K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Chính Biên
Quyển thứ 45
Từ Đinh Dậu, Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 38 (1771) đến Nhâm Dần, năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782) gồm 6 năm.
Đinh Dậu, năm [Cảnh Hưng] thứ 38 (1777). (Thanh, năm Càn Long thứ 42).
Tháng giêng, mùa xuân. hạ lệnh cho bọn Lê Quý Đôn xét định ngạch tô thuế của binh và dân ở Thuận Hóa.
Các quan trong chính phủ nói: “Triều đình lấy được Thuận Hóa đã ba năm nay rồi, nay nên liệu lượng bổ tô thuế cho binh và dân, chép thành sổ sách ngạch thuế”. Trịnh Sâm nhận thấy bọn Lê Quý Đôn, Phan Lê Phiên và Uông Sĩ Điển đều ở Thuận Hóa về kinh, biết rõ được tình thế đất đai và tình trạng dân gian ở đấy, bèn hạ lệnh cho bọn này chiếu theo ngạch ruộng đất và binh, dân mà tra cứu, rồi xét định chia bổ. Đại lược việc xét định này, về số tô giảm hai phần mười, về số binh giảm một phần ba. Nhân đây, giao cho trấn phủ Phạm Ngô Cầu châm chước thi hành.
Lời chua-Thuận Hóa: Có hai phủ, tám huyện và một châu, chia ra lệ thuộc như sau: 5 huyện Hương Trà, Phú Vinh, Quảng Điền, Hải Lăng và Đăng Xương thuộc phủ Triệu Phong; 3 huyện Phong Lộc (trước là Khang Lộc), Lệ Thủy Minh Linh và châu Nam Bố Chính thuộc phủ Quảng Bình; nhân số các hạng có 126.857 người, ruộng đất công và tư có 265.507 mẫu, trong số này có trừ rừng núi, tha ma, vườn tược, nhà ở, đầm ao, đất công, đất chùa và những đất khô rắn phải bỏ hoang, còn thực số cày cấy 153. 181 mẫu.
Trịnh Sâm bổ dụng Nguyễn Văn Nhạc giữ chức trấn thủ tuyên úy đại sứ ở Quảng Nam.
Sau khi đã chiếm cứ Quảng Nam, Văn Nhạc sai bộ thuộc là Đỗ Phú Tuấn xin với Trịnh Sâm để được trấn thủ địa phương này. Lúc ấy, Trịnh Sâm ngại về việc dụng binh, nhân đấy, chuẩn y cho. Văn Nhạc bèn sắm sửa binh khí, tích trữ lương thực, chặn lấp nơi hiểm yếu, phòng giữ nơi quan ải, tiến dần lên thế thịnh vượng hùng cường. Nguyễn Lệnh Tân, phó đốc thị, muốn trừ diệt sớm đi, nhưng bị Phạm Ngô Cầu ngăn cản. Lệnh Tân bèn làm tờ khải mật trình bày với Sâm rằng: “Ngô Cầu là người nhút nhát, không có kế mưu, nếu giao phó trong tay Ngô Cầu, tất nhiên Thuận Quảng sẽ bị mất. Xin bãi Ngô Cầu đi mà phái ủy viên tướng khác, ngõ hầu mới có thể giữ được Thuận Quảng”. Trịnh Sâm cho Ngô Cầu là người trầm tỉnh cẩn trọng, không cho lời Lệnh Tân nói là đúng. Sau đó, Sâm cho triệu Lệnh Tân về, bổ đi quyền chức tham chính trấn Sơn Tây. Từ đấy, Văn Nhạc được thể vùng vẫy, cướp phá các địa phương Phú Yên và Bình Thuận, thế lực của Văn Nhạc không ai có thể kìm chế được.
Lời chua-Quảng Nam3551 : Xem Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2 (Chb. XXII, 7- 10).
Phú Yên3552 : Địa vực của thị tộc Việt Thường xưa; đời nhà Tần là huyện Lâm Ấp; đời nhà Hán, thuộc đất huyện Tượng Lâm; nhà Tùy đổi làm quận; nhà Đường đổi làm châu; sau là đất Chiêm Thành; nhà Lê đặt là huyện Tuy Viễn; khoảng năm Gia Long đổi là trấn; nay là tỉnh Phú Yên.
Bình Thuận3553 : Xưa là một nước ở ngoài biên giới về phía nam; sau là đất Chiêm Thành; đời nhà Lê vẫn là nước Chiêm Thành; khoảng năm Gia Long đặt làm trấn; nay là tỉnh Bình Thuận.
Tháng 4, mùa hạ. Nghệ An bị nạn đói; triều đình phát chẩn cho dân.
Luôn mấy năm, trấn Nghệ An mất mùa đói kém, thây chết đói nối liền với nhau. Ti Hiến sát đem tình trạng ấy tâu bày. Triều đình bèn hạ lệnh cho bọn Nguyễn Đình Diễn và Ngô Phúc Lâm trích 15.000 quan tiền và 15 vạn bát quan thóc trong kho, chia ra phát chẩn. Nguyễn Lệ lại trình bày bốn điều về chính sách cứu đói: 1. Dời dân đói đến Thanh Hoa khai khẩn ruộng đất; 2. Mở cửa biển cho các thuyền buôn vận tải; 3. Mở đường châu Quy Hợp cho phép dân được thông hành buôn bán; 4. Cho phép thuyền buôn chở gạo đến trao đổi và được miễn thuế. Trịnh Sâm đều thu nhận.
Lời chua-Ngô Phúc Lâm: Người xã Trảo Nha3554 , huyện Thạch Hà, đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766) năm Cảnh Hưng.
Châu Quy Hợp3555 : Xem Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 6 (Chb. XVIII, 8).
Hợp hai châu Nam Bố Chính và Bắc Bố Chính làm một, cho lệ thuộc vào Nghệ An.
Trước kia, Bắc Bố Chính thuộc Nghệ An, Nam Bố Chính thuộc Thuận Hóa. Đến nay bầy tôi bàn hợp lại làm một, đều cho lệ thuộc vào Hà Hoa, trấn Nghệ An. Trịnh Sâm y cho.
Lời chua-Nam Bố Chính3556 : Xem Thần Tông, năm Dương Hòa thứ 9 (Chb. XXXI, 31).
Bắc Bố Chính3557 : Xem Thần Tông, năm Đức Long thứ 5 (Chb. XXXI, 29).
Phủ Hà Hoa3558 : Xem Trần Duệ Tông, năm Long Khánh thứ 3 (Chb. X, 37).
Tháng 5. Tha thuế còn thiếu và tiền thuế điệu năm nay cho các lộ.
Trịnh Sâm nhận thấy Thuận Hóa đã được yên, Quảng Nam lại quy thuận, bèn hạ lệnh miễn các thuế thổ sản còn bỏ thiếu từ năm Ất Mùi (1775) trở về trước cho Thanh Hoa và Nghệ An; miễn tiền thuế điệu năm nay cho tứ trấn. Nếu người nào đã nộp rồi, sẽ được phép tính trừ vào thuế vụ xuân sang năm. Lại thưởng tiền cho các quân lính trong kinh, ngoài trấn có nhiều ít khác nhau.
Lời chua-Thưởng tiền cho các quân lính: Thân binh, mỗi người được thưởng một quan hai tiền; ngoài ra, phàm binh lính nào có cầm binh khí được thưởng một quan, binh lính không cầm binh khí đều được thưởng sáu tiền.
Tiền thuế điệu: Xem Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 4 (Chb. XXXVI, 10).
Tháng 6. Bổ dụng Hoàng Đình Bảo giữ chức trấn thủ Nghệ An, Bùi Huy Bích giữ chức đốc đồng.
Đình Bảo là cháu Hoàng Ngũ Phúc, đỗ hương tiến3559 , lại đỗ tạo sĩ, Trịnh Doanh gả con gái cho, uy quyền ngày càng to lớn. Người hiếu sự lúc bấy giờ làm con dao, có chữ “thảo nhất điền bát”3560 . Lại một
việc nữa: Tên cũ của Đình Bảo là Đăng Bảo, người ta phần nhiều bàn tán về chữ đặt tên này3561 , vì thế, đổi là Tố Lý, sau mới đổi là Đình Bảo.
Lúc Hoàng Ngũ Phúc vào xâm lấn trong Nam, xin cho Đình Bảo được lệ thuộc quyền mình để đi theo. Đình Bảo thông hiểu chút ít binh pháp, đánh trận nhiều lần lập được chiến công, nên được các tướng sợ phục. Sau khi Ngũ Phúc mất, Trịnh Sâm bổ dụng Đình Bảo giữ chức quyền phủ sự, thay Ngũ Phúc quản lĩnh binh lính bản bộ. Đến nay, vì Nghệ An hàng năm bị đói, giặc cướp có nơi hô hào tụ hợp, Trịnh Sâm toan thử dùng tài Đình Bảo. Gặp lũ ấy Phạm Ngô Cầu, trấn thủ Thuận Hóa, cho trạm chạy thư về triều nói: “Nguyễn Văn Nhạc, giặc Tây Sơn, cướp bóc quấy rối mặt Nam, cần phải phòng bị”. Sâm bèn hạ lệnh cho Đình Bảo thay Hoàng Đình Thể làm trấn thủ và Bùi Huy Bích giúp việc, mà sai Đình Thể đốc suất binh lính 5 cơ, đội đóng ở Bố Chính, để làm thanh thế viện trợ cho Ngô Cầu.
Lời chua-Bùi Huy Bích: Người xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1769) năm Cảnh Hưng.
Thảo nhất điền bát: Lúc ấy có thư nặc danh nói “Thảo nhất điền bát3562 giả sấm thuyết dĩ nhiễm nguyên3563 ; thỉ nhất dương quần3564 , phiến đồng dao nhi lộng xuẩn3565 “. Thảo nhất điền bát là chữ “hoàng”. Thỉ nhất: ý nói Đình Bảo tuổi Hợi; dương quần; ý nói Sâm và con là Khải đều tuổi Mùi.
Mở trường thi hương ở Thuận Hóa.
