Menu Đóng

Chính Biên 24

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ XXIV

Từ Ất Tỵ, Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 16 (1485) đến Kỷ Mùi, Lê Hiến Tông năm Cảnh Thống thứ 2 (1499) gồm 15.

Ất Tỵ, năm (Hồng Đức) thứ 16. (Minh, năm Thành Hòa thứ 21).

Tháng 3, mùa xuân. Thái phó Tĩnh quốc công Lê Niệm mất.

Niệm là cháu Lê Lai, con Lê Lâm, đầu niên hiệu Thiệu Bình (1434-1439) lấy danh nghĩa ấm phong được trao giữ chức Cận thị cục chính chưởng, làm quan trải qua các chức lên đến thái phó, gia phong quốc công. Gia Đình Lê Niệm vào hàng bầy tôi hết đời này đến đời khác, có công đức lâu đời, Niệm làm tướng gần 30 năm, thường dựng được công lớn, uy danh đức vọng rất lừng lẫy, làm chỗ dựa vững chắc cho triều đình. Đến nay. Niệm mật, nhà vua tặng phong chức thái úy và đặt tên thụy là Trinh Ý.

Tháng 7, mùa thu. Định rõ lại sắc lệnh về việc thi khảo để miễn tuyển.

Nhà vua lấy cớ rằng, năm trước, thi khảo học trò, người nào dự trúng sẽ được miễn tuyển, lúc ấy có nhiều người mang vụng trộm văn bài cũ hoặc nhờ người khác đi thi thay mình, thành ra số người dự trúng có đến hàng vạn, việc thi cử như thế rất là nhũng lạm, bèn ra sắc lệnh cho hai ty Thừa chính và Hiến sát các xứ: từ nay thi khảo học trò cần phải được người văn hay chữ tốt, sau khi đã lấy cho dự trúng rồi, đến khi phúc hạch lại, nếu còn có người nào không làm được bài để quyển giấy trắng, hoặc người nào làm bài không thành văn lý, thì viên quan đề điệu2215 và giám thí2216 niêm phong quyển lại tâu hặc về triều đình. Nếu xét thấy xứ nào có từ một người đến bốn, năm người phạm trường quy như thế, thì viên quan thừa chính và hiến sát xứ ấy sẽ phải luận vào tội biếm chức hoặc bãi chức, còn bản thân người phạm tội trường quy ấy sẽ phải tội đồ.

Nhà vua hạ chiếu: phàm sĩ tử nào có học lực phẩm hạnh, thi khảo dự trúng mà được miễn tuyển, đều được miễn cho một nữa phần về phú thuế và sai dịch.

Lời chua-Miễn Tuyển: Theo Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, thể lệ đời Hồng Đức định cứ sáu năm có một kỳ xét duyệt dân đinh để tuyển bổ vào quân ngũ. Trước kỳ xét duyệt dân đinh, thì hai ty Thừa chính và Hiến sát các đạo phải dự bị thi khảo học trò, người nào dự trúng kỳ thi khảo sẽ được miễn việc tuyển bổ vào quân ngũ.

Tháng 10, mùa đông. Định rõ lại sắc lệnh về việc con vợ cả, con vợ thứ được đứng làm thừa tự.

Nhà vua ra chỉ dụ: phàm các quan viên và bách tính, người con cháu nào được đứng làm thừa tự, thì không kể người ấy tuổi nhiều hay ít, quan chức lớn hay nhỏ, đều nhất thiết dùng con trai trưởng do người vợ cả sinh ra; nếu người con trai trưởng của vợ cả mất sớm, thì dùng người cháu trưởng; hoặc không có cháu trưởng mới dùng đến con trai thứ do người vợ cả sinh ra; nếu người vợ cả lại không có con trai thứ, lúc ấy mới chọn đến con trai do người vợ thiếp sinh ra; nếu con trưởng, cháu trưởng là

người bất hiếu hoặc là người có bệnh tật không thể kham nổi việc thừa kế, thì được phép báo cáo với quan sở tại chọn lập người thừa tự.

Tháng 11. Hạ sắc lệnh cho các quan khuyên nhủ nhân dân làm ruộng, trồng dâu, giữ gìn phong tục cho được thuần hậu.

Nhà vua hạ sắc dụ các quan thừa chính, hiến sát và phủ, huyện phải thời thường phải xem xét ruộng đất nơi bằng phẳng, đất nào có lợi mà còn bỏ sót thì mở mang cho hết nguồn lợi của đất, người dân nào có sức mà còn để thừa thì đốc thúc họ làm cho hết sức. Hàng năm, phải thời thường đi tuần hành trong hạt mình, khi đến làng xóm nào cần phải đem những lời dạy bảo về lễ nhạc của thánh vương ngày trước cùng những tờ sắc dụ mở đường dẫn lối của triều đình, hiểu bảo cặn kẽ kỷ càng cho dân hiểu rõ. Nếu thấy việc gì làm hại đến giáo hóa, làm nát cả phong tục, cần phải răn cấm ngay; nếu thấy người nào có lòng trung thành với vua, thành tín với người ngoài, hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em, cần phải khen thưởng họ. Các viên quan làm thế nào cho dân có của thừa, phong tục đều trở nên thuần hậu, để đời được thịnh trị theo như lòng mong muốn của ta. Trong hàng các quan, nếu có người nào biết hết lòng làm đầy đủ chức phận, thì hai ty Thừa chính, Hiết sát đều đem tên người ấy tâu bày, trẫm sẽ khen thưởng; còn nếu có viên quan nào coi việc này như trò đùa mà khinh thường, sẽ phải bãi chức và bắt sung vào quân ngũ.

Nhà vua ra sắc lệnh cho các quan phủ, huyện. Trong lúc nhân dân làm ruộng đã được nhàn rỗi, các viên phủ, huyện chiếu theo số điền xem chỗ nào hạng ruộng nọ giáp với hạng ruộng kia, thì bắt nhân dân họp tập chỉ dẫn đâu là ruộng công và đâu là ruộng thế nghiệp, rồi đắp giới mốc riêng ra, để làm tiêu chuẩn nhất định lâu dài.

Trần Nhữ Vi, tri huyện Thư Trì, tâu nói: “Các xứ trong nước, hình thế ruộng đất chỗ cao chỗ thấp không đều nhau, công việc làm ruộng cũng có nơi sớm nơi muộn khác khác nhau, nơi có ruộng mùa thì cày cấy vào tháng 2, tháng 3, nơi có ruộng chiêm thì cày cấy tháng 11, tháng 12. Nay viên hữu ty2217 cứ nhất luật đến mùa đông bắt dân đi làm việc công, như thế có ngăn trở cho công việc làm ruộng. Xin từ nay, về công việc sửa đê đắp đường, hai ty Thừa chính và Hiến sát nên khám xét rõ ràng, chỗ nào có ruộng cấy lúa mùa thì cho dân làm công việc ấy vào cuối mùa đông, chỗ nào có ruộng cấy lúa chiêm thì cho dân làm công việc vào các tháng mùa xuân, đều nhân lúc nhân dân đã được nhàn rỗi về công việc làm ruộng, để hợp với sự tiện lợi của dân”. Nhà vua chuẩn y lời tâu ấy.

Nhà vua ra sắc lệnh cho các viên phủ, huyện: phàm chỗ ven núi ven biển, còn có ruộng bỏ hoang chưa khai khẩn hết, thì các viên phủ, huyện đều phải đi khám thực, đôn đốc nhân dân khai khẩn cày trồng.

Lời chua-Huyện Thư Trì: Nay thuộc tỉnh Nam Định2218 .

Thái tử thiếu bảo Trần Phong phạm tội, giao xuống ngục hình; Trần Phong chết.

Phong tước thờ Lê Nhân Tông, vào chầu Kinh Diên2219 , sau a dua phụ họa với Nghi Dân, đối với nhà vua thường không giữ lễ độ. Kịp lúc nhà vua lên ngôi, Phong làm thượng thư bộ Hình, vì phạm tội phải biếm chức ra làm thừa chính sứ ơ Sơn Tây, sau lại được triệu về triều bổ dụng, thăng dần đến thái tử thiếu bảo kiêm giữ chức đô ngự sử. Nhà vua thường ghét Phong là người gian tà xiểm nịnh2220 . Đến nay, có người cáo tố phong can tội phỉ báng, nhà vua bèn giao xuống ngục hình. Phong chết ở trong ngục. Nhà vua bảo với bọn Nguyễn Như Đỗ rằng: “Trần Phong lúc trước làm bầy tôi cũ Lệ Đức hầu2221 , nay hắn thờ trẫm, nhưng vẫn chứa đựng cái lòng không hết đạo làm tôi, hắn thường phỉ báng trẫm là sắp xếp quan

hiệu theo chế độ nhà Minh, mà không theo thông chế của quốc triều, hắn thật là một bầy tôi bạn nghịch”.

Lời chua-Sơn Tây: Xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 18, 27-28).

Bính Ngọ, năm thứ 17 (1486). (Minh, năm Thành Hóa thứ 22).

Tháng 6, mùa hạ. Định rõ lại thể lệ quan viên vào thi hội.

Theo chế độ cũ, quan viên người nào chưa trúng tuyển khoa thi hương, đều cho phép được vào thi hội. Nay Hàn lâm viện thị thư Lương Thế Vinh tâu xin: “Từ nay về sau, quan viên nào chưa trúng tuyển quan khoa thi hương mà tình nguyện vào thi hội, nếu viên quan ấy giữ chức ở trong kinh thì do phủ Thừa Thiên; ở ngoài các đạo thì do ty Thừa chính phúc hạch theo như thể lệ thi hương, người nào trúng tuyển mới cho vào thi hội”. Nhà vua chuẩn y lời tâu ấy.

Đinh mùi, năm thứ 18 (1487). (Minh, năm Thành Hóa thứ 23).

Tháng 2, mùa xuân. Cấm xưng hô tiếm lạm càn giỡ.

Danh từ dùng để xưng hô định như thế này:

Thân vương xưng hô là điện hạ; tự thân vương xưng là phủ hạ; tước công, tước hầu, tước bá, phò mã và viên quan hàm nhất phẩm xưng là các hạ; viên quan hàm nhị tam phẩm xưng là môn hạ; viên quan hàm tứ, ngũ và lục phẩm xưng là đại phu; viên quan hàm thất, bát và cửu phẩm xưng là quan trưởng. Nếu người nào dám xưng hô tiếm lạm càn giỡ cùng người nhận lời xưng hô không chính đáng ấy, đều sẽ phải phạt 50 roi và 10 quan tiền.

Hạ sắc lệnh: tuyển người có tài năng, đức vọng, thanh liêm, cần mẫn, để cất nhắt lên giữ chức tổng binh.

Nhà vua hạ sắc dụ: chức tổng binh, do triều đình ký thác cho chức vụ nặng nề ở một địa phương, không thể tin dùng hạng người không xứng đáng được. Vậy các quan ở Lục khoa và Ngự sử đài phải chọn vệ quan ở các nha môn, người nào có thao lược, tư cách, đức vọng, tài năng, mẫn cán, liêm khiết, cần cù, thì cất nhắc lên để giữ chức ấy. Nếu ai dám vì tình riêng mà đề cử bậy, sẽ phải tội.

Tháng 11, mùa đông, đại xá cho trong nước.

Lời phê-Không biết có việc gì mà cứ ân xá luôn2222 Hạ chiếu: Các quan ở trong triều đường theo thứ tự bàn luận việc công.

Nhà vua hạ chiếu các quan bàn luận việc công ở triều đường: Khi nào có sắc chỉ nhà vua truyền hỏi việc gì, thì trước hết các quan ở Lục Khoa và Ngự sử đài, thứ đến các quan trong Lục bộ, Lục tự, lại thứ nữa đến các quan được phong tước công, tước hầu, tước bá và đô đốc trong ngũ phủ. Các viên chức kể trên cứ theo thứ tự mà bàn luận, cốt làm thế nào cho lời bàn luận được rõ ràng, không ai được phụ họa theo đuôi ý nghĩa câu nói của người khác, hoặc ngậm miệng không bàn luận gì. Nếu người nào dám trái lệnh, thì giám sát ngự sử sẽ tâu hặc trị tội.

