Menu Đóng

Chương 5

– Cô ta có hiểu những điều đó không? – hắn hỏi.

– Theo ý tôi thì hiểu được. Anh có muốn tôi thêm chút nhiệt tình vào lời nói không?

– Ồ KHÔNG, ANH CỨ DỊCH LỜI thôi. Tôi không muốn gây ảnh hưởng bằng sự tác động đến tình cảm của cô ấy.

– Rõ.

– Anh nói hộ là tôi muốn lấy cô ấy làm vợ.

Tôi dịch.

– Ý KIẾN CÔ TA RA SAO?

– Cô ta hỏi anh có định nghiêm túc không? Tôi bảo cô ta rằng anh là người rất nghiêm túc.

– Thật là một tình huống lạ kỳ. Tôi lại bắt anh dịch những lời như thế của tôi.

– Kể cũng khá lạ kỳ.

– Nhưng như thế lại có vẻ tự nhiên. Vì suy cho cùng anh là người bạn thân nhất của tôi.

– Anh thật đáng yêu khi nói như vậy.

– Khi gặp điều phiền hà nào, trước hết tôi phải nhờ cậy vào anh.

– Và tôi trộm nghĩ nếu rằng đi yêu người tình của tôi cũng là một điều phiền hà?

– Ðúng thế. Tôi rất khổ tâm khi điều đó lại đến với chính anh, anh Thomas ạ.

– Ðược. Bây giờ tôi nói gì nữa? Nói rằng không lấy được cô ấy thì anh sẽ chết?

– Không, đừng làm cô ấy xúc động. Vả chăng sự thật không hẳn là như thế. Tất nhiên, tôi bắt buộc phải xin thuyên chuyển, nhưng anh ta sẽ phải tự an ủi về tất cả những sự bất hạnh thôi.

– Trong khi anh nghĩ xem nói tiếp điều gì nữa, anh cho phép tôi bênh vực lợi ích của chính tôi, có được không?

– Ðược, được. Như vậy mới công bằng, anh Thomas ạ.

– Này, Phượng này – tôi nói – cô có bỏ tôi để đi theo anh ta không? Anh ta sẽ lấy cô làm vợ. Tôi thì không được phép lấy. Cô hiểu tại sao chứ?

– Thế anh cũng sắp đi về à? – cô hỏi và tôi thì nghĩ đến lá thư của tòa báo đang nằm trong túi.

– Không.

– Không bao giờ chứ?

– Làm sao hứa với cô điều đó được? Chính hắn cũng không hứa nổi với cô. Những vụ kết hôn có thể bị tan vỡ. Nó lại thường tan vỡ mau hơn những lối chung sống như giữa cô và tôi.

– Tôi chẳng muốn đi đâu.

Phượng trả lời như vậy, nhưng tôi không vì thế mà phấn khởi vì câu nói như đã có chữ “nhưng” kín đáo không nói ra.

– Tôi cho rằng – Pyle nói – bây giờ tôi phải hạ tất cả những con bài của tôi xuống. Tôi không giàu. Nhưng khi cha tôi chết, tôi có 50.000 đôla. Tôi không có bệnh tật gì. Tôi có giấy chứng nhận sức khỏe mới được cấp cách đây hai tháng và tôi có thể đưa cô ta giấy chứng nhận về máu tôi thuộc nhóm số mấy.

– Tôi không biết dịch điều này. Ðể làm gì nhỉ?

– À, ĐỂ CÔ ẤY BIẾT CHẮC rằng hai người có thể sinh con đẻ cái với nhau.

– Ở MỸ CÁC ANH TỎ TÌNH VỚI phụ nữ như vậy hay sao? Số thu nhập và số nhóm máu?

– Tôi cũng không rõ. Ðây là lần đầu đối với tôi. Nếu cùng ở Mỹ cả thì chắc mẹ tôi sẽ nói với mẹ cô ta.

– Về số nhóm máu?

– Ðừng giễu tôi, Thomas. Chắc tôi có những ý nghĩ cổ lỗ quá. Anh hiểu là tôi ở trong trường hợp này cũng lúng túng.

– Tôi cũng vậy. Anh xem có nên bỏ quách tất cả câu chuyện này để đánh xúc xắc với nhau xem ai thắng thì được cô ta không?