Trước đây, triều đình hạ lệnh dò tìm những người hiền tài ẩn dật còn sót lại ở Thuận Hóa, để cân nhắc tài năng bổ dụng. Đến nay hạ lệnh cho viên quan trấn phủ chiếu theo điều lệ thi hương, trước hết khảo hạch học trò, kê thành sổ sách dâng nộp, triều đình lại chọn quan trong kinh phụng mệnh sung vào giữ công việc trường thi. Sau đó, Ngô Cầu dâng nói: “Thuận Quảng trãi qua binh lửa lâu ngày, việc học tập của học trò bỏ qua gián đoạn, nên chưa thấy có người nào xin thi hạch. Vậy xin làm phép quyền nghi, đều tùy theo sức học của học trò, hễ ai có thể thông được bài thơ, bài phú và hiểu biết công việc hiện thời, thì được tham dự tập hợp để thi khảo, sẽ cân nhắc lấy người trúng cách, để cổ vũ chí khí của sĩ phu”. Trịnh Sâm theo lời, bèn hạ lệnh cho Trấn ti thi khảo một lần, đầu đề dùng thơ phú và văn sách, rồi chọn lấy người trội hơn làm hương cống, người thứ nhì là sinh đồ, để thu dùng những sĩ tử văn học.
Tháng 9, mùa thu. Bổ dụng Hoàng Đình Thể giữ chức đốc lãnh ở Thuận Hóa.
Trước đây, Đình Thể đóng đồn ở Bố Chính, gặp lúc ấy giặc cướp ở huyện Khang Lộc và Lệ Thủy nổi dậy, đường sá đi lại bị ngăn trở. Ngô Phúc Oánh, lưu thủ ở Động Hải, đem việc nguy cấp ấy báo về triều. Triều đình hạ lệnh cho Đình Thể đi đánh, hai huyện này được bình định. Vì thế nên bổ dụng Đình Thể giữ chức này, rồi sai Hoàng Thúc Nhị đem cờ tiết, sắc văn và ấn tín đến quân thứ ban cho Đình Thể.
Lời chua-Hoàng Thúc Nhị: Người xã An Đồng, huyện La Sơn3566 , đỗ hương cống.
Khang Lộc3567 : Xem Anh Tông, năm Chính Trị thứ 14 (Chb. XXVIII, 30).
Lệ Thủy3561 : Tên huyện, thuộc huyện Quảng Bình.
Tháng 12, mùa đông. Sai bọn Vũ Trần Thiệu, tả thị lang bộ Lại, sang nhà Thanh.
Trịnh Sâm có chí toan cướp ngôi vua. Năm ấy nhân gặp kỳ tuế cống, Sâm làm tờ biểu mật tâu với triều đình nhà Thanh nói: “Nhà Lê không có người con cháu nào hiền tài”, rồi căn dặn Trần Thiệu đem việc ấy vào tâu với vua nhà Thanh. Lại sai nội giám (sót họ tên) cùng đi để dâng của đút và xin phong tước. Khi đi đến hồ Động Đình, Trần Thiệu giả vờ có bệnh, đương đêm đem tờ biểu đốt trước mặt sứ bộ, rồi uống thuốc tự tử. Sau đây, truy tặng cho Trần Thiệu hàm tượng thư.
Lời phê-Chim hạc đứng giữa đàn gà, thực là hiếm có3569 . Mậu Tuất, năm thứ 39 (1778). (Thanh, năm Càn Long thứ 43).
Tháng 2, mùa xuân. Phong cho Hoàng Đình Bảo tước Huy quận công.
Trước đây, Hoàng Đình Bảo vâng lệnh đến trấn thủ Nghệ An, gặp lúc ấy giặc cướp (sót họ tên) ở hai huyện Đông Thành và Quỳnh Lưu nổi dậy, quấy nhiễu cướp bóc huyện bên cạnh. Ngô Đình Hoành, trấn thủ Thanh Hoa, muốn hội hợp binh lính hai xứ để đánh phá tiễu trừ. Đình Bảo sai người ngăn lại và bảo chớ có động binh. Nhân đấy, Đình Bảo lập mưu săn bắt được, đồ đảng của giặc còn sót lại bị tan tác, vì thế trong hạt được yên. Đến nay bàn định thưởng cho tước quận công. Đình Bảo lại xin quyền tạm lấy thóc công, tính hạ giá để bán cho dân nghèo, đợi đến mùa lúa chín, sẽ nộp trã lại. Trịnh Sâm y cho.
Lời chua-Đông Thành và Quỳnh Lưu3570 : Tên hai huyện, xem năm Cảnh Hưng thứ 20 (Chb. XLII, 5).
Tháng 4, mùa hạ. Hạn hán. Hạ chiếu cầu người trình bày lời trung thực.
Lúc ấy, luôn mấy năm hạn hán, kém đói, Trịnh Sâm hạ lệnh cho bầy tôi và sĩ thứ nói thẳng những điều thiếu sót, sai lầm. Lê Thế Toại, tham nghị cũ ở xứ Thanh Hoa dâng tờ khải, đại lược nói: “Dĩnh Thành hầu Lê Quý Đôn dụng tâm quanh co, bỉ ổi, mong muốn càn rỡ những điều quá hạn định của mình: nào lập mưu cho con ăn cắp bài văn thi ở trong trường, nào vụng trộm chiếm nơi cấm địa. Ông Mạnh Tử nói: “Quan sát con ngươi của từng người, thì người gian người ngay, không thể nào giấu giếm được”. Con ngươi của Lê Quý Đôn lúc nào cũng đưa đẫy lia lịa, nếu dùng người này giữ chức cao cả tất nhiên làm tai hại cho nhân dân. Kiều Nhạc Hầu Nguyễn Lệ từ khi được dự vào chính phủ đến nay, chưa nghe mở mang được điều gì có lợi, trừ bỏ được việc gì có hại, chỉ chuyên dùng mánh khoé khéo léo để mê hoặc lòng vua chúa; vừa mới bổ ra giữ chức tham đốc xứ Nghệ, mà quá nửa số nhân dân bị phiêu lưu3571 . Vậy xin: Nghiêm ngặt trị tội Quý Đôn và Nguyễn Lệ, để tạ tội với mọi người trong nước, thì tự nhiên được trời mưa”. Tờ khảo này không được Trịnh Sâm trả lời.
Lời chua-Lập mưu cho con ăn ắp văn thi ở trong trường: Kỳ đệ tứ khoa thi Hội năm Ất Mùi (1775), Quý Đôn nhờ Đinh [Thì] Trung làm bài cho con mình là Quý Kiệt3572 .
Vụng trộm chiếm nơi cấm địa: Quý Đôn táng trộm mả tổ ở cấm địa tại sơn phận Tản Viên.
Làm lễ an táng Nhu thận hoàng thái hậu.
Trước kia, thái hậu mất3573 , vì Trịnh Sâm đang mắc bận về việc dụng binh, nên việc an táng bị ngăn trở; lúc đoạn tang cũng chưa táng được. Đến nay, mới làm lễ an táng ở xã Dịch Vọng gần kinh kỳ.
Lời chua-Xã Dịch Vọng: Thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội3568 .
Tháng 6 nhuận. Dân bị đói to.
Từ lúc dùng quân đánh dẹp trở đi, triều đình mua vét thóc gạo ở tứ trấn và Thanh Nghệ, vận tải vào đồn Động Hải. Thóc gạo khô ướt không đều, thành ra mục nát không thể ăn được, vứt bỏ đi đến quá nửa. Những thứ tích trữ ở dân gian hầu như nhẵn nhụi. Thêm vào đấy luôn mấy năm hạn hán mất mùa, giá gạo cao vọt, một chén nhỏ gạo trị giá một tiền, đầy đường những thây chết đói. Triều đình bèn lập đàn tràng cầu đảo ở kinh thành; dựng quán tế sinh ở thôn Ái Mộ: nấu cơm cháo chia ra phát chẩn; người có bệnh thì cấp cho thuốc thang. Lại hạ lệnh cho các trấn khuyên nhũ dân sở tại người giàu, người nghèo giúp đỡ lẫn nhau; cấm nhân dân đóng cửa không bán thóc gạo. Tuy thế, những kẻ trên người dưới che đậy lẫn nhau, mệnh lệnh của triều đình cũng chỉ thi hành một cách cẩu thả trên giấy tờ suông thôi. Chỉ có Hoàng Đình Bảo, trấn thủ Nghệ An, hạ lệnh kê tên những người nghèo trong hạt thành một danh sách, bắt người có quyền thế vật lực nhận lĩnh về, ủy thác sự chu cấp cho họ, hoặc chiếu theo nhân khẩu để cấp phát thực tiễn. Nhờ thế mà nhiều người được toàn hoạt.
Lời chua-Đồn Động Hải: Thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Thôn Ái Mộ3575 : Thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.
Tháng 7, mùa thu. Giặc biển vùng đông nam nổi dậy. Triều đình sai bọn Nguyễn Phan, Hoàng Phùng Cơ và Hoàng Đình Bảo chia quân ra từng đạo đi tiễu bắt.
Lúc ấy, luôn mấy năm bị mất mùa kém đói, nhân dân hợp nhau làm giặc cướp: bọn Thục Toại (sót họ), người Yên Quảng, Nguyễn Kim Phẩm và Trần Xuân Trạch, người Sơn Nam, hô hào tụ hợp có hàng vạn người, đánh phá Yên Quảng, viên án trấn là Đặng Đình Viện bị giặc bắt. Nguyễn Địch Bàn, trấn thủ Hải Dương, chần chừ không dám tiến quân. Trịnh Sâm bổ dụng Nguyễn Đăng Đàn giữ chức án trấn Yên Quảng thay cho Đình Viện. Đăng Đàn đóng quân cố sức giữ thành, giặc không thể nào cướp phá được, chúng bèn vượt ra biển cướp vùng Sơn Nam, do cửa Lác đến Giao Thủy. Trấn thủ Ngô Đình Hoành đánh bại được bọn này, chúng bèn lui quân đóng ở sông Ngô Đồng. Đình Hoành đem hết quân ra đuổi theo, khi quân sĩ mới đến được một nữa, giặc bèn quay lại đánh, Đình Hoành bị thua to, chỉ chạy thoát được một mình. Giặc nhân thế thắng, kéo đến xã Thận Vi, chia quân cướp phá. Vì thế dân sở tại bị rối loạn.
Trịnh Sâm hỏi bầy tôi, ai có thể làm tướng đi đánh giặc được. Nội giám Thân Xuân Thự xin đi. Sâm bèn bổ Xuân Thự giữ chức đốc lãnh quân thủy đạo, cho tri Lại phiên Mai Thế Uông làm giám quân kiêm chức tán lý; lại hạ lệnh thái tể Nguyễn Phan và đại tư không Hoàng Phùng Cơ giữ chức đốc lãnh tả hữu bộ quân, được phép tùy cơ hội hoặc càn quét hoặc chiêu dụ.