Mậu thân, năm thứ 19 (1488). (Minh, Hiến Tông, năm Hằng Trị thứ 1).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua đi tuần du Lam Kinh.

Tháng 7, mùa thu. Đại hạn. Hạ chiếu xét xử việc ngục tụng cho được dứt khoát xong xuôi.

Nhà vua thấy đại hạn đã lâu ngày, hạ chiếu cho các nha môn trong kinh và ngoài các đạo phải xét xử việc ngục tụng cho được dứt khoát xong xuôi: việc kiện nhỏ xét xử trong hạn 5 ngày, việc kiện lớn trong hạn 10 ngày, không được để bê trễ.

Tháng 8. Thải bớt những lại điển vào hạng thừa.

Phàm lại điển ở các nha môn trong kinh và ngoài các đạo, người nào tuổi già mỏi mệt yếu đuối, đều bãi chức cho về.

Tháng 12, mùa đông. Sai sứ thần sang nhà Minh.

Lúc ấy nước ta đối với nhà Minh có mấy việc như thế này:

– Trước đây, nước Chiêm Thành sau khi đã bị phá, dòng dõi vua nước ấy là Cổ Lai đem gia quyến sang nhà Minh báo cáo về nạn nước. Hiến Tông nhà Minh sai quân đưa Cổ Lai về nước lập làm quốc vương, rồi đưa tờ hịch sang dụ bảo vua nhà Lê.

– Hiến Tông nhà Minh mới lập làm vua, sai sứ sang báo cáo về việc lên ngôi vua và ban cho lụa hoa.

Đến nay, nhà vua sai Đàm Văn Lễ, Vương Khắc Thuật và Phạm Miễn Lân sang nhà Minh chúc mừng việc lên ngôi vua; Tống Phúc Lâm dâng hương; Hoàng Đức Lương tạ ơn việc ban cho lụa hoa; Hoàng Bá Dương báo cáo với nhà Minhv về việc Chiêm Thành quấy nhiễu ngoài biên giới nước ta.

Theo Minh sử, mục Ngoại quốc, về truyện Chiêm Thành, thì năm Thành Hoá thứ 17 (1481), Cổ Lai sai sứ sang nhà Minh triều cống nói: “Nước tôi bị tai nạn vì nước An Nam đánh phá, tôi cùng anh tôi là Trai Á Ma Phất Yêm phải lẫn trốn trong hang núi. Sau nước An Nam sợ oai trời2223 , sai người dò hỏi tìm được anh tôi, trã lại cho đất cũ. Anh tôi quyền giữ việc nước chưa được bao lâu đã bị chết sớm. Kể theo thứ tự, tôi đáng được lập làm vương, nhưng tôi không dám tự chuyên, xin bệ hạ ban cho tôi sách thư ấn tín. Còn về, đất đai thì quyền sở hữu của nước tôi gồm có hơn 3.500 dặm, xin bệ hạ đặc dụ cho người Giao Châu phải trả lại hết đất đai đã xâm lấn cho nước tôi”. Năm thứ 20 (1484), vua nhà Minh sai cấp sự trung Lý Mạnh Dương và hành nhân2224 Diệp Ứng đem sách thư phong Cổ Lai làm Chiêm Thành quốc vương. Bọn Mạnh Dương nói: “Nước Chiêm Thành hiểm trở xa xăm, mà nước An Nam vẫn gây việc binh đao chưa chịu thôi, hiện nay Đề Bà Đài lại vụng trộm chiếm cứ đất đai. Nếu việc đi sách phong mà có chút nào không thuận lợi, thì lại tổn thương đến uy danh nước ta; tưởng nên sai sứ thần đến dụ bảo Cổ Lai sang Quảng Đông nhận sách phong và ra sắc lệnh cho An Nam phải ăn năn tội lỗi”. Vua nhà Minh theo lời tâu ấy. Cổ Lai bèn đem gia quyến sang sang Nhai Châu; Mạnh Dương làm xong công việc sách phong rồi trở về. Sau đó Cổ Lai lại muốn thân đến cửa khuyết để tâu bày về việc nước An Nam. Năm thứ 23 (1487), Tống Mân, tổng đốc Quảng Đông, đem việc này tâu bày. Đình thần bàn “nên sai một viên đại thần đến nơi an ủi Cổ Lai và hạ hịch văn dụ bảo nước An Nam nên theo nghĩa “tồn vong kế tuyệt”2225 đón Cổ Lai trở về Chiêm Thành” vua nhà Minh chuẩn y lời bàn của đình thần, bèn sai Nam kinh đô ngự sử là Đồ Dung sang Quảng Đông, lại đưa luôn tờ hịch sang An Nam hiểu bảo về việc họa phúc, rồi mộ 2000 quân mạnh khỏe, đi 20 chiếc thuyền vượt biển hộ vệ Cổ Lai về nước. An Nam không dám chống cự, lúc ấy Cổ Lai mới được vào trong nước.

Lời phê-Phàm việc gì có can thiệp đến nước ngoài, Sử của nước ta và Sử của Trung Quốc, mỗi bên đều chủ trì một thuyết, bên nào cũng không tránh khỏi bênh vực chỗ sở đoãn của nước mình. Chưa biết sử nước nào chép đúng? Lời chua-Phạm Miễn Lân: Người xã Huê Cầu, huyện Thiên Tài, đỗ đồng tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1478) năm Hồng Đức.

Tống Phúc Lâm: Người xã Nhất Trai, huyện Thiên Tài, đỗ đồng tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1848) năm Hồng Đức.

Hoàng Đức Lương: Người xã Ngọ Cầu, huyện Gia Lâm, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1478) năm Hồng Đức.

Hoàng Bá Dương: Người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1481) năm Hồng Đức.

Định rõ phép khảo xét công trạng.

Phép khảo xét công trạng các chức như thế này:

Làm việc quan được 3 năm thì sơ khảo2226 ; 6 năm, tái khảo2227 ; 9 năm, thông khảo2228 .

– Người họ thân về bên nội bên ngoại của hoàng tông, con cháu của công thần khai quốc vá quan văn, quan võ có quân công, những người này đã đủ ba lần khảo công được xứng chức đáng thăng làm nhất nhị phẩm, thì bộ Lại tâu xin cho thăng chuyển lên theo thể lệ đã định.

– Con của bách tính được bổ dụng làm quan, hoặc quân nhân vì có công đánh giặc mà được làm quan, người nào đã đủ ba lần khảo công được xứng đáng với chức phận, cũng chỉ cho thăng tiến đến tam phẩm mà thôi; nếu trong vòng 9 năm vì có công trạng đặc biệt đã được thăng lên cấp trên, đến khi thông khảo lại được xứng chức đáng thăng đến nhị phẩm trở lên, thì bộ Lại tâu rõ, sẽ có chỉ thị nhà vua chuẩn định.

– Thuộc viên ở các nha môn, người nào tại chức đã đủ ba lần khảo công thì đem hết sự trạng trong chức vụ của mình đã làm mà không lầm lỗi, trình bày đầy đủ, để viên trưởng quan xét kỷ lại cho dự vào thí quan2229 ; làm việc đủ ba năm được thực thụ chính thức, bấy giờ mới là sơ khảo. Người nào trong khi làm chức vụ phạm phải lầm lỗi và người nào được đặc cách thăng chức, thì tính suốt từ sau khi phạm lầm lỗi và sau khi được đặc cách thăng chức đã đủ hạn định ba năm, lúc ấy lại định làm sơ khảo; sáu năm làm tái khảo; đợi đủ 9 năm làm thông khảo. Viên trưởng quan đem sự trạng mỗi lần khảo công từ trước đến sau khi người thuộc viên làm chức vụ, có đủ lời lẽ nhận xét làm chứng thực; lại tùy theo chức quân của người ấy giữ nhiệm vụ nặng hay nhẹ mà tâu rõ. Bộ Lại sã chiếu theo các lần khảo công mà thuộc viên ấy từ trước đến sau đã làm ở phiền nha2230 , giản nha2231 như thế nào, tâu bày đầy đủ để thi hành theo như lệ định.

– Việc khảo công này, nếu có người nào gian trá, thiện tiện thêm thắt công lao, hoặc ẩn giấu tội phạm của mình, cùng viên trưởng quan nào che đậy lẫn cho người gian trá, thì bộ Lại kiểm xét rõ ràng để trị tội. Nếu người nào có tài năng đặc sắc khác với người thường, sẽ có lệnh chỉ nhà vua đặc cách cất nhắc, không câu nệ vào thể lệ này.

Nhà vua ra sắc lệnh: trưởng quan các nha môn ở ngũ phủ và các vệ kén chọn tướng hiệu thuộc quyền mình cai quản, người nào có sự trạng xác thật về quận công, am tường lão luyện về võ nghệ và tài năng, kiến thức, thanh liêm, mẫn cán, thì được để giữ chức vụ như cũ, còn người nào bỉ ổi, tham nhũng, làm việc một cách cầu may, thì hặc tâu để cách bãi đi. Nếu viên quan trưởng nào vì tình riêng mà lựa chọn không đính xác, sẽ phải tội.

Kỷ Dậu, năm thứ 20 (1489). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 2).

Tháng 5, mùa hạ. Đại hạn, nhà vua hạ lệnh ân xá.

Canh Tuất, năm thứ 21 (1490). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 3).

Tháng 2, mùa xuân. Dân ở Đông đạo bị nạn đói, nhà vua sai sứ thần đi phát chẩn cho dân vay thóc.

Lúc ấy đại hạn đã lâu, các phủ huyện thuộc Đông đạo không thể cày cấy được, nhân dân phần nhiều bị chết đói. Nhà vua sai các quan ở Hàn lâm viện, Lục khoa, Ngự sử đài và hiệu úy vệ Cẩm Y chia nhau đến các phủ huyện, đem thóc trong kho phát chẩn cho dân vay.

Lời chua-Đông đạo: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chb. XV, 5).

Tháng 4, mùa hạ. Chia trong nước làm 13 xứ.

Trước đây định bản đồ, chia trong nước làm 12 đạo thừa tuyên. Đến nay nhà vua đem đất cũ Chiêm Thành đặt ba ty Đô, Thừa và Hiến ở Quảng Nam, định số hộ khẩu và cương vực mới tăng chia làm 13 xứ là: Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn, An Bang, Thuận Hóa, Quảng Nam và Trung đô phủ2232 .

Trong 13 xứ có: 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6.851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguyên, 30 trường. Ở Nghệ An, Thuận Hóa, An Bang, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Quảng Nam đều đặt sở Thủ ngữ kinh lược sứ.

Nhà vua ra sắc lệnh định thể lệ chia xã: Phàm xã nào tính đủ 500 hộ rồi, mà ngoài ra lại còn thừa đến 100 hộ trở lên, thì do viên quan sở tại trích từng xã một tâu bày, để chia tách ra làm xã khác, cho bản đồ được rộng thêm..

Lời chua-Thanh Hóa, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn, An Bang, Thuận Hóa: Đều xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16-35).

Quảng Nam: Xem Hồng Đức thứ 2 (Chb. XII, 7-10).

Nghệ An thủ ngữ: Gồm 7 sở: Luận Man, Trịnh Mãn, Trung Man, A bang động, Hoằng Lễ, Bính Phát và Trừng Kích.

Thuận Hóa thủ ngữ: Gồm 6 sở: Yêu Dũ, Minh Linh, Hải Vân, Tư Khách, Bố Chính và Để Tích.

An Bang thủ ngữ: Gồm 9 sở: Kim Lặc, Vạn Ninh, Ty Lẫm, Trì Thanh, Vĩnh Yên, Bình Lãng, Da Khê, An Bần và Khê Động.

Tuyên Quang thủ ngữ: Gồm 5 sở: Độ Ma, Huyên Lang, Thế Tuy, Hùng Quan và Vọng Bác.

Hưng Hóa thủ ngữ: Gồm 8 sở: Hoàng Hoành, Hoa Quán, Thiên Binh, La Sá, Dũng Quát, Đà Lãng, Đăng Tỷ và Thạch Lũng.

