K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Chính Biên
Quyển thứ XII
Từ Quý Mùi (1403), Hồ Hán Thương năm Khai Đại thứ nhất, đến hết Đinh Dậu (1417), thuộc Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 15, gồm 15 năm.
Quý Mùi (1403). (Hán Thương, năm Khai Đại thứ nhất; Minh, năm Vĩnh Lạc thứ nhất).
Tháng 2, mùa xuân. Hán Thương dời dân đi Thăng Hoa.
Trước đây, Chiêm Thành dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy, họ dời hết dân đi nơi khác mà bỏ đất không; Quý Ly chia đất ấy làm lộ Thăng Hoa1165 . Đến nay mới đem dân các lộ, người nào không có ruộng mà có của đến đấy để ở. Người mới đến cùng với người cũ của lộ ấy còn sót lại đều biên tên vào quân ngũ, nhưng thích hai chữ tên châu hiện ở1166 vào cánh tay. Năm sau, lại cho vợ con những người đã di đến khi trước đi theo. Những người này, lúc đi đường biển gặp gió bão, bị chết đuối nhiều. Lòng dân rất là náo động.
Đặt tứ phụ1167 ở kinh kỳ.
Cơ sở ở Tây Đô đã xây dựng xong, Hán Thương lại đổi phủ Thanh Đô làm phủ Thiên Xương, phủ Diễn Châu làm phủ Linh Nguyên, hợp với Cửu Chân, Ái Châu gọi là “tứ phụ”, đổi tên núi Đại Lại làm núi Kim Âu.
Lại đặt chức Thị giám1168 ở kinh kỳ, ban phát cân, thước, thưng, đấu, định giá trị tiền giấy để buôn bán được lưu thông. Lúc ấy những người buôn bán phần nhiều chê tiền giấy nát, nên lập điều luật để bắt tội người nào chê bai tiền giấy, làm cao giá hàng hoặc đóng cửa hàng và người nào giúp đỡ bênh vực những việc ấy.
Lời chua – Cửu Chân: Xem Trần Duệ Tông, năm Long Khánh thứ 3 (Chính biên XI, 37).
Ái Châu: Tức Thanh Hóa. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 20-21).
Diễn Châu: Xem thuộc Đường, Cao Tông, năm Điều Lộ thứ nhất (Tiền biên IV, 20).
Hán Thương lập nhà Thái Miếu và các Tẩm Miếu1169 .
Hán Thương hạ lệnh ở kinh thành đặt Đông thái miếu để thờ phụng tiên tổ nhà mình, Tây thái miếu để thờ phụng thân thích bên ngoại là Minh Tông, Nghệ Tông nhà Trần; mồ mả các tiên tổ ở phủ Thiên Xương và Linh Nguyên đều gọi là lăng, thiết lập tẩm miếu.
Sứ thần nhà Minh sang.
Thành tổ nhà Minh mới lên ngôi vua, Hán Thương sai sứ sang mừng việc đăng quang và xin phong tước. Nhà Minh sai hành nhân1170 là Dương Bột đem sắc thư sang dụ bồi thần1171 và phụ lão trong nước phải xét xem dòng dõi nhà Trần có còn hay không, lời tâu của Hán Thương1172 thực hay giả, đều phải tâu bày sự thực. Hán Thương lại sai sứ theo sang triều đình nhà Minh đệ nộp tờ trạng cam đoan của bồi thần và phụ lão nhận là đúng như lời tâu trước của Hán Thương. Vua nhà Minh tin là thực, phong Hán Thương làm An Nam quốc vương. Từ đấy, sứ thần nhà Minh đi lại nước ta như mắc cửi, nào yêu cầu, nào hạch sách, Hán Thương phải khổ sở về sự ứng tiếp.
Sai Phạm Nguyên Côi và Đỗ Mẫn sang đánh Chiêm Thành, không được thắng lợi, rút quân về.
Hán Thương đã lấy được đất Chiêm Động và Cổ Lũy, có ý muốn lấy hết cả đất của người Chiêm Thành, dự định chia các đất ở phía nam châu Tư, châu Nghĩa là Bản Đạt Lang, Hắc Bạch và Sa Li Nha làm châu huyện. Mới bổ dụng Phạm Nguyên Côi làm đô tướng quân thủy, Hồ Vấn làm phó; Đỗ Mẫn làm đô tướng quân bộ, Đỗ Nguyên Thác làm phó. Quân thủy, quân bộ tất cả 20 vạn, đều phải chịu dưới quyền điều khiển của Nguyên Côi; người nào ra trận mà nhút nhát sẽ xử trảm, điền sản và vợ con sung công. Khi quân đã đến Chiêm Thành, sắm sửa nhiều khí giới chiến đấu, bao vây thành Chà Bàn1173 , vì quân đi đã chín tháng, bị hết lương ăn, lại không hạ được thành, nên phải kéo về.
Trước đây, người Chiêm Thành cầu cứu với nhà Minh, nhà Minh dùng 9 chiếc binh thuyền vượt biển sang cứu, gặp đạo quân của bọn Nguyên Côi, người nhà Minh bảo Nguyên Côi rằng: “Nên rút quân về ngay, không nên ở lại nữa”. Khi bọn Nguyên Côi về đến kinh thành, Quý Ly quở trách về tội không sao giết hết được quân nhà Minh, còn Nguyên Trác vì trái tướng lệnh, nên phải tội đày làm lính.
Lời chua – Thành Chà Bàn: Xem Trần Duệ Tông, năm Long Khánh thứ 5 (Chính biên X, 41).
Bản Đạt Lang, Hắc Bạch, Sa Li Nha: Vì sự thay đổi, nay không rõ ở đâu.
Bắt đầu đặt quan chức và liêu thuộc trong bộ thự1174 Quảng Tế.
Người phương sĩ1175 là Nguyễn Đại Năng biết dùng lối châm cứu để chữa bệnh. Hán Thương bổ dụng Đại Năng giữ chức tá nhị ở bộ thự Quảng Tế. Bộ thự Quảng Tế có đặt quan chức và liêu thuộc bắt đầu từ đây.
Lời chua – Bộ thự Quảng Tế: Tức tơ tào1176 thuộc về ngành y tế.
Đại Năng: Người ở Giáp Sơn1177 , thuộc Hải Dương.
Giáp Thân (1404). (Hán Thương, năm Khai Đại thứ 2; Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 2).
Tháng 2, mùa xuân. Hán Thương sai sứ sang nhà Minh.
Trước đây, Chiêm Thành dâng nước ta hai thớt voi để xin hoãn binh, sau dùng lời trí trá tâu với nhà Minh rằng: “Bị nhà Hồ lấn đất và đòi lấy voi của nước ấy định làm lễ cống nhà Minh”. Đến nay, nhà Minh sai sứ sang hỏi, Hán Thương sai Phan Hòa Phủ đem con voi mà Chiêm Thành đã dâng khi trước đưa sang cho nhà Minh.
Định lại phép thi.
Hán Thương phỏng theo phép ba kỳ thi ở thời nhà Nguyên, chia làm bốn kỳ, lại thêm một kỳ thi viết chữ và tiính, cộng thành năm kỳ thi. Cứ ba năm một lần mở khoa thi, năm nay thi hương, người nào trúng tuyển được miễn dao đài tạp dịch, đến năm sau thi ở bộ Lễ, người nào trúng tuyển được lựa chọn bổ dụng, lại năm sau nữa thi hội, người nào trúng tuyển được sung vào Thái học sinh. Lúc ấy sĩ tử mới do bộ Lễ thi, gồm 170 người được trúng tuyển, chưa kịp thi hội, sau vì việc quân nhà Minh sang xâm lấn, nên thôi không thi nữa.
Lời chua – Theo Thông giám tập lãm thì năm Hoàng Khánh thứ 3 (1314) đời Nhân Tông nhà Nguyên mới định phép thi, cứ tháng 8 năm trước, các quan quận huyện trong nước đề cử những người hiền tài trong quận huyện mình lên triều đình, đến tháng 2 năm sau, thi hội ở kinh sư, người nào trúng tuyển sẽ được vua thân hành ra bài thi: kỳ đệ nhất, thi hai bài minh kinh và kinh nghi; kỳ đệ nhị, thi các bài phú, chiếu, cáo, chương và biểu theo cổ thể; kỳ đệ tam, thi một bài văn sách, hỏi về kinh sử và thời sự.
Định lại hiệu quân.
Trước đây, xét định quân ngũ, chọn người nào mạnh khoẻ mà nhà nghèo sung vào quân trợ dịch, sau đổi làm quân bồi vệ. Đến nay chia quân ra tả và hữu, dùng tên loài lân, loài phượng để đặt tên hiệu quân, chọn các quan văn võ người cùng họ với họ Hồ để quản lĩnh.
Đào Liên Cảng, không thành công.
Quý Ly sai đào Liên Cảng từ Tân Bình đến giáp giới Thuận Hóa, để việc chuyên chở được tiện lợi, nhưng vì bùn cát cứ nổi bềnh lên, nên không thành công, phải bỏ.
Lời chua – Liên Cảng: Nay ở xã Thủy Liên, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Đóng thuyền chiến.
Lúc ấy, nhà Minh muốn gây việc binh đao. Hán Thương hạ lệnh đóng thuyền đinh sắt, đặt hiệu thuyền là “tải lương cổ lâu”. Thuyền ấy ở bên trên bắc tre làm đường đi lại, bên dưới hai người chèo một mái chèo, có thể tiện lợi cho việc chiến đấu; tuy mượn tiếng vận tải để đặt tên thuyền, nhưng thực ra là để phòng bị quân nhà Minh.
Sứ thần nhà Minh sang.
Trước đây, Trần Khang1178 , gia nô nhà Trần Nguyên Huy, vì là bè đảng của Trần Tôn1179 , nên trốn sang Lão Qua. Nay Trần Khang theo đường Vân Nam đến Yên Kinh, đổi tên là Thiêm Bình và nói dối là con Trần Nghệ Tông, tố cáo công việc lấn cướp, bạo nghịch và lừa dối của Quý Ly. Vua nhà Minh sai ngự sử là Lý Kỳ sang nước ta tra hỏi. Khi Lý Kỳ đã sang qua quan ải, đánh đập những người hộ tống, bắt phải đi thật nhanh cho được đường, không kể gì nhật trình đã định; khi đến quán sứ, lại đi xem xét tình thế khắp nơi rồi trở về. Quý Ly sợ lộ việc sai người đuổi theo để giết đi; lúc theo đến Lạng Sơn, thì Kỳ đã sang qua quan ải bên kia rồi. Kỳ về triều, đem hết cả tình trạng gian dối của Hán Thương tâu bày cho vua nhà Minh biết.
Lời chua – Thiêm Bình: Sử nhà Minh chép là Thiên Bình.
Lão Qua: Xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 3 (Chính biên XI, 13).
Ất Dậu, (1405). (Hán Thương, năm Khai Đại thứ 3; Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 3).
Tháng 2, mùa xuân. Hán Thương sai Hoàng Hối Khanh cắt đất nhường cho nhà Minh.
Trước đây, Hoàng Quảng Thành, thổ quan châu Tư Minh, tâu với vua Minh rằng Lộc Châu nguyên là đất cũ của châu Tư Minh. Vua nhà Minh sai người sang nước ta dụ bảo trả lại đất ấy cho châu Tư Minh, nhưng Quý Ly không nghe. Nay lại sai sứ thần sang đòi, Quý Ly cho Hối Khanh sung làm cát địa sứ1180 . Hối Khanh đem đất 59 thôn ở Cổ Lâu trả cho nhà Minh; sau Quý Ly quở trách Hối Khanh về tội trả đất quá nhiều. Những thổ quan do nhà Minh đặt ra để giữ đất mới nhượng ấy, Quý Ly ngầm sai người bản thổ đánh thuốc độc cho chết.
Lời chua – Tư Minh: Nay thuộc tỉnh Quảng Tây nhà Thanh. Sách Việt thuật nói: “Lộc châu thuộc về Tư Minh, sau bị mất về Giao Chỉ, gần đây lại khám xét rõ ràng, lấy lại như cũ, nay lệ thuộc vào châu Tây Long1181 và huyện Tây Lâm1182 là nơi mới đặt”. Thế thì đất Cổ Lâu mà Quý Ly cắt ra để nhường cho nhà Minh có lẽ là chỗ này.
Có nạn đói. Hạ lệnh cho dân các lộ phải bán thóc.
Các quan ở lộ, phủ, châu và huyện kiểm tra số thóc của nhà giàu, bảo họ bán cho dân theo giá hai bên cùng thỏa thuận. Bán nhiều hay ít tùy theo số thóc hiện có.
Tháng 6, mùa hạ. Sét đánh vào đông cung của Hán Thương. Hạ chiếu trưng cầu lời nói thẳng; Ân xá.
Đặt bốn kho quân khí.
Dân đinh người nào có tài nghệ khéo, đều sung vào làm việc công, sửa chữa chế tạo khí giới để đồ quân dụng được đầy đủ.
Tháng 7, mùa thu. Hán Thương đi tuần du xem xét núi sông ở kinh lộ và các cửa biển; tháng 8, trở về kinh đô.
Trước đây, Hán Thương sai đóng cọn gỗ ở nơi xung yếu tại các cửa biển và sông cái để phòng bị chống cự quân giặc; đến nay lại thân đi xem xét việc này, là có ý muốn biết được nơi nào hiểm trở, nơi nào bình thường.
Nhà Minh sai bọn hoạn quan Nguyễn Toán sang nước ta.
Trước kia, Thái tổ nhà Minh sai người sang nước ta bắt phải nộp người thày chùa, người hỏa giả1183 và gái đẹp đấm bóp1184 , Đế Hiện nhà Trần sai tìm những hạng người ấy đem nộp. Trong số đó có hoả giả là bọn Nguyễn Toán, Nguyễn [Tông] Đạo, Từ Cá và Ngô Tín. Sau nhà Minh cho bọn thầy chùa và tú nữ trở về, chỉ để lại bọn hỏa giả sung vào chức nội quan. Nay nhà Minh cho rằng bọn Nguyễn Toán am hiểu núi sông nước ta, nên sai sang để dòm dỏ tình thế trong nước.
