Menu Đóng

Chính Biên 28

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ 28

Từ Kỷ Dậu, Lê Trung Tông, năm Thuận Bình thứ 1 (1549) đến Nhâm Thân, Lê Anh Tông năm Hồng Phúc thứ 1 (1572), gồm 24 năm.

Kỷ Dậu, Lê Trung Tông Vũ hoàng đế, năm Thuận Bình thứ 1 (1549). (Mạc, năm Cảnh Lịch thứ 2 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 28 ). Mạc Phúc Nguyên di cư ra ngoại thành Thăng Long (không rõ tháng nào ).

Trước kia, khi Phúc Hải chết, tước Tứ Dương hầu bên ngụy2540 là Phạm Tử Nghi định lập Ngụy Hoằng vương chính Trung làm chúa, nhưng không thực hiện được. Tử Nghi bèn đen Chính Trung đến làng Hoa Dương thuộc huyện Ngự Thiên.

Tướng ngụy là bọn Mạc Kính Điển và Nguyễn Kính xuất quân đi đánh. Tử Nghi xuất kỳ bất ý, đánh bại bọn Kính Điển rồi nói phao lên rằng sẽ tiến quân đánh lấy Đông Kinh. Người Mạc hoang mang sợ hãi. Phúc Nguyên bèn bỏ Thăng Long, di cư ra ngoại thành.

Về sau Tử Nghi đánh nhiều lần không được, bèn đem Chính Trung ra chiếm cứ Yên Quảng, lúc ẩn, lúc hiện, khuấy nhiễu cướp bóc miền Hải Dương: phần nhiều cư dân bị tai hại, số người phải xiêu giạt đến quá nửa. Quân gia Tử Nghi lại tràn sang cướp bóc ở bờ cõi nhà Minh. Người Minh trách móc chất vấn về việc này. Phúc Nguyên sợ, phải sai bọn Kính Điển dốc quân đi đánh: Tử Nghi bị chém. Chính Trung phải chạy rồi chết.

Lời chua – Thăng Long: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chb. II, 9 – 10 ).

Ngự Thiên: Xem Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 17 (Chb. V, 8 ).

Hoa Dương: Nay là xã Trác Dương thuộc huyện Hưng Nhân, phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên2541 .

Yên Quảng, Hải Dương: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 24 – 25. 29 – 30 ).

Chính Trung: Con thứ Mạc Đăng Dung.

Phạm Tử Nghi: Người Trung Hành, huyện An Dương2542 .

Kính Điển: Em của Phúc Hải.

Canh Tuất, năm thứ 2 (1550). (Mạc, năm Cảnh Lịch thứ 3 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 29 ). tướng Mạc là bọn Lê Bá Ly và Nguyễn Thiến đầu hàng.

Thái Tể Lê Bá Ly, tướng Nam Đạo nhà Mạc, tước Phụng quốc công, cầm giữ binh quyền, tham nghị triều chính. Con là Khắc Thận, tước Phổ quận công, tiết chế Sơn Nam thượng lộ kiêm giữ công việc

trong phủ Đô đốc Nam quân. Com rể là Văn Phái hầu, Nguyễn Quyện, giữ quân vệ Phù Nam. Thông gia là Thư quận công, Nguyễn Thiến, làm Lại bộ thượng thư. Thân thích và bè đảng của Bá Ly chằng chịt khắp nơi, câu kết với nhau, uy thế thật là hách dịch.

Khắc Thận ở Sơn Nam lại làm cửa cao nhà rộng, tiến dùng kiệu sơn son và lọng vàng.

Hạng bầy tôi được cưng chiều của nhà Mạc là bọn Vinh quốc công Phạm Quỳnh và con là Tung Xuyên hầu Phạm Dao, nhân đó, nói với Phúc Nguyên rằng cha con Bá Ly có ý mưu phản. Phúc Nguyên bèn sai bọn Quỳnh xuất quân để vây bắt Bá Ly.

Phúc Nguyên lại ngờ Nguyễn Thiến đồng mưu, nên định vây bắt luôn cả một thể.

Bọn Bá Ly cưỡng ép quân lính phải chống lại và cố thủ; lại gởi thư cầu cứu nơi Khắc Thận và bè đảng là Thụy quốc công Nguyễn Khải Khang.

Phúc Nguyên sợ, bèn sai sứ giả đi dụ Bá Ly. Bá Ly yêu cầu rằng hễ bắt cả cha con Quỳnh và Dao đưa đến cho Bá Ly, thì tức khắc bãi binh và xin chịu tội.

Phúc Nguyên không nghe. Bấy giờ bọn Bá Ly, Nguyễn Thiến cùng với con là Khắc Thận, Quyện, Miễn và bè đảng là Khải Khang đều đem quân bản bộ vài trăm người, nhân ban đêm, trốn vào Thanh Hoa, đầu hàng.

Nhà vua ban thưởng và yên ủi, cho ai nấy vẫn cứ giữ nguyên quan tước cũ. Về sau, Nguyễn Thiến chết, con là Quyện và Miễn lại trốn về với nhà Mạc. Nhà Mạc lại dùng một cách cưng chiều. Khải Khang theo Trịnh Kiểm đi đánh Sơn Nam.. Nhà Mạc sai người đi chiêu dụ được Khải Khang quay về với Mạc, rồi giết chết.

Lời chua – Bá Ly: Người làng Cổ Phạm, huyện Đông Sơn, thuộc Thanh Hoa, nhà ở tại làng Thịnh Liệt.

Quỳnh, Dao: Người Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì2543 .

Nguyễn Thiến: Người làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai2544 , đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1532), năm Đại Chính nhà Mạc2545 .

Tân Hợi, năm thứ 3 (1551). (Mạc, năm Cảnh Lịch thứ 4. Minh, năm Gia Tĩnh thứ 30 ). Nhà vua sai quân ra đánh Đông Kinh. Mạc Phúc Nguyên chạy đi Kim Thành.

Thái sư Trịnh Kiểm sai bọn Lê Bá Ly, tướng Mạc đã hàng, và Vũ Văn Mật, tướng bản thổ Tuyên Quang, tấn công Đông Kinh. Phúc Nguyên chạy đi Kim Thành, để Kính Điển làm Đô tổng súy, ở lại cầm quân chống giữ Kinh Đô.

Lời chua – Đông Kinh: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 3 (Chb. XV, 26 ).

Kim Thành: Tên huyện, xưa là Trà Hương. Xem thuộc Tấn2546 , Tề vương, năm Khai Vận thứ 2 (Tb. V, 22 ).

Vũ Văn Mật: Người Ba Đông, huyện Gia Lộc2547 .

Nhâm Tý, năm thứ 4 (1552). (Mạc, năm Cảnh Lịch thứ 5 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 31 ).

Quý Sửu, năm thứ 5 (1553). (Mạc, năm Cảnh Lịch thứ 6 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 32 ). Dời hành tại2543 đến An Tràng (trường ).

Lời chua – An Tràng: Tên xã, thuộc huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoa.

Giáp Dần, năm thứ 6 (1554). (Mạc, năm Quang Bảo thứ 1 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 33 ). Thái sư Kiểm dời đồn đến đóng tại Biện Thượng.

Lời chua – Biện Thượng: Tên xã, thuộc huyện Vĩnh Lộc, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoa.

Bắt đầu mở chế khoa.

Ban cho bọn Đinh Bạt Tụy 5 người được đỗ đệ nhất giáp chế khoa xuất thân, bọn Chu Quang Trứ 8 người được đỗ đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân.

Lời chua – Chế khoa: Theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn thì thể lệ thi cử thời Lê quy định thế này: những năm tý, ngọ, mão, dậu, là khoa thi hương; những năm thìn, tuất, sửu, mùi, là khoa thi hội. Nhưng khi nào bất thần nhà vua có bài chế ban xuống đặc biệt cho mở khoa thi thì là chế khoa. Phép thi chế khoa cũng giống khoa thi hội (có kinh nghĩa, tứ lục2549 , thơ, phú và văn sách ).

Đinh Bạt Tụy: Người Bùi Khổng, huyện Hưng Nguyên2550 .

Chu Quang Trứ: Người Nam Hoa thượng, huyện Thanh Chương2551 .

Ất Mão, năm thứ 7 (1555). (Mạc, năm Quang Bảo thứ 2 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 34 ).

Tháng 8, mùa thu. Mạc Kính Điển vào cướp Thanh Hoa. Thái sư Trịnh Kiểm đánh bại quân Mạc.

Phúc Nguyên sai Kính Điển đem quân vào cướp Thanh Hoa. Quận Thọ (không rõ tên ) quản lãnh chu sư với hơn trăm chiếc thuyền chiến, làm tiên phong, tiến đóng ở cửa biển Thần Phù. Ngày hôm sau, Kính Điển đem quân đến hội ở Đại Lại giang, sai Quận Thọ tiến quân, đóng ở Kim Sơn.

Hay tin này, thái sư Kiểm bèn hội hợp các tướng để bàn mưu chước, rồi sau dụ bảo cư dân ở ven sông không được kinh hãi náo động. Đinh Công thì đốc xuất các hàng tướng là bọn Lê Bá Ly, Nguyễn Khải Khang, Nguyễn Thiến và Lê Khắc Thận ai nấy đem quân bản bộ mai phục ở phía nam sông; từ núi An Định đến núi Quân An. Còn Trịnh Kiểm thì chính mình đốc suất đại quân mai phục ở phía bắc sông; từ núi Bạch Thạch đến núi Kim Sơn.

