Menu Đóng

Chính Biên 38

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ 38

Từ Bính Thìn, Lê Ý Tông, năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) đến Canh Thân, năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740), gồm 5 năm.

Bính Thìn, Ý Tông Huy hoàng đế năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736). (Thanh, Cao Tông, năm Càn Long thứ nhất).

Tháng giêng, mùa xuân. Tế nam giao.

Giang dựng chùa Hồ Thiên và Hương Hải.

Trịnh Giang thích chơi bời, cung quán chùa chiền xây dựng kế tiếp. Hắn dựng chùa Hồ Thiên, bắt dân các huyện Giáp Sơn, Thủy Đường, Đông Triều, Kim Thành và dân xứ Thanh Hoa làm công việc này. Từ đường, phủ đệ ở các làng ngoại thích như Tử Dương và Mi Thữ xây dựng cực kỳ nguy nga đẹp đẽ. Những người xưng là nội sứ (bầy tôi hầu hạ trong cung cấm) tỏa ra bốn phương bắt lấy vật liệu, vì bọn này ức hiếp hà khắc, nên người làm ruộng, người đi buôn mất hết nghề nghiệp. Nhân dân đi dần đến chỗ không thể chịu nổi.

Lời chua-Chùa Hồ Thiên: Ở huyện Bảo Lộc3178 , trấn Kinh Bắc, đỉnh núi có am Hồ Thiên.

Chùa Hương Hải: Ở xã Phủ Vệ, huyện Chí Linh3179 .

Giáp Sơn: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XX, 27).

Kim Thành3180 : Tên huyện, xem Thuộc Tấn, Tề vương, năm Khai Vận thứ 2 (Tb. V, 22).

Thủy Đường3181 : Xem Đế Duy Phường, năm Vĩnh Khánh thứ 2 (Chb. XXXVII, 16).

Đông Triều3182 : Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ nhất (Chb, XXII, 25).

Thanh Hoa: Vì xứ Thanh Hoa có rừng lim và đá xanh, nên bắt cả xứ này phải phục dịch công việc xây dựng.

Tử Dương: Tên xã, thuộc huyện Đông Yên3183 , tỉnh Hưng Yên.

Mi Thữ: Tên xã, thuộc huyện Đường Hào3184 , tỉnh Hải Dương.

Làng ngoại thích (Thích lý): vợ Trịnh Cương là Vũ Thị, người xã Mi Thữ, nguyên quán xã Từ Dương.

Giang tự tiến phong cho em là Doanh tiết chế quân thủy, quân bộ các xứ, chức thái úy, tước ân quốc công, mở phủ Lượng quốc.

Doanh, con thứ Trịnh Cương, 17 tuổi. Giang tiến phong chức tước cho Doanh để tạm giữ chính quyền. Mỗi tháng 3 lần, Doanh tiếp kiến trăm quan ở trạch các, để nghe trình bày công việc.

Tháng 5, mùa hạ. Giang giết Trương Nhưng, đốc suất Nghệ An; bổ Nguyễn Minh Châu thay giữ công việc ở trấn.

Trương Nhưng, em ruột Trương thái phi3185 . Nhưng dầu là người có công và ngoại thích, mà lúc nào cũng ôn hòa và giản dị, giao du với ai không làm cho người ta trái ý. Trịnh Giang có tính hay nghi kỵ, Giang ngờ Trương Nhưng phụ họa bè đảng với đại thần, hoạn quan Hoàng Công Phụ lại gièm pha vào. Vì thế, Giang mật sai Dật trung hầu (hoạn quan, không rõ tên) giả nói là có lệnh chỉ bí mật, bắt Trương Nhưng thắt cổ chết đi, dùng Minh Châu thay giữ công việc trấn Nghệ An. Sau đó, Giang lại toan dùng kế để giết Minh Châu, nhưng Minh Châu biết chuyện, nên việc ấy mới thôi.

Giang tự thi tiến sĩ ở phủ đường, lấy Trịnh Tuệ đỗ trạng nguyên.

Theo chế độ cũ, cử nhân3186 thi hội ở bộ Lễ được trúng cách, lại vào thi đình. Thể lệ thi đình: Chính thiên tử thân hành ra bài văn sách, rồi lấy đỗ và cho truyền lô xướng danh từng người được đỗ, cứ 3 năm mở một khoa. Thi đình là điển lễ long trọng trong việc tân hưng3187 .

Nhưng một hồi lâu, chiếu nhất của khoa thi nam cung vẫn còn trống chỗ3188 . Khoa này Trịnh Giang nghe lời nội giám Hoàng Công Phụ cho triệu sĩ tử vào thi ở phủ đường, cất nhắc Trịnh Tuệ đỗ cập đệ đệ nhất danh, còn các sĩ tử khác đỗ cập đệ và xuất thân có người cao người thấp khác nhau.

Tuệ, người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc, thuộc Thanh Hoa, là tộc thuộc họ Trịnh, Tuệ vẫn có tiếng hay chữ, nhưng vì việc thi này, nên người ta bàn tán chê bai.

Bãi bỏ binh lính mới tuyển.

Khoảng giữa năm Bảo Thái, kén thêm binh lính, lương thực cấp phát mỗi ngày một nhiều, Trịnh Giang bèn sai các quan tham khảo sổ sách binh lính, nếu ngạch cũ có lính, thì được lưu lại cho lệ thuộc vào vào các vệ; ngoài ra, đều cho trở về hàng ngũ của dân.

Tháng 6. Định bổng lộc hàng năm cho quan văn, quan võ.

Quan văn được cấp cho tùy hành dân hộ, quan võ được cấp cho chế lộc dân xã. Quan văn thì tùy theo khoa bảng đỗ cao hay thấp, quan võ thì tùy theo quản lãnh binh lính nhiều hay ít, để cấp phát. Các viên quan ấy được hàng năm thu tiền làm bổng lộc có người nhiều ít khác nhau.

Lời chua-Bổng lộc hàng năm: Theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, thì chế độ ban cho bổng lộc như thế này:

Đầu năm Hồng Đức, lấy phẩm trật cấp bậc cao hay thấp để định bổng lộc hàng năm nhiều hay ít.

Sau khi trung hưng, về phần quan văn thì trông vào khoa thi bảng đỗ cao hay thấp mà cấp cho tùy hành dân hộ; về phần quan võ thì trông vào quản lãnh binh lính nhiều hay ít mà cấp cho chế lộc dân xã:

Quan văn: Nếu xuất thân là tiến sĩ, được cấp tùy hành dân xã 35 người; hoàng giáp 40 người; thám hoa 45 người; bảng nhãn 50 người; trạng nguyên 55 người. Cho phép nộp tiền, mỗi người một năm nộp 3 quan, để làm ngụ lộc cho các quan văn; những người đã nộp tiền được miễn tiền thuế dung.

Quan võ: Nếu quản lãnh nội binh, như các đội thi hậu, nội nhưng, thì tiền chế lộc mỗi người nộp 3 quan 6 tiền; quản lãnh ngoại binh như cơ đội các doanh, thì mỗi người hoặc nộp 2 quan hoặc nộp 1 quan không giống nhau, cũng trông vào số binh lính mà các viên ấy quản lãnh nhiều hay ít để định số tiền nộp nhiều hay ít khác nhau.

Sử cũ lại chép: Khoa thi đông các, viên quan nào trúng cách thứ nhất được cấp 30 người; trúng cách thứ 2 được cấp 25 người; trúng cách thứ 3 được cấp 20 người.

“Binh chế chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú chép: Sau khi trung hưng, trong sổ binh lính có các đội thi hậu, thủy binh, bộ binh và đội nội nhưng, đều là Thanh Nghệ ưu binh.

Phát sinh dịch tễ lớn.

Liệu lượng giảm bớt ngạch cũ về binh và hộ.

Giang hạ lệnh: Quan và dân ai nộp tiền sẽ được thăng chức hoặc bổ làm quan.

Quan và dân đều cho phép nộp tiền, sẽ được cất nhắc trao cho chức phẩm: Các viên quan trong triều ban từ lục phẩm trở xuống, ai nộp 600 quan tiền sẽ được thăng chức một bậc; nhân dân, ai nộp 2.800 quan được bổ thụ tri phủ, nộp 1.800 quan được bổ thụ tri huyện.

Lúc ấy, Giang chơi bời, xa xỉ phóng túng, của cải ngày một hao mòn, bán quan mua tước, không việc gì hắn không làm. Vì thế mà sau này sinh ra họa loạn.

Đinh Tỵ, năm thứ 3 (1737). (Thanh, năm Càn Long thứ 2).

Mồng một, tháng giêng, mùa xuân. Nhật thực.

Tháng 2. Giang bổ dụng chỉ huy sứ Nguyễn Minh Kiên và Nguyễn Đình Lý làm thị lang.

Giang ngày càng tối tăm mê hoặc, xếp đặt công việc lẫn lộc sai lầm. Hắn bổ hai viên quan ở võ ban là: Minh Kiên làm tả thị lang bộ Hình; Đình Lý làm hữu thị lang bộ Lễ. Minh Kiên và Đình Lý đều không có học thức, lấy tư cách quan võ, nhảy vọt lên phẩm trật cao quý trong hàng văn giai, người ta ai cũng chê cười. Sau đó, Minh Kiên lại trở về võ ban.

Lời chua-Chỉ huy sứ: Theo quan chế triều cố Lê, thì chỉ huy sứ hàm tòng tam phẩm về võ ban.

Giang đúc tượng Phật lớn ở chùa Quỳnh Lâm, hạ lệnh cho trăm quan tính theo phẩm trật để nộp đồng.

Tháng 9, mùa thu. Ở Sơn Tây và Thái Nguyên trộm cướp nổi dậy. Sai bọn Nguyễn Bá Lân, đốc đồng Sơn Nam, đi đánh, phá tan được.

Nguyễn Đương Hưng, người thầy chùa, tụ họp đồ đảng trong núi Tam Đảo, lừa dối dụ dỗ những người ngu tối, quê mùa, xưng ngụy hiệu, đặt quan thuộc, bọn bất đắc chí nơi đồng nội phần nhiều núp bóng hắn, quân chúng của hắn có đến vài ngàn người. Bèn sai Bá Lân giữ chức giám quân cùng bọn Nguyễn Lịch, Nguyễn Trọng Côn chia đường tiến đánh, dẹp yên được.

Lúc ấy, nhân trong nước thái bình, dân không hiểu biết việc binh, chợt nghe có tin báo nguy cấp, thì người xa người gần đều nghi ngờ lo sợ, người trong kinh đô dắt díu nhau ra ngoài thành, dân sở tại thì đào hố chôn giấu của cải, sắp sẵn lương khô làm thức ăn. Nếu sớm tối mà giặc kéo đến, thì dân không có chí khí gì bền vững cả.

Vì bọn trộm cướp ở các xứ nổi lên như ong, trạm báo tin không được nhanh chóng, bèn hạ lệnh cho các lộ Sơn Tây và Thanh Hoa đều đặt đồn hỏa hiệu ở trên đỉnh núi, bắt dân sở tại ngày đêm canh giữ, nếu có nguy cấp thì đốt lửa để thông báo về triều.

Lời chua-Núi Tam Đảo: Ở địa giới huyện Tam Dương3189 , thuộc Sơn Tây, xem Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 7 (Chb. XVIII, 18).

Bá Lân: Người xã Cổ Đô3190 , huyện Tiên Phong, đỗ tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731) năm Vĩnh Khánh triều Đế Duy Phường.

Mậu Ngọ, năm thứ 4 (1738). (Thanh, năm Càn Long thứ 3).

Tháng 4, mùa hạ. Thế tông Hiếu vũ hoàng đế3191 ta nối nghiệp.

Tháng 12, mùa đông. Họ tôn thất là bọn Duy Mật và Duy Chúc dấy quân ở Thanh Hoa.

