Diệm, từ tất cả các làng cách nhau bởi những con sông đào, từ cánh đồng thấp như đồng nước Hà Lan, chỉ khác ở chỗ những cây mạ xanh hay những vạt lúa chín vàng óng đã thay cho những cây hoa tuy-líp và những nhà thờ thay cho các cối xay gió.
Không ai để ý đến những người của Việt Minh đã trà trộn vào đám rước, đến tiểu đoàn quân chủ lực của cộng sản vượt qua các đèo của dãy núi đã vôi đột nhập vào đồng bằng, dưới mắt của những tốp quân Pháp bất lực gác ở các đồn tiền tiêu đặt trên núi. Ðêm hôm đó, lính trinh sát của Việt Minh đã đánh vào Phát Diệm.
Sau bốn ngày đánh nhau, nhờ có lính dù giúp sức, quân địch chỉ bị đẩy ra xa non một cây số và đang bao vây thị trấn. Ðó là một chiến bại mà những nhà báo không được phép nói tới, không một bức điện nào được đánh đi, vì báo chí chỉ được đăng tin chiến thắng. Những nhà cầm quyền chắc đã cản không cho rời Hà Nội, nếu họ biết ý đồ của tôi, nhưng người ta càng đi xa đại bản doanh thì sự kiểm soát càng lỏng lẻo và khi tới tầm súng địch, người ta sẽ được đón nồng nhiệt. Ðiều đe doạ đối với Bộ Tổng Tham mưu ở Hà Nội và là sự phiền hà cho viên chỉ huy khu vực Nam Ðịnh, đối với viên thiếu uý đang lâm trận lại là một câu chuyện vui, một sự giải trí, một bằng chứng về sự quan tâm của thế giới bên ngoài, nhờ có nó mà trong vài ba giờ quý báu, ông ta có thể ít nhiều quan trọng hoá vai trò của mình và dọi một ánh sáng anh hùng giả tạo vào những người bị thương vong của ông.
Vị linh mục gấp cuốn sách kinh lại và nói: “Thế, xong rồi”. Ông là người Âu, nhưng không phải là người Pháp, vị Giám mục không đời nào chịu để có một linh mục Pháp trong địa phận của mình. Linh mục nói thêm như để tạ lỗi:
– Xin hiểu cho là tôi phải leo lên đây để được yên thân một chút và không bị quấy bởi những con người khốn khổ kia.
Tiếng súng cối hình như gần lại, hoặc bây giờ phía địch mới chịu trả lời. Ðiều khó khăn kỳ lạ là tìm ra địch: Có mười hai mặt trận nhỏ hẹp và không biết bao nhiêu là chỗ địch có thể phục kích giữa những con lạch, những trang trại và cánh đồng.
Thẳng ngay phía dưới chúng tôi là toàn bộ dân Phát Diệm, đứng, ngồi, nằm: lương, giáo, vô thần, họ đã gói ghém những của cải quý báu nhất của họ – cái bếp, cái đèn, cái giường, cái tủ, vài chiếc chiếu, một bức tranh thánh – và vào trú trong địa phận Nhà Chung. Ðêm xuống trời miền Bắc rét căm căm, nhà thờ đã chật ních người, không có nơi trú ẩn nữa, ngay trên cầu thang đi lên gác treo chuông, tất của các bậc đều có người. Trong khi đó người ta vẫn réo tới các cửa và bước vào, mang theo những đứa con nhỏ và đồ đạc. Họ tin rằng dù theo bất kỳ đạo giáo nào, ở đây họ sẽ được an toàn. Trong khi chúng tôi đang nhìn cảnh tượng đó, một người trẻ tuổi mặc quân phục Việt và mang theo súng lách vào. Một linh mục ngăn anh ta lại và lấy đi khẩu súng. Linh mục đứng cạnh tôi nói, như để giải thích:
– Chúng tôi trung lập. Ðây là đất của Chúa.
Tôi suy nghĩ: Chúa có trên mảnh đất của Người một số dân sợ sệt, đói rét, khốn khổ đến kỳ lạ vậy thay! Một tu sĩ đã nói với tôi: “Không biết lấy gì để nuôi sống tất cả bao nhiêu người này”. Người ta tưởng rằng một vị vương giả phải làm nhiệm vụ trọn vẹn hơn là thế này. Nhưng tôi lại nghĩ, đi tới đâu người ta cũng gặp cảnh tương tự: không phải những ông vua hùng mạnh nhất có thể làm cho dân mình sung sướng nhất.
Dưới sân, những mẹt hàng đã được bày ra.
– Trông như một phiên chợ khổng lồ – tôi nói – Nhưng không tìm ra được một vẻ mặt tươi cười.
– Ðêm qua họ bị rét đến chết – linh mục nói – Chúng tôi đã phải đóng hết cửa tu viện lại, sợ họ ồ vào.
– Trong tu viện chắc ấm lắm?, tôi hỏi.
– Chắc ấm lắm. Nhưng chúng tôi không đủ chỗ để chừa được một phần mười số người hiện có. Phải – ông ta nói tiếp – Tôi hiểu ông định nói gì. Nhưng cũng cần để cho dăm ba người trong chúng tôi còn được khoẻ mạnh. ở Phát Diệm chỉ có một bệnh viện mà y tá đều là những cô nữ tu cả.
– Còn người làm phẫu thuật?
– Không, tôi tới để tìm phương hướng đi tiếp.
– Tôi hỏi như vậy vì hôm qua có một người lên tận đây. Ông ta xin xưng tội. Những điều nhìn thấy dọc con sông đào đã làm ông ta sợ hãi. Chúng ta cũng chẳng nên trách ông ta.
– Tình hình chỗ đó có gì không hay?
– Quân dù đã dồn địch vào giữa hai lưới đạn. Những người đáng thương! Tôi tin rằng ông cũng có cảm giác đó.