Trước đây, Xuân Thự bắt được tên quân của giặc đầu hàng, nói giặc có thể chiêu hàng được, vì thế Xuân Thự mới hăng hái xin đi. Khi đến quân thứ, thấy giặc không có chí xin hàng, mà lại cướp phá hơn trước, Xuân Thự bèn thu quân lại, không dám tiến. Giặc đánh úp Hiến doanh. Trịnh Sâm được tin, liền hạ lệnh cho Trịnh Tự Quyền làm hiệp đốc lãnh thủy đạo, đem quân dốc sức đánh giặc. Tự Quyền cùng bọn Nguyễn Phan tiến quân đến xã Thận Vi, đánh giặc phá tan được. Giặc lui ra ngoài biển, đóng đồn liên kết với nhau, đón cướp các nơi, khi ẩn khi hiện không nhất định.
Lúc ấy, tuy đầu sỏ trong đám giặc có nhiều người là thuộc tướng của Hoàng Ngũ Phúc, chúng cho rằng Hoàng Đình Bảo cùng Nguyễn Khắc Tuân ở Kinh Bắc và Nguyễn Lệ ở Sơn Tây đều chia bè phái, chúng ngờ Đình Bảo ở Nghệ An tất có mưu toan làm việc trái phép, bèn sai người lén lút tới nơi, suy tôn Đình Bảo làm minh chủ3576 . Đình Bảo viết thư trả lời chúng, rồi liền đem bức thư của giặc kèm với thư của mình làm tờ khải trình bày đầy đủ về triều. Trịnh Sâm cho là người trung thành, bèn bổ Đình Bảo làm thống lãnh, đem châu sư3577 trấn Nghệ An tiến ra càn quét. Giặc nghe tin Đình Bảo kéo quân, đều tự chạy
trốn. Lê Quý Đôn lại sai người chiêu dụ, đảng giặc là Thục Toại xin hàng. Giặc biển hết thảy đều bình định được.
Sau trị tội, những người thua trận nhút nhát rút lui: Ngô Đình Hoành phải tội lưu đi viễn châu, Nguyễn Đình Bàn phải lột chức tước, Thân Xuân Thự phải giáng xuống năm bậc. Còn bọn Nguyễn Phan, Phùng Cơ và tướng tá khác đều được thăng thường có đẳng hạng khác nhau.
Lời chua-Mai Thế Uông: Do chân hương cống được tiến triều, là con Thế Chuẩn, người xã Thạch Giản, huyện Nga Sơn3578 .
Đặng Đình Viện: Người xã Lương Xá, huyện Chương Đức3579 .
Trịnh Tự Quyền: Người xã Phù Lỗ3580 , huyện Kim Anh.
Nguyễn Kim Phẩm: Người huyện Thượng Nguyên.
Trần Xuân Trạch: Người huyện Nam Chân. Kim Phẩm và Xuân Trạch sau này đều vào Gia Định, theo việc nghĩa, được trao chức tả chi chưởng cơ và hữu chi chưởng cơ, bị chết tại trận, khoảng năm Gia Long đều truy tặng chưởng doanh quận công, liệt vào hàng thờ ở miếu Công thần.
Hiến Doanh: Xem Ý Tông, năm Vĩnh Hựu thứ 6 (Chb. XXXVIII, 39).
Cửa biển Lác Hải: Ở giáp giới địa phận hai huyện Giao Thủy và Chân Định3581 .
Thận Vi3582 : Tên xã, thuộc huyện Thượng Nguyên.
Sông Ngô Đồng: Ở địa giới huyện Giao Thủy. Các địa điểm trên đều thuộc tỉnh Nam Định.
Trịnh Sâm tự ý thi những người đã được đề cử.
Sâm tự cậy tài cán, cho rằng trong thiên hạ không việc gì không thể làm được, trăm quan không người nào không thể giá ngự được. Trước kia, Sâm định điều lệ văn tuyển, võ tuyển: Ở ngoài các trấn thì do Thừa chính và Hiến sát dò hỏi những người có đức hạnh, học thuật, không câu nệ người ấy đã làm quan hay chưa, đều được đề cử những người mà mình biết là xứng đáng, mỗi năm cứ tháng trọng thu3583 dâng danh sách lên chính phủ; ở trong kinh thì các quan về văn ban đều có quyền bảo cử. Triều đình hạ lệnh cho các quan trong chính phủ xét duyệt, chọn lấy người trội hơn vào phủ đường yết kiến, nếu người nào ở trước mặt chúa mà ứng đối được hợp ý, lập tức thăng bổ giữ chức phó thiêm ở lục phiên và các chức tham nghị, hiến phó, không bó buộc về tư cách. Còn người trội vừa sẽ đưa sang bộ Lại kén chọn, bổ giữ các chức ở lục bộ, lục tự hoặc phủ, huyện, gọi là văn tuyển.
Các quan về võ ban đề cử người có phương pháp, mưu mô, tài năng, nghệ thuật đã từng theo đi đánh trận. Những người này cũng do các quan trong chính phủ xét tài năng, phẩm hạnh, xếp thành thứ tự, rồi dẫn vào phủ đường để so đọ, võ nghệ người nào trội hơn thì được thăng chức bổ dụng, người trội vừa sẽ bổ dụng sau, gọi là vọ tuyển.
Đến nay, Sâm hạ lệnh triệu những người được đề cử về văn tuyển là bọn Nguyễn Danh Hiến 14 người vào phủ đường thi khảo ngay trước mặt, rồi bổ giữ chức ngoài các trấn.
Lời chua-Nguyễn Danh Hiến: Người xã Xuân Cầu3584 , huyện Văn Giang.
Tháng 11, mùa đông. Bổ dụng Hoàng Đình Bảo làm thự phủ sự, lãnh chức trấn thủ Sơn Nam bằng cách vắng mặt.
Trước kia, Đình Bảo trấn thủ Nghệ An, dẹp giặc cướp, ngăn kiện tụng, rất được lòng dân. Liêu thuộc ở dưới trướng hắn có các hạng tả, hữu tham quân và tòng sự. Vì thế, trong kinh ngoài trấn phao đồn ầm lên rằng “Đình Bảo có ý mưu toan làm việc trái phép”. Trịnh Sâm bí mật bàn mưu với tín thần3585 là Nguyễn Phương Đĩnh và Nguyễn Lệ để giết Đình Bảo. Vợ Đình Bảo là quận chúa3586 , vẫn a dua Đặng Thị, vợ Trịnh Sâm, ngày đêm ra vào trong phủ, Đặng Thị đem việc ấy nói cho biết. Đình Bảo không được yên tâm, bèn làm tờ khải xin về triều, Sâm y cho.
Đình Bảo cho rằng Đặng Thị tuy được chúa cưng yêu, nhưng Cán (Con Đặng Thị) còn bé, mà Khải đã trưởng thành, nếu phụ họa Đặng Thị e rằng không phải kế vững vàng lâu dài. Sau khi đã vào phủ yết kiến rồi, Đình Bảo sắm đủ 100 lạng vàng, 10 cây đoạn gấm, làm lễ trình diện, đến yết kiến Trịnh Khải. Khải từ chối, không cho vào yết kiến, lại nói riêng với người hầu hạ rằng: “Thằng giặc ấy sao không ở trấn Nghệ An để làm phản, lại vội vàng về triều? Một ngày kia ta sẽ tịch thu gia sản nó, ta thèm dùng lễ chí kiến của nó làm gì?”. Đình Bảo nghe được câu ấy, sợ lắm, tự suy nghĩ là mình không được Trịnh Khải bao dung, bèn quả quyết phụ họa với Đặng Thị, ngầm chủ trương mưu kế bỏ người này lập người khác, Đặng Thị cũng hết sức giúp đỡ Đình Bảo, và biện bạch là Đình Bảo bị vi oan, lại cho Đình Bảo có thể dùng giữ việc trọng đại được. Trịnh Sâm tin lời. Do đấy, Đình Bảo được vào giữ chức trong chính phủ, mở quân doanh Trung Nhuệ, lãnh chức trấn thủ Sơn Nam bằng cách vắng mặt. Quyền thế Đình Bảo làm nghiêng lệch cả trong kinh, ngoài trấn. Bọn quản binh và trấn thủ đều là môn hạ, chỉ có Nguyễn Lệ ở Sơn Tây và Nguyễn Khắc Tuân ở Kinh Bắc cùng Đình Bảo vẫn ngầm có ý đánh đổ nhau, đè bẹp nhau, gây ra tình thế bè đảng.
Lời phê-Họ Trịnh dùng nhiều quan thị, hơn cả nhà Hán, nhà Đường; bầy tôi lại đều giữ lòng riêng, gây bè đảng, thế mà Trịnh Sâm tin dùng. Như thế, không bại vong sao được? Lời chua-Sơn Nam, Nghệ An, Sơn Tây, Kinh Bắc: Đều xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16-18, 21-23, 26-28).
Kỷ Hợi, năm thứ 40 (1779). (Thanh, năm Càn Long thứ 44).
Tháng 3, mùa xuân. Trịnh Sâm hạ lệnh cho Phủ doãn và Hiến sát sứ đi tuần hành xét hỏi các nha môn và những người quyền thế về việc ức hiếp nhũng nhiễu nhân dân.
Sâm lấy cớ rằng, trong nước được thái bình lâu ngày, lệnh cấm có phần lỏng lẻom các nha môn hoặc có người trái phép làm càn, bèn hạ lệnh cho viên Phủ doãn ở Phụng Thiên đi tuần hành trong kinh kỳ, viên quan trong ti Hiến sát các trấn đi tuần hành trong địa hạt mình, để tra xét xem có việc giả lệnh, sai phái, dùng mạo ấn tín và các tình hình về việc sai bắt, nhũng nhiễu, lăng loàn ức hiếp hay không. Nếu có, thì không đợi người cáo tố, lập tức bắt để trị tội. Nếu viên quan nào vì sợ hãi, vì tránh tiếng mà yểm lưu đi, khi việc phát giác, sẽ đều tùy theo tội nặng hay nhẹ mà giáng chức hoặc bãi chức. Tuy thế, nhưng bên trong thì Đặng Thị, bên ngoài thì Hoàng Đình Bảo, trong ngoài cấu kết với nhau. Phàm nhà quyền thế phần nhiều dính dáng là môn hạ của hai nhà kia, nếu họ có việc gì đến cửa quan, thì viên quan giữ trách nhiệm chỉ nhìn nhau rồi ngậm miệng đùn đẫy lẫn cho nhau mà thôi.