Tháng 9. Hán Thương định lại quy chế quân ngũ.
Quân ngũ: nam và bắc chia làm 12 vệ, đông và tây chia làm 8 vệ, mỗi vệ 18 đội, mỗi đội 18 người, đại quân 30 đội, trung quân 20 đội, doanh 15 đội, đoàn 10 đội, cấm vệ đô 5 đội; có đại tướng quân thống lĩnh.
Sai sứ sang nhà Minh.
Hán Thương thường bị nhà Minh tra hỏi, nên sai tả ti lang trung Phạm Canh, thông phán Lưu Quang Đình sang nhà Minh dâng lễ cống và tạ lỗi. Việc này là có ý muốn dập tắt việc binh hỏa. Nhà Minh giữ Canh ở lại mà cho Quang Đình về.
Ban tước cho phụ lão các lộ và cho hội họp uống rượu.
Quý Ly thấy mình tuổi đã 70, nên ban ơn cho phụ lão các lộ, những người từ 70 tuổi trở lên, đàn ông được ban tước một tư1185 , đàn bà được ban cho tiền giấy; phụ lão ở kinh thành được ban tước và được hội họp uống rượu.
Đắp thành Đa Bang.
Hán Thương nhận thấy nếu quân nhà Minh kéo sang, thì Đa Bang chính là địa điểm xung yếu nhất, nên sai Hoàng Hối Khanh đắp thành để hãn ngữ; lại phân phối các vệ quân ở Đông Đô1186 đi đóng cọc ở sông Bạch Hạc để hãn ngữ cánh quân nhà Minh từ mặt Tuyên Quang tiến sang.
Lời chua – Thành Đa Bang: Nay ở xã Cổ Pháp, huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây.
Sông Bạch Hạc: Xem Trần Thánh Tông, năm Thiệu Long thứ 5 (Chính biên VII, 4-5).
Hội họp các quan văn võ trong kinh thành và ngoài các lộ bàn về kế hoạch nên đánh hay nên hòa.
Hán Thương hạ lệnh các viên An phủ sứ ở các lộ về triều để cùng với các quan trong kinh bàn về kế hoạch nên đánh hay nên hòa. Lúc ấy có người khuyên nên đánh, nói: “Không nên để quân Minh kéo vào nước sẽ làm mối lo sau này”. Nguyễn Quân, trấn thủ Bắc Giang, cho rằng hãy nên tạm hòa, chiều theo ý muốn bên địch, để hoãn binh, thì hơn. Tả Tướng quốc là Trừng nói: “Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không theo mà thôi”. Quý Ly đem cái hộp bằng vàng ban cho Trừng.
Bính Tuất (1406). (Hán Thương, năm Khai Đại thứ 4; Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 4).
Tháng 4, mùa hạ. Nhà Minh sai đốc tướng là bọn Hàn Quan và Hoàng Trung đem quân hộ tống Trần Thiêm Bình về nước ta; Hán Thương sai người đón đường giết đi.
Trước đây, Thiêm Bình nói dối vua nhà Minh rằng: “Dòng dõi họ Trần chỉ còn một mình tôi, tôi cùng giặc nhà Hồ không đội trời chung được, dám xin nhà vua xuất phát ngay sáu quân1187 đánh kẻ có tội để tỏ rõ oai trời”.
Sau khi Lý Kỳ trở về Trung Quốc1188 , Hán Thương liền sai Nguyễn Cảnh Chân dâng tờ biểu tạ tội và xin đón Thiêm Bình về tôn lên làm chúa. Vua nhà Minh sai hành nhân1189 là Niếp Thông đem tờ sắc sang dụ Hán Thương: “Nếu quả đón Thiêm Bình về tôn làm chúa, thì sẽ ban cho khanh tước thượng công và phong cho một quận lớn”. Hán Thương lại sai Cảnh Chân theo Niếp Thông sang báo cáo về việc đón Thiêm Bình.
Đến nay, vua nhà Minh sai bọn Hàn Quan đem 5000 quân hộ tống Thiêm Bình về nước. Hàn Quan đóng ở lại địa đầu biên giới không tiến quân, chỉ một mình Hoàng Trung đem quân đánh vào cửa ải Linh Kênh. Quân nhà Hồ bị thua, đại tướng Phạm Nguyên Côi và tướng quân Chu Bỉnh Trung đều tử trận. Gặp lúc ấy viên tướng quản lĩnh quân Thánh Dực là Hồ Vấn từ Vũ Cao bất thình lình dẫn quân đến,
thành ra quân nhà Minh bị thua to, nửa đêm bỏ trốn. Trước đấy viên tướng trong quân Thánh Dực là Hồ Xạ và Trần Đĩnh đã đem quân chặn cửa ải Chi Lăng, quân nhà Minh không sao tiến lên được. Hoàng Trung sai người thầy thuốc trong quân ngũ là Cao Cảnh Chiếu đưa thư và giải Thiêm Bình sang bên quân nhà Hồ. Trong thư nói: “Theo lời Thiêm Bình, hắn chính là con vua An Nam, nếu đưa hắn về nước, thì đi đến đâu không ai là không hưởng ứng. Thế mà từ khi đưa hắn về nước đến nay, trong nước không một người nào theo cả, như thế tỏ ra là gian dối. Nay đưa Thiêm Bình trả lại, xin để cho quân lính được ra khỏi quan ải”. Hồ Xạ nhận lời, bèn giải nộp Thiêm Bình để tâu công chiến thắng. Hán Thương sai chém Thiêm Bình, thưởng cho người có công đều được tước ba tư1190 . Hồ Xạ vì cớ không bắt được Hoàng Trung nên chỉ được thưởng tước 2 tư. Các quan văn võ dâng biểu mừng, Hán Thương từ chối không nhận.
Lời chua – Chi Lăng: Xem Lê Đại Hành, năm Thiên Phúc thứ 2 (Chính biên I, 17, 18).
Linh Kênh1191 : Xem Lý Nhân Tông, năm Quảng Hựu thứ 5 (Chính biên III, 47).
Vũ Cao: Không rõ ở đâu.
Hán Thương sai sứ thần sang nhà Minh.
Sau khi Hán Thương đã giết Thiêm Bình, liền dùng An phủ sứ ở Tam Giang là Trần Cung Túc làm chánh sứ và thông phán ở Ái Châu là Mai Tú Phu làm phó sứ, Thiêm phán là Tưởng Tư làm tòng sự, cùng đi sang nhà Minh biện bạch việc gian trá giả mạo của Thiêm Bình và xin được đi lại cống nạp như cũ. Nhà Minh giữ cả sứ giả lại, không cho về.
Mộ thêm quân lính.
Hán Thương cho rằng quân nhà Minh bị thua một trận, tất nhiên sẽ lại kéo sang, nên hạ lệnh cho người có phẩm tước chiêu mộ những người trốn tránh phiêu lưu làm quân dũng hãn, đặt chức thiên hộ, bá hộ để cai quản. Lại sai đóng cọc gỗ ở bờ phía nam sông Nhị Hà nối tiếp nhau suốt hơn bảy trăm dặm; ở các sông và cửa biển đều hạ cây xuống để ngăn cản. Lại hạ lệnh cho dân Bắc Giang và Tam Đái dựng nhà cửa ở nơi đất hoang rậm rạp về bờ phía nam sông Cái, dự bị làm chỗ di cư trong khi phải rút lui.
Lời chua – Bắc Giang: Tức Kinh Bắc. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 1 (Chính biên XXI, 28-29).
Tam Đái: Xem ngang với Tống Thái Tổ, năm Kiến Đức thứ 4 (Tiền biên V, 29- 30).
Tháng 9, mùa thu. Nhà Minh sai đại tướng quân Chu Năng, phó tướng quân là bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh đem quân sang đánh Hồ Hán Thương.
Trước kia, bọn hoạn giả Nguyễn Toán nói nước ta giàu có phồn thịnh; người nhà Minh đã có ý muốn chiếm lấy. Đến lúc Hán Thương lấn cướp ngôi vua nhà Trần, làm việc thí nghịch, nhà Minh thường sai người tra hỏi, muốn mược cớ để gây việc binh đao. Nay Hán Thương lại giết Thiêm Bình, nên vua nhà Minh quyết kế cho quân sang đánh, bèn dùng Thành Quốc công Chu Năng làm đại tướng, Tân Thành hầu Trương Phụ, Tây Bình hầu Mộc Thạnh làm tả hữu phó tướng, Phong Thành hầu Lý Bân, Vân Dương bá Trần Húc làm tả hữu tham tướng, chia quân làm hai đạo, hẹn ngày cùng xuất phát. Khi tiến quân đến Long châu, Chu Năng chết, Trương Phụ được bổ lên thay. Phụ bèn theo đường Bằng Tường thuộc Quảng Tây tiến quân đến quan ải Pha Lũy, kéo thẳng đến sông Phú Lương; tả phó tướng Thạnh cũng từ đường Mông Tự thuộc Vân Nam tiến quân đánh quan ải Phú Lệnh, kéo thẳng đến sông Thao. Hai đạo quân cùng hội họp ở sông Bạch Hạc, đóng từng hàng đồn ở bờ phía bắc sông. Hán Thương hạ lệnh cho tả tướng quốc Nguyên Trừng1192 , đại tướng Hồ Đỗ đem quân thủy, quân bộ ra chống cự.
Trước đây, quân nhà Minh tiến vào biên giới nước ta, đã dự bị treo bảng văn kể tội nhà Hồ, lại nói phao lên là sẽ lập con cháu họ Trần để nối lại tông thống đời đã mất mà cứu vớt lấy dân. Đến nay bọn Phụ và Thạnh chia ra viết những lời lẽ ở bảng văn ấy vào nhiều miếng ván gỗ, rồi thả xuống sông cho nước thuận dòng trôi xuống. Vì thế quân lính của Hán Thương trông thấy, không ai có chí khí chiến đấu. Bọn Mạc Địch, Mạc Thúy, Mạc Viễn và Nguyễn Huân đều là những người bất mãn với nhà Hồ, đón quân Minh để đầu hàng; người nhà Minh đều trao cho quan tước.
Lời phê1193 – Minh Yên Lệ1194 với Hồ Quý Ly cũng chẳng khác gì nhau. Tự thân mình đã không chính trực, dầu có mệnh lệnh cũng không thi hành được. Sao không tự xét mình xem sao đã? Hai người này đều là bọn tham tàn mà thôi. Lời chua – Long châu, Bằng Tường: Thuộc phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây nhà Thanh, đều tiếp giáp với biên giới tỉnh Lạng Sơn nước ta.
Mộng Tự: Tên huyện, thuộc phủ Lâm An, tỉnh Vân Nam, tiếp giáp với tỉnh Hưng Hóa1195 nước ta.
Pha Lũy quan: Ở xã Đồng Đăng, huyện Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn, nay là Nam Quan1196 .
Phú Lệnh quan: Thuộc tỉnh Tuyên Quang.
Mạc Địch, Nguyễn Huân: Đều người ở Chí Linh thuộc Nam Sách.
Tháng 12, mùa đông. Quân nhà Minh đánh phá được thành Đa Bang1197 , liền chiếm lấy Đông Đô1198 .
Quân của Hán Thương cầm cự với quân nhà Minh, muốn cố thủ nơi hiểm trở, không ra đánh, để làm cho quân nhà Minh mòn mỏi. Mộc Thạnh bàn với Trương Phụ rằng: “Những hàng rào gỗ mà bên địch1199 dựng lên đều sát liền sông, quân ta không thể tiến lên được; chỉ có Đa Bang là nơi đất cát bằng phẳng có thể đóng quân, chỗ ấy tuy thành đất khá cao, bên dưới có mấy tầng hào, nhưng khí giới đánh thành của ta đều đầy đủ, đánh mà chiếm lấy cũng có phần dễ”. Phụ bèn hạ lệnh rằng: “Quân giặc1200 chỉ cậy có thành này, mà chúng ta lập công cũng ở một trận này; tướng sĩ nào trèo lên thành được trước, sẽ đặc cách hậu thưởng không câu nệ theo thứ bậc thông thường”. Hạ lệnh xong, sai quân nhân đêm tối đánh úp thành, dùng cách đốt lửa sáng và thổi tù và để báo hiệu với nhau. Trương Phụ chỉ huy đô đốc Hoàng Trung đánh mặt tây bắc, Mộc Thạnh chỉ huy đô đốc Trần Tuấn đánh mặt đông nam, dùng vân thê1201 để sát vào thành mà trèo lên. Quân nhà Hồ chống cự không được, rút lui vào thành. Sáng hôm sau, quân nhà Hồ khoét thành lùa voi ra đánh. Quân nhà Minh dùng những bức vẽ có hình sư tử trùm cho ngựa để xông vào, lại có súng thần cơ hỏa khí yểm hộ: voi phải co vòi lùi về, quân nhà Minh theo voi tiến
vào. Thành bị vỡ, các đạo quân khác của nhà Hồ ở ven sông đều tan rã, lui về giữ sông Hoàng Giang. Quân nhà Minh nhân thế thắng, cứ theo dọc sông Phú Lương kéo xuống. Đi đến đâu, chúng đốt những hàng rào bằng gỗ, tiến thẳng đến Đông Đô, bắt cướp con gái, vàng, lụa, tính toán lương thực tích trữ, phân phối chức quan giữ việc, chiêu tập dân phiêu lưu, làm kế đóng giữ lâu dài.
Lời chua – Hoàng Giang: Xem Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 7 (Chính biên VI, 44).
Đinh Hợi (1407). (Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ 1. Từ tháng 10 trở về trước thuộc về Hán Thương, năm Khải Đại thứ 5. – Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 5).
Tháng 2, mùa xuân. Mộc Thạnh nhà Minh đánh cho quân nhà Hồ bị thua to ở sông Mộc Hoàn; quân nhà Hồ rút lui, giữ cửa biển Đại An.
