Hình như trong nhà không có ai: Tôi cứ việc vào. Tôi nghĩ chắc họ tạm lánh để đề phòng cảnh binh đến tìm bắt.
Có thể ông Heng đã báo mật thám, nhưng dù có thế, cảnh sát chắc cứ khoanh tay. Chúng cho rằng cứ để cho công chúng tin là các vụ nổ do cộng sản gây ra thì vẫn có lợi hơn.
Không có gì ngoài chiếc xe và những mẩu sắt rải rác trên nền xi măng. Khó mà tưởng tượng được rằng những quả bom có thể được chế tạo tại đây. Tôi chỉ có sự hiểu biết mơ hồ về cách chế biến chất bột tôi đã thấy trong các hộp thành mìn nhựa, nhưng rõ rằng đó là một công việc quá phức tạp không thể tiến hành ngay ở đây, nơi mà ngay hai chiếc bơm ét-xăng ngoài cửa xem chừng cũng không được bảo quản tử tế. Tôi đi ra tận cửa và nhìn ra ngoài. Dưới hàng cây, phía giữa phố, những người thợ cạo đang làm việc, một mảnh gương treo trên thân cây phản chiếu lại những tia mặt trời. Một cô thiếu nữ đầu đội nón, quang gánh trên vai, đang chạy. Người bói bài tây, ngồi xổm lưng tựa vào tường hãng Simon, đang có một vị khách: một người già, râu thưa, thản nhiên nhìn ông thầy bói trang và lật những con bài cũ kỹ. Tương lai cụ đáng giá bao nhiêu và bỏ hẳn một đồng bạc ra xem số? Trên đại Somer, người ta sống ngay ở ngoài đường, mọi người đều biết rõ những điều cần biết về ông Mười, nhưng cảnh sát thiếu cái chìa khóa để mở được lòng tin của họ. Sống ở cái mức như thế này thì tất cả đều phơi bày ra, những người ta không thể xuống sống ở mức sống đó như đi xuống phố được. Tôi lại nhớ tới những mụ già ngồi nói phiệu ở cầu thang gác, cạnh những nhà tiêu công cộng, các mụ đó cũng nghe biết hết được mọi tin đồn, nhưng tôi nào có biết được họ đã biết những gì.
Lộn về nhà chứa xe, tôi vào đựơc một phòng giấy nhỏ ở trong cùng, tôi thấy cuốn lịch Tầu quảng cáo như mọi nơi, một bàn viết ngổn ngang, cataloge, lọ cồn, máy tính, kìm kẹp, ấm tích, ba chén uống nước trà, một lô bút chì chưa gọt, và có trời mới hiểu được, cả một bưu ảnh mới mang hình Eiffel nữa. York Hardin có thể viết bằng những công thức trừu tượng về lực lượng thứ ba, nhưng đấy chính là lực lượng thứ ba ấy, ngoài ra không có gì khác! Giữa bức tường hậu có một cái cửa khóa chặt, nhưng chìa khóa lại để giữa đống bút chì. Tôi mở cửa và đi sang bên kia.
Tôi thấy mình đang ở trong một nhà kho rộng ngang tới cái garage. Trong kho chỉ có một cái máy mới nom tưởng là một cái lồng làm bằng ống tuýp và dây thép với vô số những giàn cho chim đậu. Người ta dễ có cảm giác là tất cả những thứ đó đều được buộc vào nhau bằng những mảnh vải cũ, nhưng chắc các miếng vải chỉ được dùng để lau và còn vương ở đó khi ông Mười và đồng bọn vội bỏ chạy. Tôi nom thấy tên hãng sản xuất ra chiếc máy làm tại thành phố Lion và số thứ tự của bằng sáng chế. Tôi cắm cho điện chạy và chiếc máy cổ lỗ sống lại, những thanh sắt có sức mạnh nhất định, chiếc máy quá nhiều tuổi giống như một cụ già thu hết tàn lực, dùng tay đấm, đấm hết sức mình. Ðúng là một cái máy nén, cổ lỗ sĩ. Nhưng máy nén này vẫn dùng được tại các nước người ta không bỏ chi phí một vật gì, có thể bất kỳ cái gì một hôm có thể từ chỗ bị quên lãng nhảy ra trút hơi thở tàn của mình. Tôi nhớ lại là đã xem tại một phố nhỏ của thành phố Nam Ðịnh, một cuốn phim rất cổ: Con tầu Robery to lớn, chiếu ra, hình chỉ thấy loáng thoáng, nhưng vẫn đôi chút mua vui cho khán giả.