– Tôi không phải là người thực hành đạo Thiên Chúa. Tôi cũng không tin rằng ông có thể coi tôi là người tin ở Chúa.
– Sự sợ hãi đã gây ra tác động kỳ lạ với con người.
– Ðối với tôi, nó lại khác. Dù tôi có thể mơ hồ tin ở một Ðức Chúa nào đó, tôi vẫn sẽ không thể thích xưng tội. Quỳ xuống trong một ngăn giống như một cái hộp. Tự lột trần truồng mình ra trước một con người khác! Xin Cha thứ lỗi cho, tôi thấy việc đó có vẻ yếu đuối& một sự thiếu dũng khí.
Ông linh mục nói bằng một giọng nhẹ nhàng: Tôi chắc ông là một người lương thiện và chẳng bao giờ làm điều gì đáng hối hận.
Tôi đưa mắt nhìn những nhà thờ xếp hàng ra tận biển cách đều đặn dọc những con sông đào. Một tia lửa loé ra từ tháp chuông thứ hai.
– Các nhà thờ của các ông cũng không phải là trung lập cả, như ông nói.
– Chúng tôi biết làm thế nào được – linh mục đáp – Người Pháp chỉ chấp nhận là không vượt qua hàng rào của Nhà thờ Lớn thôi. Chúng tôi không thể đòi hỏi hơn được. Nơi ông đang nhìn là một đồn của quân lê dương.
– Tôi phải đi đây. Xin chào Cha.
– Xin chào và chúc ông may mắn, ông hãy đề phòng những tay súng lẻ đấy.
Tôi phải chen lách mãi mới thoát khỏi đám đông ra khỏi nhà thờ, đi ven phía trước cái hồ và pho tượng màu trắng đứng giơ tay nom như đã được điêu khắc bằng một khối đường và ra được tới cái phố dài. Tôi có thể nhìn tới hơn nửa dặm về cả hai chiều và thấy ngoài tôi, người lính đội mũ có ngụy trang đi từ phía dưới phố lên, hai khẩu súng Sten sẵn sàng nhả đạn. Tôi nói hai người sống vì có một xác chết nằm ngay ở cửa, đầu gục xuống đường. Lọt vào tai tôi chỉ có tiếng nhặng vo ve và tiếng phlích phlắc của bước chân những người lính đi xa dần. Tôi ngoảnh mặt, bước nhanh qua xác chết. Vài phút sau, quay lại phía sau, tôi thấy chỉ còn tôi và cái bóng, và tai tôi không nghe thấy gì khác ngoài những tiếng động tự tôi gây ra. Tôi có cảm giác rằng mình là cái bia trên trường bắn. Tôi chợt nghĩ nếu có sự gì xảy ra với mình trong cái phố này, thì hàng giờ sau người ta mới biết và những con nhặng có đủ thì giờ để bu tới.
Khi đã vượt qua được hai con kênh, tôi rẽ vào con đường dẫn tới một nhà thờ. Một chục người mặc áo dù rằn ri, ngồi trên đất, trong khi hai sĩ quan đang tra cứu tấm bản đồ. Không có ai lưu ý tới tôi khi tôi nhập bọn. Một người lưng đeo chiếc máy bộ đàm có cần ăng ten dài, nói:
– Bây giờ có thể tới đó được rồi.
Tôi dùng thứ tiếng Pháp tồi hỏi xem có thể đi theo họ không. Một trong những điều thuận lợi trong cuộc chiến tranh này là bộ mặt của người Âu tự nó là một tấm hộ chiếu để tới chiến trường, người ta không thể nghi một người Âu là kẻ làm tay chân cho địch.
– Anh làm gì? – viên trung uý hỏi.
– Tôi viết những bài báo về chiến tranh.
– Người Mỹ à?
– Không, người Anh.
– Ðây chỉ là một cuộc hành quân nhỏ – hắn nói – nhưng nếu anh muốn đi cùng chúng tôi&
Anh ta định lấy mũ của mình đưa cho tôi.
– Không – tôi nói – cái này là để cho những người đánh nhau.
– Tuỳ anh.
Chúng tôi đi vòng sau nhà thờ, theo hàng dọc, trung úy đi đầu và dừng lại một lát khi tới bờ một con sông đào, để người lính mang máy bộ đàm có thể liên lạc với hai tốp đi tuần ở hai bên. Ðạn súng cối bay qua đầu chúng tôi để nổ xa ngoài tầm mắt. Chúng tôi đã lấy thêm người khi đi gần nhà thờ và quân số đã lên non ba mươi người. Viên trung uý khẽ giảng cho tôi, ngón tay chỉ trên bản đồ:
– Có người báo là có ba trăm địch trong làng này. Chúng tập hợp để phục kích đêm nay. Chúng tôi không rõ thực hư. Chưa có ai phát hiện ra họ cả.
– Cách đây bao xa?
– Ba trăm mét.
Một vài tiếng được truyền vào bộ máy vô tuyến điện, rồi chúng tôi tiếp tục cuộc hành quân một cách lặng lẽ. Bên phải là con sông đào thẳng tắp, bên trái là những lùm cây là là mặt đất, đến những thửa ruộng, rồi lại đến những lùm cây. “Ðường thông rồi”, viên trung uý vừa nói thì thào, vừa khoát tay làm hiệu khi chúng tôi tiếp tục đi. Bốn mươi mét sau là một con lạch, với cái gì còn lại của một cây cầu (một tấm ván không có tay vịn), khiến chúng tôi phải dừng lại. Viên trung uý ra hiệu cho mọi người dàn ra và chúng tôi vào vị trí, ngồi xổm trước mảnh đất lạ dải ra bên kia cầu. Mọi người nhìn xuống nước, rồi như nhận được một mệnh lệnh, nhất tề quay mặt đi. Lúc đầu tôi không nhìn thấy cái gì họ đã thấy, nhưng khi đã thấy thì óc tôi, không hiểu tại sao lại nhớ tới những ngày đã qua, tới tận khách sạn Sale, tới những anh con trai mặc giả gái, tới những binh sĩ trẻ huýt sáo tới Pyle khi y nói: “Không hợp với cô ta”.
