Ít nhất mỗi năm một lần, những người theo đạo Cao Ðài tổ chức một ngày hội lớn ở Tây Ninh, nơi đặt thánh thất của họ cách Sài Gòn 80 km về phía Tây Bắc, để kỷ niệm một năm giải phóng hay chiến thắng, hoặc ngay cả một ngày lễ về đạo Phật, đạo Khổng hay đạo Gia tô, đạo Cao Ðài bao giờ cũng là một mục hứng thú trong các cuộc tóm tắt tình hình của tôi cho các vị khách nghe đạo Cao Ðài, do một viên chức Nam Kỳ sáng lập ra, là sự tổng hợp của ba đạo trên. Thánh thất đóng ở Tây Ninh. Một vị giáo chủ và nhiều nữ giám mục. Thánh truyền qua một cái làn có nắp. Ðức Christo và Ðức Phật từ trên tràn nhà thờ ngắm xuống một đám rước á Ðông kiểu tranh truyện ở Walt Disney rồng rắn vẽ theo kỹ thuật phim màu. Những người mới tới rất mê khi nghe kể như vậy. Làm sao giải nghĩa được tất cả sự thê thảm đó, đội quân gồm 25.000 người được võ trang với súng cối làm ống xả của xe hơi cũ, những đồng minh của quân đội Pháp, khi gặp nguy biến lại tuyên bố đứng trung lập? Trong những ngày hội nói trên, được tổ chức ra để trấn an tinh thần nông dân, giáo chủ mới những thành viên Chính phủ (họ chỉ tới dự vào lúc Cao Ðài là thành viên), mời đoàn ngoại giao (họ cử vài người ở cấp thư ký đi cùng với vợ hay con gái) và Tổng tư lệnh Pháp (viên này cử một cấp tướng ở bàn giấy, hai sao, đi thay mặt).
Dọc con đường đi Tây Ninh, xe hơi của Bộ Tham mưu và của đoàn ngoại giao chạy như suối chảy và trên những quãng đường nguy hiểm, đội lê dương rải quân ra cánh đồng để bảo vệ. Ðó là một ngày lo ngại đối với Bộ Tổng Tham mưu Pháp và có lẽ cũng là một ngày hy vọng cho phái Cao Ðài, vì có bằng chứng nào tốt hơn và cũng không đau đớn gì về sự trung thực của họ hơn là một cuộc tấn công ở ngoài khu vực của họ, khiến cho vài vị khách quan trọng bị bỏ mạng.
Cứ mỗi kilômét là một tháp canh bằng đất nện vươn cao lên trên cánh đồng bằng phẳng như một cái dấu hỏi và cứ 10 km là một đồn lớn hơn với một tiểu đội lính lê dương, người Marốc hay Senegal. Cũng giống như khi sắp tới New York, tất cả xe cộ đều đi theo một tốc độ, và cũng như khi sắp tới New York, người ta có một cảm giác sốt ruột cố giấu kín, người nào cũng nhìn chiếc xe đi trước và qua chiếc gương hậu nhìn chiếc xe đi đằng sau mình. Tất cả mọi người đều muốn tới Tây Ninh xem hội và trở về càng sớm càng tốt vì 7h đã bắt đầu giờ giới nghiêm.
Ðoàn xe đi khỏi khu vực của người Pháp, qua khu vực của quân Hòa Hảo, để vào khu vực của quân Cao Ðài thường hay xung đột với quân Hòa Hảo, chỉ có lá cờ trên tháp canh là thay đổi thôi. Những đứa trẻ trần truồng cưỡi trên lưng những con trâu lội ở ruộng ngập tới bụng, nơi nào lúa đã chín vàng, những người nông dân đội nón lá sẩy thóc, lưng dựa vào những tấm cót cuốn tròn. Những chiếc xe lăn nhanh trên đường, sát ngay họ, vẫn là thuộc thế giới kỳ lạ.