Tôi lại gần xem cho rõ hơn, và còn thấy những vệt bột trắng. Ðúng là Dionlacton rồi. Nhưng không tìm đâu ra hộp sắt hay khuôn ép. Tôi quay trở lại phòng giấy, rồi nhà garage. Tôi toan vỗ một cái thân mật lên chắn bùn của chiếc xe cũ kỹ, nó có lẽ còn phải chờ lâu đấy, nhưng chính nó, biết đâu, một ngày nào đó. Trong lúc này, chắc ông Mười đang tìm cách lội qua ruộng để tới khu núi thiêng nơi tướng Thế đặt bản doanh. Khi tôi gọi to: Ông Mười! thì tôi lại tưởng như đã đi xa nhà garage, đại lộ, những người thợ cạo, và tôi đang trở lại những cánh đồng lúa trên đường đi Tây Ninh là nơi tôi đã ẩn núp. “Ông Mười!”. Tôi như nhìn thấy một con người ngoảnh đầu lại, ở giữa các cây lúa.
Tôi đi bộ trở về nhà và trên bậc cầu thang những mụ già râm ran trò chuyện như những con chim trên bờ rào, tôi chẳng hiểu nổi họ nói gì như tôi không hiểu tiếng chim kêu trên cành vậy. Phượng không có ở nhà, chỉ có mấy chữ báo cho tôi biết cô đang ở nhà chị của mình. Tôi nằm dài ra giường và thiếp ngủ. Khi tôi thức giấc, nhìn ra chiếc đồng hồ báo thức thấy đã một giờ hai mươi lăm phút, quay đầu lại những tưởng như Phượng ngủ cạnh tôi. Nhưng chiếc gối chưa có ai động đến. Hôm đó chắc Phượng đã thay khăn trải giường, mùi vải mới giặt là còn nguyên. Tôi đứng dậy, mở ngăn kéo nơi Phượng vẫn cất khăn choàng, khăn không còn ở đó nữa. Tôi đi ra tận giá sách, cuốn sách tranh về cuộc đời gia đình hoàng gia đã biến mất. Phượng đi đã mang theo gia sản của cô.
Khi mới bị choáng váng, người ta ít đau, cơn đau đến lúc ba giờ sáng, khi tôi suy nghĩ về cách xếp đặt lại cuộc đời, cuộc đời mà theo cách này hay cách khác, tôi bắt buộc phải tiếp tục sống, và khi tôi nghĩ cách xếp lại những kỷ niệm để quên đi, chưa rõ quên bằng cách nào. Những kỷ niệm, êm ấm làm người ta đau khổ nhất, vì thế lại tệ hại nhất, bởi vậy tôi gắng nhớ lại những kỷ niệm buồn. Tôi đã quen với việc này. Tôi đã sống qua tất cả những cảnh ngộ này. Tôi hiểu rằng tôi đủ sức làm những việc cần làm, dẫu đã già nua. Tôi cảm thấy còn sức để xây dựng lại.
Tôi đến tòa Lãnh sự Mỹ và yêu cầu được gặp Pyle. Phải viết đầy đủ vào một tờ phiếu rồi giao cho một người quân cảnh ngay từ ngoài cửa.
Tên này nói:
– Ông chưa ghi rõ mục đích việc xin gặp.
– Rôi ông ta sẽ biết.
– Thế ông được hẹn trước hay sao?
– Xin cứ coi như vậy cũng được.
– Xem ra cũng phiền toái, nhưng chúng tôi phải hết sức chú ý. Thỉnh thoảng vẫn có những kẻ khả nghi tới đây.
– Người ta nói với tôi như vậy.
Hắn đưa đẩy miếng kẹo cao su sang phía miệng bên kia và đi vào thang máy. Tôi đứng chờ. Tôi cũng chưa rõ mình sẽ nói với Pyle điều gì. Ðây là một màn kịch lớn tôi chưa đóng bao giờ. Người cảnh binh trở ra.