Quận Quảng, Phạm Đốc, quản lãnh thủy quân, đốc suất bọn hàng tướng Nguyễn Quyện với hơn 10 chiếc chiến thuyền đóng giữ thượng lưu từ sông Hữu Chấp xuống đến sông Kim Bôi, đi đi lại lại để giúp thanh thế.

Ngày hôm sau, thuyền quân giặc trẩy qua chợ Ông Cung ở Kim Sơn: trong thuyền ca hát, thổi sáo nhộn nhịp tưng bừng, không tỏ ra có chút phòng bị gì cả. Trưa đến, quân địch tới núi Quân An, thì hỏa pháp hai bên bờ sông bắn ra liền liền. Trịnh Kiểm tung quân ra hăng hái đánh. Voi trận ở phía hạ lưu vượt được qua sông đánh chặn ở đằng sau. Binh thuyền của bọn Phạm Đốc và Nguyễn Quyện cũng đồng thời thuận dòng xuôi xuống. Quân và voi ở hai bên bờ hợp sức cùng đánh kẹp lại.

Quân thủy và quân bộ của giặc không đợi đánh đã tự tan vỡ. Bắt được tướng giặc là quận Thọ vài mươi người. Giặc bị sa xuống nước mà chết đến nghẽn cả sông. Khí giới bị tước mất vô kể. Vài vạn quân giặc chết đến gần hết. Kính Điển thu lượm quân tàn, chạy trốn.

Lời chua – Cửa biển Thần Phù: Tức cửa biển Thần Đầu. Xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 12 (Chb. I, 40 ).

Đại Lại2552 giang: Xem Trần Nghệ Tông, năm Thiệu Khánh thứ 1 (Chb. X, 26 ).

Kim Sơn: Còn tên nữa là Biện Lĩnh, cũng gọi Bông Sơn.

Núi An Định, núi Quân An: Đều ở huyện An Định2553 .

Núi Bạch Thạch: Ở phía tây bắc huyện Đông Sơn2554 .

Sông Hữu Chấp: Ở xã Hữu Chấp.

Sông Kim Bôi: Ở xã Kim Bôi.

Chợ Ông Cung: Nay là chợ Ông, ở xã Biện Thượng. Mấy tên đất trên đây đều thuộc huyện Vĩnh Lộc, phủ Quảng Hóa2555 .

Bính Thìn, năm thứ 8 (1556). (Mạc, năm Quang Bảo thứ 3 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 35 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua mất.

Ở ngôi 8 năm, thọ 22 tuổi.

Thái sư Kiểm và các đại thần đón lập Duy Bang, chút2556 của Lam quốc công Trừ, lên nối ngôi.

Nhà vua mất, không con kế tự. Thái sư Trịnh Kiểm cùng các đại thần bàn kiếm con cháu họ Lê, thì được Duy Bang cháu bốn đời của Lam quốc công Lê Trừ, ở xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, đón lập làm vua.

Duy Bang vào [An Tràng] lên ngôi vua (tức là Lê Anh Tông ) Đại xá. Kể từ năm sau là niên hiệu Thiên Hựu thứ 1 (1557).

Lời chua – Trừ: Anh của Lê Thái Tổ, Trừ sinh Khang, Khang sinh Thọ, Thọ sinh Duy Thiệu, Duy Thiệu sinh Duy Quang, Duy Quang sinh Duy Bang.

Đông Sơn: Tên huyện, thuộc phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoa.

Bố Vệ: Tên xã, thuộc huyện Đông Sơn.

Tháng 3. Táng [Lê Trung Tông ] ở Diên Lăng.

Dâng tôn hiệu là Vũ hoàng đế, miếu hiệu là Trung Tông.

Lời chua – Diên Lăng: Ở phía nam Lam Sơn.

Đinh Tỵ, Lê Anh Tông, Tuấn hoàng đế, năm Thiên Hựu thứ 1 (1557). (Mạc, năm Quang Bảo thứ 4 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 36 ).

Tháng 7, mùa thu. Mạc Kính Điển lại vào cướp Thanh Hoa. Thái sư Kiểm đánh úp: phá được địch.

Kính Điển lại vào cướp Thanh Hoa. Quân Mạc kéo vào cửa Thần Phù, tràn đến Tống Sơn và Nga Sơn. Quận Thanh (không rõ tên họ ) giữ Nga Sơn, quận Thụy Hà Thọ Tường giữ Tống Sơn. Quân Mạc không tiến lên được.

Trịnh Kiểm chính mình đốc suất quân và voi kéo đến mạn sơn cước Yên Mô, xuyên thẳng ra phía cửa biển, đánh úp đằng sau quân địch: hỏa pháo của quân Trịnh Kiểm bắn ra liền liền, phía trên và phía dưới đánh kẹp lại. Vũ Lăng hầu Phạm Đức Kỳ xông thuyền lên, xung kích, nhảy sang thuyền Kính Điển, chém người cầm lọng ngã lăng xuống sông. Kính Điển vội nhào xuống nước lặn trốn. Quân Mạc đại bại, bỏ thuyền chạy vào rừng núi. Kính Điển trốn vào hang núi, ẩn đến ba ngày rồi ôm cây chuối, bơi ngược dòng sông Yên Mô, gặp ông chài xã Trà Tu cứu thoát2557 .

Lời chua – Tống Sơn: Xem Lê Trang Tông, năm nguyên Hòa thứ 13 (Chb. XXVII, 41 ).

Nga Sơn: Tên huyện, thuộc phủ Hà Trung, Thanh Hoa.

Sông Yên Mô, xã Trà Tu: Đều ở huyện Yên Mô, thuộc phủ Yên Khánh, Ninh Bình.

Phạm Đức Kỳ: Người Tài Xuyên, huyện Hoằng Hóa2558 .

Tháng 8. Thái phó Phạm Đốc đánh bại tướng Mạc là Phạm Quỳnh và Phạm Dao ở Nghệ An.

Trước kia, Phúc Nguyên sai Kính Điển vào cướp Thanh Hoa và bọn Phạm Quỳnh, Phạm Dao vào cướp Nghệ An. Đến đây, Trịnh Kiểm đã phá quân Kính Điển ở cửa Thần Phù, tước lấy chiến thuyền của địch rồi ngụy trang bằng cách kéo cờ và hiệu quân giặc, cho Phạm Đốc thống suất đem đi, thẳng vượt cửa biển Đan Nhai. Bọn Phạm Quỳnh tưởng là quân hậu tiếp của bên Mạc, không phòng bị, nên bị Phạm Đốc đánh úp. Bọnh Quỳnh đại bại, phải bỏ thuyền chạy.

lời chua – Cửa biển Đan Nhai: Ở xã Cổ Đan, chỗ giáp giới hai huyện Nghi Xuân2559 và Chân Lộc2560 .

Tháng 9. Thái sư Trịnh Kiểm đi lược định Sơn Nam, đánh nhau với quân Mạc ở sông Giao Thủy: bị thua trận.

Kiểm thống suất các quân thủy, quân bộ tất cả đến 5 vạn ra lược định Sơn Nam trung lộ. Đến sông Phượng Xí (Cánh Phượng ), làm cầu phao cho quân sang sông: cả phá quân Mạc, bắt làm tù binh rất nhiều. Thừa thắng tiến quân đến sông Giao Thủy, sai bọn Phạm Đốc quản đốc quân thủy, dùng Phạm Đức Kỳ làm tiền đội, tung quân đánh mạnh.

Tướng Mạc, Nguyễn Quyện, chống cự lại, Đức Kỳ nhân đà, liền nhảy sang thuyền Nguyễn Quyện. Quyện tuốt gươm xông ra để chém thì Đức Kỳ nhảy lặn xuống nước. Quyện lại nhảy sang thuyền Đức Kỳ, chém người cầm lọng, xách thủ cấp giơ lên, la lớn: “đầu lâu Đức Kỳ đây rồi, chúng mày còn địch với tao thế nào được nữa? ” Các quân bên Trịnh Kiểm nghe nói như vậy sợ quá, liền tan vỡ, bỏ thuyền chạy, Trịnh Kiểm vội vã rút quân tháo lui, bị quân Mạc đánh chặn lối về; quân lính Trịnh Kiểm phần nhiều bị chết và bị thương, số chiến tướng bị chết đến vài chục người; thuyền bè và khí giới phải bỏ lãi gần hết. Trịnh Kiểm rút quân về Thanh Hoa.

Lời chua – Sơn Nam: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 17, 18 ).

Sông Giao Thủy: Thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Sông Phượng Xí: Nam Định có sông Phượng Tường, ở huyện Chân Ninh, phủ Thiên Trường, chẳng hay có phải là sông Phượng Xí này không.

Mưa dầm. Thanh, Nghệ đói to.

bấy giờ trời hay mưa dầm, liên miên hàng tuần2561 không tạnh. Lúa miền Thanh, Nghệ phần nhiều bị ngập và hư hại. Nhà vua ban chiếu đổi niên hiệu kể từ năm sau là năm Chính Trị thứ 1.

Mậu Ngọ, năm Chính Trị thứ 1 (1558). (Mạc, năm Quang Bảo thứ 5 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 37 ). Thái sư Trịnh Kiểm lại đi tuần vùng Sơn Nam.

Trịnh Kiểm lại chính mình đốc suất đại quân kéo ra Sơn Nam trung lộ, đánh chỗ không phòng bị của Mạc; bắt được tướng Mạc là Anh Nhuệ hầu (không rõ tên ), đưa về hành tại2562 , giết chết.