Thái Nguyên thủ ngữ: Gồm 22 sở2233 : Lân Vĩ, Thanh Sơn, Na Man, Đã Hí, Cối Đà, Quả Thoát, Vũ Diền, Đương Châu, Bảng Ải, Nga Ổ, Na Động, Phiếu Khinh, Vĩnh Bồng, Kim Đẳng, Trạo Nhi, Na Thông, Giản Toái, Bác Nhẫm, La Nạn, Lộng Ải, Bình Nê, Hóa Long, Hoa Can, Thẩm Giáp, Sóc Hồng, Bà Hoan, Cao Đồn, Khư Động, Hố Đam, Bào Tuyền, Hoài Ninh và Ô Dược.

Lạng Sơn thủ ngữ: Gồm 18 sở: Gia Tĩnh, Lân Quan, Thôn Quan, Phạt Quan, Kết Quan, Nam Hiệu, Thất Nguyên, Chi Lăng, Luật Quan, Khiếu Vượng, Bình Lăng, Lạc Khư, Gia Bộc, Kiều Quan, Công Bình, Bác Lộc, Trĩ Hồ và Thiết Bình.

Quảng Nam thủ ngữ: Gồm 2 sở: Cổ Biên và Tiểu Áp.

Sở tại của các sở, nay không khảo cứu hết được.

Đại xá.

Năm bấy giờ, giá gạo cao, một tiền chỉ đong được 2 thăng gạo.

Tháng 11, mùa đông. Sửa đắp kinh thành thêm rộng ra.

Nhà vua răn sợ về việc loạn đời Diên Ninh2234 , bắt sĩ tốt sửa đắp kinh thành dài rộng 8 dặm, đắp 8 tháng mới hoàn thành, bèn dựng điện Thạch Thất, lập vườn Thượng Lâm để nuôi bách thú.

Lời phê-Cần ở chỗ có đức chứ không cần ở chỗ hiễm trở, bắt dân phải khó nhọc làm gì? Lời chua-Điện Thạch Thất, vườn Thượng Lâm: Nay không rõ ở chỗ nào.

Đặt thêm các quân ở các vệ thuộc ngũ phủ.

Trước đây đặt vệ Cẩm Y 22 ty, vệ Kim Ngô 14 ty, Hiệu Lực 4 vệ, Thần Võ 4 vệ, Điện Tiền 6 vệ, Tuần Tượng 4 vệ, Mã Nhàn 4 vệ, các quân thuộc ngũ phủ: Trung Đông, Tây Nam, Bắc, mỗi vệ 5 sở hoặc 6 sở, mỗi sở 20 đội, mỗi đội 20 người. Đến nay, mỗi sở ở các vệ thuộc ngũ phủ đều đặt thêm một phó quân, đều không câu nệ đội ngũ, chỉ có từ ban thứ nhất đến ban thứ tám, mỗi sở chiếu theo số quân nhiều hay ít, liệu lượng định thứ tự từng ban.

Lời chua-Cẩm Y, Kim Ngô, Hiệu Lực, Thần Võ, Tuần Tượng, Mã Nhàn và các quân trong ngũ phủ: Đều xem năm Quang Thuận thứ 8.

Tân Hợi, năm thứ 22 (1491). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 4). (Chb. XX, 2-5, 31-35).

Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua đi tuần du Tây Kinh.

Tháng 8, mùa thu. Mưa to.

Lúc ấy, mưa to suốt ngày đêm không ngớt. Nước dẫy lên dữ dội, điện Kính Thiên nước sâu hai thước hai tấc, ruộng bằng phẳng ở các huyện Thanh Oai và Thanh Đàm nước sâu đến 4 thước. Nhà vua hạ lệnh cho chỉ huy, hiệu úy hai vệ Cẩm Y và Kim Ngô chia nhau đi khơi tháo những chỗ nước mưa làm hại thóc lúa.

Nhà vua dụ bảo bầy tôi rằng: Chính sự thiếu sót lầm lỗi, nên trời gia tai vạ. Đấy là do đức trạch của trẫm không thấm khắp đến dân, lòng thành chưa cảm động đến trời, cho nên đến nổi tai vạ như thế, chứ trăm họ có tội gì đâu! Không biết lúc ngày thường các khanh có thật bụng lo việc nước, giữ phép công, để sửa chữa những điều mà trẫm không nghĩ đến không? hay các khanh đi chơi bời cho thỏa thích, theo bụng riêng mưu điều lợi để giữ vững quyền vị đấy thôi? Trước kia, vì thời Thái Tông hoàng đế triều ta, vua tôi một lòng, vua sáng, tôi hiền, bầy tôi hăng hái, lòng vua phấn khởi, vì có hòa khí mà đem lại điềm lành, thói tốt ấy đến nay có thể tưởng tượng được. Đến quãng năm Thái Hòa-Diên Ninh2235 , bầy tôi gian tà chuyên giữ quyền bính, gây ra tai biến ngay trong nhà2236 ; lấy đấy làm gương mà răn sợ việc ấy rất là rõ ràng. Vậy từ nay về phần các khanh, nếu người nào còn chần chừ noi theo thói cũ, khi tiến khi thói chỉ theo đuôi người, không để bụng nghĩ đến việc nước, quyết nhiên trẫm không dung tha. Nếu người nào biết tự giữ vững điều trung tín, hết sức hết lòng, trẫm không ngần ngại ban cho trọng thưởng. Các khanh nên nghĩ kỷ lấy, đừng để có sự ăn năn về sau.

Lời chua-Điện Kính Thiên: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb. XV, 13).

Thanh Oai: Xem Bình Định vương năm thứ 8 (Chb. XIII, 31).

Thanh Đàm: Tức Long Đàm. Xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng chính bình thứ 14 (Chb. VI, 26).

Tháng 10, mùa đông. Ruộng lúa được mùa lớn.

Dựng đình Quảng Văn.

Trước đây, khi nào có chiếu lệnh của nhà vua ban ra, lúc ấy mới do bộ đem treo bảng yết thị. Đến nay, dựng đình ở ngoài cửa Đại Hưng làm nơi treo những pháp lệnh về việc chính trị. Khi đình ấy đã lạc thành, nhà vua đặt tên cho là đình Quảng Văn.

Lời chua-Cửa Đại Hưng: Xem Lý Nhân Tông, năm Duệ Võ thứ hai (Chb. IV, 11).

Nhâm Tý, năm thứ 23 (1492). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 5).

Tháng 4, mùa hạ. Nhà vua sai các quan trong Hàn lâm Lục khoa và Ngự sử đài chia nhau đi xét xử ngục tụng.

Lúc ấy, việc ngục tụng phần nhiều đình trệ, nhà vua hạ lệnh cho các quan trong Hàn lâm viện, Lục khoa và Ngự sử đài chia nhau đi 13 xứ thẩm xét phán đoán những hình ngục còn đọng lại.

Tháng 10, mùa đông. Hạ lệnh cho các quan trong viện hàn lâm giữ việc tuyển cử khoa thi hương.

Trước đây, viên quan giữ việc tuyển sĩ tử khoa thi hương, cứ đến lúc mở khoa thi, nhà vua mới hạ lệnh sai phái, không nhất định lấy viên quan ấy ở nha môn nào, cốt chọn người có khoa mục văn học giữ chức ấy. Đến nay, nhà vua hạ lệnh chuyên giao các quan trong viện Hàn lâm giữ việc sai phái này, mỗi trường thu 4 người. Viên Hàn lâm chuyên giữ chức khảo quan về khoa thi hương bắt đầu từ đây.

Tháng 12. Dân bị nạn đói lớn.

Quý Sửu, năm thứ 24 (1493). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 6).

Tháng 2, mùa xuân. Định ban thứ trong triều.

Phàm ban thứ trong triều: văn ban và võ ban, người nào cùng ngang phẩm hàm với nhau, thì viên quan cũ cùng viên quan nhiều tuổi đứng hàng trên, viên quan mới cùng viên quan ít tuổi đứng hàng dưới; người nào phẩm trật thấp mà giữ chức cao, nếu là hàng tam phẩm thì đứng ở ban nhị phẩm, nếu hàm thất, bát phẩm thì đứng ở ban lục phẩm; người nào phẩm trật cao mà giữ chức thấp, nếu là hàm nhị phẩm thì đứng ở ban tam phẩm, nếu là hàm tứ, ngũ phẩm thì đứng ở ban lục phẩm; ngoài ra cứ theo thể lệ này mà suy. Còn như quan trong Lục khoa hàm thất bát phẩm thì đứng ở hàng trên trong ban lục phẩm. Về phần quan văn, quan võ người nào là quan phụng triều yết2237 , thì chiếu theo chức của mình mà đứng ở hàng cuối trong ban.

Giáp Dần, năm thứ 25 (1499). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 7).

Tháng 4, mùa hạ. Định thể lệ và niên hạn lựa chọn cất nhắc Hoa văn học sinh.

Trước đây, thể lệ định những lại điển ở các nha môn đều theo niên hạn để tuyển bổ cất nhắc. Viên quan tá nhị2238 ở châu, ở huyện, nếu người nào thi hội trúng được một, hai, ba kỳ thì được cất nhắc lên quan chính chức ở châu, ở huyện và các chức kinh lịch, khố sứ, duy Hoa văn học sinh ở Trung thư giám là không câu nệ niên hạn nhất định, khi nào đến kỳ tuyển bổ, mới chọn lấy một người trong bốn

người, do viên trưởng quan bảo cử, bộ Lễ khảo xét lựa chọn làm danh sách tâu trình, đưa sang bộ Lại xét rồi tâu lên vua. người nào vào hạng thượng đẳng và trung đẳng sẽ được bổ vào chức chính tự trong giám ấy hoặc bổ làm thủ lĩnh ở các phủ tại kinh đô, thì đến lúc bấy giờ sẽ có chỉ dụ đặc biệt của vua ban ra. Đến nay nhà vua hạ chiếu: Hoa văn học sinh đủ niên hạn 8 năm trở lên, thì các trưởng quan chọn người liêm khiết, siêng năng, mẫn cán, thông thạo công việc, trong số ấy có người nào đã từng được sai phái đi công cán hoặc theo đi đánh giặc có công, thì bảo cử lên; những người ấy đều do bộ Lại lựa chọn cất nhắc, cũng như điển lại các nha môn.

Lời chua-Hoa văn học sinh: Theo điển lệ quan chế triều Lê, Hoa văn học sinh ở Trung thứ giám có 100 người.

Niên hạn các nha lại: Xem năm Hồng Đức thứ 8 (Chb. XIII, 10-11).

Ất Mão, năm thứ 26 (1495). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 8).

Tháng 11, mùa đông. Sáng tác chín bài hát quỳnh uyển.

Nhà vua lấy cớ là: thời tiết thuận, năm được mùa, nên nhân lúc mọi việc được thư nhàn, bèn sáng tác thành chín bài thơ, là: phong niên2239 , quân đạo2240 , thần tiết2241 , minh lương2242 , anh hiển2243 , kỳ khí2244 , thư thảo2245 , văn nhân2246 , mai hoa2247 . Chín bài thơ này được phép vào khúc hát, gọi tên là “quỳnh uyển cửu ca”2248 . Nhà vua thân hành soạn bài tựa, tự xưng là Tao đàn nguyên soái2249 . Hạ lệnh cho đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận làm phó nguyên soái; đông các hiệu thư Ngô Luân và Ngô Hoán, hàn lâm viện thị độc Nguyễn Trùng Xác và Lưu Hưng Hiếu, thị thư Nguyễn Quang Bật, Nguyễn Đức Huấn, Võ Dương và Ngô Thầm; thị chế Ngô Văn Cảnh, Phạm Trí Kiêm, Lưu Thị Mậu; hiệu lý Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Tôn Miệt, Ngô Quyền, Nguyễn Bảo Khuê, Bùi Phổ, Dương Trực Nguyên và Chu Hãn, kiểm thảo Phạm Cẩn Trực, Nguyễn Ích Tốn, Đỗ Thuần Thứ, Phạm Như Huệ, Lưu Dịch, Đàm Thận Huy, Phạm Đạo Phú và Chu Huân gồm 28 người theo vần trong chín bài ca ấy để họa lại, gọi là tao đàn nhị thập bát tú (28 ngôi sao của Tao đàn).

