Menu Đóng

Chương 4

Viên đại tá nói tuột ra là số tử vong của quân Pháp là một đổi ba, rồi quay lưng lại chúng tôi, nhìn vào bản đồ một cách bực bội. Những người chết là quân của ông, là những sĩ quan bè bạn của ông, cùng tốt nghiệp Saint Sir một khóa với ông và đó không phải chỉ là những con số như đối với Grand.

– Thế là rốt cuộc, chúng tôi rõ hơn một chút – Grand đắc chí một cách vụng về nói. Còn những người Pháp thì ghi chép lia lịa, đầu cúi gầm.

– Ở TRIỀU TIÊN ĐÂU ĐƯỢC như thế – tôi nói tảng lờ như không hiểu. Nhưng tôi chỉ tổ gợi ra cho Grand một ý để hắn hỏi tiếp.

– Xin hỏi hộ đại tá xem người Pháp định làm gì bây giờ. Ông ta nói quân địch tháo chạy qua sông Seine.

– Sông Hồng – người phiên dịch đính chính.

– Tôi chẳng cần biết màu sắc của con sông. Ðiều tôi muốn biết là người Pháp định làm gì trong những ngày sắp tới.

– Quân địch đã tháo chạy.

– Việc gì sẽ diễn ra khi quân địch về bên kia sông? – Grand hỏi – các ông sẽ quyết định những điều gì nữa lúc đó? Các ông sẽ ngôi tại bờ bên này hỏi vọng sang. Xong rồi chứ? (Những người Pháp buồn rầu với vẻ cam chịu, lắng nghe giọng nói như điên dại của hắn). Các ông có định gửi cho những tấm bưu thiếp chúc mừng ngày Noel không?

Người đại uý phiên dịch thận trọng từng chữ cả chữ thiếp chúc mừng nhân ngày lễ Noel.

Ông đại tá nhếch một nụ cười nhợt nhạt, nói:

– Không thể có thiếp chúc đâu.

Tôi có cảm nghĩ rằng vẻ trẻ trung và đẹp trai của đại tá làm cho Grand bực bội. ít nhất là theo ý của Grand, ông ta thiếu một vẻ đẹp rắn rỏi.

– Các ông cũng chẳng có gì khác đâu mà gửi tặng nhiều – Grand nói tiếp.

Ðại tá bỗng trả lời bằng tiếng Anh, một thứ tiếng Anh rất chỉnh tề:

– Nếu đạn được người Mỹ đã hứa được gửi đến thì chúng tôi có nhiều thứ gửi cho họ.

Tuy bề ngoài trang trọng, nhưng trong bụng là người đơn giản, ông ta cứ tin rằng một phái viên báo chí thì bao giờ cũng để danh dự quốc gia mình lên trên những cái tức.

Grand nói một cách ngắn gọn (vốn thông thạo, hắn ghi sẵn trong óc những số liệu về ngày tháng):

– Ông muốn nói rằng những đồ quân trang hứa cho đầu tháng 9 chưa được gửi tới?

– Ðúng như vậy.

Grand túm được tin này, bắt đầu viết.

– Tôi rất tiếc – Ðại tá nói – rằng những điều tôi vừa nói không phải là để đăng báo, tôi chỉ muốn để các bạn rõ cái hậu cảnh của cuộc chiến đấu.

– Nhưng, thưa đại tá – Grand cự lại – đó cũng là tin tức. Viết ra, chúng tôi có thể trợ lực thêm cho các ông.

– Chớ, chớ nên, để cho các nhà ngoại giao làm với nhau về vấn đề này đã.

– Nhưng viết ra thì có hại gì?

Những nhà báo người Pháp ngồi đó rất hoang mang. Họ viết rất ít tiếng Anh. Viên đại tá đã làm trái với những quy định. Họ nhìn nhau với vẻ bất bình.