– Mời ông lên – Hắn nói một cách không vui vẻ – Phòng số 12A, gác một.
Ðến nơi tôi không thấy Pyle, Jo, tuỳ viên thương mại ngồi ở bàn giấy. Tôi vẫn không nhớ ra tên chính của hắn. Bà chị của Phượng chăm chăm theo dõi tôi từ sau chiếc máy chữ. Phải chăng cặp mắt nâu đầy vẻ hám lợi của bà đã lóe lên vẻ chiến thắng. Jo nói lớn với vẻ dễ tính ồn ào:
– Mời vào, mời vào anh Tom. Rất vui sướng được gặp anh. Chân anh ra sao rồi? Chẳng mấy khi anh tới cái sở nhỏ bé củ chúng tôi. Xin kéo một chiếc ghế mà ngồi. Cho tôi nghe ý kiến anh về trận tấn công vừa qua đi. Tối qua tôi gặp anh Grand ở Continetal. Hắn lại sắp ra miền bắc. Hắn ta thật hăng. Ðâu có gì mới là có mặt Grand. Hút thuốc nhé? Anh cứ tự nhiên. Anh quen Miss Hải đấy chứ? Người có tuổi như tôi không sao nhớ được đầy đủ tên họ các cô có& dài quá. Tôi cứ gọi: “Hello, cô kia!”. Thế mà cô ấy lại thích. Kiểu cách theo lối thực dân cũ là hết thời rồi. Ngoài phố có tin đồn gì mới nhất, Tom? Các anh như lúc nào cũng áp sát tai xuống đất để nghe ngóng. Rất tiếc cho chân anh. Andon, đã kể cho tôi nghe.
– Pyle đâu rồi?
– Sáng nay Andon không tới sở. Tôi thấy anh ta đang ở nhà. Lắm việc ở nhà lắm.
– Tôi biết hắn đang làm cái việc gì ở nhà rồi.
– Say sưa lắm, cái anh chàng. à, anh vừa nói gì nhỉ?
– Dù sao tôi cũng biết chắc hơn anh cái việc anh ta đang làm ở nhà là gì.
– Tôi chẳng hiểu anh định nói gì, anh Tom. Tôi vẫn cứ là anh chàng Jo lơ mơ. Từ xưa, và mãi mãi.
– Nó đang ngủ với người yêu của tôi, em gái cô thư ký đánh máy của anh.
– Tôi chẳng hiểu anh nói gì cả.
– Cứ hỏi cô ta thì biết. Chính cô ta đã bố trí việc này, Pyle đã cướp người yêu của tôi.
– Nghe này, Fowler, tôi cứ tưởng anh đến đây là có việc công. Tôi không thể cho ai tới phòng giấy này gây sự, anh rõ chứ?
– Tôi đến tìm Pyle, nhưng chắc y trốn rồi.
– Này, anh Fowler, đáng lẽ anh là người cuối cùng được phép ăn nói như vậy, sau cái việc mà Andon đã làm cho anh.
– à, phải, phải, tất nhiên. Hắn đã cứu sống tôi phải không? Nhưng tôi có yêu cầu hắn làm việc đó đâu?
– Xả thân ra cứu anh. Anh ta hẳn phải rất tốt bụng.
– Tôi cóc nói đến cái bụng hắn. Lúc này tôi đang nghĩ đến một bộ phận khác của con người hắn.
– Này, này, đừng nói bóng gió như thế trước mặt một phụ nữ.
– Bà này với tôi đã hiểu quá rồi. Bà muốn vòi tôi một khoản tiền mà không được, nhưng bà ta đã làm ăn được với Pyle. Thôi được. Tôi rõ là tôi đã cư xử lỗ mãng, và tôi cứ muốn lỗ mãng như thế. Trong hoàn cảnh này, chẳng ai tử tế với ai cả.
– Chúng tôi đang bận. Cần làm báo cáo về vấn đề sản xuất cao su.