Lời phê-Luôn luôn có hạn hán, nước to, đói dữ2250 , mà đã nói như thế như thế…2251 ; lại còn xưng hô với nhau một cách khoe khoang2252 , thật đáng khinh bỉ. Ông vua này không phải chỉ những đạo đức chưa được thuần hậu, độ lượng chưa được rộng rãi mà thôi đâu!

Bính Thìn, năm thứ 27 (1496). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 9).

Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua đi tuần du Tây Kinh.

Khi nhà vua đến Tây Kinh, tưởng nhớ công nghiệp của ông cha bọn Lê Chí và Lê Vĩnh, bèn ban cho Lê Chí 30 lạng bạc, Lê Vĩnh 25 lạng bạc.

Lời chua-Lê Chí: Người xã Dựng Tú, huyện Lương Sơn, ông của Chí là Lê Lâm, theo Lê Thái tổ đánh giặc Ngô có công, sau theo đi đánh Ai Lao, bị tử trận, được truy tặng thái úy. Cha của Lê Chí là Lê Niệm, từng trải thờ Lê Thái Tông, Nhân Tông và Thánh Tông, là công thần đời trung hưng2253 , được gia phong thái phó, tước Tĩnh quốc công khi mất, được truy tặng thái úy.

Lê Vĩnh: Ông của Vĩnh là Lê Sao, khai quốc2254 công thần, làm quan đến thiếu bảo; bố của Vĩnh là Lê Thọ Vực từng trải thờ Nhân Tông và Thánh Tông, làm công thần đời trung hưng, được gia phong thái úy, tước Phú quốc công.

Lúc ấy, Chí làm tả đô đốc phủ Nam quân, Vĩnh làm tả đô đốc phủ Bắc quân.

Trời không mưa, nhà vua thân hành cầu đảo: tối hôm ấy mưa to.

Lúc ấy, đã lâu không mưa, nhà vua tự mình thành tâm cầu đảo và tự soạn bài thơ, sai Nguyễn Đôn đem treo vào tường đền thờ thần Hoằng Hựu. Tối hôm ấy mưa to.

Lời chua-Đền Hoằng Hựu: Xem năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XX, 12).

Tháng 2 nhuận. Ban yến cho quần thần ở bãi Thúy Ái.

Nhà vua từ Tây Kinh trở về, thuyền ngự đóng ở Thúy Ái, bầy tôi văn võ đến lạy mừng, nhân đấy nhà vua ban cho ăn yến.

Lời chua-Bãi Thúy Ái: ở bờ phía nam sông Nhị Hà, nay thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Nội2255 .

Hoàng thái hậu mất.

Thái hậu bị bệnh, nhà vua cùng hoàng thái tử ngày đêm trông nom bệnh tật, không lúc nào rời một bên, phàm thuốc thang cùng đồ ăn, đồ uống đều thân hành nếm trước, hằng ngày cầu đảo với tôn miếu thần thánh. Đến nay, thái hậu mất ở điện Thừa Hoa, hưởng thọ 76 tuổi.

Lời chua-Điện Thừa Hoa: Nay không khảo cứu được.

Tháng 3. Nhà vua thân hành thi cống sĩ.

Theo chế độ cũ, cống sĩ thi hội đã được trúng cách, lúc vào thi đình đều không người nào bị đánh hỏng. Đến nay, cử nhân vào thi hội, quan trường lấy bọn Nguyễn Văn Huấn 43 người được trúng cách. Kịp khi nhà vua thân hành ra bài thi ở thềm rồng điện Kính thiên, hỏi về đạo cai trị, rồi triệu các cử nhân vào sân điện Kim Loan, nhà vua tự mình xét kỷ dung mạo từng người, chỉ lấy đỗ 30 người, cho Nghiêm Viên, Nguyễn Huân và Đinh Lưu ba tên đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Đinh Cường 8 tên đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Đạo Diễn 19 tên đỗ đồng tiến sĩ xuất thân, đánh hỏng 13 người.

Lời chua-Nghiêm Viên: Người làng Bồng Lai, huyện Quế Dương, sau khi đã đỗ, lấy công chúa, đến lúc về nhà, bị vợ đánh thuốc độc chết.

Nguyễn Huân: Người làng Kim Đôi, huyện Võ Ninh2256 .

Đinh Lưu: Người làng An Dật, huyện Thanh Lâm.

Đinh Cường: Người làng Tiên Tảo, huyện Bình Hà, được nhà vua đặt tên lại cho là Cường. Sau này, Cường đổi tiết tháo, thờ nhà Mạc làm quan đến Lại bộ thượng thư.

Nguyễn Đạo Diễn: Người làng Kim Đôi, huyện Võ Ninh.

Tháng 5, mùa hạ. Hạ chiếu tuyển chức quan ở Hiến sát sứ ty và chức quan ở phủ, ở huyện, ở châu.

Nhà vua hạ tờ chiếu nói: Chức hiến sát phó sứ nếu có khuyết ngạch, thì lựa chọn trong hàng tiến sĩ cùng thuộc quan ở các nha môn lấy người nào đã thi hội trúng một, hai, ba kỳ mà là người siêng năng, mẫn cán, cứng rắn, thẳng thắn để bổ sung làm lại điển ở các nha môn, đã thi hội thường trúng được một, hai, ba kỳ mà là người làm việc lâu năm, siêng năng, mẫn cán và người có quân công, thì sơ thụ cho chức tri huyện hoặc tri châu, giữ chức đủ ba năm không có lầm lỗi, sẽ cất nhắc lên viên ngoại lang, đồng tri phủ, lại giữ chức đủ sáu lần khảo công mà được xứng chức, sẽ cho thăng chức tri phủ.

Lời chua-Giám sinh: Tức là những người thi hương trúng được bốn kỳ.

Nho Sinh: Tức là con các viên quan thi hương trúng được ba kỳ. Đều xem năm Quang Thuận thứ 3 (Chb. XIX, 21-22).

Tháng 8, mùa thu. Mưa to, gió lớn, nước dấy lên dữ dội.

Ruộng lúa ở dân gian phần nhiều bị thối nát.

Tháng 11, mùa đông. Nhà vua không được khỏe.

Đinh Tỵ, năm thứ 28 (1497). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 10).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua mất.

Nhà vua bị đau nặng, tự dựa lưng vào ghế ngọc, để lại tờ chiếu cho hoàng thái tử nối ngôi vua; ngày Nhâm Tý, nhà vua mất ở điện Bảo Quang.

Nhà vua ở ngôi 38 năm, hưởng thọ 56 tuổi, miếu hiệu Thánh Tông, có 14 người con.

Hoàng thái tử dụ bảo bầy tôi trong triều rằng: “Người con khi sinh ra được 3 năm, rồi sau cha mẹ mới khỏi phải bế ẵm. Cho nên phép đời cổ, con để tang cha mẹ ba năm. Văn đế nhà Hán không học theo phép đời cổ, khi mất, để lại mệnh lệnh cho đoản tang, đem ngày thay cho tháng2257 , rồi sau này cứ làm theo phép ấy, như vậy là bỏ hết điển lễ, khinh bạc luân thường, không thể làm phép tắc được. Nay vua cha ta vội bỏ trăm họ lên chầu trời, lòng ta thương xót vô cùng, báo công đức không thể nào hết được. Vậy các khanh nên bàn định việc chịu tang ba năm, để xứng đáng với tâm linh ta thương yêu kính mến”.

Đại thần va trăm quan đều lạy dập đầu xuống đất mà tâu rằng: “Điều hiếu là điều căn bản lớn để trị thiên hạ, nay điện hạ biết noi theo đạo hiếu, thì việc bàn định thi hành lễ cổ, chúng tôi đâu dám chẳng tuân theo mệnh lệnh”. Bèn định làm lễ chịu tang ba năm: Phàm lễ tiểu liệm2258 , đại liệm2259 , lễ thấn2260 và lễ tế điện2261 , nhất thiết theo đúng lễ phép đời cổ. Trăm quan văn võ để tang ba năm: hạng lại, sĩ, quan và dân để tang một trăm ngày; tang phục đều dùng vải trắng, thường phục thì cũng cho phép mặc lẫn màu

xanh, màu thâm; trong ba tháng đình chỉ việc cưới gả; trong khoảng ba năm đều cấm mặc màu hồng, màu tía.

Lời chua-14 người con của Thánh Tông: Thái tử Chanh, các con thứ là Lương Vương Tuyên, Tống Vương Tung, Đường Vương Cảo, Kiến Vương Tân, Phúc Vương Tranh, Diễn Vương Thông, Quảng Chiêu, Nghĩa Vương Cảnh, Trần Vương Hình, Triệu Vương Thoan, Kính Vương Kiện.

Tháng 2. Thái tử Chanh lên ngôi vua.

Ngày Mậu Dần, thái bảo Bình lương hầu Lê Chí. Binh bộ thượng thư Định công bá Trịnh Công Đán, Tây quân đô đốc phủ tả đô đốc Sùng khê bá Lê Vĩnh dẫn bầy tôi đến điện Hoằng Văn rước thái tử Chanh lên ngôi vua (tức Lê Hiến Tông), lấy sang năm làm năm thứ nhất niên hiệu Cảnh Thống.

Hạ chiếu: Lục khoa và Ngự sử đài xét quan lại kẻ hay người dở.

Nhà vua dụ bảo: Trẫm mới lên ngôi, việc dùng người làm chính trị, nghĩ sao tìm được người hiền tài tuấn kiệt để giúp công việc, còn e rằng người hay người dỡ lẫn lộn với nhau, người trung người nịnh không xác định được, nếu không phân biệt rõ ràng, thì lấy gì mà khuyên kẻ hay răn kẻ dở. Vậy từ nay, các nha môn trong kinh sư và ngoài các đạo, phàm có quan lại nào liêm khiết, tài năng, đáng nên khen thưởng cất nhắc, cùng quan lại nào tham lam nhũng nhiễu không xứng đáng với chức vụ, chuẩn cho phép Lục khoa và Ngự sử đài dò xét, tâu bày từng tên để trẫm biết.

Dân Nghệ An bị nạn đói, hạ chiếu phát thóc trong kho cho dân nghèo vay.

Lúc ấy. Nghệ An bị nạn kém đói, nhà vua ra sắc lệnh hai ty Thừa chính và Hiến sát phát thóc trong kho công cho dân nghèo vay, mỗi người được vay 100 thăng, đợi lúc lúa chín được mùa sẽ thu lại nộp trả vào kho công.

Lời chua-Nghệ An: Xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 21-22).

Tôn mẹ là quý phi Nguyễn thị làm hoàng thái hậu.

Hoàng thái hậu, người làng Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, là con gái thái úy Trinh Quốc công Nguyễn Đức Trung. Năm Quang Thuận thứ nhất (1460) được tuyển vào chầu trong cung, phong là sung nghi, ở cung Vĩnh Ninh, tháng 8, năm Quang Thuận thứ 2 (1461) sinh nhà vua; năm Hồng Đức thứ nhất (1470) sách lập làm quý phi. Đến nay tôn làm Hoàng thái hậu, ở cung Trường lạc.

Đại hạn.

Lúc ấy đại hạn, Đông các hiệu thư Dương Trực Nguyên dâng sớ nói nhà vua nên tu dưỡng đạo đức để tiêu án thiên tai.

Lời chua-Dương Trực Nguyên: Người làng Thượng Phúc, huyện Thượng Phúc2262 , đỗ đồng tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490) năm Hồng Đức.

Hạ chiếu: Tuyển người tiến sĩ nào có thành tích về chính trị để bổ giữ chức ở Ngự sử đài.