Khúc sông đầy những tử thi. Bây giờ tôi lại nhớ như hình ảnh của món ra-gu nấu với quá nhiều thịt. Những xác người đè lên nhau, một cái đầu, màu xám như da con hải cẩu, vô danh như một tù nhân tóc bị cạo trọc, nhoi khỏi mặt nước như một cái phao. Không trông thấy máu: Tôi đoán rằng dòng máu đã trôi hết từ lâu. Tôi không thể ước lượng được con số những người chết đó, chắc họ đã bị lọt bất ngờ vào giữa hai làn đạn trong khi tìm cách rút và tôi đoán rằng mỗi người trong chúng tôi đều nghĩ: ăn miếng trả miếng! Tôi cũng như mọi người, quay mặt đi, chúng tôi không muốn được nhắc tới sự vô nghĩa của cuộc đời và cái chết đến nhanh chóng, đơn giản, vô danh như thế. Tuy lý trí của tôi khát vọng cái chết, nhưng với tư cách là một thực thể, tôi lại sợ cái chết như một cô trinh nữ sợ hãi sự giao phối. Tôi ao ước được báo trước khi cái chết sắp tới để có thì giờ chuẩn bị. Chuẩn bị cho cái gì? Tôi cũng không hiểu và cũng không biết chuẩn bị như thế nào, ngoài việc soát lại những thứ mà tôi sắp lìa bỏ.
Viên trung uý ngồi cạnh người lính mang máy bộ đàm và chăm chú nhìn vào khoảng đất ở giữa hai bàn chân mình. Chiếc máy lẹt xẹt truyền tới những huấn lệnh và viên sĩ quan đứng lên với một cái thở dài như vừa bị đánh thức. Giữa bọn họ có một tình bằng hữu kỳ lạ thể hiện qua các cử chỉ, người ta cảm thấy họ bình đẳng với nhau, khi họ bận rộn về một công việc đã cùng làm với nhau không biết bao nhiêu lần rồi. Không có ai cần người khác nhắc mình phải làm việc gì.
Hai người đi về phía tấm ván và định vượt qua, nhưng bị mất thăng bằng bởi trọng lượng võ khí mang theo, nhiều khi họ phải ngồi như cưỡi ngựa và nhích lên dần từng phân một. Một người lính tìm thấy một con đò giấu trong lùm cây về phía hạ lưu và đẩy đến nơi viên trung uý đứng. Sáu người chúng tôi xuống và người lính chống sào sang bờ bên kia, nhưng một lớp xác người đông đặc giữ chặt đò lại. Người lính lấy con sào đẩy đi, con sào ngập trong đám bùn đất thịt người đó, một cái xác bỗng nổi lên nằm dài dọc theo thuyền, như một người đang phơi nắng trên bãi biển. Rồi đò thoát ranh và một lần nữa chúng tôi leo lên bờ mà không ngoái cổ lại nhìn. Không một phát súng nổ, chúng tôi sống cả, cái chết đã lùi lại, có lẽ tới con sông sau. Tôi nghe thấy ai đó nói phía sau với một giọng nghiêm trang: “Tạ ơn Chúa”. Không kể viên trung uý, đa số những người khác đều là người Ðức.
Ðến đây là những căn nhà trong một trang trại, viên trung uý là người vào trước tiên, hai tay ép vào tường chúng tôi lần lượt theo sau, Rồi (một lần nữa không cần phải có lệnh) mọi người triển khai ra khắp khu trại. Tất cả sự sống ở đây đã biến mất: Một con gà cũng không còn. Nhưng trên tường của căn phòng, chắc đã là phòng khách, vẫn treo hai bức tranh in một cách xấu xí ảnh Thánh Tâm và ảnh Ðức Mẹ với Chúa Hài đồng, nó đem lại cho những ngôi nhà lúp xúp xiêu vẹo này một cái vẻ phương Tây. Người ta hiểu những người ở đây tin ở gì, dù không chia sẻ niềm tin của họ: Họ là những con người, không phải là những xác chết xám xịt đã mất hết cả máu.
Trong chiến tranh, người ta đã để mất đi không biết bao giờ rỗi, để mong đợi một người nào đó. Khi không biết còn sống được bao lâu nữa, người ta có ý nghĩ rằng chẳng có việc gì đáng làm cả, kể cả việc suy nghĩ cho có hệ thống. Thực hiện một hành động đã quá quen thuộc, những người lính gác tản ra xa. Kể từ phút này, tất cả cái gì động đậy ở phía trước mặt là thù địch. Viên trung uý tính toạ độ trên bản đồ và dùng máy vô tuyến báo cáo về vị trí của chúng tôi. Sự im lặng của buổi giữa trưa bao trùm lên tất cả: ngay đến súng cối cũng im tiếng và không trung vắng tiếng phi cơ. Một người cầm một cành cây nhỏ chọc bới đám bùn của sân gà vịt. Trong chốc lát, có thể nói chiến tranh đã bỏ quên chúng tôi. Tôi hy vọng rằng Phượng đã đưa quần áo của tôi đi nhuộm. Một cơn gió lạnh thổi bay những cọng rơm trên sân và với vẻ kín đáo, một người ra sau nhà chứa thóc để đại tiện. Tôi cố gắng nhớ xem đã trả ông lãnh sự nước Anh ở Hà Nội tiền chai Whisky ông nhượng lại chưa.
Hai phát súng nổ ở phía trước và tôi nghĩ: thế là đụng nhau rồi! Bắt đầu rồi! Ðó là tín hiệu mà tôi đang mong đợi. Tôi chờ đón với một niềm vui sâu sắc cái điều không thể thay đổi được.