Mộc Thạnh, tả phó tướng nhà Minh, nghe biết Hồ Nguyên Trừng đóng quân ở Hoàng Giang, bèn đem quân thủy, quân bộ đều tiến, đến sông Mộc Hoàn, đóng dinh trại đối ngạn với sông Hoàng Giang. Nguyên Trừng dùng ba trăm chiếc thuyền lớn tung quân ra đánh, quân của Thạnh ở hai bên bờ sông đánh khép lại: quân của Nguyên Trừng bị thua to, lui về giữ cửa Muộn Hải. Hồ Đỗ và Hồ Xạ bỏ bến Bình Than, cũng chạy đến cửa Muộn, hết sức đắp đồn lũy, để tính kế cầm cự lâu dài, gặp lúc quân nhà Minh đuổi đến nơi, lại phải lui giữ cửa biển Đại An. Thị trung Trần Nguyên Chỉ, Trung thư lệnh Trần Sư Hiền và người ở Kiến Hưng1202 là Nguyễn Nhật Kiên cũng tụ tập dân chúng, bắt giết viên trấn phủ1203 rồi đều đầu hàng quân nhà Minh.
Quân hai bên đối lũy, ngày đêm đánh nhau, gặp lúc ấy mưa nắng thất thường, sinh ra tật dịch. Quân nhà Minh thấy rằng cửa Muộn Hải đất ẩm thấp, không thể đóng quân lâu được, giả vờ đem quân rút lui, đến cửa Hàm Tử, đóng dinh trại kiên cố để đợi quân địch. Hồ Nguyên Trừng cũng đón Quý Ly và Hán Thương từ Tây Đô đến, lại tiến quân đóng ở Hoàng Giang, để cầm cự với quân nhà Minh.
Lời chua – Sông Mộc Hoàn: Ở xã Mộc Hoàn1204 , huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Nội1205 . Sông này tiếp giáp với Hoàng Giang.
Cửa Muộn Hải: Ở địa phận huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, nay bị bồi lắp.
Bình Than: Tên bến đò. Xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 4 (Chính biên VII, 28).
Cửa Hàm Tử: Xem Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ nhất (Chính biên VII, 39).
Cửa biển Đại An: Tức cửa biển Đại Nha. Xem Lý Hậu Đế năm thứ nhất (Tiền biên IV, 13).
Tây Đô: Ở địa phận Xuân (trước là Hoa) Giai, Phương Giai và Tây Giai thuộc huyện Vĩnh Lộc (trước là Phúc), tỉnh (trước là trấn) Thanh Hóa, có một tên nữa là Thành nhà Hồ, do Quý Ly đắp, nay vẫn còn.
Tháng 3. Hồ Nguyên Trừng tiến quân đến cửa Hàm Tử, quân nhà Minh đón đánh, quân của Nguyên Trừng bị thua to.
Nguyên Trừng, Hồ Đỗ và Đỗ Mãn lại đem quân thủy, quân bộ nhất tề từ Hoàng Giang tiến lên. Hồ Xạ, Trần Đĩnh quản lĩnh đạo quân đóng ở bờ phía nam; Đỗ Nhân Giám, Trần Khắc Trang quản lĩnh đạo quân đóng ở bờ phía bắc; Đỗ Mẫn và Hồ Vấn quản lĩnh đạo thủy quân, tất cả bảy vạn người, nói phao là hai mươi mốt vạn, cùng nhau tiến đến cửa Hàm Tử. Thuyền chiến nối liền nhau hơn mười dặm, chắn ngang giữa sông. Nhà Minh đặt quân mai phục, rình khi quân nhà Hồ trễ nải, đem hai cánh quân thủy và bộ xông ra. Quân bộ của nhà Hồ không thể đối địch được, cùng nhau trốn chạy, gặp phục binh nhà Minh, đều quay dáo, nhảy xuống sông chết, chỉ có cánh quân thủy được thoát thân. Thuyền tải lương chìm đắm hầu hết. Lúc ấy đạo quân của Hồ Xạ còn ở lại sau, biết mặt trước có quân mai phục, không chịu tiến lên, Hồ Đỗ sai người trách móc, Hồ Xạ mới tiến quân, cũng đều bị thua. An phủ sứ Bắc Giang là Nguyễn Hi Chu bị bắt, Hi Chu mắng nhiếc Trương Phụ là giặc tàn bạo, Phụ sai giết đi.
Tháng 4, mùa hạ. Quân nhà Minh tiến đánh Lỗi Giang, quân của Hán Thương tự tan vỡ.
Bị thua trận ở Hàm Tử, Quý Ly và Hán Thương đem liêu thuộc do đường biển chạy lui vào Thanh Hóa. Quân nhà Minh đuổi theo, đến Lỗi Giang, quân nhà Hồ không đánh nhau mà tự tan vỡ. Ngụy Thức1206 xin hai bố con nhà Hồ tự thiêu mình cho chết và nói: “Nước mất rồi, người vua chúa không nên chết ở tay người khác”. Quý Ly giận, chém chết Ngụy Thức, rồi chạy vào Nghệ An.
Lời chua – Lỗi Giang: Tức phân lưu của sông Mã, ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, hạ lưu con sông này thông với sông Đại Lại.
Tháng 5. Quân nhà Minh kéo đến cửa biển Kỳ La, bắt được Quý Ly, Hán Thương cùng con cháu, liêu thuộc của hắn.
Trương Phụ biết Hán Thương trốn chạy vào Nghệ An, bèn cùng tả phó tướng Thạnh theo đường bộ tiến quân, lại phân phái Liễu Thăng đem chu sư1207 do đường thủy đuổi theo, khi đuổi đến cửa biển Kỳ La, đánh cho quân nhà Hồ phải thua to, bắt được Quý Ly, hôm sau lại bắt được Hán Thương cùng con hắn là Nhuế ở núi Cao Vọng. Những tướng tá sau này đều bị bắt: Hữu tướng quốc Quý Tì và con hắn là Phán trung đô Vô Cữu, Tả tướng quốc Nguyên Trừng, tướng quân Hồ Đỗ, Phạm Lục Tài, Nguyễn Nghiện Quang và Đoàn Bồng. Còn những người khác như Trần Nhật Chiêu, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Cẩn và Đỗ Mẫn thì đã đầu hàng quân Minh từ trước rồi. Duy viên Hành khiển hữu tham tri chính sự Ngô Miễn và viên trực trưởng Kiều Biểu nhảy xuống sông tự tử, vợ Ngô Miễn là Nguyễn Thị cũng chết theo.
Lúc hai cha con nhà Hồ chạy đến Kỳ La, có phụ lão ra bái yết, nói: “Chỗ này tên là “Ky Lê”1208 , ở trên kia có núi “Thiên Cầm”1209 , đấy đều là điềm không tốt, xin đừng lưu ở đây”. Hai họ Hồ nổi giận, chém chết người phụ lão ấy; đến nay, quả nhiên Hán Thương bị bắt ở đây.
Trước kia, Hán Thương bổ Hối Khanh giữ chức tuyên úy sứ lộ Thăng Hoa, Hối Khanh dùng viên quan bản thổ là đại tri châu Đặng Tất và Phạm Thế Căng làm chân tay. Tất cùng viên châu phán Nguyễn Lỗ ghen ghét nhau về công trạng. Khi nhà Hồ bị thua chạy, sắc phong cho Chế Ma Nô Đã Nan làm Thăng Hoa quận vương để phủ dụ người Chiêm Thành, lại sai Hối Khanh đem số dân đã dời đến ở khi trước và dân bản thổ giao cho Lỗ quản lĩnh để đem đi viện trợ1210 . Hối Khanh đều ẩn giấu việc ấy đi, không tuyên bố ra. Gặp lúc quân của Chiêm Thành đến tranh lại đất cũ, bọn dân đã dời đến khi trước sợ hãi tan rã. Hối
Khanh trốn về Hóa châu, Tất và Lỗ cũng đem quân thủy, quân bộ kế tiếp đến đó. Chỉ có một mình Đã Nan chống nhau với quân Chiêm Thành, thế lực trơ trọi yếu đuối, bị quân Chiêm Thành giết chết.
Lỗ và Tất đánh nhau hơn một tháng, Lỗ bị thua, chạy sang Chiêm Thành. Đến khi nhà Hồ mất, Chiêm Thành lại chiếm cứ Thăng Hoa, cướp Hóa Châu; nhà Minh trao quan chức cho Tất để chống cự. Quân Chiêm Thành phải rút về. Tất sai người đưa Hối Khanh về, đến cửa biển Đan Thai, thì Hối Khanh tự vẫn, Trương Phụ đem thủ cấp bêu tại chợ Đông Đô.
Lời phê1211 – Mấy lần lật lọng lời thề nguyền, tính toán lấn cướp ngôi vua một cách xảo quyệt! Đến bây giờ có thể xảo trá để thoát thân được không? Đạo trời báo ứng, rõ ràng không sai, chả đáng sợ lắm sao? Lời chua – Trực trưởng: Tên quan.
Núi Cao Vọng, cửa biển Kỳ La: Nay ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Ky Lê: Tức cửa biển Kỳ La.
Thiên Cầm1212 : Nguyên tên là Thiên Cầm1213 . Tương truyền ngày trước Lạc Hùng vương đi chơi đến chỗ này, nghe thấy có tiếng sáo trời, nên đặt tên là Thiên Cầm1214 . Người phụ lão không muốn cho Hán Thương lưu lại ở đấy, nên nhân thanh âm gần với nhau mà nói trệch đi để truật Hán Thương: “Kỳ La” gọi trệch là “Ky Lê”, chữ “cầm” là đàn đổi ra chữ “cầm” là bắt.
Cửa biển Đan Thai: Ở chỗ giáp giới hai huyện Nghi Xuân và Chân Lộc thuộc tỉnh Nghệ An, nay là cửa biển Hội Thống.
Tháng 6. Nhà Minh đổi An Nam làm Giao Chỉ, lập phủ, huyện, đặt quan lại, miễn tô thuế ba năm.
Bố con Hồ Quý Ly đã bị bắt, nhà Minh hạ chiếu tìm con cháu nhà Trần lập làm vua. Quan lại và kỳ lão1215 đều nói: “Họ Trần không còn người nào có thể thừa kế được. An Nam nguyên trước là Giao Châu, xin khôi phục lại chế độ quận huyện, cho dân được đổi mới”. Bấy giờ nhà Minh bèn đổi An Nam làm Giao Chỉ. Cách sắp đặt như thế này:
– Đặt 17 phủ, là: Giao Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Lạng Sơn, Tân An, Kiến Xương, Phụng Hóa, Kiến Bình, Trấn Man, Tam Giang, Tuyên Hóa, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa và Thăng Hoa. Mười bảy phủ này lệ thuộc thẳng vào ti Bố Chính.
– Đặt năm châu, là: Quảng Oai, Tuyên Hóa, Quy Hóa, Gia Bình và Diễn Châu.
– Còn những nơi xung yếu khác thì đặt 12 vệ để khống chế.
– Về phần quan chức thì đặt ba ti1216 , bổ dụng thượng thư Hoàng Phúc kiêm giữ công việc hai ti Bố Chính và Án Sát, Lữ Nghị giữ công việc Đô Ti1217 , Hoàng Trung làm chức phó trong Đô Ti.
– Công việc cai trị cấm việc sai dịch và miễn thu các thứ thuế trong ba năm.
Trương Phụ nhà Minh bắt giải Quý Ly, Hán Thương và họ hàng đồ đảng đưa về Kim Lăng.
Trương Phụ sai bọn hoành hải tướng quân Lỗ Lân, đô đốc thiêm sự Liễu Thăng bắt giải Quý Ly và con là Hán Thương, Nguyên Trừng, Triệt, Uông, cháu là Nhuế, Mỗ, Phạm, em là Quý Tì, con Quý Tì là Vô Cữu, ngụy1218 tướng quân Hồ Đỗ, Đoàn Bồng, ngụy1219 Hành khiển Nguyễn Nghiện Quang, Lê Cảnh Kỳ đến Kim Lăng hiến tiệp. Vua nhà Minh ngự điện nhận tù binh và hỏi Quý Ly rằng: “Giết vua, cướp nước, như thế có phải là đạo người bầy tôi không?”. Quý Ly không trả lời được, bèn giao cả xuống giam vào ngục tù, chỉ tha cho con là Trừng, cháu là Nhuế. Sau, Quý Ly ở trong ngục được tha ra, bắt đi thú thủ ở Quảng Tây; Trừng vì lành nghề chế binh khí, dâng phép chế súng lên vua Minh, nên được tha ra để dùng.
Lời phê1220 – Rất đáng tiếc Quý Ly không được như Khánh Phong1221 nước Tề, đối đáp với Công tử Vi1222 , để làm sướng tai mắt ngàn đời. Lời cẩn án – Sử cũ chép: “Khi Quý Ly đến Kim Lăng, vua nhà Minh giả vờ trao cho chức tham chính, sai người hộ tống đến nơi làm việc, rồi giết chết ở dọc đường”. Có lẽ nào đánh bắt được người đầu sỏ của giặc, không đem làm tội một cách đường hoàng mà lại phải dùng kế giả dối để giết bao giờ? Thật là vô lý! Nay theo sách Minh sử kỷ sự cải chính lại. Nhà Minh hạ chiếu trưng cầu những nhân sĩ có tài đức văn học ẩn dật ở núi rừng cùng những người am hiểu thông thạo tạp nghệ.
Vua nhà Minh sai bọn Trương Phụ tìm tòi dò hỏi những người ẩn dật ở núi rừng, có tài, có đức, thông suốt năm kinh, văn hay, học rộng, thạo việc, am hiểu thư toán, nói năng hoạt bát, hiếu đễ, chăm làm ruộng, tướng mạo khôi ngô, gân sức cứng rắn, cùng những người hiểu biết nghề cầu cúng, làm thuốc, xem bói, đều đưa sang Kim Lăng, sẽ trao cho quan chức, rồi cho về trấn trị các phủ, châu, huyện. Lệnh ấy ban ra, những bọn bon chen đua nhau hưởng ứng, chỉ có Bùi Ứng Đầu cáo từ là bị bệnh đau mắt và mấy người nữa như bọn Hạ Trai học sinh là Lý Tử Cấu trốn ẩn không ra mà thôi. Lúc ấy người ta có câu ngạn ngữ rằng: “Dục hoạt, nhập ẩn lâm san; dục tử, Minh triều tố quan” (muốn sống, ẩn ở núi rừng; muốn chết, hãy làm quan với nhà Minh). Sau đến lúc nhà Lê khởi nghĩa, những người làm quan với nhà Minh mà có tiếng tàn ác đều bị giết. Câu ngạn ngữ trên thành ra câu sấm.