Nhà vua ra sắc lệnh: Từ nay, cấp sự trung trong lục khoa và giám sát ngự sử, nếu có khuyết ngạch, thì bộ Lại chọn các quan trong kinh sư, ngoài các đạo người nào do tiến sĩ xuất thân mà là người liêm khiết, cần mẫn, cứng rắn, ngay thẳng, có thành tích về chính trị, thì cất nhắc lựa bổ. Người ấy giữ chức đủ một năm sẽ do Đô ngự sử đài xét nghiệm về sự trạng đã làm, rồi tâu bày đầy đủ. Nếu xét ra người nào có thể dùng được sẽ cho giữ chức như cũ, người nào không thể dùng được sẽ cho giữ chức như cũ, người nào không thể dùng được sẽ đổi sang giữ chức khác. Nếu Đô ngự sử đài xét nghiệm không công bằng, cho phép Lục khoa được đàn hặc để trị tội.

Nhà vua hạ chiếu: Từ nay, vế quan chức tuần ty ở ven biên giới, thì bộ Lại chọn lấy người địa phương lân cận với biên giới đã quen thủy thổ, có công đánh giặc đáng được bổ dụng để cất nhắc lựa bổ; về quan thủ lĩnh các nha môn phủ, huyện, châu ngoài các đạo, có người nào đáng được thăng chức, thì bộ Lại đưa công văn cho viên quan cai quản khám xét kỷ càng, nếu quả là người liêm khiết, tài năng, chăm chỉ, mẫn cán, trong khi tại chức không để công việc bê trễ, mới được thăng chức.

Nhà vua hạ sắc lệnh: Nếu chức suy quan ở ty Thừa chính các xứ có khuyết ngạch, thì bộ Lại chọn quan viên ở các nha môn, người nào từng trải hai lần khảo công trở lên mà là người liêm khiết, tài năng, lão luyện, thông thạo và am hiểu danh lệ hình luật để cất nhắc bổ dụng.

Tháng 5, mùa hạ. Sửa điện Đãi Lậu.

Trước kia, Thái tổ dựng điện Đãi Lậu ở ngoài cửa Tây; Thánh Tông dựng thêm hai dãy nhà ở ngoài cửa Đại Hưng; đến nay nhà vua ra đặc lệnh cho quân ngũ phủ dựng hai dãy nhà ở ngoài cửa Đại Hưng làm viện Đãi Lậu, mỗi dãy ba gian, để làm chỗ các quan chờ đợi giờ khắc trước lúc sắp tiến vào triều đường.

Tháng 11, mùa đông. Sai sứ sang nhà Minh.

Nhà vua sai Hộ khoa cấp sự trung Phạm Hưng Văn và Hàn lâm viện hiệu lý Nguyễn Đức Thận sang nhà Minh cáo phó; Hàn lâm viện hiệu lý Phan Tông, Phạm Khắc Thuận và Nguyễn Đình Tuấn sang xin phong tước.

Lời chua-Phạm Hưng Văn: Người làng Đông Hối, huyện Thanh Lan2263 , đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi (1475) năm Hồng Đức.

Nguyễn Đức Thận: Người làng Trang Liệt, huyện Đông Ngàn2264 , đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490) năm Hồng Đức.

Nguyễn Đình Tuấn: Người làng Quảng Bố, huyện Thiên Tài2265 , đỗ đồng tiến sĩ khoa Tân Sửu (1481) năm Hồng Đức.

Định số binh sĩ ở những nơi biên giới.

Phàm các quân sĩ đóng ở ven biên giới, nếu có những người là bố con anh em với nhau hoặc là người cùng thôn cùng xã với nhau, mà hiện bổ phân tán ở các sở các vệ, thì đều được chiếu theo ngạch lính của từng sở, từng vệ đổi bổ những người ấy vào chung một đội ngũ để tiện việc cai quản đốc suất.

Mậu Ngọ, Hiến Tông Duệ hoàng đế năm Cảnh Thống thứ nhất (1498). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 11).

Tháng giêng, mùa xuân. Hạ sắc lệnh: bảo vệ hành cung2266 một cách nghiêm ngặt.

Nhà vua ra sắc dụ cho các ty hộ vệ: Lệnh cấm ở hành cung không thể không nghiêm ngặt được. Sách thượng thư nói: “Có phòng bị thì không sợ xảy ra hoạn nạn2267 ; Sách Chu dịch nói:”Gõ hiệu canh từng trùng cửa để ngăn ngừa quân bạo nghịch”2268 . Đấy đều là để đề phòng sự bất trắc có thể xảy ra. Từ nay, khi xa giá đi bái yết sơn lăng, thì ba ty hộ vệ phải giữ lệnh cảnh giới cho nghiêm ngặt, chớ cậy là lúc thái bình mà coi thường việc phòng bị. Nếu có lệnh tuyên triệu viên quan nào, ban ngày thì dùng bài ngà, cờ lệnh, ban đêm dùng hổ phù, cờ lệnh, lúc ấy quân hộ vệ mới được mở cửa thành. Nếu người nào làm trái lệnh sẽ phải xử theo quân luật.

Lời chua-Ba ty hộ vệ: Theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, năm đầu niên hiệu Quang Thuận (1460) đặt vệ quân Thần Võ, Hiệu Lực và Điện Tiền gọi là ba ty hộ vệ.

Giảm bớt thuộc quan ở vệ Lạng Sơn.

Theo chế độ cũ, vệ và sở thuộc phiên trấn bên ngoài ở các xứ, mỗi vệ đặt hai viên tổng tri và đổng tổng tri, mỗi sở đều có một viên quản lãnh và một viên phó quản lãnh, một viên chánh võ úy và một viên phó võ úy. Lúc ấy, sáu sở thuộc vệ Lạng Sơn số quân ít mà số quan lại thì nhiều, nhà vua bèn ra sắc lệnh cho ba ty Đô, Thừa, Hiến bàn định, liệu lượng để lại:mỗi sở, chức quản lãnh võ úy đều một người, mỗi vệ, chức giáo tập bác sĩ sáu người, ngoài ra đều giảm bớt. Những viên chức bị tỉnh giảm sẽ điều bổ đi vệ hoặc sở khác.

Lời chua-Sáu sở thuộc vệ Lạng Sơn: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XX, 35).

Làm lễ táng Lê Thánh Tông ở Chiêu Lăng.

Nhà vua hạ lệnh cho bọn đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, Lễ bộ thượng thư Đàm Văn Lễ và đông các học sĩ Lưu Hưng Hiếu soạn bài ký khắc vào bia.

Cho vài trăm người cung nữ ra khỏi cung cấm.

Sai sứ thần đi tuần hành các quận huyện.

Nhà vua sai sứ thần chia nhau đi đến các quận huyện trong nước. Khám xét: nếu thấy người nào nghèo túng, già yếu mà còn ở trong quân ngũ thì sa thải cho về; thuế khóa, tạp dịch việc gì quá nặng thì giảm nhẹ đi: buông tha cho người vì lầm lẫn vì vô ý mà phạm tội; làm tỏ rõ lý lẽ cho người gặp điều oan uổng; xá bỏ các thuế tích khiếm từ các năm trước; phát chẩn cho người côi cút, người cùng nghèo; thu dùng những người thất chức; khen thưởng người có công; biểu dương người tiết nghĩa; cất nhắc người liêm khiết; tiến cử người hiền tài. Thi hành chính sách trên, trong kinh sư, ngoài các đạo đều lấy làm vui vẻ.

Trộm cướp nổi lên ở Nghệ An và Thuận Hóa. Hạ lệnh chiêu an phủ dụ.

Lúc ấy, ở Nghệ An và Thuận Hóa bọn trộm cướp đều nổi dậy, quận huyện lân cận không thể dẹp yên được. Nhà vua ra sắc lệnh cho viên quan có trách nhiệm triệt bỏ hết toán lính đi tiễu bắt và chiêu an phủ dụ cho họ trở lại nghề nghiệp cũ.

Lời chua-Nghệ An, Thuận Hóa: đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 21-24).

Hạ sắc lệnh cho thừa chính, hiến sát và phủ, huyện khuyên bảo dân làm ruộng trồng dâu.

Nhà vua lưu ý về việc làm ruộng:

– Ra sắc lệnh cho quan thừa chính, hiến sát phủ, huyện đi tuần hành khuyên bảo nhân dân đắp đê ngăn nước, khơi thông những chỗ úng thủy, đắp bờ ruộng, để đề phòng hạn hán, thủy tai; mỗi xã đặt một chức xã trưởng, chuyên đôn đốc về việc làm ruộng, trồng dâu.

– Phàm quan chức ngoài các đạo có việc vào kinh sư hoặc quan trong triều từ ngoài các đạo trở về, tất nhiên nhà vua triệu đến hỏi han về việc lúa mạ năm ấy được mùa hay mất mùa, trăm họ vui vẻ hay sầu khổ.

– Hạng quân tượng2269 đến lượt phải lên làm việc công đều được chia phiên cho về làm ruộng.

Bọn Võ Hữu, thượng thư bộ Lễ, tâu nói: “Người làm việc bếp nước ở Thái quân thự, so với hàng quân tượng2269 công việc cũng giống nhau, nay các sắc quân tượng đến kỳ hạn đều được chia phiên nhau

về làm ruộng, thế mà người giữ bếp nước vẫn phải ở lại làm việc, như vậy tưởng không được công bằng. Xin từ nay ty Thừa tuyên sứ ở bốn xứ Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây và Kinh Bắc chọn lấy người phú nông trong hạt bổ thêm vào số người làm việc bếp nước, mỗi năm đến tháng 6, tháng 10, nhất luật chia ra từng ban cho về làm ruộng, để cho việc khó nhọc, việc nhàn rỗi được điều hòa”. Nhà vua chuẩn y lời tâu này.

Nguyễn Quang Hiền, tả thị lang bộ Hình, tâu nói: “Tháng 5, tháng 11 năm nay, các sắc quân tượng2271 đều được phép chia phiên nhau về làm ruộng, mà người ngục tốt ở ngục sở trong ty Ngũ hình vẫn phải ở lại làm việc sai phái, như thế chưa được công bằng. Xin từ nay ngục tốt được chia nhau cho về làm ruộng theo như thể lệ quân tượng”. Nhà vua chuẩn y lời tâu này.

Định thể lệ đánh thuế đất bãi, chia làm hai hạng: một nửa là hạng đất trồng dâu, một nửa là hạng đất trồng lạc, mỗi mẫu nộp thuế một quan hai tiền. Xã nào có trồng dâu, thì cho phép nộp một nửa bằng tơ sống: mỗi mẫu một cân tám lạng, mỗi cân giá tám tiền; xã nào không trồng dâu, thì nộp bằng tiền thay cho tơ sống.

Nhà vua hạ chiếu: Từ nay, năm nào thóc lúa được phong đăng, thì ty Thừa tuyên các xứ phải sức rõ cho phủ, huyện đốc thúc dân gian cố sức tích trữ cho nhiều để đi đến chỗ giàu đủ, không nên phung phí, tiêu dùng càn.

Lời chua-Võ Hữu: Người làng Mộ Trạch, huyện Đường An2272 , đỗ tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) năm Quang Thuận đời Lê Thánh Tông.

Nguyễn Quan Hiền: Người làng Vĩnh Kỳ, huyện Từ Liêm2273 , đỗ đồng tiến sĩ khoa Ất Mùi (1475) năm Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.

Tháng 8, mùa thu. Hạ sắc lệnh xét xử ngục tụng cho được trôi chảy xong xuôi.

Nhà vua hạ sắc dụ cho các nha môn xét xử hình ngục: Việc hình ngục quan hệ đến tính mạng của dân, cho nên “việc hình ngục không được để chậm trễ, đã có lời răn ở Chu Dịch2274 hỏi hết những lời cốt yếu để xét đoán kiện tụng” đã chép ở Thượng thư2275 . Vậy từ nay, các việc ngục tụng nào tình lý còn nghi ngờ khó xét, đều phải y theo thời hạn xét xử cho xong. Nếu người nào còn dám để bê trễ, thì cứ đến cuối năm, viên quan cai quản, viên quan đề hình ở bộ Hình, quan giám sát ngự sử và Thanh hình hiến sát sứ ti phải kiểm tra hặc tâu để trị tội; nếu các quan viên nói trên không kiểm tra tâu hặc, thì viên thượng ty trong Ngự sử đài và viên xá nhân được giữ công việc thể sát hặc tâu. Các nha môn nào không xét xử đúng lẽ, thì người bị oan uổng được phép cứ sự thực tâu bày đầy đủ lên triều đình, viên quan ấy sẽ bị tội theo như luật định.