Tháng 8, mùa thu. Thái phó Phạm Đốc chết.

Tặng phong làm đặt tiến khai phủ thái úy Tĩnh quốc công, đặt tên thụy là Trung Nghị. Phạm Đốc là con nuôi thái sư Trịnh Kiểm, tập quen quân sự, lại có văn học, dùng lễ độ đối đãi sĩ phu. Khi hành quân thì kỷ luật nghiêm minh, hiệu lệnh nhất trí, không giết một cách càn bậy. Đời bấy giờ gọi Đốc là một lương tướng.

Tháng 10, mùa đông. Sai Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta2563 vào trấn đất Thuận Hóa.

Từ khi Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta mất đi, bỏ dở công to nghiệp lớn, quyền bính trọng yếu trong nước đều do Trịnh Kiểm chuyên chế cầm nắm. Lãng quận công Uông2564 làm tả tướng, Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta thì cầm quân đi đánh dẹp, lập được nhiều chiến công, được phong đến Đoan quận công. Cả hai đều bị Trịnh Kiểm nghi kỵ. Rồi Tả tướng2565 bị Kiểm làm hại. Còn Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta thì tự lắng xuống, kín đáo giữ mình.

Bấy giờ đang có cuộc dụng binh luôn luôn với người Mạc, Thuận Hóa tuy là đất cũ nhà Lê, nhưng bè đảng nhà Mạc phần nhiều ra vào ẩn hiện ở đó, nhà Lê chưa rỗi kinh lý được. Gia Dụ bèn nhờ trưởng công chúa là Ngọc Bảo2566 cầu xin cho vào trấn giữ đất đó. Trịnh Kiểm cho rằng đó là chỗ đất hiểm trở xa khơi, bèn muốn lợi dụng, nên cũng ưng thuận. Kiểm dâng biểu nói vơi vua Lê rằng: “Thuận Hóa là nơi có hình thế đẹp. Để làm nên sự nghiệp lớn, bản triều lúc mới khai quốc, phải nhờ vào sự đóng góp quân lính và tiền tài của Thuận Hóa. Có điều là Thuận Hóa bị giặc Mạc chiếm cứ đã lâu, lòng người hãy còn phản trắc; phần nhiều vượt biển đi theo Mạc, hoặc nhân dịp đưa giặc đến quấy ở phía sau chúng ta. Đó là điều rất đáng lo ngại. Vậy nếu không được tay lương tướng vào đấy trấn giữ vỗ về thì không xong.

Đoan quận công2567 là con nhà tướng, có tài năng và mưu lược, nay nên ra lệnh cho hắn vào trấn áp đất ấy, gây thế ỷ dốc với Trấn quận công Bùi Tá Hán ở Quảng Nam, ngõ hầu không co cái lo phải đoái đến miền Nam “.

Nhà vua nghe theo, bèn trao cho Gia Dụ cờ tiết để đi trấn thủ, công việc trong cõi thảy đều cho phép được tùy tiện xử trí, hằng năm chỉ thu lễ công và phú thuế mà thôi.

Thế rồi nhiều người quê hương ở Tống Sơn2561 và nghĩa dũng ở Thanh Nghệ đều dắt díu gia quyến, vui vẽ đi theo Gia Dụ.

Ban đầu, Gia Dụ lập bản doanh ở Ái Tử, vỗ về chăn dắt quân và dân, thu dùng những người hào kiệt; giảm sưu, nhẹ thuế; lòng người mến phục. Thời bấy giờ gọi là chúa Tiên.

Lời chua – Thuận Hóa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 17, 23, 24 ).

Quảng Nam: Xem Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2 (Chb. XXII, 7, 8 ).

Ái Tử: Tên xã, nay là huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị.

Bùi Tá Hán: Người Thu Phố, huyện Chương Nghĩa.

Kỷ Mùi, năm thứ 2 (1559). (Mạc, năm Quang Bảo thứ 6 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 38 ).

Tháng 3, mùa xuân. Quy định ngạch thuế ở Thanh, Nghệ.

Nhà vua sai Hộ Bộ độ chi là Lê Trọng Nguyên làm việc khám đạc ruộng đất công tư ở Thanh Hoa và Nghệ An để quy định số ngạch thuế khóa.

Tháng 8, mùa thu. Thanh Hoa và Nghệ An có thủy tai lớn.

Nước Tràn ngập, làm trôi đến vài trăm nhà. Kho tàng trong thành Tây Đô phần nhiều bị nước thấm ướt. Nhân dân bị đói kém.

Lời chua – Tây Đô: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ 1 (Chb. XII, 16 ).

Tháng 9, sai Thái sư Trịnh Kiểm kéo đại quân ra Bắc đánh dẹp.

Trịnh Kiểm dâng biểu xin cho viên tướng trong họ là Trịnh Quang là đề thống ngự doanh, đóng giữ hành tại An Tràng (Trường ), Lê Trọng làm tổng trấn Thanh Hoa, bọn Vũ Sư Thước và Lại Thế Khanh quản lãnh toán quân tinh nhuệ, phòng giữ cửa biển.

Trịnh Kiểm chính mình thống đốc 6 vạn đại quân, nói lên là 12 vạn, dùng Hoàng Đình Ái làm tiên phong, từ Thiên Quan trẩy ra Sơn Tây thượng lộ. Quân trẩy qua đâu không hề xâm phạm ở đó cái tơ cái tóc. Nhân dân đều mến phục, đua nhau đem rượu, gạo, trâu bò, lương thực, đến cung cấp cho quân.

Bọn tướng trấn thủ Hưng Hóa là Định quận công Đặng Định và thổ tướng Tuyên Quang là Gia quận công Vũ Văn Mật đều đem quân đến hội. Trịnh Kiểm bèn tiến quân vượt qua sông, lược định các xứ Thái Nguyên, Lạng Sơn và Kinh Bắc. Lại sai Vũ Văn Mật trấn giữ Đại Đồng2569 , Đặng Định trấn giữ An Tây2570 , mở mang sửa sang đường sá từ Thiên Quan thông suốt đến Hưng Hóa, Tuyên Quang và Kinh Bắc để tiện việc chuyên chở tiếp tế.

Lời chua – An Tràng (Trường ): Xem Lê Trung Tông, năm Thuận Bình thứ 5 (Chb. XXVIII, 4 ).

Thiên Quan: Xem Bình Định Vương năm thứ 9 (Chb. XIII, 25 ).

Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Kinh Bắc: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 18, 19, 28, 30, 31 ).

Vũ Sư Thước: Người Du Tràng huyện Hậu Lộc2571 .

Trịnh Quang: Người Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc2572 .

Lại Thế Khanh: Người Quang Lãng, huyện Tống Sơn2568 .

Hoàng Đình Ái: Người Vân Lũng, huyện Thạch Thành2574 .

Đặng Định: Trước kia, theo Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta lánh nạn sang Ai Lao; kịp khi Trang Tông trung hưng, sai Định đi trấn giữ An Tây mười châu thuộc Hưng Hóa. Đến đây, Đặng Định đem quân đến hội.

Canh Thân, năm thứ 3 (1560). (Mạc, năm Quang Bảo thứ 7 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 39 ).

Tháng 2, mùa xuân. Mạc Phúc Nguyên chạy đi Thanh Đàm.

Mạc Phúc Nguyên sai các tướng đi phòng thủ ngoài thành Thăng Long, đóng đồn ven sông ở phía tây, trên từ Bạch Hạc, dưới đến Nam Xang, dinh trại thuyền bè san sát liên tiếp. Ban ngày thì bóng cờ phấp phới, tiếng trống thùng thình, ban đêm thì đốt lửa làm hiệu, chúng cầm cự với quan quân.

Bấy giờ Trịnh Kiểm đang đánh dẹp các xứ Kinh Bắc, đóng quân doanh ở Thuận An, rồi lại dời đi đóng ở Tiên Du, chia sai các tướng đi đánh dẹp Khoái Châu, Hồng Châu, Nam Sách, Tiên Hưng, Siêu Loại và Văn Giang. Lại hướng về phía đông, đánh các huyện Đông Triều, Giáp2575 Sơn, Chí Linh và An Dương; đều được cả.

Phúc Nguyên chạy đi Thanh Đàm. Trịnh Kiểm bèn sai quận Vinh Hoàng Đình Ái giữ Lạng Sơn, quận Vị Lê Khắc Thận giữ Thái Nguyên, quân Gia Vũ Văn Mật lại về Tuyên Quang; thanh thế liên tiếp nhau, cứu giúp lẫn cho nhau. Quận Định Đặng Định trở về Hưng Hóa, chiêu tập vỗ về nhân dân ở An Tây mười châu, cung cấp lương thực cho quân đội. Từ Thiên Quan đến Kinh Bắc bấy giờ liên lạc được với nhau, không cách đứt.

Lời chua – Thanh Đàm: Tức Long Đàm, xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 14 (Chb. VI, 26 ).

Thăng Long: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chb. II, 10 ).

Bạch Hạc: Xem Trần Thánh Tông, năm Thiệu Long thứ 5 (Chb. VII, 4, 5 ).

Tiên Du, Siêu Loại: Đều xem ngang với Tống, Thái Tổ, năm Kiến Đức thứ 4 (Tb. V, 30 ).

Nam Sách (sách: sách lược ): Tức Nam Sách (sách: sổ sách ). Xem thuộc Tấn2576 , Tề Vương, năm Khai Vận thứ 2 (Tb. V, 22 ).