Lời chua – Hạ Trai: Triều đình nhà Trần trước, học sinh chia ra 3 bậc, là: thượng trai, trung trai và hạ trai.
Đô chỉ huy sứ của Minh là Nguyễn Đại phạm tội, Trương Phụ bắt giết đi.
Đại, trước là bầy tôi nhà Hồ, sau đầu hàng nhà Minh, vì có công dẫn dắt cha con nhà Hồ, Trương Phụ làm trát văn trao cho chức Đô chỉ huy sứ. Từ đấy, Đại kiêu căng, làm nhiều điều phi pháp, hoang dâm, nghiện rượu, lại có chí ngấm ngầm phản lại. Trương Phụ bèn giết đi.
Quân nhà Minh rút về nước.
Trương Phụ và Mộc Thạnh dẫn quân về nước, để viên giữ ti Đô chỉ huy sứ là Lữ Nghị và viên giữ hai ti Bố chính và Án sát là Hoàng Phúc ở lại trấn thủ nước ta. Phụ dâng lên vua Minh địa đồ bờ cõi đã mở rộng được, mặt đông và mặt tây cách nhau 1760 dặm, mặt nam và mặt bắc cách nhau 2700 dặm, đặt nha môn1223 vừa lớn vừa nhỏ 472 sở. Vua nhà Minh ban khen, thưởng cho tướng sĩ tùy theo công trạng của từng người.
Tháng 10, mùa đông. Giản Định vương nhà Trần là Ngỗi khởi binh ở Tràng An, tự lập làm vua.
Ngỗi, con thứ của Trần Nghệ Tông, trước phong là Giản Định vương, nhà Hồ đổi phong Nhật Nam quận vương. Khi nhà Hồ bị bại, Trương Phụ yết bảng tìm bắt con cháu họ Trần, Ngỗi phải trốn tránh lẫn lút đến bến Yên Mô ở Tràng An. Người ở Thiên Trường là Trần Triệu Cơ đem dân chúng theo, Ngỗi bèn xưng làm Giản Định hoàng đế, đặt niên hiệu là Hưng Khánh. Người nhà Minh đem quân đến đánh, vì quân mới họp tập, nên chưa đánh nhau mà tự tan vỡ, Ngỗi phải chạy vào Nghệ An. Viên đại tri châu ở Hóa Châu là Đặng Tất nghe tin, liền giết quan nhà Minh, đem quân đến họp. Tất dâng con gái cho Giản Định, Giản Định phong cho Tất làm quốc công, cùng nhau mưu tính việc khôi phục.
Lời chua – Bến Yên Mô: Nay ở xã Yên Mô, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Trần Nguyệt Hồ xương vương ở Bình Than; quân nhà Minh đánh, bắt được.
Phạm Chấn, thổ hào Đông Triều, khởi binh ở Bình Than, lập Trần Nguyên Hồ làm chúa, tự gọi là quân Trung nghĩa. Nhà Minh sai quân đến đánh, Nguyệt Hồ bị bắt, Phạm Chấn chạy trốn.
Trước đây, Bùi Bá Kỳ, tì tướng Trần Khát Chân, tự xưng là “Nam triều trung nghĩa thần” (người tôi trung nghĩa nước Nam) chạy trốn sang nhà Minh, báo cáo nạn nước. Bá Kỳ nói: “Tổ phụ tôi trước đều là đại thần giữ chính quyền triều nhà Trần, mẹ tôi là người họ thân với họ Trần, lúc bé tôi được vào chầu quốc vương, làm quan đến ngũ phẩm; vì cha con Quý Ly giết vua, cướp nước, nên tôi phải bỏ quan đi trốn, nương náu trong hang núi, trong bụng vẫn nghĩa phải đến khuyết đình1224 , phơi bày gan dạ, giằn giọc lo lắng hàng mấy năm, nay mới được trông thấy mặt trời1225 . Tôi trộm nghĩ: cha con Quý Ly làm việc cướp nước bạo nghịch, không kính trọng mệnh lệnh triều đình, xin hoàng đế cử đạo quân thương dân đánh kẻ có tội, trừ khử bọn hung bạo gian tà, lập con cháu nhà Trần, để tôn nghiêm cái nghĩa làm cho đời đã mất được kế tục lại. Được như thế, thì tôi dẫu chết cũng không nát xương. Nay tôi xin học theo lòng trung nghĩa của Bao Tư1226 , thương khóc kêu gào dưới cửa khuyết, xin hoàng đế rủ lòng thương soi xét cho”. Vua nhà Minh nhận được lời tâu, lấy làm cảm động, sai viên quan có trách nhiệm cấp cho cơm áo. Gặp lúc ấy Trần Thiêm Bình từ Lão Qua sang, người nhà Minh hỏi Bá Kỳ có biết người này không. Bá Kỳ trả lời không biết. Đến lúc nhà Minh đưa Thiêm Bình về nước ta, hỏi nên dùng bao nhiêu người hộ tống. Thiêm Bình nói: “Chỉ độ vài ngàn người là đủ, hễ về đến nơi tự khắc người ta phục tùng”. Bá Kỳ nói: “Không nên”. Vua nhà Minh giận, bèn đem an trí Bá Kỳ ở Cam Túc. Đến lúc Thiêm Bình bị bại, vua nhà Minh cho triệu Bá Kỳ về, dụ dỗ là sẽ lập con cháu họ Trần, mà Bá Kỳ sẽ được làm bầy tôi phụ tá. Khi Trương Phụ đem quân sang nước ta, cho Bá Kỳ đi theo trong quân ngũ, do đấy trao cho chức tham nghị. Bá Kỳ nhận chức, nhưng không cùng bạn đồng liêu bàn tính công việc, chỉ ở nhà riêng, lại thu nạp những viên quan cũ triều Trần hiện bị sa cơ lỡ bước. Nay Nguyệt Hồ khởi binh, người nhà Minh ngờ là Bá Kỳ đem lòng phản lại, liền bắt Bá Kỳ đưa sang Kim Lăng.
Lời chua – Đông Triều: Tên huyện, nay thuộc tỉnh Hải Dương.
Bá Kỳ: Người ở Phù Nội thuộc Thanh Miện, Hồng Châu1227 .
Bình Than: Xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ tư (Chính biên VII, 28).
Tháng 12. Đế Ngỗi sai bọn Trần Nguyên Tôn thu thập quân lính ở Bình Than. Quân nhà Minh đến đánh úp, quân của bọn Nguyên Tôn bị tan vỡ, chạy vào Nghệ An.
Toán quân của Nguyệt Hồ tan rã, Giản Định đế sai bọn Trần Nguyên Tôn, Trần Dương Đình, Trần Nghiện Chiêu lại cùng Phạm Chấn thu thập số quân còn lại, hội họp ở Bình Than. Quân nhà Minh đến đánh, lại tan vỡ, bèn cùng nhau chạy vào Nghệ An.
Đế Ngỗi bắt giết những người đầu hàng nhà Minh là bọn Trần Thúc Dao, Trần Nhật Chiêu cùng đồ đảng của chúng hơn sáu trăm người.
Thúc Dao và Nhật Chiêu đều là tôn thất nhà Trần, trước kia đầu hàng nhà Minh, Trương Phụ cho Thúc Dao giữ Diễn Châu, Nhật Chiêu giữ Nghệ An. Nay quân của Giản Định kéo đến, lấy cớ rằng bọn này không ra đón rước trước, nên bắt giết đi.
Dân bị đói to, phát sinh chứng dịch.
Mậu Tí (1408). (Trần, năm Hưng Khánh thứ 2; Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 6).
Tháng giêng, mùa xuân. Nhà Minh hạ chiếu đại xá.
Quân của Giản Định nổi dậy, nhiều người hưởng ứng đi theo, nhà Minh cho rằng người trong nước vẫn nhớ vua cũ, nên giả vờ dùng chính sách khoan hồng để thu phục lòng dân, bèn hạ tờ chiếu, đại lược nói: “Trẫm nghĩ những dư dân1228 vì lòng vẫn ngu muội, hoặc nhân nghèo đói bức bách, hoặc bị bọn cường bạo xua đuổi, hoặc bị bọn gian trá dỗ dành, bất đắc dĩ mà phải làm liều, tình cũng đáng thương, nếu nhất luật bắt tội, lòng trẫm thực không nỡ. Vậy ngày nào tờ chiếu này đến nơi, thì những người có tội đều tha bổng. Các quan lại nên thể theo lòng nhân của trẫm, đối với dân không được nghiêm khắc, không được vơ vét của dân, tất cả mọi việc không cần cấp đều tạm đình bãi”.
Tháng 6, mùa hạ. Đặng Tất nhà Trần đánh tan được quân Phạm Thế Căng ở cửa biển Nhật Lệ, chém được Phạm Thế Căng.
Trước đây, quân của Trương Phụ kéo đến cửa biển Bố Chính, Thế Căng đón đường xin hàng, Phụ cấp trát văn trao cho giữ chức tri phủ ở Tân Bình. Thế Căng tự tiện tác oai tác phúc, tự xưng là Duệ Vũ đại vương, tụ họp nhiều người chiếm giữ đất Tân Bình. Đặng Tất đem quân đến đánh, phá tan được ở cửa biển Nhật Lệ, bắt chém được Thế Căng.
Lời chua – Cửa biển Nhật Lệ: Xem Trần Duệ Tông, năm Long Khánh thứ 4 (Chính biên X, 39).
Cửa biển Bố Chính: Nay ở địa giới 2 huyện Bình Chính và Bố Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình, tức là cửa sông Gianh.
Tháng 12. Đế Ngỗi phá tan được quân nhà Minh ở bến Bô Cô.
Đế Ngỗi sai Tất điều động quân ở các lộ Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu và Thanh Hóa, tiến ra đánh thành Đông Đô. Khi quân kéo đến Tràng An, quan thuộc cũ cùng hào kiệt các nơi rủ nhau hưởng ứng vui theo, Tất đều tùy theo tài năng từng người trao cho quan chức. Lòng người phấn khởi, thế quân mạnh thêm.
Trước đây, lúc Đế Ngỗi khởi binh, viên thủ tướng nhà Minh đã đem việc ấy tâu cho triều đình nhà Minh biết. Vua nhà Minh lại sai Kiềm Quốc công Mộc Thạnh đem bốn vạn quân, theo đường Vân Nam tiến sang nước ta. Đến đây, Mộc Thạnh cùng quân của đô chỉ huy Lữ Nghị hội họp ở Bô Cô, gặp lúc ấy
Đế Ngỗi cũng đem quân từ Tràng An đế. Quân hai bên gặp nhau, bên nào cũng chia quân thủy, quân bộ để cầm cự với nhau. Đế Ngỗi cầm dùi thúc trống, bắt quân sĩ nhân cơ hội đánh tung ra, đánh nhau từ giờ tị đến giờ thân1229 , quân nhà Minh thua chạy, quân ta chém được Lữ Nghị và thượng thư Lưu Tuấn1230 , chỉ có một Mộc Thạnh thoát thân chạy đến thành Cổ Lộng, Đế Ngỗi hạ lệnh cho các quân sĩ rằng: “Bây giờ nhân thế chẻ tre1231 , đánh quét một trận ruổi dài, làm cho chúng không kịp bịt tai khi gặp sét đánh mạnh, rồi ta tiến lên lấy thành Đông Đô, thì thế nào cũng phá được”. Đặng Tất nói: “Hãy bắt hết bọn giặc còn sống sót, không nên để mối lo về sau”. Vua tôi mưu tính dùng dằng mãi không quả quyết. Gặp lúc ấy viện binh nhà Minh kéo đến đón tiếp Mộc Thạnh về thành Đông Quan. Tất bèn chia quân bao vây các thành ở các châu, phủ, đưa tờ hịch đi các lộ hội họp binh sĩ, rồi sẽ tiến đánh.
Lời phê1232 – Đặng Tất để nhỡ cơ hội, rước lấy tai họa, chả đáng tiếc lắm sao? Lời chua – Thành Đông Quan: Tức thành Đông Đô, nhà Minh đem Đông Đô làm phủ lỵ Giao Châu, gọi là thành Đông Quan.
Bô Cô: Tên bến đò, ở địa phận huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định, đối diện với tỉnh thành Ninh Bình, trước gọi là Bồ Cô, nay đổi là xã Hiếu Cổ.
Thành Cổ Lộng: Nhà Minh đắp, nay ở xã Bình Cách, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nền cũ hãy còn, tục gọi là thành Cách.
Kỷ Sửu (1409). (Trần, năm Hưng Khánh thứ 3. Từ tháng 3 trở về sau, thuộc về Đế Quý Khoáng, năm Trùng Quang thứ 1. – Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 7).
Tháng 2, mùa xuân. Ngỗi giết quốc công Đặng Tất và tham mưu quân sự Nguyễn Cảnh Chân.
Người hoạn giả Nguyễn Quỹ và học sinh Nguyễn Mộng Trang nói kín với Đế Ngỗi rằng: “Tất và Cảnh Chân chuyên quyền bổ dụng người này, cất chức người khác, nếu không liệu tính sớm đi, sau này khó lòng mà chế phục được”. Đế Ngỗi tin lời. Chu sư của Đế Ngỗi tiến đến đóng ở Hoàng Giang, cho triệu hai người ấy đến, Đế Ngỗi sai người đánh chết Đặng Tất, Cảnh Chân chạy lên bờ, lực sĩ đuổi theo chém chết.
Lời phê – Đương lúc điên bái lưu ly, vua tôi cùng lòng cùng sức với nhau, còn e rằng không làm nổi công việc, thế mà tự tàn hại lẫn nhau, làm mất cả tay chân, như thế, tránh sao khỏi bại vong được? Lời chua – Hoàng Giang: Xem Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 7 (Chính biên VI, 44).