Sau cùng các nhà thờ Cao Ðài mọc lên ở mỗi làng thu hút sự quan tâm của những người khách lạ, những kiến trúc bằng thạch cao màu xanh hay hồng nhạt trên cửa ra vào có vẽ to tướng một con mắt – mắt Trời. Cờ xí ngày càng cắm la liệt, những người nông dân đi trên đường ngày càng đông, chúng tôi sắp đến Tòa Thánh thất. Ðằng xa là núi Thánh nom giống một chiếc mũ quả dưa màu xanh, chế ngự thị xã Tây Ninh, đó là bản doanh của tướng Thế, viên tham mưu trưởng ly khai vừa tuyên bố chống lại cả Pháp và Việt Minh. Những người Cao Ðài không làm một việc gì để tóm cổ viên tướng này, mặc dầu y vừa bắt cóc một giám mục, nhưng lại có tin đồn rằng y đã làm việc với sự thỏa thuận của Giáo chủ Cao Ðài.
Người ta có cảm giác rằng Tây Ninh là nơi nóng bức nhất của đồng bằng miền Nam, có lẽ vì đây hiếm nước cũng có thể vì lễ lạt liên miên làm cho ai cũng phải đổ mồ hôi, từ những người lính bồng súng nghe một diễn văn dài bằng thứ tiếng mà họ chẳng hiểu, tới vị Giáo chủ mặc bộ đồ nỉ dày cộp như phường tuồng Tàu. Duy chỉ có nữ giám mục mặc quần dài bằng lụa trắng chuyện trò với các nữ tu sĩ mang mũ cát thuộc địa gây cho ta một cảm giác mát mẻ dưới ánh nắng mặt trời chói chang. Dễ có ý nghĩ rằng không bao giờ tới 7h chiều, giờ uống coktail trên sân thượng hãng Magestic, dưới làn gió nhẹ từ sông Sài Gòn đưa lên.
Sau buổi duyệt binh, tôi phỏng vấn người đại diện cho Giáo chủ. Tôi cũng chẳng mong đợi gì nhiều ở người này, và tôi đã không lầm: mọi việc đều theo quy ước của cả hai bên. Tôi hỏi về tướng Thế.
– Ðó là một con người hay có những việc làm thiếu suy nghĩ – Ông ta trả lời và vội vàng lảng sang vấn đề khác.
Ông ta lao vào một bài diễn thuyết đã làm sẵn, quên rằng hai năm trước tôi đã nghe rồi, điều này lại làm tôi nhớ tới những bài nói của chính mình, những cái đĩa hát mà tôi quay cho những người mới tới: đạo Cao Ðài là sự tổng hộp các đạo giáo… là đạo tuyệt vời nhất trong các đạo… những giáo sĩ đã đi tới cả Los Angeles… biết cả những bí ẩn của Kim Tự Tháp.
Ông ta bận một chiếc áo thầy tu dài màu trắng và hút hết điếu thuốc lá này đến điếu khác. ở ông ta có một vẻ gì vừa mưu mẹo, vừa đốn mạt, từ “tình thương” luôn xuất hiện trong những câu nói dài của ông ta. Tôi tin chắc ông ta hiểu rằng tất cả chúng tôi có mặt ở đó cũng đều nhạo báng lời nói và cử chỉ của ông ta, vẻ kính cẩn của chúng tôi cũng giả dối như cái thứ bậc giả hiệu của ông ta, nhưng chúng tôi không láu cá được như ông ta. Sự đạo đức giả của chúng tôi không mang lại một chút gì, kể cả một đồng minh đáng tin cậy, trong khi sự giả dối của các ông đó đem lại vũ khí, lương thực và cả tiền mặt nữa.
– Xin cám ơn Ðức giám mục.
Tôi đứng lên để đi ra. Ông ta tiễn tôi tới cửa, vừa đi vừa vảy tàn thuốc quanh mình.
– Trời độ trì cho công việc của ông – Ông ta nói một cách mượt mà – Xin nhớ rằng Thượng đế bao giờ cũng yêu chân lý.