Khoái Châu: Xem Lý Cao Tông, năm Trị Bình Long Ứng thứ 4 (Chb. V, 32 ).

Hồng Châu: Xem thuộc Đường, Chiêu Tuyên Đế, năm Thiên Hựu thứ 3 (Tb. V, 14 ).

Chí Linh: Xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 4 (Chb. VII, 28 ).

Nam Xang:2577 : Tên huyện, thuộc phủ Lý Nhân, Hà Nội2578 .

Thuận An: Xem Trần Dụ Tông, năm Thiệu Phong thứ 12 (Chb. X, 4 ).

Tiên Hưng: Tên phủ, thuộc tỉnh Hưng Yên2579 .

Văn Giang: Tên huyện, thuộc phủ Thuận An2580 , tỉnh Bắc Ninh.

Đông Triều: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ 1 (Chb. XII, 25 ).

An Dương: Tên huyện, thuộc phủ Kiến Thủy, Hải Dương.

Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 30, 31, 32 ).

An tây mười châu: 1) Chiêu Tấn, 2) Quỳnh Nhai, 3) Lai Châu, 4) Tung Lăng, 5) Hoàng Nham, 6) Hợp Phì, 7) Lễ Tuyền, 8) Khiêm Châu, 9) Tuy Phụ, 10) Luân Châu.

Thiên Quan: Xem Bình Định vương năm thứ 9 (Chb. XIII, 25 ).

Giáp Sơn: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XX, 37 )2581 .

Năm này được mùa to.

Hạ lệnh cho vùng Kinh Bắc gặt lúa để cung cấp cho quân đội.

Tân Dậu, năm thứ 4 (1561). (Mạc, năm Quang Bảo thứ 8 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 40 ).

Tháng 3, mùa xuân. Mạc Kính Điển lại vào cướp Thanh Hoa. Bọn tổng trấn Lê Trọng cùng thủ tướng2582 Vũ Sư Thước và Lại Thế Khanh đánh nhau với Kính Điển: không lợi.

Phúc Nguyên sai tướng khác sang Kinh Bắc để cầm cự với Trịnh Kiểm, lén vời Kính Điển quay về, cho vào lấn cướp các cửa biển Thanh Hoa. Thủ tướng Vũ Sư Thước và Lại Thế Khanh cùng tổng trấn Lê Trọng đánh nhau với quân Mạc: không lợi, phải lui giữ An Tràng và sách Vạn Lại. Bấy giờ thế lực của giặc lại mạnh lên, phần đông nhân dân phải xiêu giạt tan tác. Hay tin này, Trịnh Kiểm bèn sai Đình Ái đem quân về trấn giữ Thanh Hoa.

Tháng 9, mùa thu. Kính Điển xâm phạm An Tràng, Vũ Sư Thước và Lại Thế Khanh đi đánh: Kính Điển phải chạy.

Quân Mạc xâm phạm đến sách Vạn Lại. Bọn Sư Thước và Thế Khanh họp sức lại, cùng chống cự. Quân phục (bên Lê ) thình lình đánh úp, đắc thắng liền liền, chém hơn trăm thủ cấp. Quan quân nhân đà thắng lợi, rượt đuổi quân địch. Kính Điển lại nghe nói viện binh của Đình Ái sắp đến, bèn rút về., Trịnh Kiểm cũng kéo quân về Thanh Hoa, dâng tin thắng trận lên nhà vua ở hành tại An Tràng. Kiểm đóng quân doanh ở phía nam thành Tây Đô, thưởng to cho những người có chiến công.

Tháng 12, mùa đông. Mạc Phúc Nguyên chết.

Con trưởng là Mậu Hợp nối ngôi ngụy tiếm đặt niên hiệu là Thuần Phúc (1562 – 1565 )2583 .

Nhâm Tuất, năm thứ 5 (1562 ). (Mạc Mậu Hợp, năm Thuần Phúc thứ 1 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 41 ).

Tháng 8, mùa thu. Mở trường thi hương ở Tây Đô.

Tháng 9. Thái sư Trịnh Kiểm lại ra Sơn Nam.

Kiểm kéo quân ra dẹp Sơn Nam. Trẩy đến Thanh Trì2584 và Thượng Phúc2580 , lập đại doanh ở Sơn Miêng2581 , Kiểm sai thu lượm tích trữ thóc lúa lương thực để làm chước cầm cự lâu dài.

Lời chua – Thượng Phúc, Sơn Miêng: Tên hai huyện, đều xem Lê Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 7 (Chb. XXVII, 9 ).

Quý Hợi, năm thứ 6 (1563). Mạc, năm Thuần Phúc thứ 2 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 42 ).

Giáp Tý, năm thứ 7 (1564). (Mạc, năm Thuần Phúc thứ 3 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 43 ). Nước Ai Lao đến dâng lễ cống.

Chúa Ai Lao, Sạ Đẩu, sai bầy tôi đến cống bốn thớt voi đực. Nhà vua bảo Kiển đem con gái nuôi của Kiểm gả cho chúa Ai Lao.

Tháng 10, mùa đông. Mở đường sơn cước ở Thanh Hoa cho thông suốt ra Sơn Nam.

Sai dân Trường Yên và dân Thiên Quan mở rộng đường sá: từ xã Trường Cát thẳng đến xã Bình Lương suốt tới huyện Hoài An và huyện Sơn Miêng, để tiện việc đài tải chuyên chở. Bấy giờ sông Nam từ sông lớn trở về phía tây, đều là đất ở trong vùng kiểm soát của triều đình cả.

Lời chua – Trường Cát: Tên xã, nay thuộc huyện Quảng Địa2587 , phủ Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hoa.

Bình Lương: Tên xã, nay thuộc huyện An Hóa, phủ Thiên Quan, tỉnh Ninh Bình.

Hoài An, Sơn Miêng: Tên hai huyện, đều xem Lê Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 7 (Chb. XXVII, 9 ).

Tháng 12. Thái sư Kiểm rút quân về Thanh Hoa.

Ất Sửu, năm thứ 8 (1565 ). (Mạc, năm Thuần Phúc thứ 4 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 44 ).

Tháng 4, mùa hạ. Thái sư Kiểm đánh Trường Yên; hạ được.

Kiểm sai bọn Vũ Sư Thước và Lại Thế Khanh trấn giữ các cửa biển Thanh Hoa, còn mình thì tự đốc suất đại quân, lại ra lược định Sơn Nam trung lộ. Quân trẩy đến Trường Yên, đánh dẹp các huyện Gia Viễn, Yên Mô, và Yên Khang; đều hạ được cả.

Lời chua – Gia Viễn: Xem Lê Tương Dực, năm Hồng Thuận thứ 2 (Chb. XXVI, 2 ).

Yên Khang: Xem Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ 8 (Chb. VIII, 18 ).

Yên Mô: Xem Lê Tương Dực, năm Hồng Thuận thứ 2 (Chb. XXVI, 2 ).

Tháng 9, mùa thu. Mạc Kính Điển lại vào cướp Thanh Hoa. Thủ tướng là bọn Vũ Sư Thước và Lại Thế Khanh đánh nhau với Kính Điển: không lợi.

Bấy giờ quan quân tấn công và đánh úp rất gấp. Mậu Hợp bèn hỏi bọn Kính Điển về mưu chước để đẩy lùi quân Trịnh Kiểm. Kính Điển nói: “Bây giờ Kiểm đương dốc hết binh lực để đánh Sơn Nam, thì Thanh Hoa phải yếu và trống rỗng. Nếu ta sai vài viên đại tướng đến giao chiến với Kiểm để kéo co cho lực lượng địch phải phân tán, còn thần xin đem vài vạn quân tinh nhuệ thẳng xông vào Thanh Hoa, thì tất thế nào cũng thắng to và co thể đẩy lùi quân của Kiểm ở Sơn Nam được “. Mậu Hợp nghe theo.

Kính Điển bèn đem chu sư vượt biển vào cửa Linh Tràng, đánh phá các huyện Thuần Hựu, Hoằng Hóa.

Bọn Sư Thước cho người đi báo tin gấp rút với Kiểm. Kiểm sai quận Lộc về cứu. Quận Lộc cùng bọn Sư Thước và Thế Khanh hội binh, tiến đánh Du Tràng. Kính Diển chẹn chỗ hiểm yếu, đặt quân phục, rồi khiêu chiến, giả vờ thua. Bọn Sư Thước và Thế Khanh dẫn quân và voi đuổi theo, đến chỗ hiểm yếu, quân phục bên địch đều nổi dậy, bốn mặt đánh khép lại, bao vây đến vài vòng. Sư Thước và Thế Khanh xông đột vòng vây, chạy thoát. Quận Lộc (không rõ tên ) chiến đấu đến chết. Quan quân bị chết có đến vài ngàn người.

Giặc thừa thắng, tiến đánh. Khi hay tin quân của Trịnh Kiểm đã kéo về đến Thạch Thành, giặc bèn rút lui.

Quận Lộc được truy phong tước Nghiêm quốc công.

Lời chua – Cửa Linh Tràng: Nay là cửa biển Y Bích, thuộc huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung, Thanh Hoa.

Thuần Hựu: Xem Lê Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 2 (Chb. XXVI, 37 ).

Hoằng Hóa: Xưa là Cổ Đằng, nay là Hoằng Hóa thuộc phủ Hà Trung2588 .

Du Tràng: Tên xã, thuộc huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung2589 .