Tháng 3. Bọn Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Nhu rước Trần Quý Khoáng đến Nghệ An, lập làm vua.
Quý Khoáng là con Mẫn vương Ngạc và là cháu Nghệ Tông, trước kia Quý Khoáng làm quan nhập nội thị trung.
Cảnh Dị, con Nguyễn Cảnh Chân; Đặng Dung, con Đặng Tất. Hai người này bực tức về việc cha họ không có tội gì mà bị giết, nên đem binh lính Thuận Hóa về Thanh Hóa, rước Quý Khoáng đến Nghệ An lập làm vua. Quý Khoáng lên ngôi vua ở Chi La, đổi niên hiệu là Trùng Quang, dùng Nguyễn Súy làm Thái phó, Cảnh Dị làm Thái bảo, Dung làm Đồng bình chương sự, Nguyễn Chương làm Tư mã.
Bấy giờ Đế Ngỗi ở thành Ngự Thiên, chống cự với quân nhà Minh; bọn Nguyễn Súy ngầm họp quân đến đánh úp, bắt được Đế Ngỗi. Mẹ Đế Ngỗi và bầy tôi là bọn Lê Tiệt, Lê Nguyên Đỉnh bàn nhau khởi binh đánh úp lại Đế Quý Khoáng. Việc bị tiết lộ. Đế Quý Khoáng bắt giết bọn Tiệt và Nguyên Đỉnh, còn thì tha cả. Gặp khi ấy Nguyễn Súy đưa Đế Ngỗi đến Nghệ An, Đế Quý Khoáng thay mặc mũ áo thường ra đón tiếp. Lúc ấy trời u ám đã lâu, bỗng quang đãng, ở trên không bốn mặt đầy sắc mây vàng, mọi người đều kinh ngạc. Đế Quý Khoáng bèn tôn Đế Ngỗi làm thượng hoàng, cùng nhau mưu tính việc khôi phục.
Lời chua – Ngự Thiên: Tên huyện, tức làng Đa Cương xưa, mộ tổ nhà Trần ở đấy, cho nên gọi là Ngự Thiên; nhà Lê theo gọi tên ấy; nay đổi là Hưng Nhân thuộc tỉnh Hưng Yên1233 .
Chi La: Tên huyện, nay là La Sơn, thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Tháng 7, mùa thu. Quân nhà Minh đến Mỹ Lương, bắt được Đế Ngỗi nhà Trần, đưa về Kim Lăng.
Quân của Mộc Thạnh bị thua1234 , vua nhà Minh lại sai Trương Phụ làm tổng binh, Thanh Viễn hầu Vương Hữu làm phó tướng, đem quân sang cứu. Lúc ấy Đế Ngỗi cùng Đế Quý Khoáng tiến quân, đánh chiếm các châu huyện. Quân của Đế Ngỗi đóng ở Hạ Hồng, quân của Đế Quý Khoáng đóng ở Bình Than, hào kiệt các lộ đều hưởng ứng. Người nhà Minh đóng chặt cửa thành, cố giữ. Lúc quân Trương Phụ đã kéo đến, thế quân nhà Minh lại mạnh. Đế Ngỗi đi thuyền chạy đến trấn Thiên Quan; Phụ chia quân đuổi theo, khi đuổi đến Mỹ Lương, bắt được Đế Ngỗi và Thái bảo Trần Hi Cát, đưa về Kim Lăng.
Lời chua – Mỹ Lương: Tên huyện, nay thuộc tỉnh Sơn Tây1235 , giáp giới với Nho Quan.
Tháng 8. Quân nhà Minh tiến đánh cửa Hàm Tử, Đế Quý Khoáng nhà Trần rút quân giữ Nghệ An.
Trước đây, Đế Ngỗi chạy đến Thiên Quan, Đế Quý Khoáng ngờ Đế Ngỗi có bụng gì khác, sai người đuổi theo không kịp, bèn sai Đặng Dung giữ cửa Hàm Tử để chống với quân nhà Minh. Quân của Dung thiếu lương ăn, chia nhau đi gặt lúa sớm để làm lương ăn. Người nhà Minh dò biết, đem quân thủy tiến đánh, quân của Dung bị vỡ. Đế Quý Khoáng nghe tin Dung bị thất thủ, tự liệu sức mình không thể chống được, bèn bỏ Bình Than, dẫn quân lui về Nghệ An. Trương Phụ thắng trận, đi đến đâu chém giết thả cửa, hoặc xếp thây người làm quả núi, hoặc bồn ruột người quấn vào cây, hoặc rán thịt người lấy mỡ, hoặc làm nhục hình bào lạc1236 để mua vui, thậm chí có người theo lệnh giặc, mổ bụng người chửa, cắt lấy hai tai1237 của mẹ và con để dâng cho giặc. Những phủ huyện từ Thanh Hóa trở ra Bắc, trước kia Đế Quý Khoáng đã đánh phá, nay lại đặt quan chức để trấn trị. Trong nước ai có chiêu dụ được nhân dân yên phận phục tùng và ai cướp của giết người đắc lực đều được Trương Phụ làm trát văn trao cho quan chức để yên ủi lòng những người ấy. Trương Phụ lại tâu với vua Minh xin thăng hai châu Thái Nguyên và Tuyên Hóa lên làm phủ.
Lời phê1238 – Trương Phụ học được thủ đoạn tàn khốc “một người có tội dây dưa đến mười họ” của Minh Thành Tổ1233 , nên dám bạo ngược làm tuyệt diệt dân của trời; bất
nghĩa như thế, tất nhiên cuối cùng sẽ rước lấy cái chết, chứ dùng sức mạnh để lấy nước người ta thế nào được? Lời chua – Cửa Hàm Tử: Xem Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ 1 (Chính biên VII, 39).
Tuyên Hóa: Tức Tuyên Quang.
Thái Nguyên: Tức Ninh Sóc. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 31-32).
Canh Dần (1410). (Trần, năm Trùng Quang thứ 2; Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 8).
Tháng giêng, mùa xuân. Trương Phụ nhà Minh đặt đồn điền.
Trương Phụ cho rằng việc quân nhu tổn phí rất nhiều, bèn ra lệnh cho thuộc hạ đặt đồn điền ở nơi gần thành; lại thu thóc lúa ở các phủ Tuyên Hóa, Thái Nguyên và Tam Giang để làm lương trù bị cho quân lính.
Lời chua – Tam Giang: Tên phủ. Xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 10 (Chính biên XI, 29).
Tháng 5, mùa hạ. Đế Quý Khoáng đánh nhau với quân nhà Minh ở Hồng Châu, bị thua.
Đế Quý Khoáng đem bọn Nguyễn Cảnh Dị lại tiến quân đến Hồng Châu, phá vỡ được đạo quân của Giang Hạo, đô đốc nhà Minh; nhân thế thắng, tiến thẳng đến Bình Than. Hào kiệt nghe tiếng, nhiều người hưởng ứng. Đồng Mặc, người Thanh Hóa, hiệu là Lỗ Lược tướng quân, tung quân ra đánh quân nhà Minh, bắt được chỉ huy Tả Địch. Đế Quý Khoáng trao cho Mặc quản trị phủ Thanh Hóa. Lại có bọn Nguyễn Ngân Hà, Lê Nhị, Lê Khang, Đỗ Cối và Nguyễn Hiêu cũng đều đem dân chúng đánh giết quân nhà Minh. Nhưng vì quân không có người thống lãnh, hiệu lệnh không thống nhất, nên quân nhà Minh đi đến đâu, thì quân sĩ ở nơi ấy liền bị tan vỡ. Đế Quý Khoáng lại dẫn quân về Nghệ An.
Tân Mão (1411). (Trần, năm Trùng Quang thứ 3; Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 9).
Tháng 2, mùa xuân. Nhà Minh lại hạ chiếu đại xá.
Đại lược tờ chiếu nói: “Nay Giao Chỉ đã thuộc về quan chức – phương1240 , mà trăm họ chưa được yên nghỉ, nghĩ thương dân ấy sau khi khổ sở, nên đặc cách ban bố ơn huệ khoan nhân, ngõ hầu làm cho nhân dân được thấm nhuần đức trạch”. Vua nhà Minh lại dụ bọn quan lại, quân và dân rằng: “Người Giao Chỉ đều là dân của trời, nay đã cai trị chúng, thì chúng đều là con đỏ của trẫm. Những người ấy một lúc đi theo giặc, trẫm nghe tin chúng phải chịu tội chết, thực lấy làm đau đớn trong lòng, có lẽ nào lại nỡ để cho chúng như thế? Gây ra tội ác chỉ có mấy người mà thôi, còn trăm họ thì có tội gì đâu? Dân ở ven biển, ở hang núi, vì sự ức hiếp, hoặc giúp lương thực, hoặc bị đem đi theo, đến đâu làm giặc cướp ở đấy, đều do sự bất đắc dĩ, bị người khác làm cho lầm lẫn, chứ không phải bản tâm chúng định làm càn. Vậy nếu biết đổi lỗi ngay thì đều được cùng hưởng phúc mới. Trong những người biết đổi lỗi ấy, người nào có dũng cảm, có kiến thức, biết bắt nộp được vài ba người gây ra tội ác, thì tất nhiên ban cho chức trọng quan cao. Còn những người bị bắt nộp, nếu biết rửa bỏ hết ý nghĩ cũ, tự nguyện đi theo con đường mới, thì không những được tha tội, mà lại còn được quan tước hiển vinh là khác nữa”.
Tháng 9, mùa thu. Đế Quý Khoáng sai sứ sang nhà Minh xin phong tước.
Trước đây, Đế Quý Khoáng sai Hành khiển Nguyễn Nhật Ti và Thẩm hình Lê Ngân sang nhà Minh xin phong tước; vua nhà Minh giận, bắt giam hai người ấy rồi giết đi. Đến nay lại sai Hành khiển Hồ
Nghiện Thần sung chức chánh sứ cầu phong, Thẩm hình Bùi Nột Ngôn làm phó, sang nhà Minh, đem dâng tờ biểu và phẩm vật địa phương cùng người vàng, người bạc thế mạng, mỗi thứ một người. Khi bọn Nghiện Thần đến Yên Kinh, vua Minh sai Hồ Nguyên Trừng mượn cớ là tình nghĩa cố cựu, hỏi về tình hình trong nước mạnh yếu hư thực thế nào, Nghiện Thần nói hết cho Nguyên Trừng biết. Nột Ngôn không chịu khuất phục. Vua nhà Minh giả vờ phong cho Đế Quý Khoáng làm Bố chánh sứ ở Giao Chỉ, Nghiện Thần làm tri phủ Nghệ An. Khi về đến nước, Nột Ngôn đem việc Nghiện Thần tiết lộ tình hình trong nước và nhận quan chức do nhà Minh phong trình bày hết cho Đế Quý Khoáng biết, Đế Quý Khoáng bèn bắt giam Nghiện Thần rồi giết đi.
Lời phê1241 – Sự thể đã đến như thế, mà còn thỉnh cầu càn dỡ mãi, thật là mù quáng về thời cơ, không còn hiểu gì cả! Lời chua – Nghiện Thần: Năm Khai Đại thứ 3 (1405) đời Hồ Hán Thương, Nghiện Thần được dự trúng khoa thi cử nhân do bộ Lễ mở, sung vào Thái học sinh lý hành1242 . Nhà Hồ mất, Đế Quý Khoáng khởi binh, Nghiện Thần lại ứng nghĩa đi theo.
Người nhà Minh bắt giáo thụ Lê Cảnh Tuân đưa sang Kim Lăng.
Trước kia, Lê Cảnh Tuân là hạ trai học sinh1243 nhà Hồ. Đầu niên hiệu Hưng Khánh1244 , Cảnh Tuân dâng cho tham nghị Bùi Bá Kỳ một bức “thư vạn ngôn” có ba phương sách: thượng sách, trung sách và hạ sách. Đại lược ba kế sách nói: “Nhà Minh đã ra sắc lệnh cho Các hạ1245 theo quân nhà Minh đi đánh dẹp, đợi khi bắt được nhà Hồ, sẽ chọn con cháu họ Trần lập làm vua. Nay nhà Minh đặt ti Bố chính, trao chức tước cao cả cho Các hạ, mà chỉ cấp người quét dọn ở nhà tôn miếu họ Trần. Nay nếu Các hạ biết tâu bày rõ với nhà Minh là con cháu họ Trần hãy còn, để nhà Minh tuyên bố tờ chiếu khác, lại phong họ Trần làm vua, đấy là thượng sách. Nếu không được như thế, thì từ bỏ quan chức, xin làm người giữ từ đường nhà họ Trần, đấy là trung sách. Còn như cứ quyến luyến quan cao lộc hậu thì là hạ sách.
“Nếu Các hạ làm được thượng sách, thì tôi đây cũng như nhân sâm, cam thảo, chỉ xác, trần bì chứa đầy trong bồ thuốc, mặc sức cho Các hạ sử dụng. Nếu làm trung sách, thì tôi xin giữ đồ tế khí, lui tới ở trong từ đường họ Trần, mặc sức cho Các hạ sai bảo. Nếu làm hạ sách, thì tôi đi câu ở chỗ vắng, đi cày ở nội rậm, cho trọn hết cái tuổi già mà thôi”.
Đến khi nhà Minh tịch thu nhà Bá Kỳ1246 , bắt được bức thư này, sai người đi bắt Cảnh Tuân để xét hỏi, nhưng gặp lúc loạn lạc, không rõ đi đâu. Đến nay, nhân mới đặt trường học ở Giao Châu, mới tìm được Cảnh Tuân, bèn bắt đưa sang Kim Lăng, giam vào ngục cùng với con là Thái Điên, sau hai cha con đều bị bệnh chết.
Nhâm Thìn (1412), (Trần, năm Trùng Quang thứ 4; Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 10).
Tháng 6, mùa hạ. Đặng Dung và Nguyễn Súy nhà Trần đánh nhau với quân nhà Minh ở bến Yên Mô, bị thua, chạy.