– Anh Thomas, đừng giả bộ anh hùng rơm làm gì. Tôi hiểu rằng, anh yêu cô ta cũng như tôi yêu cô ta, anh yêu theo kiểu của anh.

– Nhất định rồi, bây giờ anh nói tiếp đi.

– Anh nói hộ rằng tôi không có hy vọng được cô ta yêu ngay tức khắc. Việc đó sẽ đến với thời gian, nhưng cái mà tôi đem lại cho cô ta là sự an toàn. An toàn có vẻ là một lợi ích không sôi động lắm, nhưng có giá hơn sự say đắm.

– Cô ta có thể tìm được sự say đắm với người lái xe trong khi anh làm việc ở bàn giấy.

Pyle đỏ mặt. Hắn đứng lên một cách vụng về.

– Ðiều anh nói là lệch lạc và thô lỗ. Tôi cấm không cho ai thóa mạ cô ta. Anh không có quyền.

– Cô ta đã là vợ anh đâu?

– Liệu anh đem lại cho cô ta được những cái gì? – và hắn nói trong cơn thịnh nộ – hai trăm đôla khi anh về nước chứ gì? Quá lắm là thêm bộ bàn ghế.

– Bàn ghế không phải là của tôi.

– Cô ta cũng không phải là của anh! Phượng, cô có muốn lấy tôi không? – Này, còn nhóm máu? Và giấy chứng nhận sức khỏe trước khi cưới? Chắc anh cũng cần thứ giấy đó của cô ta. Có lẽ anh cần cả bệnh án cô ta nữa. Và LÁ SỐ TỬ VI. À, KHÔNG, CÁI ĐÓ LÀ THEO PHONG TỤC Ấn Ðộ.

Cô có muốn lấy tôi không? – Pyle lại nhắc.

Tôi tiến lại một bước về phía Phượng và con Dich lại gầm gừ. Tôi nói với Phượng:

– Cô bảo thằng cha ấy cút đi và mang cả chó theo.

– Cô đi với tôi ngay đi – Pyle nói.

– No – Phượng đáp.

Ðột nhiên tất cả cơn giận dữ của chúng tôi xẹp hẳn đi, nỗi giận của tôi cũng như Pyle. Vấn đề cũng không khó giải quyết đến thế. Người ta có thể giải quyết nó bằng một từ quá đơn giản. Tôi nhẹ hẳn người đi, còn Pyle đứng đó, mồm há hốc, ngẩn người ra. Hắn nói:

– Cô ta bảo không.

– Cô ta chỉ sử dụng được tiếng Anh tới mức đó.

Tôi bây giờ lại muốn cười: Pyle đã ngốc nghếch biết mấy!

– Mời anh ngồi – tôi nói – ta uống thêm một cốc Whisky nữa, anh Pyle.

– Tôi nghĩ rằng tôi phải rút lui.

– Làm một chén chia tay đã!

– Tôi uống hết Whisky của anh mất – hắn lẩm bẩm.

– Cần bao nhiêu, đến Lãnh sự quán Anh, tôi sẽ có.

Tôi đi một bước về phía cửa và con chó lại nhe nanh.

– Nằm ngay, Dich. Ngoan nào, Pyle quát, vẻ giận dữ, tay lau mồ hôi trán – tôi rất ân hận, anh Thomas ạ, ám ảnh tôi hay sao ấy. Hắn bỏ kính xuống nói tiếp, tư lự và buồn bã: Kẻ nào xứng đáng hơn thì thắng trận. Nhưng xin anh Thomas, anh đừng bao giờ bỏ rơi cô ta.

– Lẽ tất nhiên, tôi sẽ không bỏ cô ta – tôi nói.

– Anh ta có muốn làm một điếu thuốc không? – Phượng hỏi.

– Anh có hút thuốc phiện không?

– Không. Cám ơn. Tôi không bao giờ sờ đến thuốc phiện và điều lệnh của cơ quan tôi rất nghiêm đối với vấn đề này. Tôi cạn chén và xin về. Xin lỗi vì con Dich hư quá. Mọi khi nó ngoan hơn.

– Ở LẠI XƠI CƠM VỚI CHÚNG tôi đã!

– Nếu điều này không làm các bạn phiền, thì tôi muốn được ở yên một mình – hắn nói với một nụ cười gượng gạo – tôi nghĩ rằng người ngoài cuộc sẽ nói cách cư xử của chúng ta thật kỳ lạ. Tôi muốn anh lấy cô ta làm vợ chính thức, anh Thomas ạ.