Bọn Duy Mật, Duy Chúc và Duy Quy bực về nỗi họ Lê mất quyền bính, Trịnh Giang bạo nghịch giết vua, họ bèn cùng quan trong triều là bọn Phạm Công Thế, Vũ Thước và thuộc hiệu là Lại Thế Tế bàn mưu đốt kinh thành, nhưng không xong. Vì sợ công việc bị lộ, nên Duy Quy chạy đi Cẩm Thủy, Duy Mật và Duy Chúc chạy đi Nghi Dương, được thổ hào là bọn Ngô Hưng Tạo hộ tống vượt biển vào Thanh Hoa. Giang sai binh lính đuổi theo không kịp. Bọn Vũ Thước bị bắt, đem giam trong ngục rồi giết đi. Duy Chúc và Duy Quy sau bị bệnh chết, Duy Mật bèn chiếm cứ mặt thượng du vùng tây nam.

Lúc ấy Phạm Công Thế đương giữ chức Đông các hiệu thư, theo Duy Mật dấy quân, đánh nhau bị bại trận và bị bắt. Bầy tôi trong triều trách Công Thế rằng: “Nhà ngươi là người trong khoa giáp làm sao lại đi theo bọn phản nghịch?”. Công Thế cười nói: “Danh phận không sáng tỏ đã lâu rồi, còn phân biệt thế nào là thuận với nghịch nữa?”. Rồi, vươn cổ chịu chém, không một chút nào khuất phục nao núng.

Lời cẩn án-Nhà Lê không giữ được giường mối, họ Trịnh bạo nghịch giết vua, trong lúc ấy há không xuất hiện người trung thần nghĩa sĩ hiếu tỏ danh phận thuận nghịch hay sao? Chỉ vì chợt mới nổi lên lại bị dập tắt ngay, chung quy không làm nên việc gì cả. Thế mà người cầm bút chép sử đem ẩn giấu sự thực đi, chép ngay là “làm phản”, bèn làm cho cái nghĩa đánh giặc bị lu mờ. Duy Mật là người chí thân của vua Lê, đau xót về nỗi nhà Lê không ngóc dậy được, nên đem thân ở xa mãi nơi núi rừng quyết chí đánh giặc. Việc Duy Mật làm có thể gọi là danh chánh ngôn thuận, không thể ví như bọn giặc cỏ được. Dầu rằng, lòng trời không giúp nhà Lê, việc của Duy Mật không được thành công, nhưng nói về nghĩa lớn vua tôi thì không bao giờ có thể mai một. Vì vậy, xin kính cẩn bắt chước lối chép Cương mục [của Chu Tử] mà chép đứng sửng lên là “dấy quân” (khởi binh) để đính chính lại. Lời chua-Duy Mật, Duy Quy: Đều là con Dụ Tông.

Duy Chúc: Con Hi Tông.

Cẩm Thủy3192 : Tên huyện, nguyên trước là Cử Long man, xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 8 (Chb. I, 34, 35).

Nghi Dương3193 : Tên huyện, đặt từ năm Hồng Đức nhà Lê, thuộc phủ Kinh Môn, Hải Dương, nay thuộc phủ Kiến Thụy.

Lại Thế Tế: Người xã Quang Lãng, huyện Tống Sơn3194 , là dòng dõi công thần Thế Vinh.

Công Thế: Người xã Hoàng Xá, huyện Đông Quan3195 , đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1727) năm Bảo Thái triều Lê Dụ Tông.

Kỷ Mùi, năm thứ 5 (1739). (Thanh, năm Càn Long thứ 4).

Tháng 3, mùa xuân. Bắt đầu đặt đồn lũy ở châu Bạch Thông.

Lê Đình Tính, lưu thủ Thái Nguyên, làm tờ khải nói: “Châu Bạch Thông và huyện Cảm Hóa tiếp giáp với địa giới Lạng Sơn, Cao Bằng và bảo Lạc3196 , trước kia không có đồn ải, những dân ngoài giáo hóa triều đình thường tự do đi lại. Tôi trộm e rằng, nếu việc phòng bị nơi biên cảnh không nghiêm, thì không thể khống chế được bọn giặc cướp táo bạo, rồi sẽ đi đến chỗ giặc cướp lann tràn. Vậy xin đặt đồn ải ở những đường hiểm yếu, bắt phiên thần phái lính canh giữ, để biên cảnh được vững vàng”. Trịnh Giang theo lời.

Lời chua-Châu Bạch Thông, huyện Cảm Hóa3197 : Xem Lý Thái Tông, năm Thiên Cảm thánh vũ thứ nhất (Chb. III, 11).

Tháng 4, mùa hạ. Trịnh Giang bắt đầu đặt giám ban.

Theo chế độ cũ, các quan chỉ có hai ban văn và võ. Đến nay bọn hoạn quan lộng quyền, Giang mới đặt thêm giám ban. Hạ lệnh: ai thi khảo trúng cách sẽ được trao cho quan chức. Các quan lấy thế làm hổ thẹn, nhưng không ai dám nói. Đến đầu năm Cảnh Hưng mới bãi bỏ việc đặt giám ban.

Giang sai quan tính toán tài sản tiêu dùng.

Lúc ấy, điều động binh lính, việc chi dùng không được kế tiếp. Phủ liêu làm tờ khải nói: “Của cải là việc cần kíp của nhà nước. Đời cổ cân nhắc số thu vào mà tính số chi ra. Gần đây, chi thu vào không cân nhắc cho có tiết độ, đến hết năm cũng không kê cứu khám xét gì cả. Nay nên chọn kỷ lấy người bầy tôi tin cẩn3198 , cùng với Hộ phiên tính toán số thu vào và chi ra, để xét xem thiếu đủ thế nào sẽ tùy tiện châm chước ứng cấp”. Trịnh Giang theo lời.

Bàn luận thi hành 6 điều để xử trí phiên trấn ngoài biên giới.

Phủ liêu bàn luận: Các trấn Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Hưng Hóa, cũng như cái phên cái giậu của nhà nước, nên tùy tình thế mà xử trí, để nơi biên cảnh được yên.

1. Phụ đạo trong hàng phiên thần phần nhiều cầu cạnh để quản lãnh quân và dân. Nay nên giao cho viên quan ở trấn xét chọn, nếu người nào xứng đáng sẽ trao cho chức trách ấy.

2. Các trường mỏ, nên theo chế độ cũ, hạ lệnh cho phụ đạo quản cố trông coi, để lính mỏ3199 có thống thuộc.

3. Người Nùng áo xanh đều nên có phương pháp khu xử.

4. Gỗ lạt ở thượng lưu, có hạng người thường mua bằng lối đặt tiền trước, hoặc lối cho vay tiền, như thế có hại cho dân, tệ tục ấy nên trừ bỏ đi.

5. Các sở tuần ti thiện tiện đặt chi nhánh để thu thuế người buôn bán một cách ngang trái, cần phải nghiêm cấm để tỏ rõ lòng khoan hồng đối với lái buôn.

6. Các trấn bị điêu tàn, nên tha cho những thuế còn thiếu, để yên ủi dân ngoài biên giới.

Giang cho thi hành 4 điều, còn 2 điều phiên thần (điều 1) và trường mỏ (điều 2) vẫn để như cũ.

Lời chua-Thái Nguyên: Tức Ninh Sóc.

Cao Bằng: Trước thuộc Ninh Sóc.

Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Hưng Hóa: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16, 19, 30, 31, 32, 35).

Người Nùng áo xanh: Có 7 họ, đều mặc áo chàm, nên gọi là người Nùng áo xanh, xem Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 13 (Chb. XLI, 16).

Tháng 6. Lại kén lính ở tứ trấn mà trước kia đã thải về.

Giang hạ lệnh kén thêm lính ở tứ trấn mà trước đã thải về cùng lính nhất binh ở Trường Yên, phân phối cho lệ thuộc vào đội ngũ, để sung vào việc canh phòng và nã bắt. Phủ liêu bàn luận: Núi rừng ở nơi biên viễn, đảng trộm tụ họp; tứ trấn ở trong nội địa cũng nhiều nơi phát sinh trộm cắp. Nhân dân sở tại tự giữ lấy làng xóm cũng không xong, hơi có biến động một chút, tất sinh ra sợ hãi rối loạn. Từ năm Nhâm Dần tuyển lính, số quân tuy tăng lên, nhưng cũng chẳng giúp ích gì cho công việc thiết thực, hơn nữa đem ruộng công cấp cho lính, thành ra nông dân không có gì để sinh nhai. Năm Bính Thìn, xá miễn binh lính, dân đã dần dà được yên ổn làm ăn. Nay nếu lại cứ chiểu theo số ruộng để tuyển lính, thì ruộng công đã đem quân cấp rồi, do đấy khẩu phần các quân lính sẽ giảm bớt đi, mà không khỏi sự phiền nhiễu về thay đổi phần ruộng. Vậy không gì bằng cứ theo như cũ cho thải về là tiện hơn cả. Giang không nghe, thành ra sau này tệ hại không sao kể xiết.

Lời chua-Nhâm Dần: Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 3 (1722) kén thêm lính ở tứ trấn và Thanh, Nghệ (Chb. XXXVI, 5).

Bính Thìn: Năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) thải lính mới tuyển cho về làm ruộng (tờ 3 trong cuốn này).

Bắt đầu đổi tên chức “trấn thủ” và “lưu thủ” ở trấn gọi là “đốc phủ”.

Danh hiệu “đốc phủ” bắt đầu từ đây. Duy ở Lạng Sơn gọi là “tổng phủ”, ở Nghệ An gọi là “đốc suất”.

Tha tô thuế.

Lúc ấy, trộm cướp nổi lên một ngày một nhiều, dân gian náo động, mới bàn định thi hành ân xá rộng rãi để phủ dụ dân. Bèn hạ lệnh: Khắp trong nước, thuế vụ hạ năm nay, về phần thuế tô và dung đều được xá cho hai phần mười; Thanh và Nghệ về tiền nhà trạm và tiền cửa đình; tứ trấn và ngoại trấn về tiền nộp để chuộc tội còn bỏ thiếu chưa nộp; đều được miễn xá.

Mộ lính ở tứ trấn.

Hạ lệnh: dân đinh ở Thanh, Nghệ và tứ trấn, có người nào am tường lão luyện về nghề thủy thủ và người thân thể sức vóc khỏe mạnh, tình nguyện làm lính, đều được phép ứng tuyển để bổ sung vào đội ngũ. Lại hạ lệnh cho 5 huyện Thụy Nguyên, Vĩnh Phúc, An Định, Lôi Dương và Nông Cống thuộc Thanh Hoa, theo ngạch cũ, cứ 5 suất đinh lấy một người làm lính, nay đều kén thêm một người lính nữa.

Lời chua-Thanh Hoa: Tức Thanh Hóa, xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 15, 16, 20, 21, 33).

Bổ Trịnh Tuệ làm thượng thư bộ Hình, vào phủ đường giữ chức tham tụng.

Tuệ nóng sốt về đường làm quan, nhờ được Công Phụ tiến cử, thi đỗ không đầy vài năm, lấy địa vị thượng thư vào đứng các quan trong phủ chúa. Sau khi đã được giữ chính quyền, Tuệ cùng bọn hoạn quan, kẻ trong, người ngoài, xướng họa với nhau. Một lũ tiểu nhân không còn kiêng kỵ sợ hãi gì cả: chính lệnh phiền nhiễu tế toái, thưởng phạt lầm lẫn rối ren. Từ đấy trong nước mới sinh ra nhiều việc.

Tháng 8, mùa thu. Giáng chức: Phạm Khiêm Ích, thượng thư bộ Lại, hiện giữ chức tham tụng, làm đốc phủ Thanh Hoa; Cao Huy Trạc, thượng thư bộ Hộ, hiện giữ chức bồi tụng, làm đốc đồng.

Sau khi trung hưng, ở các trấn, dùng một viên quan võ làm trấn thủ để kiềm chế trộm cướp, và dùng một viên quan văn làm đốc đồng để khám hỏi các việc kiện về trộm cướp; hai chức quan này cũng thuộc về Trấn ti, đều dùng viên quan từ ngũ phẩm, lục phẩm trở xuống cùng quan trong triều mới được cất nhắc để bổ dụng.