Lời chua-Đặng Thị Huệ: Người xã Phù Đổng3587 , huyện Tiên Du, Bắc Ninh.
Tháng 6, mùa hạ. Định rõ lại quy chế việc dạy học.
Hạ lệnh cho Quốc Tử giám và Đề đốc Học chính các xứ dạy bảo học trò, trước hết cần có sự thật về việc làm rồi sau mới đến văn chương. Chia học trò ra làm hai hạng ghi vào sổ nhà trường, hàng ngày đến trường nghe giảng dạy. Viên quan giữ việc dạy học lại bất thần hỏi han, để khuyến khích sự siêng năng của họ. Các học trò đã ghi tên trong sổ, mà thật là người có học lực, đức hạnh, tài năng, phẩm giá, thì các quan đệ danh sách lên triều đình biết, để phòng sự phân biệt bổ dụng.
Lời chua-Đề đốc Học chính: Viên quan tham chính ở các xứ kiêm giữ chức Đề đốc Học chính.
Chia học trò làm hai hạng: Nho sinh trung thức và giám sinh là một hạng; nho sinh và sinh đồ là một hạng.
Tháng 7, mùa thu. Thổ tù Hoàng Văn Đồng lại làm phản, xưng hiệu là Tân vương. Triều đình sai bọn Nguyễn Lệ và Nguyễn Phan đi đánh, Văn Đồng lại xin hàng.
Văn Đồng lấy danh nghĩa là thổ tù được cha truyền con nối quản thụ mỏ Tụ Long, thu nộp thuế đồng. Lúc ấy, viên quan coi Hộ phiên là Lê Quý Đôn và viên xuất nạp là Chu Xuân Hán xét Văn Đồng về tội thiếu thuế, tống giam khổ sở không cho về, bắt phải nộp bạc hối lộ đến 3.000 lạng. Văn Đồng đút lót cho người giữ ngục được thoát ra; về nhà, dấy quân làm phản, nhân lúc sơ hở, kéo quân xông thẳng vào phố Tam Kỳ. Trấn thủ là Nghi Trung hầu (sót họ tên) đóng cửa thành, chống giữ. Triều đình hạ lệnh cho Nguyễn Lệ đem quân cứu viện Tuyên Quang. Khi quân Nguyễn Lệ kéo đến, Văn Đồng rút lui, chạy trốn. Lại sai người dụ bảo Văn Đồng đầu hàng. Nhân đấy, Văn Đồng cáo tố rõ tình trạng sách nhiễu của Quý Đôn và Xuân Hán. Lệ đem việc này tâu về triều, bọn Quý Đôn đều can tội, phải giáng chức.
Văn Đồng lại trở về chiếm cứ Tụ Long, lẻn lút tụ tập đồ đảng còn sót lại làm kế cố thủ. Gặp lúc giặc biển vùng Đông Nam nhao nhao nổi dậy, Văn Đồng lại càng vùng vẫy mạnh hơn, tự xưng hiệu là Tân Vương. Đến nay, triều đình hạ lệnh cho Nguyễn Lệ, trấn thủ Sơn Tây, giữ chức thống lãnh các đạo quân Tuyên-Cao-Lạng và thái tể Nguyễn Phan giữ chức hiệp thống lãnh, chia đường tiến đánh. Văn Đồng đem hết quân giữ nơi hiểm yếu. Lệ sai em là Điền Nhạc hầu Nguyễn Điều đi nhờ đường phủ Khai Hóa, xông thẳng đến sào huyệt Văn Đồng, đánh phá tan được. Văn Đồng trốn biệt, quan quân đuổi theo không kịp, san phẳng hết thành lũy rồi kéo quân về. Sau này, Văn Đồng lại xin đầu hàng, được triều đình tha tội cho.
Lời chua-Chu Xuân Hán: Hoạn quan, người huyện Chương Đức3588 , Hà Nội.
Phố Tam Kỳ: Ở huyện Hàm Yên, Tuyên Quang.
Xã Tụ Long: Thuộc huyện Vị Xuyên3589 , Tuyên Quang, xem Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 9 (Chb. XXXVII, 5).
Phủ Khai Hóa: Thuộc tỉnh Vân Nam, xem năm Cảnh Hưng thứ 35 (Chb. XLIV, 11).
Tháng 10, mùa đông. Trịnh Sâm tự ý mở thịnh khoa3590 thi hương, thi hội.
Sâm tự nhận công đức ngày càng lừng lẫy, hạ lệnh mở thịnh khoa thi hương, thi hội; thi hương vào tháng 10, thi hội vào tháng 11.
Theo chế độ cũ, về việc thi đình, nhà vua thân hành ra sách văn thi cống sĩ ở sân rồng, người nào trúng cách thì cho truyền lô và yết tên vào bảng vàng. Khoa này, Trịnh Sâm cho người trúng cách cũng theo chế độ cũ, trước hết vào thi đình, nhưng văn bài không đưa nhà vua phê duyệt. Đến hôm sau,
lại hạ lệnh đến thi ở phủ đường, rồi căn cứ vào bài đối sách tại phủ đường để định sự đỗ cao, đỗ thấp. Ban cho Lê Huy Trâm và Phạm Nguyễn Du hai người đỗ đồng xuất thân, bọn Phạm Quý Thích 13 người đỗ đồng xuất thân, cao thấp khác nhau. Rồi tâu xin nhà vua ra sắc lệnh cho đem bảng vàng treo ở ngoài cửa nhà Thái Học. Việc này sau thành thể lệ thường hành.
Lời chua-Lê Huy Trâm: Người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai3591 .
Phạm Quý Thích: Người xã Lương Đường, huyện Đường An3592 , làm quan đến chức thiêm tri Công phiên. Đến khoảng năm Gia Long, được trao cho hàm thị trung học sĩ lãnh chức Đốc học phủ Hoài Đức.
Canh Tý, năm thứ 41 (1780). (Thanh, năm Càn Long thứ 45).
Tháng giêng, mùa xuân. Bắt đầu đánh thuế tô ruộng tư ở Thanh Nghệ.
Trước kia, hai xứ Thanh Nghệ không có thuế ruộng tư. Đến nay bàn định: ruộng hai mùa mỗi mẫu nộp 1 tiền, ruộng một mùa mỗi mẫu nộp 36 đồng, giao xã trưởng sở tại chiếu theo từng hạng ruộng thu tiền tô, cấp làm lương ăn cho binh đinh trong xã. Còn ruộng tư của binh đinh vẫn được miễn thuế.
Tháng 4, mùa hạ. Định lại phép thi võ cử.
Khoa thi võ cử mới đặt từ năm Bảo Thái (1720-1728), lấy bốn năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu làm khoa thi sở cử, bốn năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi làm khoa thi bát cử. Cứ ba năm mở một khoa, đại lược dựa theo thể lệ thi hương, thi hội về bên văn. Đến năm Vĩnh Khánh (1729-1731) đổi ra thi ba kỳ: trước hết thi giương cung, múa siêu đao, sau thi bắn cung, múa kiếm và cưỡi ngựa múa đâu mâu, sau nữa thì văn sách hỏi bảy bộ sách trong Võ Kinh và một bài về phương pháp mưu mẹo việc binh. Người nào ba kỳ đều trúng cách, là tạo sĩ. Nếu có người nào kỳ đệ tam không trúng cách, mà kỷ thuật và sức lực được liệt vào hạng trội hơn, thì mỗi khoa chọn lấy hơn mười người, cho được bổ dụng cũng như tạo sĩ. Về phép thi sở cử cũng giống như bác cử3593 .
Đến nay, định lại, phép thi chia làm bốn kỳ: kỳ đệ nhất, thi giương cung, múa siêu đao; kỳ đệ nhị, khảo xét việc so đọ về môn đi bộ bắn cung, bắn súng; kỳ đệ tam , trước hết thi vừa phi ngựa vừa bắn, sau khảo các môn đi bộ đấu siêu đao, lăn khiên, cưỡi ngựa múa đâu mâu và kiếm trường. Viên quan giữ việc khảo sát phải xét kỹ về các phép đánh, đâm, tiến, lui, che đỡ cùng khí sắc và sức vóc hăng hái hay suy kém, mạnh hay yếu, để định người hơn, người kém; kỳ đệ tứ, làm một bài văn sách. Phép thi võ sữa lại như thế, lại càng kỹ lưỡng hơn trước.
Lời chua-Phép thi sở cử và bác cử:Xem Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 5 (Chb. XXXVI, 18).
Tháng 9, mùa thu. Trịnh Sâm truất bỏ ngôi của con trưởng là Khải và bắt giam giữ.
Khải, là con Dương thị, một phi tần trong phủ chúa. Theo thể lệ cũ, con chúa cứ đến 7 tuổi, cho ra ở nhà riêng để học, nếu là con trưởng thì đến 13 tuổi cho mở phủ đệ và được phong làm thế tử. Nhưng Sâm cho rằng Khải (tên cũ là Tông) không phải do vợ cả sinh ra, nên không yêu quý, dùng Nguyễn Phương Đĩnh, hoạn quan, làm bảo phó của Khải. Lúc Khải đã 9 tuổi mới cho đi học, dùng Nguyễn Lệ và Lý Trần Thản làm tả tư giảng và hữu tư giảng. Chưa được bao lâu, Trần Thản mất, Nguyễn Lệ cũng ra trấn thủ Sơn Tây, chỉ sai Khải đến ở nhà riêng Nguyễn Phương Đĩnh, theo thời tiết vào phủ đường triều yết mà thôi. Viên quan trong Ngự sử là Nguyễn Thưởng và Vũ Huy Đĩnh trước sau nhiều lần xin với Sâm về việc lập thế tử, đều bị giáng chức. Sau vì Đặng Thị Huệ, một thị nữ được yêu nuông, sinh con là Cán, Sâm rất yếu quý, sách phong Đặng Thị là Tuyên Phi. Đặng Thị tự gây dựng lấy bè đảng cho vây cách được dầy dặn, bên ngoài nương nhờ Hoàng Đình Bảo làm viện trợ, ngầm có ý cướp ngôi thế tử
cho Cán. Khải không được yên tâm. Lúc Sâm có bệnh, nhiều lần Khải đến cửa tẩm thất để vào chầu thăm hỏi, thường bị quân giữ cửa ngăn cản, không được vào.