Nhưng không có điều gì xảy ra cả. Một lần nữa, tôi đã “cường điệu sự chuẩn bị đối phó với tình huống”. Chỉ sau vài phút sốt ruột chờ đợi, một người lính gác vào báo cáo với trung uý. Tôi nghe thấy nói: “Hai thường dân”.
– Ra xem nào! – viên trung uý nói với tôi.
Theo sau người lính, chúng tôi phải lần từng bước đi men theo một bờ ruộng lầy lội đầy cỏ mọc. Hai mươi mét cách khu trại, trong một cái hố chật hẹp, chúng tôi đã nom thấy cái mà chúng tôi đi kiếm: Một người đàn bà và một đứa trẻ con. Nhưng rõ ràng là họ đã chết tôi rồi, một cục máu nhỏ nằm gọn giữa trán người đàn bà, đứa bé nom như đang ngủ. Nó chừng 6 tuổi và nằm co hai chân khẳng khiu lên sát cằm như cái bào thai trong dạ mẹ.
– Tội nghiệp cho họ – viên trung uý nói.
Hắn cúi xuống, lật đứa bé lên. Ðứa nhỏ đeo nơi cổ một hình Chúa và tôi bụng bảo dạ: Cái bùa này không công hiệu. Dưới mình nó có một mẩu bánh ăn dở. Tôi tự nghĩ: Sao mà tôi căm thù chiến tranh làm vậy.
– Anh xem đã đủ chưa? – viên thiếu uý hỏi tôi với một vẻ dữ tợn, gần như tôi là người chịu trách nhiệm về những cái chết đó.
Có lẽ dưới con mắt người lính, người dân thường là người đã dùng anh để giết người, là người đã trút vào trong phong bì cho anh cái tội sát nhân cùng với đồng lương để rồi phủi tay. Chúng tôi trở lại khu trại và như lúc nãy, chúng tôi ngồi im lặng trên đống rơm, để tránh ngọn gió, cái ngọn đó giống một con thú, như biết rằng đêm tối sắp đổ xuống. Ngay lúc nãy đã chọc đám đất này lại đi tiêu, và người đã đi tiêu này lại chọc đám đất. Tôi nghĩ vào lúc yên tĩnh thế này, lúc những lính gác đã về vị trí của mình, thì hai người đã chết kia như có thể mò ra khỏi hố của họ. Tôi tự hỏi không rõ nằm ở đó đã lâu chưa, với mẩu bánh đã khô cứng. Cái trại này chắc là nhà của họ.
Chiếc máy vô tuyến lại hoạt động.
– Họ sắp ném bom vào làng – người trung uý nói với một vẻ mệt mỏi – các đội tuần tra được gọi trở về.
Chúng tôi đứng lên và trở về nơi xuất phát, lại phải lượn giữa những xác chết, đi vòng qua nhà thờ theo hàng một. Chúng tôi chưa đi được xa là mấy, tuy nhiên cuộc hành quân mà kết quả chỉ là thấy hai xác chết hình như dài lắm. Bây giờ máy bay đã cất cánh và phía sau chúng tôi, việc ném bom đã bắt đầu.
Ðêm đã xuống khi tôi tới khu vực dành cho các sĩ quan, nơi tôi sẽ ngủ đêm nay. Trời rét tới một độ trên không và nguồn nhiệt duy nhất để chống lạnh là khu chợ đang cháy. Những tấm rèm vải treo sau các cánh cửa đã bị vênh và bức tường bị bazoka bắn thủng không đủ sức ngăn các luồng gió. Máy phát điện không chạy và để nến khỏi tắt, chúng tôi phải đem sách và hòm ra dựng thành tường chắn. Tôi đánh bài với một viên đại uý mang tên Soren, ăn thua bằng tiền Việt. Không thể ăn thua nhau bằng rượu vì tôi là khách của quán ăn sĩ quan. Vận đỏ đen lần lượt tới mỗi bên một cách đều đều, buồn tẻ. Tôi mở chai Whisky ra để uống cho ấm bụng và mọi người xúm quanh chúng tôi.
– Ðâu là cốc Whisky đầu tiên tôi uống từ rời Pháp – viên đại tá nói.
Một viên trung uý đi đốc gác về, nói:
– Có lẽ đêm nay yên tĩnh.
– Họ không tấn công trước bốn giờ sáng đâu! – đại tá nói – anh có súng ngắn không?
– Không.
– Tôi sẽ kiếm cho anh một khẩu. Nên khôn ngoan nhét nó ở dưới gối (ông ta lịch sự nói tiếp). Tôi ngại rằng sẽ thấy chiếc nệm của chúng tôi rắn quá đấy. Và tới ba giờ rưỡi thì súng cối sẽ tiếp tục bắn. Chúng tôi thử đập tan mọi cố gắng tập trung quân của địch.
– Anh cho rằng chiến sự còn kéo dài bao lâu nữa?
– Ai biết được. Chúng tôi không thể rút thêm quân từ Nam Ðịnh về tiếp ứng nữa. Ðây chỉ là một mũi đánh nhử. Nếu với số quân có trong tay, chúng tôi cầm cự được hai hôm, thì có thể coi như là một trận đánh thắng lợi rồi.
Gió lại lồng lộn quanh nhà tìm chỗ lọt vào. Tấm rèm vải lại phồng lên (tôi chợt nghĩ đến cảnh Polonius bị đâm chết từ sau một bức thảm treo tường) và ngọn nến lung lay. Những bóng người có dáng điệu của các nhân vật trên sân khấu. Người ta có thể cho chúng tôi là một đám hát rong tụ tập trong một kho thóc.
– Các đồn của anh cầm cự tốt chứ?
– Tốt theo những tin chúng tôi biết (ông ta nói tiếp, biểu lộ sự vô cùng mệt mỏi). Xin hiểu cho rằng đây là một trận đánh chẳng có tầm quan trọng gì so với những cái đang diễn ra cách đây một trăm mét, ở Hoà Bình. ở đấy mới đánh nhau thật sự.