– Tôi không phải là người phán xét – đại tá nói tiếp – có lẽ những nhà báo Mỹ sẽ viết: “Ôi, những người Pháp khi nào cũng ca cẩm, khi nào cũng ngửa tay ra xin”. Và ở Paris, những người cộng sản sẽ kết tội: Người Pháp đổ máu cho châu Mỹ mà châu Mỹ không gửi cho cả một chiếc máy bay lên thẳng cũ. Viết để làm gì? Rút cuộc máy bay thì vẫn thiếu mà địch thì vẫn ở đó, cách Hà Nội 60 km.

– ÍT RA TÔI CÓ THỂ VIẾT rằng các ông đang cần máy bay lên thẳng?

– Các ông có thể viết – đại tá nói – rằng 6 tháng trước chúng tôi có ba chiếc trực thăng, nhưng bây giờ chỉ còn một. “Một” – ông ta nhắc lại với vẻ kinh ngạc cay đắng – các ông có thể viết nếu có một người bị thương, không cần bị thương nặng, chỉ cần bị đạn làm xước da thôi, thì hắn biết chắc mình sẽ chết. Phải chờ 12 giờ, có khi 24 giờ trên một chiếc cáng để đi tới trạm cứu thương qua những đường mòn, có khi bị pan xe, có khi gặp trận phục kích, gặp bệnh hoại thư& Bởi vậy, thà chết còn hơn (Những nhà báo Pháp nghiêng người về phái trước, cố tìm cách hiểu). Các ông có thể viết những điều đó – đại tá kết luận, vẻ điển trai của ông chỉ làm tăng thêm câu nói cay độc. Bây giờ, dịch đi – ông nói ra lệnh cho người sĩ quan thông ngôn và rời phòng họp, mặc cho người phiên dịch ôm lấy cái công việc khác thường là dịch từ Anh sang Pháp.

– Tôi đã chọc đúng vào vết thương – Grand khoái trá nói.

Rồi hắn ra một góc thảo bức điện. Bức điện của tôi thì ngắn thôi, vì những người kiểm duyệt chẳng cho tôi gửi điều gì có thể viết về Phát Diệm. Nếu câu chuyện lý thú tôi có thể đáp máy bay đi Hong Kong, rồi gửi tin từ đó về nước. Nhưng có tin nào lý thú đến nỗi gửi đi, mà có thể bị trục xuất không?

Phải tính toán kỹ. Bị trục xuất là hết đời, là sự đại thắng của Pyle. ấy thế mà khi trở về khách sạn, tôi thấy đúng bằng chứng về thắng lợi của Pyle nằm trong ngăn kéo, sự kết thúc của tôi: Bức điện mừng tôi được thăng cấp. Nhà thờ Dante cũng không nghĩ ra kiểu chơi độc ác như vậy đối với số phận những cặp tình nhân khốn khổ của mình. Paolo không hề được đề bạt để vào tĩnh thổ tây oan.

Tôi lên căn phòng trần trụi của tôi với chiếc máy nước rò rỉ (ở Hà Nội không có hệ thống cung cấp nước nóng) và ngồi trên mép giường, trên đầu tôi là cái màn toòng teng như một đám mây mọng nước. Tôi sẽ là người biên tập phụ trách phần tin nước ngoài, mỗi buổi chiều đúng 3h30′ phải tới tòa nhà ảm đạm xây theo kiểu thời nữ hoàng Victoria gần nhà ga Blecfrie, nơi gần thang máy có gắn biển kỷ niệm huân tước Sonbore.