Trương Phụ và Mộc Thạnh dẫn quân tiến đánh Nghệ An, gặp quân của Súy và Dung ở bến Yên Mô, hai bên đều liều chết đánh nhau. Súy và Cảnh Dị chạy trước ra biển, quân của Dung bị cô lập, không có cứu viện, cũng phải dùng thuyền nhỏ vượt ra biển để trốn.
Tháng 7, mùa thu. Nhà Minh sai Hàn Quan sang trấn thủ.
Vua nhà Minh sai Hữu quân đô đốc đồng tri là Hàn Quan vận tải một vạn hộc lương ở Quảng Đông sang tiếp tế cho quân ăn, rồi để luôn Hàn Quan ở lại trấn thủ Giao Châu.
Nhà Minh hạ chiếu huấn dụ quan lại.
Đại lược tờ chiếu nói: “Trẫm vâng mệnh trời, thống trị thiên hạ, chỉ cốt làm cho dân trong thiên hạ đều được yên ổn làm ăn. Giao Chỉ ở xa ngoài bãi biển, đất ấy trước kia thuộc về Trung Quốc, nay đã khôi phục lại được, quân và dân quy phục đức hóa, đến nay kể hàng mấy năm rồi, hiện triều đình đã đặt chức mục, bá, thú, lệnh cùng ti quân vệ, kén chọn người trung lương hiền tài để vỗ về cai trị dân. Thế mà trẫm vẫn ngày đêm canh cánh trong lòng, nghĩ đến nơi ấy đất thì xa, dân thì nhiều, sợ giáo hóa không thấm khắp, còn có người không được thấm nhuần ơn trạch yêu nuôi giáo dưỡng của quốc gia. Nay các ngươi đều là bầy tôi trung lương, cần phải thể theo lòng vâng mệnh trời, yên nhân dân của trẫm, hưng lợi trừ hại cho dân, thuận theo lòng yêu ghét của dân, mà bỏ hết lòng gian tham tệ hại, khuyên dân cày cấy, trồng dâu, để khỏi trái thời làm ruộng, thì dân sẽ có áo mặc cơm ăn; đem hiếu để, trung tín, lễ nghĩa, liêm sỉ để dạy dỗ dân, thì phong tục sĩ được thuần hậu; khuyên dân gặp lúc tang ma hoạn nạn, điên bái lưu ly thì thương xót lẫn nhau, giúp đỡ cho nhau, người già dạy bảo người trẻ, người dưới phục tòng người trên, đều theo tính trời, không trái với lễ, chớ làm việc trộm cướp, chớ làm điều gian tà. Các ngươi chớ có điên đảo giấy tờ làm sai lệch phép tắc, chớ có theo lòng riêng làm mất lẽ công, cần làm thế nào cho dân được yên nghiệp làm ăn, để cùng hưởng hạnh phúc đời thái bình. Như thế là các ngươi làm đầy đủ chức trách của mình, biết vâng theo đức ý thay trời nuôi dân của trẫm, sự nghiệp các ngươi sánh với người quan lại hiền tài đời cổ, tên tuổi các ngươi ghi mãi ở sử xanh, như thế chẳng cũng đẹp đẽ lắm sao?”.
Quý Tị (1413). (Trần, năm Trùng Quang thứ 5; Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 11). (Năm này nhà Trần mất).
Tháng 4, mùa hạ. Trương Phụ nhà Minh đánh Nghệ An; Đế Quý Khoáng chạy đến Hóa Châu.
Trước đây, Đế Quý Khoáng thấy rằng quân mình bị thua luôn, lương thực lại không được kế tiếp, mới đem bọn Nguyễn Súy, Đặng Dung theo đường biển ra tuần tiễu ở Hải Đông, Vân Đồn cùng các bãi biển để lấy lương ăn, và đánh bọn lính thú nhà Minh, rồi lại kéo về Nghệ An, số quân chỉ còn độ ba, bốn phần mười. Đến nay Trương Phụ lại đem quân đến đánh, bèn chạy đến Hóa Châu, sai bầy tôi là Nguyễn Biểu sung làm sứ cầu phong. Khi đem phẩm vật đến Nghệ An, Biểu bị Phụ giữ lại. Biểu giận, mắng Phụ rằng: “Trong bụng toan tính việc đánh chiếm nước người ta, ngoài mặt lại phô trương là quân nhân nghĩa, trước nói lập con cháu họ Trần, bây giờ lại đặt quận huyện, không những cướp bóc của cải, lại còn giết hại nhân dân, mày thật là thằng giặc bạo ngược”. Phụ giận, sai giết đi.
Lời chua – Nguyễn Biểu: Người ở Bình Hồ, La Sơn, Nghệ An.
Tháng 6. Trương Phụ nhà Minh đánh Hóa Châu.
Trước đây, quân của Trương Phụ kéo đến Nghệ An, Thái bảo nhà Trần là Phan Quý Hựu xin hàng, Phụ mừng lắm, trong độ một tuần, Quý Hựu bị bệnh chết, Phụ trao cho con của Hựu là Liêu làm tri phủ Nghệ An, lại thưởng cho gia đình Liêu rất hậu. Liêu đem tình hình tướng tá nhà Trần kẻ hay người dở, núi sông trong nước chỗ hiểm chỗ bằng và số quân nhiều ít nói hết cho Phụ biết, bấy giờ Phụ mới quyết chí đánh lấy Hóa Châu. Phụ họp các tướng bàn kế đánh chiếm. Mộc Thạnh nói: “Hóa Châu núi cao, biển rộng, chưa dễ mà lấy được đâu”. Phụ nói: “Tôi có sống được là ở Hóa Châu, tôi có chết cũng là ở Hóa Châu, Hóa Châu mà chưa bình định xong, thì tôi còn mặt mắt nào trông thấy chúa thượng nữa?”. Phụ bèn đem chu sư tiến đánh Hóa Châu.
Lời chua – Phan Quý Hựu: Người ở Thạch Hà thuộc Nghệ An.
Tháng 9, mùa thu. Đặng Dung, quan Bình Chương nhà Trần, đánh nhau với Trương Phụ nhà Minh ở Thái (Sái Già) cảng, quân của Đặng Dung bị tan vỡ, phải chạy.
Quân của Phụ kéo đến Thuận Châu. Nguyễn Súy, Đặng Dung cùng giữ sông Thái Gia, đặt phục binh, nhân đêm đánh úp dinh Trương Phụ, Đặng Dung nhảy lên thuyền Trương Phụ toan bắt sống,
nhưng không rõ hình dáng người thế nào. Phụ vội vàng nhảy xuống chiếc thuyền nhỏ1247 , chạy thoát thân. Quân nhà Minh một lần nữa bị tan vỡ, thuyền bè, quân khí phần nhiều bị đốt cháy và phá hủy. Lúc ấy quân của Nguyễn Súy không đến tiếp ứng ngay. Phụ thấy quân của Dung có ít, quay quân đánh quật lại. Dung bị thua, phải chạy.
Lời phê1248 – Trời nuông Trương Phụ! Lời chua – Thuận Châu: Xem Lê Đại Hành, năm Hưng Thống thứ 4 (Chính biên I, 27-28).
Sông Thái Gia: Không rõ ở đâu. Theo Minh sử và Minh sử kỷ sự của Cốc Ứng Thái chép về việc này đều nói đánh ở sông Ái Tử, thì có lẽ Thái Gia tức là chỗ này.
Tháng 12, mùa đông. Đế Quý Khoáng cùng các tướng Đặng Dung, Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị bị Trương Phụ nhà Minh bắt.
Từ khi quân của Đế Quý Khoáng bị thua, phải ẩn núp trong núi rừng, tàn quân không sao tập hợp lại được, Cảnh Dị và Đặng Dung muốn chạy sang Tiêm La, Phụ đuổi theo bắt được. Cảnh Dị mắng chửi Phụ rằng: “Chính ta muốn giết mày, bây giờ lại bị mày bắt!”. Mắng chửi mãi không ngớt mồm, Phụ đem giết đi, lấy gan ăn. Đế Quý Khoáng chạy sang Lão Qua, Nguyễn Súy chạy sang Minh Linh cũng đều bị quân nhà Minh bắt.
Lời chua – Tiêm La: Tên nước. Xem Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 10 (Chính biên IV, 43-44).
Lão Qua: Tên nước. Xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 3 (Chính biên XI, 13).
Minh Linh: Tức Ma Linh xưa. Xem Lý Thánh Tông, năm Thần Vũ thứ 1 (Chính biên III, 29).
Đây trở lên, nhà Trần từ Bính Tuất (1226), Trần Thái Tông, năm Kiến Trung thứ 2, đến Kỷ Mão (1399), Thiếu Đế, năm Kiến Tân thứ 2, gồm 12 vua, 174 năm. Phụ thêm: Hồ Quý Ly một năm, Hán Thương 6 năm (1400-1406). Hậu Trần Đế Ngỗi 3 năm (1407-1409), Đế Quý Khoáng 4 năm (1410-1413), gồm 2 vua, 7 năm, hợp cộng 188 năm.
Giáp Ngọ (1414). (Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 12).
Tháng giêng, mùa xuân. Nhà Minh làm sổ dân đinh ở Tân Bình và Thuận Hóa.
Trượng Phụ đã lấy được Tân Bình và Thuận Hóa, bèn đặt quan chia ra đóng giữ, để chiêu tập yên ủy nhân dân, khám xét từng người, hợp lại làm thành sổ hộ. Rồi lại cho rằng đất ấy giáp giới Chiêm Thành, đất đai vừa rộng vừa xa, cần phải khống chế, nên xin nói với vua nhà Minh đặt vệ, sở1249 , ghi tên lính bản thổ để phòng ngự đất ấy.
Tháng 4, mùa hạ. Trương Phụ đưa Đế Quý Khoáng sang Yên Kinh, chưa đến nơi thì Quý Khoáng mất, bình chương Đặng Dung, thái phó Nguyễn Súy đều chết theo.
Trương Phụ đã bắt được Đế Quý Khoáng và Dung, Súy, bèn dẫn quân về thành Đông Quan, sai người đưa vua tôi Quý Khoáng sang Yên Kinh. Khi đi đến giữa đường, Đế Quý Khoáng nhảy xuống sông chết; Dung nhảy theo. Duy còn Súy bị người lính canh bắt giữ lại, Sùy bèn ngày ngày cùng người lính canh đánh cờ, dần dà làm thân, sau lấy bàn cờ đánh chết người canh, rồi cũng nhảy xuống sông chết.
Lời phê – Lúc đầu nhà Trần may mà gặp Thoát Hoan nhà Nguyên, lúc cuối đời Trần không may mà gặp Trương Phụ nhà Minh. Sự được hay thua, hưng thịnh hay suy vong là do ở trời mà cũng do ở người. Nhưng vua tôi biết chết theo xã tắc1250 , làm sáng tỏ đến ngàn đời. Tháng 8, mùa thu. Trương Phụ nhà Minh về nước.
Phụ chia quân đóng giữ các nơi hiểm yếu, rồi cùng bọn Mộc Thạnh, Trần Hiệp về nước. Trước đây, Phụ làm trát sức cho các quân nhân ai đã bắt được phụ nữ làm việc hầu hạ, thì đưa nộp ở cửa quân; lúc ấy, các quan châu, phủ theo ý Phụ, bắt nhiều những dân nghèo phải phiêu lưu đem nộp. Nay Phụ về, đem cả những người ấy đi theo.
Tháng 9. Nhà Minh lập Văn Miếu và đàn thờ bạch thần.
Hoàng Phúc xin với vua nhà Minh cho lập Văn Miếu và các đàn thờ thần xã tắc, núi sông, gió mưa, ở các phủ, châu và huyện, theo thời tiết cúng tế.
Tháng 10, mùa đông. Nhà Minh đặt trường học ở các phủ, châu và huyện.
Tham nghị Bành Đạo Tường xin với vua nhà Minh đặt trường học ở các phủ, châu và huyện, tìm hỏi những người học về nghề thầy cúng, thầy thuốc, thầy chùa và đạo sĩ, trao cho quan chức để giữ việc dạy học ở các trường. Lại cấm con trai con gái không được cắt tóc1251 ; phụ nữ mặc áo ngắn, quần dài, theo y như thói ăn mặc phương Bắc.
Nhà Minh định phép đánh thuế.
Từ lúc nhà Minh chia đặt châu, huyện, việc thu thuế nhân đinh, điền sản chưa có ngạch nhất định, vì cớ rằng số dân còn lộn xộn, lúc tăng lúc giảm bất thường. Đến nay mới định thành ngạch thuế, cứ mỗi mẫu1252 ruộng thu 5 thăng thóc, mỗi mẫu đất bãi thu một lạng tơ, mỗi một cân tơ thu một tấm lụa.
Ất Mùi (1415). (Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 13).
Tháng 4, mùa hạ. Nhà Minh sai quan chia nhau đến đóng ở bốn châu Thăng, Hoa, Tư và Nghĩa.
Trước kia, nhà Hồ đặt bốn châu Thăng, Hoa, Tư và Nghĩa1253 , dùng Đặng Tất, Nguyễn Súy trấn giữ. Đến lúc Giản Định đế và Đế Quý Khoáng khởi binh, Tất và Súy đi theo, thì người Chiêm Thành lại chiếm cứ đất ấy. Đến nay, Trương Phụ lại viết thư đưa dụ người Chiêm Thành, rồi lại đặt chức tri châu, đồng tri châu, phân phối quan lại đến đóng giữ. Nhưng chỗ đất ấy Chiêm Thành vẫn có người trưởng quản, nhà Minh chỉ chép tên suông vào sổ sách mà thôi, việc thuế khóa, sai dịch và việc đóng góp khác chưa thi hành ở đây được.
Lời chua – Thăng, Hoa: Tên 2 châu, trước là đất Chiêm Động. Xem Trần Dụ Tông, năm Đại Trị thứ 10 (Chính biên XI, 20-21).
Tư, Nghĩa: Tên 2 châu, trước là đất Cổ Lũy. Xem Trần Dụ Tông, năm Thiệu Phong thứ 13 (Chính biên XI, 5).
Tháng 8, mùa thu. Nhà Minh mở trường thu vàng bạc.