Giữa niên hiệu Long Đức (1732-1735) các con chúa Trịnh ra giữ công việc ở trấn, cũng có khi dùng viên đại thần để bàn tán giúp công việc nơi biên khổn, nhưng sau lại bãi bỏ; duy Nghệ An là nơi biên trấn trọng yếu, nên về quan văn thì dùng chức tả thị lang hoặc hữu thị lang làm đốc thị, quyền ngang với đốc suất. Chức đốc thị và phó đốc thị, lúc nào cần đặt mới chọn người để bổ nhiệm, không câu nệ về quân chức phẩm trật. Đến nay dùng thượng thư giữ chức đốc phủ, đốc đồng, nên trong kinh, ngoài trấn, không ai không lấy làm hãi hùng kỳ dị.

Lời chua-Đốc đồng, đốc thị: Hai chức này bắt đầu đặt từ lúc nhà Lê trung hưng. Nghệ An là phiên trấn trọng yếu, nên đặc biệt đặt chức đốc thị.

Tháng 9. Giang giả thác mệnh lệnh xưng là AN Nam thượng vương.

Giang vượt phận tiếm quyền, không kiên kỵ sợ hãi gì, tự tiến xưng là Bác Đạt mậu hòa tuy du dụ nghĩa Trịnh vương.

Lúc ấy Giang đương chơi ở xã Quế Trạo3200 vùng Kinh Bắc, là quê hương hoạn quan Hoàng Công Phụ. Giang xây dựng phủ đệ để hắn ở, hắn bí mật sai Nguyễn Trác Luân và Trần Văn Hoán từ kinh sư chạy trạm lên, phụng đệ sắc văn và ấn tỉ, nói giả thác ra rừng sứ thần nhà Thanh sang nước ta, phong cho Giang làm An Nam thượng vương.

Lời phê-Không cướp ngôi vua thì thôi, còn muốn làm gì chả được, cần gì mà phải nói giả dối. Điên cuồng! Đáng chê cười! Lời chua-Trịnh Giang: Sau đổi hiệu: Toàn vương, lại đổi: Thuận Vương.

Trác Luân: Người xã Bình Lao, huyện Cẩm Giàng, đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721) năm Bảo Thái triều Lê Dụ Tông.

Văn Hoán: Người xã Từ Ô3201 , huyện Thanh Miện, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1724) năm Bảo Thái triều Lê Dụ Tông.

Quế Trạo: Tên xã, thuộc huyện Quế Dương, trấn Kinh Bắc.

Tháng 12, mùa đông. Lập phép đoàn kết.

Phép đoàn kết như thế này:

Mỗi xã, cứ 10 dân đinh thì lấy 2 người, bắt tự sắm lấy đồ binh khí, đặt điếm canh để canh giữ; cứ 4, 5 xã hoặc 6, 7 xã địa thế tiếp giáp nhau kết hợp làm một đoạn; chọn một người chức dịch ở trấn hoặc lại điển ở huyện làm trưởng đoàn. Gặp có sự nguy cấp thì người trưởng đoàn đốc suất dân đinh theo tình thế mà chống chọi đánh dẹp; nếu không đủ sức, thì cấp tốc báo ngay đoàn khác tiếp viện đối phó.

Vì lập phép này, nên ở dân gian đâu đâu cũng có binh khí. Bọn gian nhân sự sơ hở, tụ họp nhau đi cướp bóc ngày càng quá tệ. Sau thay đổi lại, chọn người có địa vị danh vọng sung vào việc quản lãnh trông coi, lại dùng quan chức trong triều đi phủ dụ. Nhưng không bao lâu, phép này lại bãi bỏ, những đồ binh khí đã chế ra đem nộp lên quan.

Xã Ninh Xá thuộc Hải Dương nghĩa binh nổi dậy3200 .

Từ ngày làm việc bạo nghịch giết vua, Trịnh Giang lấn quyền càn giỡ mỗi ngày một quá, dâm dục chơi bời không còn có mức độ nào cả, sau mắc chứng bệnh kinh quý3203 , sợ sấm sét. Bọn hoạn quan Hoàng Công Phụ đánh lừa, chúng đào đất làm cung thưởng trì dưới hầm cho Giang ở, từ đấy Giang không bước chân ra ngoài, Công Phụ cùng đồ đảng của hắn chuyên chính lộng quyền, các quan đại thần kế tiếp nhau người bị giết, người bị phạt, người nào cũng nơm nớp lo sợ không tự bảo toàn được thân mình, chính sự trái ngược, thuế khóa nặng nề, lòng dân mong sao cho chóng nổi lên loạn lạc.

Lúc ấy, về mặt Hải Dương, có bọn Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở Ninh Xá, Vũ Trác Oánh ở Mộ Trạch; về mặt Sơn Nam, có Hoàng Công Chất; đảng lớn phe nhỏ, hết chỗ này đến chỗ khác, thúc giục nhau phiến động, chỗ nào cũng tự dấy quân, tự xưng danh hiệu: Nguyễn Tuyển xưng Minh Chủ, Trác Oánh xưng hiệu Minh Công, họ hội họp nhau ở xã Ninh Xá, đều mượn tiếng “phò Lê”. Dân ở vùng đông vùng nam, người đeo bừa, người váv gậy đi theo, chỗ nhiều có đến hơn vạn, chỗ nhỏ cũng hàng ngàn hàng trăm, họ quấy rối cướp bóc làng xóm, vây đánh các ấp các thành, triều đình không thể nào ngăn cấm được.

Lời cẩn án-Theo “phàm lệ” chép sách Cương mục (của Chu Tử). – Người nào vì việc nghĩa mà dấy quân thì chép “khởi binh” như các nước chư hầu thời nhà Tần và Lưu Sùng3204 thời nhà Hán v.v… – Người nào dấy quân tuy không phải vì việc nghĩa, nhưng người mà cùng họ đối địch, lại không có phép được gọi là giặc cướp, thì chép là “binh khởi”, như các châu huyện và Phàn Sùng3205 cuối thời Vương Mãng v.v… Cuối thời nhà Lê, Trịnh Giang tự làm việc bạo nghịch giết vua, bọn Nguyễn Tuyển và Trác Oánh nhân lòng dân oán giận, mượn danh nghĩa, nhân kẽ hở mà nỗi lên, tuy việc họ làm không thoát khỏi hành vi của giặc cướp, nhưng đều là để đối địch với Trịnh Giang. Thế mà người tục biên Lê sử lại chép họ là “giặc”. Người ấy không biết rằng họa loạn do Giang gây ra, Giang chính là giặc nhà Lê, thì người đối địch với Giang có thể nào bị coi là “giặc” được? Tại sao người tục biên Lê sử lại đem chữ “giặc” mà Chu Tử không gán ghép cho bọn Lưu Sùng, Phàn Sùng để gán ghép cho bọn Tuyển, Cừ, Trác Oánh? Vì thế, nay đổi lại, chép là “binh khởi”. Chép như thế, ngõ hầu hợp được nghĩa lệ chép Cương mục của Chu Tử. Lời chua-Ninh Xá: Tên xã, sau đổi là Ngô Đồng, thuộc huyện Chí Linh3206 , phủ Nam Sách, Hải Dương.

Mộ Trạch3207 : Tên xã, thuộc huyện Đường An, phủ Bình Giang.

Cung Thưởng Trì: Có sách chép: Tiên cung, ở xã Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, tức chỗ nền cũ cung Thưởng Xuân triều nhà Lý.

Theo Vũ trung tùy bút lục của Phạm [Đình] Hồ, thì Giang là người loạn dâm, thông gian với vợ lẽ của bố là Kỳ viên phi Đặng Thị, Vũ thái pho biết chuyện, bắt ép Đặng Thị phải tự tử.

Một hôm, bất thình lình Giang bị sét đánh, gần chết, nhân đấy mắc chứng bệnh kinh quý, hễ nghe có tiếng sấm là sợ hãi mất cả hồn vía. Bọn hoạn quan nói dối rằng:

đấy là vì dâm dục nên bị ác báo, bây giờ chỉ có cách đào lỗ xuống đất làm nhà mà ở để tránh sấm sét, họa ra có thể thoát khỏi tai nạn. Giang bèn dựng cung Thưởng Trì để ở, không dám ra ngoài nữa.

Đặng Thị: Người xã Trà Đổng, huyện Tiên Du, vợ lẽ yêu của Trịnh Cương, hiệu là Kỳ viên phi.

Canh Thân, năm thứ 6 (1740). (Từ tháng 5 trở về sau thuộc năm Cảnh Hưng thứ nhất đời Lê Hiển Tông-Thanh, năm Càn Long thứ 5).

Tháng giêng, mùa xuân. Trịnh Doanh tự tiến phong nguyên soái, tổng quốc chính, Minh Đô vương. Tôn Giang làm thái thượng vương.

Doanh là người sáng suốt, quả quyết, có tài văn võ, từ khi mở phủ Lượng Quốc, tạm giữ chính quyền, được lòng người gắn bó đã lâu, nhưng bị Hoàng Công Phụ ghét, xén bớt mất quyền, nên mọi việc, Doanh không dám một mình tự quyết đoán.

Trịnh thái phi là Vũ Thị3208 cho triệu Nguyễn Quý Cảnh, bồi tụng giữ chức hữu tư giảng, vào phủ, bảo Quý Cảnh khuyên Trịnh Doanh đứng ra thay Trịnh Giang để trừ hoạn nạn trong cung phủ. Lúc ấy Quý Cảnh đương có trọng tang ở nhà, bèn ngầm biên tiên hương binh3209 , dự chia thành từng bộ phận, rồi nhân lúc nhàn rỗi nói với Doanh, Doanh khóc và ngăn cản đi. Quý Cảnh đem việc ấy nói với bồi tụng Nguyễn Công Thái và thân thần là bọn Trịnh Đạc, Vũ Tất Thận, Nguyễn Đinh Hoàn, cùng tán thành cả.

Trước đây, Nguyễn Tuyển vùng vẫy ở mặt đông nam, tin nguy cấp hàng ngày đưa về, Thực quận công (sót họ tên), đảng của Công Phụ, trước đã đem quân đóng ở Thanh Lâm để đánh phá tiễu trừ nhưng không sao thắng được. Công Phụ nhận thấy ngày trước Nguyễn Tuyển đã ở trong nhà hắn, nên hắn muốn thân hành đi phủ dụ, dẹp yên Nguyễn Tuyển, lập lấy công to, để hiếp chế triều đình. Nhân đấy Quý Cảnh hết sức khuyên. Công Phụ bèn đem binh lính trong bản bộ của mình sang đò qua sông, lúc ấy trong hoàng thành bỏ trống rỗng.

Bọn Quý Cảnh phân phối hương binh sung vào việc bảo vệ kinh thành, rồi bàn định dùng ngày khai bảo3210 , hội hợp trăm quan, phò lập Trịnh Doanh lên nối ngôi giữ quốc chính. Doanh nhún nhường tứ chối không dám đương. Quý Cảnh e rằng nếu để chậm sẽ sinh biến cố khác, bèn đem việc này tâu lên nhà vua. Nhà vua sai người dụ bảo hai ba lần, Trịnh Doanh không từ chối nữa.

Chiều hôm ấy, Quý Cảnh cùng Công Thái, Trương Khuông vào chầu nhà vua, nhưng hôm ấy chưa làm lễ mở bảo tỉ, bọn Quý Cảnh nhân mật hẹn với Tào Thái hầu (sót họ tên) giữ chức Tư Lễ giám rằng, sáng mai, xin chỉ dụ của vua để in bảo tỉ vào sắc văn.

Sáng hôm sau, Doanh đến phủ đường, bọn Quý Cảnh và Trương Khuông theo sau hộ vệ. Lúc ấy, chỉ có tướng sĩ thân quân ở trong vệ Tứ Nghiêm và Tứ Kính đều đeo gươm, cắp súng. Một lúc sau, Tào Thái hầu đưa sắc văn và dụ chỉ đến. Công Thái xướng lên rằng “có sắc mạng [của thiên tử]”. Doanh quỳ xuống, tiếp nhận. Phan Lai hầu (sót họ tên), một tên nội giám, đứng bên cạnh, tức giận trách móc, bị Trương Khuông lôi ra giam vào ngục.