Lời chua-Xá nhân: Tức trung thư xá nhân, xem Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2 (Chb. XXII, 19).

Đặt thêm vệ quân ở Đô ty đạo Quảng Nam.

Trước đây, Đô ty đạo Quảng Nam đặt vệ Thăng Hoa gồm 5 sở, đến nay đặt thêm sở Súng Nỏ, lại đặt vệ Tư Nghĩa và Hoài Nhân mỗi vệ sáu sở.

Lời chua-Vệ quân ở Đô ty Quảng Nam và năm sở thuộc vệ Thăng Oa: Xem Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2 (Chb. XXII, 7, 10).

Vệ Tư Nghĩa: Gồm sáu sở: Dương Nỏ, Siêu Ách, Phủ Giang, Trừng Hải, Phi Duẩn, và Súng Nỏ.

Tháng 11, mùa đông. Hạ sắc lệnh cho Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây và Kinh Bắc nộp thóc vào kinh sư.

Nhà vua hạ sắc lệnh cho 4 xứ Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây và Kinh Bắc sức cho phủ, huyện phái người đốc dân phu chuyên chở thóc công, mỗi xứ đều 12.500 hộc để nạp, chứa vào kho thóc ở kinh sư; còn thóc công ở Thừa chính ty các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Hóa và Tuyên Quang, vẫn thu về chứa ở kho sở tại để việc biên phòng được đầy đủ.

Lời chua-Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Hóa, Tuyên Quang: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16, 35).

Tháng 12. Định rõ phép khảo công.

Nhà vua hạ sắc lệnh cho thượng ty các nha môn ở trong kinh và ngoài các đạo đều phải xét thuộc quan dưới quyền mình cai quản, những người đã đủ ba lần khảo công, có người nào biết hết lòng vỗ về thương yêu, được quân và dân yêu mến, binh không trốn, thuế không thiếu, thì liệt vào hạng xứng chức, người nào tham lam nhũng nhiễu, kinh doanh lợi riêng, mà binh và thuế lại phần nhiều trốn thiếu, thì liệt vào hạng bất xứng chức, rồi đều kê tên từng người tâu lên triều đình, sẽ định việc cho thăng chức hoặc bãi truất bãi.

Nhà vua hạ chiếu: chức thủ lĩnh được ngang hàng với trưởng quan bàn luận việc phải trái, chứ không phải chỉ có việc việc tra xét kiểm duyệt sổ sách mà thôi, cần phải đem lòng công để giữ phép, tự mình ngay thẳng để dẫn đường cho người khác noi theo, như bọn Vũ Phục Long, Phạm Như Dụ và Vũ Thế Hảo triều đình đã cho biểu dương để khuyên những người sau này: thế mà xét ra người giữ chức ấy, có nhiều người vẫn nuôi lòng gian, làm việc xấu, không biết dùng lẽ phải để tự khuyên mình. Vậy từ này, lục khoa ở trong kinh, Hiến ty ở các đạo phải theo sự công bằng phân biệt cho rõ, ai là người liêm khiết, ai là người tham nhũng, đều phải kê tên tâu lên triều đình. Về phần viên giám sát ngự sử các đạo lại cứu xét kỷ lại, rồi tâu bày đầy đủ, sẽ có chỉ dụ định đoạt.

Nhà vua ra sắc dụ bọn Lại bộ thượng thư Trần Cận và Lại khoa cấp sự trung Lê Tung rằng: Bỏ kẻ xấu, dùng người hiền, vì thế mà Ngu Thuấn làm nên được mọi việc; xét về danh, khảo về sự việc, vì thế mà Hán Tuyên đế được nghiệp trung hưng. Quốc gia ta xét theo phép đời xưa mà đặt quan, dùng người hiền tài cùng giúp công việc, về phép tắc tuyển cử, khoa điều khảo công, đã rõ ràng lại đầy đủ, nhưng khốn nỗi, trăm quan coi việc ấy làm văn án chiếu lệ, không phân biệt kẻ dở người hay, vì thế mà con đường làm quan thành ra nhũng lạm. Vậy từ nay quan viên văn võ trong kinh sư, ngoài các đạo, người nào đã làm quan đủ 9 năm, mà thật có tài năng mẫn cán, thì khi khảo công mới được liệt vào hạng xứng chức để thăng thưởng; nếu người nào không có tài năng, phải dựa vào người khác để làm nên công việc, thì không được viện vào lệ đã đủ niên hạn khảo công mà cho lạm thăng được.

Nhà vua lại hạ sắc lệnh cho bộ Lại: Trước đây, việc kén chọn bổ dụng không công bằng, bọn lại điển bổ thừa nhiều quá; hoặc người chỉ có một nghề, cũng được bổ dụng bằng cách cầu may; hoặc người tư túi đút lót, xuất thân vượt cả thứ tự. Đường lối tuyển dụng ấy chứa chất đã lâu, nên công việc cứ đi dần đến chỗ bê trệ. Như thế mà muốn cho chính lệnh được sáng tỏ, để bọn tiểu nhân mất đường len lỏi, thì làm thế nào được? Vậy từ nay, các nha môn trong kinh và ngoài các đạo phải kiểm xét bọn lại điển thuộc dưới quyền mình, người nào liêm khiết, ngay thẳng, công bằng, trong sạch thì được phép lưu dụng; người nào gian trá, nhũng lãm và già yếu kém cõi thì thải bớt cho về, rồi tuyển con em các lương gia đã từng dự thi để sung bổ.

Nhà vua hạ chiếu cho hai ty Thừa chính và Hiến sát các xứ xét kỷ các quan phủ, huyện trong hạt mình, cứ đến cuối năm, khảo công định làm ba hạng: thượng, trung và hạ: như người nào thanh kiêm, cần mẫn, có thành tích chính trị, là hạng thượng khảo; người nào việc quan không thiếu thốn, là hạng trung khảo; người nào không dự vào hai hạng trên, là hạ khảo. Về phần thuộc viên, người lại điển nào thanh liêm, mẫn cán, là trung đẳng; bỉ ổi, lười biếng là hạ đẳng. Sau khi hai ty Thừa chính, Hiến sát đã xét rồi, thì do bộ Lại thẩm tra về công lao hoặc tội lỗi; nếu các quan phủ, huyện đã đủ ba lần khảo công;

lại điển đả đủ niên hạn làm việc, sẽ định thi hành việc thưởng phạt. Còn như công lao hoặc tội lỗi của các quan thừa chính và hiến sát thì do viên quan ở Ngự sử đài xét kỷ, cứ đến cuối năm, định làm ba hạng khảo công: thượng, trung và hạ, rồi tâu bày hoặc đàn hặc.

Lời chua-Thủ Lĩnh: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 6 (Chb. XIX, 32).

Trần Cận: Người làng Thái Bạt, huyện Bất Bạt, đỗ đồng tiến sĩ khoa Ất Sửu năm Quang Thuận đời Lê Thánh Tông2276 .

Niên hạn những thuộc lại: Xem Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 8 (Chb. XXIII, 10-11).

Kỷ Mùi, năm thứ 2 (1499). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 12).

Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua cày tịch điền2277 .

Tháng 4, mùa hạ. Định rõ thể lệ thi hội.

Nhà vua bảo với bọn Võ Hữu, thượng thư bộ lễ, rằng: “Nhân tài là tinh anh của quốc gia, khoa cử là đường rộng phẳng của sĩ tử. Phép chọn lấy sĩ tử của quốc gia ta làm theo phép đời cổ, đã đầy đủ lại rõ ràng; nhưng phép lập lâu ngày, sau sinh ra tệ: kẻ thường tài được lạm tuyển, người thực học còn bị bỏ rơi, việc thủ xả phần nhiều không làm hài lòng bọn sĩ tử. Nếu phép thi cử không nghiêm, thì không làm thế nào ngăn ngừa được thói cầu may mà tuyển lấy nhân tài chân chính được”. Nhà vua bèn hạ lệnh định rõ lại cấm điều: Trường thi chia làm 4 vi, mỗi vi đều đựng một cái chòi cao; đến ngày sĩ tử vào trường thi, thì mỗi chòi đều có một viên hiệu úy đứng ở trên chòi, để tiện trông xa kiểm soát. Đầu bài thi, do bầy tôi thân cận viết cho thật đúng, rồi đều chiếu theo thứ tự từng phòng của sĩ tử mà phân phát; viên quan tuần xước thì hàng ngày luân chuyển đi tuần, các quan chấm thi nếu viên nào có bà con thân thích dự thi, đều được hồi tị2278 .

Tháng 5. Hạn hán. Nhà vua ra sắc lệnh cho các quan có trách nhiệm hoãn việc hình ngục.

Vì hạn hán, nhà vua cầu đảo ở Thái Miếu, lại hạ sắc lệnh cho bộ Hình hoãn việc quyết đoán những người phạm tội phạt trượng và kê khai tội trạng những người ấy tâu trình.

Tháng 7, mùa thu. Ban huấn điều cho trong kinh sư và ngoài các đạo.

Hồi đầu năm Hồng Đức, vua Thánh Tông định ra 24 huấn điều, đến nay nhà vua làm cho huấn điều ấy được thêm sáng tỏ, dụ bảo bọn quan, quân và dân rằng: Thế đạo thịnh hay suy quan hệ phong tục, phong tục tốt hay xấu quan hệ ở khí vận. Kinh Dịch nói: “Người quân tử theo nghĩa quẻ Tiệm Lâm cho đạo đức ngày một tiến, phong tục ngày thêm hay”2279 . Kinh Thư nói: “Ban bố rộng năm đạo thường, kính cẩn để hòa hợp với tính trời sẵn có của dân chúng”2280 . Kinh thi nói: “Giữ khuôn phép, không trái lẽ thường, mới uốn nắn cho người bốn phương được ngay thẳng”2281 . Kinh lễ nói: “Chỉnh tề tám chính sách để ngăn ngừa sự thiên lệch, thống nhất đạo đức để phong tục được hòa đồng”2282 . Sách thánh hiền dạy bảo

chứng cớ đã rõ ràng. Các đế vương đời cổ chịu mệnh trời, giữ ngôi báu, ngự trị trên đời, ứng phó mọi việc, không ai là không tuân theo sự cần kíp ấy. Vua Thái Tổ Cao hoàng đế triều ta vỗ yên nước nhà, gây dựng cương kỷ; vua Thái Tông Văn hoàng đế làm cho phép trời được sáng tỏ, đạo thường của dân được phơi bày; vua Thánh Tông Thuần hoàng đế mở rộng công đức của đời trước; giáo hóa thấm đến nhân dân. Quốc triều ta, thánh thần nối dõi, khuông thước noi theo, nhân đức chan chứa cả trong ngoài, chính giáo thấm nhuần khắp trên dưới, triệu dân mừng hưởng phúc lành, muôn năm kế thừa lộc vị. Nay trẫm ngự ngôi trời, kính theo phép cũ, làm điều hiếu kính để dựng căn bản đạo trung dung, giữ vững cương thường để mở rộng những điều dạy bảo; người trên làm, người dưới bắt chước, đã đi đến chỗ yên vui, nhưng muốn cho việc trị an được lâu dài, công nghiệp tiến lên mãi mãi. Vì thế hạ dụ chỉ này, đặc biệt nêu rõ từng điều, để lần lượt nghi vào sổ sách.

Lời chua-Ban hành huấn điều gồm 24 điều: Theo Hồng Đức Thiên Nam dư tập, 24 điều như thế này:

1. Cha mẹ dạy con, phải dùng khuôn phép hợp với lẽ phải; con trai, con gái đều dạy cho có nghề nghiệp, không được để buông tuồng vào cờ bạc rượu chè, tập nghề xướng hát, để hại đến phong tục.

2. Người gia trưởng tự mình giữ lễ phép tiết độ, để uốn nắn người trong nhà mình; nếu con em trong nhà làm việc trái, thì người gia trưởng sẽ bị tội.