Phàm chỗ đất nào sản ra vàng bạc, đều lập trường cục, đặt quan cai quản, mỗi năm sai nội quan1254 và quan giữ trường cục đốc thúc dân đinh khai đào để lấy vàng bạc. Khi dân làm xong công việc, các viên quan hội đồng kiểm điểm niêm phong để nộp. Lại bắt dân ở trên rừng dưới biển đi bắt tê, voi, mò ngọc trai. Lúc ấy thuế khóa cao, đóng góp nặng, sức lực và của cải của dân đều bị kiệt quệ.
Lời phê – Cái tệ khai mỏ, có phải đến mạt thế mới có đâu? Gây ra tai hại đã bắt đầu từ đây rồi. Đặt quy chế về việc nấu muối và bán muối.
Các trường muối ở ven biển cũng đều đặt quan để cai quản, bắt những người nấu muối, mỗi tháng số muối nấu được bao nhiêu đem nộp ti Đề Cử thu trữ, rồi chiêu mộ lái buôn lấy giấy khám hợp1255 ở ti Bố Chính, mới được lĩnh muối đem bán1256 . Người nào nấu lậu hoặc bán lậu đều phải tội như nhau. Các phủ, huyện và châu đều đặt quan giữ công việc ti Thuế khóa và sở Hà bạc1257 .
Tháng 10, mùa đông. Nhà Minh lại sai Trương Phụ sang.
Đặt trạm giao thông.
Trương Phụ nói từ châu Khâm thuộc Quảng Đông rồi theo đường châu Vạn Ninh nước ta để đến thành Đông Quan, phần nhiều đi theo đường thủy, về phần đường bộ chỉ có 291 dặm; con đường này so với con đường cũ Khâu Ôn gần hơn được 7 trạm, nên đặt từng trạm để đi lại cho tiện. Vua nhà Minh theo lời. Vì thế, từ Vạn Ninh, Đông Triều, Chí Linh đều đặt trạm đường thủy; còn ở Từ Sơn, Gia Lâm đều đặt trạm đi bằng ngựa.
Lời chua – Vạn Ninh: Xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 4 (Chính biên XI, 16).
Khâu Ôn: Tên huyện. Xem Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ 1 (Chính biên VII, 36).
Chí Linh: Xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 4 (Chính biên VII, 36).
Từ Sơn: Đất châu Cổ Pháp xưa; thuộc Minh gọi là huyện Từ Sơn; triều nhà Lê thăng làm phủ, nay theo như cũ, thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Đông Triều: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ 1 (Chính biên XII, 25).
Bính Thân (1416). (Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 14).
Tháng giêng. Mùa xuân. Nhà Minh bổ Nguyễn Huân làm bố chính sứ1258 ; Lương Nhữ Hốt, Đỗ Duy Trung làm tham chính1259 .
Trước đây, bọn tên Huân đầu hàng nhà Minh, Trương Phụ làm trát văn trao cho Huân làm tham nghị, Nhữ Hốt làm tri châu Thanh Hóa, Duy Trung làm tri phủ Tam Giang. Đến nay, bọn này đem vàng bạc cùng phẩm vật địa phương sang Yên Kinh vào chầu bái yết; vua nhà Minh khen ngợi. Những trát văn bổ dụng trước nay đổi dùng giấy vàng của bộ Lại viết sắc phong cho, bọn này đều được thăng chức. Nhân đấy vua Minh dụ bảo chúng rằng: “Trước kia, lúc bình định được Giao Chỉ, chúng bay đã hết lòng thành theo việc nghĩa, quy thuận với triều đình, nay lại đến cửa khuyết triều yết, trẫm nghĩ đến lòng thành ấy, nên đặc ân ban khen. Chúng bay càng phải cố gắng trung cần hơn nữa, kính giữ tiết tháo làm
tôi; đối với dân thì yên ủy yêu đương, để cho dân một phương đều an nghiệp làm ăn, cùng hưởng phúc thái bình. Như thế thì trời sẽ phù hộ cho chúng bay hưởng nhiều tước lộc, để mãi mãi đến con cháu không bao giờ hết”. Sau đó bọn tên Huân lại sai người sang Yên Kinh xây dựng cung điện, vua nhà Minh thấy rằng người ở phương xa phải khó nhọc khổ sở, nên hậu thưởng rồi cho về.
Lời phê1260 – Mất hết lương tâm, nay một lũ người Nam Kỳ cũng giống như thế1261 ! Lời chua – Nguyễn Huân: Người ở Biến Khả, thuộc Chí Linh, Hải Dương.
Lương Nhữ Hốt: Người ở Trạo Vịnh, thuộc Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Đỗ Duy Trung: Người ở Ký Chế1262 thuộc Cẩm Khê, Sơn Tây1263 .
Tháng 2. Nhà Minh tuyển lính.
Các hộ ở dân gian cứ ba người lấy một người, mỗi hộ tính theo tiêu chuẩn là 3 suất đinh, duy từ Thanh Hóa trở vào nam, số nhân đinh ít, mỗi hộ tính theo tiêu chuẩn là 2 suất. Số lính này đem chia ra cho phụ thuộc vào vệ, sở. Chổ nào dù không phải vệ, sở, nhưng là chỗ xung yếu cũng lập thành đồn lũy, lấy lính ở dân sung vào việc canh giữ.
Lời chua – Nhà Minh đặt quân ngũ, có sở thủ ngữ thiên hộ, như các sở ở Tân Bình.
Đinh Dậu (1417). (Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 15).
Tháng 2, mùa xuân. Nhà Minh triệu trấn thủ Trương Phụ về nước, dùng Phong Thành hầu Lý Bân sang thay.
Nội quan là Mã Kỳ nói Trương Phụ tuyển lấy những người khoẻ mạnh hùng dũng ở bản thổ làm “tay vi tử”1264 . Vua nhà Minh sinh lòng nghi ngờ, triệu Phụ về nước, dùng Bân sang trấn thủ thay và dùng Kỳ giữ chức giám quân1265 . Từ đấy nhà Minh mới sai giám sát ngự sử chia ra từng ti đi tuần phòng xem xét.
Lúc ấy quan lại nhà Minh tham lam sách nhiễu không biết thế nào là cùng, tên Mã Kỳ lại càng làm nhiều việc phi pháp, bắt dân nộp châu báu quá nhiều, dân không sao kham được sự khổ sở. Vì thế lòng người náo động, binh lính bốn phương nổi lên, mà người nhà Minh không thể nào chống lại được.
Nhà Minh định thể lệ hằng năm cống nộp sinh viên.
Trước đây, các trường học ở châu và huyện, học sinh vào học không cứ năm tháng nhiều hay ít, chỉ cần chọn người nào có học vấn và hạnh kiểm, thì sung vào việc cống nạp hằng năm, để bổ vào Quốc Tử Giám. Trường học ở phủ mỗi năm cống nạp 2 người; ở châu cứ hai năm cống nạp 3 người; ở huyện mỗi năm cống nạp 1 người. Sau định lại: Trường ở phủ mỗi năm cống 1 người; trường ở châu ba năm cống 2 người, trường ở huyện hai năm cống 1 người.
Nhà Minh xét quan lại bằng cách sát hạch công việc đã làm.
Ngự sử Hoàng Tái nói nước ta mới sáp nhập bản đồ Trung Quốc, việc yên ủi giúp đỡ dân cần phải ở người quan lại tốt, nên hạ lệnh cho ngự sử phải xét thực một cách nghiêm ngặt rồi tâu về triều để định việc thăng giáng. Vua nhà Minh theo lời, bèn hạ lệnh cho những người đã làm chức việc lâu năm ở
hai ti Bố Chính, Án Sát và phủ, châu, huyện đều đến Yên Kinh triều yết, chiểu theo các hạng hộ, khẩu, điền, lương trong 3 năm, làm thành “sách tu tri”1266 dâng nộp để tiện tra xét.
Nhà Minh chiếm cứ nước ta từ Giáp Ngọ (1414), Thành Tổ, năm Vĩnh Lạc thứ 12, đến Đinh Dậu (1417), Thành Tổ, năm Vĩnh Lạc thứ 15, cộng 4 năm.
1165 Xem thêm Chính biên quyển XI, tờ 42, việc đặt lộ Thăng Hoa.
1166 Lộ Thăng Hoa thống hạt bốn châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, nay dân ở châu nào thích hai chữ tên châu vào cánh tay, như chữ “Thăng Châu, Nghĩa Châu”, …
1167 Đời cổ, những địa điểm ở gần kinh kỳ gọi là “phụ”, ý nói những địa điểm ấy có trách nhiệm giúp đỡ kinh kỳ.
1168 Một chức giữ việc trông coi các nơi buôn bán.
1169 Quy chế về tôn miếu đời cổ, ngôi nhà dựng đằng trước gọi là miếu, đằng sau gọi là tẩm.
1170 Tên quan, giữ việc lễ nghi, triều yết và giao thiệp với nước ngoài.
1171 Đời cổ, bầy tôi của vua nước chư hầu đối với thiên tử Trung Quốc tự xưng là “bồi thần”.
1172 Hán Thương sai sứ sang nhà Minh tâu là dòng dõi họ Trần bị tuyệt tự, Hán Thương tự lấy tư cách là cháu ngoại tạm giữ công việc trong nước. Xem thêm Chính biên quyển XI, tờ 39.
1173 Cũng gọi là Đồ Bàn.
1174 Nguyên văn chép chữ “thự”, nghĩa là một đơn vị hành chính.
1175 Người dùng phương thuật chữa bệnh theo phương pháp ngoại khoa.
1176 Nguyên văn chép chữ “ti”, chữ này đến triều nhà Nguyễn gọi là “tơ”, đơn vị hành chính của tỉnh, như tơ phiên, tức bộ phận của bố chính; tơ niết, tức bộ phận của án sát.
1177 Cũng đọc là Hiệp Sơn.
1178 Trần Tôn nguyên trước giữ chức thiếu bảo triều nhà Trần, lúc quân Chiêm Thành sang lấn cướp, Tôn ngầm thông mưu với giặc, khi giặc rút lui, Trần Thuận Tông hạ chiếu bắt để trị tội, Tôn nhảy xuống nước tự tử, còn bè đảng là Trần Khang chạy sang Lão Qua. Xem thêm Chính biên quyển XI, tờ 13.
1179 Trần Tôn nguyên trước giữ chức thiếu bảo triều nhà Trần, lúc quân Chiêm Thành sang lấn cướp, Tôn ngầm thông mưu với giặc, khi giặc rút lui, Trần Thuận Tông hạ chiếu bắt để trị tội, Tôn nhảy xuống nước tự tử, còn bè đảng là Trần Khang chạy sang Lão Qua. Xem thêm Chính biên quyển XI, tờ 13.
1180 Sứ thần nhận trách nhiệm cắt đất nhường cho nhà Minh.
1181 Nay đều là huyện và đều thuộc đạo Điền Nam, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
1182 Nay đều là huyện và đều thuộc đạo Điền Nam, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
1183 Người bị thiến mất bộ phận sinh dục.
1184 Nguyên văn chép là “án ma tú nữ”.
1185 Xem chú thích số 2 ở Chính biên quyển VII, tờ 4.
1186 Tức Thăng Long.
1187 Xem chú thích số 3 ở Chính biên quyển IX, tờ 34.
1188 Xem thêm Chính biên quyển XII, tờ 6.
1189 Xem chú thích số 3 ở Chính biên quyển XII, tờ 2.
1190 Xem chú thích số 2 ở Chính biên quyển VII, tờ 4.
1191Chính biên quyển III, tờ 47 chép là Lãnh Kênh.
1192 Tả tướng quốc Nguyên Trừng ở đây với tả tướng quốc Trừng ở tờ 10 ở trên là một người, tức là con trưởng của Quý Ly. Ở đây, Cương mục in lầm là Nguyễn Trừng.
1193 Chỉ việc vua nhà Minh tra hỏi việc Quý Ly lấn cướp thí nghịch.
1194 Con thứ tư Minh Thái Tổ, được phong là Yên vương ở Bắc Bình, nên gọi là Yên Lệ. Sau khi Minh Thái Tổ mất, Kiến Văn đế lên nối ngôi, Lệ đem quân vào kinh sư, đuổi Kiến Văn đế, cướp ngôi vua, tức là Minh Thành Tổ, một tên vua đã sai binh tướng sang đánh chiếm nước ta.
1195 Bây giờ là biên giới Lào Cai.
1196 Bây giờ là Mục Nam quan.
1197 Xem thêm Chính biên quyển XII, tờ 9, về địa điểm thành Đa Bang.
1198 Tức Thăng Long.
1199 Chỉ quân nhà Hồ.
1200 Chỉ quân nhà Hồ.
1201 Vân thê nghĩa đen là thang mây, một quân khí đời cổ dùng để đánh thành, sở dĩ gọi tên là vân thê, ý nói cái thang cao lắm, có thể trèo lên đến mây được. Theo sách Vũ bị chí , cách chế tạo vân thê như thế này: Dùng phiến gỗ lớn làm cái bàn, dưới cái bàn có sáu bánh xe, trên cái bàn đặt hai cái thang, mỗi cái dài hơn hai trượng, hai cái thang đều có trục chuyển động, có thể dựng cao lên hoặc hạ thấp xuống được. Khi đã đem vân thê đến thành bên địch, thì kéo trục cho hai cái thang đứng ngược lên, rồi quân sĩ trèo lên thang ấy để dòm ngó vào trong thành.
1202 Kiến Hưng: Nay gồm các huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản tỉnh Nam Định. Lúc ấy Phan Hòa Phủ làm trấn phủ sứ ở Kiến Hưng. Theo Toàn thư thì chỉ có Nguyễn Nhật Kiên đem dân chúng giết trấn phủ sứ Phan Hòa Phủ, còn Trần Nguyên Chỉ và Trần Sư Hiền đã đầu hàng quân Minh từ trước.
1203 Kiến Hưng: Nay gồm các huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản tỉnh Nam Định. Lúc ấy Phan Hòa Phủ làm trấn phủ sứ ở Kiến Hưng. Theo Toàn thư thì chỉ có Nguyễn Nhật Kiên đem dân chúng giết trấn phủ sứ Phan Hòa Phủ, còn Trần Nguyên Chỉ và Trần Sư Hiền đã đầu hàng quân Minh từ trước.