– Anh khỏi lo, tôi đi đây. Nếu Pyle có gọi thì nói hộ là tôi đã đến. Có lẽ anh ta thấy anh ta cần đến đáp lễ tôi, cho phải phép. (Tôi quay lại phía bà chị cô Phượng). Tôi hy vọng bà sẽ đưa ra công chứng viên xác nhận số tiền thưởng, trước mặt ông Lãnh sự Mỹ và những nhà theo chủ nghĩa khoa học gia tô giáo.
– Tôi đi ra ngoài hành lang trước mặt, ở đây có cánh cửa mang biển “Các ông”. Tôi vào, cài cửa lại, và ngồi gục đầu vào tượng lạnh ngắt mà khóc. Cho đến bây giờ tôi chưa hề khóc. Chuồng xí của họ đặt máy điều hòa khí hậu, không khí mát mẻ đã làm khô nước mắt của tôi, như đã làm khô nước bọt trong miệng và tinh khí trong cơ thể.
Tôi giao phó công việc dở dang vào tay Domige và đi ra miền Bắc. ở Hải Phòng, tôi có nhiều người quen thân trong phi đội Gasconer và tôi sống hàng giờ tại phòng bán rượu của sân bay, hay chơi cầu trên con đường trải sỏi ngay trước mặt.
Nói theo cách chính thức thì tôi đang ra tiền tuyến, tôi thi đua với Grand, nhưng báo của tôi cũng chẳng thêm được bài nào, y như khi tôi thăm Phát Diệm báo cũng chẳng được bài nào. Tuy nhiên, khi người ta viết về chiến tranh, thì lòng tự trọng cũng buộc người ta đôi lúc cũng phải chia sẻ nổi gian nguy với người khác.
Gian nguy thật ra cũng khó chia sẻ, dù trong những thời gian hạn chế, vì có lệnh từ Hà Nội ban xuống, cấm không cho tôi được tham gia vào các phi vụ nào không phải là phi vụ “ngang” bay trên tầm súng đại liên. Nhưng những phi vụ ngang cũng chẳng khác một chuyến đi ôtô buýt, chỉ gặp khó khăn nguy hiểm khi xe hỏng máy hay người lái lỗi lầm. Chúng tôi cất cánh theo giờ đã định, về nhà theo giờ đã định: bom thả chênh chếch rơi, những cột khói uốn khúc bay lên, từ một ngã tư hay một cây cầu rồi đúng giờ chúng tôi lại đi uống rượu khai vị hay lăn những quả cầu thép tròn trên con đường rải sỏi.
Một buổi sáng, tôi đang uống Cognac với Soda ở quán ăn sĩ quan trong thành phố với một sĩ quan trẻ, anh này ngày đêm mơ ước được thăm cảnh con đê chắn sóng của một thành phố ở nước Anh, thì lệnh chiến đấu tới, anh ta hỏi tôi có muốn đi không, tôi đồng ý. Dù chỉ được dự một phi vụ ngang cũng là một cách giết thì giờ và giết cả những suy nghĩ của tôi. Trên xe đi ra phi trường, anh ta nói:
– Lần này là một phi vụ “dọc”.
– Tôi tưởng họ cấm tôi&
– Nhưng đừng có viết lách gì đấy. Tôi sẽ đưa anh đi xem, gần biên giới Trung Hoa, một góc đất nước mà chắc anh chưa được thấy. Gần Lai Châu.
– Tôi nghĩ mọi việc đang yên ổn ở đó cơ mà?
– Trước thì yên. Hai ngày trước đây họ chiếm mất rồi. Lính dù đang tiến lên, vài giờ nữa thì tới. Chúng tôi muốn quân Việt Minh phải chúi dưới hầm hố cho tới khi chúng tôi lấy lại được đồn. Như thế có nghĩa là phải bổ nhào và bắn. Chúng tôi chỉ có hai chiếc máy bay, một thì đang hoạt động. Anh đã đi ném bom kiểu bổ nhào bao giờ chưa?
– Chưa bao giờ.
– Chưa quen thì cũng khó chịu đấy.