Người ta đã gửi tin tốt lành đó từ Sài Gòn ra cho tôi và tôi không rõ tin đã đến tai Phượng chưa. Tôi sẽ không còn được làm phóng viên nữa. Từ nay trở đi, tôi sẽ có quan điểm về các vấn đề và đổi lấy cái đặc quyền rỗng tuếch đó, tôi sẽ bị tước khỏi hy vọng cuối cùng của tôi là cuộc đọ sức với Pyle. Võ khí của tôi để chống lại sự trinh bạch của hắn là những kinh nghiệm của tôi. Trong cái trò chơi về quan hệ nam nữ, kinh nghiệm cũng là lá bài tốt như sự trai tráng, nhưng từ nay không còn có cái thời hạn 12 tháng để dành cho tương lai nữa. Và con chủ bài chính lại là ở tương lai. Thấy những sĩ quan bị dằn vặt vì nỗi nhớ gia đình và bị đẩy ra nơi chết chóc, tôi lại thèm được như vậy. Tôi muốn khóc, nhưng đường ống dẫn nước mắt của tôi bị khô cạn như đường ống dẫn nước nóng của máy nước. ừ, sao không trả gia đình cho những sĩ quan!… Còn tôi thì lại chỉ ao ước một căn phòng ở phố Catina thôi.

Trời rét đêm đã xuống, ở Hà Nội đèn không sáng như màu sẫm của phụ nữ, với thực tế của thời chiến. Tôi đi ngược phố Gambetta lên quán rượu Hòa Bình. Tôi không muốn nhậu nhẹt tại khách sạn Metropol cùng với đám sĩ quan cao cấp Pháp có vợ hay tình nhân đi theo.

Và khi tới quán rượu, tôi nghe thấy tiếng đại bác nổ như sấm rền về phía Hòa Bình. Ban ngày tiếng súng lẩn vào xe cộ, nhưng vào giờ này, tất cả đều im tiếng, trừ tiếng xích lô leng keng tại nơi xe đỗ chờ đón khách. Pietri đã ngồi vào chỗ quen thuộc. Hắn có một cái đầu dài đặt trên đôi vai nom như một quả lê đặt trên một cái đĩa, hắn đã là sĩ quan cảnh sát đã lấy cô vợ xinh đẹp chủ nhân quán rượu. Ðây cũng là một người chắc chẳng muốn trở về quê chút nào. Hắn là người đảo Corse, nhưng hắn ưng Marseille hơn, và nay thì ưng cái ghế ngồi của mình trên hè phố Gambetta hơn Marseille. Tôi tự hỏi không rõ hắn có biết tôi nhận được bức điện có nội dung ra sao chưa.

– Làm một ván 421 chăng? – hắn hỏi.

– Sao không làm nhỉ?

Chúng tôi bắt đầu gieo những con xúc xắc và tôi nghĩ không thể có một cuộc đời nào khác, xa phố Gambetta, phố Catina, xa những cốc Vemus Casi nhạt hoét, xa tiếng xúc xắc quen thuộc, xa tiếng đại bác nổ vòng qua bốn phương như vòng chạy của chiếc đồng hồ.

– Tôi sẽ trở về – tôi nói.

– Về nhà? Pietri vừa hỏi vừa gieo xúc xắc.

– Không, về nước.
Pyle thu xếp để mời dự một bữa tiệc rượu, nhưng tôi biết hắn không phải là người mê rượu. Sau vài tuần kể từ buổi gặp gỡ kỳ lạ ở Phát Diệm, tôi vẫn thấy có những điều khó tin được là sự thật: Những chi tiết của nội dung cuộc nói chuyện với nhau càng thêm mơ hồ. Chúng giống như những nét chữ đã bị mờ mất trên một ngôi mộ La Mã cổ mà tôi là người khảo cổ phải điền vào, theo vốn kiến thức chủ quan của mình. Có lúc tôi tưởng hắn đùa, tất cả câu chuyện chỉ là sự ngụy trang lắt léo và hài hước để che giấu một ý đồ thực, vì tin đồn Sài Gòn đã cho rằng Pyle là người của một trong những cơ quan đó cung cấp vũ khí Mỹ cho một lực lượng thứ ba, cái đội kèn đồng của giám mục, hay những tên lính mới mộ của ngài, luôn luôn sợ sệt và không bao giờ được hưởng lương. Tôi vẫn để trong túi áo bức điện nhận được ở Hà Nội. Không cần báo cho Phượng làm gì, như vậy chỉ làm cho ba tháng tôi còn được ở Sài Gòn bị đầu độc vì những giọt nước mắt và những cuộc cãi lộn. Và khi xin thị thực xuất cảnh cũng nên chờ đến ngày chót, đề phòng có người nhà của cô làm việc tại Sở Xuất nhập cảnh.