1204 Xã Mộc Hoàn nay thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Huyện Phú Xuyên nay thuộc tỉnh Hà Tây.
1205 Xã Mộc Hoàn nay thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Huyện Phú Xuyên nay thuộc tỉnh Hà Tây.
1206 Ngụy Thức giữ chức ngự sử trung tán triều Hồ Hán Thương. Xem thêm Chính biên quyển XI, tờ 41.
1207 Quân lính đi thuyền, dùng vào trận thủy chiến.
1208 Chữ “Ky Lê” theo Hán văn viết Ky: trói, buộc, giàm đầu ngựa. Lê: có nhiều nghĩa, có danh từ riêng là tên của một họ (Tiên tổ Quý Ly làm con nuôi Lê Huấn mới đổi là Lê).
1209 Thiên cầm nghĩa đen là trời bắt. Vì tên chỗ đất này một chỗ có nghĩa bóng là trói họ Lê (Ky Lê), một chỗ có nghĩa là trời bắt (Thiên cầm), nên mới nói là điềm không tốt.
1210 Đoạn văn này sử Cương mục chép không rõ ràng, như hai chữ cuối câu chép là phó viện, nghĩa là đem đến viện trợ. Không rõ đem đến đâu và viện trợ đạo quân nào? Theo Toàn thư và Sử Ký bản kỷ đều chép Hán Thương viết thư bảo Hối Khanh lấy một phần ba số dân mới dời đến và quân lính ở bản thổ giao cho Lỗ quản lĩnh làm quân “cần vương”.
1211 Chỉ việc Quý Ly bị quân nhà Minh bắt ở cửa biển Kỳ La.
1212 Trời bắt.
1213 Đàn trời.
1214 Tham khảo sách Đại Việt sử ký bản kỷ , tác giả (có thuyết nói là Ngô Thì Sĩ) chua: Lúc hai họ Hồ bị bắt, núi này chưa có tên là “Thiên Cầm”. Đến triều nhà Lê, viên tư mã Lê Khôi lên chơi núi này, nghe thấy trên không có tiếng như tiếng đàn, cho nên đặt tên núi là “Thiên Cầm.
1215 Có lẽ chỉ một số quan lại đã đầu hàng quân Minh và một số kỳ lão bị quân Minh dụ dỗ hoặc doạ nạt, chứ không phải quan lại và kỳ lão cả nước.
1216 Xem chú thích số 3, Chính biên quyển XII, tờ 4.
1217 Tức Đô chỉ huy sứ ti.
1218 Sứ thần nhà Nguyễn cho rằng nhà Hồ cướp ngôi vua nhà Trần, không phải là triều chính thống, nên những quan tước của bầy tôi triều ấy họ đều ghép chữ “ngụy” lên trên, là có ý để phân biệt với bầy tôi triều chính thống.
1219 Sứ thần nhà Nguyễn cho rằng nhà Hồ cướp ngôi vua nhà Trần, không phải là triều chính thống, nên những quan tước của bầy tôi triều ấy họ đều ghép chữ “ngụy” lên trên, là có ý để phân biệt với bầy tôi triều chính thống.
1220 Chỉ việc vua nhà Minh hỏi tội, Quý Ly không trả lời được.
1221 Khánh Phong, người thời Xuân Thu, một quyền thần nước Tề, giết Tề Trang Công để chuyên quyền. Khi Tề Cảnh Tông lên ngôi, toan giết Khánh Phong; Phong chạy sang nước Ngô. Công tử Vi, con thứ hai Sở Cung Vương, khi Cung Vương mất. Công tử Vi đuổi con người anh cả của mình mà cướp ngôi, tức là Sở Linh vương. Linh vương muốn làm ơn với nước Tề, đem quân đánh nước Ngô, bắt Khánh Phong. Linh vương ra lệnh cho Khánh Phong thân đeo xiềng xích đứng trước mặt các quân tướng mà rao to lên rằng: “Từ rầy đừng ai bắt chước như Khánh Phong này giết vua mà chuyên quyền bính”. Khánh Phong liền đứng trước mặt tướng sĩ, rao to lên rằng: “Đừng có ai bắt chước Công tử Vi kia đuổi con nhà anh để cướp ngôi vua”. Khánh Phong rao dứt lời, tướng sĩ đều cười ồ. – Lời phê này ý nói tiếc rằng Quý Ly không biết đem việc “đuổi Kiến Văn đế, cướp lấy ngôi vua” hỏi vặn lại Minh Thành tổ. Xem thêm chú thích số 2, Chính biên quyển XII, tờ 14.
1222 Khánh Phong, người thời Xuân Thu, một quyền thần nước Tề, giết Tề Trang Công để chuyên quyền. Khi Tề Cảnh Tông lên ngôi, toan giết Khánh Phong; Phong chạy sang nước Ngô. Công tử Vi, con thứ hai Sở Cung Vương, khi Cung Vương mất. Công tử Vi đuổi con người anh cả của mình mà cướp ngôi, tức là Sở Linh vương. Linh vương muốn làm ơn với nước Tề, đem quân đánh nước Ngô, bắt Khánh Phong. Linh vương ra lệnh cho Khánh Phong thân đeo xiềng xích đứng trước mặt các quân tướng mà rao to lên rằng: “Từ rầy đừng ai bắt chước như Khánh Phong này giết vua mà chuyên quyền bính”. Khánh Phong liền đứng trước mặt tướng sĩ, rao to lên rằng: “Đừng có ai bắt chước Công tử Vi kia đuổi con nhà anh để cướp ngôi vua”. Khánh Phong rao dứt lời, tướng sĩ đều cười ồ. – Lời phê này ý nói tiếc rằng Quý Ly không biết đem việc “đuổi Kiến Văn đế, cướp lấy ngôi vua” hỏi vặn lại Minh Thành tổ. Xem thêm chú thích số 2, Chính biên quyển XII, tờ 14.
1223 Một sở công, đơn vị hành chính, nơi các viên chức làm việc.
1224 Cung khuyết của triều đình nhà Minh.
1225 Tượng trưng dung nghi một vị thiên tử. Ở đây chỉ vua nhà Minh.
1226 Người thời Xuân Thu, làm quan đại phu nước Sở, khi nước Ngô diệt nước Sở, Bao Tư sang cầu cứu với nước Tần, đứng dựa vào tường khóc suốt 7 ngày không ngớt tiếng; vua nước Tần cảm động, mới cho quân sang cứu, đánh lui được quân nước Ngô.
1227 Nay thuộc tỉnh Hải Dương.
1228 Những dân không chịu phục tùng với triều mới.
1229 Phỏng từ 11 giờ đến 16 giờ.
1230 Theo Toàn thư thì Lưu Tuấn làm thượng thư bộ binh nhà Minh. Nhưng Cương mục in lầm chữ “thượng thư” thành “thượng tận”, nên có người hiểu “thượng tận” là tên người, rồi nhận lầm là “Thượng Tận” bị quân ta giết cùng một lúc cùng với Lữ Nghị và Lưu Tuấn.
1231 Chẻ tre chỉ khó khăn ở mấy gióng gốc, đã bửa đôi được mấy gióng gốc, thì những gióng kia có thể bỏ dao ra mà dùng tay để róc đôi ra được. Nhà binh dùng thế chẻ tre để ví với việc đánh giặc, đã thắng được một đầu, thừa thế thắng mà đánh, thì trận sau cũng có thể giải quyết một cách dễ dàng như người chẻ tre.
1232 Chỉ việc Đặng Tất dùng dằng không quả quyết tiến quân.
1233 Nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
1234 Xem thêm Chính biên quyển XII, tờ 27-28.
1235 Nay là một phần huyện Chương Mỹ (Hà Tây) và huyện Lương Sơn (Hoà Bình).
1236 Nhục hình bào lạc do chúa Trụ nhà Thương đặt ra. Hình phạt ấy như thế này: Dùng cái cột đồng có bôi mỡ sẵn, hơ vào lửa cho nóng, xung quanh cột đồng đều có đốt lửa. Bọn hung ác bắt người ta phải đi lên trên cột đồng, nếu rơi xuống thì rơi vào đống lửa, chúng thấy thế cùng nhau vui cười.
1237 Đời cổ, binh sĩ đi đánh trận khi giết được địch thì xẻo lấy cái tai bên trái của địch, dâng lên chủ súy để tính công, cứ mỗi cái tai tính là một mạng người. Ở đây, quân của Trương Phụ mổ bụng người chửa, rồi xẻo lấy tai mẹ và tai con (đều tai bên trái) dâng lên cho Phụ; dâng cả tai mẹ và tai con như thế, vừa tỏ ra là tay giết người táo bạo, vừa được tính là hai mạng người.
1238 Chỉ việc Trương Phụ tàn sát nhân dân.
1239 Minh Thành Tổ đem quân vào Nam Kinh, Kiến Văn đế tự nhảy vào đống lửa, Thành Tổ lên ngôi vua, sai Phương Hiếu Nhụ thảo tờ chiếu, Hiếu Nhụ vừa khóc vừa mắng lại, Thành Tổ nói: “Nhà ngươi không nghĩ đến chín họ à?”. Hiếu Nhụ nói: “Đến mười họ cũng chả làm gì?”. Hiếu Nhụ bị Thành Tổ giết, họ hàng bạn bè của Hiếu Nhụ dây dưa chết đến vài trăm người. Hình pháp thảm khốc nhất đời xưa, một người phải tội, chỉ dây dưa đến chín họ là cùng, Thành Tổ giết đến cả học trò của Hiếu Nhụ, nên gọi là mười họ.
1240 Quan chức – phương giữ sổ sách, ghi đất đai thuộc phạm vi cai trị của một nước. Ở đây ý nói đất Giao Chỉ đã thuộc về nhà Minh, đã ghi vào sổ sách nhà Minh, do quan chức – phương nhà Minh giữ.
1241 Chỉ việc Quý Khoáng cầu phong.
1242 Mới được dự vào hàng tiến sĩ, chưa phải đã đỗ thật.
1243 Xem lời chua ở Chính biên quyển XII, tờ 22.
1244 Niên hiệu Trần Đế Ngỗi.
1245 Ngày trước, người dưới nói với người trên không dám nói rõ tên, nên xưng là “các hạ”, tỏ sự tôn kính.
1246 Xem thêm Chính biên quyển XII tờ 25, việc Bá Kỳ bị bắt.
1247 Chữ này nguyên văn trong sách Cương mục chép là “thủy thuyền”. Tham khảo sách Đại Việt sử ký bản kỷ chép là “tiểu thuyền” thì đúng nghĩa hơn, nên dịch là thuyền nhỏ theo sách Đại Việt sử ký bản kỷ .
1248 Chỉ việc Trương Phụ không bị Đặng Dung bắt sống.
1249Vệ: quân vệ, như Nghệ An vệ, Thuận Hóa vệ, … Sở: thủ ngữ thiên hộ sở, như Diễn Châu thủ ngữ thiên hộ sở, Tân Bình thủ ngữ thiên hộ sở, …
1250Xã: đàn thờ thần thổ địa. Tắc: đàn thờ thần bách cốc, vì trong một nước phải nhờ đất để ở, nhờ thóc để ăn, nên ngày xưa thiên tử và vua chư hầu đều tế thần xã tắc. Danh từ xã tắc tượng trưng cho quốc gia, xã tắc còn thì nước còn, xã tắc mất thì nước mất, cho nên ngày xưa nước nọ diệt nước kia thì phá hủy đàn xã tắc của nước bị bại đi, để đánh dấu là nước ấy đã mất.
1251 Theo lời chua trong Đại Việt sử kỷ bản kỷ thì, từ đời nhà Trần trở về trước, nước ta vẫn có tục cắt tóc, vẽ mình. Đến đời nhà Trần, nhân dân ở mạn hạ lưu thích mạnh mẽ, nên vẫn cắt tóc xăm trán, nhất là những đô vật ở huyện Giao Thủy không thay đổi tục cũ, vì họ thấy như thế là mạnh mẽ.
1252 Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử ký bản kỷ , lúc ấy nhà Minh bắt mỗi hộ phải khai 10 mẫu, mà diện tích mỗi mẫu chỉ có 3 sào, tiếng là 10 mẫu, mà thực chỉ có 3 mẫu.
1253 Xem thêm Chính biên quyển XI, tờ 42.
1254 Theo quan chế các triều đại xưa ở Trung Quốc thì nội quan mỗi triều một khác, riêng triều nhà Minh gọi hoạn quan là nội quan.
1255 Giấy tờ chứng nhận có đóng dấu, khi cần phải xuất trình để khám xem dấu đóng trong giấy tờ có hợp với dấu công không.
1256 Theo Toàn thư thì lái buôn phải nộp vàng mới được lĩnh giấy khám hợp. Ai có giấy khám hợp hạng lớn được lĩnh 10 cân, hạng nhỏ được lĩnh một cân.
1257 Sở Hà bạc đặt ở ven sông ven biển để đánh thuế buôn bán.
1258 Tức chức quan Tham tri chính sự thời Trần, có trách nhiệm tham dự bàn bạc việc triều chính.
1259 Một chức quan nằm trong Ty Bố chính.
1260 Chỉ bọn Nguyễn Huân.
1261 Lời phê này chúng tôi dịch thật sát với nguyên văn. “Người Nam Kỳ” đây là chỉ một số người đã đầu hàng giặc Pháp hồi Tự Đức.
1262 Ký chế là dịch theo âm Hán – Việt, thực ra dân ở địa phương này gọi là Cấy Chấy.
1263 Nay thuộc tỉnh Phú Thọ.
1264 Nguyên văn chép là “vi tử thủ”. Theo chú thích trong Cương mục Chính biên XXXV, 14, vi tử là những người sung vào làm công việc ở nơi quan phủ. Ở đây, có lẽ Trương Phụ chọn những người khoẻ mạnh hùng dũng đem vào dinh thự cho ở xung quanh mình để đề phòng sự bất trắc.
1265 Chức quan coi về quân lính.
1266 Quyển sổ cần để khảo cứu cho biết tình hình số hộ số khẩu, ruộng đất và thuế lương.