Phi đội gác Gasconer chỉ được trang bị bằng những máy bay ném bom kiểu Maroder B26. Người Pháp gọi chúng là những “con đĩ” vì cánh chúng tôi rất nhỏ, như không biết lấy cớ gì đỡ cho thân. Tôi ngồi co trên mẩu ghế không lớn hơn chiếc yên xe đạp, đầu gối tì vào lưng người lái. Chúng tôi dọc theo sông Hồng đi lên, từ từ lên cao và vào giờ này quả là con sông mang mầu hồng. Tưởng như chúng tôi đã lùi ngược thời gian, như chúng tôi đem con mắt nhà địa lý xưa ra khám phá, đặt cái tên cho con sông đúng vào lúc mặt trời đang lặn, làm từ bờ này sang bờ kia, con sông tràn đầy màu đỏ. Rồi ở độ cao ba nghìn mét, chúng tôi bay ngoặt sang phía sông Chảy, nom thật là đen, đầy bóng tối, mặt trời không dọi tới, và cái cảnh hùng vĩ của rừng rậm, núi cao, khe thẳm bỗng chao đảo và sừng sững dưới chúng tôi. Người ta có thể mang cả một phi đoàn tới ném bom xuống khoảng bao la màu xanh hay xám này mà không để lại dấu vết gì hơn là tung mấy đồng tiền vào một ruộng lúa. Xa xa, trước mặt chúng tôi là một chiếc máy bay lượn như một con mòng. Chúng tôi bay theo nó.
Lượn xong hai vòng bên trên tháp canh và ngôi làng có cây xanh bao bọc, chúng tôi bay vọt lên trong ánh nắng chói chang. Viên phi công (tên là Truan) quay đầu lại phía tôi, nháy mắt: bên trên tay lái là những cần điều khiển khẩu súng máy và bộ phận thả bom. Khi ở vào tư thế sắp lao xuống, tôi cảm thấy bụng thót lại như khi sắp bước vào một cuộc phiêu lưu mới: lần khiêu vũ đầu tiên, bữa chiêu đãi trọng thể đầu tiên, mối tình đầu tiên. Tôi nhớ lại khi dự hội chợ Wembly, chơi trò tụt dốc, khi lên đến đỉnh sắp tụt thì không có cách nào thoát vì bị mắc vào bẫy của trò chơi. Tôi chỉ còn kịp nom thấy kim chỉ ba ngàn mét ở cao kế, thế là bổ xuống. Mắt tôi không nhìn thấy gì nữa, cả người chỉ còn là cảm giác. Tôi bị ép chặt vào lưng người lái, một vật gì nặng ghê gớm như đè chặt vào lồng ngực tôi. Tôi không rõ lúc nào là lúc bom rơi. Sau đó nghe thấy đại liên nổ, mùi thuốc súng đầy khoang máy bay, và càng trở nên cao thì cái sức nặng càng giảm đi trên lồng ngực tôi, bây giờ đến lượt cái dạ dày tụt ra, xoắn trôn ốc mà rơi xuống như một người tự sát lao mình xuống đất. Trong bốn mươi giây, Pyle không tồn tại, ngay nỗi cô đơn cũng không tồn tại. Trong khi lượn một vòng rộng để lên cao, tôi nhìn qua cửa sổ bên, thấy khói đang bay lại phía tôi. Trước lượt bổ nhào lần thứ hai, tôi hoảng sợ, sợ bị nhục, sợ nôn mửa ra lưng người lái, sợ bộ phổi bị lão hóa của tôi không chịu nổi sức ép của không khí. Rồi sau khi bổ nhào lần thứ mười, tôi lại chỉ cảm thấy bực dọc: cuộc thí nghiệm kéo dài quá lâu, đã đến lúc về nhà. Rồi chúng tôi lại vọt lên như một cây nến để tránh luồng đạn đại liên, chúng tôi lại lượn một vòng thật lớn để đánh lạc hướng và cột khói cứ bốc coi. Chung quanh làng đều là núi. Mỗi lần chúc xuống, chúng tôi chỉ có thể theo một con đường, một lối đột phá duy nhất, không có đường khác. Khi bổ lần thứ mười bốn, tôi nghĩ, lúc này hết sợ bị nhục – Nếu bên kia có một khẩu đại bác phòng không thì& “. Một lần nữa, chúng tôi lại ngóc lên cao, nơi an toàn, – Có lẽ họ không có đại bác. Bốn mươi phút lượn đối với tôi như một thời gian vô tận, có điều là chúng đã làm cho tôi đỡ khổ vì những nỗi ưu tư của riêng mình. Mặt trời đang lặn khi chúng tôi bay về, thời gian của nhà địa lý đã qua rồi: Sông Ðà không còn đen nữa, còn sông Hồng vẫn cho trôi những làn sóng vàng ối.