Công Thái lại khuyên, nhưng Trịnh Doanh còn chần chừ chưa quả quyết. Trương Khuông và Đình Hoàn liền phò Trịnh Doanh lên bảo tọa, bọn Quý Cảnh đứng hầu chung quanh, nội giám Giáp Nguyễn Khoa lên lầu nổi trống, tuyên triệu trăm quan. Các hoạn quan bảo vệ ở cung Thưởng Trì nghe tin biến động, đem binh lính đến. Hương binh của Quý Cảnh đánh nhau với bọn này đều giết hết. Trăm quan cùng đem nhau đến lạy mừng.

Sau khi Doanh đã lên nối ngôi rồi, tôn Giang làm thái thượng vương. Sai tụng quan tuyên bố lời dụ ở phủ đường:

1. Khôi phục hai ban văn vũ theo chế độ cũ, để triều đình được nghiêm trọng;

2. Ba năm xét công trạng các quan một lần, để phân biệt người tốt, người xấu;

3. Lục dụng người không mắc tội mà phải giáng truất, để cất nhắc người có tài mà bị chìm đắm;

4. Nghiêm ngặt đối với những đơn xin chức tước hoặc bảo toàn tính mệnh, để con đường làm quan được trong sạch;

5. Tăng thêm khẩu phần ruộng, để binh lính đủ lương ăn;

6. Rộng xá thuế tô, thuế dung, để cứu chữa sự đau khổ cho dân;

7. Đình chỉ tất cả công việc xây dựng, để sức lực của dân được thư thả;

8. Triệt bỏ các sở tuần ti, bến đò đặt trái phép, để tỏ rõ chính thể khoan hồng;

9. Cấm chỉ sự ức hiếp và lối đặt tiền trước để mua hàng;

10. Định lệnh thưởng và phạt tướng sĩ có công hoặc có tội, ra ân rộng rãi cho quân sĩ đã chết vẫn được hưởng miễn trừ;

11. Định rõ việc khiếu tố các viên quan cai quản làm việc hà khắc nhũng lạm;

12. Đê đường, giao cho viên quan ở trấn đốc thúc sửa đắp, để việc làm ruộng được thuận tiện;

13. Tiền của cải giao về bộ Hộ giữ gìn quản trị, để việc chi dùng trong nước được đầy đủ;

14. Các việc kiện tụng, cấm dâng tờ khải khiếu tố càn rỡ;

15. Miễn tô ruộng cho hai xứ Thanh và Nghệ.

Lời dụ gồm 15 điều, trong kinh ngoài trấn rất lấy làm vui vẽ.

Bàn luận công bầy tôi giúp rập: cho Vũ Tất Thận được chữ hiệu “công thần”, mũ và đai lưng được trang sức bằng vàng, theo thể lệ mũ và đai của vương thân; phong Nguyễn Công Thái, Nguyễn Quý Cảnh làm công thần suy trung và dực vận3211 còn những người khác đều được thăng thưởng người cao người thấp khác nhau.

Sau đó, hạ lệnh cho Nguyễn Đình Hoàn đem quân bảo vệ cung Thưởng Trì bắt giết đồ đảng thân tín của Hoàng Công Phụ. Công Phụ còn đóng quân ở Vân Giang, hay tin, hắn cùng hơn mười người thủ hạ bỏ trốn. Do đấy, cung cấm trong phủ đường được nghiêm chỉnh, yên tĩnh.

Lúc ấy, Trịnh Giang hoang dâm càn giỡ, bọn hoạn quan chuyên quyền, mọi việc đều ngang trái rối loạn, trộm giặc nổi dậy khắp nơi, trong kinh ngoài trấn nôn nao lo sợ, họ ngờ rằng sớm tối sẽ xảy ra sự bất trắc. Thế mà bọn Quý Cảnh, trong nhờ có Vũ Thị, trên giả thác sắc mệnh vua Lê, bèn phò Trịnh Doanh nắm lấy chính quyền, xoay xở xếp đặt trong khoảng chốc lát, mà lòng người được yên ổn. Sau khi công việc đã xong xuôi, Trịnh Doanh hạ lệnh cho Quý Cảnh vào túc trực trong phủ đường, sớm tối bàn định công việc. Lúc bấy giờ, sở dĩ cởi được mối rối loạn một cách thư nhàn, trấn áp họa loạn được yên ổn, Quý Cảnh thật là người có công.

Trịnh Doanh lại bàn định thi hành chính sách khoan hồng:

– Phàm quan hoặc quân để mất đồ vật công chưa đền, nếu là do sự bảo quản không cẩn thận (thất quản) thì nay được miễn tội; nếu nhân việc ấy mà luận tội phạt phải bồi thường thì nay cho được khất lại.

– Trả lại chức tước cho bầy tôi đã mất, là Lê Anh Tuấn,, Đỗ Bá Phẩm, và Nguyễn Thọ Trường.

– Bầy tôi can tội lây mà phải giáng truất, nay đều được tẩy rửa tội lội và lại được vào chầu chực, như bọn Đào Hoàng Thực, Vũ Công Trấn, Lê Trọng Thứ, Lê Vĩ, Trần Lê Lân, Đỗ Huy Kỳ và Trần Hiền.

– Con cháu bầy tôi có công đời trước, nay bị chìm đắm trong dân gian và hàng ngũ quân lính đều xét theo tài năng rồi bổ dụng. Do đấy, người có tài mà bị chìm đắm không ai là không có lòng phấn khởi.

Lời chua-Tứ Nghiêm, Tứ Kính: Theo “Binh chế chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì các đội tả, hữu, tiền, hậu trong vệ Tứ Nghiêm mỗi đội 100 người; các đội tả, hữu, tiền, hậu trong vệ Tứ Kính mỗi đội 52 người, đều là binh lính trong Lượng Quốc phủ3212 họ Trịnh.

Quý Cảnh: Người xã Thiên Mỗ3213 , huyện Từ Liêm, là cháu Quý Đức, con Quý Ân, do chân tiến triều3214 giữ chức hữu tư giảng, Quý Cảnh và Công Thái cùng giữ chức bồi tụng trong phủ chúa Trịnh.

Trương Khuông: Người xã Như Kinh3215 , huyện Gia Lâm, là ngoại thích của chúa Trịnh.

Đình Hoàn: Người xã Hương Duệ, huyện Kỳ Hoa3216 , nối đời làm tướng võ.

Giáp Nguyễn Khoa: Nội giám (hoạn quan), người xã Thiết Thượng3217 , huyện Yên Dũng.

Thực quận công: Gia phả họ Đặng chép “Thực trung hầu”, tước hiệu hoạn quan.

Thất quản: Ý nói người có bổn phận bảo quản mà lơ là về việc coi giữ.

Đào Hoàng Thực: Người xã Thượng Trì3218 , huyện Từ Liêm, đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1697) năm Chính Hòa triều Lê Hi Tông.

Vũ Công Trấn: Người xã Đôn Thư3219 , huyện Thanh Oai.

Lê Trọng Thứ: Người xã Diên Hà3220 , tỉnh Hưng Yên-Công Trấn và Trọng Thứ đều đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1724) năm Bảo Thái triều Lê Dụ Tông.

Lê Vĩ: Người xã Hòa Bình, huyện Văn Giang3221 , đỗ tiến sĩ khoa Canh Dần (1710) năm Vĩnh Thịnh triều Lê Dụ Tông.

Lê Lân: Người xã Tam Lộng, huyện Lôi Dương.

Huy Kỳ: Người xã Thử Cốc, huyện Thụy Nguyên3222 -Lê Lân và Huy Kỳ đều đỗ tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731) năm Vĩnh Khánh triều Đế Duy Phường.

Trần Hiền: Người xã Vân Canh3212 huyện Từ Liêm, đỗ tiến sĩ khoa Quý Sửu (1733) năm Long Đức triều Lê Thuần Tông.

Chế thẻ bài “hỏa tốc”3224 .

Lúc ấy dùng binh lính đi đánh dẹp, vũ hịch3225 phát ra tứ tung, bèn chế cái thẻ bài để phòng bị dùng trong khi khẩn cấp.

Tuyển thêm ưu binh.

Từ lúc trung hưng trở về sau, huyện lấy lính ở Thanh, Nghệ sung vào việc bảo vệ, gọi là “ưu binh”. Về ngạch lính: cứ 3 suất đinh lấy một lính. Năm Bảo Thái thứ 2 (1721) định lại chế độ binh lính, cứ 5 suất đinh lấy một lính. Đến nay tuyển thêm lính, lại theo ngạch cũ 3 suất đinh lấy một lính. Người nào đã tuyển được thì phân phối đưa đi luyện tập, sau dẫn vào phủ đường thi khảo, rồi bổ thuộc vào các đội ngũ.

Lại hạ lệnh: cấm các quan ở trấn nã bắt quân lính trốn và sách nhiễu; cấm thu tiền vọng cũa binh lính ở trong kinh ngoài trấn vượt quá thể lệ; binh lính theo đi đánh giặc ở các đạo, người nào biết đem hết sức ra giết giặc, sẽ được ban thưởng. Việc này, cho ghi chép lại để làm mệnh lệnh nhất định.

Lời chua-Tiền vọng: Tức tiền khao vọng. Theo “Binh chế chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) triều Ý Tông, định thể lệ tiền vọng như thế này:

Phàm binh lính ở Thanh, Nghệ mới tuyển được, phải nộp ở đội ngũ của mình mỗi tên lính cổ tiền3226 một quan năm tiền.

Binh lính ở ngoài các trấn tuyển vào đội thị hậu, phải nộp binh tiền3227 ở xã mình ba quan (nạp tại bản xã binh tiền tam quán). Ngoài ra các khoản khác đều đình bãi.

Hạ lệnh: Người nào dâng vật liệu dùng về việc binh, sẽ được ban thưởng.

Lúc ấy các đạo đánh dẹp, binh khí phần nhiều dùng thứ thuốc bắt lửa. Vì thế, mới hạ lệnh cho các phiên mục ở ngoại trấn3228 , dâng nộp o diên, diêm tiêu, lưu hoàng, sẽ miễn cho việc đánh thuế mỏ và miễn tiền thuế dung, thuế điệu của dân đinh trong khi vực mà người phiên mục ấy cai quản. Nếu phiên mục nào muốn làm quan, sẽ cân nhắc số vật liệu đã dâng nhiều hay ít để trao cho quan chức. Những khách buôn ở các cửa hàng trong kinh kỳ và phố Lai Triều, nếu người nào tình nguyện dâng nộp để xin thưởng chức sắc, sẽ thưởng cho theo như thể lệ người nộp thóc hoặc nộp tiền; nếu người nào không muốn lấy chức sắc thì trã lại bằng tiền; người nào ẩn giấu sẽ phải tội.

Lời chua-Lai Triều: Tên phố, tức Phố Hiến, thuộc trấn Sơn Nam thời nhà Lê. Nay là tỉnh Lỵ Hưng Yên.

Sai bọn Trịnh Kính đi kinh lý vùng Sơn Nam.

Sơn Nam địa thế rộng rãi, bọn Hoàng Công Chất thường cướp phá luôn, chúng ra vào không nhất định, một mình đốc lãnh Hoàng Kim Trảo không thể chống cự được. Triều đình bèn sai quan quân chia làm ba đạo tiến đi càn quét: Cao quận công Trịnh Kính tiến theo thượng đạo ven núi; Trình quận

công Hoàng Công Kỳ tiến theo tả đạo ven sông; Nhạc Thọ hầu Phạm Trần Tông tiến theo hữu đạo ven sông, cho phép các tướng đều được tùy tiện thi hành mọi việc. Sau đó, triệu Trịnh Kính về, dùng Trần Tông quản lãnh thay quân của Trịnh Kính; ít lâu sau lại cho Khoản Trung hầu Nguyễn Trọng Cảnh thay Trần Tông, đóng đồn chống cự về mặt các huyện Thượng Nguyên; lại sai đốc trấn Vũ Tá Liễn và viên quan giữ việc phủ dụ là Đỗ Doãn Thành hội hợp quân lính đón đánh ở Đông An, nhưng không thắng được.