Thạch Thành: Tên huyện, thuộc phủ Thiệu Hóa2590 .

Bính Dần, năm thứ 9 (1566). (Mạc, năm Sùng Khang thứ 1 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 45 ).

Tháng 9, mùa thu. Thái sư Kiểm xuất quân ra Sơn Nam, đến Gia Viễn quay về.

Đinh Mão, năm thứ 10 (1567). (Mạc, năm Sùng Khang thứ 2 – Minh, năm Long Khánh thứ 1 ).

Mậu Thìn, năm thứ 11 (1568). (Mạc, năm Sùng Khánh thứ 3 – Minh, năm Long Khánh thứ 2 ).

Tháng 3, mùa xuân. Dùng Nguyễn Bá Quýnh làm tổng binh Quảng Nam.

Thổ tướng2591 Quảng Nam là Trấn quận công Bùi Tá Hán mất. Nhà vua sai quận Nguyên Nguyễn Bá Quýnh thay thế.

Lời chua – Bá Quýnh: Người Thượng Xá, huyện Chân Lộc (Chân phúc cũ )2592 .

Kỷ Tỵ, năm thứ 12 (1569). (Mạc, năm Sùng Khang thứ 4 – Minh, năm Long Khánh thứ 3 ).

Tháng 2, mùa xuân. Gia phong thái sư Kiểm làm thượng tướng, tước Thái quốc công, tấn tôn thượng phụ.

Tháng 4, mùa hạ, Hoàng đệ Duy Hàn có tội, bị phế làm thứ nhân.

Duy Hàn ngầm có ý khác, lén vào trong cung, lấu trộm quả ấn bảo tỉ, bị bắt, nhưng được tha. Rồi Duy Hàn lại tự tiện giết người. Nhà vua nói: “Nhiều lần khuyên bảo, Duy Hàn vẫn không nghe theo. Thế là “kẻ hạ ngu mình tự làm mình, không sao thay đổi được! ” Nhà nước đã có pháp luật thường hành

trẫm còn tây vị bao che cho thế nào được ? ” Nhà vua bèn giao xuống cho đình thần bàn xét. Duy Hàn bị thích sáu chữ vào mặt, phế làm thứ nhân.

Tháng 9, mùa thu. Thái tổ Gia Dụ hoàng đế ta đi ra Tây Kinh, yết kiến nhà vua ở hành tại An Tràng.

Bái yết nhà vua xong, Gia Dụ đến phủ thượng tướng2593 , anh em2594 tình tự, rất là hòa thuận thân yêu.

Tháng 10, mùa đông. Động đất.

Thượng tướng Kiểm bị bệnh, xin nghỉ, không giữ binh quyền. Nhà vua ưng thuận.

Kiểm đau nặng, dâng biểu xin thôi giữ quyền bính quân sự. Nhà vua sai người con trưởng của Kiểm là Tuấn Đức hầu Cối thống lĩnh các doanh quân thủy và quân bộ. Từ Phúc Lương Hầu Tùng con thứ của Kiểm, đến các tướng tá khác đều thuộc dưới quyền Cối.

Tháng 11. Sao sa.

Có lưu tinh dài hơn trăm trượng sa xuống đất: ầm to như tiếng sấm sét lớn.

Canh Ngọ, năm thứ 13 (1570). (Mạc, năm Sùng Khang thứ 5 – Minh, năm Long Khánh thứ 4 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Thái tổ Gia Dụ hoàng đế ta từ Tây Kinh trở về, kiêm việc cai quản cả các xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Vua Lê vời tổng binh Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh2595 về giữ Nghệ An.

Tháng 2. Thái sư Thượng Phụ Trịnh Kiểm chết. Nhà vua dùng Trịnh Cối, con của Kiểm, lên thay, quản lĩnh quân đội.

Truy phong Trịnh Kiểm là Minh Khang vương, đặt tên thụy là Trung Huân. Hạ chiếu cho con trưởng là Cối lên thay, quản lãnh các quân doanh đánh giặc.

Tháng 4, mùa hạ. Trịnh Cối và Trịnh Tùng dấy quân đánh lẫn nhau.

Cối, sau khi lên thay Kiểm, cầm nắm quyền binh trong nước, tâm chí càng kiêu rông, ngày ngày chỉ buông mình trong tửu sắc, không lo thương gì đến quân sĩ ! Cối lại định tước đoạt quân sĩ của Tùng. Do đó, các tướng hiệu đều có lòng lìa bỏ Trịnh Cối.

Bọn Lê Cập Đệ, Trịnh Vĩnh Thiệu, Phan Công Tích và Trịnh Bách, đang đêm, đem đồ đảng tới chỗ Tùng để bàn mưu kế. Tùng cùng bọn Cập Đệ và Vĩnh Thiệu nèo cả viên hàng tướng là Đặng Huấn, cùng đi, đem luôn cả quân và voi, đang đêm, chạy đến bái yết nhà vua ở hành tại An Tràng. Tùng khóc lóc kể lể: “Anh của thần là Cối đam mê tửu sắc, làm nhiều việc mất lòng người, chẳng sớm thì chầy tất đến loạn mất ! Nay Cối lại định tước đoạt số quân của thần, nên bọn thần đang đêm phải chạy đến gieo mình ở cửa cung khuyết “.

Tùng và bọn Cập Đệ, nhân đó, lại mật tâu với nhà vua dời hành tại vào phía trong cửa ải Vạn Lại, chia người ra đóng giữ cửa lũy để phòng ngừa sự bất trắc.

Ngày hôm sau. Cối thân hành đem bọn Lại Thế Mỹ, Lại Thế Khanh, Nguyễn Sư Doãn, Vương Trân, Lê Khắc Thận, Nguyễn Hữu Liêu và Phạm Văn Khoái với hơn một vạn quân, đuổi theo bọn Tùng đến ngoài cửa ải.

Tùng sai đóng chặt cửa lũy, không ra. Cối sai đưa thư vào, nói nhiều lời không được từ tốn. Nhà vua cho người đi hòa giải, nhưng Cối không nghe, bèn sai tướng đi đánh Cối.

Cối đánh nhiều lần không được. Khi hay tin quân Mạc kéo đến. Cối rút quân về Biện Doanh, bảo đồ đảng mình rằng: “Trong cửa ải thì có quân giữ, ngoài bờ cõi thì giặc vào. Ta ở giữa nếu có sự biến xảy ra thì tình thế khó lòng chống nổi ! ” Cối bèn chia quân đóng giữ những nơi hiểm yếu:

Sư Thước giữ cửa Linh Tràng và cửa Hội Triều, Thế Khanh giữ cửa Chi Long và cửa Thần Phù, Sư Doãn giữ cửa Du Xuyên và cửa Ngọc Giáp để phòng ngừa quân Mạc;

Bọn Thế Mỹ, Khắc Thận, Hữu Liêu và Văn Khoái thì bổ đồn đóng ở bờ sông để phòng ngừa quân trong ải.

Lời phê – Bấy giờ hai anh em Cối và Tùng lục đục đánh lẫn nhau, dường như trời kia có nâng đỡ nhà Lê đấy. Giá thử may mà có được người bầy tôi nào có đủ tài năng, nhân dịp đứng lên rút bớt binh quyền của họ Trịnh thì đỡ được biết bao nhiêu việc rắc rối sau này, đâu đến nỗi đuôi to khó quẫy, họ Trịnh với họ Lê cứ cùng nhau tồn tại từ trước tới sau mãi như thế ! Nhưng, đời xa, việc lâu, tình thế có thể sai khác, nay đem ý kiến của mình mà suy luận, e chưa chắc đã đúng thế chăng. Lời chua – Trịnh2596 Vĩnh Thiệu: Người Biện Thượng, huyện Vĩnh Lộc2597 .

Phan Công Tích: Người Thái Xá, huyện Đông Thành2598 .

Lại Thế Mỹ: Người Quang Lãng, huyện Tống Sơn2599 .

Nguyễn Hữu Liêu: Người Tây Tựu2600 , huyện Từ Liêm.

Phạm Văn Khoái: Người Tiểu Phấn, huyện Thượng Nguyên2601 .

Cửa biển Linh Tràng: Xem năm Chính Trị thứ 8 (Chb. XXVIII, 20 ).

Cửa biển Hội Triều: Ở xã Hội Triều, huyện Quảng Xương, phủ Tỉnh Gia, tỉnh Thanh Hoa.

Cửa biển Chi Long: Ở huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, Thanh Hoa.

Cửa biển Du Xuyên: Nay là cửa Bạng, ở xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hoa.

Cửa biển Ngọc Giáp: Nay là cửa Hãn, ở xã Ngọc Giáp, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hoa.

Tháng 8, mùa thu. Kính Điển vào cướp Thanh Hoa. Trịnh Cối đem đồ đảng đầu hàng nhà Mạc.

Lập quận công là Lập Bạo, người Bố Chính, được tin Trịnh Kiểm chết anh em dấy binh đánh lẫn nhau, bèn đem quân đầu hàng nhà Mạc.

Nhà Mạc cho Lập Bạo cầm quân, làm hướng đạo. Kính Điển chính mình đốc suất hơn mười vạn quân, 700 chiếc chiến thuyền, vào cướp Thanh Hoa. Nhà Mạc lại sai thân vương là Đôn Nhượng2602 và tướng tá là bọn Mạc Đình Khoa đem quân chặn giữ cửa biển Thần Phù, bọn Nguyễn Quyện và Mạc Ngọc Liễn chia làm sáu đội, ấn định nhật kỳ, đồng thời cùng tiến. Quân Mạc vượt vào các cửa biển Linh Tràng, Chi Long và Hội Triều đóng quân ở Hà Trung. Hai bên bờ sông khói lửa liên tiếp nhau.