– Chân lý nào? – Tôi hỏi lại.
– Trong niềm tin của đạo Cao Ðài, tất cả các chân lý đều được dung hòa với nhau, và chân lý là tình thương cho tôi, tôi tin rằng ông ta sẽ đặt vào đó một chiếc hôn, nhưng tôi không phải là một nhà ngoại giao.
Trong ánh nắng buồn tẻ của mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, tôi nhìn thấy Pyle, hắn cố gắng một cách vô hiệu để làm cho chiếc xe Bich của hắn khởi động được. ở bất kỳ nơi nào trong hai tuần vừa qua, ở tiệm rượu Continetal, tại cửa hiệu sách duy nhất coi như khá tại phố Catina, tôi cũng luôn gặp phải Pyle. Cái tình bạn mà hắn áp đặt cho tôi buổi đầu, nay hơn bao giờ hết, hắn tìm cách biểu lộ. Cặp mắt buồn của hắn van nài một cách lặng lẽ những tin tức về Phượng, còn đôi môi hắn nói lên một cách nhiệt tình không ngừng gia tăng sức mạnh của lòng ưu ái và kính phục – Xin trời tha tội cho đối với tôi.
Một Thiếu tá Cao Ðài đứng cạnh hắn và nói liến thoắng. Y ngừng lời khi tôi lại gần. Tôi nhận ra hắn, hắn là một người cộng tác với Thế khi Thế rút lên núi.
– Chào Thiếu tá – tôi nói. Tướng Thế độ này ra sao?
– Tướng nào cơ? – Hắn hỏi lại với một nụ cười ngượng ngập và nhăn nhúm.
– Thế nào, trong đức tin của đạo Cao Ðài không phải là tất cả các vị tướng lãnh đều giải hòa với nhau hay sao?
– Anh Thomas này, tôi không sao khởi động nổi chiếc xe. – Pyle nói.
– Ðể tôi đi tìm một người thợ máy – Viên Thiếu tá nói và từ biệt chúng tôi.
– Tôi làm ngừng câu chuyện của các anh.
– Có gì quan trọng đâu – Pyle nói – Anh ta muốn biết giá cái xe Bich là bao nhiêu. Những hạng người này khi được đối đãi tử tế thì sẵn sàng bày tỏ tình bạn thân thiết. Tôi có cảm giác là người Pháp khong biết lấy lòng họ.
– Người Pháp không tin ở họ.
– Một người trở thành tin cậy đựơc. – Pyle nó một cách trịnh trọng – khi người ta biết tin ở họ.
Tôi tưởng như hắn vừa đọc được một châm ngôn của đạo Cao Ðài vậy. Tôi bắt đầu thấy không khí Tây Ninh chứa đựng nhiều bài học đạo đức quá, khiến phổi tôi không hít thở nổi nữa.
– Anh muốn giải khát không? – Pyle hỏi.
– Thế thì thích nhất rồi.
– Tôi có mang theo nước quả.
Hắn cúi tìm trong cái làn buộc ở xe.
– Rượu Gin?
– Không, tiếc quá. Anh biết đấy, uống thứ nước chanh này trong khí hậu ở đây thật có lợi cho sức khỏe, – hắn nói như để làm tôi thèm khát. – Lắm sinh tố gì lắm đấy.
Hắn đưa cho tôi một chén và tôi uống cạn.
– Dù sao cũng là nước rồi – Tôi nói.
– Anh có muốn ăn một miếng bánh này không? Ngon lắm. Mẹ tôi vừa gửi sang.
– Không cám ơn, tôi không đói.
– Bánh có vị giống như vị rau trộn kiểu Nga, nhưng khô hơn.
– Không, tôi không đói thật.
– Còn tôi xin phép cứ chén được chứ?
– Tất nhiên, không có gì phiền tới tôi cả.