– Anh uống thêm một cốc chứ?
– Thôi, cám ơn. Whisky Anh quốc của ông thật tuyệt vời, nhưng cần để dành một chút đến đêm, nhỡ có khi cần. Xin lỗi, tôi nghĩ tôi phải đi ngủ một giấc. Ðến khi súng cối nổ thì chẳng ngủ được nữa đâu. Ðại uý Soren, xin lo cho ông Fowler có đủ các thứ cần thiết: nến, diêm và một khẩu súng ngắn.
Rồi ông đi vào phòng mình.
Ðấy là hiệu lệnh và chúng tôi ai nấy đều rút lui. Người ta trải cho chúng tôi một cái nệm trong một kho nhỏ và xếp quanh tôi những chiếc hòm rỗng. Tôi chỉ thức được một lát: Nền đất cứng lại làm tôi dễ chịu. Tôi tự hỏi, không một chút ghen tuông, rằng chẳng hiểu Phượng đêm nay có ngủ ở nhà không? Hình như trong một đêm như đêm nay, việc làm chủ một tấm thân chỉ là một điều nhỏ bé& có lẽ vì trong ngày tôi đã nhìn thấy người tấm thân không còn là của ai nữa, ngay cả của chính mình. Tất cả chúng tôi đều là những con số được tính trong món tổng chi phí. Khi ngủ, tôi mê thấy Pyle. Hắn khiêu vũ một mình trên một sân khấu của nhà hát, cứng nhắc, hai tay hướng về một bạn nhảy vô hình. Tôi thì ngồi trên một cái ghế đẩu giống ghế dùng cho người đánh piano và tôi nhìn theo hắn, tay cầm khẩu súng ngắn sẵn sàng nhả đạn nếu ai tới quấy phá hắn. Trên một bản chương trình treo bên cạnh sân khấu, như là bản giới thiệu tiết mục của một nhà hát ca vũ nhạc Anh Cát lợi, người ta thấy đề: “Ðiệu khiêu vũ của yêu đương dành cho người lớn”. Có ai động đậy ở phía trong sân khấu, tôi bấm cò và bừng tỉnh dậy.
Tôi thấy tay đang nắm khẩu súng ngắn người ta đã cho mượn và một người đang đứng ở ngưỡng cửa, tay cầm một cây nến. Hắn đội một chiếc mũ sắt, bóng chiếc mũ phủ lên mắt hắn, và tôi chỉ nhận ra chính đó là Pyle khi hắn lên tiếng.
– Tôi thật lấy làm phiền vì đã làm anh thức giấ, – hắn nói một cách rụt rè – Người ta bảo tôi có thể vào đây ngủ.
Tôi chưa tỉnh hẳn.
– Anh kiếm được cái mũ ở đâu đấy? – tôi hỏi.
– à, một người nào đó cho tôi mượn – hắn đáp một cách mơ hồ.
Hắn kéo lê vào trong phòng một chiếc túi dết của lính và lôi từ đó ra một chiếc chăn túi có lót len.
– Anh được trang bị cẩn thận nhỉ? – tôi vừa nói, vừa cố hiểu xem vì sao hắn và tôi lại cùng ở đây.
– Ðấy là trang bị tiêu chuẩn cho những đội cứu trợ về y tế của chúng tôi. Họ cho tôi mượn một bộ từ Hà Nội .
Hắn lôi tiếp ra một bình thuỷ, một đèn cồn, một bàn chải chải tóc, một bộ đồ cạo râu và một hộp đựng khẩu phần thức ăn. Tôi nhìn đồng hồ. Ðã gần ba giờ sáng.
Pyle tiếp tục lôi đồ trong túi ra. Hắn dùng các hộp làm một cái vòm, trên đó hắn để chiêc gương và các đồ lỉnh kỉnh khác.
– Chắc gì anh đã tìm được nước! – tôi nói.
– ồ, tôi có đủ dùng cho đến sáng mai trong chiếc bình thuỷ kia.
Hắn ngồi trên chiếc chăn và bắt đầu cởi giày.
– Anh làm thế quái nào mà tới tận đây được? – tôi hỏi.
– Người ta cho tôi đi Nam Ðịnh để kiểm tra công việc của các đội phòng đau mắt hột của chúng tôi. Sau đó, tôi thuê một chiếc thuyền.
– Một chiếc thuyền à?
– ồ, một chiếc mảng, tôi cũng không hiểu gọi nó bằng tên gì. Thực ra tôi đã mua chiếc mảng đó. Không đắt lắm!
– Có, nhưng tôi không tới. Tôi đã tự kiềm chế – hắn nói tiếp một cách âu sầu – thế thì tệ quá! Tôi sẽ là một kẻ đáng tởm, nhưng xin anh tin cho tôi, nếu hai anh chị đã là vợ chồng với nhau& không bao giờ tôi tìm cách xen vào giữa một cặp vợ chồng.
– Xem ra anh có thể cứ xen vào đấy – tôi nói.
Lần đầu, hắn làm tôi bực mình.
– Fowler – hắn nói – tôi không rõ tên thánh của anh là gì?
– Là Thomas, anh hỏi để làm gì?
– Anh cho phép tôi gọi anh là anh Tom? Tôi nghĩ như vậy chúng mình gần với nhau hơn. Tôi muốn nói khi hai người cùng yêu một người đàn bà.
– Bây giờ anh định làm gì?
Với vẻ phấn hứng, hắn đứng lên, tựa lưng vào những chiếc hòm. Hắn nói:
– Bây giờ, khi anh đã rõ thì mọi việc đối với tôi trở nên khác hẳn. Tôi sẽ xin cưới cô ấy làm vợ, anh Tom ạ.
– Tôi muốn anh gọi tôi là Thomas.
– Cô ấy sẽ phải chọn giữa anh và tôi, anh Thomas ạ. Một cách đơn giản. Một cách đúng với lẽ phải.