Lời chua-Thượng Nguyên: Tên huyện. Xưa gọi Thượng Hiền; sau khi nhà Lê trung hưng đổi là Thượng Nguyên, thuộc trấn Sơn Nam; nay thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Đông An: Tên huyện. Hồi thuộc Minh gọi là Đông Kết; nhà Lê đổi là Đông An, thuộc trấn Sơn Nam, nay thuộc phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Công Kỳ: Hoạn quan, người xã Trình Xá, huyện Thần Khê3229 .

Tá Liễn: Tạo sĩ, người xã Hà Hoàng, huyện Thạch Hà3230 .

Sai bọn Trần Đình Miên và Nguyễn Bá Lân đi kinh lý trấn Sơn Tây.

Lúc ấy, quân của Duy Mật tràn ra Sơn Tây, các huyện Phúc Lộc, Tiên Phong đều bị cướp phá nhũng nhiễu. Bèn bổ dụng Đình Miên giữ chức đốc lãnh Sơn Tây, đem quân đi đánh. Sau đó, lại sai bồi tụng Nguyễn Bá Lân đem quân và voi tiến lên, vừa đánh dẹp vừa phủ dụ. Bá Lân chiêu tập hương binh ba huyện thượng du đi bình định, bắt được nhiều người. Quân của Duy Mật lui về thượng đạo.

Lời chua-Phúc Lộc: Tên huyện, nhà Lê gọi Phúc Lộc, nay đổi Phúc Thọ3231 .

Tiên Phong: Tên huyện, hồi đầu triều Lê gọi Tân Phong; sau khi trung hưng đổi Tiên Phong-Hai huyện này nay đều thuộc phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây.

Biểu dương những người tiết nghĩa là bọn Hoàng Sĩ Châu và Nguyễn Hưng Vượng.

Lưu tặc3232 đánh phá châu Thu Vật. Hoàng Sĩ Châu, tường sinh xã Đại Đồng, bị bắt; giặc khảo đả, Sĩ Châu không khuất phục, dùng dao tự xử. Viên lưu thủ Văn Đình Dận đem sự trạng này tâu bày, bèn truy tặng cho hàm tri huyện và tha dao dịch cho nhà Sĩ Châu. Ở huyện Hoa Khê, tri huyện Nguyễn Hưng Vượng và huyện thừa Phạm Danh Linh đều chết về tay giặc. Ở Sơn Dương, một người dân là Dư Khắc Cung đánh nhau với giặc ở nơi đường ngõ, bị chết. Những người kể trên đều được tặng phong và ban cho tiền tuất. Vợ (sót họ tên) viên quan tiến triều Nguyễn Đình Kính bị khảo đả, không chịu khuất phục, cùng với con trai đều chết. Ban cho tấm biển đề ba chữ “trung tiết môn”.

Lời chua-Thu Vật3233 : Nay đổi là Thu Châu. Xem Lê Thái Tông, năm Đại Bảo thứ nhất (Chb. XVII, 20).

Hoa Khê3234 : Tên huyện, nay đổi Cẩm Khê, thuộc phủ Lâm Thao.

Sơn Dương3229 : Tên huyện. Đời nhà Lê, huyện này thuộc phủ Đoan Hùng, sau bỏ; năm Gia Long thứ 6 (1807) bản triều mới đặt chức tri huyện-Hoa Khê và Sơn Dương nay đều thuộc tỉnh Sơn Tây.

Đại Đồng: Tên xã, thuộc Thu Châu, tỉnh Tuyên Quang3236 .

Đình Dận: Người xã Lạc Phố, huyện Hương Sơn3237 , đỗ tạo sĩ.

Tường sinh: Chế độ nhà Lê trước kia, người thi hương trúng ba kỳ, gọi là tường sinh.

Bọn Vũ Đình Dung, giặc Ngân Già, uy hiếp Chân Ninh. Bọn đốc lãnh Hoàng Kim Trảo đánh nhau với giặc, thua trận, bị chết.

Bọn Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn và Tú Cao ở Ngân Già thuộc Sơn Nam, liên kết binh sĩ, uy hiếp phố Chân Ninh, thanh thế rất lừng lẫy. Đốc lãnh Hoàng Kim Trảo chống cự lại. Kim Trảo cùng tướng hiệu thuộc dưới quyền hắn là bọn Nguyễn Thế Siêu, Trần Danh Quán bại trấn, đều bị giết.

Lời chua-Ngân Già: Tên xã, thuộc huyện Nam Chân3238 , trấn Sơn Nam.

Chân Ninh: Tên phố, ở huyện Nam Chân, nay chia đặt lại, thuộc huyện Chân Ninh3239 .

Kim Trảo: Người xã Đan Dương Hạ, huyện Bạch Hạc3240 , đỗ tạo sĩ.

Tú Cao: Tên một người giặc, sót họ.

Tháng 2. Toản Cơ, thổ tù ở phiên trấn Lạng Sơn, làm phản, đánh phá Đoàn Thành. Tổng phủ Ngô Đình Thạc bị chết.

Đình Thạc lấy tư cách thượng thư bộ Hộ, tham tụng, ra trấn thủ Lạng Sơn mới được vài tháng. Toản Cơ làm phản, vây Đoàn thành, trong thành không có binh lính. Có người khuyên Đình Thạc bỏ chạy, may ra được thoát. Đình Thạc nói: “Chức phận của ta là ở chỗ giữ lấy đất của triều đình, ta phải sống chết với thành này, toan chạy đi đâu?”. Rồi bị sa vào tay giặc. Đình Thạc giữ tiết tháo, không khuất phục, để chết. Sau được truy tặng hàm thiếu bảo.

Lời chua-Toản Cơ (sót họ): Tên một thổ tù ở phiên trấn.

Đoàn Thành: Thành trấn Lạng Sơn.

Bổ dụng Vũ Công Tể, Nguyễn Quý Cảnh và Nguyễn Công Thái là tham tụng.

Công Tể từng làm quan bồi tụng, ra trấn thủ Cao Bằng, sau lại triệu về. Vì là người văn học, nên Công Tể được trọng đãi. Lúc ấy, Trịnh Doanh mới lập, mọi việc chính sự đỗi mới nên hạ lệnh cho Công Tể cùng Quý Cảnh, Công Thái cùng vào phủ đường giữ công việc chính trị.

Nguyễn Trọng Uông, thống lãnh Bắc đạo, đánh nhau với Nguyễn Tuyển ở xã Bình Ngô, thua trận bị chết. Triều đình bổ dụng con hắn là Đức Thân lên thay cầm quân.

Trọng Uông là người khỏe mạnh, quả cảm, chiến đấu giỏi, thường một mình một ngựa xông pha trong trận giặc. Đến nay gặp Nguyễn Tuyển, Trọng Uông đem hết sức lực chiến đấu gay go. Nguyễn Hữu Nhuận, thuộc tướng của Uông, bỏ chạy trước, cả một đội quân phải kinh sợ, tan vỡ; hiệu quân theo sau của bọn Đặng Đình Sắt, Phạm Hữu Tá đều bỏ chạy. Giặc đem hết quân bao vây, Trọng Uông kiệt sức, bèn bị hại. Trịnh Doanh rất thương, truy tặng hàm thái bảo, tước quận công. Doanh nhận thấy Đức Thân, con Trọng Uông, là người có tài làm tướng, bèn hạ lệnh cho cầm quân thay. Lại giết bọn Hữu Nhuận và Đặng Đình Sắt, đày (tội lưu) Phạm Hữu Tá đi viễn châu.

Lời chua-Trọng Uông: Người xã Quế Ổ, huyện Quế Dương, đỗ tạo sĩ.

Hữu Tá: Người xã An Thường, huyện Đông Ngàn, đỗ tạo sĩ.

Bình Ngô: Tên xã, thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Tháng 3. Bãi bỏ mọi việc xây dựng.

Việc xây dựng các chùa quán Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Hoa Long, Tử Trầm và Tây Phương đều bãi bỏ hết, những ruộng đất trước kia chiếm làm chùa quán, nay trả lại dân.

Lời chua-Chùa Quỳnh Lâm: Xem Tương Dực đế năm Hồng Thuận thứ 8 (Chb.XXVI, 26).

Chùa Hồ Thiên: Xem năm Vĩnh Hựu thứ 2 (Chb. XXXVIII, 1).

Chùa Hoa Long: Ở thôn Việt Trì, huyện Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây3241 .

Chùa Tử Trầm: Ở huyện Yên Sơn tỉnh Sơn Tây3242 , có hang đá.

Chùa Tây Phương: Ở huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây3243 .

Hạ lệnh: Đề cử người có tài cán mưu lược và lựa xét bổ dụng con cháu bầy tôi có công.

Phàm người nào có phương pháp, mưu lược, biết võ, khoẻ mạnh, có thể dùng vào việc cầm quân, cùng người nào có thuật đặc biệt, có mưu kỳ lạ, đều không phải câu nệ về tư cách phẩm trật, hết thảy được đề cử tên từng người để triều đình biết, sẽ tùy theo tài năng bổ dụng. Sau lại hạ lệnh: con cháu bầy tôi có công được vào kinh đô để lựa chọn, người nào có sức mạnh, chiến đấu khỏe, sẽ cấp cho lương bổng, rồi cho theo đi quân thứ chịu sự điều khiển.

Vũ Tá Lý, chinh tây đại tướng quân, đánh nhau với giặc Tế và Bồng ở An Lạc. Bắt được bọn giặc này.

Tên Tế, giặc ở Sơn Tây, và tên Bồng ở Bình Ngô, đều nổi tiếng là giặc tinh quái hung tợn. Thể quận công Tá Lý đón đánh ở An Lạc, bắt được bọn này. Trịnh Doanh ban cho Tá Lý cờ. kiếm và ấn, để tuyên dương công trạng.

Nguyễn Danh Phương, dư đảng của tên Tế, chiếm cứ núi Tam Đảo, nhân địa thế hiểm trở làm thành lũy, chiêu mộ binh lính, vơ vét lương ăn, chứa khí giới, họp đồ đảng, ẩn náu nơi núi rừng. Nhiều lần Danh Phương xin hàng để hoãn binh, Trịnh Doanh biết mưu giả trá, đem việc ấy bàn với bầy tôi. Doanh cho rằng “sự thế đánh dẹp cần phải biết việc hòa hoãn, việc khẩn cấp mà định kế đánh trước, đánh sau. Danh Phương chẳng qua chỉ là tên giặc tự giữ một xó một thôi. Còn như vùng đông nam là nơi đẻ ra của cải thuế khóa của quốc gia; nay vùng này bị Hữu Cầu và Công Chất liên kết với nhau, hàng ngày đốt phá cướp bóc thả cửa, vậy bây giờ trước hết phải quét sạch vùng đông nam, để gở mối lo nguy cấp cho dân. Sau khi đã bình định được hai tên giặc này rồi, lúc ấy sẽ quay cờ kéo lên mặt tây, thì Danh Phương dầu giảo quyệt đến đâu cũng không thể lọt lưới của ta được”. Bèn hạ lệnh cho trấn thủ Sơn Tây nhận lời cho Phương hàng, liệu lượng lưu quan quân ở lại đóng đồn phòng ngự. Còn bao nhiêu binh sĩ đều đổ dồn hết về đạo đông nam, để góp sức đánh dẹp càn quét.

Lời chua-Tế, Bồng, Cầu, Chất: Tên bốn người giặc.

An Lạc3244 : Tên huyện, nay thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây.

Danh Phương: Tức Danh Ngũ, người huyện An Lạc.

Tá Lý: Người xã Hòa Hoàng, huyện Thạch Hà.

Bổ dụng hoạn quan Hoàng Công Kỳ làm Thống lãnh chinh tây đại tướng quân.

Lời phê-Trịnh Doanh cũng không phải là người có trí thức. Tháng 4, mùa hạ. Thải bớt lính đã ứng mộ.