– 6h, Pyle sẽ tới chơi – tôi nói với Phượng.

– Tôi tới nhà bà chị.

– Ðược gặp cô, anh ta sẽ vui lắm đấy.

– Anh ta chẳng quý gì tôi, chẳng quý gì cả họ hàng của tôi. Khi anh đi vắng, chị tôi mời, nhưng anh ta chẳng thèm lại, làm bà chị giận không để đâu hết.

– Cô chẳng cần phải lánh mặt.

– Nếu anh ta muốn gặp tôi thì cứ việc mời chúng tôi đi ăn tại nhà hàng Magestic. Chắc lại muốn gặp riêng anh để bàn công việc thôi.

– Hắn ta đang nhúng tay vào việc gì đó?

– Người ta đồn rằng hắn nhập cảng nhiều loại hàng lắm đấy.

– Hàng gì?

– Thuốc nước, thuốc viên.

– Nhập cho những đội chống bệnh đau mắt ở miền Bắc đấy mà.

– Có lẽ. Hải quan không được phép mở. Ðó là những kiện hàng giao. Nhưng một hôm người ta nhỡ mở nhầm và người mở bị đuổi luôn. Viên bí thư thứ nhất dọa đình chỉ tất cả việc gửi hàng sang.

– Trong hòm có gì?

– Thuốc nổ dẻo.

– Họ cần gì đến chất nổ dẻo? – tôi làm ra vẻ thờ ơ, nói.

Khi Phượng đi ra, tôi viết thư về Anh. Một nhân viên hãng Reuters vài ngày nữa sang Hong Kong và từ đó có thể gửi hộ thư cho tôi. Tôi biết cuộc vận động của tôi sẽ không đạt được kết quả gì, nhưng sau này tôi không muốn tự trách là đã không dùng hết cách. Tôi viết cho ông Chủ nhiệm tờ báo của tôi rằng chưa phải lúc thay đổi phóng viên. Tướng De Cat đang ngắc ngoải ở Paris, người Pháp sắp tháo chạy khỏi Hòa Bình, miền Bắc Việt Nam chưa bao giờ đứng trước một nguy cơ lớn như vậy. Tôi không được đào tạo để thành một biên tập viên về đối ngoại, tôi là một phóng viên, tôi chẳng có quan điểm về tình cảm riêng tư của tôi, tuy không tin tí nào rằng một chút thiện cảm của tình người lại sống sót được dưới ánh sáng trần trụi, giữa những lưỡi trai xanh và những câu nói rập khuôn như “lợi ích tờ báo”, “hoàn cảnh bắt buộc”&

Tôi viết: “Vì những lý do cá nhân, tôi sẽ rất khổ sở nếu phải cách xa Việt Nam. Tôi không tin rằng tôi sẽ làm việc một cách tốt nhất khi ở Anh, ở đó tôi sẽ vấp phải những khó khăn không phải chỉ về mặt tài chính, mà về mặt gia đình. Thực ra nếu có thể được, tôi sẽ từ chức hơn là về Anh. Tôi chỉ nhân tiện nói qua điều này để chứng tỏ rằng sự phản đối của tôi thật là mạnh mẽ. Tôi không tin rằng ông sẽ phải phàn nàn về tôi trong nhiệm vụ phóng viên và đó là ân huệ đầu tiên mà tôi xin ở ông”.