Ngoài phủ đường có lời phao đồn là Sâm bị bệnh nặng. Khải bàn mưu với gia thần là Đàm Xuân Thụ và bọn đầy tớ nhỏ là Thế và Thẩm (hai người đều sót họ) rằng: “Vương thượng mắc mệnh mà ta không được vào chầu, nếu xảy ra biến cố như việc tên Cao, tên Tư đã làm ngày trước3594 , thì toan tính thế nào?”. Bọn Xuân Thụ xin bí mật chứa sẵn binh khí, chiêu mộ dũng sĩ, nếu một ngày kia trong phủ đường có sự không lành, thì đóng cửa thành lại, giết Đình Bảo, bắt giam Đặng Thị, rồi phi báo cho quan hai trấn3595 , đem quân vào hộ vệ, thì ngôi chúa có thể vững vàng được. Khải cho lời bàn ấy là đúng, bèn vay ngầm của nội thị Chu Xuân Hán 1.000 lạng bạc, để nuôi dũng sĩ và sắm khí giới. Nguyễn Lệ trấn thủ Sơn Tây, từng giữ chức tư giảng cho Khải, Nguyễn Khắc Tuân trấn thủ Kinh Bắc, là con nuôi Nguyễn Phương Đĩnh, cùng Khải vốn có tình thân mật, nay đều cho mật báo, để họ sẵn sàng dự bị.
Ngô [Thì] Nhậm3596 , đốc đồng Kinh Bắc, trước kia, giữ việc hàng ngày giảng nghĩa sách cho Khải, rất được Khải thân yêu kính trọng. Hà Như Sơn, một tên đầy tớ nhỏ, là học trò [Thì] Nhậm, hiện làm người giữ sách cho Khải. Như Sơn biết được việc này, đem nói với Nhậm, Nguyễn Huy Bá, cấp sự trung là người giảo hoạt thâm hiểm, vì tội tham tang, bị bãi chức. Bá cho con dâu vào làm thị tỳ hầu hạ Đặng Thị, lại sai người thân tín cầu cạnh làm hầu hạ Nguyễn Khắc Tuân, nên dò biết việc này, bèn vào phủ tố cáo với Đặng Thị. [Thì] Nhậm định tự mình phụ hoạ với Đặng Thị, bèn cùng Huy Bá hợp mưu cáo tố là Khải lén lút cấu kết với hai viên trấn thủ, mưu toan làm việc trái phép. Sâm giận lắm, cho triệu Đình Bảovào phủ bảo về việc này, ý Sâm muốn phê phó giao xuống để trị tội ngay. Đình Bảo can rằng: “Khải dám làm việc to lớn này, chính do viên quan hai trấn ở Tây và Bắc chủ mưu, nay họ đều cầm quân ở ngoài nếu trị tội một cách vội vàng, e sẽ xảy ra biến cố khác. Vậy chi bằng trước hết triệu hai viên trấn thủ ấy về triều, rồi sau sẽ dần dà phát giác sự trạng để trị tội”. Sâm nhận là phải, bèn hạ lệnh triệu Nguyễn Lệ trấn thủ Sơn Tây. Khi Lệ về đến nơi, Sâm yên ủi có phần hơn trước. Cách mấy hôm sau, mật bắt được bè đảng của Lệ; nhân đấy lại cho triệu Nguyễn Khắc Tuân, trấn thủ Kinh Bắc. Khi Tuân đã về, bắt giam lại cùng với Nguyễn Lệ và Nguyễn Phương Đĩnh, rồi sai Ngô [Thì] Nhậm cùng với hoạn quan là Phạm Huy Thức tham dự việc tra hỏi. Gặp lúc ấy, [Thì] Nhậm vì cha mất, từ chức về, nên đổi sai Lê Quý Đôn tra hỏi lại, bọn Xuân Thụ, Thế và Thẩm nhận hết tội lỗi. Sâm bèn truất Khải xuống làm con út (quý tử), giam ở nội phủ. Bọn Xuân Thụ đều bị giết. Nguyễn Lệ và Nguyễn Khắc Tuân bị giam vào ngục. Phương Đĩnh vì nuôi dưỡng Trịnh Khải không thành công trạng gì, nên bị lột hết chức tước đuổi về làng. Khắc Tuân và Chu Xuân Hán đều uống thuốc độc chết.
Trịnh Khải đã bị phế, ở ngôi nhà ba gian, ăn uống ra vào không được tự do, người ta đều lo ngại cho Khải, nhưng không người nào dám nói. Lúc ấy có viên tri châu cũ là Lê Vĩ, dâng thư biện bạch cho Khải là bị tội oan, nhưng không được Trịnh Sâm xét đến.
Trước kia, Ngô [Thì] Nhậm sắp phát giác tội của Khải, đem việc ấy bàn với cha Ngô [Thì] Sĩ, Sĩ cố sức can ngăn, đến nổi phải đem cái chết để thề bồi với con, nhưng chung quy Nhậm vẫn không theo. Kịp khi nghe tin Nhậm đã phát giác việc ấy, Sĩ buồn bực, bèn uống thuốc độc tự tử. Về phần Nhậm, vì có công phát giác, được thăng hữu thị lang bộ Công. Lúc ấy người ta có công rằng: “Sát tứ phụ nhi nhị lang”, nghĩa là giết 4 người cha để mà làm thị lang. Câu ấy là có ý khinh bỉ Thì Nhậm đó.
Lời chua-Ngô [Thì] Nhậm: người làng Tả Thanh Oai3597 , huyện Thanh Oai, là con Ngô [Thì] Sĩ, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775) năm Cảnh Hưng. Sau thờ nhà Tây Sơn, làm quan thượng thư bộ Binh; đến năm Gia Long thứ nhất, bị đánh bằng trượng cho đến chết.
Tứ Phụ: Ý nói Ngô [Thì] Sĩ là thân phụ, thế tử Khải là quân phụ; Khắc Tuân và Xuân Hán là phụ chấp (bạn của bố). (Xuất xứ ở sách cố Lê nhất thống chí). Có thuyết nói: Nguyễn Lệ, Phương Đĩnh và Khắc Tuân đều là phụ chấp của Nhậm, nên gọi là tứ phụ.
Lê Vĩ: Người xã Nhân Mục3598 , huyện Thanh Trì, đỗ hương cống.
Tháng 11, mùa đông. Người thổ nhà Thanh chiếm đất sáu châu ở phủ An Tây.
Mười châu ở phủ An Tây thuộc Hưng Hóa, tiếp giáp với đất đai Vân Nam. Từ khi Hoàng Văn Chất lẻn lút chiếm cứ Thanh Châu, thổ tù sợ khí thế ác ngược của Chất, nên có khi họ xin phụ thuộc ngang tắt sang phương bắc. Không những thế, mà thổ dân nhà Thanh cũng phần nhiều vượt tràn sang chiếm đất ở các châu ấy để ở, thành ra Quảng Lăng và Khiêm Châu bị huyện Kiến Thủy thuộc phủ Khai Hóa chiếm cứ. Triều đình nhiều lần tư giấy biện bạch, chưa được nhà Thanh trả lời. Đến nay, bầy tôi giữ trấn Hưng Hóa lại báo cáo về triều là “Bốn châu Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì và Lễ Tuyền đều bị huyện Kiến Thủy xâm chiếm. Họ cứ thu thuế theo nóc nhà hiện có”. Sâm hợp bầy tôi trong triều làm văn thư gởi sang viên quan ở Vân Quý (Vân Nam-Quý Châu) biện bạch để cương giới hai bên được đúng. Nhưng sau đó, vì Sâm bị bệnh mất, việc ấy bèn thôi. Từ đấy, đất đai sáu châu, suốt thời nhà Lê không sao khôi phục lại được.
Lời chua-Phủ An Tây3599 : Thuộc Hưng Hóa.
Thanh Châu3600 : Nay là châu Ninh Biên.
Mười châu: Đều xem năm Cảnh Hưng thứ 29 (Chb. XLIII, 16).
Phủ Khai Hóa: Thuộc tỉnh Vân Nam, xem năm Cảnh Hưng thứ 35 (Chb. XLIV, 11).
Sáu châu: Tức Quảng Lăng, Khiêm Châu, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì và Lễ Tuyền.
Tân Sửu, năm thứ 42 (1781). (Thanh, năm Càn Long thứ 46).
Tháng 10, mùa đông. Trịnh Sâm lập người con bé là Cán làm thế tử.
Cán mắc bệnh từ khi còn phải bế ẫm, chân tay và thân thể gầy mòn, thuốc thang đều trị mấy năm vẫn không khỏi. Từ khi Khải bị tội, bệnh của Cán ngày một bớt dần, chẩn đậu lại thuận, Sâm lấy làm vui vẽ. Bầy tôi trong kinh, ngoài trấn chúa mừng, đều khuyên Sâm nên sớm lập làm người nối nghiệp, để thống nhất lòng người, Sâm theo lời. Mẹ Sâm là Trịnh Thái Phi Nguyễn Thị nói với Sâm rằng: “Khải với Cán đều là cháu của già này, nhưng già nghĩ cháu Khải đã trưởng thành, mà cháu Cán còn nhỏ tuổi lại quặt quẹo luôn, già mong vương thượng coi tôn miếu xã tắc làm trọng hơn, hãy để trống ngôi kế tự, ngõ hầu Khải có lòng răn chừa; nếu không thế thì đợi khi Cán đến tuổi trưởng thành cũng chưa có gì là muộn”. Sâm nói: “Việc lớn nhà nước, chỉ cốt phó thác được người xứng đáng, nếu bệnh của Cán vẫn không khỏi, thì thà rằng lập Bồng, để trã lại cơ nghiệp cho ngành cà của nhà bác, chứ không đành lòng phó thác cho đứa con bất hiếu làm gì!”. Vì thế thái phi không nói lại nữa. Sâm bèn tâu nhà vua xin lập Cán làm thế tử, lúc ấy Cán mới 5 tuổi. Sâm dùng Huy quận công Hoàng Đình Bảo làm a bảo để nuôi dưỡng giúp đỡ Cán. Sâm mắc bệnh trĩ, ở nhà Kín không ra ngoài. Đặng Thị ở trong cung xếp đặt công việc, bè đảng đều giữ địa vị trọng yếu, mà Cán lại là người thơ ấu nối nghiệp, nên người ta đều có lòng lo ngại.