Trịnh Cối liệu chừng không thể chống nổi, bèn đem bọn Lại Thế Mỹ, Nguyễn Sư Doãn, Trương Quốc Hoa, Vương Trân và Vũ Sư Thước đầu hàng nhà Mạc. Kính Điển cho ai nấy vẫn cứ giữ nguyên tước cũ.

Bọn Thế Khanh, Đình Ái, Khắc Thận, Hữu Liêu và Văn Khoái đều kéo quân lui vào An Tràng. Quận Hoành (sử không chép tên ) tự rút quân bản bộ về Nghệ An, chia ra đóng giữ trên mặt đất với Nguyễn Bá Quýnh.

Lời chua – Lập Bạo: Một tên tướng nhà Mạc không rõ họ gì.

Dùng Trịnh Tùng làm tiết chế các quân doanh thủy và bộ, thống lĩnh quân đội để đánh Mạc.

Tùng, sau khi lãnh chức tiết chế, hội hợp các tướng Hoàng Đình Ái, Trịnh Mô, Lê Cập Đệ và Văn Thần là bọn Nguyễn Đĩnh2603 , mở yến tịệc yên ủi nhau, chỉ trời mà thề: Chung lòng đấu cật, làm cho thành công. Rồi chia quân đóng giữ các cửa lũy, đào hào, dựng rào, đặt quân mai phục, giữ cỗ hiểm yếu để phòng ngừa quân Mạc.

Lời chua – Nguyễn Đĩnh: Người Hoàng xá, huyện Từ Liêm2604 .

Trịnh Mô: Người Nông Sơn, huyện Nam Đường2605 , trước là họ Nguyễn, tên gọi Cảnh Hoan sau nhà Trịnh cho lấy theo họ Trịnh, đổi tên là Mô.

Tháng 10, mùa đông. Nhà vua tự làm tướng đi đánh Mạc Kính Điển: Kính Điển phải chạy.

Kính Điển chính mình thống suất quân sĩ các đạo, tiến đến Úng Quan ở sông Mã và Bổng Luật ở sông Lam: khói lửa lan man không ngớt. Nhân dân Thanh Hoa dắt díu nhau chạy loạn, kêu khóc đầy đường. Tiền của, gia súc và phụ nữ đều sa trong vòng giặc. Giặc nhân đà sắc bén, có cái khí thế muốn san phẳng cả Hoan, Ái, Quan quân tùy tình thế, liệu chống đỡ. Da Châu và Tàm Châu ở phía tả sông luôn với các đầu nguồn huyện Lôi Dương và huyện Nông Cống ở phía hữu sông đều là chiến trường cả.

Kính Điển tấn công lũy An Tràng, ngày đêm không ngớt.

Quan quân giao chiến với địch, không lợi, phải đóng chặt cửa lũy, dựa vào địa thế hiểm trở giữ thế thủ.

Bọn Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ bèn lựa theo hình thế phía ngoài lũy làm cái thành giả che kín bằng phên nứa và vách tre của cư dân, rồi ngoài trát đất bùn, trên cắm chông tre. Thành giả này dài đến hơn mười dặm: công việc chỉ làm trong một đêm xong.

Ngày hôm sau, Kính Điển trông thấy, cả sợ, bảo các tướng tá rằng: “Đó chắc là những quân cảm tử còn nhiều, nên mới nô nức làm công việc được mau chóng như vậy. Nếu ta không đánh nhau thì sau tất khó trị “. Kính Điển bèn chính mình đốc thúc quân sĩ đánh gấp, hẹn ngày phải thắng.

Quan quân theo sự lên xuống của thủy triều, cầm cự với quân Mạc ở khoảng Bảo Lạc và Long Sùng, gióng giả cổ võ quân lính, treo giải hậu thưởng. Ban ngày thì cố thủ, đêm đến thì đổ ra cướp trại của quân Mạc để làm cho địch nao núng.

Quân Mạc luôn bị kinh động, có nhiều người đào ngũ, đi trốn. Kính Điển đánh nhiều lần không thắng được, bèn lui giữ Hà Trung.

Vũ Sư Thước sai người lén vào trong lũy, dâng thư xin hàng, về triều đợi tội. Nhà vua nhóm hợp các tướng, bèn việc tiến quân. Gia phong Trịnh Tùng làm tả thừa tướng tiết chế các quân doanh thủy và bộ, chia quân làm ba đạo, đồng thời xuất phát.

Nhà vua chính mình quản đốc đại quân, từ trung lộ tiến ra, nhằm các huyện Thụy Nguyên, An Định kéo thẳng đến đóng tại huyện Đông Sơn;

Bọn Lại Thế Khanh, Lê Cập Đệ, Trịnh Vĩnh Thiệu và Trịnh Mô từ tả lộ kéo ra, nhằm huyện Vĩnh Phúc và huyệnn Tống Sơn;

Bọn Hoàng Đình Ái, Đặng Huấn, Phan Công Tích và Trịnh Bách từ hữu lộ kéo ra, nhằm các huyện Lôi Dương, Nông Cống và Quảng Xương.

Bấy giờ nhà vua đóng quân doanh ở Đông Sơn, Vũ Sư Thước đem 500 quân bản bộ thân đến ngự doanh xin chịu tội. Nhà vua yên ủi và cho vẫn giữ tước cũ. Từ đó thanh thế quân đội [bên Lê ] rất lừng lẫy.

Quân Mạc hễ đánh là thua, phải lui giữ sông Bút Cương. Quan quân vượt sông An Liệt, qua Kim Bôi, Kim Tử, xuyên tắt ra Thuần Hựu.

Nhà sai Sư Thước chiêu tập cựu binh ở bản huyện2606 được bọn nghìn người, làm tiên phong, khiêu chiến với Mạc ở sông Lôi Tân. Bọn Lại Thế Khanh và Lê Cập Đệ đánh các huyện Tống Sơn và Nga Sơn, đều thắng cả.

Vì lương thực trong quân không tiếp tế được đều, Kính Điển, tháng 12, phải rút quân về.

Lời chua – Sông Mã: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XX, 18 ).

Ứng Quan: Ở tống Cổ Lũng, huyện Cẩm Thủy, phủ Quảng Hóa,Thanh Hoa.

Sông Lam: Ở huyện Thụy Nguyên2607 .

Bổng Luật: Không rõ ở đâu.

Hoan: Châu Hoan, tức Nghệ An.

Ái: Châu Ái, tức Thanh Hóa. Nghệ An và Thanh Hóa đều xem Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 20 – 23 ).

Da Châu: Xem Mạc, năm Đại Chính thứ 1 (Chb. XXVII, 22 ).

Tàm Châu: Thuộc châu Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Lôi Dương: Xem Bình Định vương năm thứ 1 (Chb. XIII, 2 ).

Nông Cống, Quảng Xương: Tên hai huyện, thuộc phủ Tĩnh Gia2608 .

Bảo Lạc, Long Sùng: Đều là tên xã2609 , thuộc huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa2610 .

Hà Trung: Tên phủ, thuộc tỉnh Thanh Hoa.

An Định, Đông Sơn, Vĩnh Phúc: Tên ba huyện, thuộc phủ Thiệu Hóa.

Tống Sơn, Nga Sơn: Tên hai huyện, thuộc phủ Hà Trung.

Bút Cương, An Liệt, Kim Bôi, Kim Tử, Lôi Tân: Đều là tên xã thuộc huyện Vĩnh Phúc, phủ Thiệu Hóa.

Tân Mùi, năm thứ 14 (1571). (Mạc, năm Sùng Khang thứ 6. Minh, năm Long Khánh thứ 5 ).

Tháng 12, mùa xuân. Xét công đẩy lùi được giặc. Cho thăng quan và lên tước có tầng bậc khác nhau.

Gia phong Trịnh Tùng làm thái úy, Trường Quốc công; Lê Cập Đệ làm Thái phó; Trịnh Bách, Trịnh Vĩnh Thiệu, Trịnh Mô, Lại Thế Khanh và Đặng Huấn đều làm Thiếu phó. Lại phong cho các em của Tùng: Trịnh Đỗ làm Thiếu bảo, Trịnh Đồng làm Vĩnh Thọ hầu, Trịnh Ninh làm Quảng Diên hầu. Ai nấy đều cầm quân đánh giặc.

Sai Phùng Khắc Khoan chiêu tập những dân Thanh Hoa bị xiêu giạt.

Dân các huyện thuộc Thanh Hoa trước đây đã từng xiêu giạt tan tác; đến đây nhà vua sai Khắc Khoan đi chiêu an cho hạ tụ tập lại.

Lời chua – Phùng Khắc Khoan: Người Phùng Xá2611 , huyện Thạch Thất, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn (1580), năm Quang Hưng đời Lê Thánh Tông.

Bọn Mỹ Lương, người huyện Khang Lộc, nổi loạn, dẹp yên được.

Mỹ Lương cùng hai em là Văn Lan và Nghĩa Sơn đều vì dâng thóc cho hạ Trịnh, được chuyên việc trưng thu tô thuế. Bởi có công lao, Mỹ Lương được làm tham đốc, Văn Lan và Nghĩa Sơn làm thự vệ. Kịp khi quân Mạc vào cướp Nghệ An, Thuận Hóa bị dao động, Mỹ Lương định mưu đánh úp Vũ Xương, thu lấy cả quân lính để đầu hàng nhà Mạc. Mỹ Lương bèn sai bọn Văn Lan và Nghĩa Sơn đem quân mai phục ở Minh Linh, còn mình thì đem quân lén do đường sơn cước đi đến Ngõa Kiều2612 ở huyện Hải Lăng, ấn định nhật kỳ để đánh kẹp lại.

Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta biết rõ mưu định của chúng, bèn sai phó tướng Trương Trà đi đánh Nghĩa Sơn, còn Gia Dụ thì chính mình thống đốc quân lính, lén đến Ngõa Kiều, đánh úp Mỹ Lương, đốt trại của hắn. Mỹ Lương chạy trốn. Gia Dụ đuổi theo, bắt được, đem chém.

Trương Trà tiến đến Phúc Thị, đánh nhau với giặc, bị Nghĩa Sơn bắn chết. Vợ Trương Trà, Trần Thị, sôi sục căm thù, cải trang giả làm đàn ông, ra trận đốc chiến, bắn giết được Nghĩa Sơn. Văn Lan trốn về với họ Trịnh.

Gia Dụ bèn kéo quân về, phong Trần Thị làm quận phu nhân. Bấy giờ thổ hào Quảng Nam cũng đánh giết cướp bóc lẫn nhau. Gia Dụ đều dẹp yên được hết cả, nhân đó sai thuộc tướng là Mai Đình Dũng ở lại trấn thủ Quảng Nam, thu lượm vỗ về những quân còn sót lại.

Lời chua – Khang Lộc: Tên huyện, thuộc phủ Tân Bình2613 .

Vũ Xương, Minh Linh, Hải Lăng: Tên ba huyện, thuộc tỉnh Quảng Trị. Vũ Xương nay là huyện Đăng Xương.

Phúc Thị2614 : Tên xã, thuộc huyện Minh Linh phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Mỹ Lương (không rõ họ ): Người Phổ Hành, huyện Khang Lộc.

Trương Trà: Người Hoành Vân, huyện Tống Sơn2615 .

Trần Thị: Người Diêm Tràng, huyện Phú Vinh.

Tháng 10, mùa đông. Sai Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ đi tuần vùng Thiên Quan: Dẹp yên được tất cả.

Thanh Hoa đói to.

Nhâm Thân, năm Hồng Phúc thứ 1 (1572). (Mạc, năm Sùng Khang thứ 7 – Minh, năm Long Khánh thứ 6 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Làm lễ tế giao.

Nhà vua đốt hương, quỳ khấn; lư hương bổng nhào xuống đất biết là điềm chẳng lành, nhân đó mới ban chiếu đổi niên hiệu là Hồng Phúc thứ 1.

Lập Bạo, tướng Mạc vào cướp Thuận Hóa. Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta đánh úp, giết chết Lập Bạo.

Lập Bạo đem chu sư và hơn 60 chiếc thuyền vượt biển vào lấn cướp, theo đường Hồ Xá, đóng trại ở đường Thanh Tương, xã Lãng Uyển. Thế lực giặc rất lung lao.

Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta chính mình đem quân đi chống cự. Đóng ở bờ sông Ái Tử, ngài đêm nằm, nghe nơi sông nước có tiếng kêu oe oe, lấy làm lạ, bổng mộng thấy một người đàn bà, mặc áo xanh, đứng trước mặt, thưa rằng: “Muốn trừ diệt giặc nên dùng đến kế mỹ nhân “. Gia Dụ hiểu biết ý nói ấy, bèn sai Ngô Thị, một thị tì xinh đẹp, đem vàng lụa đến biếu Lập Bạo một cách phong hậu, thuyết phục Lập Bạo, hẹn ngày làm lễ hội minh. Lập Bạo hí hửng nghe theo. Gia Dụ liền sai dựng ngay tại chỗ có tiếng oe oe ấy ngôi đền và đàn thờ một cách lạo thảo để làm chỗ hội hợp ăn thề, nhưng dưới đó đào hầm, đặt quân mai phục. Đến kỳ đã hẹn, Lập Bạo, với mấy chiếc thuyền tùy tùng đi đến, trông lên trên bờ sông thấy bên phía Gia Dụ cũng chỉ có vài mươi người, bèn nhơn nhơn không ngờ vực gì cả. Lập Bạo cùng Ngô Thị đi chiếc thuyền nhỏ cũng chỉ có vài mươi người theo hầu. Lê bộ, đi thong thả. Lập Bạo đến chỗ hội minh thì phục binh đột nhiên nổi dậy. Lập Bạo sợ, chạy xuống thuyền thì thuyền đã lìa khỏi bờ rồi! Lao mình nhảy theo, Lập Bạo ngã xuống nước, bị quan quân bắn chết, quan quân thừa thắng, tiến đánh trại Thanh Tương: cả phá được địch. Còn các thuyền khác của địch ra khơi chạy trốn, gặp bão thình lình, bị đắm hết cả.

Gia Dụ bèn hậu thưởng cho Ngô Thị, vá phong thần sông Ái Tử làm Qua Qua linh thu phổ trạch tướng hựu phu nhân, lập đền để thờ.

Bấy giờ Thái Tổ Gia Dụ ta cai trị trong trấn mười năm, chính sự thì khoan hòa, quân lệnh thì nghiêm túc. Dân vùng Thuận Hóa và Quảng Nam đều được nhuần thấm ân đức và tắm gội giáo hóa. Dân buôn thì lạc nghiệp, chợ búa không bán hai giá, trong xứ không có trộm cướp. Nhiều người các nước đều xum vầy làm ăn. Trong trấn ngày một đông đúc thịnh vượng.

Lời chua – Hồ Xá, Lãng Uyển: Đều là tên xã thuộc huyện Minh Linh, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Đền Thanh Tương: Ở địa phận xã Lãng Uyển.

Đền Qua Qua Linh Thu: Ở xã Ái Tử.

Ngô Thị: Tên là Ngọc Lâm, người Thế Lại, huyện Hương Trà2616 .

Nghệ An đói và có bệnh dịch.

Nghệ An nhiều phen bị nạn binh lửa. Các huyện, đồng ruộng bỏ hoang nhân dân đói khổ. Dịch lệ lại phát sinh, người chết đến quá nửa. Nhân dân xiêu giạt, hoặc tan tác vào Nam, ra Bắc. Trong cõi Nghệ An đìu hiu vắng tanh.

Trịnh Tùng giả lệnh nhà vua, giết chết Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ. Nhà vua chạy đi Nghệ An.

Theo Sử cũ thì Cập Đệ ngầm có ý khác, muốn làm hại Trịnh Tùng để giựt lấy quyền binh. Tùng, bề ngoài làm như không biết, thường đem nhiều vàng bạc biếu Cập Đệ. Cập Đệ đến tạ ơn thì Tùng sai tay đao thủ phục sẵn ở nơi màn trướng mà giết chết. Rồi Tùng nói phao lên rằng Cập Đệ mưu phản, nên nhà vua sai giết đi.

Bấy giờ Cảnh Hấp và Đình Ngạn nói với nhà vua rằng: “Quyền thế của tả tướng2617 to quá! bệ hạ khó chung sống được “. Nhà vua hoang mang ngờ vực, đang đêm, cùng với bốn hoàng tử chạy đi Nghệ An.

Theo Lê triều trung hưng lục của Hồ Sĩ Dương, Lê Cập Đệ mật bàn với nhà vua, bố trí đâu vào đấy, hẹn nhau rằng, hễ đêm đến, nghe thấy tiếng pháo nổ một cái thì nhà vua liền qua sông để cử sự. Tùng biết rõ chuyện ấy rồi, nhưng bề ngoài vẫn cứ biếu Cập Đệ nhiều vàng bạc. Khi Cập Đệ đến tạ thì Tùng cho tên đao phủ mai phục sẵn, xông ra giết chết.

Nhà vua từ đó vẫn thường băn khoăn, không yên tâm. Khi nghe bọn Cảnh Hấp nói, bèn cùng bốn hoàng tử chạy đi Nghệ An.