Hắn ngoạm một miếng thật to và nhai ngấu nghiến. Xa xa, đức Phật bằng đá trắng và hồng, đi xa dần nơi ở của tổ tiên và người hầu – cũng là một pho tượng khác hối hả chạy theo. Những bà Giám mục chậm rãi đi về nơi ở, và mặt trời từ trên cửa nhà thờ vẫn theo dõi chúng tôi.
– Người ta thết một bữa ở đây, anh có biết không? – Tôi nói.
– Tôi không muốn liều vào ăn. Thịt thà& nóng như thế này phải cẩn thận đấy.
– Chẳng phải lo. Họ ăn chay.
– A, chắc ngon lắm , nhưng tôi ưng biết trước như những thứ của mình ăn (hắn lại ngoạm một miếng bánh nữa). Anh có tin rằng họ có một thợ cơ khí chữa nổi xe không?
– Thợ đủ giỏi để biến ống xả nòng súng cối. Tôi tin rằng xe Bich làm súng cối thì nhất đấy.
Viên thiếu uý trở lại, giơ tay nhanh nhẹn chào theo kiểu nhà binh và bảo cho biết đã cho người vào trại lính tìm thợ. Pyle mời ăn một miếng bánh sandwich, nhưng anh ta từ chối. Với một vẻ lịch sự, anh ta nói:
– Ở ĐÂY, CHÚNG TÔI CÓ HẲN một bản danh sách những điều quy định về món được phép ăn (tiếng Anh của hắn khá sõi). Thật là vô lý. Nhưng các anh chắc hiểu sống ở một thủ phủ về tôn giáo là thế nào. Tôi cho rằng ở Roma cũng vậy cũng như ở Canbri – Hắn vừa nói vừa chào kiểu bốc đồng.
Rồi hắn im lặng. Cả hai đều im lặng. Tôi thấy rõ là cả hai đều muốn cho tôi đi xa nơi này. Tôi không cưỡng nổi ý muốn trêu ghẹo Pyle, suy cho cùng là vũ khí của những người yếu, mà tôi chính là kẻ yếu. So với anh ta, tôi thiếu hẳn sự trẻ trung, chững chạc, sự liêm khiết và một tương lai.
– Có lẽ tôi xin anh một miếng sandwich đấy.
– Ðược, được chứ!
Nhưng hắn còn ngần ngại trước khi cúi vào hòm xe.
– Này thôi – Tôi nói – đùa chơi một tí thôi, không định xin gì đâu. Chắc các anh muốn tôi rút để hai anh yên.
– Không đâu – Pyle nói (hắn ở trong số những người nói dối một cách vụng về nhất mà tôi được gặp, chắc hẳn hắn chưa từng vận dụng nghệ thuật này). Hắn nói với tên thiếu tá: Tôi chưa có người bạn nào tốt hơn ông Thomas.
– Tôi đã được quen ông Fowler – Gã thiếu tá nói.
– Tôi sẽ gặp lại anh trước khi về, Pyle ạ – Tôi nói và đi về phía nhà thờ, nơi mà tôi tin sẽ được mát dịu hơn.
Ðức thánh Victo Hugo trong bộ quần áo viện sĩ hàn lâm, một vành hào quang quanh chiếc mũ hai mũi, giơ ngón tay chỉ vào Tôn Dật Tiên lúc này đang ghi lên phiến đá vài tư tưởng cao cả. Tôi đi vào nhà thờ có hình dáng một con tàu. Ngoài chiếc ngai dành cho Giáo chủ, có con rắn hổ mang bằng thạch cao quấn quanh, không một chiếc ghế ngồi. Nền đá hoa bóng lên như nước và cửa sổ không có kính, chúng ta nhốt không khí vào trong chiếc lồng có lỗ đục, tôi nghĩ như vậy và con người cũng nhốt sự tín ngưỡng của mình vào một chiếc lồng tương tự cùng với những điều hoài nghi lắm khi có mưa nắng và những sự tin tưởng có thể giải thích bằng muôn nghìn cách khác nhau. Bà vợ của tôi cũng tìm thấy cái lồng đầy lỗ thủng đó và đôi khi tôi cũng ao ước được như bà. Nắng và gió mẫu thuẫn với nhau, tôi đã sống quá lâu dưới ánh mặt trời.