3. Vợ chồng siêng năng, sẻn nhặt, sửa sang công việc trong nhà; đối với nhau có ân có nghĩa không bao giờ thay đổi; chỉ lúc nào người vợ phạm vào tội “thất xuất”2283 bấy giờ phải dùng lý mà xử đoán, không được quá yêu quyến luyến dung túng xuê xoa, để hại đến phong hóa.

4. Con em trong nhà, nên thân yêu với anh em, hòa thuận với làng xóm, lấy lễ nghĩa tự giữ mình, nếu người nào làm trái thì tôn trưởng dạy bảo bằng cách roi vọt nhỏ để quở phạt, quá lắm thì cáo tố ở cửa công xét xử.

5. Ngoài làng xóm, trong họ hàng, người nào gặp hoạn nạn, thì nên chu cấp thương xót lẫn nhau. Nếu có người làm việc nghĩa nổi tiếng, thì các viên phủ huyện sở tại trình với hai ty Thừa chính và Hiến sát thực tâu bày đầy đủ, sẽ được triều đình biểu dương.

6. Người đàn bà có lỗi, nếu cha mẹ và chồng có trừng trị, thì phải bỏ hẵn lòng tà, sửa đỗi tội lỗi, không được thiện tiện tự ý bỏ trốn, có điều trái với đạo người đàn bà.

7. Đàn bà góa chồng, không được tìm kiếm người trai trẻ, nói thác là con nuôi, làm việc gian dâm vụng trộm.

8. Đàn bà, sau khi chồng chết, hoặc chồng có các con của người vợ trước cũng như con vợ lẽ nàng hầu, thì mình phải mang lòng yêu thương, không được lập tâm tham chiếm tài sản, lo toan làm việc lợi riêng cho mình.

9. Đàn bà, khi chồng chết mà mình chưa có con, thì nên ở nhà chồng, theo việc tang việc tế đúng như nghi lễ; không được tư túi tài sản đem lén lút về nhà cha mẹ đẻ của mình.

10. Bổn phận chính của người đàn bà là phải thuận theo chồng, không được cậy là cha mẹ mình giàu sang, mà kêu ngạo với nhà chồng; người đàn bà nào trái lệnh, thì cả cha mẹ người ấy cũng phải tội.

11. Bọn sĩ phu phải đôn đốc học nghiệp, phẩm hạnh, giữ điển lễ chung; nếu có người nào thi thọt cửa quyền, dựa thế lực người trên, ra oai nạt nộ người khác, sẽ phải tước bỏ tên tuổi, suốt đời không được kể là hạng sĩ phu.

12. Bổn phận người điển lại chỉ có việc giữ sổ sách văn thư, làm công việc theo chức phận của mình; nếu có người nào dùng trí thuật làm điên đảo giấy tờ, thì viên quan cai quản phải kiểm xét cho ra để trị tội.

13. Quân và dân nên hiếu với cha mẹ, thảo với anh em, hết sức làm ruộng; người ra ngoài, người ở nhà, phải giữ gìn lẫn cho nhau: đến kỳ thượng phiên2284 thì vui vẽ đi làm công việc, không được lười biếng trốn tránh. Nếu có ai nổi tiếng là người lương thiện, thì các viên phủ, huyện sở tại trình lên hai ty Thừa Chính và Hiến sát xét thực, rồi tâu bày đầy đủ, sẽ được khen thưởng.

14. Người buôn bán nên theo thời mà lưu thông phẩm vật, không được lừa thưng tráo đấu, không được nhân cơ hội tụ tập đồ đảng, lén lút làm trộm cướp, người nào phạm pháp, sẽ bị trị tội nặng.

15. Việc cưới gả, việc tế tự, phải dựa theo lễ pháp, không được tiếm vượt quá phận định của mình.

16. Khi chèo hát, lúc hội hè, trai gái đến chơi xem, không được đứng ngồi lẫn lộn để ngăn ngừa thói dâm ô.

17. Nhà cửa, hàng quán ở dọc đường, nếu có phụ nữ đi xa vào ngũ trọ, thì cửa ngõ phải đề phòng cẩn mật; nếu người nào dám lấy sức khỏe làm việc ô nhục, khi việc phát giác, thì người can phạm và chủ nhà đều phải trị tội.

18. Các viên phủ, huyện đều chiểu theo địa phận sở tại, cắm thẻ bài răn chặn trai gái không được tắm cùng một bến, để tỏ rõ sự phận biệt về lễ phép.

19. Xã thôn nên chọn một, hai người tuổi cao, đạo đức, học lực khá, phẩm hạnh tốt làm người đứng đầu, cứ những ngày nhàn rỗi, đưa nhân dân đến đình quán, công sở, hội họp giảng giải lời cáo dụ, để cùng nhau trông vào đấy mà làm điều lành, cùng tiến đến phong tục tốt đẹp.

20. Trong hạt các phủ huyện, nếu có kẻ nào cường xâm chiếm ruộng đất, ức hiếp người cô độc, xui nguyên giục bị kiện cáo lẫn nhau, thì cho phép xã thôn dò xét tố giác để nghĩ trị; nếu phủ huyện nào vì tình riêng mà ẩn giấu đi, sẽ bị luận vào tội giáng chức hoặc bãi chức.

21. Những nhà tước vương, tước công và đại thần chứa chấp người tư cách hèn hạ làm cò mồi đưa đồ đút lót, cùng nô tỳ những nhà ấy mua ức phẩm vật của dân, thì cho phép người đương sự đến cửa quan tố cáo, bọn can phạm sẽ bị trừng phạt nặng.

22. Viên quan giữ chức trách chăn dắt dân2285 , nếu viên nào biết dạy bảo đốc sức nhân dân trong hạt hăng hái theo lễ nghĩa nhún nhường, thì ty hiến sát xét thực, ghi vào hạng nhất trong dịp khảo công; nếu viên nào không siêng năng dạy bảo nhân dân, khi khảo công, liệt vào hạng không làm đầy đủ chức phận.

23. Xã trưởng, thôn trưởng, và phường trưởng người nào biết siêng năng, năng dạy bảo đốc sức, làm cho phong tục làng xóm trở nên tốt lành, thì các viên phủ huyện trình bày rõ với hai ty Thừa chính và Hiến sát xét thực, tâu lên triều đình, sẽ ban thưởng.

24. Phàm những người Man, người Lạo ở ven biên giới, phải kinh giữ luân lý, không được làm rối loạn đạo thường, như sau khi cha, anh, chú bác đã mất rồi, người nào là con cháu, anh em với người đã chết ấy không được nhận lấy vợ cả hoặc vợ lẽ của họ làm vợ mình; nếu ai trái lệnh, sẽ phải trừng trị một cách nghiêm ngặt.

Cấm lấy đàn bà, con gái nước Chiêm Thành.

Nhà vua hạ chiếu: “Từ nay, trên từ thân vương, dưới đến trăm họ, nhất luật không ai được lấy đàn bà, con gái nước Chiêm Thành làm vợ cả hoặc vợ lẽ, để cho phong tục được thuần hậu”. Việc này là theo lời của Hộ khoa cấp sự trung Vũ Lộc tâu bày.

Nhà vua hạ chiếu: Từ nay nhân dân đạo Quảng nam không được thiện tiện cướp bóc dân Man, mua bán nô tỳ riêng; nếu ai trái lệnh, sẽ phải tội.

Định rõ lại lệnh nộp thóc sẽ trao cho quan chức.

Theo chế độ cũ, các sắc quân và dân, ai tình nguyện nộp thóc đều tùy theo số thóc nộp nhiều hay ít mà trao cho quan tước, không phân biệt gì người hay, kẻ dở. Đến nay, nhà vua hạ sắc lệnh: phàm ai là người lương thiện, mới chuẩn y cho nộp thóc và trao cho quan tước; nếu ai là những kẻ ác nghịch, trộm cướp, xui nguyên giục bị, hào cường ngỗ ngược và phường chèo con hát, thì bản thân họ và con cháu họ đều không được dự.

Lời chua-Thể lệ nộp thóc được trao quan chức: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ nhất (Chb. XIX, 9).

Sửa chùa Thiên Phúc2286 .

Trước đây, vào năm Quang Thuận thứ nhất (1460), hoàng thái hậu Nguyễn Thị2287 được tuyển vào chầu trong cung, phong làm sung nghi ở cung Vĩnh Ninh. Lúc ấy Thánh Tông chưa có con trai, Quang Thục hoàng thái hậu2288 thường vì Nguyên Thị cầu đảo, sai người cha Nguyễn Thị là Nguyễn Đức Trung cầu đảo ở am Từ Công trên núi Phật Tích, mới sinh ra nhà vua bây giờ. Đến nay, nhà vua hạ lệnh sửa lại chùa Thiên Phúc, ban hiệu cho am Từ Công là “Hiển Thụy”, lập bia đá ghi lấy sự việc.

Lời chua-Chùa Thiên Phúc: Theo mục “Địa lý chí” trong lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, núi Phật Tích ở xã Thụy Khê, huyện Yên Sơn, có một tên nữa là núi Thày. Tương truyền trên núi có động, thời nhà lý, chỗ này là nơi Từ Đạo Hạnh trút lốt. Viện Bố đà và am Hương Hải ở trên núi đều do Đạo Hạnh dựng lên. Chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích, hiện nay vẫn còn.

Tháng 11, mùa đông. Đặt ty Đình úy.

Theo chế độ cũ, ty Đình úy thuộc vệ Cẩm Y. Quan chức ty này có chỉ huy sứ, chỉ huy đồng tri và chỉ huy thiêm sự, mỗi chức một người, đều dùng quan võ sung bổ. Phàm việc ngục tụng nào còn nghi ngờ mà tình trạng nặng, thì các quan trong ty phụng mạng vua tra hỏi. Đến nay, đặt làm một ty riêng, về chức chỉ huy sứ, chỉ huy đồng tri và chỉ huy thiêm sự đều chọn người văn thân có chức vị trọng đại để quản lãnh.

Tháng 12. Lập con là Thuần là thái tử.

Trước đây, bọn thái bảo Lê Vĩnh và đô kiểm điểm Lê Năng Nhượng tâu xin dự bị lập thái tử, để cho căn bản trong nước được vững vàng, nhà vua nói: “Các ngươi lo xa đến việc lớn tông miếu xã tắc, thật là đáng khen”.

Trẫm xét các hoàng tử, thì: Tuân, con cả, thích mặc áo phụ nữ, lại đầu độc cả mẹ; Tấn, con thứ hai, là người không có đức, e rằng không đương nổi ngôi báu; chỉ có Thuần, con thứ ba, rất ham thích Thi, Thư, dốc lòng hiếu kính, trẫm thân hành vỗ về dạy bảo, nay đã trưởng thành. Vậy quyết đoán từ lòng công bằng của trẫm, lập Thuần giữ ngôi hoàng trừ2289 . Việc này không phải là bỏ con trưởng mà lập

con thứ, mà chỉ là vì thiên hạ chọn vua hiền; nghĩ cho phép dựng cung mới ở bên cạnh điện đình và bàn luận về nghi lễ lập ngôi trừ nhị2290 . Công việc này, giao các viên quan có trách nhiệm chọn ngày thi hành”. Đến nay, nhà vua sai Lê Vĩnh và Điện tiền đô kiểm điểm Lê Lan phụng đệ sách thư, bảo ấn, lập con là Thuần làm hoàng thái tử.

Lời chua-Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, An Vương Tuân, con trưởng của Hiến Tông, là người thông minh học rộng, sức lực hơn người, nhưng tính ngang bướng, thích mặc áo phụ nữ; lúc bé thương vì sự không được như ý, đem thuốc đầu độc mẹ, vì thế Hiến Tông ghét bỏ, đổi lập hoàng tử Thuần. Kịp khi Túc Tông2291 lên ngôi, An Vương không đem lòng oán giận, đổi hết nết cũ, thờ mẹ rất hiếu; lại chịu khó tự giữ mình kín đáo, làm cho Uy mục đế2292 không ngờ vực chút nào. Tháng 9, năm Hồng Thuận2293 thứ 4, An Vương mất, tặng phong Yên đại vương.