– Thật ư?

– Thật vậy. Từ khi tôi vào cái nơi& anh hiểu, cái nhà ngay cạnh quán Sale, tôi sợ quá.

Hắn vội nuốt chất rượu Whisky hắn vốn không quen dùng, không nhìn Phượng và khi từ biệt, đáng lẽ bắt tay, thì hắn gật đầu chào một cách cứng nhắc và vụng về. Tôi thấy Phượng nhìn theo hắn ra đến tận cửa và khi đi qua tấm gương, tôi nhìn thấy hình tôi với chiếc cúc quần trên tuột và bụng bắt đầu phệ.

Xuống tới bậc cầu thang, Pyle còn nói với:

– Tôi hứa là không lại thăm cô ta, anh Thomas ạ. Những gì xảy ra không được làm chúng ta xa nhau, phải không? Hết nhiệm kỳ, tôi sẽ xin đi nơi khác.

– Bao giờ hết?

– Gần hai năm nữa.

Tôi trở vào phòng vừa đi vừa nghĩ: Như thế này để làm gì nhỉ? Ðáng lẽ tôi cũng có thể nói cho họ biết rằng tôi cũng sắp đi. Hắn chỉ phải trưng con tin ứa máu của hắn lên như một tấm huy chương trong vài tuần nữa thôi. Tôi nói dối đâm ra lại làm lương tâm hắn được thắc mắc.

– Tôi tiêm cho anh một điếu thuốc nhé? – Phượng hỏi.

– Ðược, nhưng lát nữa. Chỉ chờ tôi viết xong một lá thư thôi.

Ðó lá thư thứ hai trong ngày, nhưng tôi không xé đi, tuy biết thư thứ hai chẳng hy vọng gì được trả lời thỏa đáng, cũng như thư thứ nhất vậy.

Tôi viết:

Helen thân mến,

Tháng 4, tôi sẽ về nước để làm nhiệm vụ biên tập đối ngoại của báo. Chắc bà cũng tưởng tượng nổi là tôi không lấy điều đó làm một việc vui sướng. Nước Anh là sân khấu của những thất bại đối với tôi. Tôi đã hy vọng rằng cuộc tình duyên của chúng ta sẽ lâu bền tới chừng nào mà tôi còn chia sẻ với bà niềm tin ở đạo Thiên Chúa. Ðến bây giờ, tôi cũng không biết rõ điều không yên ấm do đâu mà ra (tôi biết cả hai chúng ta đều đã cố gắng), nhưng tôi tin rằng nguyên nhân là ở tính nết của tôi. Bây giờ nó khá hơn một chút: Phương Ðông đã tác động tới tôi, tôi không hiền hơn, nhưng bình thản hơn xưa. Có lẽ đơn giản hơn là vì tôi đã có thêm 5 năm tuổi đời, ở vào thời điểm mà 5 năm là một khoảnh quan trọng trong phần còn lại của cuộc đời. Bà đã rất độ lượng đối với tôi và từ khi xa nhau, bà chưa trách móc tôi lần nào. Bây giờ bà có thể độ lượng thêm một mức nữa không? Tôi biết rằng trước khi lấy nhau, bà đã báo trước rằng sẽ không bao giờ có thể ly hôn với nhau được. Tôi đã chấp nhận sự mạo hiểm đó và bây giờ không thể trách bà vào đâu được. Tuy vậy, bây giờ tôi vẫn cứ xin bà cho ly hôn.

Từ giường nằm, Phượng gọi lại, nói khay điếu đã sẵn sàng.

– Em chờ cho lát nữa.