Lời chua-Ngành cả của nhà bác: Xét Trịnh Giang là con trưởng Trịnh Cương, khoảng năm Vĩnh Hựu (1735-1739) Giang có bệnh, em là Trịnh Doanh tạm giữ chính
quyền, rồi Trịnh Doanh tự lập làm chúa3601 , nhân đấy truyền ngôi cho con là Sâm. Trịnh Bồng, con Trịnh Giang, tức là người anh con nhà bác của Trịnh Sâm, nên gọi là ngành cả nhà bác (bá thị chính hệ).
Nhâm Dần, năm thứ 43 (1782). (Thanh, năm Càn Long thứ 47).
Tháng 4, mùa hạ. Động đất.
Lúc ấy, động đất ở kinh sư vùng Tây Nam. Trịnh Sâm hạ lệnh cho phủ liêu nói thẳng những điều thiếu sót lầm lỗi. Bồi tụng Bùi Huy Bích dâng tờ khải có đoạn nói: “Tôi cuối mong vương thượng đem lòng sáng suốt tự xét trong mình, tìm rộng đến lời dạy bảo của đời cổ, như trong sách Luận ngữ đã dạy” quan quân, thần thần, phụ phụ, tử tử3602 “. Vương thượng nên thung dung bồi dưỡng trong lòng rộng xa mà thân mật, để đón rước lấy khí trung hòa của đất trời, làm cho trời đất có triệu chứng hiện ra mà không có tai biến phản ứng lại, thì hay lắm”. Sâm đọc đi đọc lại hai, ba lần, rồi tủm tỉm cười, nói: “câu nói”quân thần phụ tử” của Huy Bích là có ý khuyên can ta đây”. Sâm trù trừ suy nghĩ hồi lâu, nhưng cũng không thể thay thay đổi được.
Tháng 6. Vũ Miên mất.
Miên bị bệnh nặng, Trịnh Sâm sai trung sứ đến nhà riêng, hỏi những điều mà Miên muốn nói. Miên tự tay viết tờ khải nói: “Quý tử3603 vì huyết khí chưa vững vàng, bị bọn tiễu nhân làm mê hoặc, đến nỗi phạm tội nặng nề; thế tử3604 khi trưởng thành lên nối ngôi trị vì, đấy là phúc muôn năm của tôn miếu xã tắc; vạn nhất mà biến cố xảy ra bất thường, thì họa hoạn sẽ không thể lường được. Việc này tôi vẫn ái náy lo thầm, đến chết cũng không nhắm mắt được. Lại xin vương thượng cắt đứt tình yêu nơi chăn gối, mà định thứ tự con lớn con trẻ cho được đứng đắn, thì may mắn cho thiên hạ lắm”. Đến đây, Vũ Miêu đương làm tả thị lang bộ Binh giữ chức bồi tụng thì mất, được truy tặng hàm thượng thư, đặt tên thụy là Ôn Cẩn.
Tháng 9, mùa thu. Trịnh Sâm mất.
Từ mấy năm trở lại đây, bệnh cũ của Sâm luôn luôn phát sinh, rất sợ nắng gió, thường ở trong cung sâu kín, ban ngày cũng phải đốt nến, nếu không phải ngày đại triều hội, không bao giờ ra ngoài. Đến nay bệnh thêm nguy kịch, Đặng Thị ngày đêm ở bênh cạnh; về hàng đại thần, chỉ có Đình Bảo, Danh Thùy và Đình Châu mấy người được ra vào mà thôi. Đặng Thị nói với Sâm rằng: “Thiếp nhờ ơn vương thượng yêu đương quyến luyến bội phần, nay trăm tội đỗ lên đầu thiếp, không biết một ngày kia mẹ con thiếp sẽ gửi thân vào nơi nào?”. Sâm an ủi nói: “Danh vị thái tử đã ấn định rồi, sau này nước là nước của thế tử, còn phải lo lắng gì nữa?”. Sâm lại quay bảo Đình Bảo rằng: “Nhà ngươi cố sức bảo hộ thế tử để yên lòng ta”. Đình Bảo thưa rằng: “Tôi đâu dám chẳng hết lòng, cùng lắm thì đem cái chết để báo ơn chúa. Nhưng xin ngay bây giờ cho thế tử nối ngôi và sách phong chính cung Tuyên Phi cùng tham dự xét đoán công việc chính trị, để có mệnh lệnh sẵn sàng”. Sâm nói: “Nhà ngươi nói đúng, nhà ngươi cần phải giúp sức”. Đình Bảo nói rằng: “Nhận lời trối trăn lại để giúp việc chính trị, tôi không dám đảm đang một mình, Trịnh Kiều, người rất thân trong họ nhà chúa; Nguyễn Hoàn, bậc sư bảo đại thần; Lê Đình Châu và Phan Lê Phiên đều ở trong chính phủ vẫn có danh dự đức vọng; Trần Xuân Huy và Tạ Danh Thùy đều là a bảo tín thần. Xin cho các viên ấy cùng tôi vâng chịu cố mệnh”3605 . Sâm y cho, bèn sai Lê Phiên viết tờ cố mệnh, Nhữ Công Điền viết chế sách về Tuyên Phi Đặng Thị. Khi viết xong, Đình Bảo để trong tay áo, vào phủ đường, xin Sâm phê chữ. Lúc ấy bệnh Sâm đã gần tắt thở, bèn cho triệu bọn
Trịnh Kiều và Nguyễn Hoàn vào nhận cố mệnh. Khi bọn Kiều vào, Sâm vừa khóc vừa nói: “Tiễu tử này mắc bệnh không sống được nữa. Nay thế tử Cán nối ngôi, rất mong thúc phụ và sư thần3606 cùng lòng giúp rập, vượt qua trong buổi khó khăn”. Đình Bảo nhân lấy tờ thư trong tay áo ra dâng trình, Sâm xua tay gạt đi. Đình Bảo nói: “Thư cố mệnh còn chưa ghi tên (tức tên của thế tử), xin cho vương thân là Trịnh Kiều ghi tên thay”. Sâm gật đầu. Kiều nghi tên [thế tử] xong, liền dâng trình, thì Sâm đã nhắm mắt rồi, không biết gì nữa. Lúc mất, Sâm 41 tuổi.
Đình Bảo đem thư cố mệnh và chế sách của Tuyên Phi giao cho Danh Thùy truyền đi các nơi và đệ ra chính phủ, rồi tâu xin nhà vua: lập Cán làm Điện Đô vương; Tuyên Phi Đặng Thị cùng tham dự xét đoán công viei65c chính trị; truy tôn Sâm làm Thịnh vương. Lúc ấy, Cán còn nhỏ, tuổi lại có bệnh, lòng người nôn nao lo sợ, trong triều đình, nơi thôn dã ai cũng biết họa loạn xảy ra chỉ trong khoàng sớm tối. Đình Bảo một mình chuyên nắm chính quyền trong nước, hắn vẫn giữ thái độ thản nhiên không để ý gì cả. Còn bọn Trịnh Kiều và Nguyễn Hoàn sáu người chỉ làm cho đủ ngạch viên chức mà thôi.
Lời phê-Sở dĩ đến nỗi thế, đều do ác báo! Lời chua-Trịnh Kiều: Con thứ năm Trịnh Cương, tức là chú ruột Trịnh Sâm.
Nhữ Công Điền: Người xã Hoạch Trạch, huyện Đường Yên3607 , con Nhữ Đình Toản, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1772) năm Cảnh Hưng.
Trần Xuân Huy: Hoạn quan, người xã Khoái Lạc, huyện Thiên Bản3608 .
Tạ Danh Thùy: Hoạn quan, người xã Khương Thượng, huyện Yên Mô3609 .
Tháng 10, mùa đông. Binh lính tam phủ nổi loạn, truất Trịnh Cán, lập Trịnh Khải.
Sau khi Cán đã lập làm chúa, Đặng Thị bắt Khải ra ở nhà tả xuyên, giam giữ cấm đoán rất nghiêm ngặt. Dương Thị, mẹ Khải, e rằng Khải không không tự bảo toàn được tính mạng, bèn sai người đến kêu xin Đình Bảo thương tình. Đình Bảo khóc nói: “Đình Bảo này thờ tiên vương, rất được đội ơn yêu dấu. Quý tử3610 là con của tiên vương ta, nếu ta dám có lòng nào, sẽ bị trời tru đất diệt”. Từ đấy, việc giam giữ áp chế được nới rộng một chút, nhân đấy, gia thần của Khải dần dần được ra vào chỗ Khải bị giam.
Cán tuy được lập làm chúa, nhưng lòng người không ủng hộ, lại vì Đình Bảo bè đảng phụ họa với Đặng Thị, nên ai cũng ghét. Họ quần tụ ở đầu đường xó chợ bàn tán: có người nói Đình Bảo mưu toan làm việc trái phép; có người nói tân vương bị bệnh nặng, Đình Bảo tư thông với Đặng Thị, lập mưu để giết quý tử3611 . Lời ngoa truyền phao đi khắp nọi nơi, không sao ngăn cấm được.
Dự Vũ, bầy tôi của Khải, lẻn vào chỗ các quân sĩ uống rượu, nói vụng với quân sĩ rằng: “Thế tử của tiên vương không tội trạng gì, chỉ vì Đặng Thị là người đàn bà ác nghiệt, làm mê hoặc tiên vương để cướp ngôi cho con; Đình Bảo vốn có chí làm phản, hắn lợi dụng tân vương còn thơ ấu để áp chế, nên phụ hoạ với Đặng Thị để thành cái kế cướp ngôi. Nay tân vương bị bệnh nguy kịch, tất nhiên xảy ra họa loạn. Các quân sĩ đều là người cũ ở nơi thang mộc3612 , làm nanh vuốt của nước, vốn giữ lòng trung nghĩa, nếu một bụng tôn phò, yên định được nhà chúa, thì tên tuổi sẽ chép trong thư đỏ, khoán sắt3613 , công ấy
còn gì lớn hơn?”. Quân sĩ đều tức bực cảm khích, họ ước hẹn nhau hội hợp riêng ở chùa Khán Sơn, bí mật mưu tính thi hành công việc, nhưng chỉ ngại về uy quyền thế lực của Đình Bảo, bàn tính chưa nghĩ ra mưu mẹo gì. Lúc ấy, trong chỗ các quân ngồi, có Nguyễn Bằng, quân lại trong đội Tiệp Bảo, một mình mạnh dạn nói: “Các quân sĩ nếu định một lòng làm việc này, thì chẳng qua cứ đợi xong lễ tế điện buổi sáng, trong phủ đường nổi hiệu ba hồi trống, chúng mình sấn đến lôi nó ra quật cho ngã xuống, thế là xong việc, có gì là khó khăn?”. Mọi người đều mừng, bèn cử Nguyễn Bằng làm người đứng đầu, cùng nhau uống máu ăn thề, bàn tính không dự định nhật kỳ, chỉ hẹn nhau hễ nghe tiếng trống trong phủ đường, thì nhất tề khời sự.