2215 Tức chánh chủ khảo sau này.

2216 Tức phó chủ khảo sau này. Xem thêm chính biên quyển XXXIV, tờ 8.

2217 Một danh từ để gọi chung các viên quan giữ một nhiệm vụ nhất định.

2218 Nay huyện Thư Trì hợp với huyện Vũ Tiên thành huyện Vũ Thư thuộc tỉnh Thái Bình.

2219 Xem chú thích số 1. Chính biên quyển IV, tờ 19.

2220 Xem thêm Chính biên quyển XXI, tờ 12 về việc Lê Thánh Tông kể tội lỗi và nết xấu của Trần Phong.

2221 Tức Nghi Dân.

2222 Lời phê này có ý muốn nhắc đến việc ân xá tháng 8 năm Hồng Đức thứ 13, tháng 2 năm thứ 15 và lần này nữa.

2223 Chỉ oai vua nhà Minh.

2224 Một chức quan giữ việc nghi lễ và đi sứ nước ngoài.

2225 Một nước đã bị xâm lấn mất đất đai, nay cho nước ấy lại được bảo tồn lấy đất đai cũ của mình; mà dòng giống của vua chúa đã bị diệt vong, nay cho dòng giống ấy lại được kế tiếp giữ lấy cơ nghiệp của tổ tông mình. Chế độ này đặt ra từ đời nhà Thương, nhà Chu ở Trung Quốc.

2226 Xét công trạng lần thứ nhất.

2227 Xét công trạng lần thứ hai.

2228 Xét suốt cả công trạng trong 9 năm.

2229 Một viên quan chức dưới, được quyền giữ công việc chức trên, để thử thách về tài năng, vì chưa được chính thức bổ dụng, nên gọi là thí quan, cũng như danh từ “thí sai” sau này. Xem thêm lời chua của Cương Mục chính biên quyển XXIII, tờ 9.

2230 Nha môn có nhiều việc phiền kịch.

2231 Nha môn ít việc, công việc đơn giản.

2232 Năm Quang Thuận thứ 10 đã đổi tên là phủ Phụng Thiên, quản lĩnh hai huyện: Thọ Xương và Quảng Đức. Vị trí phủ này ở liền kinh thành Thăng Long, nên lệ thuộc thẳng với kinh sư, không lệ thuộc vào một xứ nào trong 13 xứ cả.

2233 Nguyên văn chép 22 sở (nhị thập nhị sở), nhưng nếu cứ lấy hai chữ làm tên một sở như các sở ở Nghệ An, Thuận Hóa, An Bang, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn, và Quảng Nam, thì thủ ngữ của Thái Nguyên lại là 32 sở. Như vậy không biết có phải nguyên thư in nhầm chữ “tam” ra chữ “nhị” không? Hay là có tên sở nào ba chữ hoặc bốn chữ mà tách ra không được đúng chăng? Vì sách in đã không chấm ngắt ra, mà các sở ấy lại đều là những tên lạ, không biết tách ra từng sở thế nào cho chính xác được.

2234 Chỉ việc Nghi Dân giết Lê Nhân Tông cướp ngôi vua. Xem thêm Chính biên quyển XVIII, tờ 34.

2235 Niên hiệu Lê Nhân Tông (1443-1453).

2236 Chỉ việc Nghi Dân trèo thành vào cung điện giết mẹ con Lê Nhân Tông, xem thêm Chính biên quyển XVIII, tờ 34-35.

2237 Không phải tên một chức quan, mà là danh từ để gọi chung các quan văn võ được phụng mạng vua vào chầu, vào yết kiến trong kinh đô.

2238 Một danh từ để gọi riêng những viên quan được giữ chính thức, còn thuộc quyền viên quan chính chức, giúp đỡ công việc trong một nha môn.

2239 Năm được mùa.

2240 Đạo làm vua.

2241 Tiết thảo người làm tôi.

2242 Vua sáng, tôi hiền.

2243 Tưởng nhớ người anh tuấn, hiền tài (chú thích theo Việt sử mục lục).

2244 Khí vận tỏ vẻ đặc sắc.

2245 Những thư thảo trong lúc vui đùa đã thành văn (chú thích theo Việt sử mục lục).

2246 Người văn học.

2247 Hoa mai.

2248 Chữ “quỳnh” nghĩa đen là viên ngọc quý, người ta thường dùng chữ này để tượng trưng cho thứ gì tinh anh trong sáng. Chữ uyển có một nghĩa là tụ họp. Tống Thái Tổ thường ban yến cho các tiến sĩ ở quỳnh lâm uyển, vua tôi xướng họa thơ phú với nhau. Có lẽ Lê Thánh Tông cùng phỏng theo vận sự đời Tống, nên đặt tên chín khúc hát là “quỳnh uyển cửu ca”.

2249 Tao đàn cũng như văn đàn, thi đàn. Chữ “tao” có nghĩa là văn chương thanh tao đến tuyệt diệu. Chữ “đàn” có nghĩa là một nơi quãng trường. Bốn chữ này có ý nói một viên tướng đứng đầu trong quảng trường của Thi Nhân, mặc khách.

2250 Lời phê này nhắc lại việc tai biến đã xảy ra đời Lê Thánh Tông: 11 lần hạn hán, 6 lần thủy tai và 4 lần dân bị kém đói.

2251 Chỉ vào đầu đề của chín khúc hát, như: phong niên, minh lương, kỳ khí v.v…

2252 Chỉ vào việc đặt tên khúc hát là “quỳnh uyển cửu ca” và vua tôi xưng hô là Tao đàn nguyên soái, phó nguyên soái và nhị thập bát tú.

2253 Sử thần nhà Nguyễn cho việc Nghi Dân giết Nhân Tông cướp ngôi vua không phải là chính thống và coi như chính thống nhà Lê đến đây đã mất; đến khi thánh tông lên làm vua, họ cho là lại kế tiếp được chính thống, vì thế họ chép đời Lê Thánh Tông là trung hưng.

2254 Sử phong kiến lẫn lộn nước với vua là một, vì thế họ nhận Lê Thái Tổ sáng lập cơ nghiệp nhà Lê tức là mở nước, nên chép là khai quốc.

2255 Nay thuộc thôn Thúy Lĩnh, xã Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

2256 Nay là xã Kim Chân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

2257 Văn đế nhà Hán lúc sắp mất, để tờ chiếu lại cho chịu tang 36 ngày, như thế là đem 36 ngày thay thế cho 36 tháng (3 năm).

2258 Mặc áo mới cho người chết, và bó thi thể lại.

2259 Bó thi thể vào áo quan.

2260 Chôn quàn. Theo nghi lễ cổ, thiên tử chết, bảy ngày làm lễ quàn, bảy tháng làm lễ táng; vua chư hầu chết, năm ngày làm lễ quàn, năm tháng làm lễ táng: đại phu sĩ và thứ nhân chết, ba ngày làm lễ quàn, ba tháng làm lễ táng.

2261 Khi linh cửu còn để trong nhà, mỗi ngày hai buổi, con cháu đặt cổ lên bàn thờ để cúng tế, gọi là triệu điện, tịch điện.

2262 Nay là thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

2263 Nay thuộc xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng, Thái Bình.

2264 Nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh.

2265 Nay thuộc xã Quảng Phú, huyện Gia Lương, Bắc Ninh.

2266 Xem chú thích số 1, quyển VI, tờ 20.

2267 Nguyên văn: “Hữu bị võ hoạn” (thiên Duyệt mệnh trung), Thư kinh đại toàn quyển V, tờ 28).

2268 Nguyên văn: Trùng môn kích tích, dĩ dãi bạo khách”. (Hệ từ hạ, Dịch kinh đại toàn quyển XIX, tờ 9).

2269 Những người thợ sung vào quân ngũ các vệ, giữ việc xây dựng kho tàng, đền quán và dinh thự… (Việt sử thực lục quyển XIV, tờ 17).

2270 Những người thợ sung vào quân ngũ các vệ, giữ việc xây dựng kho tàng, đền quán và dinh thự… (Việt sử thực lục quyển XIV, tờ 17).

2271 Những người thợ sung vào quân ngũ các vệ, giữ việc xây dựng kho tàng, đền quán và dinh thự… (Việt sử thực lục quyển XIV, tờ 17).

2272 Nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương.

2273 Nay thuộc xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Tây.

2274 Nguyên văn: “bất lưu ngục” (Tượng từ quẻ Lữ, Chu đinh đại toàn quyển XV, tờ 32).

2275 Nguyên văn: “phí tế yếu tù” (thiên khang cáo, Thượng thư đại toàn quyển VII, tờ 39).

2276 Niên hiệu Quang Thuận đời Lê Thánh Tông chỉ có năm kỷ sửu (1469) không có năm Ất Sửu. Ất Sửu thuộc năm Thái Hòa thứ 3 (1445) đời Lê Thánh Tông. Ở đây, có lẽ Cương mục chép lầm, sẽ khảo cứu sau. Làng Thái Bạt nay thuộc xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, Hà Tây.

2277 Xem chú thích số 2. Chính biên, quyển 1, tờ 23.

2278 Xin miễn dự vào việc chấm thi, để tránh tai tiếng.

2279 Nguyên văn: “Quân tử dĩ cư hiền đức thiện tục” (Quẻ Tiệm sách Chu Dịch).

2280 Nguyên văn: “Hoằng phu ngũ điển, thức hỏa dân tắc” (Thiên Quân nha, sách Thượng thư). Năm đạo thường: vua, tôi, cha, con, vợ, chồng, anh em và bè bạn.

2281 Nguyên văn: “kỳ nghĩ bất thắc, chính thị tứ quốc”. (thơ XI-cưu, sách Mao thi).

2282 Nguyên văn: “Tề bát chính dĩ phòng dâm, nhất đạo đức dĩ đồng tục (thiên vương chế, sách lễ kỷ). Tám chính sách; thức ăn+thức mặc+nghề nghiệp của từng người+đồ dùng của từng địa phương+trượng thước dùng để đo đạc+đấu hộc dùng để đong lường+số nhiều, số ít của từng đơn vị+bề rộng, bề hẹp của từng đồ dùng (tờ 66, sách đã dẫn trên).

2283 Theo lễ giáo cổ, người đàn bà nào phạm bảy điều sau đây, sẽ bị chồng bỏ: – không có con;- dâm đảng;- không kính thờ cha mẹ chồng;-lắm lời nhiều điều; -ăn trộm, ăn cắp;-ghen tuông;-có chứng bệnh như hủi, điên, câm điếcv.v… Nhưng đối với vợ của bọn vua chúa thì dầu không có con cũng không phải bỏ, nên chỉ có “lục xuất”.

2284 Chế độ triều Lê, quân và dân tuy ở nhà làm ruộng, nhưng mỗi xã vẫn có một số người cắt phiên nhau đi làm việc cũng trong một thời gian nhất định.

2285 Nguyên văn chép “mục dân chi quan”, tức chỉ các viên phủ, huyện vì phủ, huyện là người gần gủi vớt dân hơn cả, phải làm cho dân được cơm no, áo ấm, nên quan niệm cổ cho phủ huyện có nhiệm vụ chăn dắt dân.

2286 Còn gọi là chùa Thầy, nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.

2287 Tên là Huyên, tức Trường lạc hoàng hậu, vợ Thánh Tông, mẹ Hiến Tông, khi Hiến Tông lên ngôi vua, tôn hoàng thái hậu. Theo lời của sử thần Võ Quỳnh khi Thánh Tông còn sống, Nguyễn Thị bị giam lỏng ở một cung riêng, lúc Thánh Tông bị bệnh, mới được vào thăm. Nguyễn Thị liền giấu thuốc độc trong tay, sờ vào mụn nhọt, vì thế mà bệnh Thánh Tông thêm kịch rồi chết.

2288 Tên là Ngô Thị Dao, vợ Thái Tông, mẹ Thánh Tông.

2289 Một danh từ để gọi riêng con vua được lập làm hoàng thái tử, để trù bị nối ngôi sau này.

2290 Cũng như hoàng trừ, đã chú giải ở trên.

2291 Tức hoàng tử Thuần.

2292 Tên là Tấn, con thứ hai của Hiến Tông.

2293 Niên hiệu Tương Dực đế (1509-1516).