Trước đây các đạo đánh dẹp, số binh lính ít ỏi, bèn hạ lệnh chiêu mộ người mạnh khỏe, gọi là “chí nguyện binh”. Sau đó, số ứng mộ khá nhiều, ở lẫn lộn cả trong kinh kỳ, rồi theo nhau làm việc gian tham, trộm cắp. Vì thế mới hạ lệnh sa thải, chọn lấy người có tên trong sổ cũ, sẽ do quan cấp lương cho; tướng hiệu không được dẫn họ vào trong thành trú ngụ lẫn ở nhà cửa của quân và dân, ai trái lệnh sẽ phải tội.

Hạ lệnh: Người nào nộp tiền hoặc thóc, sẽ được trao cho quan chức.

Bắt đầu bàn định quân cấp ruộng, sau chưa kịp thi hành đã bãi bỏ.

Trịnh Doanh say sưa phép tỉnh điền3245 đời cổ, muốn cho người nghèo người giàu đều nhau, để thuế khóa và lực dịch được quân bình. Các quan chấp chính trong phủ đường bàn rằng: “từ đời Tam Đại3246 trở về sau, chế độ ruộng đất bỏ đỗ nát, không sổ sách nào có thể làm bằng chứng được. Các đời vua quốc triều [triều Lê] cũng chưa có đời nào thi hành. Vả lại, hiện nay sổ đinh, sổ điền ở các trấn cũng có chỗ tăng lên, chỗ hụt đi, trộm giặc ở quận huyện chưa dẹp yên được. Nếu phân phối người đo khám xét đo đạc, chỉ thêm phiền nhiễu cho dân, người nghèo chưa chắc đã trở về sum hợp, mà người giàu sẽ sinh lòng nghi ngờ trở ngại. Vậy muốn thi hành phép này phải đợi khi thái bình rồi sẽ bàn định”. Vì thế nên việc này nửa chừng lại thôi.

Tháng 5. Nguyễn Đăng Hiển, viên tướng chỉ huy đạo quân thủy, đón đánh bại được Nguyễn Tuyển ở huyện Phú Xuyên và Thượng Phúc.

Nguyễn Tuyển đem quân qua sông, xâm phạm các huyện Phú Xuyên và Thượng Phúc. Đăng Hiển đem quân tiến đánh, Tuyển bị thua, bỏ chạy. Bọn đốc lãnh Trương Khuông và Lê Công Chiêm đem quân đi đón đánh, nhưng không kịp.

Lời chua-Phú Xuyên: Tên huyện, năm Hồng Đức nhà Lê gọi Phù Vân; năm Quang Thiệu gọi Phú Nguyên; nhà Mạc đổi Phú Xuyên; Lê trung hưng vẫn theo như nhà Mạc, thuộc phủ Thường Tín, xứ Sơn Nam; nay thuộc tỉnh Hà Nội3247 .

Thượng Phúc: Tên huyện, xem Lê Chiêu Tông năm Quang Thiệu thứ 7 (Chb. XXVII, 9).

Kén thêm lính thủy.

Hạ lưu vùng đông nam, có nhiều giặc ở sông biển. Bèn hạ lệnh chọn thêm lính ở các huyện ven sông thuộc Sơn Nam, Sơn Tây và Kinh Bắc, cứ 5 suất đinh lấy một người, phân phối cho lệ thuộc vào đội ngũ lính thủy và cấp cho thuyền công, mỗi thuyền 10 người, lại cho ưu binh Thanh, Nghệ xen lẫn vào, để thao diễn luyện tập, phòng bị khi điều khiển đến.

Doanh ép nhà vua truyền ngôi cho Duy Diêu (tức Hiển Tông), con trưởng của Thuần Tông. Tôn nhà vua làm thái thượng hoàng.

Duy Diêu, râu rồng, mắt phượng, là con trưởng Thuần Tông và là cháu nhà vua [Ý Tông Duy Thận]3245 . Duy Diêu lấy địa vị người con trưởng, đáng được lập làm vua từ trước. Nhưng vì chú ruột là Duy

Mật3249 dấy quân, nên Trịnh Giang truất đi, đã lâu vẫn bị giam cấm. Trịnh Doanh mật sai người dời Duy Diêu đến ở nhà Bính quận công Vũ Tất Thận. Trước đây, Tất Thận chưa biết việc này. Một đêm, nằm mộng thấy một người “kẻ cả” đến nhà, cờ quạt âm nhạc, hệt như nghi trượng thái bình thiên tử. Sáng hôm sau, thấy Duy Diêu đến. Tất Thận bèn đem việc này nói với Doanh. Doanh muốn nhờ vào phúc đức Duy Diêu, mới cùng các đại thần bàn định tôn lập làm vua và xin nhà vua nhường ngôi cho Duy Diêu. Trong tờ chiếu nhường ngôi của Ý Tông có câu nói: “Nghĩ bọn ngoan ngu có quấy rối chốn biên cương, nên muốn cho kinh kỳ được yên, bốn biển được tĩnh; theo lẽ chính đáng nên suy tôn người đích trưởng, cốt là để kính trọng tông thống, thuận theo lòng dân”. Tờ chiếu ban ra, lòng người rất vui vẽ.

Thượng hoàng sau khi nhường ngôi, ở điện Kiền Thọ, số dân xã cung phụng3250 chuẩn cho được lấy một phần ba trong số chính phần.

Lúc ấy, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ và Nguyễn Diên dấy quân lâu ngày, thanh thế trở nên lừng lẫy, cho thúc giục dân chúng quạt mạnh ngọn lửa chiến tranh ở quãng các phủ Từ, Thuận, Hồng, Sách, đi đến đâu dân ở đấy hưởng ứng theo. Cừ chiếm cứ Đỗ Lâm thuộc Gia Phúc, Tuyển chiếm cứ Phao Sơn thuộc Chí Linh, đồn lũy liên tiếp nhau, mỗi người đều có hàng vài vạn quân. Nhiều lần các tướng đánh phá càn quét, nhưng không thắng được.

Trịnh Doanh muốn mở cuộc hiểu dụ để chia rẽ đảng của họ. Doanh bèn hạ lệnh rằng: “Nhà nước dùng lễ độ đối đãi sĩ phu, dùng nhân nghĩa nuôi dưỡng dân chúng; mở rộng sự vui lòng giáo dục như lời ca tụng trong thơ Thanh nga3251 , làm yên dịu sự kêu ca thảm thương như lời thổ lộ trong thơ Hồng nhạn3252 .

Thế mà trước đây bọn giặc ở Chí Linh can phạm danh phận, thành ra dân một góc vùng đông bắc, riêng bị chúng ức hiếp dỗ dành. Là học trò, được triều đình giáo dục thành tài mà vì chúng phơi gan, dâng sức; là người dân, được triều đình cho vui chơi yên nghĩ mà vì chúng xông vào giáo mác, nước sôi. Trong những người ấy, cũng có người mong thoát được sự liên lụy đến gia đình; cũng có người muốn đỡ được sự xâm lăng ngay trước mắt. Tuy rằng cuối đầu mà theo gượng, nhưng há có phải trong bụng mê muội mà quên mất đường trở lại đâu? Vậy nay nếu biết bỏ đường nghịch, theo đường thuận, vứt kinh khí, về đầu hàng, sẽ nhất luật đều cho cùng nhau đổi mới, hoặc người nào có thể đái tội lập công cũng sẽ được tha tội lỗi, ban ân thưởng. Khuyên mọi người đều nên tính toán cho kỹ, nhận rõ cái lẽ hướng chỗ sáng, bỏ chỗ tối”.

Lời cẩn án-Nói về nhà Lê, từ khi Trịnh Tùng bạo nghịch giết vua3253 đến nay đã sáu đời3254 , chúng rập theo hành động cũ, bắt chước thói xấu của nhau, đối với vua Lê, việc gì chúng cũng lấn vượt. Đem đại nghĩa kinh Xuân Thu (Khổng Tử) mà xét, tất nhiên phải choảng cho chúng những nhát búa rìu. Trịnh Doanh biết rước lập Hiển Tông, muốn nương nhờ vào phúc đức, thế mà lại tác phúc tác oai. tự nắm lấy quyền bính trong nước, rồi một lần truyền ngôi nữa, con là Trịnh Sâm bắt chước, lăng loàn áp bức vua Lê ngày càng tệ hơn. Câu sấm ngữ “Lê bại Trịnh vong”3255 chung quy không thuốc nào cứu chữa

được. Thế thì những kẻ giả thác danh nghĩa chả đáng nên lấy đấy làm gương răn đó sau? Lời chua-Điện Kiền Thọ: Theo Ngọc phả triều cố Lê thì điện Kiền Thọ ở phía tả hồ sen, đông cung.

Từ, Thuận: Tên hai phủ Từ Sơn và Thuận An, thuộc Kinh Bắc.

Sách: Tức Nam Sách. Xem ngang với Tấn, Tế vương, năm khai vận thứ 2 (Tb. V, 22).

Hồng: Tức Hồng Châu. Xem thuộc Đường. Chiêu Tuyên Đế, năm Thiên Hựu thứ 3 (Tb, V, 14).

Sao Thái Bạch đi ngang trời.

Tháng 6 (sót ngày). Mặt trăng xuất hiện ban ngày, lộ ánh sáng (lậu minh).

Lời chua-Chữ “lậu” nghĩa là lộ rõ ra. Chữ “lậu minh” chép ở đây có lẽ nói mặt trăng xuất hiện ban ngày mà lộ rõ ánh sáng, tranh sức sáng với mặt trời.

Kén hương binh3256 .

Lúc ấy, dùng quân đánh dẹp, không đủ lính để điều khiển. Bèn hạ lệnh kén hương binh, cứ năm đinh lấy một người, chia thành đội ngũ luyện tập, để sau này sẽ trưng dụng điều khiển.

Định thể lệ thờ tự ở Võ Miếu.

Vị chính giữa: thờ Võ Thành vương Thái công Vọng, còn từ Tôn Võ Tử, Quản Tử trở xuống 18 người phân phối thờ ở hai bên đông vũ và tây vũ. Trần Hưng Đạo đại vương Quốc Tuấn được thờ theo vào Võ Miếu. Lại dựng miếu riêng thờ Quan Công nhà Hán. Hàng năm, mùa xuân, mùa thu 2 kỳ tế, đều dùng ngày mậu vào thượng tuần. Cấp cho mỗi miếu một ấp dân hộ, để cung phụng việc thờ tự.

Hạ lệnh cho các tướng hiệu cấm quân lính bắt bớ cướp bóc; nếu có bắt được sổ sách thư từ đều đem đốt hết.

Hạ lệnh cho các tướng: khi hành quân qua quận ấp, phải sẵn lòng vỗ về yên ủi trăm họ. Cấm hết: quân sĩ hà khắc, nhũng nhiễu dân địa phương; bọn hào cường ức hiếp người nghèo yếu.

Lúc ấy, bọn trộm cướp hoành hành, nhân dân nhiều người bị uy hiếp phải theo, chúng đem biên tên thành sổ sách. Bèn hạ lệnh các đạo đi dẹp giặc, nếu có bắt được giấy tờ sổ sách của giặc đều đốt đi hết, rồi tuyên truyền hiểu bảo cho mọi người biết, để người giáo giở được yên tâm.

Hạ lệnh thu nhặt hết chuông khánh ở các chùa thờ Phật.

Lúc ấy, dùng quân đánh dẹp, chi phí mất nhiều. Có người nói nên quyền nghi xếp đặt để giúp việc ccần dùng trong quân. Bèn hạ lệnh: biên thu lấy chuông khánh các chùa thờ Phật, đem nộp. Lại hạ lệnh cho phiên thần và thổ dân ở ngoại trấn nộp đồng hoặc chì, sẽ điều tùy theo số nộp được nhiều hay ít mà cất nhắc trao cho quan chức.

Định phép thông dụng tiền và bạc.

Khoảng năm Long Đức-Vĩnh Hựu (1732-1740), sự chi tiêu trong nước chuyên dùng bằng tiền, giá bạc hơi hạ. Đến lúc dùng quân đánh dẹp, phần nhiều đem bạc cấp lương cho lính, bọn nhà buôn lại càng giảm giá bạc xuống, thành ra sự ăn tiêu của binh lính gặp khó khăn. Bèn hạ lệnh viên quan giữ chức trách định giá chợ, cho phép tiền và bạc đều được thông dụng. Ở chợ đặt chức thị trưởng, phân biệt bạc thực bạc giả để mua bán. Do đấy giá cao hạ được thăng bằng, mà bọn phú thương không thể vơ vét mối lợi được.