Chúng tôi lại rơi khu rừng với những thân cây cong queo và nứt nẻ, chúc xuống mặt sông, và bay ngang trên cánh đồng bỏ hoang, rồi chiếc máy bay bỗng nhằm thẳng một con thuyền tam bản đang lênh đênh trên mặt nước màu vàng mà lao xuống.
Khẩu đại bác chỉ bắn một quả đạn lửa, và chiếc thuyền tan ra thành nhiều mảnh, bay tung lên rồi rơi xuống như một trận mưa tàn lửa, chúng tôi không cần chờ xem những nạn nhân có ngoi ngóp bơi mong thoát chết không, chúng tôi bay vọt lên và trở về căn cứ. Một lần nữa, như khi ở Phát Diệm, lúc thấy xác đứa nhỏ, tôi lại nghĩ: “Sao mà tôi căm thù chiến tranh thế!”. Thật là đáng phẫn nộ khi phải chọn một cái mồi cho thần chết, bay vù qua, chỉ một phát đạn là đủ, và không gặp một sự chống trả nào. Rồi chúng tôi lại tiếp tục đi, sau khi đã đóng góp cái suất nhỏ bé của mình vào tổng số người chết trên đời này.
Tôi cầm lấy ống nghe để hiểu Truand định nói gì.
– Bây giờ bay vòng đi đường khác. Cảnh mặt trời lặn trên những núi đá vôi thật kỳ ảo. Anh thế nào cũng phải khoe với khách cảnh đẹp của trang trại mình.
Trong hơn 100 km, chúng tôi bay theo vệt sáng của mặt trời trên vịnh Hạ Long. Bộ mặt Truand chụp cái mũ như người của sao Hỏa, cúi nhìn những lùm cây đỏ ối chạy dưới kia những ụ và vòm đá xốp, và vết thương của tội giết người không thấy ứa máu nữa.
Tối hôm đó, đại uý Truand cố mời tôi đi tiệm hút, tuy chính hắn không hút. Hắn ưa ngửi thuốc phiện, theo lời hắn, hắn thích cái cảm giác êm ả của nó khi một ngày chấm dứt, nhưng vì nghề nghiệp, hắn không được phép đi xa hơn trong việc tìm sự lắng dịu này. Cũng có dăm sĩ quan hút nhưng họ thuộc về bộ binh. Còn hắn, hắn cần có một giấc ngủ trọn vẹn. Chúng tôi nằm dìa trong một cái vòm nhỏ, trong cả một dẫy vòm giống như phòng ngủ của một ký túc xá, và người Hoa chủ tiệm sửa soạn tiêm thuốc cho tôi. Ðó là lần đầu, tôi hút kể từ khi Phượng bỏ tôi. Bên phía đối diện của phòng, một người phụ nữ lai Âu, sau khi đã hút, nằm co đôi chân tuyệt đẹp, đọc một tờ tạp chí in trên giấy láng, và ở trong cái ô cạnh đó, hai người Hoa đứng tuổi bàn chuyện làm ăn, điếu gác một bên, thỉnh thoảng lại uống một hớp nước nhỏ.
– Chiếc thuyền chiều nay là của ai – Tôi hỏi – Nó có làm điều gì hại đâu?
– Biết đâu đấy? – Truand trả lời – Chúng tôi được lệnh thấy cái gì trên các đoạn sông chạy thẳng thì bắn vào cái đó.
Tôi hút điếu thứ nhất. Cố xua đuổi nỗi nhớ những điếu hút ở nhà mình.