Hắn ta bắt đầu cởi quần áo ngoài và tôi nghĩ là hắn có ưu thế của tuổi trẻ. Thật đáng buồn khi người ta phải thèm khát được như Pyle.
– Tôi không thể cưới Phượng làm vợ được – tôi nói – tôi có một bà vợ ở nước Anh. Không bao giờ bà ấy chịu ly hôn. Bà ấy là thành viên của Thượng Giáo Hội, anh hiểu thế là thế nào rồi chứ?
– Tôi rất lấy làm tiếc cho anh, anh Thomas. Này, tên thánh của tôi là Andon, nếu anh muốn&
– Tôi ưng gọi tên chính của anh thôi – tôi đáp – tôi nghĩ tới anh dưới cái tên đó.
Hắn chui vào trong chăn và thò tay ra tắt nến. Hắn nói:
– Ôi, tôi hài lòng vì việc đó đã giải quyết xong, anh Thomas ạ. Trước tôi khổ sở quá, phát ốm vì nó được.
Rõ ràng là hắn đã hết ốm.
Khi nến tắt, tôi chỉ có thể nhìn đường nghiêng của mái tóc hắn nổi bật lên trên ánh lửa đám cháy bên ngoài.
– Thôi, chào Thomas, chúc ngủ ngon.
Ðúng lúc hắn nói như vậy, ngay lập tức, y hệt sau câu đáp, người xem đã biết trước trong một vở kịch tồi, tiếng súng cối bắt đầu ù ù, rít lên.
– Trời đất – Pyle nói – Một cuộc tấn công hay sao?
– Người ta tìm cách ngăn chặn một cuộc tấn công khác.
– Thế là hết một đêm ngủ rồi!
– Hết.
– Anh Thomas này, tôi muốn anh hiểu ý tôi về thái độ của anh trong việc này. Anh thật là tuyệt vời, không có từ nào khác để nói về anh.
– Cám ơn.
– Anh có một thế giới quan mà tôi không có. Anh biết đấy, Boston đứng về nhiều mặt mà xét, đã co hẹp lại. Dù anh chưa phải là một Lowen hay một Cabot. Tôi mong anh sẽ cho tôi những lời khuyên bảo.
– Về vấn đề gì?
– Về Phượng.
– Nếu tôi là anh, tôi sẽ cảnh giác với những lời khuyên của tôi. Tôi có thiên kiến. Tôi muốn giữ Phượng.
– ồ, nhưng tôi hiểu tính cương trực, cương trực tuyệt diệu của anh và cả hai chúng ta đều một lòng lo đến lợi ích của Phượng.
Ðột nhiên, tôi không chịu nổi sự ấu trĩ của hắn.
– Tôi cóc lo đến lợi ích của cô ta – tôi nói – anh đi mà lo. Tất cả những điều tôi muốn là cái thân xác của cô ta. Tôi muốn có cô ta trên giường của tôi. Tôi muốn giày vò cho cô ta tan xác còn hơn là quan tâm đến lợi ích chết tiệt của cô ta.
Hắn ồ lên một tiếng khẽ trong bóng tối.
– Nếu anh lo cho cô ta được sung sướng – tôi nói tiếp – lạy trời, anh hãy để cô ta yêu. Như mọi đứa đàn bà khác, cái cô ta thích nhất là cái con&
Một tiếng đạn súng cối nổ làm cho đôi tai người Boston của hắn khỏi phải nghe cái chữ tục tĩu của người Anglo Saxon tôi đã dùng.
Nhưng ở Pyle có một cái gì đấy cứng nhắc. Hắn đã cho cách cư xử của tôi là cao thượng, thì nhất định nó cứ phải cao thượng.
– Tôi hiểu là anh đau khổ đến chừng nào, anh Thomas ạ.
– Tôi không đau khổ.
– ồ có chứ, có chứ. Tôi biết tôi sẽ đau khổ ra sao nếu tôi phải lìa bỏ Phượng.
– Nhưng tôi đã lìa bỏ Phượng đâu.
– Mặt vật chất cũng làm tôi quan tâm, anh Thomas ạ, nhưng tôi lìa bỏ những ảo vọng về mặt đó để Phượng được sung sướng.
– Cô ấy đang có hạnh phúc đó chứ!
– Làm sao cô ấy hạnh phúc được trong hoàn cảnh này? Cô ấy cần có con.
– Anh thật sự tin ở những lời nói tầm phào của bà chị cô ta à?
– Một người chị đôi khi hiểu nhiều điều hơn.
– Mụ ta chăng một cái bẫy, Pyle ạ, chỉ bởi mụ tin rằng anh có nhiều tiền hơn tôi. Và trời ơi, anh đã đâm đầu vào cái bẫy đó.
– Tôi chỉ có đồng lương thôi.
– Nhưng các anh được hưởng một giá hối đoái hời.
– Thôi, xin đừng chua chát làm gì, anh Thomas. Những điều đó thường xảy ra. Nhưng anh là người cuối cùng mà tôi mong phải chịu đựng điều đó. Tiếng súng cối này là tiếng súng của chúng ta à?
– Vâng, súng của “chúng ta”. Anh nói như Phượng sắp bỏ tôi ấy.
– Tất nhiên – hắn nói mà không hề tin tưởng một chút nào – có thể cô sẽ chọn ở lại với anh.
– Nếu vậy, anh sẽ làm gì?
– Tôi xin chuyển đi một nơi khác.
– Tại sao anh không xin đi ngay đi, anh Pyle, mà không gây ra những phiền hà như vậy?
– Như vậy lại là không hành động một cách lương thiện với cô ta, anh Thomas ạ – Pyle nói với một sự nghiêm trang rất lớn.
Tôi chưa từng gặp một người nào đã gây ra tất cả tai họa với tất cả một thiện ý như Pyle.