Tôi đọc lại bài viết về trận đánh ở Phát Diệm gửi đi từ Hong Kong. Người Pháp sẽ không bực bội về bài này lắm: cuộc bao vây đã được giải tỏa, một chiến bại có thể được ngụy trang bằng chiến thắng. Rồi tôi lại xé trang thư cuối cùng. Viết làm gì? Những lý do cá nhân sẽ chỉ là cái đích cho những lời châm biếm thâm độc. Người ta đã khẳng định rằng mỗi phái viên đều có một sự dan díu với một cô gái bản địa. Biên tập viên ca ban sáng sẽ kể câu chuyện này với biên tập viên ca chiều và tên này sẽ biến chuyện thành một sự ghen tỵ mà hắn đem theo với hắn khi chui vào chăn ngủ với bà vợ trung thành hắn đưa từ Glasgo về từ mấy mươi năm xưa. Tôi hình dung rõ rệt cái kiểu nhà ở lạnh lẽo, với chiếc xe bánh hỏng để ở nơi ra vào, chiếc tẩu thuốc lá ưa thích nhất đã bị ai đánh vỡ, trong phòng khách kiêm phòng ăn có chiếc áo sơ mi trẻ con đứt cúc. Sau này, khi ra uống rượu tại Câu lạc bộ báo chí, tôi không muốn người ta, bằng những câu bông đùa nói tới “lý do cá nhân” của yêu cầu, nhắc lại hình ảnh Phượng. Có tiếng gõ cửa. Tôi mở cửa và mời Pyle vào, con chó đen chạy trước y, Pyle nhìn qua vai tôi và thấy trong phòng không có ai.

– Tôi ở nhà một mình, Phượng đi đến nhà bà chị chơi.

Hắn đỏ mặt. Tôi thấy hắn mặc chiếc áo sơ mi kiểu Hawaii nhưng màu và hình vẽ cũng nhã nhặn. Ðiều này làm tôi hơi ngạc nhiên: Hắn bị tố cáo là có hoạt động chống Mỹ sao?

– Hy vọng là tôi không làm phiền anh – hắn nói.

– Có gì mà phiền. Anh uống gì?

– Cám ơn. Uống bia.

– Rất tiếc tôi không có tủ lạnh để ủ bia. Gọi đá ngoài vậy. Uống tí Scoth chăng?

– Tí chút thôi, anh bằng lòng vậy. Tôi không mê rượu lắm.

– Nguyên chất?

– Pha nhiều soda vào, tôi chắc anh không thiếu thứ này

– Từ bữa sống ở Phát Diệm, tôi không gặp lại anh.

– Anh có nhận được thư của tôi không, anh Thomas?

Khi hắn gọi tôi bằng tên thánh, tôi thấy như hắn tuyên bố đây không đùa, đây không bóp méo sự thật, mà đây đến để cướp Phượng đấy. Tôi thấy tóc hắn mới được cắt còn cái kiểu áo Hawaii là bộ cánh mặc ngày cưới chăng?

– Có nhận được thư anh. Ðáng lẽ phải trả lời anh bằng mấy quả đấm.

– Tất nhiên anh có quyền tuyệt đối để làm như vậy. Tuy nhiên, xin anh biết cho là tôi đã học quyền anh ở trường đại học và tôi trẻ hơn anh nhiều.

– Không thú à, anh cho là tôi có thái độ như vậy là sai lầm ư?

– Anh biết đấy anh Thomas (và chắc hắn cũng nghĩ như tôi), tôi không muốn anh nói về Phượng đằng sau lưng cô ta. Tôi tưởng cô ta có mặt ở đây.

Tuy không định trước, tôi lại cho cho hắn nghe câu đột ngột đó.
– Anh cũng biết việc này à? – hắn nói.

– Phượng kể với tôi.

– Sao cô ta biết được?

– Anh cứ tin rằng cả thành phố đang nói về việc đó. Có gì là quan trọng đâu? Các anh sắp lao vào việc sản xuất đồ chơi à?

– Chúng tôi không muốn những điều chi tiết trong công việc cứu trợ của chúng tôi bị đưa tin tràn lan. Anh hiểu các vị đại biểu Quốc hội là thế nào rồi đấy& lại thêm các ngài Nghị viên đi công du nữa. Công cuộc “chống nạn đau mắt” của chúng tôi đã gặp không biết bao nhiêu điều phiền hà rồi, do dùng loại thuốc này hay thuốc khác.