– Cuộc ném bom hôm nay – Truand nói tiếp – Không phải là một cuộc ném bom tồi tệ nhất đối với một người như tôi. Họ có thể bắn rơi chúng ta trên ngôi làng. Cả hai bên đều chịu những sự đe doạ ngang nhau. Tôi kinh tởm nhất những vụ ném bom napal. Ném từ trên độ cao 1.000 m, rất an toàn (hắn phác ra một cử chỉ ngao ngán), khu rừng sẽ bốc cháy. Có trời biết được nếu đang ở dưới mặt đất thì người ta thấy được những cái gì. Những kẻ khốn khổ bị thiêu sống, lửa cứ như những đợt sóng dội xuống đầu họ. Lửa ngấm vào họ như nước ngấm. (Hắn lại giận dữ nói tiếp chống lại cả một thế giới không hiểu nổi hắn). Tôi không tiến hành một cuộc chiến tranh nội địa. Anh tưởng tôi đi đánh như vậy cho bọn chủ đồn điền đất đỏ hay sao? Thà ra trước tòa án binh còn hơn! Chúng tôi phải làm mọi kiểu chiến tranh cho các ngài nhưng các ngài đổ hết trách nhiệm lên đầu chúng tôi.
– Còn chiếc thuyền lúc chiều? – Tôi hỏi.
– Cả chiếc thuyền đó nữa. (Hắn nhìn tôi với tay cầm điếu thuốc thứ hai). Tôi thèm được có những cách lẩn trốn thực tế như các anh.
– Anh đâu biết tôi đang lẩn trốn cái gì. Không lẩn trốn cuộc chiến đâu, nó chẳng liên quan gì đến tôi. Tôi không dính vào đó.
– Rồi một ngày nào đó các anh sẽ dính vào tuốt.
– Tôi thì không.
– Chân anh còn tập tễnh đó thôi.
– Họ có quyền bắn vào tôi, nhưng họ đã không bắn. Họ phá một tháp canh. Bao giờ người ta cũng phải phòng ngừa những kẻ đi phá nhà. Ngay cả ở giữa thủ đô nước Anh.
– Rồi một ngày nào đó sẽ xảy ra một việc gì đó. Anh sẽ phải chọn nên đứng về bên nào.
– Không. Tôi sắp trở về Anh.
– Thế còn cái ảnh hôm nọ, anh đã đưa tôi xem?
– Xin chia buồn.
– Ðời là như thế đấy. Người ta chia tay nhau, nhưng vận đỏ lại đến. Việc đó làm tôi tin rằng ở đời còn có công lý.
– Tôi cũng tin là có công lý. Lần đầu tiên tôi ném bom napal, tôi nghĩ: đây là cái làng nơi tôi đã ra đời. Cái nhà này là nhà ông Durba, bạn cố tri của bố tôi, ông chủ lò bánh mì – khi nhỏ tôi rất yêu ông chủ lò bánh mì – tìm cách chạy trốn, kia kìa, ở dưới tôi, giữa những đám lửa do chính tay tôi đốt lên. Những người thuộc phái Visi không ném bom nước mẹ của họ. Tôi thấy tôi tội lỗi hơn họ.
– Thế mà anh cứ tiếp tục.
– Cũng có lúc bị lương tâm cắt rứt. Tôi thì chỉ bị lương tâm giày vò khi đi ném bom napal. Lúc khác tôi nghĩ mình bảo vệ châu Âu. Và anh có biết không, phía bên kia họ có những việc làm ghê gớm.
– Chính vì thế mà tôi không muốn dính vào cái việc này.
– Ðây không phải là việc thuộc lý trí hay công lý. Trong một lúc quá bồng bột, chúng ta bị lôi cuốn rồi sau rút ra không được. Chiến tranh, tình yêu thường người ta cứ đem hai cái đó so sánh nhau. (Cái nhìn buồn bã của hắn chạy qua gian phòng và đọng lại nơi cô gái lại nằm hưởng mọt sự yên tĩnh nhất thời). Tôi mong rằng sự việc chỉ là như thế thôi. Kia là một cô gái phải lựa chọn giữa bên bố và bên mẹ số phận cô ra sao khi cái sân bay này bị mất? Nước Pháp chỉ là một nửa Tổ quốc của cô ta.
– Sân bay có sắp bị mất không?