Mưu mô bí mật đã định xong. Lúc ấy có viên ngoại lang Bùi Bật Trực biết chuyện, bèn đem việc này bảo cho Nguyễn Trọng Chiểu, là con Nguyễn Trọng Viêm biết, để Trọng Chiểu dự vào cuộc hợp, mà hắn tự đứng giới thiệu, để mong lập công. Nhân đấy, Bật Trực bảo các quân sĩ rằng: “Việc này quan hệ rất to, cần phải nhờ quốc cữu (tức Nguyễn Trọng Viêm, em Trịnh Thái Phi) tâu lên thái phi rõ. Vạn Nhất mà Đình Bảo biết chuyện, thì cứ nói là có mệnh lệnh bí mật của thái phi, rồi cử sự một cách minh bạch, như thế là hơn”. Quân sĩ theo lời, bọ bèn sai Bật Trực đem việc này đến nói kính với Trọng Viêm, Trọng Viêm lại đem nói với Nguyễn Hoàn. Hoàn muốn theo như việc cũ của Trịnh Doanh, xin hạ lệnh cho Khải tạm giữ chính quyền, để yên lòng quân sĩ. Trọng Viêm vào tâu thái phi Nguyễn Thị, thái phi sai người nói với Đình Bảo. Đình Bảo nói: “Tiên vương có hai người con, nếu tân vương vì bệnh không khỏi, thì ngôi báu tự nhiên thuộc quyền quý tử. Còn như việc cho quý tử tạm giữ chính quyền tức là đi dần đến chỗ cướp ngôi đấy. Tôi vâng nhận lời phó thác của tiên vương trối lại, việc ấy tôi không dám vâng theo mệnh lệnh”. Trọng Viêm e rằng việc này mà tiết lộ, mình sẽ bị vạ lây, bàn mưu với Nguyễn Hoàn. Nguyễn Hoàn nói: “Việc đã như thế, để mặc các quân sĩ muốn làm thế nào thì làm”. Trong kinh thành huyên truyền ầm lên rằng: “Tất nhiên quân sĩ gây ra sự biến loạn”. Duy Đình Bảo vẫn yên nhiên, không biết gì cả.
Sáng ngày 24 tháng ấy, Nguyễn Bằng đi tắt lên trên lầu phủ đường, đánh trống, các quân sĩ họp tập đông đủ, tuốt trần mủi gươm, ồ ạt xông tràn vào. Đình Bảo tay cầm kiếm, ngồi trên lưng voi, ngăn giữ cửa phủ để đánh chặn lại, quân sĩ tranh nhau dùng gạch đá ném chết, em Đình Bảo là Vũ Khanh hầu Hoàn Lương cũng bị loạn quân giết. Quân sĩ bèn đem nhau đến sở giam, phò Trịnh Khải ra ngồi phủ đường, rồi lấy chỉ dụ của Nguyễn Thái Phi tâu xin mệnh lệnh nhà vua lập Khải làm nguyên soái Đoan Nam Vương, truất Cán làm Cung quốc công. Sau đó, Cán bị bệnh chết.
Quân sĩ hoành hành cướp bóc, phàm tộc thuộc hai nhà họ Đặng, họ Hoàng và những nhà trước kia phát giác việc Trịnh Khải, họ cướp phá hầu hết. Kinh thành rối loạn, mấy hôm sau mới được yên ổn.
Quân sĩ cậy công cứ đòi ban thưởng mãi, bèn bàn định phong Nguyễn Bằng làm suy trung dực vận công thần phong cho tước hầu; 30 người nhóm cuộc hội bàn đầu tiên là bọn quân lại Nguyễn Trù được đặc biệt thăng thưởng; còn các quân thủy, quân bộ trong kinh ngoài trấn đều được thăng chức một bậc, và đều được ban thưởng tiền bạc có người nhiều người ít khác nhau. Lại rộng cấp cho mỗi người một đạo “không đầu sắc”, cho phép họ được nhường cho thân thuộc, để tỏ ra việc đền công một cách phi thường. Từ đấy, kiêu binh ngày càng càn rỡ, viên quan cai quản không thể nào thống trị khống chế được, chỉ ràng buộc lỏng lẻo mà thôi.
Lời phê-Cuối đời Lê Trịnh, cái tệ kiêu binh lại hơn đời Ngũ Đại3614 , sở dĩ đến như thế đều là do danh nghĩa chức phận không rõ ràng. Thế mới biết xây dựng một nước mà không dùng lễ nghĩa, thì làm thế nào mà không loạn vong!
Lời chua-Nguyễn Trọng Viêm: Người xã Linh Đường3615 , huyện Thanh Trì.
Bùi Bật Trực: Người xã An Đồng, huyện La Sơn3616 , đỗ hương cống.
Nguyễn Bằng: Người xã Nộn Liễu, huyện Nam Đường3617 .
Nguyễn Trù: Người xã Phật Kệ, huyện Nam Đường.
Quân Lại: Cũng như người thư lại trong các đội quân bây giờ.
Binh lính tam phủ: Theo “Binh chế chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì từ năm Thận Đức, Hoằng Định (1600-1618) trở về sau, định chế độ quân lính: Các quân lính đóng ở kinh thành để chầu chực bảo vệ chuyên dùng lính ba phủ thuộc Thanh Hoa3618 và 12 huyện thuộc Nghệ An3619 . Có lẽ vì thế nên Thanh Nghệ ưu binh gọi chung là Tam phủ.
Đội Tiệp Bảo: Tức thân binh hầu hạ.
Không đầu sắc lệnh: Như các chức Tri sự, Phó sở, Thiên hộ, Bá hộ, chỉ viết có sắc lệnh, còn họ tên người được sắc lệnh ấy vẫn để trống.
Chùa Khán Sơn: Ở trên núi Khán Sơn, trong thành Thăng Long, chùa ấy nay đã bỏ.
Tháng 1. Trên không trung có tiếng vang như sấm.
Ngày rằm tháng ấy, không có mây mưa, mà trên không trung có tiếng vang lớn kinh thiên động địa, hơn một khắc mới thôi.
Nguyễn Hữu Chỉnh. Quản lãnh cơ Tiên ninh trấn Nghệ An, trốn đi đầu hàng Tây Sơn.
Hữu Chỉnh, lúc trẻ tuổi đỗ Hương tiến, là người hào phóng không bó buộc vào khuôn phép. Du lịch kinh sư, Hữu Chỉnh vào yết kiến Hoàng Ngũ Phúc. Ngũ Phúc khen là có tài khác thường, dùng làm gia khách. Khi Ngũ Phúc vào xâm lấn trong Nam, cho Hữu Chỉnh đi theo quân thứ, giữ công việc thư ký, rồi sai đến Tây Sơn khuyên Văn Nhạc quy thuận với triều đình, được Văn Nhạc kính trọng. Sau theo Hoàng Đình Bảo đánh giặc biển có công, đổi bổ sang quản lãnh đội Tuần hải, rồi chuyển bổ quản lãnh cơ Tiền ninh thuộc trấn Nghệ An.
Đến nay, binh lính trong kinh thành nổi loạn, môn hạ của Hữu Chỉnh là Hoàng Viết Tuyển từ Sơn Nam vượt biển vào báo cho Hữu Chỉnh biết việc ấy. Hữu Chỉnh bàn với trấn thủ Vũ Tá Dao. Tá Dao là em rễ Đình Bảo, hỏi Chỉnh: “Bây giờ bàn tính thế nào?” Hữu Chỉnh nói: “Trấn Nghệ An này giáp giới Thanh Thuận Hóa, mà Hoàng Đình Thể, phó tướng Phú Xuân, Khôi Thọ đồn tướng Động Hải, đều là thuộc tướng của tiên công3620 ta, cùng ta có tình nghĩa đồng châu3621 . Nay tướng công nên viết mật thư bảo Đình Thể, để Đình Thể dùng kế giết viên đại tướng đi mà chiếm lấy thành, thì tất nhiên Khôi Thọ sẽ đem Động Hải hưởng ứng về ta. Về phần ta, thì tướng công chiếm lấy trấn Nghệ An này, cùng họ gắn bó như môi với răng, rồi chặn lấp con đường Hoàng Mai, đóng trọng binh ở Quỳnh Lưu, làm kế cố thủ. Còn việc phòng thủ mặt biển, tôi tự xin đảm đang. Nếu tướng công làm được như thế, không những thoát khỏi họa hoạn mà tất có công lao phi thường”.Tá Dao nói: “Ta không thể làm việc ấy được, xin nghĩ kế thứ hai”. Hữu Chỉnh nói: “Trừ kế ấy ra, chỉ còn cách bỏ trấn này mà đi thôi”. Tá Dao nói: “Đi đâu bây giờ?” Hữu Chỉnh lại nói: “Thiên hạ có hàng vạn nước, lo gì không có chỗ nương thân? Nếu còn trù trừ một chút, thì đạo quân phái đi bắt, sẽ kéo đến ngay bây giờ đấy”. Tá Dao còn ngẫm nghĩ chưa quả quyết đường nào. Hữu Chỉnh bèn về nhà, cùng Hoàng Viết Tuyển dắt díu gia quyến vượt biển chạy vào Quy Nhơn, đầu hàng Văn Nhạc. Văn Nhạc được Hữu Chỉnh mừng lắm, đãi làm bậc thượng khách. Hữu Chỉnh đem tình hình trong nước báo cáo cho giặc biết, rồi hắn chuyên tâm rình chỗ sơ hỡ để toan tính việc báo
thù cũ. Hắn khuyên Văn Nhạc chứa lương thực, sắm khí giới, kén chọn khuyến khích tướng súy, giáo dục luyện tập sĩ tốt, để mưu tính việc lấy Thuận Hóa.
Lời chua-Vũ Tá Dao: Người xã Hà Hoàng3622 , huyện Thạch Hà, đỗ tạo sĩ.
Hoàng Viết Tuyển: Người xã Vạn Phân, huyện Đông Thành3623 .