Nguyễn Tuyển đánh phá huyện Đường Yên, bọn Vũ Tất Thận chống cự lại, nhưng không thắng được.

Hai đại tướng Bính quận công Vũ Tất Thận và Trình quận công Hoàng Công Kỳ đem quân đến xã Yên Nhân, ngần ngại không dám tiến. Nguyễn Tuyển bèn đốt phủ đệ và từ đường Mi Thữ, rồi tung quân ra cướp phá ồ ạt, thành ra dân ở vùng này làng xóm bị tiêu điều, biến dần ra rừng rậm.

Lời chua-Đường Yên: Tên huyện, đời nhà Lê, huyện này thuộc phủ Thượng Hồng, Hải Dương; nay phủ Bình Giang kiêm lý.

Yên Nhân:3257 Tên xã, thuộc huyện Đường Hào.

Phủ đệ từ đường Mi Thữ: Xem Lê Ý Tông, năm Vĩnh Hựu thứ 2 (tờ 1 và 2 trong cuốn này).

Tháng 7 nhuận, mùa thu. Bọn thống lãnh Hoàng Nghĩa Bá đánh bại được Nguyễn Tuyển ở Phao Sơn.

Ban thưởng cho Nghĩa Bá thẻ bài bằng vàng, để tuyên dương công trạng. Còn bọn tán lý Nguyễn Thế Khải, hiệp đồng Trần Cảnh và thuộc tướng Trịnh Khải đều được ban thưởng cao thấp khác nhau.

Lời chua-Phao Sơn: Tên núi, ở xã Phao Sơn, huyện Chí Linh, thuộc Hải Dương. Trước mặt xã này là sông Lục Đầu.

Nghĩa Bá: Người xã Hoàng Vân3258 , huyện Kim Động, đỗ tạo sĩ.

Thế Khải: Người xã Nhân Lý, huyện Thanh Lâm3259 , đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736) năm Vĩnh Hựu.

Trần Cảnh: Người xã Điền Trì, huyện Chí Linh, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718) năm Vĩnh Thịnh triều Lê Dụ Tông.

Tháng 10, mùa đông. Trịnh Doanh đem đại quân đánh giặc Ngân Già, bình định được.

Quân ở vùng đông nam nổi dậy, đốt phá cướp bóc châu huyện, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở Ninh Xá thế lực đương hăng, mà bọn giặc Ngân Già Vũ Đình Dung lại càng tinh quái hung tợn: Chỗ ở của bọn này không có tường lũy gì, chỉ dựa vào nơi bùn lầy làm hiểm trở, đồ đảng thì nanh ác mạnh tợn, không sợ chết. Gặp quan quân, chúng liền vác dao xông vào chém bừa bãi, các tướng nhiều lần bị thua.

Bấy giờ Trịnh Doanh hạ lệnh: Bình định xong mặt nam, liền tiếp tục chuyển quân hướng về mặt đông. Bèn sai quan đi ngựa loan báo cho các huyện ấp biết trước: Quân trẩy đến đâu, nhân dân đấy cứ việc ở yên không phải sợ hãi; người bị giắc bắt hiếp phải theo nay nếu về đầu hàng sẽ không phải tội; quan lại vẫn được trở về giữ chức việc như cũ; nhân dân được phép chiểu nhận điền sản của mình. Lại đặt chức hành quân phỏng sát3260 , cấm chỉ việc bắt người, cướp của. Vì thế, quan quân đến đâu, phụ lão ở đấy đón đường vui mừng nghinh tiếp, có người tình nguyện nộp của cải để giúp cho quân; có người xin hội họp quân theo đi đánh giặc. Trịnh Doanh đóng quân ở bến Mộc Hoàn, sắm sửa khí giới, tập trận thủy chiến, oai phong binh sĩ rất hăng hái, thanh thế lẫy lừng.

Trịnh Doanh bàn rừng: “Ninh Xá3261 chưa thể phá ngay được, bây giờ không gì bằng trước hết đánh tan được giặc Ngân Già để cắt đứt sự cứu viện của đảng giặc”. Doanh bèn dẫn quân xuống mặt nam. Tháng 11, quân tiến đến đóng tại xã Vũ Điện, sau kéo đến Hiến Doanh, chia các tướng thành từng bộ phận, hẹn ngày đều tiến quân: Sáng sớm xuất phát từ Hiến Doanh, chiều đến sông Vị Hoàng sáng sớm

hôm sau đến Lục Đạo. Bọn Đình Dung đem hết quân ra đánh để kháng cự. Doanh sai các tướng là bọn Đinh Văn Giai, Nguyễn Đình Hoàn, Vũ Tất Thận và Trương Khuông đốc suất quân các doanh ra đánh. Trương Khuông đem quân cánh tả tiến sát đến chỗ đồi cỏ rậm rạp, phục binh của giặc thình lình nổi dậy, giết một tì tướng của Khuông. Trịnh Doanh nổi giận, thúc voi tiến lên, chỉ huy các quân góp sức lại đánh một trận lớn. Địa điểm này, bốn mặt bùn lầy, ai cũng cho rằng đại binh không thể vào được. Ngày hôm ấy, ruộng bùn lầy tự nhiên khô ráo, chỉ hơi ướt chân ngựa, quân chúng đều lấy làm kinh dị, họ chạy nhảy tranh nhau phấn đấu. Đình Hoàn đem quân đánh tập hậu vào quân của giặc, nhân đấy buông lửa đốt ấp trại, khói bóc đầy trời, quân giặc bèn tan vỡ tứ tung, quan quân nhân đà thắng, cùng nhau đánh kẹp lại: thây giặc chết nằm chồng chất nhau. Bắt chém tướng súy cầm đầu của giặc, bình định được giặc Ngân Già, xóa bỏ xã hiệu cũ đổi gọi là Lai Cách. Trịnh Doanh ban cho bọn Đình Hoàn thẻ bài bằng vàng và 200 lạng bạc; sai Trịnh Tự Thành săn bắt đảng giặc còn sót lại; yên ủi vỗ về nhân dân, để cho họ đều trở về yên nghiệp làm ăn.

Trước kia, khi đại quân trẩy xuống mặt nam, Nguyễn Cừ ở Ninh Xá cùng đồ đàng là Trần Diệu, nhân lúc sơ hở, tiến thẳng quân sát bến Bồ Đề, trong kinh thành không có quân, lòng người rất lo sợ. Lúc ấy. thái phi Vũ Thị ở trong cung điều khiển bọn Trịnh Đạc chiểu theo địa giới giữ bốn cửa thành; lại phân phối sai quan văn là bọn Phạm Kinh Vĩ, Nguyễn Bá Quýnh đem hết dân cư ngoài thành ra bến sông bố trí hàng ngũ, để làm nghi binh, đề lãnh Đặng Đình Mật đem quân trong cơ của mình sang qua sông, đánh Nguyễn Tuyển, Đình Mật bị bại, quay về.

Trước đây, Diệu quận công Trần Cảnh cùng thống lãnh Bằng Thọ hầu (sót họ tên) đóng quân ở Lang Tài, được tin nguy cấp, liền đem quân đi vội đến làng Phù Lưu và Đình Bảng, theo đánh mặt sau của giặc. Dận quận công Đặng Đình Miên, trấn thủ Sơn Tây, đem quân đi đêm vào hộ vệ kinh thành, trước hết hắn sai con là Đình Trí do đường xã Thụy Hương huyện Từ Liêm sang đò tắt ở bờ phía bắc Gia Lâm, tung quân đánh úp. Vì thế, giặc bèn mất hết nhuệ khí, phải dẫn quân đi.

Lúc Trịnh Doanh mới dẹp được giặc Ngân Già, chợt được tin báo ở kinh thành đưa đến, Doanh hạ lệnh cho các đạo quân phải tinh sương đi mau trở về để cứu nơi căn bản. Khi đạo quân kéo về đến xã Kim Lan, thì giặc đã trốn chạy xa rồi, kinh sư vẫn được yên ổn.

Lời phê-Vũ Thị cũng là một người anh kiệt trong phái phụ nữ, cho nên mới có thể mấy lần định được kế mưu lớn3262 Lời chua-Bến Mộc Hoàn: Tức hạ lưu sông Nhị, thuộc địa phận xã Mộc Hoàn, huyện Phú Xuyên, trấn Sơn Nam, vì thế nên gọi tên bến Mộc Hoàn…

Vũ Điện: Tên xã, thuộc huyện Nam Xang, trấn Sơn Nam-cả hai, nay đều thuộc tỉnh Hà Nội3263 .

Hiến Doanh: Vì là lỵ sở của ty Hiến Sát sứ Trấn Nam hồi cố Lê, nên gọi tên như vậy, nay thuộc xã Nễ Châu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên3264 .

Sông Vị Hoàng: Ở xã Vị Hoàng, tỉnh Nam Định.

Lạc Đạo: Tên xã, thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Phù Lưu và Đình Bảng3265 : Tên 2 xã, đều thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Gia Lâm: Tên huyện, ở phía bắc sông Nhị, thuộc phủ Thuận An.

Kim Lan: Tên xã, nay đổi Kim Quan, thuộc huyện Gia Lâm.

Văn Giai: Người xã Hàm Giang, huyện Cẩm Giàng.

Trần Diệu: Người xã Vân Canh3266 , huyện Từ Liêm.

Kinh Vĩ: Người xã Thượng Hào, huyện Thanh Chương, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1724) năm Bảo Thái triều Lê Dụ Tông.

Bá Quýnh: Người xã Hoa Lâm (nay đổi Xuân Lâm) huyện Nam Đường, đỗ tiến sĩ khoa Quý Sửu (1733) năm Long Đức triều Lê Thuần Tông.

Bổ dụng Trương Nghiêm giữ chức trung úy3267 .

Trước kia, Trương Nghiêm thuộc cơ Hữu Nhuệ, lệ thuộc vào Tây Đạo, vì có công đánh giặc, nên từ hàng tiểu tốt được cắt nhắc bổ dụng chức này.

Lúc này, cần dùng lấy nhân tài, nên Đinh Văn Thản, Đinh Văn Phục chiêu tập được ở trong hàng ngũ của giặc, Hoàng Phùng Cơ thu nhận được ở trong hàng ngũ kẻ cướp, đều được tẩy rửa tội lội, phân biệt bổ dụng; Trương Ngiêm và Nguyễn Phan đều xuất thân từ hàng ngũ tiểu tốt. Sau này, Nguyễn Phan và Hoàng Phùng Cơ đều thành viên tướng có danh tiếng.

Lời chua-Trương Nghiêm: Người xã Đồng Môn, huyện Thạch Hà.

Văn Thản và Văn Phục: Đều người xã Hàm Giang, huyện Cẩm Giàng, dòng dõi Đinh Văn Tả.

Phùng Cơ: Người xã Vân Cốc, huyện Bạch Hạc.

Nguyễn Phan: Người xã Hà Dương, huyện Hoằng Hóa.

Sao Thái Bạch đi vào khu vực sao Thái Vi.

Mặt trăng đi vào khu vực sao Thái Vi, gần Đế tinh.

Lời chua-Thái Vi: Bầu trời có ba khu vực, một là khu vực Thái Vi, trong khu vực này có sao Ngũ Đế. Cương mục tập lãm chép: Khu vực cung Thái Vi, có mười ngôi sao, ở địa phận sao Dực, sao Chẩn. Khu vực này là cung thiên tử, tòa ngũ đế.

Năm ấy, mặt trăng đi vào khu vực Thái Vi, cho nên gần với Đế Tinh. Sách Tục biên chép lầm là đi vào khi vực sao Thái Tuế. Nay đổi lại.

Mặt trăng xuất hiện ban ngày, lộ rõ ánh sáng.