– Anh là một nhà báo. Anh hiểu hơn tôi rằng không thể chiến thắng được. Anh hiểu rằng con đường đi Hà Nội đêm nào cũng bị cắt và cài mìn. Anh hiểu rằng mỗi năm chúng tôi mất đứt một khóa sĩ quan đào tạo ở Sansia. Ðáng lẽ thua từ năm 1950 rồi đấy. Dlat chỉ vớt vát thêm được hai năm, thế thôi. Nhưng chúng tôi là lính nhà nghề, và chúng tôi phải đánh nhau cho tới khi những nhà chính trị bảo chúng tôi ngừng. Lúc đó, chắc hai bên họp lại để định những điều kiện giống hệt như những điều kiện mà chúng tôi đáng lẽ đạt được ngay từ đầu, và điều đó khiến cho những năm chiến đấu này trở thành cực kỳ vô nghĩa. Cái bộ mặt xấu xí của hắn, khi ném bom đã nháy mắt cho tôi, nay mang một vẻ tàn ác của nhà nghề và giống như một mặt nạ mà ngày lễ Noel trẻ con thường đeo chỉ để hở đôi mắt nhìn anh. Anh không thể hiểu nổi sự phi lý đó. Fowler, anh không phải cùng cánh với chúng tôi.
– Trong đời cũng có những việc khác khiến cho những năm cố gắng trở thành công toi.
Hắn để tay lên đùi tôi, như để bảo vệ cho tôi như hắn là người anh của tôi vậy.
– Tối nay rủ cô kia đi, còn hơn là hút thuốc.
– Tại sao anh biết cô ta sẽ đi?
– Tôi đã ngủ với cô ta, trung uý Peranh cũng vậy. Năm trăm tờ.
– Ðắt.
– Ba trăm chắc cũng đi thôi, nhưng trong lúc này chẳng buồn mà cả làm gì.
Tôi theo lời khuyên của anh ta, nhưng thấy không đạt được sự thành cộng nào. Thân thể con người chỉ có thể làm được một số hành động có hạn, mà thân tôi thì đã bị kỷ niệm làm cho thành nguội lạnh. Cái thân thể mà đôi tay tôi được vuốt ve đêm hôm đó tất nhiên không phải chỉ cắn câu vì cái mồi sắc đẹp. Cô ta dùng cùng một loại nước hoa như Phượng và bỗng nhiên, đúng khi tôi sắp ngập vào người cô thì bóng ma của cái gì đó tôi đã đánh mất tỏ ra mạnh dạn hơn, là tấm thân đang nằm dài ra hiến cho tôi. Tôi rời cô ta, nằm ngửa, rồi dần dần, cơn ham muốn nguội đi.
– Xin lỗi nhé – Tôi nói. Và tôi nói tiếp một câu nói dối – Không hiểu sao tôi lại thế.
Cô bạn trả lời tôi một cách dễ thương với một sự thiếu thông cảm đầy dịu dàng:
– Anh đừng lo. Nhiều khi nó thế. Tại thuốc phiện đấy.
– Phải, tại thuốc phiện.
Trời ơi, ước gì đó chỉ là do thuốc phiện mà thôi!
Cái lần đầu tiên tôi trở về Sài Gòn không có ai ra đón, sao mà lạ. ở sân bay, sao mà tôi muốn có thể nói cho anh lái xe taxi một cái địa điểm khác hơn là phố Catina. Lòng tôi tự hỏi, liệu nỗi đau có vợi đi không so với lúc ra đi? Và tôi cố thuyết phục tôi rằng lòng đã dịu đi rồi đấy. Khi lên tới tầng gác, tôi thấy cửa phòng mở, và tôi như ngừng thở bởi một niềm hy vọng vọng điên rồ. Tôi chầm chậm bước lại cửa phòng. Chừng nào chưa tới cửa, nỗi hy vọng của tôi còn tồn tại. Tôi nghe tiếng ghế cọt kẹt và bước qua ngưỡng cửa, tôi nom thấy một đôi giày, nhưng không phải của phụ nữ. Tôi bước nhanh vào, và thấy Pyle vụng về nhấc cái thân nặng chịch của hắn ra khỏi chiếc ghế bành mà Phượng quen ngồi.