Tôi tản bộ rất lâu trong lòng nhà thờ dài và vắng, tôi không tìm thấy ở đây, xứ Ðông Dương mà tôi yêu mến. Những con rồng ở đầu sư tử leo lên bục diễn giảng, trên trần, chúa Crixto trưng ra trái tim ứa máu của mình. Bộ râu của Khổng Phu Tử lơ thơ rủ xuống như thác nước mùa khô. Tất cả những thứ trên đều là hài kịch: quả địa cầu lớn phía trên bàn thờ là biểu tượng của tham vọng, cái làn có nắp di chuyển mà Giáo chủ dùng để ban ra những lời tiên tri chỉ là một ngón kỹ xảo để lừa bịp. Nếu ngôi nhà thờ này có từ 5 thế kỷ, mà không phải 20 năm, thì nó có thêm sức thuyết phục hơn một chút nào không, nhờ những vết chân đã làm mòn nền đá hoa và gió mưa đã ăn lõm những thềm đá? Một con người như bà vợ tôi sẵn sàng để cho mình bị thuyết phục, liệu có tìm thấy ở đây một niềm tin mà con người không đủ sức tạo nên không? Và nếu tôi thành tâm hướng tới một đức tin, thì liệu tôi có tìm thấy nó tại cái nhà thờ theo giáo phái Anh mà bà ta thường lui tới không? Nhưng tôi chưa hề bao giờ đi tìm một đức tin. Công việc của nhà báo là trình bày và tường thuật. Trong sự nghiệp của mình, tôi chưa gặp điều nào là không thể giải thích nổi. Vị Giáo chủ viết những lời sấm truyền bằng một chiếc bút chì cắm vào nắp một cái làn và mọi người đều tin ông ta. Trong tất cả những điều thiên cảm, phải nhìn thấy cả mảnh ván trên đó người ta viết ra những lời sấm truyền. Bởi vậy, lục hết danh mục những ký ức của mình, tôi chưa hề thấy những thiên cảm hay kỳ ảo nào.
Tôi ôn lại những kỷ niệm đó trong trí nhớ của mình một cách hú họa, như lật lại những bức ảnh trong một cuốn album: Một con cáo mà dưới ánh sáng tên lửa của địch, tôi thấy ở ngoại ô London đang từ cái ổ phủ đầy lá khô của nó luồn theo một cái chuồng gà, thi hài một người Mã Lai bị một nhát lê đâm thủng và một đội lính tuần TRA ẤN §Ộ QUẲNG LÊN THÙNG xe mang về tại một khu thợ mỏ Pahang (những người phu Hoa kiều thì cười cợt, chế giễu, còn một người Mã Lai khác lấy chiếc gối kê dưới đầu người chết), một con bồ câu từ trên lò sưởi của khách sạn, như vươn cánh sắp bay, bộ mặt bà vợ tôi ở cửa sổ khi tôi trở về nhà lần chót để chào từ biệt. Những ý nghĩ của tôi bắt đầu từ bà ta rồi lại kết thúc ở bà ta. Bà ta chắc đã nhận được thư của tôi từ hơn một tuần nay, nhưng bức điện trả lời tôi chờ đợi vẫn chưa thấy tới. Nhưng người ta thường cho rằng nếu ban hội thẩm mà bàn lâu thì người bị cáo càng thêm hy vọng. Một tuần chờ không nhận được điện, vậy tôi có thể bắt đầu hy vọng được không? Quanh tôi, những chiếc xe nhà binh của các nhà ngoại giao đã nổ máy ầm ĩ: Tan hội rồi, đến năm sau lại có. Các xe hơi đua nhau chạy về Sài Gòn, nghĩ đến giờ giới nghiêm, ai nấy đều vội vã. Tôi ra tìm Pyle.