– Tôi vẫn không hiểu tại sao phải cần đến thuốc nổ.

Con chó đen của hắn thở hổn hển, ngồi trên sàn và chiếm nhiều chỗ quá, lưỡi cứ thè ra giống như một miếng bánh xèo bị cháy. Pyle trả lời tôi một cách mơ hồ:

– Ồ, ANH BIẾT ĐẤY, CHÚNG tôi định dựng lại một vài ngành công nghiệp địa phương và chúng tôi phải đối phó với những người Pháp, họ cứ bắt mọi thứ đều phải mua tại nước họ.

– Tôi hiểu họ. Người ta cần tiền để tiến hành chiến tranh.

– Anh có thích chó không?

– Không.

– Tôi tưởng tất cả người Anh đều mê chó.

– Tôi thì tưởng người Mỹ nào cũng mê đôla, nhưng cũng có ngoại lệ chứ.

– Tôi không hiểu tôi làm gì nếu không có con Dich này. Lắm lúc thấy mình cô độc quá, anh hiểu cho&

– Anh có nhiều bạn bè đấy chứ.

– Con chó đầu tiên của tôi là Hoàng. Tôi đặt cho nó cái tên để liên tưởng đến Hoàng tử Ðen Cái ông Hoàng.

– Cái ông Hoàng đã giết sạch đàn bà, trẻ con của thành phố Limoz

– Tôi không nhớ điều này.

– Những sách giáo khoa về môn sử đã lờ nó đi.

Số phận của tôi như phải luôn chứng kiến nỗi đau khổ hiện lên măt, lên miệng hắn, khi hắn bị cụt hứng, khi hắn biết thực tế không đúng như ý nghĩ thơ mộng hắn ấp ủ, hay khi một nhân vật hắn kính yêu không đạt tầm vóc lý tưởng mà hắn gán cho. Tôi nhớ có một lần tôi phải an ủi hắn khi tôi phát hiện ra trong sách York Hardin một sự sai lầm sống sượng.

– Con người làm sao tránh khỏi sai sót.

Hắn đã cười một cách bực dọc và đáp:

– Chắc anh cho tôi là một đứa ngốc, nhưng thế mà tôi coi ông ta gần như không thể nào có sai lầm. Ông thân sinh ra tôi trong bữa gặp nhau độc nhất đã mê ông ta, mà cụ thì có mấy khi vừa lòng về điều gì đâu.

Con chó to mang tên là Dich, sau khi thở hổn hển đủ lâu để đoạt lấy hết không khí có thể hít thở được, bây giờ lại chạy quăng trong phòng.

– Anh có thể bảo con chó của anh nằm yên được không?

– Xin lỗi, Dich, Dich, nằm xuống.

Dich ngồi xuống, liếm hạ bộ. Tôi đứng lên rót thêm rượu và khi đi qua cố làm cho nó ngừng việc vệ sinh đó. Hòa bình giữa tôi và nó thật là ngắn ngủi, liền sau đó nó lại gãi mình sồn sột.

– Dich thông minh một cách lạ thường – Pyle nói.

– Con Hoàng ra sao rồi?

– Khi chúng tôi ở trong trại tại Conecticut thì nó bị chẹt chết.

– Anh có bị xúc động lắm không?

– Tôi buồn quá. Nó đã chiếm một chỗ quan trọng trong đời tôi, nhưng ta cũng phải biết điều. Không có cách gì làm cho chó sống lại được.

– Nếu anh mất Phượng, anh có biết điều không?

– ồ, có chứ, tôi hy vọng vậy. Còn anh?

– Tôi không tin sẽ biết điều. Tôi có thể bị điên đến phát rồ mất. Có bao giờ anh nghĩ đến điều đó không, anh Pyle?