– Tôi lại viết tiếp:

Tôi có thể phủ lên tất cả việc này một tấm màn khiến thái độ của tôi ra vẻ có phẩm giá và đáng kính hơn, bằng cách nói tôi hành động vì lợi ích của một người nào khác. Nhưng đó là điều dối trá và chúng ta đã có thói quen là nói đúng sự thật với nhau. Vậy tôi làm việc là vì tôi, chỉ vì tôi. Tôi đang yêu, rất say đắm, chúng tôi đã sống chung với nhau hơn hai năm, cô ta đã hết mực trung thành với tôi, nhưng đến lúc này, tôi không cần thiết cho cô ta nữa. Nếu tôi xa cô ta, cô sẽ mất đi một ít hạnh phúc, nhưng không bi đát lắm. Cô ta sẽ lấy người khác và sẽ có con. Viết cho bà như vậy, tôi quả là ngu ngốc vì bao giờ cũng thật thà, tôi nói điều này có lẽ bà tin, mất cô ta là cái chết bắt đầu đến với tôi. Tôi không yêu cầu bà “biết điều” (lẽ phải hoàn toàn thuộc về phía bà) hay tỏ lòng thương hại tôi. Thương là một từ quá đáng đối với hoàn cảnh tôi, vả lại, tôi chẳng đáng để ai thương hại một cách đặc biệt. Tôi cho rằng sự thật tôi đang yêu cầu bà sẽ làm một điều phi lý, trái đời. Tôi mong rằng, bị thúc đẩy bởi& (tôi ngần ngừ, trước khi viết chữ này), lòng thân ái, bà sẽ hành động trước khi có thì giờ suy nghĩ kỹ. Thật ra, nếu nói qua điện thoại thì tiện hơn, vì chúng ta xa nhau mười hai nghìn ki lô mét. Giá bà điện cho tôi một cách đơn giản: “Ðồng ý”.

Khi viết xong, tôi có cảm giác là đã vừa chạy một thôi dài và đã bắt những cơ bắp thiếu rèn luyện phải làm việc quá sức. Tôi nằm dài ra giường lúc Phượng sửa soạn tiêm thuốc.

– Hắn ta còn thanh niên – tôi nói.

– Ai?

– Pyle.

– Ðiều ấy chẳng lấy gì làm quan trọng.

– Phượng này, nếu được phép thì tôi sẽ lấy cô.

– Tôi hiểu, nhưng chị tôi khong tin như vậy.

– Tôi vừa viết thư cho vợ chồng tôi và yêu cầu bà ta cho tôi ly hôn. Từ trước tôi chưa thử làm như vậy. Phải tính đến khả năng đó.

– Khả năng có lớn không?

– Không lớn, nhưng cũng có.

– Anh cứ yên tâm, nào, hút đi nào.

Tôi hút điếu thuốc và Phượng chuẩn bị tiêm điếu thứ hai.

– Có thật bà chị cô lúc nãy đi vắng không?

– Tôi đã nói thật. Bà ta không có nhà.

Thật vô lý khi bắt cô ta phải phục tùng cái đam mê tìm sự thật rất là theo thói châu Âu ấy, giống như sự ham mê uống rượu. Vì đã uống Whisky với Pyle, tác động của thuốc phiện bị giảm nhẹ.

– Tôi đã nói dối cô. Tôi đã nhận được lệnh phải trở về Anh.

Cô ta để chiếc điếu xuống.

– Nhưng anh không về chứ?

– Nếu không về, chúng ta sống bằng gì?

– Tôi sẽ đi theo anh. Tôi muốn được biết London

– Nếu chúng ta không chính thức làm vợ chồng thì sẽ phiền cho cô đấy.

– Nhưng biết đâu vợ anh chẳng ly dị với anh.

– Có thể.

– Ðằng nào tôi cũng đi theo anh.

Cô ta nghĩ như vậy, nhưng trong khi cô ta cầm lại cái điếu và nướng thuốc, tôi thấy trong mắt cô nảy ra bao nhiêu là ý nghĩ.

– Ở London có nhà chọc trời không?

Câu hỏi ngây thơ làm tôi tràn ngập lòng yêu thương Phượng. Cô ta, vì lịch sự, có thể nói dối, hay vì sợ hãi, vì lợi lộc, nhưng không đủ khéo léo để giấu giếm được sự dối trá của mình.

– Không, phải sang Mỹ mới nhận thấy được.

Cô ta thoáng nhìn tôi và nhận ra sự sai lầm của mình. Rồi vừa vê thuốc, cô vừa nói linh tinh về những quần áo sẽ mặc khi ở London, về nơi sống với nhau, về đường tàu điện ngầm và những chiếc xe khách hai tầng mà cô đã thấy tả trong một cuốn truyện, về việc đi về bằng máy bay hay tàu biển.

– Lại cả tượng thần Tự Do – cô nói.

– Không, Phượng ạ, tượng đó cũng ở bên Mỹ.