Lời Phê – Sử cũ soạn hồi cuối Lê, đều ra từ những tay khuyển ưng của họ Trịnh, cố nhiên là có nhiều điều kiêng kỵ đối với họ Trịnh. Đó thật là những trang sử nhơ bẩn, không thể tin được. Nhưng vì nay không có bộ sử nào tốt hơn để có thể dựa vào mà sửa đổi lại, nên Cương mục cứ phải theo tài liệu đáng ngờ mà truyền lại đều đáng ngờ để đợi đời sau đính chính cho. Lời cẩn án – Về việc Anh Tông phải chạy. Sử cũ cho rằng Cập Đệ ngầm có ý khác, định giết Trịnh Tùng, nên Tùng dụ Cập Đệ đến, nhân dịp giết đi rồi tuyên bố cho mọi người biết rằng: “Cập Đệ âm mưu làm phản, nhà vua sai giết chết “. Kịp khi nhà vua nghe bọn Cảnh Hấp nói lời gièm pha, bấy giờ mới đâm hoang mang ngờ vực, đang đêm chạy đi Nghệ An. Nay, Cập Đệ nếu có ý khác, Trịnh Tùng vâng mạng nhà vua giết đi, thế là trị được tội nhân, nhà nước vững như núi Thái Sơn rồi, thì sao còn phải hoang mang ngờ vực mà chạy đi nữa. Kịp khi khảo đến cuốn Trung Hưng lục của Hồ Sĩ Dương, thấy nói Cập Đệ mật mưu với nhà vua, hẹn đến ban đêm, hễ nghe tiếng pháo nổ thì nhà vua liền qua sông để cử sự. Tùng biết rõ cả rồi, nên mới bày mưu giết Cập Đệ. Nhà vua thấy bọn Cảnh Hấp nói, bấy giờ mới hoang mang ngờ vực, chạy đi, thế là, đã từ lâu, Anh Tông không sao chịu nổi những hành tích vô quân2618 của Tùng; còn về phần Cập Đệ cũng đã từ lâu không sao nén nổi cái khí căm phẫn trung nghĩa, nên đối với Tùng, chỉ muốn xé thịt mà ăn, lột da mà nằm thôi. Rủi thay, việc toan tính của Cập Đệ không được toại nguyện, làm liên lụy đến quân thân, nhưng tâm chí của Cập Đệ thực đáng đau xót! Những kẻ quan tư đứng đầy triều đình bấy giờ được họ Trịnh chăn nuôi, nào chạy vạy ở cửa ngõ, nào đón ý vâng dạ chỉ e không rồi, còn ai là người nét mặt dám tỏ chính nghĩa, không sợ kẻ có thế lực mạnh nữa ? Đến người làm sử2619 bấy giờ lại còn cầm bút chép quanh co, che đậy, nhằm buộc tội cho người trung thần! Hơn nữa họ còn đổ thừa cho nhà vua rằng đã nhờ bậc công thần2620 tôn lập làm vua, lại thiên lệch nghe lời gièm pha, lật đật bôn ba ra ngoài! Ôi, thế cũng quá lắm! Vậy không thể không có mấy lời này để biện luận lại. Lời chua – Cảnh Hấp, Đình Ngạn: Tên hai người. Đình Ngạn không rõ họ là gì.


2540 Vì theo quan niệm sử gia phong kiến, phàm triều đại nào thoán đoạt như Hồ và Mạc chẳng hạn đều không được coi là chính thống, nên từ vua chúa đến quan chức… của triều đại ấy đều bị liệt là “ngụy “, là “nghịch ” hay là “nhuận ” cả.

2541 Nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

2542 Nay thuộc xã Đằng Lâm, huyện An Hải. TP, Hải Phòng.

2543 Tục gọi làng Sét, nay thuộc xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

2544 Nay thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.

2545 Tức năm Đại Chính thứ 3 đời Mạc Đăng Doanh.

2546 Đáng phải chép là “dương Tấn ” (ngang với Tấn ) mới đúng.

2547 Thuộc tỉnh Hải Dương.

2548 Hành tại, chính nghĩa là chỗ ở của nhà vua khi đi tuần du. Đây Cương mục có ý cho rằng Thăng Long tuy chưa khôi phục được, nhưng vẫn có thể coi như của nhà Lê: cung điện ở Thăng Long vẫn là chỗ ở chính của vua Lê, còn những chỗ doanh trại hành quân như ở Vạn Lại hay ở An Tràng này chỉ là nơi ở tạm thời trong khi đi tuần hành hay du ngoạn của vua Lê đó thôi. Nhưng, thực ra, hành tại đây chỉ là chỗ nhà riêng để vua Lê và gia quyến nhà vua cư trú.

2549 tức thể văn biền ngẫu, hai vế đối nhau, mỗi vế thường thường là đặt từng cụm bốn chữ và sáu chữ, nên gọi là “tứ lục “.

2550 đều thuộc Nghệ An.

2551 đều thuộc Nghệ An.

2552 Chữ “lại ” đây là ỷ lại, có chỗ chép chữ “lại ” là quan lại (lời chua của cương mục ).

2553 thuộc Thanh Hóa.

2554 thuộc Thanh Hóa.

2555 thuộc Thanh Hóa.

2556 Nguyên văn là “huyền tôn “, tức cháu bốn đời.

2557 Khi về, Kính Điển nói với vua Mạc phong cho ông chài này tước Phù Nghĩa hầu (theo toàn thư XVi, 14 ).

2558 Thuộc Thanh Hóa.

2559 Thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

2560 Sau đổi Nghi Lộc, thuộc tỉnh Nghệ An.

2561 Mỗi tuần mười ngày.

2562 Tức là hành tại An Tràng, xem thêm chú giải ở Chb. XXVIII, 4.

2563 Tức Nguyễn Hoàng con thứ Nguyễn Kim.

2564 Con trưởng Nguyễn Kim.

2565 Tước của Nguyễn Uông.

2566 Con gái cả của Nguyễn Kim (xem Chb. XXVII, 31 ), chị gái của Nguyễn Hoàng.

2567 Tước của Nguyễn Hoàng.

2568 Huyện Tống Sơn thuộc Thanh Hóa là quê quán của Nguyễn Hoàng.

2569 Nay thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

2570 Đất phủ An Tây cũ, nay thuộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu.

2571 thuộc Thanh Hóa.

2572 Thuộc Thanh Hóa.

2573 Thuộc Thanh Hóa.

2574 Thuộc Thanh Hóa.

2575 Giáp đây là theo tiếng nhân dân thường gọi, còn theo các từ thư thì âm là Hiệp.

2576 Đáng phải chép là “dương Tấn ” (ngang với Tấn ) mới đúng.

2577 Xang là theo tiếng Việt, còn Hán Văn là “Xương “.

2578 Ngày nay, Lý Nhân, tức Phủ Lý, thuộc tỉnh Hà Nam.

2579 Tiên Hưng này thuộc Thái Bình.

2580 Đất huyện Văn Giang cũ, nay thuộc các huyện Mỹ Văn và Châu Giang, tỉnh Hưng Yên.

2581 Xem thêm Chb. XIII, 12, 13.

2582 Viên tướng trấn giữ một địa điểm (chỗ khác trong Cương mục quyển 28 này cũng vậy ).

2583 Về sau, lại đổi niên hiệu mấy lần nữa: Sùng Khang (1566 – 1577 ), Diên Thành (1578 – 1585 ), Đoan Thái (1586 – 1587 ), Hưng Trị (1588 – 1590 ) và Hồng Ninh (1591 – 1592 ).

2584 Nay thuộc Hà Nội.

2585 Nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

2586 Nay là huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây.

2587 Nay thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

2588 Đều thuộc Hà Trung.

2589 Thuộc Thanh Hóa.

2590 Thuộc Thanh Hóa.

2591 Viên tướng người bản thổ.

2592 Chân Lộc là tên đặt từ đời Sơn Tây (1778 – 1801 ) đến năm 1889 đổi là Nghi Lộc, thuộc tỉnh Nghệ An (xem Đại Nam Nhất thống chí XIV, 5 – 6 )T

2593 Phủ của Trịnh Kiểm.

2594 Trịnh Kiểm là anh rể, Nguyễn Hoàng là em vợ, vì Trịnh Kiểm lấy Ngọc Bảo, con gái nguyễn Kim (xem chb. XXVII, 31 ), sau Ngọc Bảo sinh ra Trịnh Tùng (theo Toàn thư XVI, 25 ).

2595 Nguyễn Bá Quýnh được dùng làm tổng binh Quảng Nam từ tháng 3, năm Mậu Thìn, 1568 (xem Chb XXVIII, 21 ).

2596 Cương mục in lầm là “Đặng “.

2597 Thuộc Thanh Hóa.

2598 Nay thuộc hai huyện Yên Thành và Diễn Châu tỉnh Nghệ An.

2599 Nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

2600 Tục gọi làng Đăm, nay là xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

2601 Nay thuộc TP Nam Định.

2602 Đôn Nhượng là con út của Đăng Doanh và là ông chú của Mậu Hợp (xem Chb. XXIX, 12 ).

2603 Bấy giờ Nguyễn Đĩnh làm Lại Bộ thượng thư, tước Từ quận công.

2604 Nay là thôn Hoàng Xá, xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

2605 Thuộc tỉnh Nghệ An, đến năm 1886 đổi làm Nam Đàn.

2606 Vũ Sư Thước người huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa (xem Chb. XXVIII, 14 ).

2607 Thuộc Thanh Hóa.

2608 Thuộc Thanh Hóa.

2609 Hễ khúc sông chảy qua địa phận xã nào thì người ta đều gọi sông theo tên xã ấy. Thí dụ: xã Long Sùng, sông Long Sùng, xã Lôi Tân, sông Lôi Tân…

2610 Thuộc Thanh Hóa.

2611 Tục gọi làng Bùn, nay thuộc xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.

2612 Nghĩa là cầu Ngói.

2613 Đất phủ Tân Bình cũ, nay thuộc tỉnh Quảng Bình và hai huyện Vĩnh Linh, Do Linh (Quảng Trị ).

2614 Chữ “thị ” ở đây in lầm là chữ “táp “.

2615 Thuộc Thanh Hóa.

2616 Thuộc Thừa Thiên.

2617 Chức của Trịnh Tùng.

2618 Không đếm xỉa gì đến vua.

2619 Nguyên văn là “Nam, Đổng “, chính nghĩa là Nam Sử thị nước Tề và Đổng Hồ nước Tấn đều là những sử gia trung trực cao quý ở đời Xuân Thu (770 – 403 trước Công nguyên ); sau dùng rộng, chỉ chung những người làm sử hoặc viết phả ký và bút lục. Đây Cương mục dùng thành chữ “Nam, Đổng ” ấy chỉ những người làm sử ở hồi Lê Trung Hưng.

2620 Chỉ họ Trịnh.