Quy Nhơn: Nay là tỉnh Bình Định, xem năm thứ 36 ở trên (Chb. XLIV, 24).
Tháng 12. Quận công Trịnh Kiều, tham tụng Phan Lê Phiên và tri Lại phiên Nhữ Công Điền đều bị bãi chức.
Trước kia, Trịnh Sâm bị bệnh nặng, cho con là Cán nối ngôi, sai bọn Phan Lê Phiên viết thư cố mệnh của Trịnh Sâm và chế sách về Tuyên Phi Đặng Thị. Khi thư cố mệnh đã viết xong, Sâm không thể phê chữ [“Cán”] vào thư được nữa, sai Trịnh Kiều viết thay. Đến nay, Trịnh Khải đưa thư cố mệnh ấy ra, trong thư có chữ thái phi Nguyễn Thị phê rằng: “Không phải chữ chính tay tiên vương viết, không lấy gì làm bằng cứ, giao xuống cho chính phủ bàn luận”. Thiêm sai Phạm Nguyễn Du làm lời luận “quốc thị”3624 đại lược nói: “Việc lập Điện đô vương và hạ lệnh cho Tuyên Phi cùng xét đoán việc nước, đều là lời trối trăn lầm lẫn trong lúc Thịnh vương sắp mất, không thể coi là chính đáng được. Nay thái phi lấy địa vị người mẹ thay đỗi việc làm của con, rất hợp sự lý đúng đắn. Xin truy xét tội bầy tôi phụ họa, làm sáng tỏ nghiêm chỉnh điển hình trong nước”. Vì thế, bọn Trịnh Kiều đều can tội thiên tiện ra mệnh lệnh, bị bãi chức. Lại truất Đặng Thị làm thứ nhân, sau Đặng Thị uống thuốc chết.
3551 Nay là tỉnh Quảng Nam.
3552 Nay là tỉnh Phú Yên.
3553 Nay là tỉnh Bình Thuận.
3554 Nay là xã Đại Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
3555 Nay là huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
3556 Nay thuộc tỉnh Quảng Bình.
3557 Nay thuộc tỉnh Quảng Bình.
3558 Nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
3559 Tức hương cống triều Lê và sau này triều Nguyễn đổi là cử nhân.
3560 Xem lời chua của Cương mục ở dưới.
3561 Có lẽ họ cho rằng tên “Đăng Bảo” tức là đăng bảo vị (lên ngôi báu), nên họ mới bàn tán.
3562 Bốn chữ “Thảo nhất điền bát” đem chắp liền với nhau, thành một chữ “hoàng” tức là họ của Đình Bảo.
3563 Ý nói: mượn lời sấm để mong làm việc trái với bổn phận. Trong câu này có hai chữ “nhiễm nguyên”, tác giả dùng điển trong sách Tả truyện. Thời Xuân Thu, Trịnh Lịnh Công sai nhà bếp nấu thịt ba ba, cho triệu đại phu là Tử Công vào, nhưng không cho ăn. Tử Công giận lắm, thò tay vào vạc lấy thịt ba ba ăn rồi hằm hằm đi ra, sau Trịnh Lịnh Công bị Tử Công giết. Vì thế người ta dùng danh từ “nhiễm chi” hoặc “nhiễm nguyên”, để nói về người muốn chấm mút thứ gì mà bổn phận mình không được hưởng thụ.
3564 Câu này có chữ “thỉ” là con lợn và “dương” là con dê. Theo thuyết nhà thuật số thì 12 hàng chi đều có cầm tinh một con vật, ví dụ người đẻ năm tý tức cầm tinh con chuột, đẻ năm sửu tức cầm tinh con trâu v.v… Ở đây vì Đình Bảo tuổi Hợi nên tác giả dùng chữ “thỉ nhất”; hai bố con Sâm và Khải đều tuổi Mùi nên dùng chữ “dương quần”.
3565 Ý nói: Thổi phồng lời đồng dao mà làm việc xuẩn động.
3566 Nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
3567 Nay là huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
3568 Nay là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
3569 Ý nói, lúc ấy bầy tôi nhà Lê đều là hạng tầm thường, không khác gì đàn gà, chỉ Vũ Trần Thiệu là người có khí tiết khác thường. Ví như chim hạc.
3570 Nay đều thuộc tỉnh Nghệ An.
3571 Xem thêm Chính biên cuốn XLIV, tờ 21.
3572 Xem thêm Chính biên cuốn XLIV, tờ 27, 28.
3573 Xem Thêm Chính biên quyển XLIV, tờ 24.
3574 Tục gọi làng Vòng. Nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
3575 Nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.
3576 Xem chú thích số 1, Chính biên quyển XXXV, tờ 33.
3577 Binh lính sử dụng thuyền, đánh nhau ở sông biển.
3578 Nay là xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
3579 Nay là huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.
3580 Nay là xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
3581 Nay Giao Thủy thuộc Nam Định. Chân Định thuộc Thái Bình.
3582 Nay là xã Bách Thuận thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
3583 Tháng 8 âm lịch.
3584 Nay thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên.
3585 Tức hoạn quan.
3586 Con gái Trịnh Doanh.
3587 Nay là thôn Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
3588 Nay là Chương Mỹ, thuộc tỉnh Hà Tây.
3589 Nay thuộc tỉnh Hà Giang.
3590 Tham khảo Lê sử bổ (sách chép tay, không có tên tác giả) thì thịnh khoa tức là ân khoa (chế độ thi cử thời phong kiến, khoa thi hương, thi hội đã có từng năm nhất định, nhưng năm nào vua chúa có sự vui mừng gì đó, thì gia ân mở thêm một khoa gọi là ân khoa). Trước kia chúa Trịnh định mở ân khoa, nhưng chưa quả quyết cử hành, nay Trịnh Sâm tự mở khoa thi gọi là thịnh khoa; như thế là Trịnh Sâm có ý xâm lấn cả ân điển và thi cử của vua nhà Lê.
3591 Tỉnh Hà Tây.
3592 Nay là thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
3593 Xem thêm Chính biên, quyển XXVII, tờ 20, 21.
3594 Thời đại Tần Thủy Hoàng, Triệu Cao giữ chức lang trung lệnh, Lý Tư giữ chức tả thừa tướng. Khi Thủy Hoàng đi tuần du, đem người con nhỏ được cưng chiều là Hồ Hợi đi theo, rồi Thủy Hoàng bị bệnh mất ở Sa Khâu, Triệu Cao bàn với Lý Tư lập Hồ Hợi làm vua mà phế truất thế tử là Phù Tô (Tăng Bình lịch sử cương mục bổ, quyển IV, tờ 5).
3595 Tức trấn Sơn Tây và Kinh Bắc.
3596 Nguyên văn chép là “Ngô Nhâm” vì sử thần triều Nguyễn tránh tên húy Tự Đức, nên bỏ chữ “Thì” đi và đổi chữ “Nhậm” làm chữ “Nhâm”. Ở đây chúng tôi dịch đúng tên là “Ngô Thì Nhậm”.
3597 Nay là thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
3598 Tức làng Mọc, nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội.
3599 Nay thuộc tỉnh Lai Châu.
3600 Nay là huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu.
3601 Xem thêm Chính biên quyển XXXVIII, tờ 17-19.
3602 Ý nói: ông vua giữ hết đạo làm vua, bầy tôi giữ hết đạo làm tôi, cha giữ hết đạo làm cha, con giữ hết đạo làm con. Câu của Khổng Tử trả lời Tề Cảnh Công, chép trong thiên “nhan uyên” sách Luận ngữ.
3603 Chỉ Trịnh Khải bị truất làm con út (quý tử).
3604 Chỉ Trịnh Cán-Đoạn văn này Cương mục chép không rõ, tham khảo Lê sử bổ chép: “Thế tử tuổi thơ ấu, lại mắc bệnh. Vậy xin vương thượng giữ gìn tôn thế. Khi trăm tuổi về già, trưởng tử đả trưởng thành lên nối nghiệp, đấy là một sự may mắn cho xã tắc tôn miếu”. Chép như thế có phần rõ hơn.
3605 Xem chú thích số 4. Chính biên quyển V, tờ 20.
3606 Nguyễn Hoàn đối với Sâm, nói về tình thầy trò, thì Hoàn là thầy dạy Sâm học, đã phong cho Hoàn là quốc sư; nói về nghĩa vua tôi, thì Hoàn là bầy tôi của Sâm. Vì thế nên gọi là sư thần.
3607 Nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
3608 Nay là Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
3609 Nay thuộc tỉnh Ninh Bình.
3610 Chỉ Trịnh Khải.
3611 Chỉ Trịnh Khải.
3612 Xem chú thích số 1. Chính biên quyển XXXVI, tờ 15.
3613 Nguyên văn chép “đan thư thiết khoán”: Văn thư viết bằng son, khoán ước chế bằng sắt, đời cổ dùng ban cho bầy tôi có công, để truyền cho con cháu được miễn tội.
3614 Tức 5 triều: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu ở Trung Quốc (907-960).
3615 Nay là thôn Linh Đàm, xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
3616 Nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
3617 Nay là huyện Nam Đàn, tỉnh Hà Tĩnh.
3618 Tức ba phủ Thiệu Thiên, Hà Trung và Tĩnh Gia.
3619 Tức sáu huyện: Thiên Lộc, La Phúc, Chân Phúc, Thanh Chương, Hương Sơn, Nghi Xuân thuộc phủ Đức Quang, hai huyện Đông Thành, Quỳnh Lưu thuộc phủ Diễn Châu, hai huyện Hưng Nguyên, Nam Đường thuộc phủ Anh Đô, hai huyện Thạch Hà, Kỳ Hoa thuộc phủ Hà Hoa.
3620 Chỉ Hoàng Ngũ Phúc.
3621 Ý nói tình nghĩa bạn bè tâm đầu ý hợp, thời đại Tam Quốc. Lý Ứng và Quách Thái nổi tiếng ở kinh sư, hai người kết bạn thân với nhau. Khi Lý Ứng thôi làm quan về nhà, bạn bè ra sông tiễn biệt có hàng ngàn người. Lý Ứng chỉ cùng Quách Thái đi chung một con thuyền mà về. Vì thế, sau này người ta dùng chữ “đồng châu” để nói về tình bạn bè chí thiết.
3622 Nay là thôn Hạ Hoàng, xã Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Tỉnh Hà Tỉnh.
3623 Nay thuộc tỉnh Nghệ An.
3624 Cũng như quốc kế.