– Anh Thomas, tôi muốn gọi anh là Andon.

– Tôi lại không muốn, tên Pyle gợi cho tôi những ý nghĩ khác. Anh nói xem, anh có nghĩ đến điều đó không?

– Không, lẽ tất nhiên. Anh là kiểu người chín chắn nhất mà tôi được biết. Tôi nhớ lại cách anh đã tiếp tôi khi đêm nào tôi nhảy xổ vào anh.

– Tôi nhớ rằng đêm hôm đó trước khi ngủ, tôi đã nghĩ nếu địch tấn công mà anh chết quách đi thì mọi việc đều ổn. Chết trong danh dự. Chết cho nền dân chủ.

– Ðừng nhạo báng tôi, anh Thomas. (Hắn co chân này vào, duỗi chân kia ra y như đang bị khó ở). Dưới mắt anh, tôi có vẻ khờ khạo chút đỉnh, nhưng khi anh định xỏ mũi tôi, tôi biết ngay.

– Tôi đâu có xỏ mũi anh.

– Tôi hiểu rằng trong thâm tâm anh cũng muốn hành động ra sao để bảo vệ được lợi ích Phượng một cách chắc chắn nhất.

Chính đến lúc đó, tôi nghe tiếng chân Phượng. Tôi đã hy vọng một cách vô vọng rằng hắn ta sẽ rút lui trước khi Phượng về. Hắn cũng nghe thấy tiếng chân Phượng, tuy hắn chỉ có được một tối để học nghe tiếng bước đi của cô ta.

– Cô ấy đây rồi – hắn nói.

Con chó cũng đứng lên đi ra tận cái cửa tôi để mở cho thoáng mát, như thể nó ra đón bà chủ nhà. Tôi lại thành kẻ lạ vào nhà mình.

– Chị tôi đi vắng – Phượng nói và nhìn Pyle một cách thận trọng.

Tôi tự hỏi không rõ cô ta nói thật hay bà chị đã bảo cô ta về nhà cho mau.

– Cô nhận ra ông Pyle chứ? – tôi nói.

– Hân hạnh.

Cô chứng minh rằng mình cũng là người lịch sự.

– Tôi sung sướng được gặp lại cô – hắn đỏ mặt.

– Gì cơ ạ?

– Cô ấy biết rất ít tiếng Anh – tôi giải thích.

– Tôi lại cho rằng tiếng Pháp của tôi quá tồi. Nhưng tôi đang học thêm. Và tôi cũng hiểu được& nếu cô Phượng nói chầm chậm cho.

– Tôi xin làm người dịch – tôi nói – phải mất một thời gian các anh mới nắm được cách phát âm của người bản xứ. Nào, bây giờ anh muốn nói gì với cô ta? Phượng ngồi xuống đi. Ông Pyle đến chính là vì em. Hay là – tôi hỏi Pyle – anh muốn tôi để hai người nói chuyện riêng với nhau? Thế nhé?

– Tôi muốn anh nghe tất cả những điều tôi cần nói. Làm khác đi sẽ không đàng hoàng, trung thực.

– Thế cũng được. Nào, xin mời.

Pyle nói một cách trịnh trọng như hắn đã học thuộc lòng cái bài hắn phải nói này, rằng hắn rất yêu, rất kính trọng Phượng. Tình cảm đó nảy sinh từ hôm hắn khiêu vũ với cô. Cách nói của hắn gợi cho tôi cảm nghĩ như khi một viên quản gia dẫn đám khách du lịch đi thăm một lâu đài cổ nhỏ. Lâu đài cổ là con tim Pyle và chúng tôi là khách chỉ được liếc nhìn vào những căn phòng riêng mà gia đình đang ở. Tôi dịch rất sát lời hắn, điều đó lại càng làm những lời đó có vẻ vụng về, tồi tệ. Và Phượng ngồi nghe, không cử động, tay đặt lên đầu gối, y như khi ở rạp chiếu bóng.