Tháng 12. Trần Viêm, đốc đồng trấn Sơn Tây, đánh quân của Nguyễn Tuyển ở Khoái Châu, không thắng được, Viêm bị chết trận.

Lúc ấy, quân của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ cướp phá các lộ Hồng Châu, Khoái Châu. Viêm lấy chức phận là đốc đồng đi phủ dụ Khoái Châu, bèn đem hương binh đi tiểu bắt, chợt gặp giặc ở địa phận xã Đồng Lạc và Canh Hoạch, vì bên nhiều bên ít không địch nổi, Viêm bị chết tại trận. Đoàn Vinh Kiêm giám sinh, người đồng quận với Viêm cùng vài chục người làng đều bị chết theo. Triều đình biết việc này, bèn truy tặng Trần Viêm hàm Đông các đại học sĩ, tước Hải Thọ bá, cấp cho 15 mẫu ruộng để thờ tự.

Lời chua-Trần Viêm: Người xã Hải Thiên3268 , huyện Tiên Lữ, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1724) năm Bảo Thái triều Lê Dụ Tông.

Đồng Lạc, Canh Hoạch: Tên 2 xã, thuộc huyện Tiên Lữ.


3178 Nay là huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

3179 Nay thuộc tỉnh Hải Dương.

3180 nt.

3181 Nay là huyện Thủy Nguyên, T,P. Hải Phòng.

3182 Nay thuộc tỉnh Quảng Ninh.

3183 Nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên.

3184 Nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên.

3185 Vợ Trịnh Bính, mẹ Trịnh Cương và là bà Trịnh Giang. Giang gọi Trương Nhưng bằng ông cậu.

3186 Chữ “cử nhân” này Cương mục chép không đúng, đáng lẽ phải chép là hương cống. Vì học trò đỗ khoa thi hương, triều nhà Lê gọi là hương cống, đến triều nhà Nguyễn mới đỗi gọi là cử nhân.

3187 Đời cổ, học trò tập ở trường hương học 3 năm thành tài, quan địa phương sẽ xét về đức hạnh và văn nghệ, chọn lấy người hiền tài tiến lên triều đình. Trước khi sĩ tử vào triều, quan địa phương tiếp đãi như người khách quý. Vì thế gọi là “tân hưng”. Sau người ta dùng danh từ “tân hưng” nói về khoa thi để chọn lấy nhân tài.

3188 Nguyên văn chép “nam cung đệ nhất danh hư tịch cửu hĩ”. Đời cổ thi hội thi đình cũng gọi là “nam cung thí”. Câu trên, ý nói. Lâu nay thi đình không có ai đỗ trạng.

3189 Nay thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

3190 Nay là xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

3191 Tên là Phúc Khoát, con cả Phúc Chú.

3192 Nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.

3193 Nay là huyện Kiến Thụy. T,P. Hải Phòng.

3194 Nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

3195 Nay thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

3196 Châu Bảo Lạc thuộc Tuyên Quang, xem thêm lời chua của Cương mục Chính biên quyển XXI, tờ 35.

3197 Nay là huyện Ngân Sơn (Cao Bằng) và Na Rì (Bắc Cạn).

3198 Nguyên văn chép: “Tín thần”, tức bọn hoạn quan. Xem thêm lời chua của Cương mục chính biên quyển XXXIX, tờ 14.

3199 Nguyên văn chép là “khoáng binh”.

3200 Nay thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

3201 Nay là thôn Từ Ô, xã Tân Trào, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

3202 Nguyên văn chép: “Hải Dương, Ninh Xá binh khởi”. Chữ “binh” chép ở đây, không phải binh lính, mà là nhân dân, nên chúng tôi dịch là “nghĩa binh” cho phân biệt với binh lính của vua chúa lúc bấy giờ, và hợp với lời cẩn án của Cương mục ở dưới.

3203 Chứng bệnh tâm thần bất định, hoảng hốt không thường, hay sinh sợ hãi.

3204 Cuối thời Tây Hán, Vương Mãng làm thừa tướng uy hiếp vua nhà Hán, choán hết quyền bính, bỏ vua này lập vua khác, lập mưu để cướp ngôi vua. Lưu Sùng, họ tôn thất nhà Hán, dấy quân đánh Vương Mãng, nhưng không thắng được.

3205 Sau khi Vương Mãng đã cướp ngôi vua nhà Hán, Phàn Sùng người đất Lang Da, họp dân chúng hơn vạn người, đánh Vương Mãng. Phàn Sùng sợ quân của mình lẫn lộn với quân của Mãng, bèn cho quân bôi lông mi bằng màu đỏ để dễ phân biệt. Lúc ấy người ta gọi là “quân xích mi”.

3206 Nay thuộc tỉnh Hải Dương.

3207 Nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

3208 Vợ Trịnh Cương và là mẹ Trịnh Giang và Trịnh Doanh.

3209 Trước đây, chúa Trịnh đặt phép hương binh đoàn kết, sau bãi bỏ đi, rồi hạ lệnh cho đốc phủ các trấn lựa chọn luyện tập hương binh, đề phòng khi có dùng vào việc đánh dẹp. Hương binh được cấp cho lương ăn và khí giới.

3210 Chế độ đời phong kiến, hàng năm cứ đến hạ tuần tháng chạp dùng một ngày nào đó làm lễ hạp tỉ của vua chúa, hoặc hạp ấn của các quan, nghĩa là bỏ ấn tín vào một cái hộp khóa lại và niêm phong cẩn thận, bắt đầu từ ngày ấy, mọi công việc quan đều nghĩ cả. Đến đầu tháng giêng năm sau sẽ dùng một ngày nào đó làm lễ khai bảo tỉ của vua chúa và ấn tín của các quan, lúc ấy mới vắt đầu làm việc.

3211 Quan chế triều Lê có 24 bậc để đặc ân vinh phong cho bầy tôi có công “Suy trung”, và “dực vận” là hai bậc đứng đầu trong 24 bậc. Xem thêm lời chua của Cương mục Chính biên quyển XXII, tờ 26.

3212 Tên phủ đệ của Trịnh Doanh khi làm tiết chế.

3213 Nay là xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

3214 Xem lời chua của Cương mục Chính biên quyển XXXVI, tờ 28.

3215 Nay thuộc xã Như Quỳnh, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên.

3216 Nay là huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh.

3217 Nay là thôn Thiết Thượng, thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

3218 Nay thuộc xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây.

3219 Nay thuộc xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.

3220 Nay là xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

3221 Nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên.

3222 Nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.

3223 Nay là xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.

3224 Đời cổ khi có việc chinh chiến, giấy tờ về việc bắt nộp lương, nộp lính bắt đi khắp nơi. Vì thế, họ mới dùng một phiến gỗ nhỏ hình chữ nhật, chiều ngang, chiều dọc đã có kích thước nhất định, trên mặt phiến gỗ ấy sơn bằng phấn trắng, gọi là “thẻ bài”. Thẻ bài nha môn nào có dấu hiệu riêng của nha môn ấy. Gặp việc cần cấp, thì viết công việc phải làm vào mặt thẻ bài (việc xong rồi, người có trách nhiệm thu lấy thẻ bài lau sạch chữ đi). Khi giao thẻ bài cho người nào đó nhận đi làm công việc thì trên đầu thẻ bài lại cắm thêm một cái lông cánh chim, để tỏ ra rằng, phải thi hành một cách nhanh như bay, nên gọi là “vũ hịch”. Thẻ bài “hỏa tốc” chép ở đây, chắc cũng chế theo thể thức ấy. Đầu thế kỷ thứ XX, một số nha môn vẫn còn dùng thẻ bài ấy, nhưng không phải là “vũ hịch” hoặc “vũ thư”.

3225 nt.

3226 Mỗi tiền 60 đồng, xem thêm lời chua của Cương mục Chính biên quyển XXI, tờ 2.

3227 Tham khảo mục tiền vọng ở “binh chế chí” trong Lịch triều hiến chương (sách chép tay) chép: “cổ tiền”.

3228 Tức các trấn Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Hưng Hóa.

3229 Nay thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

3230 Tĩnh Hà Tĩnh.

3231 Nay là huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây.

3232 Những người tụ tập nhau đi đánh phá các nơi, nay đánh nơi này, mai đánh nơi khác, không nhất định chỗ nào, quan niệm phong kiến gọi là “lưu tặc”.

3233 Nay là huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

3234 Nay là huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ.

3235 Nay là huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

3236 Nay thuộc tỉnh Yên Bái.

3237 Thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

3238 Nay là huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

3239 Nt.

3240 Nay là huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

3241 Nay thuộc tỉnh Phú Thọ.

3242 Nay thuộc tỉnh Hà Tây.

3243 Nt.

3244 Nay là huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

3245 Chế độ ruộng đất nhà Chu (1121-250 tr.c.n), lấy thửa đất 900 mẫu làm một dặm, vạch ra thành 9 khu, mỗi khu 100 mẫu. Khu giữa là ruộng công của vua, còn 8 khu chung quanh chỉ chia cho mỗi gia đình một khu làm ruộng tư, 8 gia đình được chia ruộng này phải góp sức lại để cày cấy ruộng công cho vua, mà ruộng tư của mình không phải nộp thuế. Cách chia ruộng ấy theo hình chữ “tỉnh” ( ), nên gọi “tỉnh điền”.

3246 Tức nhà Hạ, nhà Thương và nhà Chu, đời thượng cổ Trung Quốc.

3247 Bây giờ thuộc tỉnh Hà Tây.

3248 Duy Tường (Thuần Tông), Duy Thận (Ý Tông) và Duy Mật đều con Dụ Tông, Duy Diêu (Hiển Tông), con trưởng của Thuần Tông, nên gọi Duy Thận và Duy Mật bằng chú ruột.

3249 Xem chú thích số 2 trang 1728.

3250 Xem thêm Chính biên quyển XXX, tờ 27.

3251 Nguyên văn chép: “Hoằng lạc dục ư thanh nga; thiếp ai minh ư hồng nhạn”. Thanh nga và Hồng nhạn, hai thi tập chép trong thiên Tiểu nhã sách Mao thi. Đại ý thơ Thanh nga được sinh ở nơi có nước (theo nghĩa trong đại tự của lời tựa sách Mao thi). Thơ Hồng nhạn nói: dân phải phiêu tán không khác gì tiếng kêu thảm thương của chim Hồng nhạn lạc đàn, nay được trở về yên nghiệp làm ăn, cũng như chim về tổ.

3252 Nt.

3253 Xem thêm Chính biên quyển XXXI, tờ 17.

3254 Bình An Vương Trịnh Tùng, Thanh Đô vương Trịnh Tráng, Tây Vương Trịnh Tạc, Định Nam vương Trịnh Căn, An Đô vương Trịnh Cương, Uy Nam vương Trịnh Giang.

3255 Tương truyền cuối đời Lê-Trịnh có câu sấm: “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”. Nghĩa là nhà Lê còn thì nhà Trịnh còn, nhà Lê bại thì Trịnh cũng mất.

3256 Xem thêm Chú thích số 2, tờ 17 trong cuốn này.

3257 Tục gọi làng Bần, nay thuộc thị trấn Bần Yên, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên.

3258 Nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên.

3259 Nay thuộc huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

3260 Chức quan có nhiệm vụ dò la xem xét trong khi hành quân.

3261 Tức Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ.

3262 Vũ Thị: Vợ Trịnh Cương. mẹ Trịnh Giang và Trịnh Doanh. Lời phê này có ý khen Vũ Thị lần trước chủ trương việc lập Trịnh Doanh thay Trịnh Giang và lần này điều khiển các tướng bảo vệ kinh thành.

3263 Mộc Hoàn nay thuộc huyện Duy Tiên, Mộc Hoàn và Vũ Điện nay đều thuộc tỉnh Hà Nam.

3264 Tức phố Hiến.

3265 Nay đều thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

3266 Nay là xã Vân Canh, huyện Từ Liêm Hà Nội.

3267 Một chức quan võ nằm trong tam ty 12 vệ, hàm tòng ngũ phẩm.

3268 Bây giờ là Hải Yến, tục gọi là Hới, nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Làng này nổi tiếng về nghề làm quạt và dệt chiếu.