– Tôi không tin – hắn nói tiếp – rằng anh đã hiểu rõ Phượng.
Vài tháng sau, một buổi sáng tỉnh dậy có Phượng nằm bên, tôi nghĩ: “Còn anh, anh có hiểu Phượng không? Anh có lường tới tình huống này không? Phượng sung sướng nằm bên tôi, còn anh thì chết tỏng rồi? “Thời gian trả đũa nhưng các sự trả đũa thường mang vị chua cay: khôn ngoan hơn cả tôi lẫn anh, là không nên tìm hiểu, mà chấp nhận rằng không có người nào có thể hiểu được một người khác, dù là vợ chồng, dù là người yêu, là bố mẹ, và con cái. Có lẽ vì thế mà con người đã nghĩ ra Thượng đế, một nhân vật có thể hiểu những người khác. Nếu tôi muốn hiểu hay muốn được người khác hiểu mình, có lẽ tôi sẽ làm được cái việc là tin có Trời, nhưng tôi lại là phóng viên, chỉ có những nhà viết xã luận mới tin có Trời mà thôi.
– Anh tin chắc rằng có nhiều điều dễ hiểu hay sao? – tôi hỏi Pyle – ồ, chán nhỉ, uống Whisky. Mỗi khi súng nổ, tay hắn lại run lên, tuy vậy hắn đã làm cuộc đi điên rồ từ Nam Ðịnh về đây.
– Lạ lùng thay – hắn nói – nhưng anh cũng như tôi, không ai chúc được người kia hai chữ “may mắn”.
Tôi đã tính phải xa Sài Gòn 8 ngày, nhưng chỉ trở về được sau ba tuần hay gần như vậy. Trước hết, tôi đã gặp nhiều khó khăn để ra khỏi khu Phát Diệm hơn là khi vào đó. Ðường bị cắt giữa Hà Nội – Nam Ðịnh và người ta chẳng thể dành một chiếc máy bay chở khách cho một phóng viên đúng ra không nên ở đó. Rồi khi tôi về đến Hà Nội, một máy bay vừa chở phóng viên ra ghi nhận cuộc chiến thắng mới, chuyến trở về đã chật ních không sao dành được một chỗ cho tôi. Pyle thì rời Phát Diệm ngay sáng hôm y tới, hắn đã hoàn thành nhiệm vụ của hắn là gặp tôi để nói câu chuyện về Phượng. Không có gì lưu luyến hắn lại nữa. Tôi để yên cho hắn ngủ lúc năm giờ rưỡi sáng. Súng cối ngừng nổ, tôi ra nhà ăn, dùng xong chén cà phê và mấy chiếc bánh quy về thì hắn không còn ở nhà nữa. Tôi tưởng hắn dạo một vòng& , khi người ta đã đẩy được một chiếc mảng từ Nam Ðịnh về đây thì người ta chẳng bận tâm gì đến vài tay súng lẻ. Hắn là người không hình dung nổi nỗi đau khổ hắn gây cho người khác. Trong một trường hợp nữa – nhưng phải đến nhiều tháng sau – khi tôi hết cả bình tĩnh và bắt hắn phải nhìn thẳng vào những nỗi đau khổ, thì tôi thấy hắn quay đi, băn khoăn nhìn vào đôi giày bẩn của mình và nói: “Có lẽ tôi phải cho đánh giày trước khi vào gặp ngài bộ trưởng”. Lúc đó tôi hiểu hắn đã dùng cách nói học được trong sách của York Hardin. Tuy nhiên, hắn lại thực thà theo kiểu của hắn: Nếu đau khổ chỉ đổ lên đầu kẻ khác thì đó chỉ là do một sự trùng hợp nào đó thôi cho tới cái đêm chót, dưới chân cầu Ða Kao.
Chỉ khi về tới Sài Gòn, tôi mới biết trong khi tôi đi uống cà phê, hắn đã thuyết phục một sĩ quan thuỷ quân trẻ để anh này cho hắn lên một chiếc xuồng đổ bộ và lén cho lên Nam Ðịnh sau một chuyến đi tuần như thường lệ. Hắn đang trong cơn vận đỏ cho nên đã cùng với đội “chống đau mắt hột” về được Hà Nội 24 giờ trước khi đường được chính thức coi như bị cắt đứt. Khi tôi về đến Hà Nội, hắn đã đi vào Nam và để cho tôi một lá thư, nhờ anh chàng phụ trách quầy rượu ở Trại báo chí chuyển giúp.
“Anh Thomas thân – hắn viết – tôi không thể nào nói hết được rằng đêm hôm nọ anh đã tuyệt vời như thế nào. Bây giờ phải thú thật với anh rằng lúc vào nơi anh ngủ tôi rất e ngại” (Thì ra hắn không e ngại gì khi xuôi mảng trong một thời gian dài sao?). Không có mấy người đã chấp nhận tình hình một cách bình tĩnh như anh. Anh thật là tuyệt vời và tôi bây giờ, sau khi đã nói được hết với anh, thấy mình bớt đáng khinh đi một chút” (Tôi giận dữ nghĩ chỉ có hắn là đáng đếm xỉa tới hay sao? Và tuy vậy tôi hiểu không phải hắn định viết như vậy. Ðối với hắn tất cả câu chuyện sẽ tốt đẹp khi hắn không thấy mình là có tội nữa. Ta sẽ sung sướng hơn, Phượng sẽ sung sướng hơn, nhân loại sẽ sung sướng hơn, cả tùy viên thương mại và ngài bộ trưởng nữa. Mùa xuân rạng rỡ cả trên đất ông Dương khi Pyle không thấy là mình có tội).
“Tôi đã chờ anh 24 giờ ở đây, nhưng nếu hôm nay tôi không lên đường thì tôi sẽ không có mặt ở Sài Gòn sớm hơn một tuần lễ, mà công việc chính là của tôi ở miền Nam. Tôi đã nói với anh em ở đội chống đau mắt gặp khi anh tới, chắc anh sẽ vui về bọn họ. Ðó là những người dễ chịu đang làm một việc tốt đẹp. Ðừng thấy tôi về Sài Gòn trước mà lo. Tôi hứa không tới thăm Phượng từ nay tới khi anh về. Tôi không muốn sau này anh có thể nghĩ rằng tôi xấu chơi đối với anh. Chào thân thiết. Andon”.
Một lần nữa, đó là dấu hiệu quả đoán rằng tôi sẽ mất Phượng. Niềm tin đó căn cứ vào giá hối đoái chăng? Ðôi khi người ta nói về một người nào đó rằng anh ta có tấm lòng vàng. Bây giờ chúng ta nên đem những chữ vàng ra để đánh giá tình yêu và có một từ kép là ái tình – đôla hay sao? Tất nhiên, khái niệm về ái tình – đôla bao gồm cả sự cưới xin nhau, một đứa con trai, ngày hội của những người mẹ, dù cho tất cả những điều đó sẽ kết thúc tại thành Rono hay đảo Virgin hay đến những đâu, có trời biết. ái tình – đôla có động cơ tốt, lương tâm trong sạch và mặc xác cho thế giới còn lại có thể tìm nơi nào tan biến đi. Nhưng tình yêu của tôi không có khát vọng gì: Nó đã biết ngày mai của nó. Ðiều mà tôi có thể làm được là tìm cách làm cho ngày mai đó đỡ vất vả, chuẩn bị cho tương lai một cách từ từ, nó đến đâu chuẩn bị đến đó và trong việc này thì a phiến có tầm quan trọng của nó. Nhưng tôi không thể nào tính trước được cái tương lai mà tôi phải thận trọng chuẩn bị Phượng lại bắt đầu bằng cái chết của Pyle.
Chẳng có việc gì làm, tôi đi dự cuộc họp báo. Lẽ tất nhiên Grand đã có mặt. Một viên đại tá quá đẹp trai chủ trì. Ông ta nói tiếng Pháp và một sĩ quan cấp dưới làm nhiệm vụ phiên dịch. Những nhà báo Pháp cụm lại với nhau như một đội bóng đối thủ của các đội khác. Tôi khó khăn không sao tập trung được tư tưởng về những điều mà viên đại tá nói: ý nghĩ của tôi luôn quay về với Phượng, với nỗi lo duy nhất: nếu điều Pyle nói là sự thật, nếu tôi mất Phượng, thì mọi việc sẽ đi tới đâu?
Người phiên dịch nói: “Ðại tá thông báo rằng quân địch đã chịu một cuộc thất trận lớn và số thiệt hại của chúng ngang với một tiểu đoàn. Những phân đội cuối cùng hiện nay đang dùng những bè mảng vượt qua sông Hồng. Máy bay của chúng tôi liên tiếp đánh vào chúng”.
Viên đại tá lấy tay vuốt mái tóc rất đẹp của ông ta, rồi giơ cao chiếc que dài chỉ trỏ những tấm bản đồ treo trên tường như biểu diễn một điệu múa.
– Sự thiệt hại của phía quân Pháp là bao nhiêu? – một phóng viên Mỹ hỏi.
Viên đại tá hiểu rất rõ câu hỏi đó: đó là câu thường được nêu khi cuộc họp báo đã tới bước này, nhưng ông ta đứng yên, chiếc que giơ cao, một nụ cười nở trên môi hệt như một thày giáo vốn được học trò quý yêu, cho tới khi người thông ngôn đã dịch xong. Lúc đó ông ta mới trả lời một cách mở hồ và kiên nhẫn:
– Thiệt hại của chúng tôi không lớn. Chưa rõ con số chính xác.
Bao giờ cũng vậy, những câu nói đó gây ra một sự náo nhiệt. Người ta tin rằng sớm muộn, viên đại tá sẽ tìm ra một công thức để trị được cái lớp học mất trật tự này, hoặc vị giám đốc trường sẽ cử thay ông ta một ông giáo khác có khả năng duy trì trật tự tốt hơn.
– Ðại tá có nói một cách nghiêm túc không, khi ông bảo có thì giờ đếm xác chết của phía địch, mà không có thời giờ đếm xác phía mình? – Grand hỏi.
Viên đại tá tìm cách chống chế, tuy biết rằng cách đó sẽ bị đổ nhào bởi một câu hỏi khác. Những nhà báo Pháp thì ủ rũ và im lặng. Nếu những nhà báo Mỹ, bằng cách châm chọc đã bắt viên đại tá phải chấp nhận sự việc – khi đó họ cũng liền ghi chép luôn – thì tuy vậy họ không chịu hỏi thêm người đồng hương của mình.
– Ðại tá nói rằng – người phiên dịch tiếp – địch rút lui một cách hỗn loạn. Có thể đếm những tử thi sau tuyến lửa, nhưng trong khi cuộc chiến đang diễn ra thì không thể chờ cho các đơn vị quân Pháp đang tiến công phải gửi những con số báo về.
– Không phải là chúng tôi chờ – Grand nói – mà là việc bộ tham mưu biết hay không biết. Ông thật sự định làm cho chúng tôi tin rằng những đội quân chiến đấu không dùng máy bộ đàm báo cáo về những thiệt hại của mình sao?
Viên đại tá bắt đầu nổi xung. Nếu ông ta ngay từ đầu chấp nhận sự thách thức, thì tốt hơn cứ trả lời thẳng là có biết, nhưng không thể công bố sự thiệt hại. Xét cho cùng, đây là cuộc chiến tranh của người Pháp, không phải của chúng tôi. Chẳng có pháp luật trời ban nào cho chúng tôi cái quyền được biết tin tức. Chúng tôi không phải đấu tranh với quân của cụ Hồ Chí Minh giữa sông Hồng và sông Ðà. Chúng tôi không phải những người phải hứng lấy sự chết chóc kia.